Chương trình Thời sự thứ Sáu, 10/07/2020

Cẩm Nhung | 10/07/2020 | 660 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Đo thân nhiệt hàng ngày cho học sinh ở các khu vực bị phong tỏa từ học kỳ ba

- Victoria: Người dân được khuyến cáo nên đeo khẩu trang trong thời gian phong tỏa

- Tin Úc: Khách du lịch từ Victoria bị từ chối nhập cảnh vào Queensland

- Victoria: Tiếp tục triển khai dự án đường bộ North East Link

- Tin Úc: Dịch bệnh thúc đẩy người dân tăng cường tập thể dục

- Springvale: Truy nã người đàn ông đe dọa sát hại nhân viên bảo vệ của siêu thị

- Tin Úc: Úc sẽ đối mặt với một con đường gập ghềnh để khôi phục kinh tế

- Di trú: Úc sẽ giới hạn số lượng chuyến bay quốc tế để kìm hãm sự gia tăng số ca nhiễm mới

- Tin vắn

Tin thế giới:

Bộ phận báo chí của nội các Ukraine ngày 8/7 thông báo, Kiev đã chấm dứt bản ghi nhớ về hợp tác chống khủng bố giữa chính phủ Ukraine và Nga. Theo thông báo, quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp chính phủ cùng ngày, viện dẫn rằng sự hợp tác giữa các cơ quan đặc biệt của Ukraine và Nga không đáp ứng các lợi ích quốc gia của Kiev trong bối cảnh hiện nay. Bản ghi nhớ này được ký giữa hai nước vào ngày 12/7/2010 ở thành phố Yalta, miền Nam Ukraine. Mối quan hệ giữa Kiev và Moskva bắt đầu xấu đi vào năm 2014 do vấn đề Crimea và cuộc xung đột vũ trang ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Hơn 6 năm qua, hai nước đã đình chỉ hay chấm dứt hàng chục thỏa thuận giữa hai bên.

Ngày 9/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Hàn Quốc, trong đó quan chức Ngoại giao Mỹ tái khẳng định Washington hoàn toàn ủng hộ hợp tác liên Triều và sẵn sàng nối lại đối thoại với Triều Tiên. Trong suốt chuyến thăm, ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington với quan hệ hợp tác liên Triều và tái khẳng định Mỹ sẵn sàng nối lại đàm phán với Triều Tiên bất cứ lúc nào, ông Biegun cũng nhấn mạnh liên minh vững chắc giữa Washington và Seoul. Ông Biegun và phái đoàn đã rời căn cứ không quân Osan ở phía Nam Seoul ngày 9/7 để bay tới Nhật Bản. Tại Tokyo, ông Biegun dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với các quan chức Nhật Bản trước khi bay trở lại Mỹ vào ngày 10/7.

Ngày 9/7, các nhà chức trách Brazil thông báo gần 30 tù nhân cực kỳ nguy hiểm đã trốn thoát khỏi một nhà tù ở thành phố Limoneiro, thuộc bang Pernambuco, Đông Bắc nước này. Cụ thể, vào khoảng 4 giờ ngày 9/7 (giờ địa phương), 27 tù nhân đã trốn qua một bức tường của nhà giam, được các đồng phạm có vũ trang ở bên ngoài phá hủy bằng chất nổ từ trước. Lực lượng an ninh sau đó đẩy lùi nhóm tội phạm được trang bị hỏa lực mạnh này, chặn đứng nguy cơ hàng trăm tù nhân khác trốn thoát. Theo Cục Hình sự Quốc gia Brazil (Depen), có khoảng 750.000 tù nhân đang bị giam giữ trong các nhà tù của quốc gia Nam Mỹ này, cao hơn 76% so với sức chứa của các nhà giam. Nhà tù Limoneiro, nơi vừa xảy ra cuộc vượt ngục, có sức chứa 550 tù nhân nhưng hiện đang phải giam giữ hơn 1.970 tội phạm.

Ngày 9/7, Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez thông báo bà đã mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19. Trên mạng xã hội Twitter, bà Anez cho biết mình vẫn khỏe mạnh và sẽ tiếp tục làm việc trong thời gian bị cách ly. Bà cũng bày tỏ hy vọng người dân Bolivia sẽ sớm vượt qua được dịch bệnh này. Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Y tế Bolivia María Eidy Roca cũng đã mắc COVID-19. Hiện Bolivia đã có khoảng 42.000 ca mắc bệnh COVID-19 với khoảng 1.500 người tử vong và là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhất. Bolivia đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới và chính phủ nước này đã phải ban hành lệnh cấm tụ tập đông người để kiềm chế tốc độ lây lan.

Ngày 9/7, với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết không cho phép Tổng thống Donald Trump được miễn các cuộc điều tra hình sự, đồng thời cho phép các công tố viên ở thành phố New York tiếp cận các báo cáo tài chính của ông chủ Nhà Trắng. Phán quyết trên đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump sẽ phải giao nộp báo cáo tài chính cho các công tố viên ở New York. Bên cạnh đó, Tòa án Tối cao cũng ra phán quyết đối với một vụ việc khác liên quan tới yêu cầu của phe Dân chủ đứng đầu về hồ sơ thuế và báo cáo tài chính của Tổng thống. Cả hai trường hợp này sẽ được chuyển trở lại cho tòa án cấp dưới để xem xét thêm.

Bộ Giao thông Mỹ thu hồi giấy phép hoạt động của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) sau bê bối phi công dùng bằng giả của hãng này. Sau khi bị thu hồi giấy phép, PIA không được thực hiện các chuyến bay trong không phận Mỹ, Reuters ngày 9/7 dẫn thông tin trong quyết định được Bộ Giao thông Mỹ đưa ra hôm 1/7. PIA chưa bình luận về thông tin, song mạng truyền hình Geo News của Pakistan đã xác nhận về lệnh cấm trên của Mỹ. Quyết định được đưa ra sau khi Pakistan tháng trước phát hiện gần 1/3 số phi công của họ gian lận trong các kỳ thi lấy bằng lái.

Theo Tân Hoa Xã, vào lúc 20h35 ngày 8/7, đoạn đê dài 50 mét ở sông Dương Tử tại huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã bị vỡ. Cơ quan phụ trách quản lý tài nguyên nước địa phương cho biết, vụ vỡ đê đã gây ảnh hưởng tới 1.000 ha đất nông nghiệp ở khu vực trũng phía dưới. Hơn 9.000 người dân Trung Quốc đã phải sơ tán. Vụ vỡ đê xảy ra sau khi khu vực miền Nam Trung Quốc phải hứng chịu những trận mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Từ đầu tháng 6/2020, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã khiến nhiều tỉnh, thành ở miền Nam của Trung Quốc đối mặt với tình trạng lũ lụt. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc tuyên bố, đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất Trung Quốc - vẫn đủ sức ứng phó với đợt lũ lụt này.

Tổ chức Khí tượng thế giới vừa đưa ra cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới, thậm chí tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo các chuyên gia Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), hầu như mọi khu vực trên thế giới đều có thể cảm nhận được hiệu ứng thay đổi này. Trong đó, Nam Phi, Australia sẽ cảm thấy rõ nét nhất trong khi khu vực SA-HEL của châu Phi khí hậu sẽ ẩm ướt hơn. Châu Âu sẽ đối mặt với nhiều cơn bão hơn còn Bắc Đại Tây Dương sẽ có gió mạnh hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, sự gia tăng trên không đồng nghĩa thế giới sẽ vượt qua ngưỡng tăng dài hạn 1,5 độ C - ngưỡng thay đổi mà các nhà khoa học nhận định có thể tạo ra các thảm họa khí hậu thảm khốc.

Bóp nghẹt huyết mạch của Trung Quốc: Hải quân Ấn Độ sẽ thành công hay thất bại?

Theo tờ Forbes, trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã tận hưởng một vùng lợi thế chiến lược so với Trung Quốc, đó là: Ngành công nghiệp của Trung Quốc phải phụ thuộc vào các tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa và dầu mỏ qua eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia.

Vùng nước hẹp này hóa ra lại là một "nút thắt" hoàn hảo. Vị trí địa lý của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, cùng với tiềm lực của họ ở quần đảo Andaman và Nicobar nằm tại cửa ngõ eo biển Malacca, sẽ cho phép Hải quân Ấn Độ chặt đứt lối đi này trong trường hợp nổ ra khủng hoảng hoặc chiến tranh.

Tuy nhiên, với thế lực đang dần lớn mạnh, Trung Quốc cũng có thể tìm ra cách ứng phó.

Trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao giữa hai nước, các chuyên gia phân tích hải quân hoàn toàn hiểu được mối đe dọa ấy. Trao đổi trên đài Tac Ops, tác giả nổi tiếng, đồng thời là nhà sáng tạo series game chiến tranh Harpoon – Larry Bond cho rằng, Trung Quốc thực sự lo ngại Ấn Độ có thể sẽ đóng cửa eo biển Malacca.

"Nếu Ấn Độ muốn cắt đứt giao thương với Trung Quốc, tất cả những gì họ phải làm là đậu một loạt tàu tại eo biển Malacca. Và thế là không thứ gì có thể đi qua con đường đó được" – Ông Bond nói.

Trong lịch sử, phần lớn các chuyến hàng nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc từ Vịnh Ba Tư, Venezuela và Angola đều phải đi qua tuyến đường này. Thế nhưng, Trung Quốc đang có những động thái có thể khiến bất cứ nỗ lực nào của Ấn Độ nhằm phong tỏa eo biển Malacca đều trở nên không hiệu quả.

Trong khuôn khổ "Sáng kiến Vành đai và Con đường", Trung Quốc hiện đang xây dựng một cảng biển mới ở Pakistan, và việc mở cửa tuyến Đường Biển Bắc ở Bắc Cực có thể tạo ra một "con đường tơ lụa địa cực" cho Bắc Kinh.

Cảng biển mới được đặt tại Gwadar, phía tây Pakistan. Những kiện hàng được bốc dỡ tại đây sẽ được vận chuyển bằng đường bộ tới Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Hôm 8/6, chính phủ Pakistan đã phê chuẩn dự án 7,2 tỷ USD để nâng cấp tuyến đường sắt nối Gwadar với Kashgar, Trung Quốc.

Tất nhiên, Gwadar có thể trở thành mục tiêu tấn công của Không quân Ấn Độ nhưng sẽ kéo theo những rủi ro về chính trị và quân sự do nơi này nằm trên lãnh thổ của nước thứ ba.

New Delhi cũng có thể cân nhắc khả năng phong tỏa cảng biển ở Gwadar, tương tự như eo Malacca, nhưng nếu làm điều đó, họ sẽ buộc phải huy động các phương tiện của Hải quân Ấn Độ đang làm nhiệm vụ tại Malacca hoặc các nơi khác.

Ngoài ra, khả năng của Ấn Độ trong việc tạo ra mối đe dọa đối với các tàu hàng đi qua Gwadar có thể sẽ bị phức tạp hóa bởi sự hiện diện gia tăng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Điều tương tự cũng có thể diễn ra ở Malacca. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ mạnh ở Djibouti, sừng châu Phi, và có vẻ như Hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ thiết lập thêm hạm đội trọng yếu ở đó. Các tàu ngầm Trung Quốc cũng có thể sẽ trở thành mối đe dọa thường trực trong khu vực.

Một tuyến đường khác quanh Malacca là tuyến Đường Biển bắc. Tầm quan trọng của tuyến đường này đã được nhấn mạnh trong chính sách Bắc Cực 2018 của Trung Quốc, trong đó khẳng định "Về mặt địa lý, Trung Quốc là một ‘quốc gia rìa Bắc Cực’, một trong những quốc gia lục địa gần nhất với Vòng Bắc Cực".

Cũng theo tuyên bố về chính sách này, Trung Quốc "hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các bên để xây dựng một ‘con đường tơ lụa địa cực’ thông qua việc phát triển các tuyến đường biển Bắc Cực".

Trong bối cảnh băng ở Bắc Cực đang tan, nhiều tàu thuyền có thể đi lại qua khu vực này hơn. Trung Quốc đã điều con tàu đầu tiên của họ tới đây vào năm 2013 và hiện Bắc Kinh đang đầu tư vào các cơ sở hạ tầng cảng biển ở Bắc Cực nối tới châu Âu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hạ thủy tàu phá băng nội địa đầu tiên mang tên Xue Long 2 vào năm 2018. Con tàu này được chế tạo với sự hỗ trợ thiết kế đến từ các chuyên gia Phần Lan của công ty Aker Arctic. Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc hiện cũng đang đề xuất chế tạo một con tàu phá băng khác với kích cỡ lớn hơn.

Bắc Kinh còn phát triển tuyến đường bộ dẫn thẳng tới châu Âu, chủ yếu để phục vụ xuất khẩu hàng hóa. Cơ sở hạ tầng này cũng đóng vai trò nhất định trong việc giảm tầm quan trọng của các tuyến đường biển mà Trung Quốc đang phải phụ thuộc vào.

Do đó, theo Forbes, tầm quan trọng chiến lược của eo biển Malacca đối với Trung Quốc cũng sẽ giảm đi theo thời gian. Ấn Độ vẫn sẽ ở một vị thế có thể bóp nghẹt các tuyến đường cung ứng của Trung Quốc tại đó nhưng họ sẽ không thể tạo được tác động lớn như trước đây.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 10/07/2020 là 1 AUD = 0.695 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 10/07/2020 là 1 AUD = 16,189 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 31 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 38 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 37 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–13 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–15 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–24 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–24 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–20 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–19 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–14 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–14 độ.

Cẩm Nhung

 
 

 

 

Đánh giá bản tin này