Chương trình Thời sự thứ Sáu, 14/02/2020

Cẩm Nhung | 14/02/2020 | 755 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Melbourne: Một bé gái bị thương sau khi ăn phải kim khâu được giấu trong táo

- Tin Úc: Giới chức Úc đã chuẩn bị cho “mọi tình huống” trước dự đoán sẽ có thêm ca nhiễm COVID-19

- Melbourne: Nhà hàng Shark Fin House buộc phải đóng cửa giữa nỗi sợ lây lan virus corona

- NSW: Thu hồi khẩn cấp sản phẩm sữa Dairy Farmers do lo ngại nhiễm khuẩn E. coli

- Victoria: Chính quyền bang Victoria kiến nghị tăng mức thanh toán hưu bổng lên 15%

- Geelong: Bắt giữ người đàn ông hai lần đe dọa phụ nữ để cướp xe hơi

- Victoria: Các doanh nghiệp ở khu vực hẻo lánh của bang Victoria đang tiết kiệm đáng kể thuế bảng lương

- Tin Úc: Hãy ủng hộ người trồng hoa trong nước bằng cách tặng hoa được trồng ở Úc nhân ngày Valentine

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ủy ban Y tế Hồ Bắc hôm 14/2 thông báo có thêm 116 ca tử vong, đưa số người chết tại Trung Quốc đại lục lên 1.380. Hồ Bắc cũng có thêm 4.823 ca nhiễm mới, chủ yếu là các bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại tỉnh lên 51.986 và tại Trung Quốc đại lục lên 64.627. Tỉnh có 36.719 bệnh nhân được nhập viện, trong đó 1.685 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, và 4.131 bệnh nhân đã xuất viện. Riêng tại Vũ Hán, thủ phủ của Hồ Bắc và là nơi virus khởi phát, 3.900 ca nhiễm mới và 88 ca tử vong được ghi nhận. Toàn thế giới hiện có 64.434 trường hợp nhiễm bệnh, 1.383 người chết và 6.766 người được chữa khỏi. Ba ca tử vong được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông Vũ Hán ở Philippines, một người đàn ông ở Hong Kong và một cụ bà trong độ tuổi 80 ở Nhật Bản.

Gần 5.000 trường học ở Nga đã phải đóng cửa để cách ly học sinh khi tỷ lệ mắc bệnh cúm và viêm đường hô hấp cấp tính vào tuần vừa qua đã vượt ngưỡng tại 37 khu vực. Tuy vậy, các chuyên gia giám sát dịch tễ học ở Nga khẳng định điều này là thông thường trong thời điểm dịch cúm bùng phát khi vào mùa đông. Theo Cơ quan kiểm giám tiêu dùng LB Nga, tỷ lệ mắc cúm tăng cao được ghi nhận đến 50% tại nhiều khu vực. Đối tượng chủ yếu là trẻ em từ 7 đến 14 tuổi. Các nhà chức trách Nga đang thi hành các biện pháp khẩn cấp, cho đóng cửa gần 4.900 trường học và 280 nhà trẻ để ngăn ngừa dịch cúm lan rộng. Ngoài ra, còn các lớp học được nghỉ cách ly tại 4.500 cơ sở giáo dục. Trong bối cảnh dịch cúm đang bùng phát tại Nga cùng với những thông tin về dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế Nga khuyến cáo người dân tránh đến những nơi đông người nếu không cần thiết, sử dụng khẩu trang y tế, đưa ra các lời khuyên tăng cường sức miễn dịch và các biện pháp phòng ngừa mắc bệnh.

Thái Lan đưa mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay có cồn vào danh mục các mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá. Ngày 12/2, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ không phê duyệt, cấp phép cho các nhà sản xuất khẩu trang trong nước xuất khẩu ra nước ngoài, nhằm đảm bảo nhu cầu tăng cao ở trong nước do dịch COVID-19. Các nhà sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu đều phải báo cáo về sản lượng, chi phí sản xuất, khối lượng hàng sản xuất và tồn kho… cho nhà chức trách. Hiện tại ở Thái Lan có 170 mặt hàng trong danh sách theo dõi ưu tiên của nhà nước và 52 trong số đó nằm trong danh sách kiểm soát giá.

Bộ Tư Pháp Saudi Arabia cho biết, giới chức nước này đang sửa đổi luật theo hướng trao thêm quyền bình đẳng cho phụ nữ trong các vụ ly hôn. Tòa án sẽ có quyền xét xử một vụ ly hôn ngay cả khi người chồng không tới tham dự phiên tòa. Ở Saudi Arabia, trước khi luật được sửa đổi, người chồng có thể từ chối ly hôn bằng cách không tới dự phiên tòa. Người phụ nữ đã kết hôn về cơ bản bị ràng buộc với cuộc hôn nhân, cho dù vợ chồng đã ly thân. Bộ Tư pháp nước này cho biết, các quy định mới có thể rút ngắn thời gian pháp lý của một vụ ly hôn từ 3 tháng xuống còn ít hơn 10 ngày. Hiện có khoảng 4.000 vụ ly hôn mỗi tháng tại Saudi Arabia, tương đương 6 vụ/giờ.

Tờ Political cho hay, Bộ Tư pháp Mỹ đang hoàn tất thủ tục kiện các bang California và New Jersey ra tòa vì áp dụng các luật mang tính chất cản trở công tác quản lý di trú. Bộ Tư pháp Mỹ kiện bang California vì đưa ra luật cấm các trung tâm tạm giữ tư nhân hoạt động. Còn bang New Jersey bị kiện vì luật giới hạn sự hợp tác với giới chức di trú liên bang. Bộ Tư pháp Mỹ cũng kiện một quận ở bang Washington vì ra quy định cấm nhà thầu liên bang dùng sân bay Seattle để trục xuất người nhập cư trái phép. Tuần trước, Bộ An ninh nội địa Mỹ thông báo sẽ loại cư dân New York ra khỏi các chương trình nhập cảnh toàn cầu vì New York cho phép người nhập cư không giấy tờ được thi lấy bằng lái xe.

Ngày 13/2, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết trong 2 tuần qua, gần 8.000 người Cameroon đã tràn sang Nigeria nhằm tránh những cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và các nhóm ly khai vũ trang ở trong nước. Những nhóm người mới nhất đã vượt biên vào bang Taraba và Cross Rivers ở Nigeria, nâng tổng số người tị nạn tại đây lên gần 60.000 người. Những người tị nạn cho biết họ đang chạy trốn bạo lực, trong đó có một số người còn đang mang vết thương do súng đạn. Đa số những người tị nạn tới từ các khu vực gần biên giới và họ đã phải băng qua thảo nguyên và rừng rậm để tới được Nigeria. Tháng 10/2017, xung đột vũ trang đã bùng phát tại khu vực Tây Bắc và Tây Nam Cameroon (giáp biên giới Nigeria). Lực lượng nổi dậy tại khu vực nói tiếng Anh muốn tách khỏi khu vực nói tiếng Pháp của Cameroon. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người. Liên hợp quốc (LHQ) ước tính hơn 679.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa.

Ngày 13/2, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã đưa ra 16 cáo buộc nhằm vào tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc), trong đó có lừa đảo và âm mưu đánh cắp bí mật kinh doanh. Theo DoJ, Huawei và một số công ty con đã lợi dụng những thỏa thuận bí mật với một số công ty Mỹ để đánh cắp tài sản trí tuệ của những doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, Huawei cũng bị buộc tội lừa dối các điều tra viên liên bang, cản trở cuộc điều tra về những hoạt động của tập đoàn này. Cũng theo tuyên bố của DoJ, Huawei được cho là đã đưa ra chính sách thưởng cho bất cứ nhân viên nào sở hữu được thông tin bí mật từ các công ty đối thủ. Hiện Huawei vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến những cáo buộc trên.

Ngày 13/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt đầu cải tổ Nội các với việc sa thải Bộ trưởng phụ trách vùng Bắc Ireland Julian Smith dù ông này có công lớn trong việc tái thiết lập chính phủ chia sẻ quyền lực tại vùng lãnh thổ này. Đây là lần cải tổ Nội các đầu tiên mà ông Johnson tiến hành sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12/2019 và sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - hôm 31/1 vừa qua. Reuters đưa tin, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã ngầm chỉ trích người đồng cấp Anh Boris Johnson vì đã sa thải Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland Julian Smith, đồng thời ca ngợi ông Smith là "một trong những chính trị gia giỏi nhất của Anh trong thời gian chúng tôi cầm quyền." Ngày 13/2, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid đã từ chức. Thủ tướng Anh đã ngay lập tức bổ nhiệm ông Rishi Sunak, 39 tuổi, làm tân Bộ trưởng Tài chính. Sau nhiều năm rối loạn chính trị vì Brexit, ông Johnson giờ mong muốn chính phủ của ông sẽ tập trung vào các vấn đề đối nội trong năm 2020, bao gồm các chính sách đầu tư cho an ninh, y tế và cơ sở hạ tầng. Đã có những dự báo rằng Thủ tướng Anh sẽ tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng trong bộ máy chính phủ nhưng động thái mới cho thấy có khả năng ông sẽ có những điều chỉnh ôn hòa hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/2 nói rằng Mỹ đang tiến "rất gần" tới một thỏa thuận hòa bình với phe Taliban tại Afghanistan. Theo lời ông Trump, việc Washington có đạt thỏa thuận với Taliban hay không sẽ rõ trong vòng 2 tuần tới. Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác nhận Mỹ và Taliban đã đàm phán về một đề xuất giảm bạo lực trong 7 ngày. Trả lời báo giới tại Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết đang tham vấn với các đồng minh về đề xuất này và hai bên đã có hàng loạt các cuộc họp hiệu quả về lộ trình tương lai. Mỹ và Taliban đã tiến hành đàm phán tại Doha của Qatar từ tháng Một vừa qua. Hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có thể được ký kết ngay trong tháng này, nếu Taliban giảm đáng kể tình trạng bạo lực và điều này có thể dẫn tới việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ước tính hiện có khoảng 13.000 binh sỹ Mỹ và hàng nghìn binh sỹ NATO đang đồn trú tại Afghanistan.

Ngày 13/2, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công quân sự tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, đồng thời kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Ngoại trưởng Maas nhấn mạnh các cuộc tấn công nhằm vào dân thường tại tỉnh Idlib thời gian gần đây thực sự là một thảm họa nhân đạo. Phát biểu của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas được đưa ra trong bối cảnh tỉnh Tây Bắc Idlib của Syria, vốn được coi là "điểm nóng" trong cuộc xung đột từ năm 2011 tại quốc gia này, nay lại trở thành tâm điểm chú ý khi đụng độ giữa quân đội Chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nổ ra. Động thái này đe dọa phá vỡ các mối quan hệ hợp tác phức tạp, cũng như các thỏa thuận mong manh và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại Idlib.

Tin thể thao:

Tuyển nữ Việt Nam gặp Australia ở vòng play-off tranh vé dự Olympic: Tuyển nữ Australia đã hòa 1-1 với tuyển nữ Trung Quốc ở trận đấu cuối tại bảng B. Với kết quả này, tuyển nữ Australia đã giành vé đi tiếp với tư cách nhất bảng B. Dù bằng điểm với tuyển nữ Trung Quốc nhưng các cô gái xử sở chuột túi có hiệu số bàn thắng nhỉnh hơn. Như vậy, tuyển nữ Australia sẽ gặp tuyển nữ Việt Nam ở vòng play-off tranh vé dự Olympic Tokyo. Trận đấu còn lại ở vòng này sẽ là cuộc đụng độ của tuyển nữ Trung Quốc với Hàn Quốc. Các trận lượt đi vòng play-off sẽ diễn ra vào ngày 06/03 trong khi trận lượt về diễn ra vào ngày 11/03.

Chelsea chiêu mộ thành công Hakim Ziyech: Trên trang chủ, cả Chelsea lẫn Ajax đều đã xác nhận vụ chuyển nhượng Hakim Ziyech đã được hoàn tất. Tiền vệ 26 tuổi người Morocco sẽ chính cập bến Chelsea vào ngày 1/7, khi TTCN mùa hè 2020 mở cửa. Theo thông báo từ Ajax, số tiền mà Chelsea phải trả ngay cho họ là 40 triệu euro, ngoài ra còn tối đa 5 triệu euro phụ phí. Ở mùa giải 2019/20 này, Hakim Ziyech đã ghi 8 bàn thắng và 16 kiến tạo sau 24 lần ra sân cho Ajax.

AC Milan 1-1 Juventus: Vị cứu tinh Cristiano Ronaldo: Bàn thắng trên chấm phạt đền ở phút 90 của siêu sao Cristiano Ronaldo đã giúp Juventus cầm hòa 1-1 trong chuyến làm khách trước AC Milan tại lượt đi bán kết Coppa Italia 2020. Khi trận đấu trôi về những phút cuối bị AC Milan dẫn trước, Ronaldo có pha tung người vô lê đưa bóng trúng tay đối phương. Sau khi tham khảo công nghệ trợ lý trọng tài (VAR), Juventus được hưởng quả 11m và đích thân Ronaldo thực hiện thành công để ấn định tỷ số hòa 1-1. Đây là kết quả vô cùng có lợi cho "Bà đầm già" trước khi trận lượt về diễn ra trên sân Allianz.

PSG giữ chân Kylian Mbappe với lương khủng: Tờ L'Equipe khẳng định PSG đang lên kế hoạch gia hạn hợp đồng với Kylian Mbappe. Do đó, họ sẽ đề nghị tiền đạo người Pháp mới với mức lương cực kì ấn tượng là 2,6 triệu bảng/tháng (trước thuế). Tính ra, Kylian Mbappe sẽ nhận mức lương 600.000 bảng/tuần. Đây chỉ là mức lương trần, chưa bao gồm khoản phụ phí. Thậm chí, nếu cộng thêm các khoản thưởng, anh có thể hưởng lương ngang bằng Lionel Messi - 41 triệu bảng/năm. Không chỉ chi khoản tiền rất lớn, PSG còn ngăn mọi động thái tiếp cận Kylian Mbappe của Real Madrid. Dù vậy, Chủ tịch Florentino Perez sẽ quyết tâm chiêu mộ tiền đạo người Pháp vào mùa hè 2020, bất chấp việc PSG tuyên bố "không bán với bất kỳ giá nào".

MU muốn chiêu mộ hậu vệ của Real Valladolid: Theo tờ Metro (Anh), MU đang rất quan tâm tới trung vệ Mohammed Salisu (20 tuổi) của CLB Real Valladolid. Hậu vệ đầy triển vọng này cũng đang nằm trong tầm ngắm của Atletico Madrid và Real Madrid. Theo tờ AS (Tây Ban Nha), điều khoản giải phóng hợp đồng của Salisu có giá khoảng 10 triệu bảng. Dù Real Valladolid đang đứng thứ 15 trên BXH La Liga nhưng Mohammed Salisu đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi về màn trình diễn của mình, sau khi thi đấu 23 trận ở mùa bóng này. Real Madrid cũng rất quan tâm tới Salisu khi họ muốn tìm người thay thế trung vệ Sergio Ramos (33 tuổi) trong tương lai. Đội bóng của Tây Ban Nha dự kiến sẽ tranh giành sự phục vụ của Salisu với MU trong Hè năm nay.

Liverpool gia nhập cuộc đua giành Jadon Sancho: Liverpool đã thông báo Dortmund về mong muốn chiêu mộ Jadon Sancho trong mùa Hè này. Tờ Daily Mail (Anh) cho biết Dortmund có thể đòi Liverpool trả ít nhất 100 triệu bảng cho chân sút 19 tuổi này. Man City và MU cũng sẽ đưa ra những lời đề nghị cho Dortmund về trường hợp của Sancho. Liverpool sắp ký hợp đồng kỷ lục với hãng đồ thể thao Nike, nhà tài trợ của Sancho. Họ cũng hy vọng rằng mối quan hệ của Klopp với đội bóng cũ Dortmund sẽ giúp CLB này chiêu mộ được Sancho. Mặc dù đang có phong độ cao ở mùa giải này với 12 bàn thắng trong 19 lần ra sân tại Bundesliga nhưng Jadon Sancho dự kiến sẽ rời Dortmund vào Hè năm nay.

Harvey Barnes có thể được dự Euro 2020. Tờ Daily Mail cho biết HLV Gareth Southgate của ĐT Anh đang nghiêm túc cân nhắc trao cơ hội cho ngôi sao chạy cánh Harvey Barnes của Leicester City dự Euro 2020 tới. Barnes đang có phong độ tốt mùa này nhưng sự cạnh tranh là khá gay gắt khi “Tam Sư” còn những Raheem Sterling, Jadon Sancho, Callum Hudson-Odoi và Nathan Redmond để lựa chọn.

PSG là đội bóng giàu nhất thế giới. Thống kê của Soccerex Football Finance mới đây đã công nhận Paris Saint-Germain là CLB mạnh nhất thế giới về mặt tài chính với số điểm 5.318, vượt qua số điểm của Man City 5.197 sau 2 năm liền Man City đứng đầu. Điểm số này được căn cứ bởi giá trị đội hình, tiền mặt dự trữ và khoản nợ, mà PSG năm 2019 đã tăng gấp 5 lần số tiền mặt dự trữ trong khi giảm 70% tiền nợ, còn Man City lại tăng nợ tới 90%.

Olympic 2020 không đổi lịch vì virus Covid-19: Trong buổi họp mới nhất của Ủy ban Olympic (IOC), chủ tịch Tokyo 2020 - Yoshiro Mori vừa tái khẳng định thế vận hội mùa hè 2020 sẽ không thay đổi lịch thi đấu vì diễn biến của virus Covid-19. "Tôi muốn làm rõ lại một lần nữa là chúng tôi không hề có ý định thay đổi hay hủy bỏ giải đấu. Olympic 2020 sẽ vẫn diễn ra đúng theo dự kiến".

Trung Quốc hắt hơi, cả thế giới bắt đầu cảm lạnh

Virus corona chủng mới (Covid-19) mang đến sự run sợ cho con người… nhưng chính nó giúp phơi bày những điểm yếu cần phải nhanh chóng thay đổi đối với nền kinh tế thế giới, trong đó là cả một hệ thống các "tế bào kinh tế" từ phạm vi châu lục, quốc gia, đến các tập đoàn, doanh nghiệp… cùng phụ thuộc ở một mức độ chưa từng thấy vào Trung Quốc.

Covid-19 xóa tan mọi hy vọng

Thời gian qua, Trung Quốc đã thay thế Mỹ đóng vai trò động lực chính của tăng trưởng toàn cầu. Thói quen sử dụng nguyên vật liệu và linh kiện từ các công ty Trung Quốc, cùng với thị trường nội địa khổng lồ của nước này là hai lý do khiến hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại đây. Trung Quốc đồng thời là trung tâm của rất nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, phần lớn nguyên liệu thô đi qua Trung Quốc trước khi thành sản phẩm hoàn chỉnh. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là ví dụ tiêu biểu cho thấy khả năng gây xáo trộn ở quy mô toàn cầu của kinh tế Trung Quốc.

Bên cạnh bị ảnh hưởng bởi việc các ngành công nghiệp của Trung Quốc đã ngừng hoạt động từ dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nguồn lực hạn chế, đã sớm cảm nhận được "cái lạnh" bởi "cơn gió độc" từ dịch viêm phổi do Covid-19 bùng phát.

Thành phố Vũ Hán với dân số 11 triệu người, là trung tâm công nghiệp của toàn vùng và trung tâm giáo dục/khoa học công nghệ thứ ba của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việc hoạt động của cả thành phố bị đóng băng nhiều tuần chắc chắn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đang quyết liệt gia cố nền kinh tế, hàng loạt chính sách đã được đưa ra, từ giảm thuế với hàng nhập khẩu Mỹ, đến giảm lãi suất cho vay kinh doanh, lẫn tiêu dùng.

Covid-19 đã xóa tan mọi hy vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau năm 2019 chỉ đạt tăng trưởng 6% - mức tăng trưởng thấp nhất của nước này kể từ năm 1990. Tờ The Guardian đưa dự báo của một số chuyên gia cho rằng, tăng trưởng quý I/2020 của Trung Quốc chỉ đạt 5% hoặc thậm chí thấp hơn. Khả năng hồi phục của nền kinh tế thứ hai thế giới ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát rất khó xảy ra. Nguyên nhân chính là tình trạng nợ xấu ở nhiều doanh nghiệp nhà nước già cỗi và nguồn tiền Chính phủ bơm vào thời gian qua sẽ chỉ có thể giúp những công ty đang trong tình trạng ngắc ngoải này không vỡ nợ.

Gió lạnh” bắt đầu thổi

Ngành đầu tiên bị ảnh hưởng rõ ràng nhất là hàng không và du lịch. Áp lực của bệnh dịch buộc nhiều nước châu Á, mặc dù phụ thuộc rất sâu vào thị trường đại lục, vẫn buộc phải thực thi chính sách hạn chế đi lại. Tình trạng hủy chuyến, hủy đặt phòng lan rộng khắp châu Á. Các hãng hàng không đều cắt giảm kinh doanh - Cathay Pacific giảm 1/3 số chuyến bay và khuyến khích nhân viên nghỉ không lương. Con số khách du lịch từ Trung Quốc đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu khủng hoảng kéo dài, sự sụt giảm của một thị trường có 173 triệu lượt khách và tiêu dùng 250 tỉ USD/năm chắc chắn sẽ tác động sâu sắc vào ngành du lịch của các nước trong khu vực.

Sau du lịch và hàng không, khủng hoảng sẽ "gọi tên" chuỗi cung ứng của rất nhiều ngành khác – xe hơi, điện tử, công nghiệp, vận tải biển. Trung Quốc là một thị trường bán lẻ, thực phẩm, rượu bia và nước giải khát khổng lồ. Riêng Starbucks đã phải đóng cửa một nửa trong số 4.000 cửa hàng trên đất Trung Quốc.

Nhìn lại năm 2002-2003, dịch bệnh do Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) lan rộng trên 37 quốc gia, lây nhiễm cho 8.000 người và thiệt mạng khoảng 750 người. Ước tính thiệt hại kinh tế rơi vào khoảng 30-50 tỷ USD. Dịch Covid-19 đang lan truyền nhanh gấp 6 lần SARS, trong khi nền kinh tế Trung Quốc ngày nay lớn hơn nhiều và mở cửa hơn nhiều so với 17 năm trước. Hệ quả của dịch bệnh vì vậy cũng sẽ sâu rộng hơn nhiều.

Các doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn nhất sẽ là các tập đoàn toàn cầu lệ thuộc sâu vào nhà cung cấp Trung Quốc như Apple, Intel… hay hàng loạt các hãng xe hơi lớn nhỏ. Theo thông tin cập nhật, nguồn cung linh kiện của nhiều công ty châu Âu và Mỹ chỉ còn đủ cho vài tuần, trong khi Hyundai đã bắt đầu phải đóng cửa sản xuất trong nước vì thiếu linh kiện.

Đông Nam Á sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mức độ gắn kết và lệ thuộc cao vào kinh tế Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân của khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 được cho là việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ. Trong khi đó, hiện tại, đến nền kinh tế mạnh mẽ nhất châu Á như Nhật Bản cũng bị cho là sẽ chịu tác động đáng kể, do Trung Quốc là khách hàng lớn của các loại máy móc, xe hơi và hàng tiêu dùng công nghệ cao từ nước này. Không chỉ có vậy, Trung Quốc đồng thời là nhà cung cấp linh kiện cho nhiều nhà máy của Nhật Bản. Đó là chưa kể hàng triệu khách du lịch đại lục là nguồn thu quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản hằng năm.

Australia cũng không phải là ngoại lệ, khi tuần trước, Thủ tướng Scott Morrison đã cảnh báo về “áp lực thực sự” với nền kinh tế Úc. Các trường đại học Úc cũng chung cảnh ngộ do số sinh viên quay lại nhập học từ Trung Quốc đại lục đã giảm đáng kể.

Trên thực tế, Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng thương mại toàn cầu cao gấp đôi so với thời dịch SARS bùng phát và ảnh hưởng của đất nước này sẽ tiếp tục gia tăng đối với nền kinh tế thế giới. Tờ Asian Nikkei Review mới đây đưa tính toán của các chuyên gia, nếu sản lượng sản xuất của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD, sẽ làm giảm 6,7 tỷ USD sản lượng ở phần còn lại của thế giới. Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ được dự báo sẽ chịu tác động đầu tiên trong các ngành công nghiệp ngoại vi và dây chuyền sản xuất trị giá khoảng 65 tỷ USD.

Hoạt động kinh doanh và sản xuất tại Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục bị đình trệ vì bệnh dịch do Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nếu tình trạng này chưa thể chấm dứt, chắc chắn một đòn mạnh sẽ giáng vào nền kinh tế toàn cầu.

Về tổng thể, giới chuyên gia dự báo, tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 0,3% do tác động từ bệnh dịch và sẽ dao động ở mức 3%.

Tất nhiên, không phải tự nhiên Trung Quốc được gọi là "công xưởng" của thế giới. Nhưng sự phụ thuộc quá mức vào một nền kinh tế, một nguồn nguyên liệu hay một thị trường đều đang được bộc lộ rất rõ ở khắp nơi trên thế giới. Không chỉ những quốc gia nhận bán thành phẩm từ Trung Quốc bị ảnh hưởng, mà cả những nơi cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, năng lượng, lương thực, nông sản… cho Trung quốc cũng đang bắt đầu cảm nhận được những “cơn gió lạnh”.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 14/02/2020 là 1 AUD = 0.671 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 14/02/2020 là 1 AUD = 15,638 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời quang đãng, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 28 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 18 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–24 độ. Chủ nhật, trời quang đãng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–27 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–32 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24–32 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, buổi sáng trời nắng, chiều tối có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ, sóng lớn có thể xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng. Nhiệt độ dao động từ 19–27 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 20–25 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, độ ẩm cao, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–22 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, độ ẩm cao, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–25 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này