Chương trình Thời sự thứ Năm, 13/06/2019

Cẩm Nhung | 13/06/2019 | 1299 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Gần 200,000 nữ sinh hẹn hò với “cha nuôi” để có tiền trang trải cuộc sống

- Chuyên mục thuế: Sở Thuế vụ sẽ giám sát các tài khoản mạng xã hội để phát hiện việc gian lận thuế

- Reservoir: Truy nã người đàn ông có liên quan đến hai vụ nổ súng nhắm vào một căn nhà

- Victoria: Các sự kiện kinh doanh đóng góp lớn cho nền kinh tế của tiểu bang

- Brimbank: Hội đồng địa phương được kêu gọi nên hành động để chống biến đổi khí hậu

- Tin Úc: Thủ tướng Úc kêu gọi những người trẻ tuổi nên tìm sự trợ giúp nếu gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

- Victoria: Công bố thiết kế mới của các nhà ga Moreland Station và Coburg Station

- Tây Sydney dẫn đầu xu hướng cung cấp nhà ở xã hội cho người nghèo

- Tin vắn

Tin thế giới:

Thành phố Auckland, New Zealand đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì biến đổi khí hậu. Hội đồng thành phố Auckland vừa bỏ phiếu đồng thuận trong quyết định này, sau khi xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp New Zealand, yêu cầu nhà chức trách có biện pháp hành động tích cực hơn để chống biến đổi khí hậu. Với tuyên bố này, Auckland được cho là sẽ đi đầu trong cuộc chiến vì môi trường tại New Zealand.

Ngày 11/6, người đại diện cho những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn tại chung cư Grenfell ở London, Anh đã đệ đơn kiện các công ty Mỹ lên tòa án ở Philadelphia. Nhiều người chưa quên vụ hỏa hoạn tại chung cư Grenfell vào 2 năm trước, làm 72 người thiệt mạng. Đơn kiện cho rằng, các bộ phận bằng nhựa dễ cháy trong tủ lạnh của nhà sản xuất Mỹ đã gây cháy. Lửa lan rộng là vì các vật liệu dễ cháy trong lớp cách nhiệt do công ty Mỹ thiết kế. Hai trong số các công ty bị kiện đã bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân của vụ hỏa hoạn, đồng thời cho biết họ đang phối hợp với cơ quan điều tra Anh để tìm ra nguyên nhân thảm họa này.

Theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc, hơn 1/5 số người sống trong các khu vực xung đột bị mắc bệnh tâm thần. Tổ chức Y tế Thế giới đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đầu tư, duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các khu vực này. Khoảng 22% những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột có triệu chứng bị trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Kết quả này dựa trên phân tích của 129 nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y khoa The Lancet của Anh. Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 9% dân số bị ảnh hưởng bởi xung đột có tình trạng sức khỏe tâm thần từ trung bình đến nặng. Theo nghiên cứu, sự trầm cảm và lo lắng dường như tăng theo tuổi tác trong môi trường xung đột. So với nam giới, tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới thường cao hơn.

UNICEF đã kêu gọi Ấn Độ giải quyết vấn nạn gây nhức nhối khi có tới 1/4 trẻ em từ 5 - 9 tuổi ở nước này phải tham gia lực lượng lao động. Lời kêu gọi trên được đưa ra nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6. Theo báo cáo về tình trạng lao động trẻ em tại Ấn Độ của UNICEF, có gần 4,4 triệu lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 14 ở quốc gia này. Riêng tỷ lệ lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 9 đã tăng lên gần 25% với các công việc nặng nhọc như: thu nhặt phế liệu, bán hàng rong trên đường phố, làm nông. Với chủ đề năm nay "Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ", LHQ kêu gọi các nước cùng hành động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nhằm chấm dứt lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025.

Dịch châu chấu nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua đang hoành hành tại Vương quốc Sardinia, một đảo tự trị của Italy nằm trên Địa Trung Hải. Hàng triệu con châu chấu đã tàn phá ít nhất 2.000ha mùa màng trên hòn đảo có diện tích hơn 24.000km2 này. Nhiều nơi bị phủ kín bởi loài côn trùng ăn lá và hiện vẫn chưa có giải pháp nào để đẩy lùi cuộc tấn công này. Được biết, sự sinh sôi của châu chấu có liên quan đến nhiệt độ tăng sau tháng 5 tương đối lạnh ở đây.

Israel không chấp nhận việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra tuyên bố trên trong ngày 12/6. Theo ông Netanyahu, báo cáo mới đây của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cho thấy Iran đang tăng tốc chương trình hạt nhân và ông cho rằng điều này đe dọa Israel và thế giới. Những tuần gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn leo thang. Mỹ siết chặt cấm vận đối với Iran, điều quân đến Trung Đông để đối phó với những mối đe dọa mà nước này cho rằng có thể đến từ Iran.

Iran sẽ đàm phán với Mỹ nếu Washington gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang nhằm vào Tehran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm nước này với mong muốn thúc đẩy đàm phán giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Hiện Washington để ngỏ cánh cửa đàm phán với Tehran. Tổng thống Rouhni đã hoan nghênh nỗ lực của Nhật Bản trong việc giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ và khẳng định “Iran tuyệt đối không theo đuổi chiến tranh và không muốn chiến tranh với Mỹ.” Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu nước này bị tấn công.

Ngày 12/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cơ quan này sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra nhân thời điểm tròn một năm ngày diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore. Trước đó, ngày 12/6, Tổng thống Donald Trump thông báo đã nhận được một bức thư mà ông gọi là "rất nồng ấm" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Mặc dù không tiết lộ nội dung bức thư, song Tổng thống Trump nói rằng ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có một "mối quan hệ rất tốt," đồng thời bày tỏ lạc quan về những điều tích cực sắp tới.

Ngày 12/6, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã có cuộc họp kín với các ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, giữa lúc các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa có triển vọng được nối lại. Hãng tin Yonhap dẫn các nguồn thạo tin cho biết, ông Biegun đã gặp đại diện thường trực của 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an tại phái bộ Mỹ ở Liên hợp quốc và thảo luận về những diễn biến gần đây trong quan hệ với Triều Tiên. Tham dự cuộc họp còn có Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Cho Tae-yul và Đại sứ Nhật Bản Koro Bessho. Theo một nguồn tin liên quan, tại cuộc họp, ông Biegun đánh giá bức thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một "tín hiệu tích cực."

Ngày 12/6, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo nước này đã chính thức triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia tới khu vực biên giới phía Nam, giáp với Guatemala, để ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, những người tìm cách vượt qua lãnh thổ Mexico trên hành trình tới Mỹ. Mexico đang nỗ lực thực hiện cam kết trong thỏa thuận di cư với Mỹ vừa đạt được vào ngày 7/6 vừa qua, nhằm tránh việc Washington áp thuế nhập khẩu với hàng hóa nước này. Bên cạnh việc triển khai lực lực Vệ binh quốc gia tới 11 thị trấn giáp biên giới với Guatemala, Mexico cũng sẽ đưa ra một chương trình tạo việc làm và bảo vệ nhân quyền đối với những người di cư trong quá trình đợi xét duyệt đơn xin tị nạn tại Mỹ.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Nhà Trắng vào ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ điều thêm 1.000 binh sỹ tới Ba Lan. Ông Trump nhấn mạnh Ba Lan cũng sẽ bố trí một "căn cứ tầm cỡ thế giới" cho các binh sỹ Mỹ và lưu ý rằng "điều này sẽ là một tuyên bố." Dự kiến, số binh sỹ Mỹ sẽ được điều động từ Đức sang Ba Lan trong thời gian tới. Trước đó, Tổng thống Trump cho biết ông và người đồng cấp Duda đã thảo luận về con số 2.000 binh sỹ Mỹ triển khai thêm tới Ba Lan. Cũng theo ông Trump, Ba Lan đang lên kế hoạch đặt mua hơn 30 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

"Vùng chết" ở vịnh Mexico đang ở mức rộng lớn nhất từ trước tới nay do lượng mưa kỷ lục ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại Dương Quốc gia Mỹ, diện tích "vùng chết" này đã mở rộng ra hơn 2 triệu ha. "Vùng chết" là một khu vực với lượng oxy thấp hoặc không chứa oxy, có thể giết chết cá và động vật biển có vú nếu chúng lọt vào vùng này. Trong khi các loài này thường tránh bơi vào vùng chết, động vật có vỏ và những con giáp xác di chuyển chậm rất dễ bị ngạt thở.

Tin thể thao:

Xác nhận Griezmann gia nhập Barcelona: Tương lai của Antoine Griezmann cuối cùng đã được làm sáng tỏ, sau khi CEO của Atletico Madrid, Gil Marin khẳng định rằng cầu thủ người Pháp sẽ chuyển sang CLB Barcelona. Tuyên bố này của ông Gil Marin đã chấm dứt mọi tin đồn xung quanh tương lai của Griezmann, sau khi cầu thủ người Pháp đã công khai nói lời chia tay với Atletico Madrid vào tháng trước. Griezmann có điều khoản giải phóng hợp đồng trị giá 200 triệu euro, tuy nhiên điều khoản này sẽ có giá trị chỉ còn 120 triệu euro từ ngày 1/7 năm nay. Đội bóng chủ sân Camp Nou dự kiến sẽ kích hoạt điều khoản giải phóng hợp đồng của Griezmann vào tháng Bảy tới.

Real Madrid chính thức chiêu mộ Ferland Mendy: Real Madrid đã chính thức chiêu mộ thành công hậu vệ trái người Pháp Ferland Mendy từ Lyon với giá 55 triệu euro và cầu thủ 24 tuổi này đã kí hợp đồng có thời hạn 6 năm với đội bóng Hoàng Gia. Mendy dự kiến ra mắt Real vào ngày 19/6 tới. Trong một diễn biến khác, Real nhận tin xấu trong vụ Gareth Bale khi MU cho biết không định chiêu mộ ngôi sao xứ Wales do anh đã già (29 tuổi) so với tiêu chí mua sắm của MU Hè này.

Chelsea chắc chắn bị cấm chuyển nhượng ở mùa Hè này: Tòa án trọng tài và thể thao (CAS) đã công bố 18 trường hợp kháng cáo sẽ được họ xem xét từ nay đến 14/8 nhưng không có trường hợp của Chelsea trong khoảng thời gian ấy. Điều đó có nghĩa án cấm chuyển nhượng mà FIFA áp đặt với Chelsea có hiệu lực tức thì và đơn kháng án của đội bóng này chỉ được xem xét vào tháng 1/2020. Như thế, Chelsea sẽ không thể chuyển nhượng cầu thủ Hè này cũng như vào tháng 1/2020. Đội bóng Anh hi vọng CAS hoãn thi hành án phạt của FIFA đồng thời giảm lệnh cấm chuyển nhượng từ 2 kỳ xuống 1 kỳ đối với họ.

MU ấn định giá bán Eric Bailly: Theo báo Anh, MU sẽ bán trung vệ người Bờ Biển Ngà nếu có đội nào trả giá 30 triệu bảng, nghĩa là họ muốn hoàn vốn vụ này sau khi đã bỏ ra 30 triệu bảng mua Bailly từ Villarreal. Từ khi cập bến Old Trafford, Bailly chơi không ổn định và khá nhạy cảm với chấn thương. Dù MU đang cần trung vệ nhưng Ole Gunnar Solskjaer có vẻ không muốn giữ anh lại.

Juventus sẵn sàng “hi sinh” 5 cầu thủ vì Paul Pogba: Theo truyền thông Italy, Juventus sẵn sàng bán tới 5 cầu thủ để chiêu mộ Paul Pogba. 5 cái tên được cho là có thể bị Juve đẩy đi là Joao Cancelo, Douglas Costa, Juan Cuadrado, Mario Mandzukic và thủ thành Mattia Perin. Pogba không thiết tha ở lại MU do vỡ mộng vì thực tế đen tối ở Old Trafford. Trước khi gia nhập Quỷ Đỏ, anh từng chơi 4 mùa bóng rất thành công cho chính Juventus.

Copa America 2019: Số lượng vé bán ra ít hơn mong đợi: Hai ngày trước khi Copa America 2019 chính thức khởi tranh, Ban tổ chức giải đấu cho biết đã bán được khoảng 65% tổng số lượng vé xem trực tiếp các trận tranh tài trên các sân cỏ ở năm thành phố của Brazil. Theo Chủ tịch Ủy ban tổ chức Alberto Guimaraes, con số trên ít hơn so với dự kiến khoảng 5%, song đó cũng là điều dễ hiểu bởi ngoài các trận đấu kinh điển, cân tài cân sức nhận được sự chú ý của người hâm mộ thì cũng có những trận đấu không thực sự thu hút được sự quan tâm của tất cả, trừ các cổ động viên của những đội tham gia trận đấu đó.

HLV Pep Guardiola cân nhắc chia tay Man City. Trong một phát biểu mới nhất, HLV Pep Guardiola đã cân nhắc việc chia tay Man City để nghỉ ngơi nếu như giúp đội bóng này vô địch Champions League ở mùa giải tới. Mùa giải vừa qua, Guardiola đã giúp Manchester City giành "cú ăn 3" danh hiệu quốc nội là Premier League, League Cup và FA Cup.

Roma rút lui khỏi ICC Cup 2019. Thông qua trang Twitter chính thức, AS Roma xác nhận sẽ rút lui khỏi giải giao hữu International Champions Cup 2019. Lý do là "bầy sói" phải tham dự vòng loại Europa League bắt đầu vào giữa tháng 7.

MU ra mắt tân binh đầu tiên: Sau khi chính thức trở thành tân HLV trưởng đội chủ sân Old Trafford, HLV Ole Solskjaer đã có được tân binh đầu tiên. Trên trang chủ MU xác nhận, chân sút Daniel James đã là tân binh của đội chủ sân Old Trafford với bản hợp đồng 5 năm kèm theo điều khoản tùy chọn gia hạn thêm 1 năm. Ở mùa giải 2018/19 vừa qua, chàng trai 21 tuổi đã đóng góp 5 bàn và 7 kiến tạo cho Swansea. Sở hữu lối chơi đa dạng khi có thể cả hai cánh lẫn vị trí trung phong, HLV Solskjaer có thể xem Daniel James là sự bổ sung thích hợp cho Rashford, Sanchez hay Martial trên hàng công. Theo nguồn tin từ Daily Mail tiết lộ, để có được ngôi sao chạy cánh này, "Quỷ đỏ" đã phải chi ra 17 triệu bảng.

UEFA sẽ điều tra PSG. Theo tiết lộ của L’Equipe, LĐBĐ châu Âu đang dự tính mở một cuộc điều tra nhắm vào cách thức chuyển nhượng của PSG. Đội bóng nước Pháp trên lý thuyết đã chiêu mộ hai bom tấn Neymar và Kylian Mbappe mà chẳng tốn bất cứ mức phí nào. Điều này đã giúp PSG qua mặt UEFA và đạo luật Công bằng tài chính.

'Di sản' nặng gánh của Thủ tướng Anh Theresa May

Ngày 7/6, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng nghĩa với việc rời bỏ cương vị người đứng đầu chính phủ.

Bà May đã không ngăn nổi những giọt nước mắt khi đưa ra quyết định khó khăn này trong bài phát biểu ngày 24/5. Đó có lẽ không chỉ là những giọt nước mắt tiếc nuối khi phải từ bỏ chức vụ thủ tướng mà bà xem là “vinh dự,” mà còn là sự xót xa và bất lực khi phải bỏ dở sứ mệnh chính trị lớn lao bà đã cam kết dành trọn cho nhiệm kỳ của mình tại phố Downing: đó là đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), đúng như ý nguyện được đa số cử tri Anh thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.

Bà May là nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh trong thế kỷ 21, và mới chỉ là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử chính trường Xứ sở Sương mù, sau “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, người được tôn vinh như một thủ tướng vĩ đại của nước Anh trong giai đoạn đầy biến động cuối Chiến tranh Lạnh và đã đặt nền móng cho sự chuyển mình ngoạn mục của kinh tế Anh từ nền công nghiệp sản xuất già nua thành thị trường tài chính và dịch vụ năng động hàng đầu thế giới.

Tương tự như vậy, có lẽ bản thân Thủ tướng Theresa May và những người ủng hộ bà đều từng rất kỳ vọng rằng bà sẽ được nhớ đến như nhà lãnh đạo cứng rắn và đầy quyết tâm đã đưa nước Anh vượt qua một giai đoạn lịch sử khó khăn không kém - chia tay ngôi nhà chung EU sau gần nửa thế kỷ gắn bó và tự tìm lối đi riêng cho tham vọng lấy lại vị thế và ảnh hưởng của một “nước Anh toàn cầu.”

Tuy nhiên, cho dù có thể sau một thời gian nữa, các nhà sử học sẽ nhìn lại nhiệm kỳ của bà May và dành cho bà những đánh giá khách quan nhẹ nhàng hơn, thì hiện trong con mắt phán xét nghiệt ngã của dư luận hầu hết các giới tại Anh, bà May chỉ là một “thảm họa chính trị,” với di sản là một nước Anh chia rẽ và bế tắc hơn bao giờ hết vì Brexit, trong khi hầu như không có dấu ấn nào về đối nội.

Không chỉ được biết đến như là một trong những thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử nước Anh, bà May còn gắn liền với những “kỷ lục” không hề đáng tự hào là có đến 36 quan chức chính phủ từ chức dưới thời bà lãnh đạo để phản đối thỏa thuận Brexit mà bà đã mất đến 2 năm rưỡi đàm phán với EU - thỏa thuận đã thất bại đến 3 lần trong các nỗ lực thông qua tại hạ viện, với tỷ lệ phản đối cũng ở mức kỷ lục.

Bà May “tiếp quản” từ người tiền nhiệm David Cameron di sản “bung bét” là một nước Anh đang cần đến sự thống nhất, hàn gắn và đoàn kết hơn bao giờ hết sau cuộc trưng cầu dân ý “thảm họa” năm 2016, nhưng thực tế là cách tiếp cận và tính cách có phần “cứng nhắc” của bà lại càng khiến sự chia rẽ và mâu thuẫn giữa các bên thêm nghiêm trọng.

Với một tiến trình phức tạp như Brexit, với những chia rẽ và mâu thuẫn gay gắt giữa các nhóm “Ở lại” hay “Ra đi,” giữa đảng Bảo thủ và đối lập, giữa các nhóm dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, bà May chỉ chịu đưa ra những nhượng bộ quá muộn màng, khi mà căng thẳng giữa các bên đã bị đẩy lên quá cao, lập trường của các bên đều trở nên cứng rắn đến nỗi mọi sự nhượng bộ sau đó đều có thể bị xem là mềm yếu và thua điểm.

Ngay sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, lẽ ra nhiều nghị sỹ theo đường lối Brexit trong đảng Bảo thủ có thể đã chấp nhận một thỏa thuận trong đó nước Anh rời thị trường chung và chấm dứt đi lại tự do với châu Âu, chỉ còn ràng buộc duy nhất là liên minh hải quan tạm thời. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì hầu hết các nghị sỹ này đều coi giải pháp đó là sự phản bội không thể nào chấp nhận được đối với cử tri.

Ngược lại, các nghị sỹ Bảo thủ theo phe “Ở lại” có lẽ cũng từng chấp nhận triển vọng về một liên minh hải quan, với điều kiện phải đi kèm với một cuộc bỏ phiếu tại hạ viện về việc có tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hay không. Nhưng đến khi bà May chấp nhận những điều kiện trên thì tất cả đã quá muộn, và sự nhượng bộ của bà bị tất cả các bên bác bỏ trước khi kịp có cả cuộc bỏ phiếu thông qua lần bốn.

Các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập cũng như các cuộc bỏ phiếu thăm dò giải pháp khác cho Brexit đều không đi đến đâu, mà nguyên nhân chủ yếu cũng là vì chỉ được thực hiện khi đã quá muộn, khi “giọt nước đã tràn ly” và không bên nào còn có thể chấp nhận giải pháp nhượng bộ lẽ ra đã khả thi nếu được đề nghị sớm hơn.

Có một điều chắc chắn là sự ra đi của bà May và sự xuất hiện một nhà lãnh đạo mới cũng sẽ không thể giải quyết được những vấn đề gai góc của nước Anh hiện tại xoay quanh Brexit. Dù là vì nguyên nhân khách quan hay những sai lầm chủ quan, thì “di sản” mà bà May để lại cho người kế nhiệm vẫn là một nước Anh thậm chí còn chia rẽ hơn cả khi bà nhậm chức. Tiến trình đưa nước Anh rời khỏi EU vẫn mông lung và khó dự báo hơn bao giờ hết. Mọi khả năng và kịch bản - từ một cuộc chia tay trong đổ vỡ vì không thỏa thuận, cho đến trì hoãn vô thời hạn hoặc thậm chí đảo ngược tiến trình Brexit – vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Báo chí Anh so sánh quan hệ với châu Âu là “giàn thiêu” hủy hoại sự nghiệp chính trị của 4 đời thủ tướng Bảo thủ liên tiếp gần đây nhất, từ bà Margaret Thatcher đến ông John Major, ông David Cameron và bây giờ là bà Theresa May. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu danh sách này tiếp tục được nối dài vì những nguyên nhân liên quan đến Brexit khiến bà May thất bại vẫn còn nguyên đó chờ đợi người kế nhiệm bà.

Tuy nhiên, dường như viễn cảnh đáng sợ đó không hề làm giảm đi sức nóng của cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực bỏ trống. Mặc dù phải đến ngày 10/6, cuộc chạy đua mới chính thức diễn ra, nhưng trong thực tế thì nó đã bắt đầu từ rất lâu trước khi bà May đưa ra tuyên bố từ chức. Chính trường Anh trong những tháng tới sẽ hoàn toàn xoay quanh cuộc đua trở thành chủ nhân mới của nhà số 10 phố Downing. Đây được xem là một cuộc đua kịch tính nhất trong đảng Bảo thủ từ trước đến nay với ít nhất 13 ứng cử viên đã công khai tuyên bố tham gia.

Trong tuần tính từ ngày 10/6, đảng Bảo thủ sẽ hoàn thành việc chốt danh sách các ứng cử viên chính thức. 313 nghị sỹ Bảo thủ tại hạ viện sẽ tiến hành một loạt các vòng bỏ phiếu cho đến cuối tháng 6 để lựa chọn ra danh sách rút gọn gồm 2 gương mặt. Sau đó, toàn thể khoảng 124.000 đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc sẽ tham gia bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới. Kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được thông báo trước khi Quốc hội Anh nghỉ hè vào cuối tháng 7. Trong thời gian từ nay đến lúc đó, bà May vẫn tiếp tục lãnh đạo chính phủ trên cương vị Thủ tướng tạm quyền.

Gương mặt sáng giá nhất tại thời điểm này là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người được đánh giá là có nhiều lợi thế để trở thành Thủ tướng mới của nước Anh nếu lọt vào được danh sách rút gọn 2 ứng cử viên cuối cùng. Cựu Ngoại trưởng Anh có được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc cũng như nhóm nghị sỹ ủng hộ Brexit cứng tại hạ viện, và cũng đang tiếp tục “ghi điểm” trong mắt của nhóm nghị sỹ “Ở lại” có quan điểm tự do.

Chẳng có gì bảo đảm ông Johnson sẽ thuyết phục được EU đàm phán lại để nước Anh có một thỏa thuận Brexit tốt hơn, nhất là liên quan đến “kế hoạch dự phòng” nhằm tránh thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland. Nhiều nghị sỹ Bảo thủ lo ngại nếu ông Johnson không tìm kiếm được những điều khoản thay thế khả quan hơn, kế hoạch của ông nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10/2019 mà không cần thỏa thuận sẽ bị quốc hội phủ quyết, đồng nghĩa với việc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tổ chức bầu cử sớm hoặc trưng cầu Brexit lần hai.

Mặc dù vậy, nhiều nghị sỹ Bảo thủ đã phải miễn cưỡng thừa nhận rằng một nhân vật có quan điểm Brexit đến cùng như ông Boris Johnson là cần thiết để đưa đảng Bảo thủ khỏi cái hố họ đã tự đào dưới chân mình. Ông Boris Johnson có thể là một “canh bạc mạo hiểm,” nhưng nhiều khả năng sẽ thể hiện được sự linh hoạt và “quyền biến” để đưa nước Anh khỏi tình trạng bế tắc hiện tại.

Tuy nhiên, lịch sử hai trăm năm của đảng Bảo thủ - đảng chính trị lâu đời nhất nước Anh - luôn đầy rẫy những bất ngờ. Tất cả những cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng này từ trước đến nay luôn chứng minh một thực tế là “kẻ nào vung gươm thì hiếm khi được đội vương miện” - đồng nghĩa với việc những ứng cử viên sáng giá nhất lại thường phải nhường chỗ cho một nhân vật ít tên tuổi hơn.

Ông Boris Johnson từng là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua năm 2016, để rồi bị chính người phụ trách chiến dịch tranh cử của mình khi ấy là Michael Gove “phản bội.” Hiện tại ông Michael Gove cũng là đối thủ đáng gờm nhất đối với cựu Ngoại trưởng Boris Johnson nhờ những thành tích chính trị nổi bật trên các chức vụ khác nhau, từ Bộ trưởng Giáo dục đến Bộ trưởng Môi trường.

Dù lãnh đạo mới của nước Anh là ai thì cũng vẫn sẽ phải vật lộn với những vấn đề đã hủy hoại bà May: một đất nước cùng một đảng cầm quyền chia rẽ vì Brexit; một hệ thống chính trị tê liệt vì căng thẳng giữa các đảng phái và mâu thuẫn giữa dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp; mối quan hệ căng thẳng với một EU đang nắm nhiều lá bài có lợi... Rất có thể bà May sẽ không phải là nhà lãnh đạo cuối cùng của nước Anh phải “khóc” vì Brexit.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 13/06/2019 là 1 AUD = 0.693 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 13/06/2019 là 1 AUD = 16,172 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, mây thay đổi, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, mây thay đổi, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 33 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 16 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 26 độ.

Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10 đến 20 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 16 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này