Chương trình Thời sự thứ Năm, 12/09/2019

Cẩm Nhung | 12/09/2019 | 665 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Wyndham: Cảnh sát sẽ được trang bị camera trên người từ tuần này

- Malvern East: Điều tra vụ một đứa trẻ bị người lạ tiếp cận

- Tin Úc: Người Úc ngày càng lo ngại về hạn hán, tuyệt chủng do biến đổi khí hậu

- Victoria: Tăng cường hỗ trợ để ngăn chặn các vụ tự tử ở tiểu bang

- Melbourne: Chiêm ngưỡng màn trình diễn sứa đặc sắc tại buổi triển lãm Ocean Invaders

- Di trú: Số người được cấp thị thực thường trú ở Úc giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ

- Melbourne: Cửa hàng đồ chơi Lego hoàn toàn mới sẽ khai trương vào cuối năm nay

- HĐTP Brimbank tiến hành nghiên cứu đặc điểm nhà ở trong các khu dân cư

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã bày tỏ lo ngại về việc các công dân mang hai quốc tịch Anh, Australia bị bắt giữ tại Iran và các điều kiện giam giữ họ. Tuyên bố của Văn phòng đối ngoại Anh cho biết, Ngoại trưởng Anh đã gặp Đại sứ Iran và bày tỏ lo ngại về sự việc trên. Trước đó, giới chức Australia thông báo 3 công dân nước này đang bị bắt và giam giữ tại Iran, trong đó có một người phụ nữ Anh mang quốc tịch Australia và một cặp đôi người Australia. Thông tin về việc bắt giam này xuất hiện sau khi Australia thông báo sẽ tham dự lực lượng do Mỹ dẫn đầu bảo vệ tàu biển qua lại eo biển Hormuz trong bối cảnh quan hệ giữa Tehran và Washington đang leo thang căng thẳng.

Triều Tiên đã chấp thuận khuyến nghị của cơ quan trực thuộc Hội đồng Nhân quyền LHQ về hợp tác với Hàn Quốc giải quyết vấn đề gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên. Trong văn bản gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ, Triều Tiên thông báo đã tiếp nhận khuyến nghị của Chính phủ Hàn Quốc về việc tiếp tục hợp tác để giải quyết vấn đề gia đình bị ly tán do chiến tranh. Đây cũng là một trong những thỏa thuận của lãnh đạo hai nước tại các Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều. Bình Nhưỡng cũng bày tỏ lập trường tích cực đối với khuyến nghị bảo vệ nhân quyền cho người khuyết tật.

Ngày 11/9, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố giải tán Quốc hội, chính thức khởi động chiến dịch tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra ngày 21/9. Cuộc bầu cử sẽ quyết định liệu đảng Tự do của ông Trudeau có giành được đa số để tiếp tục lãnh đạo nhiệm kỳ hai hay không. Vì vậy, đây được xem như một cuộc "trưng cầu ý dân" đối với ông Trudeau. Chiến dịch tranh cử sẽ kéo dài 5 tuần rưỡi. Theo giới quan sát, khi rút ngắn thời gian của chiến dịch tranh cử, đảng Tự do muốn hạn chế sự nguy hiểm đối với Thủ tướng Trudeau, đồng thời giảm bớt cơ hội tranh cử của các lãnh đạo đảng khác. Tại Canada, một đảng cần giành được 170 ghế ở Hạ viện để thành lập Chính phủ đa số.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây đã công khai ý định sáp nhập thung lũng Jordan vào lãnh thổ Israel nếu ông tái đắc cử. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ là một bước đi lịch sử nếu Israel áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp tại Bờ Tây, đồng thời cho biết các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu đảng của ông giành thắng lợi sau cuộc bầu cử vào ngày 17/9 tới. Tuyên bố gây tranh cãi này của nhà lãnh đạo Israel đã vấp phải sự chỉ trích của Palestine, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo rằng, tất cả các thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sáp nhập thung lũng Jordan.

Ngày 11/9, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ miễn áp thuế bổ sung đối với 16 mặt hàng của Mỹ. Theo Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, việc miễn thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 17/9 tới và kéo dài một năm cho tới ngày 16/9/2020. Các hàng hóa trong danh sách trên bao gồm thức ăn cho cá, máy gia tốc hạt tuyến tính dùng trong y học, chất chống dính khuôn... Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là bắp và đậu nành, cùng với thịt heo, không có trong danh sách trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng danh sách hàng hóa mới được miễn thuế này thể hiện "cử chỉ thiện chí" của Trung Quốc trước vòng đàm phán thương mại tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019. Ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh quyết định của Trung Quốc miễn áp thuế bổ sung đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ.

Sinh viên quốc tế sẽ được phép ở lại Anh tìm việc trong 2 năm sau khi tốt nghiệp. Đây là đề xuất mới vừa được Bộ Nội vụ Anh công bố. Theo đề xuất, chính sách mới này sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2020 đối với tất cả sinh viên quốc tế theo học đại học hoặc sau đại học ở Anh. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ có thời gian 2 năm để tìm và làm việc ở Anh mà không bị giới hạn về số lượng việc hay loại việc làm. Đây là sự đảo ngược chính sách dưới thời bà Therasa May khi bà còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh. Cụ thể, từ năm 2012, Chính phủ Anh áp dụng chính sách buộc sinh viên nước ngoài phải rời khỏi nước Anh chậm nhất 4 tháng sau khi tốt nghiệp.

Ngày 11/9, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tiến hành cải tổ nội các, đáng chú ý ông Abe đã giữ lại vị trí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính của ông Taro Aso và vị trí Chánh Văn phòng Nội các của ông Yoshihide Suga. 17 vị trí còn lại trong nội các đều được luân chuyển hoặc đảm nhiệm bởi những gương mặt mới. Đây là sự cải tổ nội các lớn nhất từng được thực hiện trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe Shinzo. Phát biểu trong ngày 11/9, Thủ tướng Abe Shinzo nhấn mạnh, toàn thể nội các Nhật Bản sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu lớn nhất là sửa đổi hiến pháp, hướng đến việc công nhận vai trò của các lực lượng quân đội có nhiệm vụ bảo vệ đất nước.

Canada đã công bố kế hoạch 10 năm với khu vực Bắc Cực thuộc nước này, trong đó bao gồm việc tăng cường hiện diện quân sự và phản ứng với sự gia tăng cạnh tranh quốc tế. Chính phủ Canada công bố nêu rõ Ottawa duy trì cam kết sử dụng chủ quyền của mình thông qua tuyến hàng hải, mà các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, coi là tuyến hải trình quốc tế. Bắc Cực là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, là khu vực đang chứng kiến sự cạnh tranh hiện diện của nhiều cường quốc. Những năm gần đây, Trái Đất nóng lên đã làm tan băng ở Bắc Cực, giúp khai phá nhiều tuyến đường tắt hàng hải quan trọng giữa châu Âu và châu Á thông qua Hành lang Tây Bắc tại quần đảo Bắc Cực.

Chính quyền Tổng thống Mỹ vừa công bố một sắc lệnh hành pháp mới, cho phép Mỹ trừng phạt thủ lĩnh tổ chức khủng bố mà không cần phải cáo buộc có hành vi khủng bố cụ thể. Sắc lệnh này được đưa ra ngay trước thềm lễ tưởng niệm 18 năm vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9, khiến gần 3.000 người thiệt mạng và cuốn nước Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ có thêm thẩm quyền mới để trừng phạt các tổ chức tài chính nước ngoài cố ý hợp tác với những đối tượng khủng bố. Cùng với sắc lệnh mới, Mỹ cũng thông báo lệnh trừng phạt hơn 10 thủ lĩnh, cá nhân và thực thể liên kết với các nhóm khủng bố được xác định. Trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Ít nhất 31 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương trong một vụ giẫm đạp tại đền thờ Hồi giáo ở thành phố Karbala, Iraq. Vụ việc xảy ra khi hàng nghìn tín đồ Hồi giáo dòng Shiite chen lấn vào đền thờ nhân dịp lễ Ashura. Số người thương vong dự kiến sẽ tăng thêm, hiện có hơn 10 người đang trong tình trạng nguy kịch. Ashura là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Hồi giáo dòng Shiite. Trong dịp lễ này, các tín đồ thường khóc than, tự gây thương tích cho cơ thể nhằm thể hiện lòng tôn kính. Trước đó, vào năm 2005, ở thủ đô Baghdad của Iraq cũng đã xảy ra một vụ việc thương tâm khi có tới 965 người thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp tại đền thờ Imam Kadhim vì tin đồn có kẻ đánh bom liều chết.

Lực lượng bán quân sự Hashd Shaabi của Iraq ngày 11/9 thông báo đã bắn hạ một máy bay không người lái chưa rõ nguồn gốc đang tìm cách tấn công các lực lượng quân sự Iraq ở tỉnh miền Đông Diyala. Hiện chưa xác định được nguồn gốc của máy bay không người lái này, trong khi thông báo cũng không tiết lộ chi tiết về các mảnh vỡ thu thập được. Trước đó, lực lượng Hashd Shaabi cũng đã khai hỏa nhằm vào các máy bay không người lái chưa rõ danh tính tại tỉnh Salahudin miền Trung Iraq và buộc những máy bay này rút chạy về địa điểm chưa xác định. Trong vài tuần qua, hàng loạt vụ nổ đã xảy ra tại các kho vũ khí của lực lượng Hashd Shaabi ở miền Trung và Tây Iraq. Những sự cố này được cho là có liên quan tới các vụ tấn công bằng máy bay không người lái chưa xác định được nguồn gốc.

Ngày 11/9, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã chấp thuận thương vụ bán 32 máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin cho Ba Lan, với tổng giá trị 6,5 tỷ USD. Trong một tuyên bố, một quan chức bộ trên cho hay, thương vụ này sẽ thúc đẩy những đóng góp của Ba Lan cho NATO, và giảm sự phụ thuộc của nước này vào các trang thiết bị của Nga. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Ba Lan-nước có chung biên giới với Nga và thành viên lâu đời của NATO là Đức-nằm trong khối Hiệp ước Vacsava do Liên Xô trước đây đứng đầu.

Tin thể thao:

MU áp giá bán Pogba tháng 1/2019: Theo báo Anh, ưu tiên của MU vẫn là giữ chân Paul Pogba ở lại Old Trafford bằng một hợp đồng mới nhưng nếu tiền vệ người Pháp vẫn nhất quyết không gia hạn thì họ có thể để anh ra đi ngay tháng 1/2020 khi TTCN mùa Đông mở cửa nếu đội nào trả đủ 179 triệu bảng. Con số 179 triệu bảng thực sự là thách thức với Real Madrid dù Zinedine Zidane vẫn quyết tâm mua Pogba bằng được. Với mức giá rất cao mà MU áp đặt, Real khó có thể thực hiện vụ áp phe vào tháng 1 tới và Pogba dự kiến ở lại Old Trafford ít nhất tới cuối mùa này.

MU đá phạt đền tệ thứ nhì giải Ngoại hạng: Với hai pha đá hỏng liên tiếp của Paul Pogba và Marcus Rashford vừa qua, MU đã bỏ lỡ đến 17 quả phạt đền trong vòng 10 năm qua. Họ chỉ đá thành công 41 trong số 58 lần thực hiện, đạt hiệu suất 70,7%. Trong số này, Rooney hỏng nhiều nhất (5 lần). Trong số 20 CLB ở giải Ngoại hạng Anh mùa này, chỉ Norwich là đá phạt đền tệ hơn MU với tỷ lệ thành công là 62,8%. Thật bất ngờ, đội đá 11m thành công nhất trong 10 năm qua lại là West Ham với 35 bàn sau 40 lần thực hiện, đạt hiệu suất 87,5%.

MU dính bão chấn thương: Tin buồn cho HLV Ole Gunnar Solskjaer: Paul Pogba và Wan-Bissaka đã gia nhập danh sách những ngôi sao chấn thương của MU, và nhiều khả năng sẽ vắng mặt ở trận tiếp Leicester vào cuối tuần này. Pogba đã phải rút lui khỏi tuyển Pháp vì đau mắt cá chân, trong khi Wan-Bissaka gặp vấn đề về lưng. Hiện tại, Eric Bailly và Luke Shaw đang phải nghỉ dài hạn, còn Jesse Lingard đang bị ốm khi trở về từ ĐTQG. Ngoài ra, Anthony Martial và Diogo Dalot cũng chưa bình phục chấn thương.

Real Madrid đạt thỏa thuận sơ bộ với Chelsea về Kante: Theo trang tin DefensaCentral, Real Madrid đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Chelsea về trường hợp của tiền vệ N’Golo Kante. Theo đó, Chelsea sẽ thông báo cho Real Madrid biết nếu họ nhận được bất cứ lời đề nghị nào về trường hợp của Kante. Thậm chí Real Madrid còn có quyền ưu tiên mua Kante nếu như Chelsea muốn bán tiền vệ người Pháp này. HLV Zidane rất muốn có sự phục vụ của Kante để tăng cường hàng tiền vệ của Real Madrid. Tuy nhiên Chelsea không sẵn lòng bán tiền vệ người Pháp trong kỳ chuyển nhượng Hè 2019. Mặc dù vậy, thỏa thuận mới đây đã mang đến cơ hội chiêu mộ Kante cho Real Madrid.

Pogba không thể chuyển sang PSG vì Neymar: Theo tờ Goal, Paul Pogba suýt nữa đã gia nhập PSG trong kỳ chuyển nhượng Hè 2019. PSG sẵn sàng chi 150 triệu euro để chiêu mộ Pogba. Họ cũng đã đạt thỏa thuận với MU về trường hợp của tiền vệ người Pháp. Tuy nhiên thương vụ này đã đổ bể bởi PSG không thể bán được Neymar trong kỳ chuyển nhượng vừa qua. Đội bóng thủ đô Paris muốn dùng số tiền thu về từ việc bán Neymar để mua Pogba. Do không thể bán được Neymar nên cuối cùng, PSG không chiêu mộ được Pogba.

HLV đầu tiên ở La Liga mất việc. Trong tuyên bố mới nhất phát đi từ CLB Valencia, HLV người Tây Ban Nha Marcelino Garcia Toral không còn ngồi trên chiếc ghế huấn luyện tại sân Mestalla nữa. Albert Celades sẽ là người kế nhiệm vị trí này. Quyết định sa thải được đưa ra sau cuộc gọi của chủ sở hữu Peter Lim từ trụ sở ở Singapore cho Chủ tịch Anil Murthy. Sau đó, CLB có thông báo tới giới truyền thông Tây Ban Nha. Valencia khởi đầu không quá tệ, giành được 4 điểm sau 3 trận, ngang bằng Barcelona và chỉ kém Real Madrid 1 điểm.

Đá hỏng 2 quả penalty, Griezmann vẫn được tin tưởng. HLV Didier Deschamps quả quyết ông vẫn sẽ để Antoine Griezmann thực hiện quả phạt đền tiếp theo của đội tuyển Pháp. Ở loạt trận quốc tế vừa qua, tiền đạo ngôi sao thuộc biên chế Barcelona đã 2 lần bỏ lỡ cơ hội từ chấm 11m trong các trận gặp Albania và Andorra.

CĐV Liverpool giận dữ với BLĐ đội bóng. Melwood là sân tập lâu đời của Liverpool trong hơn 60 năm qua và được nhiều người coi là một phần của "Lữ đoàn đỏ". Tuy nhiên, BLĐ đội bóng vừa quyết định bán khu tập này với giá 10 triệu bảng cho các nhà đầu tư bất động sản. Hành động này khiến một số người hâm mộ trung thành giận dữ. Hiện tại, Liverpool đang tập trung xây dựng khu tập mới trị giá 50 triệu bảng tại Kirkby.

Mỹ nhân tennis Wozniacki vào học ở Harvard: Sau thất bại ở vòng 3 US Open 2019 trước Bianca Andreescu (tay vợt sau đó đã đăng quang ngôi vô địch), cựu số 1 thế giới Caroline Wozniacki cùng đồng nghiệp Bethanie Mattek-Sands đã vui vẻ khoe trên Twitter việc họ cùng theo học ngành quản trị kinh doanh ở ĐH danh tiếng Havard (Mỹ). Wozniacki đã vật lộn với chấn thương trong mùa giải năm nay sau khi được chẩn đoán bị viêm khớp. Cựu vô địch Australia Mở rộng 2018 chỉ vào chung kết một lần trong năm nay, tại giải Charleston Open trên mặt sân đất nện – nơi cô gác vợt trước Madison Keys. Theo BBC, khóa học của Mattek-Sands và Wozniacki diễn ra trong một tuần. Hai tay vợt phải bỏ ra khoảng 13.000 USD tiền học phí.

Thủ tướng Anh sẽ làm gì để thực hiện quyết tâm Brexit đúng hạn?

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thất bại lần thứ hai trong nỗ lực thúc đẩy một cuộc tổng tuyển cử sớm. Ông Johnson đã hy vọng có thể giải tán Quốc hội ngay trong đêm 9/9 và tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào ngày 15/10, nhưng các đảng đối lập đã bác bỏ yêu cầu của ông. Thay vào đó, các đảng đối lập muốn Thủ tướng tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận Brexit mới và sau đó, nếu thất bại, ông phải đến Brussels để xin gia hạn thời điểm Brexit một lần nữa.

Tờ Financial Times (Anh) ngày 10/9 cho rằng Quốc hội Anh đã bị đình chỉ trong 5 tuần, bắt đầu từ đêm 9/9, nên trước mắt không còn cơ hội để các nghị sỹ “đánh sập” Chính phủ Thủ tướng Johnson hoặc gây sức ép lớn hơn cho ông trong vấn đề Brexit. Vì vậy, trọng tâm của Phố Downing bây giờ là đạt được một thỏa thuận Brexit mới có thể giành được sự ủng hộ khó khăn của 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và đa số nghị sỹ Quốc hội. Tuy nhiên, liệu có phải toàn bộ chiến lược của ông Johnson đã bị Quốc hội "đánh chìm"?

Kể từ khi bước lên những bậc thang dẫn vào số 10 phố Downing, ông Johnson đã quyết tâm đưa Brexit không thỏa thuận trở lại bàn đàm phán một cách chắc chắn. Sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Anh đã cho EU thấy rằng ông nghiêm túc về việc ra đi vào ngày 31/10 mà không có thỏa thuận. Thủ tướng có một mục tiêu trong các cuộc đàm phán với EU: xóa bỏ hoặc điều chỉnh điều khoản chốt chặn, một chính sách để đảm bảo rằng không có biên giới cứng ở Ireland.

Tuy nhiên, việc Quốc hội Anh hồi tuần trước thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận đã khiến ông Johnson bối rối. Chiến lược “chơi bài rắn” của ông Johnson đã bị các nghị sỹ phản đối Brexit "cứng" nhấn chìm. Sau đó, kế hoạch B của ông Johnson là kêu gọi một cuộc bầu cử sớm, để cho dân chúng quyết định liệu họ có muốn thỏa thuận hay không, cũng đã thất bại.

Điều tốt nhất mà ông Johnson có thể làm cho Kế hoạch C của mình là tiếp tục đàm phán với EU, nhấn mạnh rằng không có thỏa thuận nào vẫn là một lựa chọn thực tế và hy vọng sẽ có một bước đột phá trong khoảng thời gian từ giờ đến khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17/10. Khi đó, kết quả tốt nhất mà ông Johnson có thể đạt được là một thỏa thuận mới và trình thỏa thuận này để Quốc hội thông qua và Vương quốc Anh sẽ rời EU một cách suôn sẻ vào ngày 31/10.

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Johnson đang cố gắng tập trung vào giải pháp "chốt chặn" (back stop) cho Bắc Ireland. Điều này có thể được EU chấp nhận, nhưng chưa chắc đã được những người trung thành theo chủ nghĩa hợp nhất giữa Anh và Bắc Ireland đồng ý. Một kết quả như vậy, về bản chất, sẽ đặt ra một biên giới trên biển Ireland - bất kể đường biên giới này vô hình và nhẹ nhàng như thế nào.

Giả sử tại Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới, ông Johnson không đạt được thỏa thuận Brexit mới nào, Vương quốc Anh có thể hướng tới một vụ phá vỡ hiến pháp toàn diện. Ông Johnson khăng khăng Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10 và đã đề cập đến việc bẻ cong luật pháp để tránh việc tiếp tục yêu cầu trì hoãn Brexit. Mặc dù một số nhân vật Bảo thủ cao cấp đã hối thúc Phố Downing phớt lờ bộ luật ngăn chặn Brexit "cứng," nhưng các bộ trưởng cho rằng thay vào đó ông Johnson sẽ tìm cách tiêu hủy bộ luật này.

Trả lời báo giới hôm 8/9, Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết Chính phủ sẽ “tuân thủ luật pháp,” nhưng cũng “kiểm tra giới hạn những gì thực sự đáp ứng yêu cầu của pháp luật."

Bên cạnh đó, một quan chức cấp cao trong chính phủ cho biết: “Thường có những bộ luật và tư vấn pháp lý mâu thuẫn nhau và đôi khi chúng tôi thua cuộc.” Quan chức này chỉ ra Phố Downing sẽ tìm cách “phá hủy” bộ luật buộc ông Johnson phải tìm cách gia hạn Brexit và Chính phủ “sẽ có mặt ở Tòa án Tối cao sau ngày 19 nếu cần thiết.” Điều rõ ràng là ông Johnson sẽ không từ bỏ thời hạn Brexit của mình mà không chiến đấu. Ông Johnson dường như sẽ cố gắng thực hiện lời cam kết ra đi vào ngày 31/10 và có thể tính đến việc từ chức nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn Brexit một lần nữa.

Liệu Quốc hội có thể thắng ông Johnson trong cuộc chiến không có thỏa thuận?

Câu trả lời nằm ở việc ai sẽ chiến thắng trong trận chiến giữa hai ông "Dom." Ông Dominic Grieve, cựu Tổng chưởng lý, người vạch kế hoạch cho những nỗ lực ngăn chặn Brexit không có thỏa thuận. Ông cho rằng Quốc hội sẽ thắng thế, đồng thời tin tưởng bộ luật của ông, vốn được viết cẩn thận trong nhiều tháng, sẽ buộc Thủ tướng phải gia hạn và tránh Brexit không có thỏa thuận. Trong khi đó, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Anh, Dominic Cummings lại cho rằng bộ luật của ông Grieve có ngôn từ kém cỏi và có đủ chỗ lách để đảm bảo rằng ông Johnson sẽ không phải vi phạm luật hay cam kết không trì hoãn Brexit.

Những người trong cuộc ở Phố Downing cho biết họ tự tin sẽ không phải uốn theo ý chí của Quốc hội. Cuối cùng, trận chiến này có thể được giải quyết tại tòa án. Nếu ông Johnson từ chối yêu cầu gia hạn Điều 50, giả sử không có thỏa thuận mới nào tại cuộc họp tới của EU, ông Johnson có thể bị đưa ra Tòa án Tối cao.

Vương quốc Anh sẽ có một cuộc bầu cử?

Trước sau thì Thủ tướng Johnson sẽ phải tổ chức bầu cử. Tất cả các chính đảng đều đồng ý rằng Vương quốc Anh cần một cuộc bầu cử trong năm nay. Đảng Bảo thủ muốn tổ chức bầu cử ngay lập tức, trước khi thời hạn chót của Brexit và cuộc họp của EU diễn ra. Tuy nhiên, các nghị sỹ phe đối lập đã quyết định rằng cuộc bầu cử nên được thực hiện sau khi phương án Brexit không thỏa thuận bị hủy bỏ.

Việc giải tán Quốc hội đòi hỏi phải có sự ủng hộ của hai phần ba nghị sỹ, do vậy, khả năng này nằm ngoài tầm tay của ông Johnson. Bên cạnh đó, Công đảng và đảng Dân chủ Tự do đã ký thỏa thuận để đảm bảo rằng một cuộc bầu cử sẽ không được tổ chức trước khi gia hạn Brexit thành công.

Do đó, giả định là Vương quốc Anh sẽ tiến hành bầu cử vào một thời điểm nào đó trong tháng 11, nhưng có quá nhiều điều chưa biết. Nếu Thủ tướng Anh từ chối tìm kiếm sự trì hoãn Brexit, ông có thể từ chức và Chính phủ của ông có thể sụp đổ sớm hơn. Trường hợp khác là các nghị sỹ có thể thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Johnson khi Quốc hội hoạt động trở lại - mở đường cho một Thủ tướng khác giải quyết tình trạng bế tắc của Brexit.

Một cuộc bầu cử rõ ràng sẽ đến sớm, nhưng thật khó để nói chính xác rằng cuộc bầu cử đó diễn ra bằng cách nào và khi nào.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 12/09/2019 là 1 AUD = 0.687 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 12/09/2019 là 1 AUD = 15,935 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời có mây rải rác, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–19 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–30 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–20 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–18 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này