Chương trình Thời sự thứ Sáu, 01/11/2019
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Tỷ lệ lạm phát giảm còn 0.5% trong quý tháng Chín
- Victoria: Dịch bệnh lở loét ăn thịt người Buruli lan rộng đến thành phố Geelong
- Victoria: Đệ trình dự luật loại bỏ khẩu hiệu khiếm nhã trên các phương tiện giao thông
- Victoria: Kiến nghị xây dựng luật về số lượng nhân viên tối thiểu tại các viện dưỡng lão
- Cảnh sát Liên bang Úc đóng băng bảy bất động sản liên quan đến hoạt động rửa tiền từ Trung Quốc
- Frankston South: Điều tra về một vụ đua xe hơi dẫn đến tai nạn
- Di trú: Những người có visa ở Victoria buộc phải chuyển sang bằng lái địa phương trong sáu tháng
- Dandenong: Công bố hình ảnh của nghi phạm liên quan đến một vụ nổ súng chết người
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 31/10, các lực lượng của Mỹ đã bắt đầu tuần tra ở phần biên giới của Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên kể từ khi Washington rút binh sỹ khỏi khu vực này hồi đầu tháng. Tổng cộng 5 xe bọc thép treo cờ Mỹ đã tuần tra trên dải đất biên giới phía Bắc thị trấn Qahtaniyah, địa bàn hoạt động của họ trước khi Washington ra lệnh rút quân. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), các lực lượng của Mỹ đang tìm cách duy trì sự hiện diện dọc một đoạn biên giới phía Đông. Trước đó, các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ phối hợp tuần tra chung từ ngày 1/11 tới, tại vùng lãnh thổ Syria trong phạm vi bán kính 7km tính từ biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận Nga-Thổ được đánh giá là một thành công lớn, kết thúc chiến dịch quân sự gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria.
Ngày 31/10, Ấn Độ chính thức chia tách bang Jammu & Kashmir thành hai thực thể liên bang. Bang Jammu & Kashmir sẽ không còn tồn tại và thay vào đó sẽ là Ladakh không có cơ quan lập pháp và Jammu & Kashmir có cơ quan lập pháp. Sự thay đổi hành chính nói trên diễn ra sau một động thái gây tranh cãi ngày 5/8, khi Chính phủ liên bang sửa đổi Điều 370 trong hiến pháp vốn đảm bảo các quyền đặc biệt cho bang Jammu & Kashmir và sáp nhập vùng có đa số người Hồi giáo duy nhất ở Ấn Độ với phần còn lại của nước này. Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 31/10 tuyên bố, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc Ấn Độ chính thức chia tách Jammu-Kashmir thành 2 vùng lãnh thổ cấp bang. Ông Cảnh Sảng nói: "Chính phủ Ấn Độ chính thức tuyên bố thành lập cái gọi là 2 vùng lãnh thổ Jammu-Kashmir và Ladakh, bao gồm một phần lãnh thổ Trung Quốc trong phạm vi quyền tài phán hành chính của Ấn Độ. Trung Quốc bày tỏ rất bất bình và phản đối mạnh mẽ về vấn đề này."
Bộ Nội vụ Mỹ đã ngừng hoạt động của tất cả các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất hoặc có linh kiện do Trung Quốc sản xuất mà không tham gia các hoạt động khẩn cấp. Đây là một phần trong tiến trình đánh giá, xem xét lại toàn bộ chương trình máy bay không người lái của Washington. Trong thông báo ngày 31/10, Công ty công nghệ DJI của Trung Quốc cho biết Bộ Nội vụ Mỹ đã ngừng hoạt động của tất cả máy bay không người lái, trừ những máy bay được sử dụng trong các chiến dịch quan trọng hoặc an ninh công cộng. Phản ứng trước quyết định của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cùng ngày đã bày tỏ hy vọng Washington sẽ "ngừng lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia" và tạo ra bầu không khí không phân biệt đối xử đối với các công ty Trung Quốc.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 31/10 cho biết Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực xây dựng tại Iran và một số vật liệu nhất định đang được sử dụng liên quan tới quân đội và chương trình tên lửa đạn đạo của nước Cộng hòa Hồi giáo. Quyết định mới phản ánh việc Mỹ cố gia tăng sức ép kinh tế đối với Iran, trong khi vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Các biện pháp trừng phạt chống Iran đã được Washington tái áp đặt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCOPA hồi tháng 5/2018. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300kg, đồng thời cảnh báo tiếp tục giảm cam kết hạt nhân nếu các yêu cầu của Tehran không được đáp ứng trong các cuộc đàm phán với các thành viên còn lại tham gia thỏa thuận JCPOA.
Ngày 31/10, Tổng thống Chile Sebastian Piñera cho biết ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Theo đó, phía Tây Ban Nha đề xuất tổ chức Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP25) tại thủ đô Madrid theo lịch dự kiến ban đầu là từ ngày 2-13/12. Trước đó, Chile đã thông báo quyết định rút đăng cai hội nghị COP25 và Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp tới do tình hình trong nước đang có nhiều bất ổn. Trong một động thái mới nhất, ngày 31/10, Văn phòng Tổng thống Chile thông báo một số bộ trưởng trong chính phủ đã có cuộc gặp với đại diện phe đối lập để thảo luận các phương án tháo gỡ tình trạng căng thẳng hiện nay.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 31/10 đã bày tỏ thất vọng khi Brexit không diễn ra vào ngày 31/10 như ông đã nhiều lần cam kết, song tin tưởng rằng nếu các cử tri sắp tới bỏ phiếu cho ông thì "cuộc ly hôn" với Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào tháng 1/2020. Trước đó, tối 22/10, trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh, Thủ tướng Johnson đã giành được sự ủng hộ của các nghị sỹ đối với thỏa thuận Brexit mà ông đạt được với EU, song cũng ngay lập tức phải chịu thất bại khi các nghị sỹ bác bỏ nỗ lực của ông nhằm đưa Anh ra khỏi EU vào cuối tháng 10. Với kết quả trên, Thủ tướng Johnson tin rằng Brexit sẽ không được Quốc hội thông qua do vẫn còn có nhiều người phản đối Brexit. Tuy nhiên, ông cũng lạc quan rằng nếu nhận được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới, Brexit chắc chắn sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 31/10 cho biết Kiev lên kế hoạch rút nhiều binh sỹ hơn nữa ở khu vực Donbass, miền Đông nước này, như một biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giúp mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình 4 bên với Nga, Pháp và Đức. Phát biểu trong một cuộc họp báo với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết quốc gia Đông Âu này dự định thực hiện kế hoạch tương tự ở thị trấn Petrivske, nơi không xảy ra những vi phạm lệnh ngừng bắn. Động thái này có thể giúp mở đường cho các cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Pháp và Đức trong định dạng "Bộ tứ Normandy."
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 31/10 thông báo Bình Nhưỡng đã bắn 2 vật thể không xác định hướng ra biển Nhật Bản từ tỉnh Pyongan Nam, Triều Tiên. Các vật thể đã bay khoảng 370km và đạt độ cao 90km. Đây là vụ phóng thứ 12 của Bình Nhưỡng trong năm nay. Trong tuyên bố mới nhất, JSC cho biết cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ tình hình trong trường hợp có thêm các vụ phóng và luôn trong tư thế sẵn sàng. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận định vật thể bay không xác định mà Triều Tiên phóng ra là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tên lửa Triều Tiên đã rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Ngày 1/11, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã thử thành công hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ siêu lớn. Chính phủ Mỹ ngày 31/10 cho biết nước này đang phối hợp cùng các đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản đánh giá về vụ phóng các vật thể tầm ngắn trước đó cùng ngày của Triều Tiên.
Ngày 31/10, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xác nhận thông tin về cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi và người phát ngôn Abu al-Hassan al-Muhajir trong cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Syria cuối tuần qua. Bên cạnh đó, IS cũng thông báo đã lựa chọn một người mang tên Ibrahim al-Quraishi làm thủ lĩnh mới. Hiện vẫn chưa rõ al-Quraishi là ai, song theo một số chuyên gia, đây có thể là Hajji Abdullah, một nhân vật hàng đầu của IS từng được Bộ Ngoại giao Mỹ coi là kẻ có nhiều khả năng sẽ kế tục al-Baghdadi. Thông báo trên của IS được công bố thông qua hãng tin Amaq, chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố những hình ảnh đầu tiên về cuộc đột kích tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi. Cho đến nay, IS vẫn chưa đưa ra nhiều thông tin liên quan đến cái chết của thủ lĩnh hàng đầu này.
Tin thể thao:
Vừa qua, AC Milan đã đánh bại SPAL với tỷ số 1-0 trên sân nhà San Siro. Đây là trận đấu muộn nhất vòng 10 Serie A. Với lợi thế sân nhà, Rossoneri nhanh chóng chiếm lĩnh thế trận. Mặc dù vậy, họ đã gặp bế tắc trước lối chơi phòng ngự phản công của SPAL. Phải sang hiệp 2, Milan mới có bàn khai thông thế bế tắc nhờ công của Suso, qua đó đem về chiến thắng tối thiểu cho Milan. Với kết quả này, AC Milan tạm vươn lên vị trí thứ 10 đồng thời chấm dứt chuỗi 2 trận không biết mùi chiến thắng. Trong khi đó, SPAL vẫn dậm chân ở vị trí thứ 19 với chỉ 7 điểm sau 10 vòng đấu.
MU gặp may ở bốc thăm League Cup: Ngay sau khi kết thúc vòng 4 cúp Liên đoàn Anh (League Cup) mùa này, Ban tổ chức giải đấu đã tiến hành lễ bốc thăm 4 cặp đấu vòng tứ kết. 3 "ông lớn" MU, Liverpool và ĐKVĐ Man City gặp may khi không đụng độ nhau vòng knock-out sắp tới mà chỉ phải đối đầu những đối thủ rất dễ chịu. Man City làm khách của Oxford United, MU được chơi trên sân nhà tiếp đón Colchester United, Liverpool hành quân đến Villa Park đối đầu Aston Villa, còn Everton sẽ quyết đấu Leicester City ở Goodison Park. Ba trận đấu vòng tứ kết League Cup mùa này có sự góp mặt của MU, Man City và Leicester City sẽ diễn ra vào ngày 16/12/2019, riêng Liverpool phải dự FIFA Club's World Cup cuối năm nay nên được lùi lịch đá trận tứ kết League Cup với Aston Villa sang ngày 7/1/2020.
Real có thể bán Modric ngay mùa đông này. Từ khi giành danh hiệu Quả bóng Vàng 2018, tiền vệ Luka Modric không còn giữ được phong độ và dần mất đi vị trí tại Real Madrid. Theo Calciomercato, Modric có thể chia tay đội chủ sân Bernabeu ở ngay kỳ chuyển nhượng mùa đông sắp tới nếu Real nhận đủ 10 triệu euro. Tiền vệ người Croatia đã nói chuyện với 2 đội bóng thành Milan trong thời gian gần đây. AC Milan dường như là điểm đến ưng ý hơn của Modric.
Xhaka lần đầu lên tiếng về vụ chửi CĐV: Trong trận đấu với Crystal Palace cuối tuần qua, đội trưởng Arsenal Granit Xhaka đã có hành động chửi CĐV là “lũ khốn kiếp” khi đang trên đường rời khỏi sân trong hiệp 2. Mới đây, Xhaka đã giải thích lý do tại sao anh mất bình tĩnh đồng thời gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ.
Bayern Munich để mắt tới Pochettino: Theo Sport1, Bayern Munich đã xác định Mauricio Pochettino là ứng cử viên tiềm năng để thay thế cho Niko Kovac. HLV Kovac đã phải chịu khá nhiều áp lực trong thời gian qua. “Hùm xám” đã trải qua nhiều giai đoạn bất ổn trong mùa giải trước và cả mùa giải này. Điều đó dẫn đến việc ban lãnh đạo CLB muốn thay Kovac. Nguồn tin trên nói rằng giám đốc thể thao, Hasan Salihamidzic, đã chọn Pochettino làm ứng cử viên số 1. Bên cạnh đó, HLV của Ajax, Erik ten Hag, cũng là một lựa chọn tiềm năng khác.
Liverpool tung chiêu mua Werner trong tháng 1: Tờ Express từng đưa tin Liverpool và MU đang để mắt tới tiền đạo Timo Werner của RB Leipzig. Mới đây, chuyên gia chuyển nhượng Ian McGarry đã tuyên bố The Kop sẽ ký hợp đồng với cầu thủ 23 tuổi này trong tháng 1 tới rồi cho mượn anh trong phần còn lại của mùa giải. Theo tờ Bild của Đức, giá của Timo Werner sẽ rơi vào khoảng 61 triệu bảng. Anh đang có phong độ ấn tượng khi đã ghi được 10 bàn sau 14 lần ra sân trên tất cả đấu trường mùa này.
MU bị ‘cản mũi’ vụ Jadon Sancho: MU sẽ phải đối mặt với những sự cạnh tranh gắt gao nếu muốn sở hữu chữ ký của tiền đạo Jadon Sancho. Nhiều tờ báo khẳng định MU của Ole Gunnar Solskjaer sẽ sử dụng tất cả nguồn lực để chiêu mộ Jadon Sancho từ Borussia Dortmund vào mùa Hè tới. Cầu thủ 19 tuổi đang gây sốt với những màn trình diễn xuất sắc thời gian vừa qua và được định giá tới 100 triệu bảng. Tuy nhiên, tờ Bild tuyên bố Barcelona, Real Madrid, Manchester City, Liverpool và Chelsea cũng đang thể hiện sự quan tâm đến sao trẻ người Anh. Jadon Sancho được xem như một phương án lâu dài để nâng cấp hàng công cho MU. Ngoài ra, “Quỷ đỏ” cũng đang xem xét ký hợp đồng với Paulo Dybala hoặc Mario Mandzukic của Juventus.
Arsenal thua đau Liverpool, Emery vẫn hết lời khen Ozil. Chia sẻ sau thất bại đáng tiếc trước Liverpool, HLV Unai Emery đã dành những lời khen cho Mesut Ozil với màn trình diễn ấn tượng của ngôi sao người Đức trong 65 phút có mặt trên sân. Trận đấu rạng sáng nay là lần đầu tiền vệ 31 tuổi trở lại đội hình Arsenal sau 6 trận liên tiếp bị gạch tên khỏi danh sách đăng ký thi đấu.
Trận Waterloo của Thủ tướng Anh Johnson trong cuộc chiến Brexit
Theo AFP, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/10 đã nhất trí trì hoãn quá trình Anh rời EU (còn gọi là Brexit) thêm ba tháng cho đến ngày 31/1/2020 với khả năng tiến hành sớm việc chia ly nếu Quốc hội đầy mâu thuẫn của Anh thông qua thỏa thuận.
Nhìn nhận về vấn đề Brexit hiện nay, trang mạng tờ Wall Street Journal bình luận ông Jonson như đang lao vào trận chiến Waterloo. Trong một bình luận của hãng tin Reuters, hơn ba năm sau khi Anh bỏ phiếu rời EU, chính phủ và quốc hội nước này vẫn chia rẽ về cách thức, thời điểm và thậm chí là liệu có nên rời EU nữa hay không. Vấn đề Brexit đã kích hoạt một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng gia tăng ở một đất nước mà Thủ tướng Anh Johnson đang đấu với Hạ viện về đề nghị bầu cử sớm.
Đối với EU, việc để mất một thành viên chưa từng có tiền lệ này là một sự thất bại mang tính lịch sử. Cả 27 nước thành viên còn lại cũng mệt mỏi với cuộc chia ly khó khăn này, vốn tiêu hao thời gian, năng lượng và vốn liếng chính trị đãng nhẽ được huy động để kích thích tăng trưởng kinh tế và giải quyết những thách thức, bao gồm thách thức an ninh.
Gia hạn kèm “cửa phụ” cho Brexit
Bình luận trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết: "27 nước thành viên EU đã nhất trí chấp thuận yêu cầu của Anh về việc gia hạn Brexit cho đến ngày 31/1/2020." Theo trang mạng tờ The Guardian, ý tưởng thời hạn chót cho Anh vào ngày 15/11 do Pháp đề xuất đã không được ghi vào tài liệu. Để đạt được sự nhất trí này, ông Donald Tusk đã có các cuộc thảo luận tập trung và sâu sắc với lãnh đạo Anh vào cuối tuần qua.
Trước đây, trong số các nước còn lại của EU, Pháp đã cản trở khối đạt được quyết định về việc trì hoãn. Vì vậy, việc 27 nước thành viên EU đạt được sự nhất trí nói trên cho thấy ông Donald Tusk đã thuyết phục được lãnh đạo các nước, đặc biệt là Pháp, rằng việc gia hạn ba tháng sẽ giúp EU tránh bị ảnh hưởng bởi những tranh cãi trong nước của Anh.
Tờ The Guardian dẫn lời một giới chức Pháp giấu tên giải thích rằng điều thuyết phục Paris từ bỏ sự phản đối của họ đối với lịch trình trì hoãn mới này là “khả năng diễn ra cuộc bầu cử mới ở Anh ngày càng có thể xảy ra hơn khi được hậu thuẫn bởi một số đảng chính trị đối lập ở Anh, trong đó có đảng Dân chủ Tự do và đảng Quốc gia Scottish."
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao EU cho biết sự trì hoãn Brexit lần thứ ba này sẽ đi kèm với những thời hạn khác mà Anh có thể rời khối sớm hơn ngày 31/1/2020 nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit. Theo đó, giới ngoại giao EU nói rằng Anh có thể rời EU vào ngày 1/12/2019 hoặc 1/1/2020 nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận vào tháng 11 hoặc tháng 12.
"Tìm kiếm mọi lựa chọn”
Quyết định của Brussels gia hạn thêm ba tháng đối với Brexit được đưa ra giữa lúc Anh thảo luận cách thức sử dụng bất kỳ sự gia hạn tiềm năng nào để phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội. Theo Reuters, Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson ngày 27/10 đã gia tăng sức ép đối với các nghị sĩ Anh nhằm ủng hộ cuộc bầu cử sớm nhằm phá vỡ thế bế tắc Brexit trong vòng ba năm qua sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU.
BBC cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến ngày 28/10 đệ trình bản kiến nghị kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 12/12, một động thái cần sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ để thành công. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do và đảng Quốc gia Scottish muốn cuộc bầu cử này diễn ra vào ngày 9/12 miễn là thời hạn chót của Brexit được mở rộng đến ngày 31/1/2020. Nghị sỹ đảng Bảo thủ James Cleverly đã bác bỏ kế hoạch này, coi đó là “một trò bịp” và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn gọi động thái này là “trò nguy hiểm." Tuy nhiên, một nguồn tin từ Chính phủ Anh tiết lộ rằng London sẽ “tìm kiếm mọi lựa chọn” bao gồm cả những đề xuất do các đảng chính trị đối lập đưa ra.
“Trận Waterloo” của Boris Johnson
Bình luận về tình hình Brexit hiện nay, trang mạng tờ Wall Street Journal đã ví von đây là lúc ông Boris Johnson dẫn dắt London bước vào một trận chiến Waterloo về Brexit. Waterloo là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoleon. Đại quân Pháp dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Napoleon I đã bị đánh bại bởi liên quân gồm Anh và đồng minh. Thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoleon.
Ở đây, với Brexit, Boris Johnson cuối cùng đối mặt với “trận đánh Waterloo." Trận chiến của Johnson sẽ không phải là trên con đường đi đến Brussels như Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte đã từng làm như vậy, mà là trên con đường vốn dẫn đến các phòng bỏ phiếu và trở lại Hạ viện Anh.
Napoleon có thể dựa vào lòng trung thành của các cận vệ còn Johnson thì có ít hơn. Chính phủ thiểu số của ông bị kìm kẹp ở Quốc hội bởi một đại liên minh các đảng phái chống lại Brexit, bao gồm những nghị sĩ đào tẩu khỏi đảng Bảo thủ vốn là những người ngăn chặn thỏa thuận của ông với EU.
Mặc dù chỉ cách đây sáu tuần, ông Johnson còn khăng khăng nói rằng ông sẽ “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” chứ thà không chịu gia hạn quá trình đàm phán Brexit, song các nghị sỹ Quốc hội Anh đã buộc ông phải yêu cầu Brussels gia hạn Brexit và đã hai lần cản trở ông tập hợp được các lực lượng mới ở Quốc hội bằng cách tiến hành cuộc tổng tuyển cử mới.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn khẳng định rằng sự trì hoãn này là nhằm đem lại điều tốt đẹp cho đất nước. Người Anh cũng nói y như vậy đối với Napoleon khi họ đày ải ông đến đảo Elba. Thế rồi Napoleon đã trốn thoát và chạy trốn đến Brussels, thì ông Johnson hiện cũng cố gắng làm điều tương tự.
Hôm 24/10, ông Johnson tuyên bố sẽ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 12/12. Ngạn ngữ có câu: "Lùi một bước để tiến hai bước." Ông Johnson có thể đã thua cuộc trong phần lớn các cuộc tranh cãi và xung đột gần đây, song ông đã cố gắng làm một điều tốt hơn so với người tiền nhiệm Theresa May bằng cách thúc đẩy những nền móng luật pháp cho Brexit khi đối đầu với Hạ viện.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 01/11/2019 là 1 AUD = 0.688 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 01/11/2019 là 1 AUD = 15,978 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 25 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 27 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, sáng sớm có mưa rào, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–24 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–20 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–26 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–27 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng, nhiều nơi có sương mù, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–28 độ. Chủ nhật, buổi sáng trời nắng, chiều tối có mưa hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–28 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, độ ẩm cao, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–22 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–23 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào