Chương trình Thời sự thứ Sáu, 12/06/2020
Tin nước Úc:
- NSW: Nới lỏng các hạn chế về số người được phép tập trung trong nhà, ngoài trời
- Victoria: Tiếp tục triển khai các cuộc thi lấy bằng lái từ ngày 15/6
- Tin Úc: Suy thoái kinh tế do COVID-19 kéo theo nhiều hệ lụy
- Victoria: Tái phát động chiến dịch kêu gọi các tài xế thắt dây an toàn trên xe hơi
- Tin Úc: Nước Úc rộ lên lời kêu gọi dỡ bỏ các tượng đài bị cho là phân biệt chủng tộc
- Victoria: Giảm giá nước cho khách hàng của công ty Goulburn-Murray Water
- Tin Úc: IKEA bắt đầu bán hệ thống pin năng lượng mặt trời ở Úc
- Tin Úc: Thiết bị di động liệu có đem lại lợi ích cho việc học của trẻ ở trường?
- Tin vắn
Tin thế giới:
Trên thế giới, tính đến sáng 12/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là hơn 7,5 triệu người, trên 423.000 người đã tử vong vì đại dịch này. Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và 2 tàu du lịch quốc tế. Đứng đầu thế giới vẫn là Mỹ với hơn 2 triệu ca mắc, hơn 116.000 ca tử vong, số trường hợp nhiễm mới là trên 23.000 bệnh nhân. Tiếp theo là Brazil với hơn 805.000 ca mắc, trên 41.000 người tử vong vì căn bệnh này. Đặc biệt, số ca nhiễm bệnh mới được phát hiện của Brazil vẫn tiếp tục cao nhất thế giới với hơn 30.000 trường hợp. Đứng thứ ba là Nga với hơn 502.000 ca nhiễm bệnh, trên 6.000 trường hợp tử vong. Số ca mắc COVID-19 mới được phát hiện là gần 9.000 bệnh nhân.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vừa rời căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka (Nhật Bản) sau đợt bảo trì định kỳ để tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tàu sân bay USS Ronald Reagan chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công số 5, cho biết, sứ mệnh của nhóm tàu sân bay này là hỗ trợ các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ. Nhóm sẽ tiếp tục ngăn chặn các hành động gây hấn và thúc đẩy ổn định, an ninh khu vực. Ông Wikoff khẳng định, sứ mệnh này sẽ thúc đẩy các quy tắc quốc tế để hỗ trợ cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình và thịnh vượng. Trước đó, việc dịch COVID-19 bùng phát đã khiến quân đội Mỹ tạm thời không thể triển khai ngay lập tức bất cứ tàu sân bay nào ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 11/6, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine ở khu Bờ Tây. Ông Aboul Gheit cho rằng kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở khu Bờ Tây là hành vi “xâm lược tàn bạo” nhằm vào người dân Palestine và chủ quyền lãnh thổ của họ, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc, hủy hoại hoàn toàn cơ hội duy trì hòa bình trong khu vực. Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch sáp nhập lãnh thổ của người Palestine vẫn tiếp tục diễn ra ở Israel cũng như khu Bờ Tây.
Nhiều quan chức và chuyên gia Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/6 cho rằng châu Âu có thể phải đối mặt với một làn sóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 trong những tuần tới đến từ các cuộc biểu tình diễn ra tại châu lục này trong những ngày qua. Việc tụ tập biểu tình đã khiến các biện pháp giãn cách xã hội không còn tác dụng, chưa kể rất nhiều người biểu tình không mang theo khẩu trang. Phần lớn các nước thành viên EU đều đã qua đỉnh dịch COVID-19 và đang dần nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội và mở cửa biên giới, khi mà số ca nhiễm bệnh giảm dần trong những tuần qua. Trước khi diễn ra làn sóng biểu tình gần đây, một số nhà khoa học đã dự đoán sẽ có một đợt dịch thứ 2 sau mùa Hè. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể khiến đợt dịch này đến sớm hơn dự báo.
Quân đội Nga đang quay trở lại với các buổi diễn tập tại thao trường ở ngoại ô Moscow để chuẩn bị cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ vào ngày 24/6. Theo thông lệ, lễ duyệt binh diễn ra vào ngày 9/5, nhưng năm nay sự kiện này đã phải lùi lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm nay sẽ có hơn 14.000 quân nhân từ 40 đơn vị quân đội với 11 khối trong trang phục thời Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Cùng với các thiết bị quân sự nổi tiếng thời Xô viết, đây là dịp để Nga phô diễn sức mạnh quân sự vượt trội với những khí tài hiện đại nhất. Theo lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 24/6 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử khi vào ngày này cách đây 75 năm, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành lễ duyệt binh lớn nhất lịch sử sau khi giành chiến thắng trở về từ Đức. Đến lúc này vẫn chưa rõ trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 24/6 tới đây sẽ có hay không sự tham gia của đông đảo công chúng và báo chí như mọi năm.
Ngoài việc phòng dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) đang phải đương đầu với vấn nạn tin giả. Các quan chức EU đã thừa nhận, có yếu tố nước ngoài trong việc tổ chức chiến dịch thông tin sai lệch về dịch COVID-19, gây tổn hại tới liên minh này. Theo Liên minh châu Âu, mối đe dọa từ tin tức giả đã trở nên nguy hiểm hơn trong và sau dịch COVID-19. Đặc biệt là đã xuất hiện nhiều âm mưu chống phá, gây ảnh hưởng tới khối này. Ngoài ra, châu Âu cũng cáo buộc các nền tảng trực tuyến làm quá ít trong việc kiểm chứng và xử lý những thông tin y tế sai lệch. Châu Âu đang yêu cầu Facebook, Google và Twitter phải gửi báo cáo ngăn chặn tin tức giả hàng tháng cho giới chức châu Âu. EU khẳng định, tin tức giả, đặc biệt trên mặt trận sức khỏe y tế cộng đồng, sẽ là thách thức lớn tiếp theo. Do đó, tất cả nền tảng mạng xã hội cần báo cáo và phối hợp với chính quyền để đảm bảo một môi trường thông tin lành mạnh.
Ngày 10/6, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ có hành động pháp lý đối với hai tổ chức lén lút gửi những thông điệp chống phá Triều Tiên kèm theo gạo và thuốc men sang biên giới liên Triều. Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên đình chỉ các đường dây nóng liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/6 cho biết nước này vẫn mong muốn thực thi thỏa thuận với Triều Tiên đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6/2018. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt đối với vấn đề Triều Tiên. Cho tới nay, các cuộc đàm phán nhằm thực hiện thỏa thuận giữa hai bên vẫn rơi vào bế tắc do những bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, cũng như sự phối hợp giữa hai bên trong triển khai các bước đi cụ thể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/5 tuyên bố tại Nhà Trắng, rằng ông sẽ cắt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cách tổ chức này xử lý Covid-19, cáo buộc Trung Quốc "toàn quyền kiểm soát" cơ quan y tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, đã hai tuần trôi qua kể từ tuyên bố của Trump, Mỹ vẫn không có động thái chính thức nào đối với WHO. Một phát ngôn viên của WHO nói rằng cơ quan này không nhận được thông báo nào về việc Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức. Nghị quyết năm 1948 của quốc hội Mỹ về tư cách thành viên WHO viết rằng Mỹ "có quyền rút khỏi tổ chức nếu thông báo trước một năm". Mỹ là thành viên duy nhất có thể rút khỏi WHO một cách hợp pháp, đặc quyền mà Washington đã yêu cầu khi gia nhập tổ chức.
Dư âm và địa chấn từ phong trào biểu tình trên toàn thế giới
Người ta nói rằng nước Mỹ thường là khởi đầu của các biến động lớn trên thế giới. Hàng chuỗi sự kiện biểu tình, bạo động từ cuối tháng Năm là minh chứng rõ nét cho thực tế đó. Nước Mỹ gọi, và các quốc gia khác trả lời.
Tại Quảng trường Quốc hội (Anh) ngày 6/6, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình, hô vang tên George Floyd và danh tính của những người da màu từng ngã xuống vì bị đối xử bất bình đẳng bởi lực lượng chấp pháp cùng khẩu ngữ “Mạng sống của người da đen cũng đáng giá”, đồng thời liên tục có động tác quỳ một chân, thể hiện sự phản kháng. Xa hơn, ngày 7/6, đoàn người biểu tình tại Bristol đã xô đổ bức tượng người buôn nô lệ Edward Colston.
Tại Pháp, đoàn người biểu tình tưởng nhớ Adama Traore, một thanh niên người Pháp gốc Mali đã qua đời sau khi bị cảnh sát bắt giữ năm 2016.
Tại Brazil, biểu tình đã nổ ra trên toàn quốc, phản đối Tổng thống Jair Bolsonaro và hành vi bạo lực của cảnh sát đối với người da đen, khiến một thiếu niên 14 tuổi thiệt mạng ngày 18/5 tại Rio de Janeiro.
Với nhiều quốc gia, cái chết của George Floyd đã trở thành lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự phân biệt đối xử của lực lượng chấp pháp đối với không chỉ riêng người da màu, mà còn với bộ phận người thiểu số khác trong xã hội.
Người Palestine nhìn thấy trong số phận bạc ấy hình bóng của Iyad Halak, một thanh niên người Palestine 32 tuổi mắc chứng tự kỷ đã ngã xuống dưới nòng súng của cảnh sát tại Jerusalem ngày 30/5 chỉ vì bị nhầm với người khác.
Tại Australia, các nhà hoạt động vì quyền con người Aboriginal chỉ ra rằng hơn 400 người bản địa đã chết trong quá trình bị giam giữ kể từ năm 1991.
Đáng ngại hơn, những cuộc biểu tình trên, dù nhỏ, song có thể bùng cháy thành những ngọn lửa lớn một khi không được giải quyết và đối phó một cách kịp thời.
Thứ nhất, biểu tình có thể tác động sâu sắc tới chính trị nội bộ của các quốc gia, đặc biệt là trước thềm bầu cử, buộc các chính phủ xem xét lại chính sách đối với cộng đồng người thiểu số hoặc yếu thế trong xã hội.
Tại tòa nhà Capitol Hill, đảng Dân chủ, đứng đầu là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đã khéo léo xây dựng hình ảnh khi quỳ một chân trong 8 phút 46 giây - thời gian mà George Floyd bị áp chế trước khi tử vong.
Quan trọng hơn, việc Washington một lần nữa tỏ ra bối rối trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, từ Covid-19 tới biểu tình, đã tác động tiêu cực tới uy tín của Tổng thống Donald Trump.
Trong khảo sát hai ngày 6-7/6 của Morning Consult trên 1.992 người, tỷ lệ ủng hộ ông chủ Nhà Trắng chỉ còn 39%, trong khi tỷ lệ phản đối áp đảo với 58%. Trên đường đua trở lại chiếc ghế Tổng thống, ông Trump đang bị ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trung bình 8 điểm.
Song đây không chỉ là vấn đề mà Mỹ phải đối mặt. Tại Anh, ngày 9/6, Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan đã dỡ bỏ bức tượng người buôn nô lệ khác là Robert Milligan, đồng thời thông báo rằng sẽ tiến hành điều tra lai lịch và nguồn gốc của các bức tượng và khu phố trong thành phố. Theo đó tất cả những gì có liên hệ với lịch sử buôn bán nô lệ sẽ bị gỡ bỏ.
Thứ hai, các cuộc biểu tình đang được nhiều bên sử dụng như những đòn tấn công chính trị nhằm vào quốc gia sở tại. Mỹ có lẽ là nạn nhân lớn nhất. Trung Quốc gọi những hành động nhằm trấn áp đoàn người biểu tình là “đạo đức giả”. Iran, Nga, thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ cũng không bỏ qua cơ hội lên tiếng chỉ trích xứ cờ hoa.
Thứ ba, các cuộc biểu tình có nguy cơ bùng phát rộng hơn thành bạo lực một khi không được xử lý đúng mức, để lại hệ quả nghiêm trọng về chính trị và kinh tế.
Ngày 8/6, trong đụng độ với đoàn người biểu tình tại thành phố Buffalo, bang New York (Mỹ), hai cảnh sát được cho là đã xô ngã một người đàn ông 75 tuổi, khiến người này đập đầu vào vệ đường và chảy máu, song không nhận được sự giúp đỡ. Sự việc này, cộng với phản ứng được đánh giá là thiếu trách nhiệm của Washington, đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ mới trên mạng xã hội Mỹ.
Thứ tư, các cuộc biểu tình có thể khiến đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh trở lại, đặc biệt khi đeo mặt nạ là không đủ để ngăn chặn sự phát tán virus giữa đoàn người biểu tình đông đúc.
Khi đại dịch Covid-19 có dấu hiệu thoái trào tại một số quốc gia, phong trào biểu tình toàn cầu đang trở lại, với điểm đến đầu tiên là Mỹ. Tìm kiếm giải pháp, kiểm soát tình hình, khôi phục ổn định chính trị nhằm toàn tâm đối phó đại dịch sẽ là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia ở thời điểm này.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 12/06/2020 là 1 AUD = 0.680 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 12/06/2020 là 1 AUD = 15.923 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 31 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 31 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, có lúc có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 35 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–17 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–16 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–24 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–22 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù ở khu vực phía Tây, chiều tối có sương mù, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–20 độ. Chủ nhật, buổi sáng có mưa rào, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–21 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, đêm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–16 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, sáng sớm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–15 độ.
Cẩm Nhung