Chương trình Thời sự thứ Năm, 11/06/2020
Tin nước Úc:
- Melbourne: Một người tham dự cuộc biểu tình Black Lives Matter dương tính với COVID-19
- NSW: Tất cả các môn thể thao cộng đồng sẽ được phép tiếp tục tổ chức từ ngày 1/7
- Di trú: Khép lại chương trình visa tay nghề chỉ định ở Victoria năm 2019-20
- Tin Úc: Chỉ số niềm tin tiêu dùng tăng trưởng trong tháng Sáu
- Dandenong: Cung cấp xét nghiệm COVID-19 cho người có hoàn cảnh khó khăn
- Đề xuất tăng thêm tiền trợ cấp cho người mua nhà lần đầu, hoãn thu thuế stamp duty
- Greater Dandenong: Lễ hội Nhà văn Trẻ 2020 sẽ được tổ chức trực tuyến
- Tin Úc: Mục tiêu triển khai mạng băng thông rộng quốc gia đã hoàn thành 99%
- Tin vắn
Tin thế giới:
Các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ không đến New York (Mỹ) để dự kỳ họp cấp cao thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 75 vào cuối tháng 9 do đại dịch COVID-19. Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Tijjani Muhammad-Bande, đã đưa ra thông báo trên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm Liên Hợp Quốc thay đổi cách họp Đại hội đồng. Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết, trong 2 tuần tới, 193 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước có thể sẽ có bài phát biểu về những vấn đề cấp bách của khu vực và thế giới trong phiên thảo luận chung của Đại hội đồng. Tháng 5/2020, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, đã đề nghị các nhà lãnh đạo các nước chuyển những thông điệp đã được ghi sẵn và chỉ có một nhà ngoại giao ở trụ sở tại New York từ mỗi quốc gia thành viên có mặt trong hội trường.
Các quan chức Nga và Mỹ sẽ tiến hành các cuộc đàm phán về việc gia hạn hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân vào cuối tháng này. Đây là thông báo được đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí đưa ra hôm 9/6. Theo kế hoạch, các quan chức hai nước sẽ gặp nhau vào ngày 22/6 tới tại Vienna, Áo để khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, vốn sẽ hết hiệu lực từ tháng 2 năm sau. Văn kiện này kêu gọi các bên tham gia giảm một nửa kho dự trữ bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược. Quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là hiệp ước vũ khí chiến lược mới phải có sự tham gia của Trung Quốc. Thứ trưởng Ryabkov cũng cho biết, Nga không phản đối việc Mỹ mời Trung Quốc tham gia, nhưng điều đó cần có sự đồng thuận của Bắc Kinh. Ngược lại, ông cũng cho rằng các đồng minh của Mỹ như Anh và Pháp, cũng là các cường quốc hạt nhân có kho dự trữ chiến lược ở quy mô nhỏ, cần tham gia các cuộc đàm phán này.
Tuần trước, một số phương tiện truyền thông đưa tin Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ rút bớt số binh sỹ Mỹ đồn trú tại Đức từ 34.500 người xuống 25.000 người. Ngày 10/6, Chính phủ Đức xác nhận Washington thông báo cho Berlin rằng Mỹ đang cân nhắc giảm số binh sỹ nước này đồn trú tại Đức. Phát biểu với báo giới tại Berlin, người phát ngôn Chính phủ Đức, bà Ulrike Demmer cho biết: “Chính quyền Liên bang Đức được thông báo rằng Mỹ đang xem xét giảm sự hiện diện của các lực lượng vũ trang nước này tại đây.” Theo người phát ngôn này, hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Đến nay, giới chức Mỹ chưa xác nhận thông tin cắt giảm quân số đồn trú tại Đức.
Chính phủ Pháp đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp y tế khẩn cấp vào ngày 10/7 tới. Văn phòng Thủ tướng Edouard Philippe cho biết, thời điểm nói trên là một trong số các lựa chọn hiện đang được xem xét. Hiện Pháp đã nới lỏng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp đặt trước đó để khống chế dịch COVID-19. Các cửa hàng, khu nghỉ dưỡng và nhiều điểm tham quan du lịch đã dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến khích mang khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi ra ngoài, tiếp tục làm việc tại nhà thay vì đến văn phòng.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas vừa qua cho biết, Đức và các đối tác châu Âu đều quan ngại sâu sắc về kế hoạch sáp nhập của Israel đối với các vùng bị chiếm đóng ở khu Bờ Tây. Phát biểu nhân chuyến thăm Jerusalem, ông Maas đã bày tỏ quan ngại về những hệ quả tiềm tàng từ bước đi như vậy. Ông Maas nhấn mạnh, việc sáp nhập này là không phù hợp với luật quốc tế. Thay vào đó, EU ủng hộ việc tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine về giải pháp hai nhà nước. Vào tháng 7 tới, Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan. Cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. Kế hoạch này lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.
Ngày 9/6, Cảnh sát Colombia đã thu giữ số cocaine trị giá hơn 260 triệu USD được giấu bên trong các container chở hàng. Vụ việc bị phát giác tại cảng Buenaventura nằm bên bờ biển Thái Bình Dương. Khoảng 4,9 tấn ma túy đã bị thu giữ trong hai container tại cảng quan trọng nhất Thái Bình Dương của Colombia, Tổng Giám đốc Cảnh sát chống ma túy Colombia, ông Jorge Luis Ramirez, cho biết. Tuy nhiên, nhà chức trách nước này không tiết lộ chủ sở hữu của lô hàng cấm bị thu giữ. Đây được xem là vụ tịch thu cocaine lớn nhất tại Colombia trong năm nay. Colombia là nơi sản xuất cocaine nhiều nhất thế giới với sản lượng khoảng 951 tấn mỗi năm. Các hoạt động buôn bán ma túy từ lâu nay đã cung cấp nguồn lực duy trì những cuộc xung đột vũ trang nội bộ tại đất nước này.
Ngày 10/6, Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) Singapore cho biết đã chấp thuận cấp phép có điều kiện đối với thuốc kháng virus Remdesivir của hãng Gilead Sciences, qua đó cho phép các bác sỹ chỉ định sử dụng trong phác đồ điều trị một số bệnh nhân mắc virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thể nặng. Việc phê chuẩn của HSA diễn ra trong vòng 3 tuần sau khi Gilead nộp đơn đăng ký loại thuốc Remdesivir tại Singapore vào ngày 22/5. Theo HSA, cho tới nay, Remdesivir là loại thuốc điều trị duy nhất đã cho thấy có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân mắc COVID-19 trong một thử nghiệm lâm sàng vững chắc. HSA hiện đang phối hợp với Bộ Y tế Singapore và các chuyên gia có liên quan để xác định rõ hơn về những nhóm bệnh nhân nào có được hiệu quả điều trị tốt nhất từ loại thuốc này.
Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, cổ phiếu của Apple tăng 2,57%, lên mức 352,84 USD/cổ phiếu. Qua đó giúp Táo khuyết trở thành công ty đầu tiên của Mỹ đạt giá trị vượt mốc 1.500 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Hiện giá trị của Apple đạt mức gần 1,53 nghìn tỷ USD. Trước Apple, chỉ có duy nhất một công ty khác trên thế giới làm được điều này đó là Saudi Aramco. Đại gia vàng đen của Saudi Arabia đã cán mốc 2.000 tỷ USD sau khi tiến hành IPO. Đáng chú ý, việc Apple cán mốc 1.500 tỷ USD đến trong hoàn cảnh kinh tế thế giới bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19. Không chỉ Apple, giá trị các đại gia công nghệ Mỹ cũng đã tăng chóng mặt trong thời gian qua. Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá trị của Microsoft, Amazon, Alphabet lần lượt cán mốc ở mức: 1,49 nghìn tỷ USD; 1,32 nghìn tỷ USD và 1.000 tỷ USD.
“Bom hẹn giờ” nguy hiểm ở Trung Đông
Trung Đông, khu vực vốn luôn tồn tại những mâu thuẫn và xung đột dai dẳng, nay lại đang sôi sục khi “quả bom hẹn giờ” - kế hoạch của Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, sắp tiến sát tới thời điểm chính thức thực hiện, dự kiến vào đầu tháng 7.
Bất chấp nguy cơ bạo lực và bất ổn có thể leo thang trong khu vực và cả những chỉ trích từ cả trong nước lẫn cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn đang xúc tiến đẩy nhanh kế hoạch sáp nhập và áp đặt chủ quyền tới vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho sẽ bằng mọi cách tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông còn đang nắm quyền, bởi kế hoạch sáp nhập này cũng là một nội dung quan trọng trong bản kế hoạch hòa bình mang tên “Thỏa thuận thế kỷ” do Washington khởi xướng.
Với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, việc Mỹ “bật đèn xanh” được xem như “cơ hội lịch sử” để hoàn thành kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích chiếm đóng ở Bờ Tây, cụ thể là các khu định cư Do Thái và Thung lũng Jorrdan, mà ông coi là ưu tiên tranh cử.
Với cách tiếp cận của chính phủ mới ở Israel trong vấn đề này và lộ trình sáp nhập tới nay hầu như không có gì thay đổi, quan hệ giữa Israel và Palestine được dự báo sẽ đặc biệt căng thẳng, thậm chí có nguy cơ đẩy cả khu vực vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng mới, khiến tiến trình hòa bình Trung Đông càng lâm vào ngõ cụt.
Kế hoạch của Israel sẽ triệt tiêu giải pháp hai nhà nước vốn được cộng đồng quốc tế ủng hộ, phá hỏng các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình và gây bất ổn an ninh ở khu vực.
Đáp trả kế hoạch của Israel sáp nhập khu vực Bờ Tây chiếm đóng, bên cạnh việc kịch liệt lên án, Chính quyền Palestine (PA) đã có một loạt phản ứng cứng rắn, từ tuyên bố không tiếp tục tuân thủ Hiệp ước hòa bình Oslo với Israel, chấm dứt mọi thỏa thuận sơ bộ cũng như chính thức với chính quyền Israel và Mỹ, tới cảnh báo sẽ ngừng công nhận Israel.
Chính quyền Palestine ngày 9/6 cũng khẳng định sẽ tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine với các đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1967 nếu Israel thực hiện kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây.
Palestine cũng nỗ lực vận động cộng đồng quốc tế ngăn chặn Israel sáp nhập Bờ Tây, và mới nhất là đưa ra đề xuất được coi như “đối trọng” với kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.
Đề xuất của Palestine bao gồm việc thành lập một “Nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và phi quân sự” với “những thay đổi nhỏ về đường biên giới”. Từ đề xuất này có thể tiến tới một số thỏa thuận hoán đổi đất đai giữa hai nhà nước trong tương lai trên cơ sở cả hai bên cùng đồng thuận.
Tuy nhiên, đề xuất mới của phía Palestine được cho thiếu “sức nặng” cần thiết, dù rằng nó đã phần nào cho thấy sự chủ động “vào cuộc” của Palestine, cũng như thiện chí giải quyết những vấn đề còn tồn tại với phía Israel thông qua thương lượng.
Hiện cả thế và lực của Palestine đều yếu và khó có khả năng tạo ra đối trọng thực sự với Israel hay Mỹ. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng giới lãnh đạo Palestine chỉ đưa ra những giải pháp tình thế để đối phó với Israel chứ chưa có được một kế hoạch tổng thể và toàn diện hay một chiến lược rõ ràng để ngăn chặn hành động Israel.
Nếu muốn thay đổi tình thế hiện nay, Palestine không thể “đơn thương, độc mã” trong vấn đề này. Giới chuyên gia nhận định Palestine thực sự cần một nhà trung gian đáng tin cậy để dàn xếp các cuộc đàm phán với phía Israel.
Sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra “Thỏa thuận thế kỷ” với nhiều điều khoản có lợi cho Israel, Palestine không còn coi Mỹ là trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc xung đột Trung Đông. Liên minh châu Âu (EU) cũng khó đảm đương vai trò này, và có vẻ như Nga - một thành viên trong nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông – đang nổi lên như là một “ứng cử viên” sáng giá.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từng gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ mong muốn Moskva đứng ra làm trung gian hòa giải. Moskva cũng tỏ ra sẵn sàng. Moskva đang được coi là một địa điểm lý tưởng cho các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông khi cả Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều coi trọng Nga.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giả thuyết, bởi cho tới nay Israel tỏ ra đang hành xử theo kiểu “kẻ mạnh” và muốn áp đặt cuộc chơi, trong khi phía Palestine không thể nhân nhượng thêm nữa.
Với những nỗ lực ngoại giao, Palestine hy vọng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt cấp bộ trưởng vào cuối tháng này để bàn thảo về kế hoạch sáp nhập của Israel. Song khả năng cơ quan này thông qua một nghị quyết phản đối rất khó xảy ra khi Washington dường như chắc chắn sẽ phủ quyết.
Lúc này, Palestine chỉ có thể trông cậy vào sự ủng hộ của các nước Arab và cộng đồng quốc tế. Nhưng, khi cả thế giới đang “gồng mình” chống chọi với đại dịch COVID-19, các nước ủng hộ truyền thống của Palestine và cả EU, đều đang bận tâm và tập trung mọi nguồn lực để lo khắc phục những hậu quả do COVID-19 gây ra. Thực tế này cũng chính là bất lợi đối với Palestine khi gần như phải đơn độc đối phó với những động thái sắp tới của Israel.
Nếu như Israel vẫn xúc tiến kế hoạch sáp nhập, khả năng bạo lực leo thang ở khu vực Trung Đông hầu như khó tránh khỏi. Hiện PA đã tuyên bố chấm dứt mọi cam kết hợp tác an ninh với Israel để phản đối kế hoạch sáp nhập.
Nhiều nhóm vũ trang Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza, đứng đầu là phong trào Hồi giáo Hamas và nhóm thánh chiến Hồi giáo Jihad, đều đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, khẳng định sẵn sàng “làm tất cả” để ngăn chặn kế hoạch của Israel.
Nếu như Israel vẫn xúc tiến kế hoạch sáp nhập, khả năng bạo lực leo thang ở khu vực Trung Đông hầu như khó tránh khỏi.
Một số nguồn tin từ khu vực cho rằng nhiều nhóm vũ trang ở Liban, Syria, Iraq… cũng bày tỏ ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ và sát cánh cùng các lực lượng Palestine chống lại Israel. Thủ lĩnh tối cao, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố rằng Tehran sẽ “hỗ trợ và giúp đỡ bất kỳ quốc gia, bất kỳ tổ chức nào ở bất cứ đâu” chống lại Israel.
Những cuộc biểu tình diễn ra ở Israel phản đối kế hoạch sáp nhập cũng cho thấy mối lo ngại của chính người dân nước này. Hành động của Chính phủ Israel sẽ kích động làn sóng bài Do Thái trong khu vực, làm gia tăng thêm sự ác cảm vốn đã ăn sâu trong tâm trí của nhiều người Arab Hồi giáo.
Tham vọng sáp nhập Bờ Tây mà Chính phủ Israel đang theo đuổi tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khôn lường, với những hậu quả nặng nề cho cả hai bên cũng như toàn khu vực.
Việc Tòa án Tối cao Israel ngày 9/6 hủy bỏ luật về định cư cho phép Israel chiếm hữu đất đai của người Palestine ở vùng Bờ Tây, trong khi lãnh đạo đảng Xanh-Trắng, đối tác trong liên minh cầm quyền mới của ông Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz, cho rằng luật trên “vi hiến và có vấn đề”, có thể là những yếu tố tạm thời “cản đường” Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực hiện kế hoạch.
Tuy nhiên, về lâu dài, cộng đồng quốc tế sẽ phải “tăng tốc” những nỗ lực và tìm ra giải pháp cụ thể để ngăn “quả bom hẹn giờ” này phát nổ.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 11/06/2020 là 1 AUD = 0.698 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 11/06/2020 là 1 AUD = 16,167 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 37 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–19 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù, đêm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–24 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–19 độ.
Tại Melbourne, buổi sáng có sương giá ở nhiều nơi, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 4–15 độ.
Cẩm Nhung