Chương trình Thời sự thứ Năm, 25/06/2020

Cẩm Nhung | 25/06/2020 | 571 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Các nhóm y tế cộng đồng đến gõ cửa nhà dân ở những điểm nóng COVID-19

- Victoria: Hỗ trợ các gia đình giảm chi phí gửi con đi học mẫu giáo ở học kỳ ba

- Victoria: Hệ số lây nhiễm cơ bản đột ngột tăng cao đến mức 2.5 chỉ trong một tuần lễ

- Tin Úc: Doanh thu từ khách du lịch nội địa không đủ để giải cứu ngành du lịch Úc

- Melbourne: Quá tải người đến xếp hàng chờ, các phòng xét nghiệm COVID-19 tạm đóng cửa

- Sydney: Giá căn hộ ở một số vùng ngoại ô giảm thấp hơn so với năm 2015

- St Kilda: Công viên Luna Park sẽ mở cửa lại vào ngày 27/6

- NSW: Một số môn học sẽ bị loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy

- NSW: Viện Grattan Institute kiến nghị chính phủ hỗ trợ học sinh vượt khó thời dịch COVID-19

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 24/6, Lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Chiến thắng của Liên bang Xô Viết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã diễn ra hoành tráng và kết thúc thành công. Nước Nga đã làm tất cả để an toàn dịch tễ là một trong những mục tiêu được coi trọng nhất tại lễ duyệt binh. Lễ duyệt binh năm nay diễn ra trong khoảng 75 phút, đặc biệt với phần tái hiện không gian lịch sử của chính cuộc duyệt binh Chiến thắng năm 1945. Cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm nay có sự tham gia của 14.000 người, trong khi các cuộc duyệt binh trên toàn nước Nga có sự tham gia của 64.000 người. Để đảm bảo an toàn dịch tễ tại sự kiện quan trọng này, toàn bộ quân nhân đều được kiểm tra y tế chuyên sâu và các đơn vị quân đội đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 ngay từ thời điểm bắt đầu diễn tập ở ngoại ô Moscow.

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc cấm nhập cảnh đối với những người từ một số quốc gia chưa kiểm soát được dịch bệnh, trong đó có Mỹ. Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và số người tử vong bởi dịch COVID-19 và đang trải qua làn sóng lây nhiễm mới. Cùng với Mỹ, hai điểm nóng về dịch COVID-19 khác là Brazil và Nga cũng nằm trong danh sách cân nhắc hạn chế này. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về vấn đề trên.

Iran sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington xin lỗi về quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 và bồi thường cho nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tuyên bố này được Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra ngày 24/6 trong bối cảnh căng thẳng song phương vẫn không ngừng leo thang. Trước đó, ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc Iran thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân mà ông đơn phương rút khỏi năm 2018. Nước Cộng hòa Hồi giáo này đã bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ nối lại cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đa phương lịch sử năm 2015. Căng thẳng đang gia tăng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân trên.

Ngày 24/6, hơn 1.000 nghị sỹ thuộc 25 quốc gia châu Âu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo can thiệp và ngăn chặn Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây bị chiếm đóng. Trong thư gửi tới ngoại trưởng các nước châu Âu và được đăng tải trên các tờ báo, 1.080 nghị sỹ đã bày tỏ "đặc biệt lo ngại" kế hoạch của Israel, nếu được hiện thực hóa, sẽ tạo tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế. Động thái này sẽ phủ bóng đen lên triển vọng hòa bình Israel-Palestine. Bức thư cho rằng châu Âu phải đi đầu trong việc vận động các nước đoàn kết cùng nhau ngăn chặn kế hoạch sáp nhập của Israel. Trước đó một ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc vùng Bờ Tây, nhấn mạnh đây sẽ là động thái “vi phạm nghiêm trọng nhất luật pháp quốc tế.” Chính phủ Israel tuyên bố có thể xúc tiến sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và Thung lũng Jordan kể từ ngày 1/7 tới. Kế hoạch sáp nhập này của Israel hiện được Mỹ hậu thuẫn nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn các nguồn tin quân sự ngày 24/6 cho biết đầu tuần này, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc. Theo nguồn tin trên, sáng 22/6, máy bay Trung Quốc, được cho là máy bay Y-9, đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại khu vực phía Nam đảo Jeju ở miền Nam Hàn Quốc và phía Nam quần đảo Dokdo/Takeshima trước khi di chuyển vào ADIZ của Nhật Bản. Khi máy bay Trung Quốc tiếp cận khu vực này, Hàn Quốc đã điều một máy bay chiến đấu và khiếu nại với Trung Quốc thông qua đường dây liên lạc quân sự. Đáp lại, Trung Quốc cho biết, nước này đang tiến hành cuộc diễn tập thường xuyên với máy bay giám sát. Giới chức Hàn Quốc cho biết, trong năm ngoái, các máy bay chiến đấu Trung Quốc đã vào ADIZ của Hàn Quốc hơn 25 lần.

Ngày 24/6, các nguồn tin quân sự cho biết, Triều Tiên đang chuyển đi khoảng 10 loa phóng thanh tuyên truyền mới được lắp đặt lại dọc khu vực biên giới với Hàn Quốc. Động thái trên diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ thị ngừng các kế hoạch hành động quân sự nhằm vào Seoul. Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố quan hệ với Hàn Quốc đã bị phá vỡ hoàn toàn. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên cho biết, ông Kim đã chủ trì cuộc họp qua video của Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Lao động cầm quyền vào ngày 23/6 và ra quyết định hoãn kế hoạch hành động quân sự chống lại Hàn Quốc do các nhà lãnh đạo quân sự nước này đưa ra. Trong ngày 23/6, Triều Tiên đã lắp đặt khoảng 20 loa phóng thanh ở các khu vực biên giới giữa hai nước do bất bình vì hoạt động rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới từ phía Hàn Quốc. Khoảng 40 loa phóng thanh tại đây đã được dỡ bỏ trước đó theo một thỏa thuận năm 2018 với Hàn Quốc.

Dự án xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico đã đạt được tiến độ nhanh chóng với hơn 320km tường biên giới đã được xây dựng. Ngày 23/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm tới bang Arizona đánh dấu sự kiện này. Phát biểu trước báo giới, ông Trump khẳng định đây là cấu trúc tường biên giới hoàn chỉnh và mạnh mẽ nhất thế giới, có khả năng ngăn chặn mọi thứ, kể cả đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo ông, bức tường biên giới này được trang bị công nghệ tối tân như hệ thống cảm biến, máy camera an ninh và nhiều thứ khác. Ông cho biết đến cuối năm 2020, công tác xây dựng ít nhất 720km đường biên giới sẽ được hoàn tất.

Chính phủ Anh ngày 23/6 đã công bố kế hoạch trị giá 105 triệu bảng Anh duy trì chương trình hỗ trợ hàng nghìn người vô gia cư đang được cho lưu trú tạm thời tại các khách sạn trong bối cảnh bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Gói hỗ trợ mới nói trên sẽ được phân bổ hỗ trợ khoản tiền đặt cọc giúp các đối tượng trên tìm nơi ở. Cùng với đó, Chính phủ Anh cũng đã công bố các kế hoạch cung cấp 6.000 nhà ở dự phòng cho những trường hợp khó khăn nhất. Dự kiến, năm 2021 sẽ có 3.300 nhà ở loại này sẵn sàng đón người vào ở. Giám đốc điều hành cơ quan xử lý khủng hoảng nhà ở xã hội Anh, ông Jon Sparkles hoan ngênh kế hoạch của Chính phủ Anh, song cho rằng chỉ hỗ trợ tài chính không đủ đảm bảo người vô gia cư có nhà ở, mà cần có quy định pháp chế để đảm bảo tất cả những người có nguy cơ đều có chỗ ở an toàn.

Nga bí mật bắt tay Mỹ-Israel: Bàn cờ địa chính trị Syria "hết phần" của Iran?

Nhiều năm trôi qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc thế giới đang cạnh tranh để giành quyền bá chủ và xây dựng liên minh ở Trung Đông. Iran và Nga cũng là hai thế lực không nằm ngoài cuộc chơi đó.

Sau gần 10 năm, sự hiện diện của Iran và Moscow ở Syria vẫn tiếp tục. Nhưng tình hình hiện tại đã tạo ra sự khác biệt không hề nhỏ giữa hai quốc gia. Câu hỏi đặt ra là liệu Iran và Nga có còn duy trì hợp tác hay thời đại cạnh tranh và xa cách giữa hai đối tác thân thiết ở Syria đã bắt đầu.

Sự hợp tác nghiêm túc giữa Iran và Nga ở Syria bắt đầu từ năm 2015, khi quân đội Syria thất bại trước phe đối lập và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cận kề bờ vực sụp đổ. Iran đã yêu cầu Nga giúp đỡ. Nga chính thức can thiệp vào cuộc chiến Syria vào năm 2015, sau chuyến thăm của tướng Qassem Soleimani, cựu chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria trên thực tế là một phần trong nỗ lực của Moscow để trở lại bàn cờ địa chính trị toàn cầu với tư cách là một cường quốc, đồng thời cũng là nỗ lực nhằm củng cố các liên minh đa phương và cân bằng giữa các thế lực trong khu vực.

Sự hiện diện của Iran ở Syria ban đầu chỉ là tư vấn và sau đó là sự hiện diện của lực lượng mặt đất để hỗ trợ chính quyền Syria. Nhưng chừng đó là chưa đủ, để lật ngược thế cờ, Tổng thống Assad cần phải có sự yểm trợ bằng hỏa lực trên không của quân đội Nga. Sự hiện diện quân sự của Nga sau đó đã giúp loại bỏ các mối đe dọa cho Syria, như chủ nghĩa bá quyền của Mỹ và phong trào khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Mặc dù mối quan hệ Iran-Nga vẫn tốt ở Trung Đông, nhưng Iran đang phần nào phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ an ninh của Nga trước mối đe dọa từ Mỹ. Với các yếu tố như phát triển hạt nhân và tăng cường quân sự, quan hệ giữa hai nước rất quan trọng cho tương lai của Trung Đông.

Cả hai đều có chung quan điểm đối nghịch với chính sách can thiệp và thay đổi chính quyền của phương Tây. Sự hội tụ này được áp dụng đặc biệt trong trường hợp Syria, nơi cả hai nước đều bác bỏ viễn cảnh về sự xuất hiện của một chính quyền mới mà người Nga lo sợ thân phương Tây và người Iran sợ thân Saudi Arabia.

Nhưng một trong những vấn đề tranh cãi giữa Iran và Nga ở Syria là quan điểm về mối đe dọa của Israel đối với sự hiện diện liên tục của Tehran ở Syria. Israel đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép Iran tiếp tục hiện diện quân sự tại quốc gia hàng xóm. Chiến đấu cơ của Israel đã nhiều lần bắn tên lửa vào các mục tiêu của lực lượng Iran và dân quân đồng minh ở Syria. Ở phía ngược lại, Nga đã không sử dụng các hệ thống phòng không tiên tiến để bảo vệ đồng minh.

Do đó, đã có sự bất đồng không hề nhỏ giữa hai nước. Iran coi Israel là đối thủ chính của mình trong khu vực, trong khi Nga có quan hệ ngoại giao với nhà nước Do Thái nên không có trách nhiệm can thiệp vào công việc nội bộ của người khác.

Câu hỏi bây giờ là Nga đang áp dụng luật chơi nào với Iran: Hợp tác hay cạnh tranh?

Theo cây bút Aref Bijan trên trang Modern Diplomacy, Tổng thống Putin đang tìm cách duy trì các lợi ích kinh tế và quân sự của Nga ở Syria, vì vậy ông dường như đang ngăn Iran tiếp tục có mặt ở Syria. Trên thực tế, ngay cả chính quyền Tổng thống Assad cũng có xu hướng hợp tác nhiều hơn với Moscow. Dường như, hai nhà lãnh đạo Putin và Assad sẽ cùng đứng về một hướng, trong khi Iran sẽ phải tự mình giải quyết rắc rối của riêng nước này với Israel và Mỹ.

Hơn nữa, các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Iran ở Syria dường như có sự “bật đèn xanh” từ Nga. Quân đội Nga chưa một lần nào sử dụng hệ thống phòng không S-300 trong các cuộc tấn công của Israel. Nhiều chuyên gia tin rằng, nếu hệ thống này hoạt động, Israel sẽ không thể thực hiện các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria một cách dễ dàng như vậy.

Trong khi đó, Iran dường như đã không còn quá nhiều tiềm lực để duy trì các chiến lược ở nước ngoài. Trong suốt gần một thập kỷ, Iran đã chi rất nhiều tiền ở Syria và những chi phí này không được hoàn trả. Mặt khác, Iran đang phải đón nhận các lệnh trừng phạt và áp lực tối đa của Mỹ.

Với việc cuộc chiến Syria đến hồi kết thúc, sự hiện diện liên tục của Iran ở Syria trong thời gian dài cũng đã tạo ra sự nhạy cảm đối với một phần của thế giới phương Tây và các quốc gia vùng Vịnh. Dường như Mỹ-Israel-Nga đang tìm cách thành lập một liên minh bí mật để xác định tương lai của Syria và không có khả năng Chính phủ Syria sẽ miễn cưỡng tiếp tục sự hiện diện và ảnh hưởng của Iran ở nước này trong thời gian dài.

Điều còn lại vẫn phụ thuộc vào quyết định của Nga. Liệu đây có phải là thời điểm kết thúc “tuần trăng mật” của cả hai?

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 25/06/2020 là 1 AUD = 0.686 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 25/06/2020 là 1 AUD = 16,012 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 38 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù ở khu vực đồi núi, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–15 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–22 độ.

Tại Sydney, sáng sớm có sương giá ở khu vực phía Tây, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–18 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào ở khu vực phía Đông Nam, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–14 độ.

Cẩm Nhung

 
 

 

 

Đánh giá bản tin này