Chương trình Thời sự thứ Năm, 19/03/2020
Tin nước Úc:
- Victoria: Thực thi những hạn chế mới trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19
- Tin Úc: Woolworths giới hạn số lượng mua đối với hầu hết các sản phẩm đóng gói
- Victoria: Một nhân viên của siêu thị Woolworths bị đâm chém ở bãi đậu xe
- NSW: Liên đoàn Giáo viên bang NSW kêu gọi chính quyền hỗ trợ nhiều hơn cho ngành giáo dục
- Victoria: Cuộc thi Thử thách Đọc sách của Thủ hiến truyền cảm hứng cho trẻ đọc sách mỗi ngày
- Victoria: Hội đồng Thành phố Whittlesea sẽ bị bãi nhiệm do “rối loạn chức năng”
- Tin Úc: Website MySchool trải qua đợt điều chỉnh toàn diện đầu tiên
- Thị trường địa ốc tương đối ổn định bất chấp những lo ngại về dịch bệnh
- Tin vắn
Tin thế giới:
Covid-19 tiếp tục lan rộng tại 173 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca nhiễm mới tăng mạnh ở Iran và các nước châu Âu. Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, phát hiện thêm 4.207 ca nhiễm và 475 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và người chết trên toàn quốc lên 35.713 và 2.978. Tỷ lệ tử vong là 8,3%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 4,1%. Tây Ban Nha và Đức, vùng dịch lớn thứ hai và thứ ba ở châu Âu, báo cáo thêm hơn 2.900 ca dương tính, đưa số ca nhiễm lên lần lượt 14.769 và 13.327. Trong khi Đức chỉ ghi nhận 28 người chết, chỉ số này ở Tây Ban Nha là 638. Pháp cũng phát hiện thêm 1.404 ca nhiễm. Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 1.192 ca mới và thêm 147 người chết. Tại Mỹ, số ca nhiễm tăng lên 9.197 sau khi xuất hiện thêm 2.786 ca nhiễm. Mỹ cũng ghi nhận thêm 41 trường hợp tử vong, đưa số người chết lên 150. Dịch có dấu hiệu bắt đầu lây lan mạnh ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia. Số người nhiễm và chết vì nCoV toàn cầu tăng lên lần lượt 218.768 và 8.944.
Ngày 18/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu thừa nhận rằng giới chức châu Âu ban đầu đã đánh giá sai mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Theo bà Von der Leyen, các chính trị gia, vốn không phải là những chuyên gia về y tế, đã đánh giá thấp COVID-19 khi dịch bệnh này còn đang "tàn phá" Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chủ tịch EC cho rằng nhiều nước châu Âu sẽ áp đặt thêm các lệnh giới nghiêm để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp đã khiến nhiều nước phải đưa ra những quyết định khẩn cấp. Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp phong tỏa biên giới và cấm nhập cảnh trong vòng 30 ngày.
Sáng 19/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành đạo luật trị giá 104 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân đối phó với những tác động của dịch COVID-19. Trước đó, dự luật này cũng đã được Hạ viện và Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Đạo luật này bao gồm các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ được nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí. Ngoài ra, người lao động vẫn được chi trả tối đa 10 ngày nghỉ ốm. Đây là gói hỗ trợ thứ hai được Quốc hội Mỹ thông qua trong trong bối cảnh ngày càng có những lo ngại về sự bùng phát dịch COVID-19 tại Mỹ, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Ngoài gói hỗ trợ trên, các Thượng nghị sỹ Mỹ đang tiếp tục thảo luận về gói hỗ trợ thứ ba với dự kiến sẽ thông qua vào tuần tới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực việc làm và các gia đình, trong đó có khoản tiền mặt phát cho người dân Mỹ.
Hôm 18/3, Trung Quốc đã đáp trả các biện pháp hạn chế của chính quyền Washington đối với cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã yêu cầu những nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Wall Street Journal và Washington Post nộp lại thẻ tác nghiệp trong 2 tuần. Quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Bắc Kinh khẳng định động thái này là hoàn toàn cần thiết và buộc phải thực hiện để đáp trả lại các hạn chế mà các tổ chức truyền thông Trung Quốc đang phải đối mặt tại Mỹ. Động thái quyết liệt trên được đưa ra trong lúc 2 cường quốc đang có những màn đáp trả qua lại về đại dịch COVID-19, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đó là "virus Trung Quốc". Trước những tuyên bố của Tổng thống Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh "cực kỳ phẫn nộ" trước việc ông Trump sử dụng thuật ngữ đó, điều được coi "là một hình thức bài xích" đối với Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã để ngỏ khả năng lùi thời điểm bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga. Nguyên nhân khiến Nga có khả năng lùi thời điểm bỏ phiếu là do những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới. Theo Tổng thống Putin, dù dịch COVID-19 không quá nghiêm trọng tại Nga, nhưng cũng đang ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Tổng thống Putin cho biết, cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp sẽ chỉ diễn ra nếu tình hình dịch tễ học cho phép. Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh tiến hành cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp vào ngày 22/4, mở đường cho ông tiếp tục ra tranh cử Tổng thống.
Hãng hàng không Pháp Air Tahiti Nui vừa lập kỷ lục bay quãng đường dài nhất thế giới, lên tới 15.700km từ đảo Tahiti tới Paris. Chuyến bay mang số hiệu TN064 của hãng hàng không Air Tahiti Nui được ghi nhận là chuyến bay dài nhất thế giới với quãng đường lên tới 15.700km. Khởi hành hôm 14/3, phi cơ của Air Tahiti Nui bay từ Papeete (thủ phủ Polynésie thuộc Pháp) đến sân bay Charles de Gaulle, Paris. Thông thường, máy bay sẽ quá cảnh tại sân bay quốc tế Los Angeles (Mỹ). Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, máy bay không quá cảnh tại Los Angeles mà bay thẳng đến Paris.
Ngày 17/3, FAO cho biết, vùng châu Phi và Trung Đông sắp hứng chịu đợt tấn công kinh hoàng nhất của châu chấu trong hơn 30 năm qua. Dựa theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), các đàn châu chấu đã hình thành tại vùng Sừng châu Phi. Trang web của Locust Watch cảnh báo, tốc độ lây lan của loài côn trùng nguy hại này tại Kenya, Ethiopia và Somalia cho thấy mối đe dọa chưa từng có tiền lệ đối với sinh kế và an ninh lương thực tại thời điểm bắt đầu vụ mùa tiếp theo. Báo cáo cho biết, bắt đầu từ đầu năm 2020, nạn châu chấu sa mạc trên toàn cầu nghiêm trọng hơn trong điều kiện khí hậu thích hợp cho phép chúng lan rộng tại Đông Phi, Tây Nam Á và khu vực xung quanh Biển Đỏ. Kenya, Ethiopia, Somalia, Iran, Pakistan và Sudan là các nước bị tấn công nặng nề nhất. Nếu cộng đồng quốc tế và chính quyền sở tại không có các biện pháp phù hợp, trong khoảng 3 - 4 tuần tới, dịch châu chấu sẽ gây ra những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Iraq đã gửi thư lên OPEC thúc giục mở một cuộc họp khẩn giữa khối này và các thành viên ngoài OPEC bao gồm Nga (nhóm OPEC+). Việc mở cuộc họp khẩn nói trên nhằm thảo luận về các biện pháp nhanh chóng giúp cân bằng thị trường dầu mỏ. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ mà các nước thuộc OPEC+, nhóm sản xuất hơn 40% sản lượng dầu thô toàn cầu, sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2020. Trước đó, hội nghị cấp Bộ trưởng của OPEC+ diễn ra vào ngày 5 - 6/3 tại Áo đã không đạt được đồng thuận về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng hay gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện nay. Giá dầu đã giảm kể từ cuộc họp của OPEC+ nói trên.
Saudi Arabia thông báo đã bắt giữ hàng trăm quan chức chính phủ nước này, trong đó có các sĩ quan quân sự và an ninh. Những quan chức chính phủ nói trên bị bắt với các tội danh liên quan đến hối lộ và lạm dụng chức quyền. Đồng thời, chính quyền Saudi Arabia cho biết các nhà điều tra sẽ đưa ra cáo buộc với những người này. Trên mạng xã hội Twitter, Cơ quan chống tham nhũng Nazaha thông báo bắt giữ và sẽ buộc tội 298 người với các tội danh tham nhũng, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền với tổng số tiền lên tới 379 triệu Riyal (101 triệu USD). Trong số những người bị bắt có 8 sĩ quan (3 đại tá, 1 thiếu tướng và 1 chuẩn tướng) trong ngành công nghiệp quốc phòng, bị tình nghi hối lộ và rửa tiền trong các hợp đồng của Chính phủ Saudi Arabia trong giai đoạn 2005 - 2015 và 29 quan chức Bộ Nội vụ tại tỉnh Đông. Đáng chú ý, một số nhân vật hoàng gia cấp cao cũng bị bắt trong tuần qua. Các vụ bắt giữ này được xem là cuộc đàn áp mới nhất của Thái tử Mohammed bin Salman, người đang tìm cách thâu tóm quyền lực trong cuộc chiến nội bộ ở hoàng gia Saudi Arabia.
Ngày 17/3, Mỹ đã chính thức đưa thủ lĩnh mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Amir Mohammed Abdul Rahman al-Mawli al-Saibi vào danh sách đen những kẻ khủng bố toàn cầu. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết al-Saibi đã được bổ nhiệm làm thủ lĩnh của IS chỉ vài giờ sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh cũ của tổ chức này là Abu Bakr al-Baghdadi vào tháng 10/2019. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ đã từng đưa al-Saibi danh sách những kẻ khủng bố cần theo dõi đặc biệt và bất cứ ai ủng hộ tên này đều bị Mỹ coi là khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ đã treo thưởng 5 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp tìm thấy al-Saibi.
Tin thể thao:
5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu thiệt hại 4 tỷ euro nếu hủy bỏ mùa giải này: Theo nghiên cứu của hãng kiểm toán KPMG, 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu sẽ thiệt hại 4 tỷ euro về doanh thu nếu phải hủy bỏ mùa giải này vì COVID-19. KPMG đã tính toán tổng doanh thu tiềm năng của các trận đấu cũng như doanh thu thương mại, tiền bản quyền truyền hình của các trận đấu còn lại tại La Liga, Bundesliga, Premier League, Ligue 1 và Serie A. Con số mà KPMG tính toán lên tới gần 4 tỷ euro. KPMG tính toán rằng Premier League sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất nếu như họ không thể tổ chức các trận đấu còn lại của mùa giải này. Giải đấu hàng đầu xứ Sương mù sẽ thiệt hại 1,25 tỷ euro, trong đó có 800 triệu euro liên quan đến tiền bản quyền truyền hình. Cuối tuần trước, cả 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu đã thông báo hoãn khi dịch COVID-19 bùng phát.
Chelsea muốn chiêu mộ Philippe Coutinho: Chelsea đã tiếp cận tiền vệ Philippe Coutinho, cầu thủ đang chơi dưới dạng cho mượn ở Bayern Munich. Chelsea muốn chiêu mộ ngôi sao người Brazil trong mùa Hè này. Cầu thủ 27 tuổi nhiều khả năng sẽ trở lại Barcelona sau khi hết hợp đồng cho mượn với Bayern Munich. Theo tờ SPORT (Tây Ban Nha), Chelsea muốn có sự phục vụ của Coutinho và họ đã liên hệ với Coutinho để thảo luận về khả năng chiêu mộ cầu thủ này trước khi mùa giải 2020-21 bắt đầu. Coutinho đã ghi 9 bàn và thực hiện 8 pha kiến tạo trong 32 lần ra sân ở Bayern Munich.
MU muốn bán Pogba chỉ với giá 80 triệu bảng: Theo tờ The Sun (Anh), MU chấp nhận bán Paul Pogba với mức giá 80 triệu bảng. Paul Pogba được cho là muốn rời MU trong Hè năm nay và đội bóng chủ sân Old Trafford cũng không muốn giữ chân anh nữa. Do Pogba sẽ đáo hạn hợp đồng vào Hè sang năm nên MU muốn bán anh ngay trong mùa Hè này. Ở mùa giải này, Pogba mới thi đấu 8 trận cho MU. Trong phần lớn thời gian của mùa giải, cầu thủ người Pháp ngồi ngoài vì chấn thương. Do có sự xuất hiện của Bruno Fernandes nên lúc này, MU không còn muốn giữ chân Pogba bằng mọi giá nữa.
FIFA xem xét điều chỉnh thời gian mở cửa thị trường chuyển nhượng: FIFA đã thành lập một tiểu ban để đánh giá tác động tiềm năng của dịch COVID-19 đối với thị trường chuyển nhượng (TTCN) cũng như tình trạng hợp đồng của cầu thủ. Do phần lớn các giải VĐQG trên thế giới đang bị hoãn bởi COVID-19 nên UEFA đã quyết định lùi VCK EURO 2020 sang năm 2021. CONMEBOL cũng lùi Copa America sang năm sau. Vì vậy, FIFA cũng xem xét việc điều chỉnh thời gian mở TTCN (mùa Hè và mùa Đông) cũng như tình trạng hợp đồng của các cầu thủ để ứng phó với dịch COVID-19. Các CLB đang đối mặt với khả năng mất những cầu thủ đáo hạn hợp đồng vào ngày 30/6 trong bối cảnh mà giải VĐQG vẫn chưa kết thúc vào thời điểm đó. Tiểu ban của FIFA cũng sẽ xem xét vấn đề về lịch thi đấu bóng đá toàn cầu. Ngoài ra, FIFA đang cân nhắc việc thành lập quỹ hỗ trợ cho các CLB, cầu thủ và cơ quan quản lý bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Arsenal, Tottenham tranh mua hậu vệ MU: Chris Smalling đang nằm trong tầm ngắm của cả Arsenal, Tottenham lẫn Everton. 3 CLB của giải Ngoại hạng đều muốn có sự phục vụ của trung vệ đang được MU cho AS Roma mượn. Smalling chơi khá tốt ở Roma và đội bóng Italy muốn mua đứt anh. MU đòi cỡ 25 triệu bảng mới bán nhưng nếu họ không được dự cúp C1 mùa tới thì chưa chắc Smalling muốn tiếp tục gắn bó. Anh muốn trở lại Premier League nhưng Ole Gunnar Solskjaer có vẻ không muốn dùng lại Smalling. 25 triệu bảng là số tiền cả Arsenal, Tottenham lẫn Everton đều có thể đáp ứng.
MU đại chiến Man City vì sao Atletico Madrid: Theo Mundo Deportivo, Man Utd đang nhắm tới Saul của Atletico Madrid trong thị trường chuyển nhượng Hè sắp tới. Việc gia hạn hợp đồng giữa ngôi sao người Tây Ban Nha và đội bóng thành Madrid không có tiến triển trong thời gian gần đây, và đó là lý do để MU tin tưởng vào tính khả thi của thương vụ này. Ngoài MU, Man City cũng là đội bóng đang theo dõi sát sao Saul.
Arsenal báo giá Aubameyang cho Barca: Barca được cho là muốn chiêu mộ tiền đạo 30 tuổi người Gabon Pierre Emerick Aubameyang trong trường hợp không mua được Laurato Martinez của Inter Milan. Nhưng muốn sở hữu Aubameyang, họ phải bỏ ra không dưới 50 triệu bảng. Đó là phí chuyển nhượng Arsenal đòi hỏi để chia tay chân sút số 1 của họ. Aubameyang gia nhập Arsenal hồi Hè 2018, đã ghi 61 bàn thắng sau 97 trận chơi cho Pháo Thủ nhưng anh đã công khai mong muốn ra đi do cảm thấy thất vọng vì Arsenal không đủ sức cạnh tranh danh hiệu lớn. Mùa này, Aubameyang đã ghi 17 bàn cho Arsenal ở giải Ngoại hạng Anh, chỉ kém Jamie Vardy của Leicester 2 bàn.
Ashley Young nhận “thưởng” từ Inter Milan: Theo Gazzetta dello Sport, Inter chuẩn bị gia hạn hợp đồng 1 năm với cựu trung vệ 34 tuổi của MU Ashley Young. Young mới gia nhập Inter trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, chơi 5 trận ở Serie A nhưng đã ghi 1 bàn thắng và có 2 kiến tạo. Phong độ khá tốt và sự hòa nhập nhanh chóng của Ashley Young đã thuyết phục được ban lãnh đạo Inter và họ dự định “thưởng” cho anh thêm 1 năm hợp đồng. Hợp đồng hiện tại của Young chỉ có thời hạn 6 tháng. Hiện Inter đang xếp thứ 3 Serie A trong khi giải đấu còn 12 vòng nữa là kết thúc.
Real Madrid tính "phương án B" cho Mbappe: Real Madrid đã không giấu diếm mong muốn ký hợp đồng với Mbappe trong nhiều mùa giải vừa qua. Tuy nhiên, Los Blancos có thể sẽ phải tìm kiếm mục tiêu mới trước thái độ cứng rắn của PSG. Theo một nguồn tin ở Tây Ban Nha, Sancho đang được coi là sự thay thế nếu Real Madrid thất bại trong thương vụ Mbappe. "Thần đồng" người Anh đã nổi lên là tài năng trẻ hàng đầu châu Âu trong hai mùa giải qua và đang là mục tiêu theo đuổi của Manchester United cũng như Chelsea.
Không cần phong tỏa, vì sao Hàn Quốc vẫn kiểm soát hiệu quả Covid-19?
Không cần phong tỏa toàn bộ đất nước, vì sao Hàn Quốc, vốn từng là ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc, lại kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19?
Giữa bối cảnh châu Âu "quay cuồng" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Mỹ hối hả hành động để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus khi các ca nhiễm không ngừng gia tăng, Hàn Quốc "nổi lên" như một biểu tượng hy vọng và hình mẫu chống lại dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc. Tốc độ lây nhiễm ở quốc gia 50 triệu dân này đang giảm dần khi số ca nhiễm hàng ngày chỉ ở mức 2 chữ số, thấp hơn hẳn so với con số 909 ca vào ngày cao điểm nhất là 29/2.
Điều đáng nói là Hàn Quốc làm được điều này mà không cần phong tỏa toàn bộ đất nước hay thực hiện những biện pháp quản lý chặt chẽ như cách Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh.
Bài học từ dịch MERS
Hàn Quốc đã học được tầm quan trọng của việc sẵn sàng đối phó với dịch bệnh từ những bài học thực tế xương máu. Năm 2015, một doanh nhân Hàn Quốc đã mắc MERS sau khi tới 3 nước Trung Đông và về nước. Người này được điều trị tại 3 cơ sở y tế của Hàn Quốc trước khi được chẩn đoán đã mắc MERS và được cách ly. Vào thời điểm đó, bệnh nhân này đã tạo ra một chuỗi lây nhiễm với 186 trường hợp nhiễm bệnh và 36 ca tử vong. Tuy nhiên, sau quá trình theo dõi, xét nghiệm và cách ly gần 17.000 người, dịch bệnh đã được dập tắt sau 2 tháng.
Chuyên gia Kim Woo-Joo tại Đại học Hàn Quốc cho biết: "Kinh nghiệm đó đã cho thấy rằng việc xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình kiểm soát dịch bệnh". "Kinh nghiệm từ dịch MERS chắc chắn đã giúp chúng tôi cải thiện công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại các bệnh viện. Cho tới nay, chưa có nhân viên y tế Hàn Quốc nào mắc Covid-19", Oh Myoung-Don - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Seoul đánh giá.
Thông tin minh bạch
Hiểu một cách đơn giản, ngăn chặn dịch bệnh là quá trình xác định và cách ly các cá nhân nhiễm bệnh nhanh nhất có thể, ngăn chặn họ lây nhiễm virus cho những người không bị nhiễm bệnh khác. Trong quy trình này, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là có một quy trình thao tác tiêu chuẩn (Standard operating procedure - SOP) - một hệ thống quy trình, được tạo ra để hướng dẫn và duy trì chất lượng công việc.
Cho tới nay, Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia cho thấy họ có một hệ thống SOP nhất quán và hiệu quả. Điều này không mấy ngạc nhiên, nhất là khi quốc gia này đầu tư đáng kể vào việc ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm sau những kinh nghiệm trước đó từ dịch SARS và MERS. Hệ thống SOP của Hàn Quốc yêu cầu 5 bước: một chiến dịch thông tin minh bạch và mạnh mẽ, xét nghiệm với số lượng lớn, cách ly các cá nhân nhiễm bệnh, điều trị những trường hợp cần chữa trị và khử trùng khu vực có nguy cơ lây nhiễm. Những biện pháp này rất rõ ràng nhưng việc thực hiện nghiêm túc như thế nào sẽ quyết định hiệu quả của chúng ra sao.
Thông tin minh bạch luôn là bước quan trọng đầu tiên trong bất kỳ nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nào. Tại Hàn Quốc, chiến dịch này tập trung vào 2 thành tố quan trọng: các nhân tố rủi ro và các biện pháp hữu ích.
Các nhân tố rủi ro là để chỉ thông tin về tình hình ngay lập tức. “Ai xung quanh tôi đã bị nhiễm bệnh? Liệu tôi có đi tới một cửa hàng tiện lợi nào đó mà những người nhiễm bệnh đã lui tới hay không?” Đây là những điều mà mọi người phải biết để đưa ra quyết định liệu họ có nên đi xét nghiệm hay không.
Tại Hàn Quốc, câu trả lời cho những câu hỏi trên được chính phủ cung cấp hàng ngày thông qua các cuộc họp báo, các trang web, tin nhắn tự động như một biện pháp duy trì liên lạc liên tục với những địa phương xuất hiện những ca bệnh mới được chẩn đoán. Danh sách các nhà hàng, các cửa hàng và nhà thờ cũng được gửi kèm để mọi người có thể nhanh chóng biết được liệu họ có nguy cơ bị nhiễm bệnh hay không. Các tin nhắn này được gửi trực tiếp tới từng số máy nên sẽ không cần lo ngại về tính xác thực của thông tin cũng như xóa tan nhưng lo ngại về tin giả.
Các biện pháp hữu ích bao gồm những giải thích chi tiết về SOP và lời những khuyến cáo chung về sự lây nhiễm của virus. Khuyến cáo này thường xuất hiện hàng ngày trên ti vi, báo đài, quảng cáo trên mạng nhằm nhắc nhở mọi người tránh tập trung nơi đông người và có các biện pháp vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh hợp lý. Tất cả các bước trên đều được thực hiện đồng thời đã nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc mọi người có thể bảo vệ nhau và ngăn ngừa dịch bệnh như thế nào.
Các thông tin này cũng có vai trò xóa tan sự lệch lạc về thông tin như tin đồn, tin giả, để từ đó giảm thiểu khả năng người dân thực hiện những hành vi không cần thiết, hoặc thậm chí phản khoa học.
Xét nghiệm nhanh và hiệu quả - mấu chốt để kiểm soát dịch bệnh
Minh bạch thông tin sẽ không đạt được sự hữu ích tối đa, trừ khi kết hợp với một quy trình xét nghiệm hiệu quả. Ở đây, chính phủ Hàn Quốc đã rất quyết đoán khi khiến cho việc xét nghiệm trên toàn quốc luôn sẵn sàng, thậm chí cử cả đội ngũ y tế đến những khu vực nông thôn xa xôi và lập các trung tâm xét nghiệm trên đường ở những thành phố lớn, chẳng hạn như Daegu. Hàn Quốc hiện có 43 trạm xét nghiệm trên đường - một mô hình mà hiện Mỹ, Canada và Vương quốc Anh đều đang học tập.
Quy mô xét nghiệm và tốc độ xét nghiệm là những nhân tố quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Để đạt được điều này, Hàn Quốc hiện có khả năng thực hiện hơn 10.000 xét nghiệm hàng ngày trên hầu hết các khu vực trên đất nước. Thời gian có kết quả cũng rất nhanh khi người xét nghiệm sẽ nhận được thông báo về tình trạng của mình trong 24 giờ qua tin nhắn gửi tới từng số máy.
Sau khi dịch Covid-19 mới bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã nhanh chóng phát triển quy trình xét nghiệm và hợp tác với các nhà sản xuất để phát triển bộ kit xét nghiệm thương mại. Bộ kit đầu tiên đã được chấp nhận ngày 7/2, khi mà Hàn Quốc chỉ ghi nhận một vài ca nhiễm.
11 ngày sau, một người phụ nữ 61 tuổi, còn gọi là "trường hợp thứ 31" đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Người này đã tham gia các hoạt động của giáo phái Tân Thiên Địa tại một nhà thờ ở Daegu từ ngày 9 - 16/2 và sau đó sốt nhẹ. Hàn Quốc ghi nhận hơn 2.900 ca nhiễm mới chỉ 12 ngày sau, phần lớn đều là thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa. Chỉ riêng trong ngày 29/2, KCDC ghi nhận hơn 900 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên 3.150 và khiến quốc gia này trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục.
Ngay sau đó, Hàn Quốc đã thực hiện một loạt những biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan mà trước tiên, những nỗ lực theo dõi tiếp xúc tập trung vào ổ dịch của giáo phái Tân Thiên Địa.
Những bệnh nhân rủi ro cao khi mắc các bệnh nền sẽ được ưu tiên điều trị tại bệnh viện. Những người có các triệu chứng trung bình được đưa tới các cơ sở y tế tận dụng từ những không gian công cộng để họ nhận được sự hỗ trợ và giám sát y tế. Những người đã hồi phục và âm tính 2 lần với virus SARS-CoV-2 sẽ được ra viện. Việc liên lạc với những người có triệu chứng nhẹ tự cách ly 2 tuần thường xuyên được duy trì. Những người vi phạm quy định cách ly sẽ bị phát 3 triệu won (khoảng 2.500 USD). Nếu một dự thảo luật gần đây của Hàn Quốc trở thành luật, mức phạt sẽ tăng lên 10 triệu won và nhiều nhất là 1 năm tù.
Như vậy, đằng sau thành quả kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc là một chương trình xét nghiệm có tổ chức và lớn nhất thế giới, kết hợp với những nỗ lực tối đa nhằm cách ly những người nhiễm bệnh, cũng như theo dõi và cách ly cả những người mà họ tiếp xúc. Hàn Quốc đã xét nghiệm cho hơn 270.000 người, tức là cứ 1 triệu dân thì thực hiện được hơn 5.200 xét nghiệm - một tỷ lệ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Bahrain, trang web Worldometer cho biết. Mỹ cho tới nay mới thực hiện được 74 xét nghiệm trong số 1 triệu dân, theo dữ liệu từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của nước này.
Khả năng của Hàn Quốc cho thấy "quy mô chẩn đoán là mấu chốt của việc kiểm soát dịch bệnh", Raina MacIntyre - một học giả về bệnh truyền nhiễm tại Đại học New South Wales, Sydney cho biết.
Chuyên gia này cũng khẳng định thêm: "Theo dõi liên lạc cũng có vai trò đáng kể kiểm soát dịch bệnh để cách ly các trường hợp này".
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 19/03/2020 là 1 AUD = 0.553 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 19/03/2020 là 1 AUD = 12,995 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời quang đãng, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 35 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 25 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–23 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–30 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–35 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–22 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào