Chương trình Thời sự thứ Sáu, 07/06/2019

Cẩm Nhung | 07/06/2019 | 1192 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Khí thải nhà kính ở Úc tiếp tục gia tăng

- Dandenong: Mỹ thuật mở ra thế giới mới cho học sinh của trường AMES Australia

- Victoria: Chính quyền bang khẳng định việc nâng cấp đập Upper Yarra Dam sẽ không đe dọa đến cuộc sống của người dân

- Xu hướng khan hiếm căn hộ cao cấp có thể sẽ xảy ra ở Melbourne

- Victoria: Kiến nghị mở cuộc điều tra về nguy cơ tuyệt chủng của các loài động thực vật

- Chuyên mục thuế: Cần chuẩn bị gì từ bây giờ cho mùa khai thuế năm nay?

- Victoria: Nhiều bệnh nhi phải nằm ở giường bệnh dành cho bệnh nhân tâm thần là người trưởng thành

- Tin vắn

Tin thế giới:

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/6 cho biết ông sẽ đợi cho đến sau hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng này mới quyết định liệu có áp đặt các mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD từ Trung Quốc hay không. Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông có kế hoạch tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra từ ngày 28-29/6 tới. Trước lời đe dọa trên của Tổng thống Trump, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố nước này sẽ "chiến đấu tới cùng" nếu Mỹ có hành động làm leo thang căng thẳng thương mại.

Ngày 6/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này và Mỹ cùng chung mục tiêu trong việc ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải mở cuộc đàm phán quốc tế mới để đạt được mục tiêu này. Về phần mình, Tổng thống Trump cho rằng Iran đã suy yếu sau khi Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng khẳng định sẵn sàng đàm phán với người Iran. Hồi tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết quốc gia này sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington thể hiện sự tôn trọng và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

Ngày 6/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẽ có những bước đi phù hợp với động thái của Nghị viện châu Âu, bao gồm cả việc dỡ bỏ hạn chế kinh tế, nếu có tín hiệu mong muốn hợp tác. Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu đi nghiêm trọng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine vào năm 2014 và dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga và Moskva cũng có các biện pháp trả đũa tương tự. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ngày càng nhiều tiếng nói từ các nước Tây Âu lên tiếng ủng hộ chính sách cải thiện quan hệ với Nga.

Mỹ đã tiếp tục áp đặt nhiều quy định siết chặt cấm vận đối với Cuba, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Bộ Ngoại giao Mỹ hủy bỏ việc cấp phép cho các chuyến thăm theo nhóm tới Cuba với mục đích giáo dục. Đây là hình thức vẫn thường được các hãng lữ hành Mỹ đăng ký cho khách của mình tới thăm Cuba. Mỹ cũng cấm các chuyến đi tới Cuba bằng các tàu chở khách và các phương tiện như du thuyền, thuyền buồm, cũng như các máy bay tư nhân và máy bay của các công ty Mỹ. Chiếc du thuyền cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Cuba sau khi Mỹ siết chặt lệnh cấm vận lên đảo quốc Caribe này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, lý do khiến Washington quyết định áp lệnh trừng phạt mới với La Habana liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội nước này đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp đất hiếm mới. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc, nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu của Mỹ, đang cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu quan trọng này cho Mỹ. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu đàm phán với các công ty ở Malawi và các công ty khác trên toàn thế giới để chuẩn bị nguồn cung mới đối với loại nguyên liệu quan trọng này. 80% nguồn đất hiếm Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn từ 2014 - 2017 là từ Trung Quốc, nước kiểm soát đến 1/3 lượng đất hiếm của thế giới.

Ngày 5/6, chuyến tàu chở du khách đầu tiên đi tới vùng Bắc Cực thuộc phần lãnh thổ Nga đã khởi hành từ ga Saint Petersburg. Chuyến tàu có tên Zarengold, với hai toa là nhà hàng. Dự án do công ty Lernidee Еrlebnisreisen của Đức đảm nhận. Tàu sẽ di chuyển từ thành phố Saint Petersburg qua thành phố Petrozavodsk, thị trấn lịch sử Kem và Murmansk. Chuyến đi kéo dài tổng cộng 11 ngày và cho phép hành khách khám phá những nơi khó tiếp cận bằng các phương tiện trước đây. 91 du khách trên chuyến tàu đầu tiên này đến từ 7 quốc gia, trong đó có Mỹ, Đức, Na Uy và Nga.

54% người Mỹ tin rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Đây là kết quả khảo sát mới được kênh truyền hình CNN thực hiện. Con số này thậm chí còn cao hơn tỷ lệ dự đoán cựu Tổng thống Barack Obama tái đắc cử năm 2011. Lĩnh vực kinh tế là điểm sáng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. 7/10 người được hỏi cho rằng kinh tế Mỹ đang rất tốt. Ông Trump sẽ chính thức khởi động chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 vào ngày 18/6 tới.

Đầu tháng 5/2019, Washington đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó mô tả Triều Tiên là "nhà nước bất hảo". Ngày 5/6, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã phản đối Mỹ dùng cụm từ "bất hảo" khi nói về Triều Tiên. Cụm từ trên vốn để chỉ quốc gia mà Washington cho là gây mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, việc Mỹ dùng những từ ngữ như vậy để gọi Triều Tiên, đối tác đối thoại của mình, là sự xâm phạm rõ ràng chủ quyền và lòng tự trọng của Bình Nhưỡng. Đây không khác gì một tuyên bố đối đầu trên thực tế.

Biến đổi khí hậu sẽ khiến hơn 200 tập đoàn lớn nhất thế giới thiệt hại gần 1.000 tỷ USD trong 5 năm tới do các yếu tố như: nhiệt độ gia tăng, chi phí hạn chế khí thải. Đó là dự báo của tổ chức Công khai tác động của khí thải carbon (CDP) có trụ sở ở Anh dựa trên số liệu của 215 tập đoàn với giá trị vốn hóa thị trường 17.000 tỷ USD. Nhiều tập đoàn trong số đó cũng nhận thấy những cơ hội đầu tư trị giá 2.100 tỷ USD từ nhu cầu xe điện và năng lượng tái tạo. Nghiên cứu của CDP cảnh báo, thế giới chỉ còn 12 năm để tránh thảm họa do biến đổi khí hậu.

Mới đây, một tòa án ở Đức đã tuyên án phạt tù chung thân đối với nam y tá với tội danh giết hại 85 người. Đối tượng này bị coi là kẻ giết người hàng loạt nguy hiểm nhất trong thời bình tại Đức. Niels Hoegel, 42 tuổi, thừa nhận đã cho hàng chục bệnh nhân cấp cứu uống hoặc tiêm thuốc quá liều vì y có sở thích muốn chứng kiến họ ở trong trạng thái giành giật giữa sự sống và cái chết. Năm 2014 - 2015, Hoegel đã bị đưa ra xét xử lần thứ hai trước sức ép của các gia đình nạn nhân. Tại phiên tòa này, đối tượng bị kết tội cố ý sát hại 5 bệnh nhân và lĩnh án phạt tù tối đa 15 năm, được coi tương đương án tù chung thân tại Đức.

Tiêu hủy sản phẩm tồn kho hoặc bị khách hàng trả lại thay vì bán hạ giá là cách bảo vệ thương hiệu khá phổ biến của các nhãn hàng xa xỉ nhưng lại gây lãng phí khổng lồ. Là "quê hương" của nhiều nhãn hàng xa xỉ, Chính phủ Pháp mới đây đã có quyết định sẽ thực thi các biện pháp nghiêm túc để chấm dứt tình trạng gây lãng phí này. Tuyên bố vào ngày 5/6 của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết, quy định mới là một phần trong dự thảo luật kinh tế dự kiến sẽ được nội các Pháp thảo luận trong tháng 7. Nếu được thông qua, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ năm 2021 - 2023. Theo đó, các công ty sẽ bị cấm tiêu hủy những hàng hóa trừ thực phẩm mà phải tái sử dụng hoặc tái chế.

Thành phố Beverly Hills, bang California, Mỹ vừa trở thành thành phố đầu tiên tại nước này chính thức thông qua Luật cấm bán thuốc lá. Mục đích chính của việc làm trên là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, việc bán các loại thuốc lá điếu, thuốc hút tẩu, thuốc lá nhai và cả thuốc lá điện tử tại Beverly Hills sẽ bị cấm từ tháng 1/2020. Luật mới này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các nhóm vận động vì sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp tại Beverly Hills lo ngại lệnh cấm mới sẽ khiến lượng khách du lịch đến đây sụt giảm. Trước đó, Beverly Hills đã có sắc lệnh cấm hút thuốc ngoài vỉa hè, trên những tuyến đường đi bộ và cả trong các tòa nhà chung cư.

Tin thể thao:

Đánh bại tuyển Anh, Hà Lan vào CK Nations League: Chỉ 1 ngày sau khi Bồ Đào Nha vượt qua Thụy Sĩ 3-1 nhờ cú hat-trick của siêu sao Cristiano Ronaldo, Hà Lan và Anh quyết đấu nhau trên sân Dom Afonso Henriques ở Guimaraes để tìm ra chủ nhân cuối cùng dự chung kết UEFA Nations League năm nay. Sau trận cầu đôi công mãn nhãn và nhiều diễn biến khó lường, Thắng 3-1 trước tuyển Anh, Hà Lan hiên ngang bước vào trận chung kết UEFA Nations League năm nay đối đầu Bồ Đào Nha vào ngày 10/6 tới trên sân Dragao (thành phố Porto, Bồ Đào Nha).

Daniel James hoàn tất kiểm tra y tế với MU: Tờ Daily Mail xác nhận, Daniel James đã vượt qua buổi kiểm tra y tế với MU. Thương vụ này sẽ sớm được công bố trên trang chủ MU. Đích thân Craig Norwood - nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh các cầu thủ MU, cũng đã xác nhận chữ ký của Daniel James trên trang cá nhân. Sau khi hoàn tất kiểm tra y tế, James đã có mặt tại sân bay, cùng tuyển xứ Wales lên đường sang Croatia chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại EURO 2020. Để sở hữu James, MU đã chi 15 triệu bảng cho Swansea.

Man City "phản đòn" UEFA, vẫn có thể bị cấm dự Champions League: Theo tờ Daily Mail, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) vừa xác nhận họ đã nhận được đơn kiến nghị của Man City liên quan đến việc họ phủ nhận cáo buộc tái phạm luật Công bằng tài chính (FFP) mà Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cáo buộc. Tuy nhiên, báo chí Anh nhận định có một niềm tin ngày càng tăng từ các quan chức UEFA rằng nhà ĐKVĐ Premier League đã phạm luật và sẽ bị cấm tham dự Champions League mùa giải 2020/21 kèm theo một số quy định hạn chế chi tiêu trên thị trường chuyển nhượng.

Napoli bạo chi 50 triệu bảng mua Lukaku: Truyền thông Italia tiết lộ, Napoli chấp nhận chi 50 triệu bảng để mang về Romelu Lukaku của MU. Ngoài ra, họ còn chấp nhận đáp ứng cho cầu thủ sinh năm 1993 một vị trí đá chính. Mức lương Napoli đề nghị với tiền đạo người Bỉ được dự đoán là khoảng 8,8 triệu bảng mỗi năm. Trước đó, Inter Milan cũng là đội bóng từng được đồn đoán theo đuổi chân sút người Bỉ.

PSG ra tay, De Gea đếm ngày rời MU: Theo thông tin từ ESPN, PSG đã quyết định chia tay thủ thành Gianluigi Buffon và muốn đưa một người gác đền chất lượng về sân Công viên các Hoàng tử. Trong danh sách này, PSG đang nhắm tới thủ thành De Gea. Theo báo chí Pháp, đội chủ sân Công viên các Hoàng tử sẵn sàng đáp ứng mức lương khủng mà De Gea yêu cầu, miễn sao cầu thủ này gây áp lực đủ lớn lên đội bóng chủ quản để được ra đi.

MU đàm phán mua Bruno Fernandes: MU vừa cử người tiến hành đàm phán mua tiền vệ Bruno Fernandes của Sporting Lisbon. Mùa giải vừa qua, ngôi sao 24 tuổi có 32 pha lập công và 18 đường kiến tạo thành bàn sau 53 trận. Tờ A Bola cho hay, “Quỷ đỏ” sẵn sàng đầu tư 62 triệu bảng để qua mặt Man City, Liverpool và Tottenham trong thương vụ này. HLV Ole Gunnar Solskjaer đang xem Fernandes là mục tiêu số một mà ông muốn đưa về sân Old Trafford.

Cựu sao MU thường xuyên bị lạm dụng: Wilfried Zaha - tiền vệ một thời của MU hiện đang khoác áo Crystal Palace cho biết anh đã bị lạm dụng, phân biệt chủng tộc trong hầu hết các trận đấu anh ra sân. Ngôi sao ĐT Anh khẳng định mình có đủ bản lĩnh chống lại điều này, nhưng vẫn mong muốn cộng đồng tạo ra làn sóng chống phân biệt chủng tộc mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong bóng đá.

Dominic Thiem gặp Djokovic ở bán kết Roland Garros: Sau Rafael Nadal- Federer, cặp bán kết còn lại của Roland Garros đã được xác định là giữa Dominic Thiem và Novak Djokovic. Thiem đã dễ dàng đánh bại tay vợt người Nga Khachanov để giành chiếc vé vào bán kết. Anh chỉ mất hơn 1 giờ thi đấu để giành chiến thắng chung cuộc 6-2, 6-5, 6-2. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Thiem lọt vào bán kết Pháp mở rộng. Đối thủ của anh, Djokovic cũng đã có chiến thắng áp đáp trước Alexander Zverev tứ kết. Chiến thắng của Djokovic diễn ra chỉ trong vỏn vẹn 2 giờ 12 phút đồng hồ với tỷ số 7-5, 6-2, 6-2.

Halep thua sốc ở tứ kết Roland Garros: Nhà đương kim vô địch đơn nữ Simona Halep đã chắc chắn trở thành cựu vương tại giải năm nay sau khi để thua 2-6 4-6 trước tay vợt Amanda Anisimova mới 17 tuổi đến từ Mỹ. Hạt giống số 3 của giải đã bị áp đảo hoàn toàn bởi một Anisimova tỏ ra cực kỳ thiện chiến trên mặt sân đất nện, và cô phải gác vợt sau chỉ 68 phút. Trong khi đó, tay vợt chủ nhà Ashleigh Barty đã vượt qua Madison Keys với các tỷ số 6-3 7-5 để gặp Anisimova ở bán kết. Như vậy với sự góp mặt của Anisimova và Barty cùng với cặp bán kết còn lại giữa Johanna Konta và Marketa Vondrousova, nội dung đơn nữ Roland Garros sẽ có nhà vô địch lần đầu đăng quang.

Tổng thống Trump đang “liều” với vũ khí thuế quan?

Sau Trung Quốc, đến Ấn Độ, Mexico được thêm vào danh sách những nước mà Mỹ “chiến tranh thương mại” và Australia cũng đang bị đặt trong tầm ngắm.

Từ Trung Quốc đến Ấn Độ và Mexico

Cuộc chiến thuế quan của Mỹ không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, mà tới nay đã có thêm nhiều nước được đưa vào danh sách. Một số hàng hóa của Ấn Độ xuất khẩu sẽ chính thức bị tăng thuế từ ngày 5/6 trong bối cảnh Mỹ muốn gia tăng áp lực với quốc gia châu Á này về mở cửa thị trường. Trước đó, ngày 31/5, Tổng thống Trump nói rằng Ấn Độ sẽ bị loại khỏi chương trình đặc quyền thương mại của Mỹ có tên gọi là Generalized System of Preferences. Theo chương trình kéo dài hàng thập kỷ dành cho một số nền kinh tế đang phát triển này, Mỹ đã cho phép một số hàng xuất khẩu của Ấn Độ tránh bị đánh thuế khi vào Mỹ với lợi ích thúc đẩy thương mại và phát triển chặt chẽ hơn.

Ấn Độ, đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GSP. Theo biểu thuế mới, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ như hóa chất, linh kiện xe hơi và bộ đồ ăn xuất sang Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế lên tới 7%. Năm 2018, những mặt hàng này chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 54,4 tỷ USD của Ấn Độ, theo cơ quan nghiên cứu cho Quốc hội Mỹ.

Mexico cũng đang "ngồi trên lửa" khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế tăng dần đối với toàn bộ hàng hóa Mexico nếu nước này không thể chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ về biên giới Mỹ đang ngày càng gia tăng. Mức thuế 5% sẽ có hiệu lực từ 10/6 và mỗi tháng sẽ tăng thêm 5 điểm % cho tới mức 25% nếu chính quyền Mexico không có hành động kịp thời.

Một nước khác cũng đang “nằm trong tầm ngắm là Australia. Một số cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump đã kêu gọi dùng đòn thuế quan để đáp trả việc Australia “bán tháo” nhôm vào thị trường Mỹ những năm qua. Tuy nhiên, giới chức của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng cảnh báo rằng, động thái đó có thể sẽ gây chia rẽ với một đồng minh hàng đầu và cũng sẽ là cái giá đáng kể đối với Mỹ. Do vậy, chính quyền của Tổng thống Trump đã nhất trí rằng ít nhất là tạm thời sẽ chưa có bất cứ hành động nào đối với Australia.

Ai phải gánh các đòn thuế quan của Trump?

Các đòn thuế quan mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu vốn đã đặt Mỹ ở một chiến tuyến chống lại các đồng minh như Canada, Mexico, châu Âu và Nhật Bản, đồng thời khoét sâu thêm những bất đồng với nhiều nước khác như Trung Quốc. Hơn 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “nổ phát súng” thuế quan đầu tiên dẫn tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các cuộc tranh luận về việc rốt cuộc ai là người phải chịu gánh nặng cho những đòn thuế đó vẫn chưa có kết luận chính xác.

Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng, Mỹ sẽ thu được hàng tỷ USD tiền thuế từ Trung Quốc. Ông cũng không ít lần nhắc lại quan điểm này trên trang Twitter cá nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ bất đồng với tuyên bố của ông Trump, bởi họ chính là bên phải gánh chịu hệ quả của những đòn thuế quan mà Mỹ áp với hàng Trung Quốc.

Một nghiên cứu được công bố mới đây từ các nhà nghiên cứu kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đại học Harvard, Đại học Chicago và Ngân hàng dự trữ liên bang Boston, dựa trên dữ liệu giá cả thu thập được tại các khu vực biên giới và các nhà bán lẻ của Mỹ, cho thấy, “hầu như toàn bộ phần thuế quan áp thêm” được chuyển tới Mỹ. Mặt khác, rất ít chi phí rơi vào các nhà sản xuất Trung Quốc.

Một nghiên cứu khác cho thấy, giá cả tiêu dùng ở Mỹ đã tăng do thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng. Cụ thể, nghiên cứu về mặt hàng máy giặt, được công bố hồi tháng 4 do các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng dự trữ liên bang và Đại học Chicago tiến hành, cho thấy, máy giặt tăng gần 12% đối với cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội địa, ngay trong vòng 4 dến 8 tháng sau khi thuế mới được áp. Ngoài ra giá của máy sấy cũng tăng với mức tương tự, mặc dù máy sấy không bị liệt vào danh sách tăng thuế.

William Reinsch, cố vấn cấp cao về kinh doanh quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, giải thích rằng, giá cả 2 mặt hàng đều tăng “vì hầu hết người tiêu dùng mua cùng lúc cả máy giặt và máy sấy và nhà sản xuất nhận ra rằng họ có thể tăng giá của cả 2 để có thêm tiền bỏ túi”.

Về việc vì sao giá máy giặt sản xuất nội địa ở Mỹ cũng tăng dù nó không bị đánh thuế, ông Reinsch nói hiện tượng đó cho thấy: các nhà sản xuất nội địa tăng giá để có thêm tiền bù lại những thiệt hại mà họ phải chịu từ hàng nhập khẩu bị tăng thuế.

Trong khi đó hầu hết các nghiên cứu tại Mỹ đều chỉ ra rằng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu gánh nặng nhiều hơn, thì một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể là bên bị tác động nhiều hơn.

Trong một nghiên cứu công bố tháng 11/2018, hai chuyên gia kinh tế châu Âu Benedikt Zoller-Rydzek và Gabriel Felbermayr cho rằng các công ty Trung Quốc phải chịu khoảng 75% gánh nặng thuế. Theo các phân tích của họ, thì trong 25 điểm % thuế tăng thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu 4,5% còn các nhà sản xuất Trung Quốc chịu trách nhiệm 20,5% còn lại.

Tuy nhiên giá cả cao hơn mà người tiêu dùng Mỹ phải trả và chi phí tăng mà các công ty Mỹ phải đối mặt cũng sẽ tác động đối với nền kinh tế Mỹ, theo Stefan Legge, một nhà nghiên cứu kinh tế và diễn giả tại Đại học St Gallen ở Thụy Sỹ.

Trump “cược nhiều thắng lớn” hay sẽ thua to?

Theo dự báo kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố tháng 4/2019, nền kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ tăng trưởng 2,3%, và năm 2020 là 2%. Trong khi đó, tăng trưởng trong năm 2018 là 3,1%. Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 là 6,6%. IMF dự báo năm 2019 sẽ kinh tế nước này tăng trưởng 6,3% và năm 2020 là 6,1%. Các dự báo này đã tính đến cả yếu tố chiến tranh thương mại hiện nay và nó cho thấy, đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế Mỹ “tụt điểm” nhiều hơn so với Trung Quốc.

Nhìn chung với cuộc chiến thuế quan, cả Mỹ và Trung Quốc đều chịu những tác động theo những cách khác nhau. Câu hỏi là liệu chính quyền Trump có xem xét những thiệt hại mà các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải chịu như một cái giá đáng chấp nhận để theo đuổi những điều mà họ muốn từ Trung Quốc?

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow dù thừa nhận cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ phải gánh chịu tác động của cuộc chiến thương mại, nhưng ông cũng tuyên bố, đó là rủi ro mà Mỹ có thể sẽ phải chấp nhận.

Trên quan điểm thuần kinh tế, “thuế quan gần như không bao giờ là lựa chọn chính sách ưu tiên để đạt được mục đích”, vì có rất nhiều tác động tiêu cực bên lề. Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn vượt xa hơn cả vấn đề kinh tế, vì thế Mỹ có thể coi những tác động tiêu cực như “một sự hy sinh cần thiết” để đem lại chiến thăng về mặt chính trị, ông Legge nói.

Dù vậy, những người ủng hộ chiến dịch lớn nhất của Tổng thống Trump đang công khai thừa nhận mối lo ngại rằng, với cuộc chiến thuế quan, ông Trump đang đánh mất ưu thế tái tranh cử 2020 của mình, đó chính là kinh tế.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 07/06/2019 là 1 AUD = 0.697 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 07/06/2019 là 1 AUD = 16,324 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, mây thay đổi, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ. Chủ nhật, trời ít mây, ngày nắng nóng gay gắt, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 38 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 7 đến 16 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, buổi chiều có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 10 đến 18 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 20 độ. Chủ nhật, buổi sáng có thể có mưa rào, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 24 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào dọc theo khu vực ven biển, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 19 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 22 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6 đến 17 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 25-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 17 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này