Chương trình Thời sự thứ Sáu, 12/07/2019
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Những cơn gió mạnh, với sức tàn phá lớn sẽ tấn công nước Úc vào cuối tuần này
- Bulleen: Công bố video ghi hình cảnh bọn trộm phá cửa sổ, trộm tài sản của một trạm dịch vụ
- Melbourne: Vỡ đường ống nước lớn, khu vực trung tâm thành phố rơi vào cảnh hỗn loạn
- Tin Úc: Nhà mạng Dodo chấp nhận hoàn tiền cho những khách hàng bị tính phí truy cập vượt định mức
- Tin Úc: Cảnh báo mòng biển Úc đang mang các dòng siêu khuẩn kháng thuốc có thể lây sang người
- Mill Park: Chó hung tợn cắn chết một cụ ông và làm một cụ bà bị thương nặng
- Victoria: Nhiều nhà ở công cộng bị phá hoại, chính quyền bang phải chi ra tới 126 triệu đô la để quản lý và sửa chữa
- Di trú: Những thay đổi về visa lao động kết hợp kỳ nghỉ đã có hiệu lực
- Brimbank: Thiết lập nhiều điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí
- Tin vắn
Tin thế giới:
Theo Người phát ngôn Điện Kremly Dmitry Peskov, Nga sẽ nghiên cứu đề xuất của Tổng thống Ukraine tiến hành hội đàm giải quyết tình hình ở Donbass. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị một cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Thủ đô Minsk (Cộng hòa Belarus). Động thái bất ngờ này được coi là nỗ lực phá băng trong quan hệ hai nước. Trong phản ứng mới nhất, phía Nga lên tiếng sẽ xem xét đề nghị này nhưng tỏ ra hoài nghi về triển vọng hội đàm. Trước đó, Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Kiev. Tổng thống Nga Putin mới đây cũng nhấn mạnh, đối thoại mang tính xây dựng giữa Nga và Ukraine là có thể.
Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Hàn Quốc mua máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ, cho rằng hành động này vi phạm các thỏa thuận giữa hai miền. Bình Nhưỡng cho rằng, những máy bay F-35A là vũ khí tàng hình chết người, thể hiện tham vọng chiếm ưu thế quân sự vượt trội của Hàn Quốc so với tất cả các quốc gia láng giềng, không chỉ Triều Tiên. Hồi tháng 3 vừa qua, Hàn Quốc đã mua 2 máy bay tiêm kích F-35A của Mỹ và có kế hoạch mua thêm 2 máy bay loại này vào giữa tháng 7 này. Đây là một phần trong kế hoạch mua tổng cộng 40 máy bay F-35A và đến hết năm 2021 đưa số máy bay này vào sử dụng.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 11/7 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết tiến hành một cuộc điều tra đối với những vụ giết người hàng loạt trong cái gọi là “cuộc chiến chống ma túy” do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động. Nghị quyết chưa có tiền lệ đối với Philippines, do Iceland dẫn đầu, đã nhận được lá phiếu ủng hộ của 18 quốc gia, 14 phiếu chống, trong đó có Trung Quốc và 15 phiếu trắng, trong đó có Nhật Bản. Nghị quyết yêu cầu các cơ quan chức năng Philippines ngăn chặn các vụ giết người không qua xét xử và hợp tác với Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet. Theo kế hoạch, bà Bachelet sẽ công bố báo cáo về kết quả điều tra vào tháng 6/2020.
Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang nỗ lực giải quyết những tranh chấp thương mại, ngày 11/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc vẫn chưa thực hiện lời hứa mua các mặt hàng nông sản Mỹ. Trước đó cùng ngày, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố Mỹ kỳ vọng Trung Quốc xúc tiến mua nông sản của Mỹ ngay khi đàm phán thương mại giữa hai nước được nối lại. Ông cũng cho biết đàm phán thương mại giữa hai nước vẫn đang diễn ra.
Người phát ngôn Nghị viện châu Âu ngày 11/7 cho biết cơ quan này sẽ bỏ phiếu về việc bổ nhiệm bà Ursula von der Leyen vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào ngày 16/7 tới theo đúng kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, bà Ursula von der Leyen phải đạt được đa số tuyệt đối tại EP với ít nhất 374 số phiếu bầu để có thể thay thế ông Jean-Claude Juncker ở vị trí Chủ tịch EC trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 16/7. Theo giới truyền thông Đức, bà Von der Leyen- từng được coi là người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel, được đánh giá là lựa chọn phù hợp để lãnh đạo cơ quan điều hành của EU và sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên của EC. Người châu Âu bị thuyết phục bởi bà Leyen có kinh nghiệm trong chính phủ, ủng hộ việc tái thiết vũ trang Đức và có mối liên hệ tốt với Đông Âu.
Chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng yêu cầu Mỹ can thiệp trong vấn đề căng thẳng thương mại với Nhật Bản - vụ việc có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại toàn cầu. Hàn Quốc cảnh báo sẽ thiệt hại khoảng hơn 250 triệu USD từ lệnh cấm xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản. Động thái này không chỉ ảnh hưởng những tập đoàn Hàn Quốc, mà cả Mỹ cũng sẽ chịu tác động bởi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị đứt gẫy. Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ ở khu vực. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã từng tuyên bố sẽ duy trì chặt chẽ các kênh đối thoại giữa 3 bên.
Truyền thông Đức ngày 10/7 đưa tin, xuất khẩu vũ khí của nước này đang tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị vũ khí xuất khẩu của nước này đã vượt giá trị xuất khẩu của cả năm 2018. Trong 3 năm qua, lượng vũ khí xuất khẩu của Đức đều giảm dần. Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel đã phê duyệt lượng vũ khí xuất khẩu trị giá 5,3 tỷ Euro, trong khi giá trị xuất khẩu của cả năm 2018 chỉ đạt 4,8 tỷ Euro. Theo số liệu từ Bộ Kinh tế liên bang, trong danh sách 10 đối tác mua vũ khí quan trọng nhất của Đức, Hungary đứng ở vị trí đầu tiên với 1,76 tỷ Euro, tiếp theo là Ai Cập (800 triệu Euro), Hàn Quốc (275 triệu Euro).
Luxembourg sẽ trở thành đất nước đầu tiên trên thế giới không thu phí trên toàn bộ hệ thống giao thông công cộng. Đây là thông báo do Chính phủ liên minh của Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel công bố. Theo đó, các dịch vụ vận tải như: tàu, tàu điện và xe bus sẽ mở cửa miễn phí cho người dân bắt đầu từ ngày 1/3/2020. Hiện tại, giá vé xe bus, tàu lửa tại đây cũng khá thấp, chỉ 2 Euro cho một chuyến đi kéo dài 2 tiếng. Hành khách đi tàu hạng nhất cũng chỉ phải trả 3 Euro. Động thái này sẽ là động lực tiết kiệm thời gian, chi phí thu và xử lý vé. Ngoài ra, nó cũng khuyến khích người dân từ bỏ xe riêng, giảm tải giao thông, đặc biệt là tại khu vực xung quanh trung tâm Luxembourg.
Một gia đình đi dã ngoại ở bờ biển tỉnh Quezon, Philippines đã phát hiện 7 vật thể lạ dạt vào bờ và sau đó trình báo cảnh sát khi nghi ngờ đây là những gói ma túy. Chúng sau đó được xác nhận là những bánh cocaine được bọc băng keo, gắn logo một loại nước tăng lực, không rõ xuất xứ và có giá trị lên đến 700.000 USD. Hiện tượng bánh ma túy trôi dạt trên biển tại Philippines gia tăng trong những tháng gần đây, được cho là do những tàu buôn ma túy quăng hàng xuống biển để phi tang vật chứng khi bị truy đuổi.
Dư luận Pháp đang dậy sóng sau khi một tòa án nước này ra lệnh bồi thường tiền cho thủ phạm duy nhất còn sống trong vụ khủng bố năm 2015. Tòa án Pháp đã ra lệnh bồi thường 500 Euro, cho Salah Abdeslam, kẻ tham gia vụ khủng bố năm 2015. Nguyên nhân bồi thường là vì vi phạm quyền riêng tư và các điều kiện bắt giữ hắn. Ngay lập tức, bản án đã vấp phải rất nhiều chỉ trích trong dư luận. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ khi tòa án Pháp lại tỏ ra lo lắng cho quyền riêng tư của một tên khủng bố bị kết tội tham gia các vụ tấn công sát hại hơn 130 người vô tội và làm bị thương hơn 400 nạn nhân khác. Lãnh đạo các đảng chính trị ở Pháp gọi phán quyết là điều xấu hổ cho hệ thống pháp luật của nước này.
Giới chức thành phố Philadelphia của Mỹ vừa bắt giữ một tàu chở hàng mang theo gần 20 tấn cocaine. Con tàu bị bắt giữ khi đang trên đường tới Bắc Âu. Ước tính số ma túy này có trị giá lên tới 1,3 tỷ USD. Con tàu thuộc sở hữu của quỹ chiến lược vận tải trong bộ phận quản lý tài sản ngân hàng của JPMorgan Chase - một trong số những tập đoàn ngân hàng hàng đầu của Mỹ. JPMorgan Chase không có quyền kiểm soát hoạt động của tàu. Tàu đang do Công ty tàu biển Địa Trung Hải vận hành. Hiện giới chức JPMorgan Chase chưa có bình luận gì về vụ việc trên.
Tổng dân số Nhật Bản tính đến thời điểm tháng 1/2019 là khoảng 124,776 triệu người, tiếp tục đà giảm liên tục trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến dân số Nhật Bản sụt giảm được giới phân tích nước này chỉ ra là do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 25 - 39 tuổi giảm mạnh tới 21% trong 10 năm trở lại đây. Điều này đã kéo theo số trẻ em được sinh ra giảm và tỷ lệ già hóa ngày càng tăng. Đây là vấn đề đang ảnh hưởng ngày càng tiêu cực tới kinh tế, xã hội Nhật Bản và buộc chính phủ phải cấp bách đưa ra các chính sách để đối phó.
Tin thể thao:
Wimbledon: Halep đi vào lịch sử, chạm trán Serena ở chung kết
Đối đầu Barbora Strycova ở bán kết Wimbledon 2019, Serena Williams đã không gặp mấy khó khăn. Qua 2 set đấu, tay vợt người Mỹ dễ dàng giành chiến thắng 6-1 và 6-2 để ghi tên vào chung kết. Đây là lần thứ 11 trong lịch sử Serena Williams góp mặt ở trận đấu cuối cùng tại giải Grand Slam trên mặt sân cỏ. Ở 10 trận chung kết từng tham dự trước đó, Serena đã giành được 7 danh hiệu vào các năm 2002, 2003, 2009, 2010, 2012, 2015 và 2016.
Đối thủ của Serena trên hành trình chinh phục Wimbledon lần này là hạt giống số 7 Simona Halep. Ở trận bán kết diễn ra trước đó, Halep đánh bại Elina Svitolina với tỷ số 6-1 và 6-3. Với thành tích này, Halep trở thành tay vợt nữ đầu tiên của Romania vào tới chung kết Wimbledon.
Thần đồng bóng đá Anh lật kèo PSG, cập bến Barca: Barcelona vừa chính thức ra mắt Louie Barry với tư cách tân binh của đội bóng. Để sở hữu cầu thủ được mệnh danh là thần đồng của bóng đá Anh, Barca đã vượt qua hàng loạt CLB lớn, trong đó có PSG. Louie Barry trước đó đã bay tới Paris thực hiện thủ tục kiểm tra y tế với đội bóng Pháp nhưng lại thay đổi quyết định vào phút chót và lựa chọn Barcelona. Barca chỉ mất 130.000 euro tiền phí đào tạo để trả cho West Brom.
Đội trưởng Arsenal từ chối du đấu, đòi ra đi: Nổi tiếng là một người mẫu mực, lại là đội trưởng của Arsenal nhưng Laurent Koscielny vừa có hành động chống đối ban lãnh đạo "Pháo thủ" khi từ chối đi tour du đấu. Mục đích của hành động này được cho là để ép đội bóng cho Koscielny trở lại Ligue 1 theo dạng chuyển nhượng tự do, với việc anh đang nhận được quan tâm của 3 CLB là Bordeaux, Lyon và Rennes.
Lộ lý do Lukaku không tập cùng MU: Trong buổi tập đầu tiên của MU tại Perth (Australia), người hâm mộ không thấy Romelu Lukaku tham gia cùng các đồng đội. Giữa lúc tương lai Lukaku đang bất ổn tại MU, có tin đồn rằng anh bỏ tập để gây áp lực lên CLB. Sự thật không phải như vậy. Theo truyền thông Anh, Lukaku gặp chút vấn đề về thể lực nên cần sự theo dõi sát sao từ đội ngũ y tế. Thay vì ra sân, Lukaku đã tập luyện cùng với Anthony Martial trong phòng gym. Trong lúc đó, tương lai của Lukaku dự kiến được chốt vào cuối tuần này.
Barca ra mắt Griezmann trong SVĐ đóng kín: Tờ Marca loan tin Barca dự tính sẽ ra mắt tân binh Antoine Griezmann trong SVĐ Camp Nou đóng kín cửa. CLB lợi dụng một thực tế là sân cỏ Camp Nou cần được chỉnh trang và thay cỏ để không giới thiệu ngôi sao của mình trước công chúng. Nhưng thực tế, Barca muốn tránh những rắc rối có thể nảy sinh trong ngày ra mắt Griezmann. Tiền vệ người Pháp vốn không được lòng CĐV Barca khi đã từng từ chối đội bóng mùa trước. Griezmann dự kiến sẽ ra mắt Barca trong vài ngày tới.
Juventus sắp hoàn tất thương vụ De Ligt: Tờ La Gazzetta dello Sport tiết lộ Juventus đã tăng giá hỏi mua De Ligt lên 67 triệu euro. Đây là bước nhảy vọt của đội chủ sân Allianz so với lần đề nghị trước đó là 55 triệu euro cộng với biến phí cách đây không lâu. Dù vậy, Ajax một lần nữa kiên quyết từ chối Juventus với mong muốn nhận được con số 75 triệu euro. Nếu chấp nhận yêu cầu này, Juventus sẽ có thể ký hợp đồng với De Ligt trong vòng 48 đến 72 giờ tới.
Man City bất ngờ nhảy vào thương vụ Bruno Fernandes: Tờ Daily Mail cho biết Bruno Fernandes đang rất muốn gia nhập MU để tìm kiểm thử thách mới và nâng tầm sự nghiệp. Tuy nhiên MU bất ngờ bị Man City ngáng đường ở thương vụ này. Theo đó, Man City đã ngay lập tức đưa ra lời đề nghị trị giá 45 triệu euro dành cho Bruno Fernandes. Tuy nhiên, Sporting Lisbon đã từ chối đàm phán với Man City và sẽ chỉ bán tiền vệ 24 tuổi nếu nhận được 70 triệu euro.
Messi được ESPN vinh danh: Chỉ ít ngày sau khi đang quang World Cup tại Pháp, tuyển nữ Mỹ tiếp tục được ESPN vinh danh với danh hiệu Đội bóng xuất sắc nhất trong buổi lễ diễn ra tại Los Angeles. Tiền đạo của tuyển Mỹ, Alex Morgan, nhận giải thưởng Nữ cầu thủ xuất sắc nhất. Ở hạng mục dành cho nam giới, Lionel Messi được bầu chọn là Nam cầu thủ quốc tế xuất sắc nhất. Messi được vinh danh nhờ đóng góp 36 bàn thắng trong 34 trận ở Liga, giúp Barcelona vô địch giải đấu. Trong khi đó, Zlatan Ibrahimovic nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất MLS bởi thành công có được cùng LA Galaxy.
Pique bị phạt tiền vì trốn thuế: Tòa án Tối cao Tây Ban Nha vừa bác bỏ đơn kháng cáo của Gerard Pique liên quan tới cáo buộc trốn thuế. Theo phán quyết này, Pique buộc phải trả 2,1 triệu euro tiền thuế cho cơ quan chức năng Tây Ban Nha. Trung vệ Barca bị cáo buộc không hoàn thành nghĩa vụ tài chính vào ba năm từ 2008-2010 liên quan đến thu nhập từ bản quyền hình ảnh. Bên cạnh đó, Pique còn bị cáo buộc sử dụng công ty riêng lách luật để giảm số tiền phải nộp thuế từ 45% xuống còn 30%. Năm 2016, Pique từng dính vụ lùm xùm tương tự.
Bài toán đau đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, Syria
Mặc dù cuộc xung đột Syria đã bước vào giai đoạn cuối, song những trở ngại còn vướng mắc ở quốc gia này vẫn đang ngăn cản Syria chấm dứt hoàn toàn chiến tranh. Hiện nay, có 2 vấn đề quân sự ở Syria, đó là tỉnh Idlib của quốc gia này vẫn do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) kiểm soát, trong khi khu vực phía đông sông Euphrates do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) phần lớn là người Kurd nắm giữ.
Các phe phái ở Syria với những lợi ích khác biệt đã khiến việc tái thiết Syria khó khăn hơn và quá trình thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria trở nên phức tạp. Nếu không có một sự nhượng bộ hợp lý giữa các bên liên quan trong cuộc chiến ở Syria, quốc gia này sẽ không thể thoát khỏi "bóng ma" chiến tranh để hướng đến một tiến trình hòa bình.
Hai khu vực còn vướng mắc ở Syria đều có biên giới tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỹ và có vai trò vô cùng quan trọng với Ankara trong việc tìm ra một giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề an ninh cũng như lợi ích quốc gia.
Vào cuối tháng 4/2019, Damascus và Moscow đã tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực phía bắc Hama và phía nam Idlib, sau khi phiến quân thực hiện nhiều cuộc tấn công vào hạ tầng quân sự của Nga ở Syria. Khu vực này từng là "lằn ranh đỏ" của Moscow trong thời gian dài. Tuy nhiên, các cuộc tấn công gần đây của chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga vào Idlib được cho là nhằm gây sức ép với phe nổi dậy và buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Với những yếu tố kể trên, một trong những điều kiện cần thiết nhất cho tiến trình hòa bình ở Syria là quốc gia này phải giải quyết được các vấn đề ở tỉnh Idlib cũng như phía đông sông Euphrates. Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Erdogan đã có nhiều cuộc trao đổi trong những tháng qua nhưng tỉnh Idlib và khu vực do người Kurd kiểm soát vẫn trong tình trạng bế tắc.
"Bài toán hóc búa" Idlib
Thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ về việc thành lập một vùng đệm ở Idlib hồi tháng 9/2018 đã trở nên vô tác dụng. Theo thỏa thuận này, Ankara chịu trách nhiệm giám sát các nhóm cực đoan ở đây, ngăn chặn cuộc tấn công của các nhóm này trên lãnh thổ Syria, trong đó có các mục tiêu quân sự của Nga tại quốc gia Trung Đông này.
Trong thời gian thỏa thuận thành lập khu phi quân sự ở Idlib được ký kết, khu vực này do nhóm phiến quân HTS kiểm soát. Đây là một nhóm cực đoan có liên hệ với Al-Qaeda và hiện kiểm soát khoảng 90% tỉnh này cũng như thu nhận các nhóm đối lập trung hòa khác.
Đến nay, Moscow và Ankara vẫn giữ các cam kết theo thỏa thuận ký kết hồi tháng 9/2018 song không rõ liệu hai quốc gia này có thể tuân thủ thỏa thuận này trong bao lâu. Trong bất kỳ trường hợp nào, các cuộc tấn công đang diễn ra ở Hama và Idlib đều đang ngăn cản 2 quốc gia này tiến đến một thỏa thuận dài hạn. Cho tới giờ, vấn đề này vẫn không thể đạt được bất kỳ tiến triển rõ rệt nào.
Tình hình ở Idlib càng trở nên phức tạp hơn với nguy cơ về một làn sóng tị nạn mới nếu quy mô cuộc tấn công ở khu vực này mở rộng ra. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, vào cuối tháng 4/2019, giao tranh tại Idlib đã buộc 250.000 dân thường phải sơ tán. Tới nay, tỉnh này là nơi sinh sống của 3 triệu người cùng 50.000 phiến quân HTS. Diễn biến ở Idlib trở thành mối quan ngại của Ankara nếu dòng người tị nạn ở khu vực này tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện có 3,58 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia này không muốn tiếp nhận thêm bất kỳ làn sóng tị nạn nào nữa.
Nga và Syria muốn Idlib do chính phủ Tổng thống Assad hoàn toàn kiểm soát cũng như luôn nỗ lực nhằm tránh một cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn vào khu vực này. Hai quốc gia này cũng muốn kiểm soát tuyến đường quốc lộ M4 và M5 nối Aleppo với Latakia và Damascus. Cùng lúc đó, Moscow cần tăng sức ép ngăn Damascus tiến hành một cuộc tấn công quân sự trên quy lớn. Tuy nhiên, Nga cũng phải đáp trả các cuộc tấn công từ Idlib nhằm vào các mục tiêu của nước này trên lãnh thổ Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh tấn công quân sự vào Idlib song đồng thời lại thiếu khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến nhóm phiến quân HTS ở khu vực này. Với Moscow và Damascus, các động thái quân sự gần đây là cách tốt nhất để hối thúc Ankara và phe nổi dậy đưa ra nhượng bộ.
Từ một góc độ khác, tình hình ở Idlib có liên hệ trực tiếp với vấn đề lực lượng SDF kiểm soát lãnh thổ ở đông bắc Syria, đặc biệt là sự ngần ngại của Ankara khi thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giải quyết bài toán hóc búa tại khu vực này. Theo các nhà ngoại giao cấp cao của Nga, một lựa chọn được tính tới là sẽ có một thỏa thuận trao đổi giữa Moscow và Ankara về tình hình ở Idlib và Manbij.
Tình thế bấp bênh ở phía đông sông Euphrates
Quyết định rút quân khỏi Syria của chính quyền Tổng thống Trump hồi năm 2018 khiến cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này càng thêm phức tạp. Tuy nhiên, Mỹ đã "đảo ngược" một phần kế hoạch này khi thông báo sẽ để lại khoảng 1.000 quân ở Syria, đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd cũng như đặt Iran và Syria trong tầm kiểm soát. Quyết định này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ bởi quốc gia này luôn coi lực lượng người Kurd mà cụ thể là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) là một nhóm khủng bố đe dọa đến an ninh quốc gia.
Cũng lúc đó, sự thiếu quyết đoán của Mỹ ở Syria cũng đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đến gần hơn với Nga. Dường như Thổ Nhĩ Kỳ muốn đạt được một thỏa thuận về người Kurd với Nga và Ankara cho rằng điều này sẽ khiến Washington phải thay đổi suy nghĩ. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn không rõ liệu chính quyền Mỹ có một chiến lược nhất quán ở Syria hay không và Mỹ sẽ đối phó với đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ của mình như thế nào.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong một tình thế khá phức tạp. Một mặt, nước này không muốn tiến hành một cuộc tấn công trên quy mô lớn nhằm vào lực lượng người Kurd. Song mặt khác, Ankara cũng muốn thực hiện một chiến dịch quân sự nhằm "giữ thể diện" ở khu vực phía đông sông Euphrates này. Dù vậy, cả hai giải pháp này đều có một số rào cản để có thể thành hiện thực.
Trước tiên, bất kỳ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng người Kurd ở Syria đều sẽ khó khăn hơn 2 cuộc tấn công trước đó (Nhành Olive và Lá chắn Euphrates) bởi lực lượng thuộc Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd này hiện là nhóm vũ trang được đào tạo bài bản nhất ở Syria. Ngoài ra, chiến dịch lần này cũng sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực, hậu cần và sự hỗ trợ hơn giữa bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế.
Thứ hai, một cuộc tấn công như vậy sẽ gây ra số lượng lớn thương vong. Điều này sẽ khiến dư luận phản ứng dữ dội trước chính quyền ông Erdogan - một viễn cảnh mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không hề mong muốn.
Thứ ba, chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd gần như chắc chắn khiến căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang trong khi quan hệ 2 nước hiện cũng đang vấp phải nhiều "trục trặc". Và cuối cùng, một cuộc tấn công trên quy mô lớn ở phía đông sông Euphrates sẽ tạo ra một làn sóng người tị nạn mới - một tình thế trái ngược hẳn với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực này.
Hiện nay, dường như cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không có một kế hoạch cụ thể về biện pháp giải quyết khủng hoảng ở Idlib. Mặc dù lực lượng quân sự của 2 quốc gia này hiện đều đang hợp tác trong vấn đề Idlib cũng như thảo luận về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông sông Euphrates nhưng không có bất kỳ bên nào sẵn sàng đưa ra hành động đột phá nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Những câu hỏi quan trọng đặt ra là Nga sẽ đủ kiên nhẫn với Idlib trong bao lâu, Thổ Nhĩ Kỳ liệu có thể đi ngược lại với lợi ích của Mỹ ở Syria hay không và chính sách Syria của Washington sẽ là gì?
Chiến sự Syria sẽ mãi là cuộc xung đột không hồi kết nếu những câu hỏi trên vẫn không được giải đáp.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 12/07/2019 là 1 AUD = 0.697 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 12/07/2019 là 1 AUD = 16,217 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ. Chủ nhật, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8 đến 14 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, chiều tối có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8 đến 15 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12 đến 24 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8 đến 20 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng, trong ngày có thể có mưa rào ở khu vực phía Tây, gió di chuyển với vận tốc từ 15 đến 55 km/h. Nhiệt độ dao động từ 10 đến 16 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7 đến 16 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nắng, trong ngày có thể có mưa rào hoặc bão, có tuyết rơi ở những khu vực có độ cao trên 700mm, gió di chuyển với vận tốc từ 20 đến 40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 7 đến 13 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào ở Dãy núi Dandenong, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6 đến 15 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào