Chương trình Thời sự thứ Sáu, 06/12/2019
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Nước Úc có nguy cơ nắng nóng đến 50 độ C
- Melbourne: Vòng đu quay khổng lồ với trải nghiệm “bay” trong không trung sắp xuất hiện
- Melbourne: Hào hứng với cuộc thi theo chủ đề Harry Potter xung quanh các biểu tượng thành phố
- Sydenham: Cảnh sát điều tra một vụ trộm xe hơi từ nhà dân
- Victoria: Thư viện State Library vừa mở cửa trở lại sau quá trình trùng tu năm năm
- Wyndham: Dân số ở Wyndham vượt ngưỡng nửa triệu người trong vòng 20 năm
- Victoria: Tổ chức Western Health sẽ điều hành bệnh viện Melton Hospital trong tương lai
- Seaford: Hai chiếc xe hơi tông nhau trực diện, một người chết và một người bị thương
- Tin vắn
Tin thế giới:
Bộ Nội vụ Pháp tuyên bố sẽ không để bất cứ khu trại tự phát nào tiếp tục mọc lên tại các cửa ngõ thành phố. Hàng nghìn người nhập cư đã chiếm lĩnh cửa ngõ phía Bắc vào thành phố Paris tại cửa ô La Chappelle từ nhiều năm nay. Tháng 11, Bộ Nội vụ Pháp quyết định dọn dẹp cửa ô La Chappelle, dỡ bỏ các lán trại, di dời người tị nạn về cửa ô Aubervilier nhưng tình trạng không được cải thiện. Điều khiến Chính phủ Pháp lúng túng hơn cả là dòng người đến Pháp vẫn tiếp tục. Người nhập cư tìm đường đến Anh gặp khó khăn cũng quay về đây khiến dòng người ngày mỗi đông. Thành phố Paris đã chọn giải pháp ngắn hạn là đưa người tị nạn về các phòng thể thao để tránh rét cho mùa đông 2019 - 2020, tuy thế, giải pháp dài hạn chưa có.
Hôm 5/12, các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bắt đầu nhóm họp ở Vienna (Áo). Theo các nguồn tin, các nước OPEC có khả năng sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ hơn nữa do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và nguồn cung dồi dào đang gây sức ép lên giá dầu. Việc cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày đã được nhất trí vào tháng 12. Tuy nhiên, phát biểu ngày 3/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Thamer Ghadban đã đề nghị một số thành viên tăng mức cắt giảm sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. Năm 2017, OPEC và và các nước sản xuất dầu khác đã cắt giảm sản lượng để đối phó với việc sản lượng của Mỹ, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay, tăng mạnh. Các nước thành viên OPEC sẽ họp với Nga và các nước sản xuất khác vào ngày 6/12.
Chính quyền Hong Kong, Trung Quốc vừa tuyên bố chi 511 triệu USD nhằm vực dậy nền kinh tế suy thoái do phong trào biểu tình kéo dài gây ra. Đây là lần nỗ lực thứ 4 của chính quyền Hong Kong để cứu nền kinh tế suy thoái của mình. Động thái này đã nâng tổng số tiền Hong Kong bỏ ra cho mục đích hỗ trợ kinh tế lên đến 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cần thêm một thời gian nữa để những biện pháp này phát huy tác dụng, vực dậy ngành du lịch và bán lẻ của thành phố. Một cuộc khảo sát độc lập cho biết, hoạt động kinh doanh tại Hong Kong vào tháng 11/2019 đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong suốt 21 năm qua. Trước đó, chính quyền Hong Kong cũng công bố doanh thu bán lẻ đã sụt 24,3% trong tháng 10, mức suy giảm lớn nhất từng được ghi nhận.
NATO tái khẳng định tình đoàn kết giữa các nước thành viên ở châu Âu và Bắc Mỹ, bất chấp tranh cãi gay gắt liên quan đến việc đóng góp tài chính và chiến lược phòng thủ. Đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh NATO đưa vào chương trình nghị sự nội dung liên quan đến sự lớn mạnh gần đây của Trung Quốc. Tuyên bố chung kết thúc hội nghị cũng thừa nhận các thách thức, cơ hội từ sự trỗi dậy này và đánh giá những tác động liên quan đến vấn đề an ninh của các thành viên NATO. Trong tuyên bố chung, các đồng minh quân sự NATO thể hiện lo ngại về những hành động gần đây của Nga, cam kết tăng cường các hành động phòng thủ và răn đe. Bất đồng về chi tiêu quốc phòng của các thành viên NATO được hiểu là đã hạ nhiệt. Mức đóng góp cho ngân sách chung sẽ điều chỉnh từ năm 2021, với phần đóng của Mỹ và Đức sẽ gần tương đương nhau, cùng hơn 16%. 29 nhà lãnh đạo cũng cam kết hành động mạnh tay hơn chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, giữa các thành viên và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đạt được tiếng nói chung quanh vấn đề người Kurd ở Syria.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề xuất yêu cầu mọi hành khách, kể cả công dân Mỹ và người có thẻ xanh, phải chụp hình nhận diện khuôn mặt khi ra hoặc vào nước này. Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đây sẽ là một phần của hệ thống quản lý rộng hơn nhằm theo dõi các hành khách khi họ ra hoặc vào nước Mỹ. Biện pháp này nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng gian lận giấy tờ đi lại của Mỹ, cũng như hỗ trợ nhận diện tội phạm hoặc nghi phạm khủng bố. Chính phủ Mỹ đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong 20 năm qua. Tuy nhiên, gần đây, Mỹ mới bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng công nghệ này tại khắp các sân bay của nước này.
Ngày 5/12, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo Hạ viện Mỹ sẽ thúc đẩy các thủ tục tiếp theo để tiến hành luận tội Tổng thống Donald Trump, khi cho rằng những hành động của ông Trump cũng như kết quả của cuộc điều tra khiến họ không còn lựa chọn nào khác. Trong một phát biểu, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi khẳng định những hành động của Tổng thống Trump đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp, khiến nền dân chủ của Mỹ đang bị đe dọa. Bà Pelosi cũng đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerry Nadler soạn thảo các điều khoản pháp lý để buộc Tổng thống Trump phải rời nhiệm sở. Thông báo trên của bà Pelosi đã được dự báo từ trước, song hành động này đã đánh dấu một bước ngoặt của cuộc điều tra luận tội, dẫn tới khả năng Hạ viện Mỹ có thể bỏ phiếu về dự thảo luận tội Tổng thống Trump trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Yonhap đưa tin ngày 5/12, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho rằng những phát ngôn gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump ám chỉ việc sử dụng sức mạnh quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ là một "thách thức rất nguy hiểm." Trong một tuyên bố do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, bà Choe Son-hui cảnh báo Bình Nhưỡng có thể nối lại việc "ăn miếng trả miếng" với Mỹ, nếu những phát biểu như vậy còn được lặp lại. Trước đó, khi tham dự một hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Anh hôm 3/12, ông Trump nói rằng Washington có thể sử dụng vũ lực nếu phải làm điều đó, đồng thời hối thúc Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tôn trọng thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Bà Choe Son-hui nói thêm điều khiến Bình Nhưỡng khó chịu hơn là việc ông Trump đề cập tới ông Kim Jong-un là "Người tên lửa," cách diễn đạt mà nhà lãnh đạo Mỹ từng sử dụng khi hai bên khẩu chiến lúc căng thẳng leo thang.
Mặc dù còn một tuần nữa mới diễn ra bầu cử, song Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 5/12 đã công bố kế hoạch hành động trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền nhiệm kỳ mới của ông. Trong kế hoạch trên, Thủ tướng Johnson nhắc lại cam kết đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đúng hạn vào ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, ông Johnson khẳng định điều này sẽ chỉ xảy ra nếu đảng Bảo thủ của ông giành được đa số ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới. Điều này sẽ tạo điều kiện để thỏa thuận Brexit của ông được nhanh chóng thông qua tại Quốc hội mới. Thủ tướng Johnson đồng thời công bố đề xuất cắt giảm thuế cho các hộ gia đình ở Anh. Ông không nêu chi tiết, nhưng cho biết mức cắt giảm sẽ được đề cập trong ngân sách quốc gia thời hậu Brexit dự kiến công bố vào tháng 2/2020.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 4/12 đã bác bỏ thông tin cho là Washington đang xem xét bổ sung 14.000 binh sỹ tới Trung Đông để đối phó với Iran. Tuyên bố trên Twitter, người phát ngôn Lầu Năm Góc Alyssa Farah khẳng định thông tin của Wall Street hoàn toàn sai sự thật và Mỹ không xem xét bổ sung 14.000 quân tới Trung Đông. Trước đó, tờ Wall Street dẫn lời một số quan chức Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét kế hoạch mở rộng sự hiện diện của quân đội nước này tại Trung Đông để đối phó với Iran. Thông tin nêu rõ ông Trump có thể đưa ra quyết định về kế hoạch mới này ngay trong tháng này.
58 người thiệt mạng trong lúc hàng chục người khác phải cố bơi qua vùng nước khắc nghiệt ở Đại Tây Dương sau khi chiếc thuyền chở họ bị lật ở ngoài khơi Mauritania. Chiếc thuyền chở người di cư trên chở ít nhất 150 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, đã rời Gambia cách đây một tuần, dự định đến quần đảo Canary, cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha. Thuyền đã gặp nạn khi đang vào bờ biển Mauritania để tiếp nhiên liệu và đồ ăn. Ít nhất 83 người sống sót đã bơi được vào bờ biển Mauritania, gần thành phố Nouadhibou. Nhiều người bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Hiện chưa rõ liệu có người mất tích hay không. Chính quyền Mauritania đang phối hợp với phái bộ của Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc tại nước này để tiến hành tìm kiếm cứu hộ.
Công ty vận tải biển Navios Tankers Management của Hy Lạp ngày 5/12 cho biết hải tặc đã bắt cóc 19 thành viên thủy thủ đoàn của một tàu chở dầu của hãng này ở ngoài khơi Nigeria. Tàu chở dầu cỡ lớn Nave Constellation, treo cờ Hong Kong, đã bị tấn công ngày 3/12 ở khu vực ngoài khơi, cách đảo Bonny 77 hải lý. Trong số người bị bắt cóc có 18 người Ấn Độ và 1 người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, 7 thủy thủ vẫn đang trên tàu. Tàu không bị hư hại sau vụ tấn công trên. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã xác nhận vụ bắt cóc trên, và thông báo đang liên lạc với chính quyền Nigeria và các cơ quan an ninh để truy tìm nơi các thủy thủ bị đưa đi. Ngành vận tải biển đã cảnh báo trong vài tháng gần đây về các mối nguy hiểm gia tăng liên quan đến cướp biển ở khu vực Tây Phi, đặc biệt là quanh Nigeria.
Không khí Giáng sinh đã ngập tràn nhiều thành phố ở Mỹ và tối 4/12, hàng vạn dân người từ khắp nước Mỹ và trên thế giới đã đổ về Trung tâm Rockefeller để chiêm ngưỡng màn thắp sáng cây thông biểu tượng Giáng sinh của New York với 50.000 ngọn đèn đủ sắc màu và gắn một ngôi sao lớn bằng pha lê Swarovski trên đỉnh. Đây là lần thứ 87 cây thông khổng lồ được thắp sáng trước sự chứng kiến của Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio và hàng vạn du khách, từ người già cho đến các em nhỏ. Cây thông 60 năm tuổi cao tới 23,5m với đường kính 14m do gia đình bà Carol Schultz ở hạt Cam, bang New York, trao tặng và đã được chuyển về New York từ ngày 9/11 để được trang hoàng lung linh. Lễ thắp sáng cây thông Giáng sinh là sự kiện mở màn mùa Giáng sinh ở New York, được tổ chức với các màn biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới, thu hút khoảng hàng nghìn người tham gia trực tiếp và hàng triệu người theo dõi qua truyền hình.
Tin thể thao:
Ngoại hạng Anh: Tiếp đón Brighton, với lợi thế sân nhà, Arsenal lập tức dồn lên chiếm thế trận bằng việc tạo ra vô số tình huống lên bóng nguy hiểm. Tuy nhiên, cách chơi của Arsenal bị Brighton bắt bài và đội khách bắt đầu thi triển lối đá của riêng mình. Phút 36, từ 1 pha phạt góc, bóng tìm đến chân Adam Webster và trung vệ này không bỏ lỡ cơ hội đưa Brighton vươn lên dẫn trước 1-0. Arsenal phải chờ đến những phút đầu hiệp 2 mới có thể tìm được bàn gỡ nhờ Lacazette. Hàng công Arsenal ở hiệp đấu này chơi khởi sắc hơn nhưng hàng thủ lại tiếp tục gây thất vọng. Sau 1 vài pha bóng giải nguy cho khung thành, Arsenal cuối cùng không thể đứng vững. Phút 80, Neal Maupay xé lưới Arsenal đem về chiến thắng 2-1 cho Brighton.
Everton sa thải HLV Marco Silva: Sáng 6/12, CLB Everton thông báo đã quyết định sa thải HLV Marco Silva. Quyết định được đưa ra sau trận thảm bại 2-5 trước đối thủ láng giềng Liverpool, khiến Everton rớt xuống vị trí thứ 18 trên BXH Premier League. Ông Marco Silva nhận lời dẫn dắt Everton từ tháng 5/2018 với bản hợp đồng 3 năm. Tuy nhiên, phong độ tệ hại của Everton ở mùa giải này đã khiến ông kết thúc vai trò chỉ sau 18 tháng nắm quyền. Trước mắt, Everton bổ nhiệm ông Duncan Ferguson vào vai trò HLV tạm quyền. Theo ESPN, David Moyes đang được coi là ứng viên sáng giá ngồi vào ghế nóng Everton thay Silva. HLV Moyes đã có 11 năm thành công cùng Everton, giai đoạn 2002-13.
Đàm phán giữa Ibrahimovic và Milan bế tắc: Truyền thông Italia đưa tin đàm phán giữa Zlatan Ibrahimovic và AC Milan đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Ban lãnh đạo Milan muốn ký hợp đồng có thời hạn 6 tháng cùng mức lương 2 triệu euro. Nếu Ibra chơi tốt, anh sẽ được Milan gia hạn thêm 1 mùa với mức lương được tăng lên 6 triệu euro. Tuy nhiên, Ibra không hài lòng với đề xuất này. Tiền đạo Thụy Điển muốn ký thỏa thuận kéo dài 18 tháng kèm đãi ngộ 10 triệu euro/mùa. Chính bởi vậy, đàm phán đang rơi vào bế tắc. Theo kế hoạch, hai bên sẽ thương thảo cho tới giữa tháng 12. Nếu không tìm được tiếng nói chung, Milan sẽ chuyển hướng sang mục tiêu khác. Về phía Ibra, anh cũng sẽ tìm cho mình một bến đỗ mới. Theo các nguồn tin, Ibra đang cân nhắc đề nghị từ Bologna.
Atletico thoát án phạt cấm sân: Vòng 15 Liga, Atletico Madrid đón tiếp Barcelona trên sân nhà trong trận đầu tiên Antoine Griezmann quay lại đội bóng cũ. Coi Griezmann là kẻ phản bội khi dứt áo chuyển tới Barca trong thương vụ 120 triệu euro Hè 2019, CĐV quá khích của Atletico Madrid đã hát vang khán đài câu hát “Chết đi Griezmann”. Những câu hát này lần đầu xuất hiện ở phút thứ 7 của trận đấu, và lặp lại trong hiệp thi đấu thứ hai. Sau trận, báo chí Tây Ban Nha cho rằng hành vi của CĐV quá khích khiến Atletico Madrid đối mặt với án phạt treo sân. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất từ Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha, Atletico Madrid chỉ bị phạt số tiên 301 euro do một số CĐV đã ném đồ xuống sân.
Ansu Fati ký hợp đồng “khủng” với Barca: Được ra mắt đội 1 Barca ở đầu mùa giải 2019-20 khi Messi gặp chấn thương, Anssumane Fati đã có những màn trình diễn rất xuất sắc. Cầu thủ sinh năm 2002 đá trận đầu tiên cho đội 1 Barca trong trận thắng 5-2 trước Real Betis trên sân nhà Camp Nou. Bốn ngày sau đó, Fati đã có bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp khi xé lưới Osasuna. Phong độ ấn tượng của Fati đã khiến Barca quyết định sớm giữ chân anh bằng thỏa thuận dài hạn. Mới đây, Fati đã ký hợp đồng mới với Barca. Thỏa thuận giữa 2 bên có thời hạn tới Hè 2022 đi kèm phí giải phóng lên tới 170 triệu euro.
Nguy cơ mất Sancho vào tay Liverpool: Phóng viên Mark Ogden của ESPN nhận định Liverpool sẽ là bến đỗ thích hợp hơn cho tiền đạo Jadon Sancho so với MU. Tuy nhiên, nguồn tin này nói thêm Arsenal đang theo dõi sao trẻ người Anh và Man City cũng sẵn sàng trải thảm mời anh về sân Etihad. Jadon Sancho đang là một trong những tiền đạo trẻ rất nổi bật ở châu Âu hiện tại. Anh được MU và nhiều đội bóng lớn nhắm đến để tăng cường hàng công.
Real muốn đổi Vinicius lấy Pogba: Real Madrid đã sẵn sàng gửi đề nghị 42 triệu bảng (50 triệu euro) cộng với Vinicius Junior để đổi lấy tiền vệ Paul Pogba của MU. HLV Zinedine Zidane rất hâm mộ tài năng của cầu thủ đồng hương và muốn đưa anh về sân Bernabeu. Tờ El Desmarque cho biết thêm Real sẽ tăng cường nỗ lực đưa Pogba về ngay khi kỳ chuyển nhượng tháng 1 mở cửa. Tiền vệ người Pháp đã không ra sân cho MU kể từ tháng 9 vì một chấn thương mắt cá chân. Có tin đồn anh đang “đình công” không ra sân cho MU nhằm gây áp lực để được ra đi trong thời gian tới.
Hazard chính thức lỡ Siêu kinh điển Real - Barca: CLB Real Madrid vừa xác nhận, tiền vệ Eden Hazard bị vỡ mắt cá chân sau trận hòa PSG 2-2 hồi tuần trước (vòng bảng Champions League) và phải ngồi ngoài 4-6 tuàn. Như vậy, Hazard sẽ chính thức vắng mặt ở trận Siêu kinh điển với Barcelona vào ngày 19/12. Ngoài Hazard, một cầu thủ khác của Real là Marcelo nhiều khả năng cũng bỏ lỡ Siêu kinh điển vì đau bắp chân trái.
Messi bầu SAO Liverpool giành Quả bóng vàng: Không phải Virgil Van Dijk, cái tên được Lionel Messi bầu chọn ở vị trí số 1 trong cuộc đua Quả bóng vàng là Sadio Mane. Đích thân siêu sao người Argentina đã tiết lộ thông tin này trên kênh truyền hình Canal +, dù vậy tiền đạo thuộc biên chế Liverpool chỉ về đich thứ 4 (sau Messi, Van Dijk, Ronaldo). Cũng theo Messi, Mane xứng đáng đứng ở vị trí cao hơn.
Atletico Madrid nhắm Cavani thay Costa. Tờ AS đưa tin, Atletico Madrid đang liên hệ với người đại diện của Cavani để đưa tiền đạo này sang Tây Ban Nha chơi bóng. Hiện tại, hợp đồng của Cavani với PSG sẽ hết hạn vào cuối mùa giải và Atletico Madrid muốn sở hữu tiền đạo này miễn phí. Atletico đã nhắm tiền đạo có biệt danh “Võ sĩ đấu bò” thay Diego Costa.
Thế bí của châu Âu trên “bàn cờ Syria”
Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vừa tìm được một tiếng nói chung, nhưng có vẻ rất mơ hồ, về vấn đề Syria trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Anh.
Trong tuyên bố đưa ra sau hội nghị bốn bên với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ hợp tác nhằm tạo điều kiện cho sự trở về an toàn, tự nguyện và lâu dài của những người tị nạn, đồng thời tiếp tục thúc đẩy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức ở Syria.
Trong số các bên tham gia hội nghị, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia liên quan nhiều nhất đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria, do vị trí địa lý là nước láng giềng, đồng thời Ankara cũng có nhiều toan tính chính trị và an ninh ở đây, nên Thổ Nhĩ Kỳ không ít lần đưa quân vào lãnh thổ Syria, hành động luôn bị chính quyền Damascus chỉ trích.
Trong khi đó, Anh, Pháp và Đức chủ yếu giữ vai trò hỗ trợ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria do Mỹ phát động, hoặc như Anh và Pháp từng tham gia những chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào Syria, như cuộc tấn công hồi tháng 4/2018. Điểm chung là cả bốn quốc gia này đều đang phải gánh chịu làn sóng người tị nạn, một trong những hậu quả do cuộc xung đột ở Syria gây ra.
Mặc dù Thủ tướng Đức đánh giá các cuộc thảo luận “phong phú và hữu ích,” còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng “mọi thứ tốt đẹp,” nhưng hội nghị vừa diễn ra ở London không thể xem là một giải pháp tháo gỡ nút thắt cho tình hình ở Syria, bởi những bên trực tiếp liên quan, bao gồm Syria, Mỹ và Nga không có mặt.
Nói cách khác, đây chỉ là một hội nghị về một chuyên đề hẹp, không phải toàn diện về tình hình Syria. Cũng chính vì thế, những sự đồng thuận hay lời kêu gọi đưa ra sau hội nghị là không đủ để tạo ra bước chuyển biến thực chất trong việc giải quyết cuộc xung đột ở đây.
Như lời ông Johnson, hai vấn đề được các nhà lãnh đạo Anh, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm là hồi hương người tị nạn và thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Về mặt bề nổi thì đây đang là hai vấn đề cấp thiết và có liên quan mật thiết với nhau ở Syria: đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố, để tạo ra một môi trường sống an toàn, giúp người tị nạn Syria có thể sớm trở về quê nhà, ổn định cuộc sống và xây dựng tương lai.
Những gì vừa diễn ra tại hội nghị ở London nói lên một điều, rằng các nước Anh, Pháp, Đức và cả Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu suy nghĩ đến những giải pháp lâu dài hơn cho Syria, nhằm giải quyết bài toán khủng hoảng người di cư ở châu Âu.
Từ năm 2015, cuộc khủng hoảng người di cư đang làm xáo trộn xã hội cũng như chính trường ở châu Âu, đặc biệt tại Đức và Pháp. Trong khi đó, qua thỏa thuận đạt được với Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ vai trò chốt chặn, ngăn dòng người di cư ồ ạt tràn vào châu Âu một cách không thể kiểm soát như 3-4 năm về trước.
Tuy nhiên, chính thỏa thuận ký năm 2015 này dường như đang khiến EU bị đặt vào thế bất lợi. Vấn đề người di cư không ít lần bị Thổ Nhĩ Kỳ biến thành “quân cờ” để gây sức ép với EU, nhất là đe dọa mở lại tuyến đường di cư từ nước này vào châu Âu nếu không được đáp ứng những yêu cầu.
Nhưng ở Syria không chỉ có chủ nghĩa khủng bố, mà cụ thể ở đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với những phần tử thánh chiến cực đoan từng gây ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố gây rúng động giữa lòng châu Âu trong vòng 5 năm trở lại đây.
Ở đó còn là bàn cờ cạnh tranh chiến lược giữa các bên, với những “người chơi có máu mặt” gồm Mỹ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Mỹ tìm kiếm ở Syria một tương lai mà chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad suy yếu hoặc biến mất, thì Nga hành động ngược lại, ngăn chặn toan tính của Mỹ để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Moskva ở Trung Đông.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ lại quan tâm đến vấn đề người Kurd và vừa thúc đẩy một chiến dịch quân sự mang tên “Cội nguồn hòa bình” hồi tháng Chín vừa qua, đưa quân vào lãnh thổ Syria chống lại lực lượng người Kurd đẩy người Kurd vào sâu trong lãnh thổ Syria, xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hơn, bất chấp sự chỉ trích của Damascus cũng như sự phản đối của Nga, Mỹ và cả EU.
Lợi ích của các bên trên “bàn cờ Syria” nhiều khi đối nghịch nhau nên ngay cả khi hợp tác trong vấn đề này, như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia vòng đàm phán Astana nhằm tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, thì những toan tính khác nhau sẽ dẫn tới những nước đi lấn át lẫn nhau.
Vì thế, việc các nước châu Âu kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, không hành động quá mức ở miền Bắc Syria chỉ là một giải pháp nhằm tránh làm tình hình Syria trở nên hỗn loạn và phức tạp hơn, chứ không thể đem lại sự ổn định ở quốc gia Trung Đông để chấm dứt dòng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu.
“Bàn cờ Syria” có quá nhiều người chơi, và các quốc gia châu Âu tham dự hội nghị vừa qua ở London không phải là những người chơi quan trọng nhất, dù rằng bất kỳ cú sốc hay biến cố nào xảy ra ở Syria thì các nước EU sẽ chịu tác động trực tiếp, trước hết là dòng người tị nạn khổng lồ, và không loại trừ sẽ có những tay súng thánh chiến trà trộn vào để tới châu Âu.
Trong khi các bên liên quan vẫn cân nhắc từng nước đi theo toan tính lợi ích của mình, thì nguy cơ thảm kịch nhân đạo và một tương lai mờ mịt vẫn tiếp diễn ở Syria. Điều đó cũng đe dọa lợi ích của chính EU, song có vẻ các nước EU đang không thể tự bảo vệ mình.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 06/12/2019 là 1 AUD = 0.683 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 06/12/2019 là 1 AUD = 15,822 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 32 độ. Chủ nhật, trời ít mây, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời ít mây, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 22 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 22 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–27 độ. Chủ nhật, trời nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–37 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nắng nóng, nhiều nơi có sương mù, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–38 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, nhiều nơi có sương mù, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–32 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–27 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–26 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–22 độ. Chủ nhật, buổi sáng có sương mù, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–25 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào