Chương trình Thời sự thứ Năm, 16/07/2020

Cẩm Nhung | 16/07/2020 | 552 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Tiểu bang ghi nhận 317 ca nhiễm mới vào ngày 16/7

- Victoria: Xét nghiệm virus corona cho bệnh nhân phẫu thuật tự chọn

- Victoria: Cảnh sát trấn áp các trường hợp cố ý vi phạm chỉ thị phòng chống dịch bệnh

- Tin Úc: Nhân viên chăm sóc người cao tuổi có thể sẽ bị yêu cầu phải đeo khẩu trang

- Victoria: Ổ dịch ở chín tòa nhà công cộng có liên quan đến cuộc biểu tình Black Lives Matter

- COVID-19 tấn công vào thị trường địa ốc, số lượng khoản vay mua nhà giảm đáng kể

- Di trú: Úc cần bổ sung nhân sự từ nước ngoài cho lĩnh vực chăm sóc người cao niên

- Victoria: Xây dựng nhà modular chất lượng cho các hộ gia đình bị mất nhà vì cháy rừng

- Tin vắn

Tin thế giới:

Tân Hoa xã đưa tin ngày 15/7, Tehran đã yêu cầu các bên tham gia còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), bảo vệ các lợi ích của Tehran theo quy định của thỏa thuận này và không đầu hàng trước chính sách của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho rằng JCPOA là một thành tựu quan trọng của ngoại giao đa phương, vốn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ, song đang phải đối mặt với “mối đe dọa” nghiêm trọng trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày ký kết. Bộ Ngoại giao Iran khẳng định Tehran quyết tâm triển khai “hành động quyết đoán chống lại bất cứ hành vi thái quá và vô trách nhiệm nào, và hối thúc mạnh mẽ Anh, Pháp và Đức giữ vững các cam kết của họ, thay vì hành động theo chiều hướng của chính sách sức ép tối đa từ Mỹ.”

Hơn 18 triệu người dân ở khoảng 20 tỉnh và khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc đang tiếp tục phải chịu cảnh lũ lụt nặng nề. Từ ngày 1/7 đến nay, lũ lụt đã khiến nhiều chính quyền địa phương bị ảnh hưởng phải áp đặt các biện pháp ứng phó khẩn cấp ở mức cao nhất với nạn lũ lụt chưa từng có trước nay. Mực nước trên 433 con sông ở Trung Quốc đã vượt mốc nguy hiểm từ đầu tháng 6, trong đó 33 con sông dâng lên mức lịch sử. Hiện lũ lụt đã ở quy mô chưa từng có. Có khoảng 1,47 triệu người đã phải sơ tán do lũ lụt từ đầu tháng 7. Khoảng 79.000 ngôi nhà bị hư hỏng. Thiệt hại kinh tế ước tính cho tới nay đã là gần 6 tỷ USD. Cơ quan Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo, mưa lớn liên tục sẽ còn kéo dài trong 3 ngày tới và sẽ có thể gây hậu quả cho nhiều khu vực như Tứ Xuyên, Trùng Khánh (ở phía Tây Nam), Hồ Bắc, Hà Nam (ở khu vực miền Trung) và An Huy, Giang Tô (ở miền Đông).

Cảnh sát Đức vừa phát hiện một xe tải đông lạnh chở lậu hơn 30 người di cư gần khu vực biên giới với Cộng hòa Czech. Chiếc xe tải mang biển số Thổ Nhĩ Kỳ và chở kèm trái cây và rau củ. Trong những năm qua, đã có nhiều người nhập cư trái phép thiệt mạng khi lựa chọn cách trốn trong những xe tải chở hàng kiểu này để tìm đường vào các nước châu Âu. Năm 2015 ghi nhận vụ việc 71 người di cư thiệt mạng bên trong một xe tải ở Áo và năm ngoái là vụ 39 người Việt Nam được phát hiện đã tử vong tương tự ở Anh.

Ngày 15/7, chính quyền thành phố Tokyo đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp 4, mức cao nhất, đồng thời yêu cầu người dân tăng cường phòng tránh dịch bệnh. Tính trong thời gian 7 ngày kết thúc vào ngày 13/7, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã tăng cao gấp 1,5 lần một tuần trước đó, đặc biệt số bệnh nhân không phát hiện được nguồn lây nhiễm tăng gấp 2 lần, cho thấy dịch đã lây lan rất mạnh trong cộng đồng. Theo các nhà phân tích, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này có liên hệ chặt chẽ với các quán bar, karaoke và hộp đêm, nếu không kiểm soát được các nguồn lây nhiễm này dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng trong những tuần tới.

Ngày 15/7, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên tiến hành sớm hơn và quy mô lớn hơn các chiến dịch tiêm phòng cúm trong năm nay nhằm giảm nguy cơ cùng lúc bùng phát dịch cúm và dịch COVID-19 vào mùa Thu này. EC khuyến cáo chính phủ các nước EU nên tiến hành chiến dịch tiêm phòng cúm vào mùa Hè, sớm hơn so với thời điểm tiêm chủng thường niên là vào mùa Thu, đồng thời tăng cường dự trữ vắcxin phòng cúm cũng như số người được tiêm phòng. Khuyến cáo trên được đưa ra trước những lo ngại về nguy cơ các bệnh viện tại châu Âu bị quá tải một lần nữa, điều đã từng xảy ra trong giai đoạn dịch COVID-19 lên tới đỉnh điểm tại châu Âu vào tháng Ba và tháng Tư vừa qua.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/7 thông báo đã phát triển được một loại vắcxin "an toàn" ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 sau các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên một nhóm tình nguyện viên. Thông báo nêu rõ 18 người đã tham gia các cuộc thử nghiệm trên và được cách ly tại bệnh viện quân y Burdenko ở thủ đô Moskva kể từ 18/6. 28 ngày sau khi tiêm vắcxin, các dấu hiệu sinh tồn của nhóm tình nguyện viên này vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Tất cả đều không gặp bất kỳ "biến chứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng nào." Bộ Quốc phòng Nga dự kiến các cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được hoàn tất vào cuối tháng Bảy này.

Ngày 14/7, tạp chí Y dược New England đã công bố kết quả khả quan của giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 do tập đoàn Moderna, Mỹ phát triển. Kết quả giai đoạn 1 thử nghiệm cho thấy, tất cả 45 bệnh nhân tham gia thử nghiệm đã phát triển kháng thể trung hòa. Các nhà khoa học tin rằng, kháng thể trung hòa là nền tảng quan trọng để phát triển khả năng miễn dịch, hứa hẹn vaccine có thể bảo vệ con người, chống lại virus SARS-CoV-2. Đây được đánh giá là nỗ lực của Moderna trong việc nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện hơn 100 loại vaccine đang được phát triển trên toàn cầu.

Tại Italy, dòng sông băng rộng hơn 100.000 m2 đã được giới chức cho "bọc" lại bằng những tấm vải khổng lồ nhằm ngăn băng tan chảy. Các tấm vải kỹ thuật lớn màu trắng đã được sử dụng để bao phủ sông băng Presena, ở phía Bắc Italy, nhằm ngăn chặn hoặc giảm tình trạng băng tan và phản chiếu ánh sáng mặt trời trong những tháng mùa hè tại Passo del Tonale, gần Trento, Italy. Sông băng Presena nằm ở độ cao từ 2.700 - 3.000 m. Lớp vải bao phủ này được giữ bằng các bao cát và sẽ được dỡ bỏ vào đầu mùa trượt tuyết khi nhiệt độ giảm đi. Việc "bọc" sông băng này được thực hiện hàng năm kể từ năm 2008. Đây được coi là một biện pháp để chống lại tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu, khiến sông băng Presena mất đi 1/3 tượng băng ở bề mặt do bị tan chảy trong vòng chưa đầy 20 năm trở lại đây.

Mua sắm trực tuyến gây hại cho môi trường như thế nào?

Nhờ sự tiện lợi, mua hàng trực tuyến ngày càng được ưa chuộng. Đó là chưa kể đôi khi người mua còn được miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, thật ra món hàng mua qua mạng lại mang một cái giá vô hình khác. Đó là tác hại cho môi trường.

Theo một báo cáo trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, được công bố bởi Hiệp hội Hóa học Mỹ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng mua sắm tại các cửa hàng truyền thống các mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, dầu gội và kem đánh răng, thường dẫn đến lượng khí thải nhà kính ít hơn so với việc mua những sản phẩm này trên mạng.

Mua sắm trực tuyến gây tác hại như thế nào đến môi trường?

Lý do nằm ở cách mọi người mua sắm trực tuyến: Thường thì khi mua hàng trực tuyến, người mua chỉ mua một vài mặt hàng cho mỗi lần mua. Trong khi đó, "khi mua sắm trong một cửa hàng, người tiêu dùng thường mua một lúc với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí đi lại", theo ông Sadegh Shahmohammadi, nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa học Môi trường tại Đại học Radboud, Hà Lan.

Ngoài ra, mua hàng trực tuyến thường xuyên tạo ra nhiều rác thải bao bì hơn, mỗi mặt hàng mua trực tuyến lại thường đến từ một nhà phân phối khác nhau, đồng nghĩa với việc nhiều xe giao hàng phải di chuyển trên đường, dẫn đến gia tăng kẹt xe, tăng tiếng ồn và tăng ô nhiễm. Tất cả các yếu tố trên dẫn đến phát thải khí nhà kính cao hơn trên mỗi mặt hàng.

Nhóm nghiên cứu đã mô hình hóa nghiên cứu của họ về sự chuyển động của hàng hóa từ nhà máy cho đến người tiêu dùng cuối cùng. Sau đó, họ đặc biệt tập trung vào một phần của chuỗi cung ứng bán lẻ gọi là phân phối "chặng cuối", tức là khoảng cách giữa cửa hàng với khách hàng hoặc trong trường hợp mua sắm trực tuyến là khoảng cách giữa trung tâm phân phối hàng hóa tới khách hàng.

Sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích lượng khí thải các-bon trong công đoạn "giao hàng chặng cuối" của ba loại kênh mua sắm phổ biến nhất ở Anh và Mỹ gồm mua sắm trực tiếp tại cửa hàng; "brick & clicks" (đặt hàng trực tuyến các sản phẩm và cửa hàng truyền thống tiến hành giao hàng) và "pure players" (chỉ tập trung vào bán hàng trực tuyến). Kết quả cho thấy, tại Anh, lượng khí nhà kính trên mỗi mặt hàng được mua trực tiếp tại các cửa hàng cao hơn "brick & clicks" là 63%, nhưng lại thấp hơn hình thức "pure players" tới 81%. Còn tại Mỹ, trung bình lượng khí thải nhà kính từ việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống cũng được ước tính cao hơn so với "brick & clicks", và thấp hơn so với "pure players".

Theo CNN, gần 1/4 lượng khí thải nhà kính của ngành vận tải là do xe tải hạng vừa và hạng nặng dùng trong khâu giao hàng chặng cuối gây ra.

Liệu có giải pháp nào cho vấn đề nan giải này?

Tại Thụy Điển, ông Carl-Magnus Norden đang lên kế hoạch áp dụng một giải pháp để hạn chế khí thải nhà kính từ việc giao hàng. Norden là CEO của Volta Trucks, chuyên sản xuất xe giao hàng điện. Những chiếc xe nguyên mẫu đầu tiên được kỳ vọng sẽ ra mắt vào cuối năm 2020.

Xe tải Volta tạo ra tiếng ồn ít hơn 50% so với các phương tiện thông thường và không tạo ra khí thải. Vì không có động cơ cồng kềnh, ghế lái nằm ở trung tâm phía trước của xe tải, với cửa sổ bao quanh, cảm biến và camera ở mọi phía, điều này giúp cung cấp cho người lái một tầm nhìn rộng hơn, cải thiện khả năng của người lái để phát hiện người đi bộ và người đi xe đạp.

Ngoài ra, các nhà bán lẻ có thể giảm lượng khí thải carbon bằng cách khuyến khích người mua sắm mua hàng theo cụm. Bằng cách khiến khách hàng nhận hàng từ một địa điểm gần nhà, ví dụ như một trạm xăng, lượng khí thải có thể giảm. Phương pháp này cũng giúp bù đắp sự tắc nghẽn trong các thành phố gây ra bởi các phương tiện giao hàng.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 16/07/2020 là 1 AUD = 0.699 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 16/07/2020 là 1 AUD = 16,264 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời có mây rải rác, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 38 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–18 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–24 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, sóng lớn có thể xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng. Nhiệt độ dao động từ 11–17 độ.

Tại Melbourne, buổi sáng trời nhiều mây, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–14 độ.

Cẩm Nhung

 
 

 

 

Đánh giá bản tin này