Chương trình Thời sự thứ Năm, 09/01/2020

Cẩm Nhung | 09/01/2020 | 865 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Chính quyền bang hỗ trợ cho các nông dân bị ảnh hưởng bởi cháy rừng

- Victoria: Công bố những tên gọi được cha mẹ đặt cho con cái nhiều nhất trong năm 2019

- Docklands: Bến tàu nguy hiểm Central Pier sẽ bị đóng cửa vô thời hạn

- Victoria: Tiểu bang sẽ giới thiệu một môn toán mới cho học sinh lớp 12

- Tin Úc: 2019 là năm tồi tệ nhất về doanh số bán xe hơi mới kể từ năm 2011

- Tin Úc: Những người hảo tâm nên cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mạo danh từ thiện

- Tin Úc: Số lượng việc làm tuyển dụng gia tăng trong ba tháng tính đến tháng Mười một 2019

- Tin Úc: Châu Đại Dương dịch chuyển về phía Bắc khoảng 1.8 mét

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 8/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chính thức khánh thành dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga, qua Thổ Nhĩ Kỳ, tới miền Nam châu Âu, có tên gọi là TurkStream. Hai ông Putin và Erdogan, cùng các lãnh đạo Serbia và Bulgaria, đã tham dự lễ khánh thành dự án tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu tại buổi lễ, ông Putin nhấn mạnh hệ thống đường ống dẫn này tượng trưng cho sự "tương tác và hợp tác" vì lợi ích của người dân hai nước và người dân toàn châu Âu cũng như thế giới. Trước đó, hôm 5/1, công ty khí đốt Bulgartransgaz cho biết Nga đã bắt đầu vận chuyển khí đốt thông qua hệ thống đường ống dẫn này.

Ngày 8/1, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu liên quan đến vụ tấn công của Iran nhằm vào hai căn cứ có binh sỹ Mỹ đồn trú tại Iraq. Mở đầu bài phát biểu, ông Trump nhấn mạnh chừng nào ông còn là Tổng thống, Iran sẽ không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông cho biết không có binh sỹ Mỹ nào bị thương trong vụ tấn công nói trên và không có thiệt hại gì quá nghiêm trọng và khẳng định lực lượng Mỹ đã chuẩn bị cho mọi tình huống. Tổng thống Trump chỉ trích Iran là nước đi đầu trong việc tài trợ khủng bố, phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Trump cũng chỉ trích Tướng Qasem Soleimani, người bị Mỹ sát hại trong vụ không kích hôm 3/1 bên ngoài sân bay Baghdad, là người "huấn luyện khủng bố." Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran. Ông Trump cũng nói rằng các quốc gia còn lại trong nhóm P5+1 phải thừa nhận rằng thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA đã thất bại và việc rút khỏi thỏa thuận là cần thiết. Ông chủ Nhà Trắng còn kêu gọi NATO cần phải can dự nhiều hơn vào tình hình Trung Đông.

Trong ngày 9/1 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết nhằm ngăn Tổng thống Donald Trump phát động chiến tranh với Iran. Theo Đạo luật quyền lực chiến tranh của Mỹ ra đời năm 1973, chính phủ cần thông báo cho quốc hội về những hành động quân sự lớn, tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn cho rằng việc ông chỉ thị cuộc không kích tại sân bay Iraq khiến tương Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng – mà không thông báo hay tham vấn quốc hội - là hợp pháp. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết Hạ viện sẽ bỏ phiếu nhằm hạn chế khả năng Tổng thống Trump phát động chiến tranh chống Iran. Tuy nhiên, tại Thượng viện Mỹ - nơi các nghị sỹ Cộng hòa chiếm đa số, nghị quyết sẽ khó được thông qua.

Một máy bay Boeing 737 của Ukraine chở theo 180 người rơi sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Imam Khomeini tại thủ đô Tehran của Iran. Bộ Ngoại giao Ukraine xác nhận tất cả hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Theo Reuters, số hành khách có mặt trên chuyến bay gặp nạn là 170 người. Phi hành đoàn trên chiếc Boeing 737 gồm 10 người. Vụ việc xảy ra chỉ vài tiếng sau khi Iran phóng ít nhất 13 tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ Iraq có quân đội Mỹ đồn trú. Động thái nhằm trả đũa vụ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds, nhánh chịu trách nhiệm hoạt động quân sự và tình báo nước ngoài cho Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), xảy ra vào ngày 3/1. Đại sứ quán Ukraine tại Iran cho biết nguyên nhân vụ máy bay chở khách của Hàng không quốc tế Ukraine rơi là do lỗi động cơ, không phải do tấn công tên lửa hay khủng bố. Hiện Đại sứ quán Ukraine tại Iran đang tiếp tục cập nhật tình hình và lên danh sách các nạn nhân sớm nhất có thể.

Ngày 8/1, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Mỹ và Iran ưu tiên cho giải pháp ngoại giao và giảm căng thẳng, đồng thời cảnh báo rằng các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau sẽ dẫn tới một chu kỳ bất ổn mới tại khu vực. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tại Istanbul. Phát biểu tại lễ khánh thành đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ," ông Erdogan nhận định những căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã chạm tới ngưỡng nguy hiểm và Ankara không muốn khu vực này biến thành một vùng chiến sự. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình tại khu vực Trung Đông trở nên căng thẳng cao độ khi Mỹ và Iran có các hoạt động quân sự trả đũa nhằm vào các mục tiêu của nhau trên lãnh thổ Iraq.

Ngày 8/1, Tổng thống tạm quyền Iraq Barham Saleh đã lên án các vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào căn cứ quân sự của Iraq, nơi có binh lính Mỹ đồn trú, trong động thái của Tehran nhằm đáp trả Mỹ sau vụ không kích ngày 3/1 nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad khiến Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng. Văn phòng Tổng thống Saleh ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi lên án các vụ tấn công bằng tên lửa của Iran trúng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iraq và nhắc lại sự phản đối của chúng tôi trước những hành động liên tiếp vi phạm chủ quyền quốc gia và biến Iraq thành chiến sự của các bên." Trước đó, giới chức Iraq cũng đã lên án vụ không kích của Mỹ tại Baghdad ngày 3/1 là "hành động vi phạm chủ quyền Iraq."

Theo Reuters, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/1 đã cảnh báo đất nước của ông sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ ai tấn công Israel, trong khi đã nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc Mỹ giết hại tướng quân sự Iran Qasem Soleimani hồi tuần trước. Phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami ngày 8/1 tuyên bố Tehran chắc chắn sẽ đáp trả tương xứng nếu Mỹ có hành động trả đũa mới sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ của Washington ở Iraq. Trước đó, Tổng thống nước này Hassan Rouhani đã cảnh báo Mỹ rằng Washington có thể "chặt đứt cánh tay" của Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), nhưng Tehran cũng sẽ chặt đứt "chân rết" của Mỹ trong khu vực để trả đũa.

Ngày 8/1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai trước Nhà vua Felipe VI, trở thành người đầu tiên đứng đầu một chính phủ liên minh tại nước này kể từ năm 1975. Ông Sanchez nhậm chức một ngày sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tại Quốc hội, qua đó chấm dứt thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua. Ông sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số, trong một liên minh với đảng cực tả Podemos. Các nguồn tin đảng Xã hội cho biết Thủ tướng Sanchez sẽ tập trung vào việc củng cố chính phủ mới, và dự kiến sẽ thông báo đường hướng nhiệm kỳ mới vào tuần tới.

Chính phủ Hàn Quốc đang xác định nhu cầu hỗ trợ trang bị quân sự để kịp thời bảo hộ và sơ tán công dân của nước mình khỏi Iraq trong tình huống khẩn cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 1.570 lao động Hàn Quốc đang làm việc tại Iraq, chủ yếu tại các dự án xây dựng như: nhà máy lọc dầu Karbala và khu đô thị mới Pasmaya. Cả hai công trình này đều nằm ở miền Trung Iraq, cách xa tỉnh Erbil và căn cứ Ain Assad, nơi vừa hứng chịu các đợt tấn công bằng tên lửa của Iran. Bộ Quốc phòng nước này cho biết đang theo dõi và chia sẻ thông tin với Bộ Quốc phòng Mỹ về vụ Iran bắn tên lửa tấn công căn cứ không quân Ain Assad tại Iraq, nơi có binh sỹ thuộc liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đồn trú.

Tòa án xét xử nhanh ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã ấn định ngày xử tử 4 hung thủ trong vụ cưỡng hiếp tập thể và sát hại nữ sinh trên xe bus. Vụ việc xảy ra vào 7 năm trước này từng gây chấn động Ấn Độ. Bốn bị cáo dự kiến bị treo cổ vào 7h ngày 22/1/2020 tại nhà tù Tihar. Tại phiên tòa, công tố viên đã thúc giục tòa án xúc tiến việc tử hình nhóm hung thủ, cho rằng việc những tên này chưa nộp đơn kháng cáo là một chiến thuật nhằm trì hoãn án tử. Bốn bị cáo bị tòa tuyên án tử hình vào năm 2013 sau khi tấn công một nữ sinh và bạn trai của cô trên xe bus ở thủ đô New Delhi. Bọn chúng đã cưỡng hiếp tập thể nữ sinh 23 tuổi, sau đó bỏ lại cô bên đường. Nữ sinh này qua đời 13 ngày sau đó vì bị chấn thương nặng. Sự việc đã làm dấy lên làn sóng biểu tình trên khắp Ấn Độ, khiến dư luận quốc tế phẫn nộ và buộc Chính phủ nước này phải thông qua luật chống cưỡng hiếp mới với mức phạt nặng hơn.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, khói mù từ những đám cháy rừng ở Australia đã lan sang các quốc gia Nam Mỹ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, các đám mây mù do khói cháy rừng đã xuất hiện ở Chile, Brazil và Argentina. Điều này đồng nghĩa khói mù từ Australia bốc lên cao khoảng 6.000m và đã bay xa hơn 11.000km tới Nam Mỹ. Trong khi đó, nhà chức trách Australia khuyến cáo người dân chuẩn bị cho một đợt sơ tán mới. Khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh nền nhiệt ở khu vực Đông Nam nước Úc bắt đầu tăng sau khi giảm nhẹ trong vài ngày qua, và các đám cháy rừng có nguy cơ bùng phát trở lại.

Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây đã công bố một báo cáo xếp hạng các chế độ ăn kiêng tốt nhất trên thế giới năm 2020. Theo bảng xếp hạng, chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải đã giành ngôi vị quán quân năm thứ 3 liên tiếp. Tờ U.S. News dẫn nguồn báo cáo cho biết, chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải đứng đầu ở nhiều hạng mục như: chế độ ăn kiêng tốt nhất cho sức khỏe, dễ thực hiện và tốt cho người tiểu đường. Chế độ ăn này giàu trái cây, rau củ, các loại hạt, hải sản và dầu ô liu, tuy nhiên hạn chế về thịt đỏ, đường và chất béo bão hòa. Xếp sau Địa Trung Hải là chế độ DASH và chế độ ăn chay bán phần. Đây là chế độ ăn kết hợp ngũ cốc, trái cây, hải sản, trứng, sữa và lượng nhỏ thịt.

Tin thể thao:

Bán kết Cúp Liên đoàn Anh: Leicester đã hòa 1-1 trước CLB Aston Villa ở lượt đi Bán kết Cúp Liên đoàn Anh mùa này. Frederic Guilbert đã bất ngờ mở tỉ số cho Aston Villa ở phút 28 của trận đấu. Phải đến phút 74, Kelechi Iheanacho mới san bằng tỉ số 1-1 cho Leicester. Sau 90 phút thi đấu, hai đội hòa nhau với tỉ số 1-1. Trận lượt về sẽ diễn ra vào ngày 28/1 tới trên sân Villa Park. Đội thắng trong cặp đấu trên sẽ lọt vào Chung kết và gặp đội thắng trong cặp đấu giữa MU và Man City.

