Chương trình Thời sự thứ Sáu, 05/06/2020

Cẩm Nhung | 05/06/2020 | 595 Lượt nghe

điều tra lý do khiến tỷ lệ tù nhân bị giam giữ ngày càng tăng

- Di trú: Ứng dụng Backpicker hỗ trợ người nhập cư tìm việc ở phía Tây Bắc Victoria

- Tin Úc: 200,000 việc làm trong ngành từ thiện có nguy cơ bị “xóa sổ”

- Tin vắn

Tin thế giới:

Mỹ sẽ có 100 triệu liều vaccine COVID-19 để phân phối trong cộng đồng vào cuối năm 2020. Đây là thông tin từ Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ. Trước đó, Mỹ đã bắt đầu công đoạn sản xuất vaccine trước khi có kết quả thử nghiệm cuối cùng về hiệu quả của các loại vaccine này trên người. Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm an toàn và hiệu quả, quá trình phân phối vaccine sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Hiện nhiều phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu tại Mỹ đang huy động các chuyên gia hàng đầu để nghiên cứu vaccine thử nghiệm. Cơ quan y tế Mỹ cho biết, dịch COVID-19 có tốc độ lây lan nhanh hơn dịch SARS trước đó. Ngày 3/5, trong bài phát biểu tại Đài tưởng niệm Lincoln Memorial ở thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lạc quan rằng nước này sẽ có vaccine vào cuối năm 2020. Ông cũng hối thúc mở cửa lại trường học và đại học vào tháng 9 tới.

Pháp sẽ không tổ chức duyệt binh ngày Quốc khánh 14/7 do quy định giãn cách xã hội. Thay vào đó, nước này sẽ tổ chức buổi tri ân các nhân viên y tế gồng mình chống dịch. Thay vì duyệt binh và phô diễn khí tài quân sự trên đại lộ Champs-Elysees vào ngày Quốc khánh như mọi năm, lễ kỷ niệm năm nay sẽ diễn ra ở quy mô nhỏ hơn tại quảng trường Place de la Concorde, với sự tham gia của 2.000 người và 2.500 khách mời. Tất cả những người tham gia đều sẽ tuân thủ nghiêm quy định giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Điểm nhấn của buổi lễ chính là hình ảnh các máy bay trình diễn trên không. Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, vào ngày 14/7 hàng năm, Pháp đều tổ chức kỷ niệm ngày Quốc khánh trên đại lộ Champs-Elysees. Vào ngày này, hàng nghìn người dân Pháp sẽ tập trung tại đây để chứng kiến cuộc diễu binh hoành tráng cùng nhiều xe tăng và nhiều khí tài quân sự khác.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4/6 tuyên bố sẽ không ra tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa, khi nhiệm kỳ thứ 4 hiện nay của bà chuẩn bị kết thúc vào cuối năm 2021. Thủ tướng Merkel khẳng định bà "hoàn toàn" không có ý định tham gia tranh cử thủ tướng trong năm tới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Tuyên bố trên đã xác nhận cho nhiều ý kiến cho rằng bà Merkel sẽ rút lui khỏi chính trường sau nhiệm kỳ thứ 4. Theo kế hoạch, đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ bầu ra lãnh đạo mới vào cuối năm nay và đây nhiều khả năng sẽ là người ra tranh cử thay thế bà Merkel trong cuộc tổng tuyển cử vào mùa Thu năm tới.

Bốn nền kinh tế lớn thành lập Liên minh vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, "Liên minh vaccine" sẽ gồm các nước Đức, Pháp, Italy và Hà Lan. Thông tin từ giới chức Hà Lan cho biết, mục đích của liên minh này là thúc đẩy các nỗ lực sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại bất cứ nơi nào trên đất châu Âu. Việc hợp tác 4 nước cùng với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm được kỳ vọng sẽ giúp gặt hái những kết quả tốt nhất và nhanh nhất từ những sáng chế vaccine đầy tiềm năng. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa với việc Italy là nước đi đầu mở cửa biên giới cho người dân châu lục này. Trong khi đó, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo chung về việc đi lại vào ngày 15/6 tới và Hà Lan cũng lên kế hoạch thực hiện bước đi tương tự phù hợp với các chỉ dẫn của EU.

Ngành bán lẻ New York vốn phụ thuộc vào khách du lịch, nhưng đã phải "nằm im" suốt 3 tháng qua. Giờ, thành phố này lại gánh chịu thêm thiệt hại từ biểu tình. New York đã quyết định giữ lệnh giới nghiêm tới khi thành phố bước vào giai đoạn 1 của quá trình mở cửa trở lại, ngày 8/6. Mở cửa bước 1 không có nghĩa là tất cả, nhưng sẽ có nhiều dịch vụ hơn được hoạt động. Ngành bán lẻ được phép bán theo kiểu giao - nhận còn các hàng quán sẽ được phục vụ thêm khách nhưng ngồi ngoài trời. Bằng việc mở cửa một phần hoạt động kinh tế, thành phố New York cũng hy vọng là các hoạt động biểu tình cũng sẽ giảm bớt khi người lao động sẽ phải quay trở lại làm việc bình thường.

Cục hàng không dân dụng Trung Quốc thông báo, từ ngày 8/6 các hãng hàng không quốc tế đủ điều kiện sẽ được cấp phép bay đến các thành phố được chỉ định ở Trung Quốc. Thông tin này được đưa ra sau khi dịch bệnh Covid 19 ở Trung Quốc và nhiều nước đã được kiểm soát tốt. Từ ngày 8/6, các hãng hàng không nước ngoài, trong đó có Mỹ sẽ được phép bay 1 tuần 1 chuyến đến Trung Quốc. Các hãng sẽ được tăng lên 2 chuyến 1 tuần nếu 3 tuần liên tiếp không phát hiện ca dương tính với COVID-19 trên các chuyến bay. Các tuyến có từ 5 hành khách trở lên dương tính với COVID-19 sẽ bị đình chỉ từ 1 - 4 tuần đối với cả hãng trong và ngoài nước. Dĩ nhiên, hành khách phải được xét nghiệm COVID-19 trước khi đến Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc cũng không bình luận chủ trương mới này có liệu có liên quan đến động thái cách đây 1 ngày Chính phủ Mỹ ra thông báo cấm các hãng hàng không Trung Quốc bay tới Mỹ từ 16/6 bởi trước đó, Trung Quốc không cấp phép cho các hãng hàng không Mỹ bay đến Trung Quốc.

Nhật Bản đang cân nhắc đơn giản hóa dạng thức của Thế vận hội Tokyo tổ chức vào năm 2021 như là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Các thay đổi có thể bao gồm: giảm số lượng khán giả, thu nhỏ các nghi thức khai mạc và bế mạc của Thế vận hội Olympic và Paralympic. Theo Chính phủ Nhật Bản, điều quan trọng nhất hiện nay là tổ chức Thế vận hội an toàn cho cả vận động viên và khán giả. Thế vận hội Tokyo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 23/7/2021.

Ngày 4/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với tình trạng suy thoái chưa từng có do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bà Lagarde cho rằng những dấu hiệu đầu tiên của việc phục hồi sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa vẫn còn mờ nhạt. Theo người đứng đầu ECB, do các biện pháp phong tỏa làm gián đoạn nguồn cung và giảm nhu cầu trong những tháng vừa qua, tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ giảm mạnh 8,7% trong năm 2020. Bà Lagarde đánh giá trong bối cảnh các nước đang dần mở cửa trở lại, những dấu hiệu của suy thoái hiện đã không còn. Tuy nhiên, hoạt động phục hồi lại khá yếu ớt so với mức giảm mạnh của các chỉ số kinh tế trong những tháng trước đó. ECB dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ giảm ở mức kỷ lục trong quý 2/2020 trước khi phục hồi trở lại.

Ngày 4/6, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington đã bổ sung 7 "thực thể" của Cuba vào danh sách trừng phạt của nước này, bao gồm cả công ty tài chính Fincimex. Trong thông báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn chặn nguồn tiền đổ vào Cuba." Thông báo cho biết thêm 7 "thực thể" này gồm công ty Fincimex, 3 khách sạn, 2 trung tâm huấn luyện lặn và một công viên hải dương. Theo đó, các thực thể Cuba bị trừng phạt sẽ bị cấm giao dịch tài chính hay làm ăn với bất kỳ cá nhân hay công ty nào của Mỹ. Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel ngày 4/6 lên tiếng bác bỏ các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ công bố, đồng thời khẳng định đây là những hành động làm ảnh hưởng trực tiếp đến chính người dân Cuba.

3 cuộc khủng hoảng tái định hình “thế trận” giữa Trump và Biden

Cái chết của công dân da màu George Floyd và hệ quả là các cuộc biểu tình bùng phát dữ dội trên toàn nước Mỹ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khác làm thay đổi chiến dịch bầu cử Tổng thống, vốn đã bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế. 3 cuộc khủng hoảng này đẩy cuộc đua giữa ông Trump và ông Biden rơi vào một tình thế chưa từng có khi cả 2 nhân vật đều tìm cách chứng tỏ họ có thể lãnh đạo đất nước trong thời điểm “đen tối” trong lịch sử.

Không giống như những cuộc bầu cử Tổng thống trước đây, khi mà các ứng cử viên phải chạy đua trong bối cảnh nguy cơ tấn công khủng bố và thảm họa tài chính bao trùm, cuộc đua năm 2020 đang gặp phải những thách thức mang tính lịch sử mà các ứng viên Nhà Trắng buộc phải đối phó.

“Chiến tranh thế giới thứ 2 và Nội chiến đã ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi quốc gia và toàn thế giới. Tất cả những sự kiện này đã là một phần của quá khứ. Nhưng giờ đây, chúng ta lại đang thấy mình đứng giữa những cuộc khủng hoảng đó”, Tad Devine, cố vấn cấp cao trong đội ngũ tranh cử của ông John Kerry trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2004 nhận xét.

Vẫn chưa rõ ứng viên nào sẽ có lợi thế hoặc bất lợi do ảnh hưởng của những cuộc khủng hoảng này khi chỉ còn 5 tháng nữa cuộc bầu cử chính thức mới diễn ra.

Kết quả thăm dò dư luận được công bố trong những tuần gần đây cho thấy, cựu Phó Tổng thống Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc với một biên độ vững chắc nhưng tương đối hẹp, ngay cả khi ông Trump vẫn duy lợi thế ở một số bang chủ chốt như Wisconsin, Florida và Arizona. Theo đó, ông Biden giành được 51% phiếu ủng hộ còn ông Trump có 46%.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò do SSRS thực hiện tại 15 bang chiến địa cho thấy ông Biden vẫn đứng sau ông Trump. Cuộc thăm dò tương tự do CNN thực hiện cũng có kết quả tương tự, ông Biden dẫn trước ông Trump về tỷ lệ ủng hộ trên toàn quốc nhưng lại thua ở 15 bang quyết định lá phiếu Đại cử tri. Theo đó, ông Trump giành được 52% phiếu ủng hộ trong khi cựu Phó Tổng thống Biden có 45% tại các bang này. (15 bang chiến địa gồm Arizona, Colorado, Florida, Georgia, Maine, Michigan, Minnesota, Nevada, New Hampshire, New Mexico, North Carolina, Ohio, Pennsylvania, Virginia và Wisconsin).

Những vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt có thể làm thay đổi hình ảnh của 2 ứng cử viên trong con mắt các cử tri theo những cách khó có thể dự đoán được, các chiến lược gia cho biết.

Sự kiện bầu cử Tổng thống đã trải qua nhiều biến động khi năm bầu cử bắt đầu. Vào thời điểm mà nền kinh tế đang phát triển và dịch bệnh Covid-19 chưa xuất hiện tại Mỹ, bối cảnh bầu cử được hình thành dựa trên cuộc trưng cầu ý dân về cách điều hành công việc của ông Trump, đặc biệt sau tiến trình luận tội Tổng thống do Hạ viện khởi xướng vào tháng 12/2019.

Sau đó, cuộc bầu cử vẫn xoay quanh quan điểm của người dân về ông Trump, nhưng lại bị tác động bởi phản ứng của ông đối với đại dịch Covid-19 và nền kinh tế kém phát triển khiến một số nhà phân tích lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930. Giờ đây, công chúng đang đánh giá vai trò của Tổng thống thông qua nỗ lực ứng phó với các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của công dân da màu Floyd cũng như tình trạng bạo loạn đang diễn ra tại nhiều thành phố.

Mối lo ngại về bạo lực và phân biệt chủng tộc dường như đang thách thức cả ông Trump lẫn ông Biden theo nhiều cách khác biệt hoàn toàn so với dịch bệnh Covid-19. Cả 2 ứng cử viên đều hiểu rằng, chiến dịch tranh cử đã bước sang một ngã rẽ khác với những sự kiện đầy bất ngờ sau cái chết của Floyd, tuy nhiên họ lại có những phản ứng trái ngược nhau.

Nếu như Tổng thống Trump kêu gọi quân đội thì ông Biden kêu gọi thay đổi xã hội. Nếu ông Trump tự nhận mình là “Tổng thống của luật pháp và trật tự” thì cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn xây dựng hình ảnh là một người đại diện cho công lý và hàn gắn quốc gia.

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Trump tuyên bố ông đang cân nhắc sử dụng quân đội để trấn áp người biểu tình. Ngay sau tuyên bố đó, ông Trump đã phải hứng chịu những lời chỉ trích gay gắt, thậm chí là từ các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa. Một số ý kiến cho rằng quyết định của ông có thể gây ảnh hưởng đến những người biểu tình ôn hòa.

Không bỏ lỡ thời cơ, Priority USA Action – nhóm chính trị ủng hộ ông Joe Biden đã chỉ trích cách Tổng thống đối phó với các cuộc biểu tình mà họ cho là sẽ diễn ra tại cả những bang chiến địa là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Về phần mình, Cựu Phó Tổng thống Biden, trong bài phát biểu tại Philadelphia hôm 2/6 cho biết, nước Mỹ đang cần một vai trò lãnh đạo có thể mang lại đoàn kết. “Tôi sẽ không chạy theo sự sợ hãi và chia rẽ. Tôi sẽ không thổi bùng lên ngọn lửa căm thù. Tôi sẽ tìm cách chữa lành vết thương về phân biệt chủng tộc tồn tại lâu nay trong xã hội Mỹ và không sử dụng điều này cho mục đích chính trị. Tôi sẽ làm phần việc của mình và tự chịu trách nhiệm mà không đổ lỗi cho người khác”.

Ông Biden cũng cam kết sẽ giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và mang lại cuộc sống mới cho người da màu tại Mỹ sau cái chết của George Floyd nếu trở thành Tổng thống.

Một số nhà phân tích cho rằng với quan điểm có phần mềm mỏng và đánh trúng tâm lý cử tri, ông Biden nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ cao hơn. CNBC cho biết, đội ngũ tranh cử của ông Biden đã ghi nhận sự tăng vọt trong chiến dịch gây quỹ sau cái chết của công dân George Floyd, đặc biệt sau khi ông Trump tuyên bố sẽ kích hoạt Đạo luật chống bạo loạn. Lượng tiền đổ về quỹ tranh cử giúp ông Biden thu hẹp khoảng cách tài chính với ông Trump và thúc đẩy các hoạt động tranh cử.

Có thể thấy, những gì đang diễn ra mang đến lợi thế cho ông Biden và tạo ra một cục diện hoàn toàn mới. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay cũng là một thách thức đối với ông Biden, Phó Giáo sư Timothy J. Lynch viết trong bài bình luận trên ABC News.

Theo giáo sư Timothy J. Lynch, ở thời điểm này, ông Biden có thể tranh thủ cơ hội chứng tỏ với người dân Mỹ rằng ông là một nhà lãnh đạo tốt hơn. Nhưng điều này vẫn chưa được phản ánh sâu sắc trong các cuộc thăm dò khi hầu hết kết quả đều cho thấy ứng viên phe Dân chủ chỉ có lợi thế chút đỉnh so với ông Trump trong cuộc tranh cử.

Hơn nữa, ông Biden phải đối mặt với thách thức là làm thế nào để duy trì lòng trung thành của người Mỹ gốc Phi đối với đảng của ông trong khi tránh được trách nhiệm về thất bại trong lĩnh vực kinh tế xã hội do chính sách mà đảng này đưa ra tại nhiều thành phố, trong đó có Minneapolis.

Theodore Johnson, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Tư pháp Brennan cho rằng lời nói phải đi kèm với hành động và ông Biden cần hành động nhiều hơn nữa để số cử tri da màu bỏ phiếu ủng hộ đảng Dân chủ gia tăng.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 05/06/2020 là 1 AUD = 0.693 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 05/06/2020 là 1 AUD = 15.955 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, âm u, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 37 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, âm u, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 38 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nhiều mây, buổi sáng có sương mù, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–15 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–14 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nắng, khu vực ven biển có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–23 độ. Chủ nhật, trời nắng, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–24 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, buổi sáng có sương mù, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–18 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–17 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–13 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–13 độ.

Cẩm Nhung

Đánh giá bản tin này