Chương trình Thời sự thứ Năm, 23/07/2020
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Gia hạn trợ cấp JobKeeper, giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian khôi phục hoạt động
- Tin Úc: Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được tiếp cận với các khoản vay được chính phủ bảo lãnh
- Lalor: Thu giữ 300,000 điếu thuốc lá được tàng trữ bất hợp pháp tại một căn nhà
- Melbourne: HĐTP nói “không” với việc xây trung tâm tiêm chích ma túy mới gần chợ Queen Victoria Market
- Hoạt động xây dựng bùng nổ ở phía Đông Bắc Victoria nhờ chương trình HomeBuilder
- Tin Úc: Hàng ngàn người dân bị lừa bởi những kẻ mạo danh quan chức chính phủ
- Melbourne: Quyên góp khẩu trang có thể tái sử dụng cho người vô gia cư
- Victoria: Hỗ trợ việc làm cho cộng đồng địa phương và người trẻ tuổi
- Tin vắn
Tin thế giới:
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn việc tính những người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ trong cuộc tổng điều tra dân số năm 2020. Đây là chương trình thống kê dân số lớn nhất và chi tiết nhất tại Mỹ, được thực hiện 10 năm một lần. Theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, những người nhập cư bất hợp pháp sẽ không được tính vào tổng số dân tại mỗi bang trong cuộc điều tra dân số, nhằm xác định bang đó sẽ được phân bổ bao nhiêu đại biểu trong Quốc hội Mỹ. Đây được coi là một bước đi mang tính quyết định nhằm thực thi cam kết quan trọng của ông Donald Trump về việc chỉ công dân Mỹ mới được có đại diện trong Quốc hội. Tuy nhiên, một số chuyên gia và luật sư về điều tra dân số cho rằng, sắc lệnh này không dễ thực hiện và có thể sẽ gây ra một cuộc chiến pháp lý.
Reuters đưa tin, Tổng thống Donald Trump ngày 22/7 tuyên bố ông “luôn có thể” yêu cầu đóng cửa thêm các Lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ sau khi Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston. Phát biểu tại một buổi họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump lưu ý một đám cháy đã bị phát hiện trong trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra yêu cầu trên. Tổng thống Mỹ nói: “Tôi đoán là họ đang đốt các tài liệu và đốt các giấy tờ.” Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston là "một hành động leo thang chưa từng có" và cảnh báo Bắc Kinh sẽ đáp trả nếu Mỹ không rút lại quyết định nói trên.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, ngày 22/7, các tàu của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện gần quần đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư. Đây là ngày thứ 100 liên tiếp tàu của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực này. Theo Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, 4 tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã xuất hiện trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku trong ngày 22/7 và một trong số các tàu này dường như được trang bị súng máy tự động. Nhật Bản khẳng định, việc các tàu Trung Quốc liên tục tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, buộc Tokyo phải tăng cường tuần tra và trao công hàm phản đối.
Bộ Tài chính Nga mong muốn cắt giảm chi tiêu của Chính phủ nước này tới 10% từ năm 2021 trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19. Bộ này đã đề xuất cắt giảm tổng cộng 65 tỷ USD từ ngân sách Nga trong giai đoạn 2021 - 2023. Nếu đề xuất của Bộ Tài chính Nga được chấp thuận, các khoản chi tiêu ngân sách sẽ bị cắt giảm tới 10% và chi tiêu quốc phòng có thể bị cắt giảm 5%. Quỹ lương cho công chức cũng bị ảnh hưởng. Theo Bộ Tài chính Nga, nguyên nhân của đề xuất cắt giảm ngân sách quốc phòng là do tác động từ tình trạng giá dầu giảm và đại dịch COVID-19.
Tòa án Malaysia đã yêu cầu cựu Thủ tướng Najib Razak nộp số tiền thuế 1,69 tỷ Ringgit (tương đương 400 triệu USD) mà ông đã không nộp trong suốt 7 năm cầm quyền. Tòa án Malaysia nêu rõ, các cựu Thủ tướng không được phép miễn nộp thuế và ông Najib phải nộp số tiền thuế còn nợ nhà nước. Ông Najib, 67 tuổi, giữ cương vị Thủ tướng Malaysia từ năm 2009 - 2018. Ông đang phải đối mặt với 4 cáo buộc về lạm dụng quyền lực, tham nhũng với số tiền gần 530 triệu USD từ Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB và 21 cáo buộc rửa tiền liên quan đến số tiền này. Dự kiến, tòa án Malaysia sẽ đưa ra phán quyết trong vụ kiện chống lại vị cựu Thủ tướng này vào ngày 28/7 tới.
Nghiên cứu mới nhất của Đại học Toronto tại Canada đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đang khiến gấu bắc cực trở thành một trong những loài vật dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất. Theo kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức cao, các nhà nghiên cứu nhận thấy khả năng sống sót của gấu sẽ không thể xảy ra ở phần lớn bắc cực vào năm 2100 do băng tan. Nếu gấu bắc cực sống trong điều kiện không có băng thì chúng chỉ có thể cầm cự được 5 tháng. Cũng theo các nhà khoa học, nếu có một "kịch bản phát thải vừa phải" thì nhiều quần thể phụ của gấu bắc cực có thể tiếp tục tồn tại trong thế kỷ này. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm thiểu mạnh mẽ khí thải nhà kính sẽ là điều cần thiết để cứu gấu bắc cực khỏi sự tuyệt chủng.
Hãng tin Reuters cho biết, khối lượng rác thải điện tử trên thế giới đang gia tăng ở mức đáng báo động. Chỉ riêng trong năm 2019, theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đã có tới 53,6 triệu tấn rác thải điện tử thế giới được thải ra trong năm ngoái. Nhưng chỉ chưa đến 1/3 trong số này được tái chế. Các chuyên gia cảnh báo rằng, do cách ly xã hội bởi đại dịch COVID-19, lượng rác điện tử tăng lên rõ rệt. Báo cáo giám sát chất thải điện tử toàn cầu năm 2020 cho thấy, Trung Quốc với 10,1 triệu tấn là nước đóng góp lớn nhất vào "núi" rác thải điện tử toàn cầu. Mỹ đứng thứ hai với 6,9 triệu tấn. Ấn Độ với 3,2 triệu tấn, đứng thứ ba. Cả ba quốc gia này cũng chiếm gần 38% chất thải điện tử của thế giới năm ngoái.
Đánh giá nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ - Trung Quốc ở Biển Đông
Việc gia tăng các vụ va chạm giữa Bắc Kinh và Washington có thể vô tình leo thang thành xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi và rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1979 (khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao) thì một cuộc xung đột quân sự giữa 2 nước không còn là một khả năng quá xa xôi.
Lần giao tranh trực tiếp cuối cùng giữa 2 nước là trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), khi hoạt động thương mại song phương còn lẻ tẻ và quan hệ ngoại giao giữa 2 nước chưa được thiết lập. Khi ấy Trung Quốc can thiệp là do e sợ viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất nhưng lại đi theo Mỹ, ngay trước thềm cửa nhà mình.
Tuy nhiên, trường hợp Biển Đông thì lại khác. Giới chuyên gia cho rằng khác với Chiến tranh Triều Tiên, một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ bắt nguồn từ một sự cố hơn là một hành vi tấn công quân sự cố ý của một trong hai bên.
Michael Austin, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover (Đại học Stanford) ở California (Mỹ) nói: “Có đảo tranh chấp, có va chạm, có hăm dọa, tình hình bị làm xấu đi. Bắc Kinh và Washington đều không muốn chiến tranh nhưng tôi e rằng họ có thể lỡ mắc sai sót nguy hiểm”.
Biển Đông là một trong những biển giá trị nhất thế giới. Mỗi năm, 1/3 hoạt động vận tải hàng hải toàn cầu đi qua đây, với lượng hàng hóa thương mại trị giá hơn 3.000 tỷ USD. Các ngư trường phong phú cùng tiềm năng cực lớn về dầu khí là một trong nhiều lý do khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực bị tranh chấp nặng nề nhất thế giới.
Hải quân Mỹ với các căn cứ ở Nhật Bản, Philippines, và Guam, thống trị nhiều nơi ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc đã cố gắng trong thời gian dài chống lại ảnh hưởng này bằng chiếm đóng (trái phép) nhiều đảo ở Biển Đông hoặc tự tạo ra (trái phép) các đảo nhân tạo, sử dụng các yêu sách lịch sử (phi pháp) đối với khoảng 90% Biển Đông.
Bút lục về các sự cố quanh các đảo ở Biển Đông là lý do vì sao Austin đã lựa chọn Biển Đông là điểm nóng trong kịch bản xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc mà ông xây dựng trong cuốn sách của mình mang tên “Asia’s New Geopolitics” xuất bản hồi tháng 4.
Các thí dụ được nêu ra bao gồm năm 2001, khi một máy bay trinh sát Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm ở vị trí cách quần đảo Hoàng Sa 160km. Một phi công Trung Quốc thiệt mạng trong vụ va chạm này, còn máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động tự do hàng hải qua các khu vực mà Trung Quốc cố kiểm soát, khiến lực lượng hải quân 2 bên nhiều khi ở rất sát nhau. Vào tháng 10/2018, một khu trục hạm Trung Quốc tiến sát, chỉ cách một chiến hạm của Mỹ có 40 m và hai tàu suýt va chạm nhau. Austin hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một tàu chiến Mỹ bị chìm?”.
Theo Austin, từ góc nhìn của Mỹ, một cuộc chiến với Trung Quốc vì Biển Đông là dễ hiểu hơn so với vì vấn đề Đài Loan (một điểm nóng khác trong quan hệ 2 nước).
Chính quyền Mỹ đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc sau khi Ngoại trưởng Mỹ vào hôm 13/7/2020 ra thông cáo bác bỏ hầu hết các yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông, đồng thời tuyên bố rằng Mỹ sẽ “không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông như đế chế của mình trên biển”.
Các nhà bình luận diều hâu có dính líu đến quân đội Trung Quốc đã đi xa hơn các tuyên bố mang tính ngoại giao của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hồi tháng 12/2018, tướng quân đội Trung Quốc về hưu Luo Yuan gợi ý dùng tên lửa để đánh một hoặc hai tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông và cho rằng điều này sẽ đập tan nhuệ khí của Mỹ trong khu vực.
David Ochmanek, một cựu nhà hoạch định quân sự trong Bộ Quốc phòng Mỹ, nay là nhà nghiên cứu cao cấp của tổ chức Rand có trụ sở ở California (Mỹ). Ông tham gia nhiều cuộc tập trận mô phỏng xung đột quy mô lớn với Trung Quốc trong 15 năm qua và đã chứng kiến năng lực các siêu cường thay đổi như thế nào.
David Ochmanek đánh giá sức chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã tăng đáng kể qua các cột mốc năm 2005, 2010, và 2020, và sẽ thay đổi nữa qua các năm 2025, 2030.
Theo các chuyên gia, quân đội Trung Quốc đã tập trung xây dựng năng lực của mình theo hướng đáp ứng nhu cầu tác chiến ở Biển Đông.
Charlie Lyons Jones, một nghiên cứu viên của Viện Chính sách Chiến lược, cho rằng chiến lược của PLA (tức Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc) tập trung quanh năng lực ngăn quân đội Mỹ tiếp cận các vùng biển gần Trung Quốc, hoặc ít nhất thách thức quyền tự do đi lại bên trong “chuỗi đảo thứ nhất” – một thuật ngữ hay được các lãnh đạo quân sự Trung Quốc sử dụng cho các quần đảo bảo vệ các vùng biển mà Trung Quốc kiểm soát hoặc ra yêu sách.
Theo Jones, “việc PLA nhanh chóng xây dựng các lực lượng tên lửa, đặc biệt là lực lượng có năng lực săn hạm, là sự phát triển tự nhiên từ chiến lược trên”.
Báo cáo năm 2015 của hãng Rand đã so sánh sức mạnh quân sự của Mỹ và Trung Quốc trên tất cả các mặt trận. Báo cáo này nhận xét rằng dù “năng lực công nghệ và sự thành thục tác chiến của Trung Quốc” vẫn lạc hậu so với Mỹ nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách.
Năm 2018, Ochmanek viết một báo cáo vạch ra 5 năng lực quân sự của Trung Quốc đang cải thiện nhanh khiến Mỹ quan ngại: 1- tên lửa chính xác tầm xa; 2- không quân và hệ thống phòng không hiện đại; 3- hệ thống trinh sát và ngắm bắn; 4- tác chiến trong không gian mạng; và 5- vũ khí hạt nhân có khả năng phóng xuống các mục tiêu Mỹ.
Về mặt địa lý, Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ do ở gần Biển Đông hơn.
Tuy nhiên, nếu xung đột quân sự kéo dài thì lợi thế lại nghiêng về Mỹ, vì Trung Quốc ở gần nơi xung đột nên sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.
Ochmanek nói, khi ấy (chiến tranh kéo dài), kinh tế Trung Quốc sẽ bị rối loạn, tàu bè thương mại không đi vào vùng xung đột.
Austin cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đều dè chừng về nguy cơ leo thang xung đột quân sự vượt ngoài kiểm soát, có thể dính đến vũ khí hạt nhân.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 23/07/2020 là 1 AUD = 0.714 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 23/07/2020 là 1 AUD = 16,552 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 31 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 35 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–16 độ.
Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–20 độ.
Tại Sydney, trời nắng, trong ngày có mưa rào ở khu vực ven biển, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–18 độ.
Tại Melbourne, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–12 độ.
Cẩm Nhung