Chương trình Thời sự thứ Năm, 15/11/2018
Tin nước Úc:
- Victoria: Sở Giáo dục bang Victoria điều tra một vụ nổ bếp gas khiến bốn học sinh bị thương
- Melbourne: Một chiếc xe tải bất ngờ bốc cháy ở ven đường Western Ring Road
- Victoria: Thành phố Melbourne cân nhắc áp dụng mô hình chống khủng bố tương tự như ở New York
- Cranbourne: Bị trúng đạn, một người đàn ông phải nhập viện khẩn cấp
- Victoria: Giải mã hai quan niệm sai lầm về hoàn cảnh nghèo đói ở tiểu bang
- Victoria: Cảnh sát đã cải trang thành nhân viên lau kính xe hơi để bắt các tài xế bị phân tâm trong khi lái xe
- Victoria: Các cổng sạc điện thoại di động sẽ được lắp đặt ở các nhà ga nếu đảng Lao động đắc cử
- Victoria: Đảng Lao động cam kết sẽ phân bổ 32 triệu đô la tiền trợ cấp cho dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm
- Nhiều người Úc sẽ nghỉ hưu với tư cách là những người thuê nhà nghèo khó
- Tin Úc: Cứ năm người bị ung thư phổi ở Úc thì có một người hoàn toàn không được điều trị
- Victoria: Một ứng viên của đảng Tự do Victoria từ chức vì có phát ngôn không phù hợp
- Tin vắn
Tin Thế giới:
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11 đã bắt đầu các chuyến thăm cấp nhà nước tới Papua New Guinea, Brunei và Philippines, và tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. Trong thời gian ở Papua New Guinea, ông Tập Cận Bình cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo đến từ các quốc đảo Thái Bình Dương đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thực hiện các chuyến thăm 3 nước nói trên theo lời mời của Toàn quyền Papua New Guinea Bob Dadae và Thủ tướng nước này Peter O'Neill, Quốc vương Hassanal Bolkiah của Brunei và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Ngày 15/11, hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea. Dự kiến các bộ trưởng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm mở cửa hơn nữa thị trường và hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Các bộ trưởng cũng sẽ xem xét các biện pháp nhằm hiện thực hóa thỏa thuận Khu vực tự do thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) chiếm khoảng 1/2 thương mại toàn cầu và 60% kinh tế thế giới.
Hải quân Mỹ ngày 15/11 thông báo, 2 tàu sân bay của nước này cùng với 150 máy bay tiêm kích đang tiến hành cuộc tập trận "hỗn hợp" ở biển Philippines, trong một động thái phô trương lực lượng ở vùng biển phía Nam của Trung Quốc này và nằm trong tầm tấn công của Triều Tiên. Trước đây, Hải quân Mỹ đã tiến hành đợt tập trận tương tự, trong đó có cuộc tập trận với sự tham gia của 3 tàu sân bay hồi năm ngoái giữa lúc căng thẳng gia tăng với Triều Tiên. Trong khi đó, đợt tập trận mới nhất này diễn ra trùng thời điểm Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có chuyến thăm khu vực, và giữa lúc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên cho thấy ít dấu hiệu tiến triển cùng với cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc.
Ngày 14/11, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố mở rộng danh sách của các công ty Cuba bị nước này hạn chế làm ăn với công dân Mỹ. Cụ thể, thêm 26 doanh nghiệp Cuba bị đưa vào danh sách sẽ có hiệu lực ngay vào ngày 15/11. Ngoài ra, danh sách này còn nêu 5 điều sửa đổi đối với các công ty đã nằm trong danh sách mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra cách đây 1 năm, do 3 trong số các công ty đó đã đổi tên. Như vậy, danh sách các thực thể và công ty của Cuba bị giới hạn làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ đã lên tới 205 đơn vị. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ còn tiếp tục cập nhật định kỳ danh sách này.
Ngày 14/11, Tổng thống đắc cử Brazil Jair Bolsonaro công bố quyết định đề cử nhà ngoại giao chuyên nghiệp Ernesto Fraga Araujo giữ chức Ngoại trưởng trong nội các mới của nước này trong nhiệm kỳ bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Ông Ernesto Araujo, 51 tuổi, hiện đứng đầu bộ phận phụ trách quan hệ với Mỹ và Canada của Bộ Ngoại giao Brazil. Tổng thống đắc cử Bolsonaro cho rằng với 29 năm kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, ông Araujo có đủ điều kiện để đảm nhiệm việc điều phối thúc đẩy thực thi các chính sách đối ngoại của chính phủ mới.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/11 ra thông cáo cho biết, Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo và Phó Thủ tướng Qatar Khalid Al-Attiyah đã có cuộc thảo luận về việc xây dựng một liên minh khu vực. Thông cáo cho biết thêm, hai bên đã thảo luận về đối thoại chiến lược song phương sắp tới cũng như việc mở rộng căn cứ không quân Al-Udeid, nơi đồn trú của nhiều máy bay chiến đấu và máy bay yểm trợ của Mỹ. Một thông cáo khác của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, ông Pompeo cùng ngày đã có cuộc điện đàm với Thái tử Bahrain Salman bin Hamad Al Khalifa, thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực.
Nhà Trắng tiếp tục có những điều chỉnh nhân sự mới khi ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cách chức Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mira Ricardel. Quyết định trên được đưa ra sau khi Đệ nhất phu nhân Melania Trump yêu cầu sa thải bà Ricardel với lý do quan chức này "không còn xứng đáng được phục vụ tại Nhà Trắng." Trong một thông cáo, người phát ngôn của Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay bà Ricardel sẽ tiếp tục hỗ trợ tổng thống với một vai trò mới trong chính quyền. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng không nêu rõ nhiệm vụ mới của bà Ricardel là gì.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin sáng 15/11 xảy ra vụ va chạm tàu cá Hàn Quốc và Nhật Bản ngoài khơi quần đảo tranh chấp giữa hai nước. Giới chức Hàn Quốc cho biết toàn bộ 13 thủy thủ trên tàu cá của nước này đã được cứu sống. Hiện chiến dịch cứu hộ vẫn đang được tiến hành để đề phòng có thêm tổn thất. Các thủy thủ trên tàu Nhật Bản đều an toàn trong vụ va chạm này. Nguyên nhân va chạm đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ. Tại Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng đã tới hiện trường vụ việc.
Ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định việc tăng cường hoạt động quân sự tại biên giới Mỹ-Mexico là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh các đơn vị tuần tra biên giới đang cần sự hỗ trợ về mọi mặt. Phát biểu trong chuyến thăm binh sỹ Mỹ được điều động đến biên giới, Bộ trưởng Mattis cho biết hiện có khoảng 5.900 binh sỹ đã được triển khai tại khu vực này và lực lượng này dự kiến có thể tăng lên khoảng 9.000 binh sỹ tại ngũ và quân dự bị. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, quân đội cần cung cấp những hỗ trợ thiết yếu cho các đơn vị tuần tra biên giới vốn đang thiếu nhân sự nhằm sẵn sàng ứng phó với một đoàn người di cư lớn đang đổ về đây với mong muốn có thể đặt chân vào nước Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 14/11 cho biết nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và đánh giá cao việc Iran cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) bảo vệ hiệp định đã được quốc tế công nhận này. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng tất cả các bên cần có một tầm nhìn chung và dài hạn nhằm góp phần bảo vệ và duy trì JCPOA. Trước đó, IAEA đã công bố một báo cáo mới nhất về vấn đề hạt nhân Iran, trong đó chỉ rõ Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong JCPOA. Bà Hoa Xuân Oánh cũng lưu ý rằng đây là lần thứ 13 IAEA xác nhận bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân Iran.
Ngày 14/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng các động thái mới nhất của Chính phủ Iraq đang hướng tới một sự gắn kết mang tính xây dựng với Kuwait, đánh dấu một bước tiến đến “sự bình thường hóa quan hệ đầy đủ” giữa hai nước sau nhiều thập kỷ. Đại diện Bộ Ngoại giao Iraq đã trả lại nhiều tài sản mà nước này chiếm hữu trong cuộc chiến tranh Vùng vịnh với Kuwait năm 1991 dưới thời chính quyền Saddam Hussein. Jan Kubis, đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về Iraq có mặt ở nước này từ ngày 11-13/11 vừa qua cũng nhấn mạnh những động thái gần đây của Iraq thể hiện một “dấu hiệu rõ ràng” về cam kết của Chính phủ Iraq trong việc giải quyết vấn đề còn tồn đọng với Kuwait.
Ngày 14/11, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã bị triệu tập lấy lời khai tại tòa án ở thành phố Curitiba, miền Nam Brazil, trong một vụ điều tra mới nhằm vào nhà lãnh đạo cánh tả này với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền. Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, ông Lula da Silva là chủ sở hữu thực tế một nhà nghỉ ở vùng nông thôn bang Sao Paulo có trị giá khoảng 330 triệu USD, được cho là một món quà hối lộ của tập đoàn xây dựng Odebrecht để đổi lại những ưu đãi chính trị và hợp đồng ký kết với tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Brazil đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc sở hữu ngôi nhà, đồng thời cho rằng ông là nạn nhân của những âm mưu dối trá như vụ án trước đó.
Tin Thể thao:
HLV Claudio Ranieri đã chính thức trở lại làm việc ở Premier League sau khi đồng ý dẫn dắt CLB Fulham. HLV Ranieri đã được ban lãnh đạo Fulham bổ nhiệm thay thế Slavisa Jokanovic. Ranieri là một HLV giàu kinh nghiệm, từng dẫn dắt nhiều CLB lớn Valencia, Atletico Madrid, Juventus, Roma, Inter Milan, Chelsea. Tuy nhiên, chiến tích đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của ông là cùng Leicester giành chức vô địch Premier League vào năm 2016.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Marca (Tây Ban Nha), huyền thoại Diego Maradona đã có những chia sẻ về hậu bối Lionel Messi. Maradona cho rằng Messi sớm muộn cũng trở lại với ĐTQG Argentina dù chưa tập trung cùng đội lần nào kể từ World Cup 2018. Về mối quan hệ giữa cả 2, Maradona cho biết ông với Messi “là bạn”. Huyền thoại Argentina cho biết muốn dành cho ngôi sao Barca một cái ôm khi nào gặp lại.
Mới đây, Eden Hazard cho biết vẫn chưa thể đưa ra quyết định nên ở lại Chelsea hay ra đi, khi mùa giải năm nay khép lại. Trước đó, tiền vệ người Bỉ đã tỏ tình với Real Madrid. Hiện tại, hợp đồng của ngôi sao sinh năm 1991 với Chelsea còn thời hạn tới năm 2020.
Theo xác nhận của HLV Gareth Southgate (ĐT Anh), Harry Kane sẽ được dành thời gian nghỉ ngơi ở trận đấu giao hữu với ĐT Mỹ vào ngày mai 16/11. Dù trận đấu này tôn vinh sự trở lại của Wayne Rooney sau 1 năm chia tay ĐTQG nhưng anh sẽ chỉ được trao băng đội trưởng “Tam Sư” ở hiệp 2 khi hiệp 1, thủ quân của đội bóng xứ sương mù sẽ là Fabian Delph. Rooney – chân sút ghi nhiều bàn nhất lịch sử ĐT Anh sẽ mặc áo số 10 ở trận này.
Theo cựu danh thủ Bồ Đào Nha Luis Figo, Luka Modric là người xứng đáng nhất đoạt danh hiệu Goal 50 năm nay. Đây là danh hiệu thường niên được Tổng biên tập tờ Goal và các phóng viên uy tín từ 42 ấn bản khắp nơi trên thế giới bầu chọn trong số 50 ứng viên là cầu thủ có màn trình diễn tốt trong màu áo CLB và ĐTQG trong 12 tháng. Modric đang chiếm ưu thế khi đã góp công lớn giúp Real Madrid năm thứ 3 liên tiếp vô địch Champions League và cùng ĐT Croatia lần đầu tiên vào đến chung kết World Cup.
Truyền thông Anh đưa tin CLB Chelsea đang đứng trước nguy cơ bị cấm chuyển nhượng trong 2 mùa giải liên tiếp vì vi phạm quy định của FIFA liên quan tới trường hợp Bertrand Traore. Theo luật, các CLB không được phép ký hợp đồng với cầu thủ dưới 18 tuổi tới từ nước khác ngoại trừ 3 trường hợp. Tuy nhiên, Chelsea bị cáo buộc đã chiêu mộ Bertrand Traore vào năm 2014 khi anh vẫn chưa tròn 18 tuổi với mức phí là 400.000 bảng.
Tờ Telegraph cho hay, Chelsea sẵn sàng cho mượn Gary Cahill vào kỳ chuyển nhượng tháng Giêng năm 2019 khi hợp đồng hiện tại của trung vệ này sẽ hết hạn vào cuối mùa giải này. Hiện West Ham, Southampton và Fulham đều rất quan tâm đến cầu thủ đã 32 tuổi người Anh của Chelsea.
Vào ngày 1/12 tới, Deontay Wilder và Tyson Fury sẽ thượng đài để tranh đai vô địch thế giới WBC. Người thắng trong trận đấu này sẽ có cơ hội để đấu với "vua boxing" Anthony Joshua, người đang nắm giữ 3 đai vô địch danh giá WBO, WBA và IBF. Đây là điều đã được xác nhận bởi chủ tịch WBC Mauricio Sulaiman.
Thái Lan sẽ có trận gặp Philippines vào ngày 21/11 tới và họ dự định đến trong ngày 19/11 để chuẩn bị, nhưng một diễn biến mới đây đã khiến kế hoạch đó sẽ phải hủy bỏ. Phía Philippines bất ngờ ra quyết định hủy bỏ các chuyến bay nội địa vào ngày 19/11 tới, tức khi Thái Lan đến Manila thì họ sẽ bị kẹt lại trong ngày và phải chờ sang 20/11 (thậm chí có thể phải tới tối mới đến nơi) để tới Bacolod, nơi tổ chức trận đấu.
Anh và EU đạt dự thảo thỏa thuận Brexit: Đâu là thách thức tiếp theo?
Việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thoả thuận Brexit là bước đi quan trọng, nhưng thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn.
Quá trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã có những tiến triển tích cực sau khi hai bên nhất trí được một văn kiện về vấn đề biên giới giữa Anh và Ireland hậu Brexit. Đây vốn là nội dung “gai góc” nhất trong cuộc đàm phán Brexit. Điều đáng quan tâm hiện nay là dự thảo vừa vượt qua được “cửa ải” ở Chính phủ có được thông qua tại Quốc hội Anh hay không? Đâu là những vấn đề còn tồn tại trong chặng đường đàm phán sắp tới?
Những nội dung đáng chú ý của dự thảo
Sau 20 tháng đàm phán vô cùng căng thẳng và mệt mỏi, tiến trình Brexit đang có được một đột phá quan trọng khi EU và Anh thống nhất được bản dự thảo thoả thuận Brexit và ngay sau đó, trong chiều tối 14/11 (theo giờ địa phương), Chính phủ Anh đã bỏ phiếu thông qua bản dự thảo thoả thuận này. Đây là một thoả thuận rất đồ sộ, dày hơn 500 trang, bao gồm 185 điều khoản, 3 Nghị định thư và rất nhiều phụ lục.
Trọng tâm của dự thảo thoả thuận này liên quan đến những vấn đề sau. Về hoá đơn chia tay: Vương quốc Anh dự kiến phải trả cho EU 45 tỷ euro. Hàng triệu công dân Anh và công dân EU đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của nhau sẽ tiếp tục được giữ nguyên quyền lợi như hiện tại, tiếp tục được hưởng trợ cấp và đoàn tụ gia đình. Toà tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân EU sinh sống tại Anh. Tiếp đến, Vương quốc Anh sẽ quá độ 21 tháng trong EU, từ ngày 1/4/2019 đến 31/12/2020. Thời hạn quá độ này có thể được gia hạn thêm, nhưng chỉ được một lần.
Về tổng thể, đây đều là các vấn đề đã được hai bên đồng ý từ nhiều tháng trước.
Điểm mới nhất, và cũng là quan trọng nhất, là vấn đề biên giới Bắc Ireland. Theo đó, để đảm bảo không tái lập lại biên giới cứng giữa vùng đất Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với nước CH Ireland thuộc EU thì hai bên đã đưa ra giải pháp là duy trì cả Vương quốc Anh, chứ không chỉ riêng Bắc Ireland, trong liên minh thuế quan châu Âu trong một thời gian quá độ. Thời gian quá độ cụ thể chưa được nêu ra nhưng trên lý thuyết là sẽ kéo dài cho đến khi nào Anh và EU hoàn tất được một thoả thuận về quan hệ kinh tế tương lai giữa hai bên thời hậu Brexit. Tuy nhiên, trong thời gian quá độ này Bắc Ireland ngoài việc phải tuân thủ các quy định của khối thị trường đơn nhất châu Âu thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn về các quy định của EU so với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Hai bên cùng phải xuống thang
Để đạt được dự thảo thoả thuận này, trong đó trọng tâm là việc toàn bộ Vương quốc Anh tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu, Chính phủ Anh đã phải đưa ra nhân nhượng lớn. Chính phủ Anh sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu trong các lĩnh vực xã hội, thuế, môi trường và trợ cấp Nhà nước. Ngoài ra, Toà tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền xét xử các vụ việc có liên quan đến quyền lợi của công dân châu Âu sinh sống tại Anh. Đổi lại những điều này, sau năm 2020, Vương quốc Anh vẫn sẽ nằm trong liên minh thuế quan châu Âu, tức hàng hoá từ Anh sang châu Âu và ngược lại sẽ không phải chịu hàng rào thuế quan, cho đến khi nào Anh và EU ký được một Hiệp định tự do thương mại mới hoặc vấn đề biên giới Bắc Ireland được giải quyết dứt điểm.
Về phía châu Âu, nhân nhượng lớn nhất chính là việc giữ toàn bộ cả Vương quốc Anh ở lại trong liên minh thuế quan. Ngay từ đầu, khi chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán Brexit cách đây 20 tháng thì quan điểm của 27 nước EU là nếu vẫn giữ Anh ở lại trong liên minh thuế quan thì về thực chất Brexit không có ý nghĩa gì bởi Vương quốc Anh vẫn được hưởng lợi từ thị trường chung châu Âu mà lại không phải tuân thủ các quy định trụ cột của liên minh về tự do di chuyển con người, hàng hoá và dịch vụ nội khối. Phía EU đã giữ quan điểm cứng rắn này trong một thời gian dài nhưng rồi buộc phải đưa ra nhượng bộ vì hai lí do.
Thứ nhất, nếu EU vẫn kiên quyết chỉ đồng ý cho Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan nhằm duy trì sự thông thương với CH Ireland thì vấn đề biên giới Bắc Ireland sẽ bế tắc hoàn toàn bởi chắc chắn Vương quốc Anh không chấp nhận.
Thứ hai, là lo ngại nếu như EU dồn ép Vương quốc Anh quá mức thì Vương quốc Anh có thể biến thành một “thiên đường thuế” ở ngay cửa ngõ châu Âu cũng như thực thi nhiều chính sách phá giá về thương mại. Vì tất cả những lí do đó, hai bên đều buộc phải có những nhân nhượng lẫn nhau.
Về mặt chính trị, chính phủ của bà Theresa May sẽ gánh chịu nhiều rủi ro và thách thức hơn khi đưa ra các nhân nhượng này vì hiện tại phe theo đường lối Brexit cứng rắn tại Anh đang phản đối bà May rất quyết liệt, ngay trong chính nội bộ đảng Bảo thủ. Phe này cho rằng các nhân nhượng này là phản bội các cử tri Anh đã lựa chọn Brexit vào tháng 6/2016 và việc nước Anh trên thực tế vẫn ở lại trong EU mà lại không có quyền bỏ phiếu là điều không thể chấp nhận nổi.
Thách thức phía trước
Việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thoả thuận Brexit là bước đi quan trọng, nhưng thách thức trước mắt vẫn còn rất lớn. Về phía EU, lãnh đạo 27 nước châu Âu sẽ phải họp để thông qua dự thảo thoả thuận này, có thể là trong một Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của khối mà nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào cuối tháng này tại Brussels. Tiếp đến, Nghị viện 27 nước thành viên cần phải phê chuẩn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là từ phía Anh, cụ thể là việc bà Theresa May phải làm sao để thuyết phục được Nghị viện Anh ủng hộ thoả thuận này.
Đây là bài toán chính trị hết sức phức tạp. Đầu tiên là bà May phải thuyết phục được đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) ủng hộ. Đảng này tuy chỉ có 10 thành viên trong Nghị viện Anh nhưng lại là nhân tố không thể thiếu để tạo nên đa số cho chính phủ của bà May tại Nghị viện Anh. Nhưng rủi ro lớn nhất với bà May là sự liên kết phản đối giữa Công đảng đối lập với đảng Dân tộc Scotland cũng như các thành viên bất mãn trong chính nội bộ đảng Bảo thủ.
Nhóm nổi loạn trong nội bộ đảng Bảo thủ, mà dẫn đầu là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson muốn lật đổ bà May để lên thay thế. Công đảng của chính trị gia Jeremy Corbyn thì muốn lật đổ chính phủ bà May và tổ chức bầu cử tổng tuyển cử trước thời hạn, qua đó giành lại quyền lực, hoặc thậm chí là tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Trong khi đó thì đảng Dân tộc Scotland cũng muốn nhân các bất đồng về Brexit để làm sống lại tham vọng tổ chức trưng cầu ý dân lần nữa để tách Scotland ra khỏi Vương quốc Anh.
Vì thế, từ giờ đến cuối năm 2018 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với bà May mà nếu không vững vàng thì không chỉ dự thảo thoả thuận Brexit vừa đạt được bị đổ bể mà ngay chính phủ của bà May cũng có thể bị tan vỡ.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 15/11/2018 là 1 AUD = 0.722 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 15/11/2018 là 1 AUD = 16,955 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, ít mây, trời nắng. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, nhiều mây, trời nắng nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 30 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 10 đến 23 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, chiều tối có thể có bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 29 độ.
Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 17 đến 22 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 21 độ.
Hoàng Yến - Kim Phụng