Chương trình Thời sự thứ Năm, 18/06/2020
Tin nước Úc:
- Victoria: Lo ngại về sự gia tăng đột biến số ca nhiễm trong một ngày
- Greensborough: Điều tra vụ một người đi bộ bị xe hơi tông nguy kịch
- Melbourne: Đại học Swinburne bỏ yêu cầu xét điểm ATAR đầu vào đối với một số ngành học
- Tin Úc: Nam Úc mở cửa lại biên giới cho du khách từ Tây Úc, Vùng Lãnh thổ Bắc Úc và Tasmania
- Di trú: Người tị nạn có chuyên môn y khoa gặp khó khăn khi muốn được hành nghề ở Úc
- Melbourne hiện có tòa nhà dân cư cao nhất ở Nam Bán cầu
- Melbourne: Xúc tiến xây dựng 40km làn đường mới dành cho xe đạp
- Victoria: Trợ cấp cho các dịch vụ trọng yếu giúp đỡ người cao niên
- Victoria: Đẩy mạnh chương trình xét nghiệm virus corona có mục tiêu đến các địa phương
- Tin vắn
Tin thế giới:
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên lại leo thang. Triều Tiên vừa qua đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc, liên quan tới việc cử phái đoàn sang đàm phán hạ nhiệt. Triều Tiên cũng khẳng định sẽ triển khai lại quân tới núi Kumgang và khu Kaesong gần biên giới. Những chốt cảnh sát ở khu phi quân sự DMZ cũng sẽ được đặt lại, các đơn vị pháo binh cũng được tăng cường. Hàn Quốc thì đang hối thúc Triều Tiên tuân thủ thỏa thuận quân sự liên Triều ký kết năm 2018. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul, người phụ trách các vấn đề Triều Tiên cũng đã từ chức để chịu trách nhiệm về việc quan hệ với Triều Tiên xấu đi. Căng thẳng hai bên bùng phát khi Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc không ngăn chặn hành động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng. Việc phá hủy văn phòng liên lạc chung đánh dấu bước lùi mới nhất và lớn nhất trong quan hệ liên Triều. Hàn Quốc đã bày tỏ sự hối tiếc trước hành động này của Triều Tiên và cảnh báo sẽ phản ứng mạnh nếu Bình Nhưỡng tiếp tục các hành động leo thang căng thẳng.
Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia hạn các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Triều Tiên thêm một năm, viện dẫn những hành động mà Washington cho là "mối đe dọa bất thường" gần đây từ phía Bình Nhưỡng. Trong bức thư gửi kèm tới Quốc hội, ông Trump viết rõ những hành động và chính sách của Bình Nhưỡng, cụ thể là chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, gây mất ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và gây nguy hiểm cho Các lực lượng vũ trang Mỹ, các đồng minh và các đối tác thương mại trong khu vực. Việc Mỹ gia hạn trừng phạt Triều Tiên diễn ra tại thời điểm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang.
Trước tình hình bùng phát đợt dịch COVID-19 mới tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, chính quyền thành phố này đang tiếp tục có những biện pháp tăng cường kiểm soát đi lại nhằm chặn đà lây lan của dịch. Ít nhất 1.255 chuyến bay, chiếm khoảng 60% tổng số các chuyến bay đến và đi từ Bắc Kinh, đã bị hủy. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại ngày càng gia tăng liên quan tới đợt bùng phát dịch COVID-19 mới tại Trung Quốc. Hiện hoạt động lưu thông trên đường phố vẫn diễn ra bình thường, các công ty và nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát đi lại đã được tăng cường nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch.
Trung Quốc tuyên bố đã nhất trí với Ấn Độ giải quyết hòa bình những căng thẳng ở khu vực biên giới Himalaya sau vụ đối đầu bạo lực nhất trong nhiều thập niên. Vụ đụng độ vào đêm 15/6 đã khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và nhiều người bị thương. Đây là vụ đụng độ đầu tiên ở khu vực này gây thương vong trong vòng 45 năm qua. Cả Ấn độ và Trung Quốc đều lên tiếng khẳng định nguyên nhân làm bùng phát đụng độ là do có sự khiêu khích của đối phương. Trên thực tế, hai quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn chưa phân định được đường biên giới ở khu vực chiến lược quan trọng của dãy núi Himalaya. Hiện lãnh thổ của mỗi bên được phân chia ranh giới nhờ Đường kiểm soát thực tế LAC. Ấn Độ coi LAC dài 3.488 km, trong khi Trung Quốc coi đường này chỉ dài khoảng 2.000 km. Từ tháng 5 vừa qua, tình trạng đối đầu ở khu vực này lại gia tăng, đe dọa trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa hai cường quốc châu Á.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 17/6 đã tiến hành phiên họp trực tuyến định kỳ hàng tháng về tình hình Syria. Cuộc họp trở thành nơi tranh cãi gay gắt giữa các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an sau khi Mỹ đề xuất các biện pháp mới trừng phạt Syria. Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft, căn cứ vào luật về bảo vệ dân thường Syria được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 12 năm ngoái, Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al Assad. Lệnh trừng phạt của Mỹ vấp phải sự chỉ trích của Nga và Trung Quốc. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cho rằng, kế hoạch của Mỹ là nhằm lật đổ thể chế chính trị hợp pháp ở Syria. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc lại cho rằng, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt là hành vi vô nhân đạo và chỉ càng gây thêm thảm họa cho quốc gia Trung Đông này. Phản ứng với quyết định của Mỹ, Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc đã cáo buộc Mỹ cố tình áp đặt luật của Mỹ đối với thế giới, đồng thời kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Syria.
Ngày 16/6, chính quyền Mỹ đã khởi kiện ông John Bolton, cựu Cố vấn của Tổng thống Donald Trump, để ngăn hồi ký của ông này được xuất bản. Theo Nhà Trắng, cuốn sách có thể chứa thông tin mật và dự kiến sẽ đưa ra "bức tranh" bất lợi về việc ra quyết định chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Vụ kiện diễn ra tại Tòa án Liên bang Washington. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng xác định, bản thảo hiện tại của cuốn hồi ký này có một số đoạn nhất định có chứa thông tin mật thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Và nếu được xuất bản, cuốn sách sẽ gây ảnh hưởng, thậm chí là gây hại cho an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trước đó ông Bolton cho biết đã chỉnh sửa bản thảo để cuốn sách không chứa bất cứ thông tin mật nào. Nội dung cuốn sách này nếu được xuất bản sẽ bao gồm cả những câu chuyện liên quan tới các thỏa thuận của Mỹ với Trung Quốc, Nga, Ukraine, Triều Tiên, Anh, Pháp, Đức.
Ngày 17/6, bốn nước gồm Ấn Độ, Mexico, Ireland và Na Uy đã trúng cử và chính thức trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2021-2022. Mexico - đại diện cho nhóm nước Mỹ Latinh và vùng Caribe - trúng cử với 187/192 phiếu ủng hộ. Ấn Độ - đại diện cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương - giành được 184 phiếu. Na Uy được 130 phiếu và Ireland được 128 phiếu. Theo quy định, các nước trúng cử sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an kể từ ngày 1/1/2021. Cũng trong ngày 17/6, với số phiếu ủng hộ 178/189, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozkir đã được bầu làm Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, thay người tiền nhiệm Jijjani Muhammad- Bande.
Mỹ rút bớt quân khỏi Đức: Dấu hỏi tình đồng minh?
Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố rút bớt quân đang đóng tại Đức – một động thái được nhận định sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Theo chỉ đạo, Bộ Quốc phòng Mỹ rút bớt số binh sỹ Mỹ đồn trú tại Đức từ 34.500 người xuống khoảng 25.000 người.
Sự hiện diện trực tiếp và thường xuyên của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước Đức không chỉ đơn thuần dựa trên cơ sở thỏa thuận song phương giữa hai nước mà còn là bộ phận quan trọng trong triển khai chiến lược của NATO từ thời còn Chiến tranh Lạnh đến nay. Vì thế, quyết định của Tổng thống Donald Trump dấy lên nhiều câu hỏi hoài nghi về sự thay đổi trong tính toán chiến lược của Washington, đặc biệt là những cam kết an ninh của Mỹ với châu Âu.
Phản ứng của dư luận Mỹ
Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc rút bớt quân tại Đức là bởi Berlin không chi tiêu đủ cho quốc phòng theo yêu cầu của NATO và mâu thuẫn thương mại giữa hai nước. Có vẻ như đây là một động thái “trừng phạt” của Mỹ dành cho Đức. Nhưng cách đáp trả này lại liên quan đến vấn an ninh của Washington.
Ngay sau khi một quan chức Chính phủ cấp cao yêu cầu giấu tên tiết lộ với truyền thông hôm 5/6 về việc Tổng thống Trump chỉ đạo Lầu Năm Góc rút 9.500 lính Mỹ đồn trú tại Đức, đồng thời giới hạn lực lượng Mỹ tại quốc gia Tây Âu này ở mức 25.000, chính giới Mỹ đã lên án động thái của ông chủ Nhà Trắng.
Tuần trước, 22 thành viên đảng Cộng hòa tại Ủy ban Quân lực Hạ viện đã gửi thư cho ông Trump để bày tỏ sự quan ngại về kế hoạch rút quân này. Các nghị sỹ này tin rằng những bước đi như vậy sẽ gây tổn hại đáng kể tới an ninh quốc gia của Washington cũng như củng cố vị thế của Nga theo hướng gây bất lợi cho Mỹ. Các nghị sỹ cũng cho rằng việc đồn trú của binh sỹ Mỹ tại Đức kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác và quan trọng nhất đã khiến nước Mỹ trở nên an toàn hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện James Inhofe, cho rằng việc giảm lực lượng Mỹ tại Đức là một ý tưởng tồi tệ tới mức ông không thể tin Tổng thống Trump sẽ ra lệnh làm điều đó.
Theo chuyên gia bình luận Andreas Kluth của Bloomberg, thời gian qua, lãnh đạo các nước Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã kết luận rằng sự hậu thuẫn của Mỹ hiện không còn mang tính nguyên tắc nữa mà là có đi có lại. Do vậy, đã đến lúc các nước cần tính đường khác. Khi Mỹ không còn đứng ra "bảo kê", khái niệm phương Tây như một hệ tư tưởng sẽ không còn tồn tại, dẫn đến bất ổn và lo lắng trên toàn cầu.
Trái lại, những người ủng hộ quyết định của ông Trump, cho rằng việc Mỹ rút bớt quân khỏi Đức là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Ông William Ruger, chuyên gia Tổ chức Charles Koch, có trụ sở tại bang Virginia, nhận định việc giảm bớt các lực lượng Mỹ tại châu Âu sẽ thúc đẩy các nước tăng cường chia sẻ gánh nặng và khuyến khích các đồng minh châu Âu giàu có đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của chính họ, trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với những nhu cầu cấp bách ở trong nước và nhiều nơi khác trên thế giới.
Tổn thất với Đức và chiến lược an ninh trong NATO
Việc Mỹ rút quân tại Đức không chỉ là chuyện song phương mà còn liên quan đến chiến lược chung của cả NATO.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo việc cắt giảm gần 10.000 quân Mỹ đồn trú tại Đức là một bước đi nữa cho thấy quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước châu Âu trong nội bộ NATO tiếp tục rạn nứt nghiêm trọng kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền. Có một số khía cạnh cần phải nói rõ hơn trong bước đi này của Mỹ. Thứ nhất, việc Mỹ cắt giảm quân số tại Đức không phải là điều gì mới mẻ. Từ sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh, Mỹ đã liên tiếp có các đợt cắt giảm quân số tại Đức. Vào năm 2006, Mỹ có khoảng 72.000 quân tại Đức thì đến 2018, con số này đã giảm một nửa, chỉ còn khoảng 34.000. Vì thế, về mặt quân sự, đợt cắt giảm quân số lần này không phải là điều gì quá bất ngờ.
Điều đáng bàn ở đây là về khía cạnh chính trị và an ninh. Liệu việc Mỹ rút bớt quân có làm tổn hại đến an ninh của Đức hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là có nhưng không phải quá lớn. Đa số người dân Đức, ngoại trừ các thị trấn nơi Mỹ đóng quân, không quá coi trọng các căn cứ quân sự Mỹ tại Đức.
Về mặt an ninh, các căn cứ quân sự Mỹ tại Đức phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ và NATO nhiều hơn là Đức bởi đây là nơi cho phép Mỹ thực hiện nhiều chiến dịch tác chiến quan trọng ở Nam Âu, Trung Đông, cũng như cho phép Mỹ và NATO duy trì sự răn đe chiến lược với Nga.
Tất nhiên, tác động lớn hơn của việc Mỹ rút quân Đức đó là về mặt chiến lược. Nó đào sâu hơn mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh NATO tại châu Âu, đặc biệt lại là một cường quốc như Đức, và có thể sẽ đẩy mạnh xu hướng tự chủ, ly khai mà Đức và Pháp đang tiến hành vài năm qua. Đức là một cường quốc kinh tế, có nội lực vững vàng nên luôn đủ sức tự bảo đảm an ninh cho mình. Tổn thất cụ thể nhất với Đức sẽ là về mặt kinh tế bởi nền kinh tế của rất nhiều thị trấn ở Đức dựa hoàn toàn vào số quân Mỹ và gia đình các quân nhân này.
Đối với NATO thì việc này sẽ tạo ra một môi trường bất an, nhiều rủi ro hơn do không ai biết hướng đi tương lai ra sao và Mỹ, với tư cách nước đứng đầu NATO, sẽ định làm gì tiếp theo. Với Mỹ, đây cũng có thể sẽ là một tổn thất nếu Mỹ vẫn muốn duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng tại châu Âu để ngăn chặn và bao vây Nga. Nhưng, cũng như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, đây có thể là một bước đi nữa trong chủ nghĩa tân biệt lập mới của Mỹ, khi Mỹ hướng sự ưu tiên của mình sang các khu vực khác trên thế giới, như châu Á, và do đó phải giảm bớt mối quan tâm cũng như chi phí an ninh của mình tại châu Âu.
Quan hệ đồng minh bị đặt dấu hỏi
Mỹ là quốc gia có nhiều sự hiện diện quân sự ở nước ngoài nhất. Việc rút bớt quân ở địa bàn quan trọng như Đức làm dấy lên câu hỏi liệu có làm thay đổi cam kết của Tổng thống Donald Trump đối với các thỏa thuận hợp tác lâu nay với các đồng minh châu Âu hay không.
Tuyên bố giảm mạnh số quân Mỹ ở Đức mà ông Trump vừa đưa ra sẽ không thay đổi nhiều cam kết hợp tác lâu nay giữa Mỹ với đồng minh châu Âu nói chung. Đây dường như chỉ là “chiêu trò” của Washington nhằm giành lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới với Berlin. Thực tế là quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra và xuất phát từ chính lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, nhiều khả năng Chính quyền Trump sẽ tái bố trí lực lượng rút khỏi Đức sang một nước thành viên NATO khác.
Số liệu thống kê chính thức của Lầu Năm Góc cho thấy, tính đến ngày 31/3, có gần 35.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Đức, nhưng con số đó có thể tăng đột biến lên 52.000 vào thời điểm luân chuyển quân hoặc diễn ra tập trận. Quân đội Mỹ hiện có một số cơ sở quan trọng tại Đức, bao gồm Căn cứ Không quân Ramstein, được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động ở châu Phi và Trung Đông; Trung tâm y tế khu vực Landstuhl, một bệnh viện quân đội lớn để điều trị cho binh sỹ được chuyển đến từ chiến trường Afghanistan và các vùng chiến sự khác. Các cơ sở huấn luyện lớn cũng đặt tại Đức, như Bộ Tư lệnh châu Âu và Bộ Tư lệnh châu Phi.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ tổ chức ngày 15/6, Đại sứ Đức tại Mỹ Emily Haber, không chỉ trích quyết định của ông Trump, nói rằng Mỹ đã sử dụng sự hiện diện quân sự của mình ở Đức để bảo vệ 30 thành viên NATO, sức mạnh của Mỹ tại châu Phi và các khu vực xa xôi khác. Theo bà Haber, đây không chỉ là vấn đề an ninh xuyên Đại Tây Dương, mà còn là vấn đề an ninh của Mỹ.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, phía Mỹ đã nói rõ rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra liên quan tới cách thức và thời điểm rút quân khỏi Đức. Chủ đề này sẽ được thảo luận trong cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO hai ngày tới. Theo Tổng Thư ký NATO, dù đây là thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Đức, song nó cũng liên quan đến Khối, do vậy ông đã thảo luận với Tổng thống Donald Trump và phía Đức về vấn đề này. Ông Stoltenberg cũng bác bỏ lập luận cho rằng liệu thời điểm công bố rút quân của ông Trump có bất kỳ liên quan nào tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison, cũng nói rằng bà đã không biết về các bước chuẩn bị cho bất kỳ đợt rút quân nào khỏi Đức và kế hoạch thực sự vẫn chưa diễn ra. Đồng thời, bà Hutchison mô tả Đức là một “đối tác tốt” của Mỹ trong NATO, và không nên nghĩ rằng có bất kỳ sự “chia lìa” nào giữa Mỹ với châu Âu và Đức.
Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, bà Georgette Mosbacher, cho biết một thỏa thuận về tăng cường binh sỹ Mỹ tại Ba Lan sẽ sớm được công bố và số lượng có thể lớn hơn so với kế hoạch ban đầu. Theo bà Mosbacher, Tổng thống Trump và Tổng thống Ba Lan có cùng tầm nhìn về vấn đề này. Ba Lan hiện là một trong số các nước thành viên NATO có chi phí quốc phòng đáp ứng mức trần 2% như đòi hỏi của ông Trump.
Mặc dù quan hệ Đức - Mỹ vẫn có ý nghĩa quyết định trong mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương nhưng triển vọng gỡ bỏ khúc mắc sẽ ngày càng trở nên mong manh, nhất là sau những động thái gây căng thẳng vừa rồi. Một chuyên gia từng nói rằng, điều làm cho Mỹ trở nên mạnh mẽ là sức mạnh kinh tế và quân sự, nhưng điều làm Mỹ trở nên sự khác biệt so với các cường quốc khác là bởi sức mạnh của các liên minh và đồng minh. Nếu Mỹ đánh mất hoặc làm suy yếu những mối liên minh này, sức mạnh của Mỹ cũng sẽ suy giảm. Lý thuyết này đang được soi chiếu trong mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh bên kia Đại Tây Dương.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 18/06/2020 là 1 AUD = 0.687 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 18/06/2020 là 1 AUD = 15,946 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 35 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–17 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–22 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù ở khu vực phía Tây, trong ngày có mưa rào dọc theo khu vực ven biển, những nơi khác hầu như không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–19 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, đêm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–17 độ.
Cẩm Nhung