Chương trình Thời sự thứ Năm, 10/10/2019
Tin nước Úc:
- Melbourne: Người huấn luyện ngựa đoạt giải Melbourne Cup bị buộc tội tàn ác với động vật
- Noble Park North: Bắt giữ một người đàn ông mang theo nhiều vũ khí nguy hiểm
- Victoria: Lệnh cấm túi nylon dùng một lần sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11
- Victoria: Hàng trăm tấm năng lượng mặt trời không đạt tiêu chuẩn được lắp đặt tại nhà dân
- Tin Úc: 20,000 chiếc xe hơi bị lỗi túi khí vẫn đang lưu thông trên đường phố
- Thị trường bất động sản ở Brimbank đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ
- Di trú: Người nhập cư và người tị nạn bị khuyết tật khó tiếp cận với Chương trình Bảo hiểm Khuyết tật Quốc gia
- Tin vắn
Tin thế giới:
Một sự kiện quốc tế đang thu hút sự quan tâm hàng đầu lúc này là chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Chiến dịch này đã bắt đầu, theo thông báo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Chiến dịch được thực hiện bất chấp nhiều cảnh báo rằng: Sự can thiệp quân sự của Ankara vào lãnh thổ Syria sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường. Trước hết cuộc chiến chống khủng bố sẽ bị suy yếu. Các lực lượng khủng bố cực đoan có cơ hội tập hợp lực lượng và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể hồi sinh. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10 cho hay, các binh sĩ của quân đội nước này và lực lượng phiến quân Syria thân Ankara đêm cùng ngày đã tiến vào vùng Đông Bắc Syria, chính thức bắt đầu cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các chiến binh người Kurd. Trước đó cùng ngày, các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc nhiều mục tiêu của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) trong chiến dịch quân sự xuyên biên giới. Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi các binh sĩ Mỹ rút khỏi khu vực này.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Chủ tịch thứ Nhất Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov ngày 9/10 cho biết Moskva sẽ không can dự vào cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi Ankara phát động chiến dịch quân sự vào Đông Bắc Syria. Theo ông Dzhabarov, quân đội Nga đang ở Syria vì những lý do khác nhau và cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria có thể được coi là xâm phạm chủ quyền của quốc gia này. Trước đó Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ngày đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi Ankara tránh bất kỳ động thái nào ở Syria có nguy cơ làm hỏng tiến trình hòa bình của quốc gia Trung Đông này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 9/10 yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch quân sự chống lại các tay súng người Kurd tại miền Bắc Syria, đồng thời nói với Ankara rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không chi trả cho bất kỳ cái gọi là "vùng an toàn" có thể được thiết lập.
Theo kế hoạch, 10/10 Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại tại Washington. Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn dầu đoàn đàm phán Trung Quốc. Dự kiến, ông Lưu Hạc sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 12 vòng đàm phán nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, chưa có kết quả. Quan hệ hai nước còn leo thang căng thẳng ngay trước vòng đàm phán lần này, sau khi Mỹ liệt thêm 28 công ty Trung Quốc vào danh sách đen.
Các nhà đàm phán hạt nhân chủ chốt của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc họp song phương và 3 bên tại thủ đô Washington, Mỹ. Tại cuộc họp, Đặc phái viên Stephen Biegun, người đã đại diện Mỹ tham gia cuộc đàm phán ở Thụy Điển với đoàn Triều Tiên, đã thông báo kết quả cuộc gặp với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc, ông Lee Do Hoon và Vụ trưởng Các vấn đề châu Á và châu Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shigeki Takizaki. Ba bên cùng khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì mối quan hệ mật thiết Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Nhật Bản và sự phối hợp ba bên trong vấn đề Triều Tiên để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và mang lại hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản vừa tiến hành diễn tập khả năng: Nhanh chóng đánh chặn tên lửa tại thủ đô Tokyo. Cuộc diễn tập có sự tham gia của một đơn vị thuộc hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3. Hệ thống PAC-3 với bệ phóng có thể gắn trên xe tải, tầm bắn hàng chục km. Nhật Bản hiện có 2 lớp đánh chặn tên lửa được phóng từ tàu khu trục Aegis và hệ thống đánh chặn trên mặt đất. Cuộc diễn tập này được tiến hành sau một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây của Triều Tiên.
Nhà Trắng đã gửi thư bác bỏ bất kỳ việc phối hợp nào từ chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với cuộc điều tra luận tội của đảng Dân chủ. Nhà Trắng khẳng định, cuộc điều tra này là không có hiệu lực căn cứ theo hiến pháp. Trong bức thư dài 8 trang gửi các lãnh đạo đảng Dân chủ được luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone ký kết, chính quyền Tổng thống Trump đã bác bỏ toàn bộ tiến trình điều tra đang diễn ra tại Hạ viện nhằm đánh giá xem liệu Tổng thống Trump có lạm quyền khi tìm cách tiến hành điều tra tham nhũng ở Ukraine đối với đối thủ Joe Biden trong cuộc bầu cử vào năm 2020 hay không. Quyết định của Nhà Trắng đồng nghĩa không thành viên nào trong chính quyền Tổng thống Trump được phép ra làm chứng trước Quốc hội và sẽ bỏ qua yêu cầu triệu tập của các tòa án.
HĐBA LHQ đã tiến hành một cuộc họp không chính thức nhằm thảo luận về vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên. Đồng thời, HĐBA LHQ ra tuyên bố hối thúc Bình Nhưỡng có các cuộc đàm phán phi hạt nhân hiệu quả hơn với Mỹ. Tại cuộc họp, 6 nước thành viên châu Âu, trong đó có Pháp, Bỉ, Đức, Ba Lan, Anh và Estonia, nước vừa trở thành ủy viên HĐBA vào tháng 2 vừa qua, đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng vụ phóng này đã vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ, đồng thời gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Á. Các nước trên cùng ra tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng đàm phán có ý nghĩa hơn với Mỹ. Tuy nhiên, Washington không tham gia tuyên bố này.
Bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với những công ty công nghệ của nước này, đồng thời tuyên bố sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh. Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích, những hạn chế áp đặt đối với hoạt động bán công nghệ của Mỹ cho một nhóm công ty Trung Quốc là sự can thiệp vào công việc nội bộ. Bộ này tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực thi tất cả biện pháp cần thiết kiên quyết bảo vệ các lợi ích của mình. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu rõ thông tin về các biện pháp đáp trả. Các phát ngôn này được đưa ra sau khi vào ngày 7/10 vừa qua, Mỹ bổ sung 8 công ty của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt thương mại nhằm hạn chế việc bán công nghệ Mỹ cho các thực thể này.
Các cơ quan môi trường của Brazil đã vớt được hàng trăm tấn dầu từ các bờ biển trên cả nước. Hơn một tháng qua, các vết dầu loang lớn đã xuất hiện tại bãi biển thuộc các bang Đông Bắc Brazil và kéo dài hơn 1.500km. Tới thời điểm hiện tại, vết dầu loang đã ảnh hưởng tới gần 130 bãi biển tại 9 bang ở nước này, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước biển cũng như hệ sinh thái biển. Đến nay, nhà chức trách Brazil chưa xác định được nguồn gốc của vết dầu loang.
Để phản đối tình trạng ảm đạm của ngành nông nghiệp trong nước, nông dân Pháp đã dùng máy kéo chặn đường cao tốc, lốp xe bị đốt chất đống hay trại tạm được dựng bên đường. Đó là cách phản đối của nông dân Pháp tại Toulouse nhằm đòi sự công bằng trong nông nghiệp. Nông dân Pháp cho rằng các chính sách của chính phủ Pháp như giảm số lượng động vật bị giết mổ mỗi năm, cắt giảm lượng C02 thải vào không khí hay một số chính sách nhập khẩu thực phẩm đã làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của họ và gây khó khăn cho họ trong quá trình canh tác. Những chiếc máy kéo này đã khiến nhiều tuyến đường cao tốc bị cản trở giao thông. Hình ảnh này cũng tương tự với cuộc biểu tình máy kéo tại Hà Lan cách đây khoảng 1 tuần, cũng với lý do đòi sự công bằng trong nông nghiệp. Tại Pháp, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi các nông dân Pháp khẳng định sẽ chưa ra về chừng nào đạt được một thỏa thuận với nhà chức trách.
Phán quyết buộc Johnson & Johnson phải trả 8 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại được đưa ra bởi bồi thẩm đoàn của một tòa án ở bang Pennsylvania, Mỹ. Nguyên đơn Nicholas Murray, 26 tuổi, cho biết, ngực của anh đã phát triển bất thường sau khi được bác sỹ kê đơn sử dụng thuốc loạn thần Risperdal của Johnson & Johnson. Nguyên đơn cáo buộc tập đoàn này đã không cảnh báo nguy cơ mắc bệnh Gynecomastia, một căn bệnh làm ngực to ra ở nam giới do sử dụng thuốc Risperdal.
Tin thể thao:
Giao hữu quốc tế: Tuyển Argentina đã hòa 2-2 với Đức tại Signal Iduna Park trong trận giao hữu vừa diễn ra. Lionel Messi đã vắng mặt ở trận đấu này vì án phạt treo giò sau khi anh có phát ngôn không đúng mực ở Copa America 2019. Sergio Aguero (Manchester City), Angel di Maria và Mauro Icardi (Paris Saint-Germain) cũng không góp mặt ở trận đấu trên. Đội tuyển Đức cũng thiếu vắng nhiều cầu thủ như Antonio Rudiger (Chelsea), Leon Goretzka (Bayern Munich), Leroy Sane (Manchester City) và Toni Kroos (Real Madrid). Tuy nhiên “Cỗ xe tăng” đã mở tỉ số ở ngay phút thứ 15 nhờ pha lập công của Serge Gnabry. Phút 22, cầu thủ 20 tuổi Kai Havertz nhân đôi cách biệt cho đội tuyển Đức. Tuy nhiên sang hiệp 2, Argentina đã ghi liền 2 bàn nhờ công của Lucas Alario và Lucas Ocampos để san bằng tỉ số.
Jose Mourinho muốn trở lại Premier League: Jose Mourinho đã bị MU sa thải vào tháng Mười hai năm ngoái và vẫn chưa quay trở lại công việc HLV. Theo truyền thông, Chủ tịch Lyon, Jean-Michel Aulas đã liên lạc với Jose Mourinho nhằm thuyết phục ông làm HLV của Lyon sau khi CLB này sa thải Sylvinho vào tháng này. Mặc dù vậy, Jose Mourinho đã từ chối sang Ligue 1 vì ông muốn trở lại hành nghề ở nước Anh, nơi mà gia đình của nhà cầm quân này đang sinh sống. Lyon được cho là đã chuyển hướng sang Laurent Blanc, cựu HLV của đội tuyển Pháp và PSG. Có thông tin cho rằng Jose Mourinho đã để mắt tới vị trí HLV của Tottenham sau khi tương lai của HLV Mauricio Pochettino bị hoài nghi.
Messi thú nhận sợ Neymar chuyển sang Real Madrid: Mới đây, Lionel Messi đã tiết lộ rằng anh lo ngại Neymar chuyển sang khoác áo Real Madrid, kình địch của Barcelona. Neymar rất muốn rời PSG trong mùa Hè vừa qua và cầu thủ người Brazil đã được liên hệ gia nhập Real Madrid cũng như Barcelona. Trong mùa Hè vừa qua, Barca rất muốn đưa Neymar trở lại Camp Nou. Tuy nhiên sau khi bỏ tiền mua Antoine Griezmann, đội bóng xứ Catalunya không còn khả năng tài chính để mua Neymar.
MU có thể đổi Pogba lấy bộ đôi của Juventus: Tuttosport loan tin MU có thể để Paul Pogba trở lại Juventus để đổi lại sự phục vụ của Emre Can và Mario Mandzukic trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Old Trafford đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và Ole Gunnar Solskjaer đối mặt sức ép khủng khiếp. Dù HLV người Na Uy được giữ lại hay bị sa thải thì khả năng cao là MU vẫn sẽ tăng cường lực lượng trong mùa Đông. Pogba không muốn cống hiến cho Quỷ Đỏ còn Juventus lại không đưa Mandzukic và Emre Can vào danh sách thi đấu ở Champions League. MU cần bổ sung cả tiền đạo lẫn tiền vệ trung tâm còn Juve vẫn luôn muốn đưa Pogba trở lại. Tuttosport cho rằng một cuộc trao đổi có thể diễn ra vào mùa Đông.
Ronaldo gọi điện thuyết phục Rakitic gia nhập Juventus: 245ata loan tin Cristiano Ronaldo đã gọi điện cho Ivan Rakitic thuyết phục tiền vệ người Croatia gia nhập Juventus. Rakitic không còn được đảm bảo một suất đá chính chắc chắn ở Barca sau khi đội vô địch Liga chiêu mộ De Jong từ Ajax. Ronaldo đã thuyết phục Rakitic nhận lời bằng cách nói thêm là không chỉ anh mà cả phòng thay đồ của Juve chào đón Rakitic. Vấn đề là Barca có thể đòi tới 50 triệu euro và Rakitic còn lưỡng lự vì Juve đã có nhiều tiền vệ trung tâm.
Tuyển Pháp mất “đại pháo” ở vòng loại EURO: ĐKVĐ World Cup sẽ không có sự phục vụ của tiền đạo hàng đầu thế giới Kylian Mbappe trong 2 trận vòng loại EURO 2020 gặp Iceland và Thổ Nhĩ Kỳ vào các ngày 12 và 15/10 do chưa hồi phục chấn thương. Mbappe mới trở lại ở trận thắng Bordeaux hồi cuối tháng 9 sau khi dính chấn thương gân khoeo nhưng sau đó anh lại vắng mặt trong trận PSG gặp Angers hôm 5/10. Dù được triệu tập vào danh sách tuyển Pháp nhưng sau khi kiểm tra y tế, LĐBĐ Pháp (FFF) đã cho phép Mbappe rời trại tập trung để trở về PSG điều trị và gọi chân sút 26 tuổi Alassane Plea của M'Gladbach thay thế.
Messi bỗng dưng "nhớ" Ronaldo: Trong cuộc phỏng vấn trên đài RAC1, siêu sao người Argentina cho biết anh tiếc nuối khi Ronaldo rời Real Madrid đến Juventus. Theo tiền đạo của Barca, CR7 là chất xúc tác giúp cho các trận Siêu kinh điển và cuộc đua vô địch La Liga trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra Messi (và cả Ronaldo) đều từng thừa nhận họ là động lực cho nhau vượt qua những giới hạn bản thân.
Old Trafford chưa đủ điều kiện tổ chức World Cup. Theo tiết lộ của tờ Mail, sân Old Trafford vẫn chưa đáp ứng một số tiêu chí hiện tại mà Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đưa ra. Cụ thể, phòng họp báo, khu vực mixed zone và phòng truyền thông của SVĐ này vẫn chưa đạt yêu cầu, trong khi các phòng thay đồ lại có diện tích quá nhỏ.
Cristiano Ronaldo đã nhiều lần ngậm đắng nuốt cay vì hệ thống video trợ giúp trọng tài (VAR) mùa này ngăn cản anh lập công. Dẫu vậy, siêu sao người Bồ Đào Nha của Juventus đang tiến sát đến một cột mốc săn bàn siêu đáng nể. Hiện với 698 bàn thắng, Ronaldo vẫn đang là chân sút dẫn đầu danh sách các chân sút có số lần ghi bàn nhiều nhất trong sự nghiệp, bỏ rất xa so với người xếp thứ 2 là đại kình địch của anh - Lionel Messi (672 bàn), hay những người gần nhất xếp sau bộ đôi này như Luis Suarez (463), Robert Lewandowski (443), Sergio Aguero (404), Edinson Cavani (396),... Ronaldo hoàn toàn có thể đạt và thậm chí vượt cột mốc ý nghĩa 700 bàn trong sự nghiệp khi cùng ĐT Bồ Đào Nha bước vào 2 trận đấu ở vòng loại Euro 2020 gặp Luxembourg (sân nhà) và Ukraine (sân khách) các ngày 12 và 15/10.
'Miếng bánh' Trung Đông giữa vòng vây của các cường quốc
Mạng tin TRT vừa có bài phân tích đánh giá Syria đang trở thành mặt trận chính nơi trật tự mới của Trung Đông định hình. Nói một cách khác, Syria đã biến thành “sân khấu” nơi các cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang đan xen với hàng loạt dự án chiến lược liên quan đến Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Theo giới phân tích, một hệ thống quốc tế với đặc trưng của nhiều nguồn sức mạnh sẽ mang lại một số lợi ích song cũng chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt trong nền tảng của trật tự thế giới đa cực. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn ở Trung Đông, nơi thế cân bằng quyền lực toàn cầu đang thay đổi với sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc thế giới và khu vực. Dù có vẻ cường điệu nhưng có thể nói Trung Đông đang nhanh chóng trở thành khu vực nơi xảy ra các cuộc xung đột quan trọng liên quan đến sự xuất hiện của một trật tự toàn cầu mới và cuộc đấu tranh đó đang diễn ra tại Syria.
Các động lực địa chính trị trong khu vực
Năm 2011, khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp khu vực, giới quan sát tại châu Âu và Bắc Mỹ từng nghĩ rằng làn sóng dân chủ hóa thời kỳ hậu Xô viết cuối cùng đã tấn công Trung Đông. Phương Tây coi đây là một cơ hội để định hình và củng cố lại các mối quan hệ của họ trong khu vực, trong khi Trung Quốc và Nga cũng không bỏ qua thời cơ để giành được chỗ đứng tại Trung Đông.
Cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran ở Trung Đông cung cấp một “lăng kính” mà qua đó chúng ta có thể định hình một khuôn khổ để thấu hiểu động lực địa chính trị hiện tại trong khu vực. Một mặt, Saudi Arabia và các đồng minh theo đuổi một dự án khu vực trên cơ sở tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh với Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của chiến lược này không chỉ đảm bảo sự tồn tại của chế độ mà còn thiết lập một nền tảng bá quyền khu vực.
Trong khi đó, Iran cũng theo đuổi một chương trình nghị sự của riêng mình, sử dụng những đồng minh có cùng tư tưởng giáo phái trên toàn khu vực để thúc đẩy mục tiêu của riêng mình. Trên cơ sở đó, Iran tiếp tục ủng hộ những nhà lãnh đạo như Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sự cạnh tranh giữa Saudi Arabia và Iran đã lý giải sự vận động hiện tại trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực Trung Đông còn chứng kiến một sự khác biệt căn bản trong mối tương quan quốc tế giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Trong những năm đầu sau kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ được hưởng những đặc quyền ở mức độ cao khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi và phổ biến trong khu vực. Tuy nhiên, sau gần 30 năm can thiệp vào khu vực này, những cuộc chiến tranh kéo dài và xu hướng thiên vị Israel đã khiến Mỹ bị suy giảm ảnh hưởng tại Trung Đông.
Về phần mình, Nga đang tìm cách duy trì và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực bằng cách tận dụng sức mạnh quân sự tương đối thay cho sức mạnh kinh tế. Sự quan tâm của Nga đối với Trung Đông vào thời điểm này, ngoài việc bảo vệ đồng minh của mình ở Syria, còn có thể là do những thách thức của hệ thống quốc tế sau Chiến tranh Lạnh, vốn do Mỹ thống trị. Cái gọi là Mùa xuân Arab đã tạo cho Nga cơ hội để cho thế giới thấy rằng họ vẫn còn là một thế lực đáng gờm và Moskva sẽ tiếp tục cố gắng xây dựng một trục ảnh hưởng khác trong khu vực.
Mặt khác, Trung Quốc đang tham gia vào một dự án dài hạn được thiết kế để khôi phục vị thế lịch sử mà Bắc Kinh luôn tự nhận là một cường quốc thế giới ưu việt. Cho dù sự tham gia hiện tại của Trung Quốc ở Trung Đông vẫn còn tương đối hạn chế, nhưng nó đã cho thấy những dấu hiệu gia tăng mối quan tâm vượt ra ngoài các lợi ích năng lượng mà khu vực này cung cấp cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điển hình, sau thông báo về sáng kiến “Vành đai và Con đường,” Trung Quốc đã giới thiệu văn kiện về Chính sách Arab đầu tiên vào năm 2016, trùng khớp với chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu vực Trung Đông, trong đó phác thảo cách tiếp cận lâu dài của Bắc Kinh trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc luôn tuyên bố theo đuổi một học thuyết “không can thiệp” và nó trở nên hấp dẫn các chính quyền khu vực vào thời điểm vấn đề chủ quyền và không can thiệp một lần nữa được tranh luận ở cấp độ quốc tế, với sự phân chia rõ ràng đang nổi lên giữa phương Tây và khối các cường quốc mới nổi.
Trong khi tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc đối với khu vực tập trung vào sáng kiến “Vành đai và Con đường,” sẽ là sai lầm khi đánh giá về sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực chỉ thông qua lăng kính kinh tế đơn thuần. Thực tế, ngay cả khi sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể thu hút các quốc gia trong khu vực tham gia, nó cũng không thể phát huy sức mạnh tối đa và được thực thi đầy đủ và suôn sẻ trong khi các cuộc xung đột cả chính trị và quân sự vẫn tiếp diễn trong khu vực.
“Thế giới thu nhỏ” Syria phản ánh một trật tự mới
Các sự kiện, như đã diễn ra ở Syria, đã cho thấy một hình ảnh Trung Đông thu nhỏ trong thập kỷ qua.
Yếu tố cạnh tranh giữa Saudi Arabia và Iran thể hiện rất rõ tại đây. Trong khi Saudi Arabia từng ủng hộ phe đối lập từ khi bắt đầu nổi dậy nhằm triệt tiêu ảnh hưởng của Iran trong chế độ Assad, nước này đã bắt đầu suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình khi cục diện chiến trường thay đổi và chính quyền Damascus dường như đang nắm nhiều lợi thế.
Dù vẫn duy trì lập trường nhất quán về việc chống lại ảnh hưởng của Iran, Saudi Arabia và đồng minh Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã tìm cách nối lại quan hệ với Damascus để bảo đảm duy trì tầm ảnh hưởng khi chiến tranh kết thúc và quá trình tái thiết bắt đầu.
Đối với Nga, sự can thiệp vào Syria của họ thể hiện cách tiếp cận chính sách đối ngoại mới của Moskva đối với Trung Đông. Cuộc chiến ở Syria trở thành phương tiện để Moskva không chỉ bảo đảm lợi ích chiến lược và tăng cường ảnh hưởng trong ngắn hạn mà còn là cách để tiếp tục dự án dài hạn hơn về giảm sức ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực, đồng thời sử dụng mặt trận Syria như giai đoạn một của cuộc cạnh tranh chính trị và ý thức hệ với Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ được cho là ít quan tâm chiến lược hơn với Trung Đông so với trước đây, chủ yếu là vì Washington không còn phụ thuộc vào khu vực này để duy trì an ninh năng lượng. Vị trí ngày càng mơ hồ của Mỹ đối với các vấn đề khu vực được phản ánh trong cách tiếp cận của quốc gia này đối với Syria, nơi các mục tiêu của Washington bị giới hạn trong chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran. Sự hiện diện của Mỹ ở Syria đã gửi một tín hiệu cho cả Nga và Trung Quốc rằng mặc dù họ không tham gia mạnh mẽ như trước đây, nhưng Washington không bao giờ sẵn sàng nhường lại vị trí của mình trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chính thức duy trì tính trung lập đối với cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, khi chiến tranh gần kết thúc, Bắc Kinh sẽ có vị trí tốt để trở thành một nhân tố chính trong quá trình tái thiết Syria. Bắc Kinh chắc chắn sẽ giữ một vị trí quan trọng trong việc tái thiết Syria nhờ nguồn vốn dồi dào của mình. Hiện tại, Trung Quốc đã và đang tìm kiếm các khoản đầu tư vào cảng Tripoli tại Liban và có thể hồi sinh tuyến đường từ cảng này nối tới thành phố Homs như một công cụ để tiếp cận thị trường Syria khi quá trình tái thiết đất nước bắt đầu.
Tóm lại, sự đa chiều đã trở thành đặc trưng của cuộc xung đột Syria, với các mức độ can thiệp và phân nhánh nhiều tầng lớp, đóng vai trò như một thế giới thu nhỏ tại Trung Đông. Các dự án khu vực và quốc tế đan xen tại Syria, dù tốt hơn hay xấu đi, đều có khả năng sẽ tiếp tục định hình động lực kinh tế và chính trị của khu vực trong thời gian tới.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 10/10/2019 là 1 AUD = 0.671 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 10/10/2019 là 1 AUD = 15,601 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–21 độ.
Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–23 độ.
Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–18 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, buổi chiều có mưa rào ở khu vực phía Bắc và phía Đông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–19 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào