Chương trình Thời sự thứ Sáu, 13/03/2020

Cẩm Nhung | 13/03/2020 | 733 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Di trú: Úc thay đổi quy trình xin visa du lịch khiến đơn xin tị nạn của công dân Trung Quốc tăng vọt

- Victoria: Khánh thành một cơ sở dạy nghề TAFE mới ở thị trấn Wallan

- Victoria: Bắt đầu chương trình thí điểm nâng cao chuyên môn ngành đường sắt cho học sinh

- Victoria: Tăng cường tài trợ để đào tạo cho các học viên ngành hàng hải ở tiểu bang

- Morwell: Khánh thành trung tâm tích hợp mới với dịch vụ dạy trẻ mầm non

- Victoria: Đầu tư kỷ lục để điều động thêm hàng trăm nhân viên cảnh sát mới ở tiểu bang

- Victoria: Chuẩn bị triển khai thi công trên tuyến xe tram số 86

- Melbourne: Giấy vệ sinh được tặng miễn phí cho cộng đồng ở Northcote, Richmond

- Tin vắn

Tin thế giới:

Tính tới 6 giờ sáng 13/3, thế giới đã có 134.560 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra và 4.972 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 8.296 ca nhiễm mới và 342 người tử vong, tăng mạnh so với một ngày trước đó khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Hiện đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19. Ngoài "tâm dịch" Trung Quốc, Italy hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 nhiều nhất thế giới. Số ca nhiễm mới và tử vong tại các nước như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Iran cũng tăng mạnh. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc tiếp tục có xu hướng thuyên giảm. Người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 12/3 cho biết nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh của dịch COVID-19. Ngày 12/3, Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định dịch COVID-19 là đại dịch có thể kiểm soát được nếu các quốc gia tăng cường các biện pháp ứng phó.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết khoảng 150.000 người di cư đã lên đường tới nước láng giềng Hy Lạp. Người di cư đã lên đường tới Hy Lạp sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mở cửa biên giới, đồng thời cảnh báo, do thời tiết mùa Xuân đang ấm lên, dòng người di cư tới châu Âu sẽ không chỉ hạn chế ở Hy Lạp mà sẽ trải rộng ra toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cửa biên giới cho đến khi EU đáp ứng mọi yêu cầu của nước này về việc tự do đi lại, tăng cường liên minh hải quan và hỗ trợ tài chính. Theo thỏa thuận di cư năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn dòng người di cư để đổi lấy khoảng 6,8 tỷ USD tiền hỗ trợ từ EU. Tuy nhiên, Ankara đã không nhận được toàn bộ số tiền trên, trong khi các cam kết thương mại và thị thực cũng không được thực thi. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận mới với Brussels trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 26/3 tới.

Chính phủ Afghanistan sẽ phóng thích 5.000 tù binh Taliban theo yêu cầu của Taliban nhằm giải quyết bất đồng chính giữa hai bên, qua đó mở đường cho hòa đàm. Sắc lệnh phóng thích tù nhân Taliban của Tổng thống Afghanistan được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, mức độ bạo lực ở Afghanistan vẫn trong tình trạng không thể chấp nhận được. Mỹ đang bắt đầu rút quân để tuân thủ thỏa thuận đã ký vào ngày 29/2 với Taliban. Thỏa thuận trên được cho là cơ hội tốt nhất để hai bên tìm kiếm hòa bình sau 40 năm chiến tranh dai dẳng.

Lực lượng phòng thủ của quân đội Mỹ đã bắt đầu triển khai những hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đặc biệt đến Iraq. Động thái trên nhằm bảo vệ căn cứ và binh sỹ Mỹ đang được triển khai tại Iraq. Thông tin này được người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đưa ra. Quyết định triển khai nói trên nhằm tăng cường khả năng đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa từ Iran nhằm vào lực lượng Mỹ có thể xảy ra trong tương lai. Về phần mình, chính quyền Iraq tuyên bố, việc Mỹ triển khai các hệ thống như Patriot hay hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD cần phải có sự thông qua của chính quyền Iraq.

Tối 13/3, Anh và Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo chung về việc hoãn tổ chức vòng hai cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit (dự kiến diễn ra tại thủ đô London vào tuần tới) do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuyên bố chung nêu rõ trước những diễn biến mới nhất liên quan đến COVID-19, các nhà đàm phán thương mại Anh và EU sẽ không tổ chức vòng đàm phán vào tuần tới tại London như dự kiến ban đầu mà sẽ tìm cách khác để tiếp tục công việc, có thể là tổ chức hội nghị trực tuyến. Hơn 100 chuyên gia thương mại của phía EU dự kiến sẽ đến London vào tuần tới để tiếp tục công việc đàm phán vòng 2. Sau khi vòng đàm phán đầu tiên kết thúc, trưởng phái đoàn EU Michel Barnier từng tiết lộ "sự khác biệt về quan điểm nghiêm trọng" giữa Anh và EU. Hai bên có kế hoạch sẽ kết thúc 5 vòng đàm phán vào giữa tháng 5/2020 và sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh Anh-EU vào tháng 6/2020.

Ngày 12/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã giải thích nguyên nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý sửa đổi hiến pháp, trong đó có nội dung "xóa" giới hạn về số nhiệm kỳ tổng thống. Ông Peskov nhấn mạnh, nguyên tắc hạn chế số nhiệm kỳ của tổng thống vẫn được duy trì trong Hiến pháp và "việc miễn trừ cho tổng thống đương nhiệm chỉ mang tính sự vụ, chỉ liên quan đến tổng thống đương nhiệm và việc thông qua gói sửa đổi (Hiến pháp)". Vì vậy, theo ông Peskov, Tổng thống Putin đã thay đổi lập trường liên quan đến việc giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống, dù ông luôn nhấn mạnh tôn trọng quy tắc này. Cũng theo ông Peskov, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nga, đang ở trong tình trạng "rất, rất bất ổn" xung quanh mình. Do đó, một số quốc gia đã đưa ra quyết định về khả năng tổng thống đương nhiệm tiếp tục tại vị. Ông Peskov cũng cho biết, việc ông Putin tham gia cuộc tranh cử tổng thống sắp tới, tổ chức năm 2024, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó có tình hình của nền kinh tế toàn cầu, hậu quả của dịch Covid-19 và các cuộc xung đột.

Ngày 12/3, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một công ty chi nhánh của tập đoàn dầu khí Rosneft (Nga), với cáo buộc công ty này đã cung cấp nguồn tài chính cho chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trong một thông báo, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã đưa công ty TNK Trading International (có trụ sở tại Thụy Sỹ) vào danh sách bị trừng phạt. Trước đó, ngày 18/2, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo đưa công ty Rosneft Trading SA vào danh sách trừng phạt vì có hoạt động mua bán dầu mỏ của Venezuela. Theo đó, Washington sẽ phong tỏa tất cả tài sản phía Mỹ nắm giữ của Rosneft SA và của chủ tịch công ty này. Đây là bước đi mới nhất trong chuỗi các hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm gây sức ép đòi Tổng thống Maduro phải rời khỏi nhiệm sở. Venezuela, Nga và Trung Quốc và một số nước khác đã nhiều lần gọi các lệnh trừng phạt kiểu như vậy của Mỹ là đơn phương và bất hợp pháp, can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.

Mỹ đã bắt giữ hàng trăm người dính líu tới tổ chức Jalisco New Generation (CJNG) của Mexico, một trong những tổ chức tội phạm ma túy nguy hiểm nhất thế giới. Cơ quan Phòng chống ma túy của Mỹ vừa bắt giữ thêm 250 đối tượng trong các chiến dịch tiến hành đồng loạt trên cả nước vào rạng sáng 11/3, nâng tổng số các cá nhân tại Mỹ có dính líu tới CJNG bị sa lưới lên 750 đối tượng. CJNG hiện điều hành hơn 100 cơ sở điều chế chất kích thích Methamphetamine tại Mexico, buôn bán nhiều loại ma túy khác nhau và sở hữu số tiền "bẩn" lên tới 50 tỷ USD.

Tại Nam Cực, nhiệt độ nóng kỷ lục trong lịch sử 18,3 độ C vừa được thiết lập trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục tăng tốc trên toàn cầu. Mức nhiệt độ trên đã phá kỷ lục trước đó là 17,5oC đo được cách đây 5 năm. Sự kiện này xảy ra ngay sau khi Trái đất chứng kiến tháng Giêng nóng kỷ lục và Nam Cực hiện là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên thế giới. Gần 90% sông băng ở đây đã tan chảy trong nửa thế kỷ qua, phần lớn xảy ra trong 12 năm gần đây, làm tăng đáng kể mực nước biển trên toàn cầu.

Tin thể thao:

LASK 0-5 MU: MU làm khách tới sân của LASK trong khuôn khổ trận lượt đi vòng 1/8 Europa League. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, MU thi đấu trên sân cấm khán giả vì đại dịch Covid-19. Với đẳng cấp vượt trội, MU thi đấu lấn lướt và giành chiến thắng 5-0 đậm đà, qua đó nhấn chìm hy vọng của đội chủ nhà LASK. Với chiến thắng quá đậm này, MU coi như đã cầm trong tay tấm vé vào tứ kết Europa League.

Hàng loạt giải đấu hoãn vì Covid-19: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã ra quyết định hoãn một số trận đấu chưa diễn ra tại vòng 1/8 Europa League bao gồm trận Sevilla - AS Roma và Inter Milan - Getafe. Ngay sau đó, giải Champions League cũng xác nhận hoãn các trận lượt về còn lại của vòng 1/8 như Chelsea – Bayern Munich, Juventus – Lyon, Man City – Real Madrid và Barca – Napoli. Ngoài ra, hai giải đấu rất hút khách ở châu Âu là Serie A và La Liga cũng đã phải hoãn vì sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 tại Italy và Tây Ban Nha. Theo thông tin từ tờ L’Equipe, giải EURO 2020 cũng có thể sẽ phải hoãn một năm và tổ chức bù vào Hè năm sau. Tuy nhiên, quá trình này sẽ rất phức tạp khi UEFA phải thương lượng với FIFA. Và việc dời sang năm sau có thể làm ảnh hưởng đến các giải đấu khác cũng diễn ra trùng lịch thời gian đó.

HLV Arteta của Arsenal dương tính với Covid-19: Trên trang chủ, Arsenal thông báo HLV của họ, Mikel Arteta, đã dương tính với virus Covid-19. Ngay lập tức, CLB yêu cầu những ai đã tiếp xúc với vị HLV này phải nghiêm túc chấp hành thủ tục cách ly. Ngoài ra, Arsenal cũng sẽ đóng cửa các cơ sở tập luyện tại Colney cũng như học viện Hale End. Về phần Arteta, ông nói rằng mình đang cảm thấy rất thất vọng nhưng hứa sẽ quay lại dẫn dắt Arsenal ngay khi khỏe lại.

Mourinho muốn tái ngộ Willian: Truyền thông Anh đưa tin HLV Jose Mourinho đã được cho phép mua sắm thả ga trong mùa Hè này để nâng cấp đội hình. Một trong những mục tiêu mà ông đang nhắm tới là tiền vệ Willian của Chelsea. Trong quá khứ, hai người này từng làm việc với nhau và có mối quan hệ rất thân thiết. Thực tế là Mourinho đã từng cố gắng đưa Willian về sân Old Trafford khi ông dẫn dắt MU nhưng thương vụ này đã không thành công. Mới đây, vợ Willian xác nhận anh sẽ chia tay Chelsea vào cuối mùa giải. Khả năng cầu thủ người Brazil tái ngộ Mourinho là rất cao vì anh muốn duy trì cuộc sống ở London. Ngoài Tottenham, Willian cũng đang nhận được sự quan tâm của Arsenal. Anh vẫn chưa có quyết định cuối cùng và sẽ xem xét các bến đỗ tiềm năng trong thời gian tới.

Real buông tha Pogba: Tiền vệ Paul Pogba từng được liên hệ rất nhiều với Real Madrid trong quá khứ. Nhưng trong mùa giải này, cầu thủ người Pháp đã đóng góp rất hạn chế cho MU do liên tục gặp chấn thương. Tính đến nay, Pogba mới chỉ có 8 lần ra sân, chưa ghi được bàn nào và đóng góp 2 kiến tạo. Vì lẽ đó, Real Madrid đã quyết định không chiêu mộ Pogba trong mùa Hè tới. HLV Zinedine Zidane cảm thấy Pogba đang có giá quá cao (150 triệu bảng) và anh không xứng đáng với mức giá như vậy. Để tránh mạo hiểm, ông sẽ đặt niềm tin vào 2 sao trẻ Martin Odegaard và Fede Valverde trong tương lai. Việc Real từ bỏ Pogba là một tin vui đối với MU. Khi cầu thủ người Pháp trở lại, HLV Solskjaer có thể tìm cách kết hợp anh với Bruno Fernandes, một ngôi sao mới nổi tại sân Old Trafford.

Man City đem "tiền tấn" đón Kane: Man City bất ngờ tham gia vào cuộc đua giành chữ ký tiền đạo số 1 tuyển Anh là Harry Kane. Được biết, Nửa xanh thành Manchester rất tự tin vào khả năng kháng án thành công đối với án phạt cấm dự Champions League. Vì lẽ đó, họ vẫn tự tin mua sắm cho cuộc đua danh hiệu vào năm tới. Trước Man City, MU cũng là đội bóng mong muốn có Kane. Số tiền mà Man City dự kiến đưa ra cho Harry Kane rơi vào khoảng 150 triệu bảng Anh.

Wolves nhắm James Rodriguez: Theo Marca, đội bóng trong nhóm dự Europa League là Wolverhampton đang lên kế hoạch đón ngôi sao bị thất sủng của Real là James Rodriguez. Tiền vệ sáng tạo người Colombia đã không còn nằm trong kế hoạch của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha, anh cần 1 đội bóng để thi đấu trong bối cảnh World Cup 2022 đang tới gần. Wolves có thể là đội bóng phù hợp. "Bầy sói" là tập thể gồm nhiều cầu thủ người Bồ Đào Nha hoặc nói tiếng Bồ Đào Nha - ngôn ngữ chính của 1 số nước Nam Mỹ như Brazil hay quê hương Colombia của James.

Aubameyang cam kết ở lại Arsenal. Tiền đạo Pierre-Emerick Aubameyang khẳng định anh muốn ở lại Arsenal bất chấp việc gia hạn hợp đồng với câu lạc bộ thành London vẫn đang lâm vào bế tắc. Hiện có tin tiền đạo người Gabon cự tuyệt đề nghị gia hạn hợp đồng với "Pháo thủ", trong khi hợp đồng cũ sẽ đáo hạn vào hè sang năm. Nguồn tin của Marca khẳng định, Real có thể sẽ nỗ lực chiêu mộ Vua phá lưới Ngoại hạng Anh mùa trước.

Chặng đua F1 tại Australia bị hoãn: Tờ Telegraph đưa tin, ban tổ chức chặng đua F1 Australia đã chính thức xác nhận sẽ hoãn chặng đua mở màn tại Melbourne. Trước đó, chặng này dự kiến tổ chức từ ngày 13-15/3 (giờ địa phương). Theo đó, một cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ giữa Giám đốc kỹ thuật của F1 Ross Brawn và đại diện các đội đua đã đi đến quyết định này. Trước đó ít ngày, đội đua McLaren đã xuất hiện một thành viên dương tính với virus Covid-19, do đó họ đã xin rút khỏi giải đấu. Đồng thời đưa toàn bộ thành viên tới Anh xét nghiệm và sẽ sớm công bố kết quả trong thời gian sớm nhất. Chặng đua F1 tại Australia có lịch sử lâu đời và đã trở thành một sự kiện thể thao nổi bật, được kỳ vọng sẽ đón tới khoảng 300.000 lượt khán giả tới cổ vũ. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhiều tay đua và ban tổ chức rất lo ngại.

Mỹ cấm nhập cảnh từ châu Âu, nền kinh tế bị ảnh hưởng ra sao?

Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm toàn bộ dòng di chuyển từ các nước châu Âu tới Mỹ từ ngày 13/3 và kéo dài trong vòng 30 ngày. Lệnh cấm nhập cảnh này không áp dụng với Anh, nước đồng minh của Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ lập tức rơi tự do sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng sau đó phải đưa ra lời giải thích trên Twitter: “Xin các quốc gia và doanh nghiệp hãy nhớ rằng thương mại sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu. Lệnh hạn chế dành cho người chứ không phải hàng hóa”. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái của ông Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Financial Times dẫn lời ông Edward Alden thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chỉ trích đây là một động thái “thiếu suy nghĩ” vì thực tế virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã lan rộng trên khắp nước Mỹ.

Thị trường đỏ lửa

Sau khi ông Trump thông báo quyết định trên, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Theo CNBC, cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều sụt giảm 5%. Như vậy, chỉ số Dow đã bốc hơi tới 20% kể từ đỉnh cao ngày 19/2 và chính thức kết thúc giai đoạn tăng trưởng. Trong khi đó, tại châu Á, chỉ số Topix (Nhật Bản) giảm 3%, Hang Seng (Hong Kong) lao dốc 2,3%, Kospi (Hàn Quốc) bay hơi 2,4%.

Các nhà đầu tư có cơ sở để lo lắng trước động thái của ông Trump trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao đao vì dịch virus corona và biến động giá dầu. “Lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu khiến tất cả đều hoảng hồn”, New York Times dẫn lời chuyên gia Khoon Goh - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ (Singapore) - nhận định. “Chúng tôi hiểu tác động đến kinh tế là rất đáng kể, nhưng với biện pháp bổ sung này, tác động sẽ tăng gấp bội đối với các doanh nghiệp. Tổn thất kinh tế trong ngắn hạn là rất lớn”, ông nói thêm.

“Ông Trump đã đưa ra những biện pháp mà ông ta cho là cứng rắn, nhưng các biến động trên thị trường chứng khoán cho thấy nó không đủ để trấn an các nhà đầu tư. Giờ, chúng ta đang rơi vào thế khó”, Reuters dẫn lời chuyên gia Junichi Ishikawa tại IG Securities (Tokyo, Nhật Bản) bình luận.

Theo Cơ quan Di chuyển và Du lịch Quốc gia Mỹ (NTTO), tính riêng trong 2019, có khoảng 14,56 triệu người di chuyển từ khu vực Tây Âu và 1,1 triệu người từ Đông Âu đến Mỹ. Tính từ đầu năm đến ngày 20/1 (trước khi dịch virus corona bùng phát), số du khách từ Tây Âu và Đông Âu đến Mỹ lần lượt là 784.718 và 86.020 người. Lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump sẽ chặn đứng dòng di chuyển này, gây thiệt hại đáng kể đến ngành hàng không, du lịch, thương mại và dịch vụ nước Mỹ.

Theo ông Scott Solombrino, Giám đốc điều hành tại Hiệp hội Du lịch Kinh doanh Toàn cầu, ngành du lịch toàn cầu đã chuẩn bị cho các lệnh giới hạn đối với Đức và Italy, hai nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch virus corona chủng mới.

Tác động đến kinh tế, tiêu dùng và niềm tin

Tuy nhiên, không ai lường trước việc ông Trump tuyên bố lệnh cấm di chuyển đến Mỹ đối với toàn châu Âu ngoại trừ Anh. “Mọi người hoàn toàn mất cảnh giác”, ông Solombrino nhận định.

Hàng không là một trong những ngành công nghiệp hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, doanh thu của các hãng bay trên toàn cầu sẽ giảm 63-113 tỷ USD trong năm nay vì dịch bệnh.

“Mọi người muốn biết thiệt hại là bao nhiêu, nhưng không ai có thể trả lời câu hỏi. Bởi chúng ta không biết dịch virus corona sẽ còn tệ hại đến mức nào và phản ứng của chính phủ ra sao”, chuyên gia Mark Matthews tại Bank Julius Baer & Co. nói. “Nhưng rõ ràng lệnh ngừng di chuyển giữa Mỹ và châu Âu sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế, người tiêu dùng và niềm tin kinh doanh. Dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm nay lao dốc xuống tăng trưởng âm, nhưng là -2%, -3% hay -10%?”, ông Mark nói thêm.

Theo nhiều nhà phân tích, đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này, lẽ ra chính quyền Tổng thống Trump nên tập trung hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới nhằm bảo vệ sức khỏe người Mỹ và đảm bảo nền kinh tế. Tuy nhiên, Tổng thống Trump thậm chí không đề cập đến việc chính quyền sẽ giải quyết tình trạng thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona chủng trên khắp nước Mỹ ra sao, theo Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

“Tôi rất kinh ngạc. Ông Trump tưởng đây là một giải pháp, ý tưởng đó khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể ngăn chặn virus corona lây lan đến Mỹ và bỏ qua sự thật là nó đã thực sự ở bên trong biên giới nước Mỹ rồi”, chuyên gia J. Stephen Morrison - Giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - chỉ trích. Theo The Hill, ông Tom Bossert, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cũng nhận định việc ông chủ Nhà Trắng chặn dòng di chuyển giữa châu Âu và Mỹ là quá trễ và không có nhiều tác dụng. "Đây là cách sử dụng thời gian và công sức rất lãng phí bởi ở Mỹ đã có hơn 1.700 ca nhiễm Covid-19, tương đương một số quốc gia châu Âu", ông Bossert nhấn mạnh.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 13/03/2020 là 1 AUD = 0.629 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 13/03/2020 là 1 AUD = 14,648 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 36 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 36 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 23 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, âm u, có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 23 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–21 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–25 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–28 độ. Chủ nhật, trời nắng, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–29 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–23 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–22 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–18 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–21 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này