Real Madrid vào Chung kết Siêu Cúp Tây Ban Nha: Vào sáng 9/1, Real Madrid đã giành chiến thắng 3-1 trước Valencia để giành vé vào Chung kết Siêu Cúp Tây Ban Nha. Đội bóng của HLV Zidane dẫn trước 3-0 sau 65 phút thi đấu. Trong đó, Toni Kroos mở tỉ số ở phút thứ 15 của trận đấu. Isco nhân đôi cách biệt cho đội bóng chủ sân Bernabeu ở phút thứ 39. Luka Modric ghi bàn nâng tỉ số lên 3-0 ở phút 65. Dani Parejo ghi bàn trên chấm 11m giúp Valencia rút ngắn tỉ số xuống 1-3 ở phút 90+2’. Tuy nhiên đây cũng là tất cả những gì mà “Bầy dơi” có thể làm được. Real Madrid đã đoạt vé vào Chung kết với tỉ số chung cuộc là 3-1. Đối thủ tiếp theo của họ là đội thắng trong cặp đấu giữa Barcelona và Atletico Madrid.

PSG - St. Etienne, Cúp Liên đoàn Pháp: Đội bóng thành Paris quyết tâm hướng đến chiến thắng để tiếp đà cho một mùa giải thắng lợi. Chỉ cần 2 phút bóng lăn để PSG có bàn mở tỷ số, nhờ công của Mauro Icardi. Và nó đã mở ra một bữa tiệc bàn thắng trên sân Công viên các hoàng tử. Trước khi hiệp 1 khép lại, PSG dẫn trước tới 3-0. Sau giờ nghỉ, PSG không hề giảm nhịp độ tấn công ghi thêm 3 bàn nữa. St. Etienne chỉ có một bàn gỡ nhờ công của Cabaye 71'. Chung cuộc, PSG đại thắng St. Etienne 6-1, qua đó ghi danh vào vòng tiếp theo.

U23 Iraq - U23 Australia, bảng A vòng bảng U23 châu Á 2020: Xét về thực lực, cả U23 Iraq lẫn U23 Australia đều được đánh giá là ngang cơ. Và thế trận trong 45 phút đầu tiên cho thấy sự ngang ngửa ấy. Tạo ra nhiều cơ hội nhưng không thể tận dụng, hai đội chấp nhận hòa 0-0 sau hiệp đầu tiên. Sau giờ nghỉ, U23 Australia vẫn là đội chiếm thế chủ động. Và rồi sau nhiều nỗ lực, thì đội bóng áo vàng cũng có bàn khai thông thế bế tắc, sau cú đá phạt siêu phẩm của Reno Piscopo. Nhưng những phút sau đó, U23 Australia lại để mất thế trận vào tay U23 Iraq. Và hệ quả là tiền đạo vào thay người Mohammed Nassif gỡ hòa bằng một cú cứa lòng vô cùng đẳng cấp. Những phút còn lại, hai đội tạo ra nhiều cơ hội nhưng không tận dụng được. Chung cuộc, U23 Iraq và U23 Australia hòa nhau 1-1 ở lượt trận ra quân. Cả hai sẽ phải nỗ lực hơn nữa ở hai trận đấu còn lại của vòng bảng. Trong khi đó, U23 Thái Lan đã có sự khởi đầu thuận lợi khi có chiến thắng 5-0 trước U23 Bahrain ở trận ra quân bảng A. Chiến thắng này chắc chắn sẽ tạo ra sự tự tin rất lớn cho U23 Thái Lan trước khi bước vào trận đấu với U23 Australia ở lượt trận thứ 2 bảng A.

Steven Gerrard nhận giải HLV xuất sắc nhất tháng 12/2019: HLV Steven Gerrard vừa nhận giải HLV xuất sắc nhất tháng 12/2019 của giải VĐQG Scotland. Dưới sự dẫn dắt của cựu cầu thủ Liverpool, Rangers đã có thành tích 5 thắng, 1 hòa và ghi được 15 bàn thắng trong tháng 12/2019. Điều đáng nói là 4/6 trận đấu kể trên, thầy trò Gerrard phải thi đấu trên sân khách.

HLV bị đình chỉ công việc vì lộ clip "nhạy cảm": Mới đây Malaga - CLB chơi ở giải hạng Nhất TBN đã thông báo tạm thời đình chỉ cộng việc với HLV trưởng Victor Sanchez. Trước đó, có một clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh Victor Sanchez mặc áo có logo Malaga và thực hiện hành vi không đúng mực lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến uy tín đội bóng này.

MU muốn chiêu mộ Van de Beek vào tháng Giêng: Theo ESPN, HLV Ole Gunnar Solskjaer muốn MU chiêu mộ Van de Beek trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng để tăng cường hàng tiền vệ cho MU. Khả năng MU chiêu mộ được Van de Beek là rất cao do Ajax đã không vượt qua được vòng bảng Champions League mùa này. Tiền vệ 22 tuổi người Hà Lan này là nhân tố quan trọng giúp Ajax vào đến Bán kết Champions League mùa trước. Van de Beek được định giá 50 triệu bảng bởi đội bóng của Hà Lan. Cầu thủ người Hà Lan đã ghi được 8 bàn trong 26 lần ra sân cho Ajax mùa này. Ngoài Van de Beek, MU còn quan tâm tới Hakim Ziyech, cầu thủ chạy cánh của Ajax.

MU muốn có Arturo Vidal: MU muốn đàm phán với đại diện của Arturo Vidal để tìm cách chiêu mộ tiền vệ 32 tuổi của Barca. Vidal cảm thấy cơ hội đá chính ở Barca đang ít dần và muốn ra đi tìm bến đỗ mới. MU lại đang cần một tiền vệ trung tâm giàu kinh nghiệm ngay mùa Đông này do cả Pogba lẫn Scott McTominay chấn thương và phải nghỉ đấu kéo dài. Đại diện của Vidal Fernando Felicevich đang ở Italy, hi vọng có thể tìm được CLB phù hợp cho thân chủ của mình. Ngoài MU, Inter Milan cũng được liên hệ với Vidal.

Mourinho nhắm mua tiền đạo 80 triệu cho Tottenham: Chấn thương nghiêm trọng của Harry Kane khiến Jose Mourinho tính tới phương án chiêu mộ chân sút người Bờ Biển Ngà của Crystal Palace Zaha cho Tottenham. Giá thị trường của Zaha khoảng 80 triệu bảng. Mourinho mới nhậm chức HLV Tottenham thay ông Pochettino nên kế hoạch mua sắm của ông được Chủ tịch Daniel Levy của đội bóng này ủng hộ. Trong khi đó, Zaha muốn rời Palace để chơi cho một đội bóng có cơ hội đá ở Champions League. Spurs đáp ứng được mong muốn của chân sút Bờ Biển Ngà. Vụ chuyển nhượng hoàn toàn có thể diễn ra.

Aston Villa hỏi mua tiền đạo Milan 30 triệu: Theo tin từ Italy, Aston Villa chính thức hỏi mua tiền đạo người Ba Lan của AC Milan Krzysztof Piatek với giá 30 triệu euro. Milan mua Krzysztof Piatek từ Genoa với giá 35 triệu euro trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2018 và giờ được cho là sẵn sàng bán anh nếu nhận được đề nghị gần với con số đó. Sau khởi đầu khá tốt dưới triều đại Gattuso, Krzysztof Piatek sa sút không phanh dưới thời Giampaolo và vẫn chơi rất tệ dưới thời Stefano Pioli. Milan đã chiêu mộ Ibrahimovic nên càng không định giữ lại chân sút của tuyển Ba Lan này.

Gần 70 năm thù địch Mỹ - Iran

Đối với nhiều người Iran, "tội lỗi" đầu tiên của Mỹ là cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohammad Mossadegh năm 1953.

Mossadegh đã đưa ra một số cải cách và được nhiều người dân Iran tín nhiệm. Tuy nhiên, việc ông quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ Iran năm 1951 là một bước đi quá xa đối với người Anh, bên kiểm soát dầu của Iran trong nhiều năm qua Công ty Dầu mỏ Anglo-Iranian (ngày nay là British Petroleum). Tình báo Mỹ và Anh kết hợp kích động cuộc đảo chính năm 1953 và sau đó dựng lên chính quyền thân Mỹ do Vua Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu. Mossadegh bị quản thúc tại gia trong suốt phần đời còn lại.

Năm 1979, hàng triệu người Iran đứng lên chống lại Vua Mohammad Reza Pahlavi, người bị coi là tham nhũng và độc tài, trong Cách mạng Hồi giáo Iran. Vua Pahlavi bị phế truất tháng 2/1979.

Lãnh đạo Hồi giáo giáo Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sống lưu vong trong khi chỉ đạo các cuộc biểu tình chống lại Vua Pahlavi, trở lại Iran tháng 2/1979. Sau một cuộc trưng cầu dân ý, Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập ngày 1/4/1979, đánh dấu sự chuyển mình từ quốc gia quân chủ bù nhìn thân phương Tây sang quốc gia thần quyền (lãnh đạo được cho là có kết nối trực tiếp với thần thánh của nền văn hóa) chống phương Tây.

Phản đối Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho phép Vua Pahlavi đến Mỹ chữa bệnh, sinh viên Iran tháng 11/1979 xông vào chiếm đại sứ quán Mỹ tại Tehran, giữ 52 con tin trong 444 ngày (ban đầu Iran giữ 66 con tin nhưng thả dần một số người sau đó). Các con tin được trả tự do vào 20/1/1981, cùng ngày Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức. Khủng hoảng con tin được coi là lý do hàng đầu khiến Carter không đắc cử nhiệm kỳ hai và cũng là lý do Mỹ - Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1980.

Năm 1980 - 1988, Mỹ hỗ trợ lãnh đạo Iraq Saddam Hussein trong cuộc chiến chống Iran. Các tài liệu CIA giải mật vào năm 2013 cho thấy tình báo Mỹ đã cung cấp vị trí của quân Iran cho Iraq.

Năm 1983, một kẻ đánh bom tự sát tấn công doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ tại Beirut, Lebanon, giết 241 quân nhân Mỹ. Washington cáo buộc Hezbollah, nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn, thực hiện.

Năm 1988, tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn hạ máy bay chở khách Iran Air Flight 655, khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Vụ tấn công xảy ra khi các tàu Mỹ và Iran chạm trán ở vịnh Ba Tư. Chính phủ Mỹ tuyên bố đây là tai nạn trong khi chính quyền Iran cho rằng đây là hành vi có chủ đích.

Quan hệ song phương tiếp tục xấu đi khi Tổng thống George W. Bush gọi Iran là một phần của "trục ma quỷ", cùng với Iraq và Triều Tiên trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang năm 2002. Ông cho rằng những nước này đe dọa hòa bình thế giới bằng cách theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, cung cấp vũ khí cho khủng bố.

Trong khi đó, Tổng thống Iran cánh hữu Mahmoud Ahmadinejad, người đắc cử năm 2005, khiến Washington lo ngại khi tuyên bố Israel, đồng minh chủ chốt của Mỹ, phải bị "xóa sổ khỏi bản đồ".

Năm 2002, một nhóm đối lập Iran tiết lộ Iran phát triển các cơ sở hạt nhân bao gồm nhà máy làm giàu uranium. Mỹ cáo buộc Iran bí mật theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân nhưng Iran bác bỏ. Mỹ và các nước thực hiện những nỗ lực ngoại giao với Iran để yêu cầu họ từ bỏ hạt nhân nhưng không đạt được thành công. Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU ra nhiều vòng trừng phạt nặng nề đối với chính quyền Mahmoud Ahmadinejad khiến kinh tế Iran tổn thất nặng nề, tiền tệ Iran mất 2/3 giá trong hai năm.

Tháng 9/2013, một tháng sau khi Tổng thống Iran theo chủ trương ôn hòa Hassan Rouhani nhậm chức, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama điện đàm, đánh dấu cuộc trò chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo đứng đầu hai nước trong hơn 30 năm.

Năm 2015, sau một loạt hoạt động ngoại giao, Iran và các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức đạt được thỏa thuận hạt nhân. Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra, đổi lại, họ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, quan hệ song phương lại xấu đi kể từ khi Trump lên nắm quyền. Trump ngày 8/5/2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đánh giá đây là "thỏa thuận tệ nhất mọi thời đại". Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt, khiến kinh tế Iran rơi vào suy thoái.

Giới chuyên gia cho rằng Trump luôn coi Iran là "cái gai trong mắt". Ông không chỉ muốn kiềm chế sức mạnh của Iran mà còn muốn cắt giảm sự hiện diện của họ ở Trung Đông, phong tỏa ảnh hưởng của họ bên ngoài biên giới, tước bỏ những vũ khí chiến lược của Tehran và thậm chí còn ám chỉ tới việc thay đổi chế độ ở quốc gia này.

Tháng 5/2019, Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào xuất khẩu dầu của Iran. Iran sau đó bắt đầu chiến dịch chống lại áp lực. Trong hai tháng sau, 6 tàu dầu bị phá hoại ở vịnh Oman. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các cuộc tấn công.

Ngày 20/6, Iran bắn hạ một máy bay không người lái Mỹ trên eo biển Hormuz. Mỹ nói rằng máy bay hoạt động trên vùng biển quốc tế trong khi Iran cho rằng nó đã vào không phận của mình. Iran bắt đầu từ bỏ các cam kết chính trong thỏa thuận hạt nhân từ tháng 7/2019.

Giới phân tích đánh giá Iran tiến hành các động thái cứng rắn nhằm thể hiện họ đã hết kiên nhẫn. Họ muốn đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao, khiến các nước khác lo lắng và phải can thiệp để kiềm chế Mỹ. Mục tiêu của Tehran là buộc Washington chấm dứt chiến dịch gây áp lực tối đa và trở lại với thỏa thuận hạt nhân.

Cuối tháng 12/2019, một cuộc tấn công rocket khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng tại căn cứ ở Kirkuk, đông bắc Iraq. Mỹ cáo buộc Kataeb Hezbollah, dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn, đứng sau vụ này và trả đũa bằng cuộc không kích giết hàng chục chiến binh. Những người ủng hộ dân quân Iraq sau đó biểu tình tại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31/12/2019 và 1/1/2020, khiến Mỹ phải điều thêm khoảng 100 lính thủy đánh bộ đến bảo vệ sứ quán.

Trump cáo buộc Iran xúi giục biểu tình tại sứ quán và đe dọa Tehran sẽ phải "trả giá lớn" trong dòng tweet ngày 31/12. Ngày 3/1, Mỹ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bên ngoài sân bay Baghdad. Washington nói rằng họ tấn công để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào Mỹ trong khi Iran gọi đây là "hành vi khủng bố quốc tế" và thề sẽ trả thù.

IRGC ngày 8/1 phóng 22 tên lửa vào các căn cứ của lực lượng Mỹ và liên quân tại Iraq. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng vụ tập kích là "cái tát vào mặt" Mỹ, đồng thời tuyên bố Tehran xem Washington là kẻ thù. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định Tehran đã "hoàn thành" trả đũa và "không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi cuộc xâm lược".

Ngày 8/1, Trump cho biết đòn tập kích tên lửa của Iran không gây thiệt hại đáng kể và Washington sẵn sàng tìm kiếm hòa bình với Tehran. Ông cho biết Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Iran.

Phát biểu của Trump và Ngoại trưởng Iran được coi là đấu hiệu xuống thang căng thẳng. "Trump không muốn một cuộc chiến không hồi kết", Thượng nghị sĩ Rand Paul viết trên Twitter. "Tôi hy vọng tình hình sẽ tiếp tục xuống thang và có thêm các nỗ lực ngoại giao.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 09/01/2020 là 1 AUD = 0.687 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 09/01/2020 là 1 AUD = 15,943 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 28 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 20–23 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–31 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, khu vực phía Tây có khói bụi, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–29 độ.

Tại Melbourne, buổi sáng trời nắng, trong ngày có khói bụi, chiều tối có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-45 km/h. Nhiệt độ dao động từ 22–33 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này