Chương trình Thời sự thứ Năm, 06/12/2018

| 06/12/2018 | 480 Lượt nghe


Tin nước Úc:

- Victoria: Ông Michael O’Brien hiện là ứng viên hàng đầu cho vị trí thủ lĩnh đảng Tự do bang Victoria
- Balaclava: Cãi vã trong quán rượu, hai người đàn ông bị hành hung nghiêm trọng
- Victoria: Nghe lời giải thích của kẻ giết người, gia đình nạn nhân tức giận rời khỏi tòa án
- Tin Úc: Tôn vinh tình nguyện viên Úc nhân Ngày Tình nguyện Quốc tế
- Tin Úc: Nữ tài tử Nicole Kidman kêu gọi khán giả bỏ qua các bộ phim bom tấn tại Giải thưởng
- Tin Úc: Chính Phủ Úc hưởng ứng Ngày Quốc tế Người khuyết tật
- Melbourne: Cấy ghép xương hàm thành công cho một bệnh nhân nhờ công nghệ in 3D
- Victoria: Đảng Tự do tuyên bố giành chiến thắng tại đơn vị bầu cử Benambra
- Tin Úc: Đảng Tự do thay đổi nội quy về việc cách chức thủ lĩnh của đảng này
- Darebin: HĐTP sẽ ngừng hỗ trợ tài chính cho các tổ chức vận hành máy đánh bạc tự động
- Melbourne: Bà Mia Shaw đã được bầu làm tân Thị trưởng Hội đồng Thành phố Wyndham
- Số nhà đang được chào bán ở Sydney đã tăng vọt đến mức cao nhất kể từ năm 2009
- Tin Úc: 82% người Úc ủng hộ sự đóng góp của người nhập cư đối với nước Úc
- Victoria: Nhiều khu vực ở Victoria sẽ có nhiệt độ lên đến gần 40 độ C vào ngày 7/12
- Tin vắn

Tin Thế giới:

Ngày 5/12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết phản đối vũ khí hạt nhân do Nhật Bản đề xuất với sự đồng thuận cao. Trong suốt 25 năm qua, Nhật Bản đã liên tục đưa ra những đề xuất tương tự nhằm kêu gọi các nước từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nghị quyết lần này nhận được sự ủng hộ của 162 nước, trong khi 4 nước phản đối gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nga và Syria. 23 nước bỏ phiếu trắng, trong đó có Mỹ, một đồng minh quan trọng của Nhật Bản. Cùng ngày, ĐHĐ LHQ cũng thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà đến nay đã có 69 nước ký thông qua và 19 nước phê chuẩn. Để có hiệu lực, hiệp ước này cần phải có 50 nước phê chuẩn.

Ngày 5/12, Hải quân Mỹ đã điều một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell tới gần khu vực tranh chấp trên Biển Nhật Bản. Theo thông báo, tàu chiến Mỹ đã thực hiện "Chiến dịch Tự do hàng hải." Theo Trung úy Rachel McMarr, một người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, chiến dịch tự do hàng hải không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, mà chỉ nhằm thực thi quyền đi lại tự do tại các vùng biển quốc tế. Quan chức hải quân Mỹ này nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Washington tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở khu vực này kể từ năm 1987.

Ngày 5/12, ông John Burroughs, Giám đốc Văn phòng Hiệp hội luật sự quốc tế phản đối vũ khí hạt nhân thuộc Liên hợp quốc, cho rằng "tối hậu thư" của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trong vòng 2 tháng tới, nếu được thực hiện, sẽ đe dọa sự tồn vong của toàn bộ thỏa thuận tương tự, trong đó có Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Tuy nhiên, ông Burroughs nhấn mạnh Washington và Moskva vẫn còn thời gian để tiến hành đối thoại nhằm cứu vãn hiệp ước, bởi quyết định của Mỹ rút khỏi INF sẽ chỉ có hiệu lực 6 tháng sau thời hạn "tối hậu thư." Ngoài ra, ông Burroughs khuyến cáo điều thực sự quan trọng là tạo ra một tiến trình đa phương nhằm dần cắt giảm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, mặc dù việc thiết lập một cơ chế như vậy thậm chí sẽ mang tính thách thức hơn.

Phiến quân Boko Haram tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá tại vùng Đông Bắc Nigeria. Trong loạt vụ tấn công mới nhất tính đến ngày 5/12, chúng đã nhắm vào các căn cứ quân sự tại đây, gây nhiều thương vong. Các chiến binh thuộc nhóm Hồi giáo ở Tây Phi (ISWAP), một chi nhánh của Boko Haram liên kết với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, đã tấn công một căn cứ quân sự ở Gudumbali, gần hồ Chad. Nguồn tin quân đội cho biết giao tranh dữ dội đã xảy ra tại đây. Các binh lính Nigeria đã đẩy lùi những kẻ tấn công, nhưng có hai binh sĩ bị thương.

Kết quả một cuộc khảo sát do Realmeter công bố ngày 6/12
cho thấy hơn 6 trên 10 người Hàn Quốc ủng hộ chuyến thăm có thể diễn ra của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Seoul với hy vọng về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Tại tất cả các khu vực và các nhóm tuổi, số người ủng hộ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn cao hơn số người phản đối. Tuy nhiên, những người ủng hộ đối với đảng đối lập chính Hàn Quốc Tự do và đảng đối lập thiểu số Bareunmirae, cùng với các cử tri bảo thủ, cho thấy những phản ứng tiêu cực hơn về chuyến thăm này. Khả năng chuyến thăm này diễn ra trong năm 2018 vẫn mong manh do các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa của Triều Tiên với Mỹ đạt ít tiến triển.

Truyền thông Nhật Bản dẫn các nguồn tin chính phủ nước này
cho biết một binh sỹ Mỹ đã được cứu sống sau vụ 2 máy bay quân sự va chạm và rơi ở vùng biển ngoài khơi Nhật Bản rạng sáng 6/12. Theo thông báo, tại thời điểm xảy ra tai nạn, trên máy bay FA-18 có 2 binh sỹ và máy may vận tải KC-130 có 5 binh sỹ. Quân đoàn Lính thủy đánh bộ Mỹ cho biết hai máy bay trên cất cánh từ căn cứ ở Iwakuni miền Tây Nhật Bản và gặp nạn khi đang thực hiện hoạt động huấn luyện thường lệ. Hiện, chiến dịch tìm kiếm vẫn đang tiếp tục được triển khai. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra.

Ngày 6/12, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho biết nước này sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc cải thiện quan hệ liên Triều nhằm giúp thúc đẩy mục tiêu phi hạt nhân hóa cũng như các nỗ lực kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Quan chức này nói thêm, đường phân định ranh giới quân sự trên Bán đảo Triều Tiên là khu vực biên giới được trang bị vũ trang hạng nặng nhất thế giới, song xét cho cùng đây là "sản phẩm do con người tạo ra," có nghĩa là con người có thể dỡ bỏ nó. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc cam kết phối hợp chặt chẽ và liên lạc với các cấp chính quyền địa phương và các nhóm dân sự trong tiến trình này, kêu gọi sự hợp tác nhằm chia sẻ quan điểm về mục tiêu kiến tạo hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngày 5/12, Hội nghị cấp cao lần thứ 11 Diễn đàn toàn cầu về người di cư và phát triển (GFMD) đã khai mạc tại thành phố Marrakech của Maroc, với sự tham dự của đại diện hơn 100 quốc gia trên thế giới. Với chủ đề "Tôn trọng cam kết quốc tế nhằm mở ra cơ hội phát triển cho tất cả người di cư," hội nghị năm nay được coi là một cơ hội cho cộng đồng người di cư toàn cầu nêu lên những vấn đề liên quan. Hội nghị kéo dài 3 ngày, với sự tham dự của các bộ trưởng và quan chức của các quốc gia trên toàn thế giới, với mục đích tăng cường nhận thức và hợp tác về việc củng cố quan hệ giữa người di cư và sự phát triển. Hội nghị này cũng là bước chuẩn bị cho việc phê chuẩn Hiệp ước Toàn cầu về di cư, dự kiến sẽ diễn ra tại Marrakech vào ngày 10-11/12.

Nhân viên phụ trách báo chí của Đại sứ quán Nga tại London hôm 5/12 tuyên bố Vương quốc Anh và một số nước phương Tây khác đang tìm cách lợi dụng vụ khiêu khích của Ukraine ở eo biển Kerch để kích động những luận điệu chống Nga. Quan chức này phát biểu: "Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng eo biển Kerch vẫn mở cửa cho bất cứ tàu buôn nào đi qua, từ các cảng của Nga hay Ukraine, cũng như các tàu chiến của cả hai nước. Bằng việc đổ lỗi cho Nga leo thang căng thẳng trên biển Azov, London che đậy sự thật rằng hôm 25/11 phía Ukraine đã xâm phạm biên giới Nga ở địa điểm đã trở thành lãnh thổ của Nga từ trước những sự kiện năm 2014."

Tập đoàn viễn thông BT của Anh xác nhận đang gỡ bỏ thiết bị cốt lõi do tập đoàn Huawei (Trung Quốc) cung cấp trong các mạng dịch vụ di động 3G và 4G của BT, đồng thời khẳng định sẽ không sử dụng các thiết bị cốt lõi của Huawei khi triển khai mạng 5G. Trong khi đó, ngày 5/12, Bộ Tư pháp Canada thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei. Thông báo nêu rõ bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở thành phố Vancouver hôm 1/12 và nhà chức trách Mỹ đã yêu cầu dẫn độ bà này. Bộ Tư pháp Canada không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Trước đó, Mỹ đã mở một cuộc điều tra Huawei do nghi ngờ công ty này vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran.

Tin Thể thao:

Tiếp đón Arsenal trên sân nhà ở vòng 15 Premier League,
Manchester United để Arsenal cầm hòa với tỉ số 2-2 trên sân nhà. Đây đã là trận hòa thứ 2 của Quỷ đỏ ở đấu trường quốc nội. Với kết quả này, Manchester United có lẽ phải chia tay giấc mơ top 4 khi khoảng cách với tốp đầu đã lên đến 10 điểm. Trong khi đó, Arsenal cũng đã tụt xuống vị trí thứ 5 sau 15 vòng đấu.

Chelsea đã tụt xuống thứ tư trên BXH sau thất bại 1-2 trước Wolves rạng sáng nay. Với kết quả này, Chelsea đã bị Tottenham qua mặt và tạm chỉ xếp thứ tư trên BXH. Ở trận đấu cùng giờ, Liverpool dù cất gần hết trụ cột trên ghế dự bị nhưng vẫn thắng Burnley 3-1. Các bàn thắng của The Reds được ghi do công của Milner, Xhaqiri và Firmino. Kết quả này giúp Liverpool có 39 điểm và tiếp tục bám đuổi Man City.

CLB Southampton đã quyết định bổ nhiệm ông Ralph Hasenhuttl làm HLV chính của đội bóng với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm rưỡi. Nhà cầm quân này từng giúp RB Leipzig giành ngôi Á quân Bundesliga ở mùa giải đầu tiên thăng hạng. Dẫn dắt Southampton vào thời điểm này sẽ là nhiệm vụ đầy cam go với HLV Ralph Hasenhuttl. Đội chủ sân St’Mary hiện đứng thứ 18 trên BXH Premier League với 9 điểm sau 15 trận cầu. Rạng sáng nay, họ để thua 1-3 trước Tottenham dưới sự dẫn dắt của trợ lý HLV.

Theo SkySport, Arsenal không có ý định kí hợp đồng mới với Danny Welbeck sau khi tiền đạo này dính chấn thương nặng và phải nghỉ thi đấu dài hạn. Điều đó đồng nghĩa chân sút người Anh sẽ rời Emirates vào mùa hè năm 2019 theo dạng chuyển nhượng tự do.

Dù vẫn chưa lấy lại phong độ cao nhất, hay chính xác hơn là vẫn chưa thích nghi với môi trường bóng đá Anh, nhưng tiền vệ Fabinho rất quyết tâm chứng tỏ bản thân mình tại Anfield. Anh khẳng định đã từ chối lời đề nghị của PSG, và cho rằng “chẳng có lý do gì để rời Liverpool”.

Cựu danh thủ người Pháp, Emmanuel Petit đã lên tiếng chỉ trích PSG vì cách đối xử thiếu tôn trọng với HLV Unai Emery trong thời gian nhà cầm quân này còn làm việc ở Paris. Petit tỏ ra hài lòng khi Emery đang đạt những thành công nhất định ở Arsenal.

Chia sẻ trước báo giới, HLV Max Allegri của Juventus tỏ ra không hài lòng khi danh hiệu QBV 2018 được trao cho Luka Modric. Theo nhà cầm quân này, Cristiano Ronaldo xứng đáng được vinh danh sau khi góp công lớn giúp Real Madrid giành Champions League.

Gabine Muguruza chơi đầy thành công trong năm 2017, vô địch Wimbledon và kết thúc năm với vị trí thứ hai thế giới. Nhưng năm 2018 lại là thảm họa thực sự với tay vợt được mệnh danh là “nữ hoàng quần vợt” người Tây Ban Nha, khi tối đa chỉ vào đến bán kết Pháp mở rộng. Bản thân Muguruza thừa nhận cô không có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm 2018 do luôn thi đấu với thể trạng dính chấn thương. Hiện Muguruza đã rơi xuống vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng WTA.

Ở trận lượt về bán kết AFF Cup 2018, Malaysia đã cầm hòa chủ nhà Thái Lan 2-2 sau khi đối thủ bỏ lỡ quả 11m đúng ở phút bù giờ cuối cùng. Kết quả này vừa đủ giúp đội bóng áo vàng giành vé vào chung kết AFF Cup 2018 (bằng luật bàn thắng sân khách). Tuy vậy, cái giá mà tuyển Malaysia phải trả không hề rẻ. Tiền vệ Syahmi Safari chắc chắn sẽ vắng mặt ở trận chung kết lượt đi do nhận thẻ đỏ (2 thẻ vàng) ở trận đấu với Thái Lan. Ngoài án treo giò của Safari, tuyển Malaysia còn có nguy cơ mất bộ đôi ngôi sao Aidil Zafuan và Norshahrul Idlan Talaha vì chấn thương.

5 con số tiết lộ nguyên nhân đằng sau cuộc biểu tình “Áo vàng” ở Pháp

Đằng sau cuộc biểu tình “Áo vàng” ở Pháp là 5 con số cho thấy quốc gia châu Âu này đang tồn tại nhiều vấn đề nan giải không dễ giải quyết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời gian lãnh đạo của mình khi mà đã 3 tuần trôi qua, những cuộc biểu tình bạo lực vẫn lan rộng khắp nước Pháp. Những người biểu tình "Áo vàng" yêu cầu chính phủ giảm sức ép về tài chính lên phần lớn dân số đang phải vật lộn để kiếm sống.

Thủ tướng Edouard Philippe đã tìm cách xoa dịu đám đông giận dữ ngày 4/12 với thông báo sẽ tạm ngưng thuế nhiên liệu trong 6 tháng, trái ngược hoàn toàn với quyết định tăng thuế xăng dầu đưa ra tháng 11/2018 của chính phủ Pháp, được cho là nguyên nhân làm bùng phát phong trào “Áo vàng” dẫn đến tình trạng bạo động trong những ngày qua.

Tuy nhiên, động thái nhượng bộ này của chính phủ Pháp dường như vẫn chưa đủ để giải quyết tình hình phức tạp hiện nay bởi các thành viên trong phong trào "Áo vàng" thực chất đã có nhiều vấn đề sâu xa trong nhiều năm qua và quyết định tăng giá nhiên liệu hồi tháng 11/2018 của chính phủ Pháp chỉ là “giọt nước” cuối cùng làm “tràn ly” giận dữ.

Dưới đây là 5 con số lý giải cho những cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng không ngừng lan rộng ở Pháp trong nhiều tuần qua:

1.700 euro: Thu nhập bình quân hàng tháng của người dân Pháp

Pháp, cũng giống như những nước phương Tây khác có khoảng cách chênh lệch giàu nghèo sâu sắc. 20% dân số có thu nhập cao nhất kiếm được gấp gần 5 lần so với 20% dân số có mức thu nhập thấp nhất.

1% người giàu nhất của Pháp nắm giữ 20% của cải. Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân hàng tháng của người dân Pháp chỉ khoảng 1.700 euro hoặc 1.930 euro. Điều đó tức là hơn 1 nửa số người lao động Pháp thậm chí chỉ được trả số tiền thấp hơn cả mức trung bình này.

Nhiều người biểu tình trong phong trào Áo vàng đang lên tiếng cho việc họ đã phải vật lộn ra sao để xoay xở đủ tiền thuê nhà, nuôi sống gia đình và thậm chí phải dành dụm chi tiêu để trả cho các chi phí sinh hoạt khác như giá nhiên liệu không ngừng tăng lên trong khi thu nhập gia đình thì hầu như vẫn vậy.

Và có một sự thật là từ trước tới nay cuộc sống của người dân Pháp không phải lúc nào cũng chật vật như vậy.

Sau Thế chiến 2, mức sống và tiền lương của người dân Pháp liên tục tăng trong suốt 30 năm khiến người ta thậm chí đã gọi giai đoạn này của nước Pháp là "30 năm rực rỡ". Tiền lương cho những người lao động thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn có xu hướng tăng trong suốt giai đoạn đầu những năm 1980 nhờ các thỏa ước lao động tập thể của liên đoàn lao động.

Tuy nhiên, sau đó, theo nhà kinh tế học Pháp Thomas Piketty, việc các chính phủ kế nhiệm cánh tả tăng tính cạnh tranh bằng cách gây sức ép lên thu nhập của người dân đã khiến mức thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu và lao động nghèo của Pháp gần như chững lại, chỉ tăng 1%/năm hoặc ít hơn.

Những người giàu ngày càng giàu hơn trong khi cuộc sống của những người nghèo và những người thu nhập trung bình thì ngày càng chật vật.

Dù vậy, người lao động Pháp vẫn trong tình trạng khá khẩm hơn so với Italy khi mà tỷ lệ tăng lương thực tế của nước này còn ở mức âm từ năm 2016.

Mức lương tính theo giờ ở Pháp đang tăng lên nhưng sự tăng trưởng này vẫn diễn ra vô cùng chậm chạp và thậm chí còn trì trệ hơn vào giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2012.

1,8%: Mức tăng trưởng kinh tế

Pháp là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu, chỉ sau Anh và Đức, cũng như là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới trước khi phải đối phó với tình trạng lạm phát. Các du khách đến Paris đều choáng ngợp với sự hào nhoáng bên ngoài và mặc định rằng người dân ở đây cũng có một cuộc sống giàu có như vẻ xa hoa của thủ đô hoa lệ này.

Thế nhưng, sự thực là tăng trưởng kinh tế Pháp đã trì trệ trong gần 1 thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và mới chỉ bắt đầu cải thiện hơn trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, mức độ phục hồi nền kinh tế ở Pháp cũng không đồng đều. Phần lớn các công việc cố định đều đã bị xóa sổ, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và những nơi từng là khu công nghiệp. Tuy vẫn có nhiều công việc mới được tạo ra nhưng những công việc này chỉ là những hợp đồng lao động tạm thời.

Sự tăng trưởng là yếu tố then chốt để cải thiện điều kiện làm việc cho những người đang biểu tình đấu tranh cho một cuộc sống tốt hơn. Trong khi nền kinh tế vừa mới khôi phục trước khi ông Macron nhậm chức giúp tạo ra việc làm thì sự tăng trưởng này cũng chỉ "đóng băng" ở mức 1,8% hàng năm, tương tự với sự tăng trưởng chậm chạp của các quốc gia còn lại trong khu vực EU.

Trên 9%: Tỷ lệ thất nghiệp

Sự tăng trưởng chậm chạp khiến nước Pháp gặp khó khăn hơn để giải quyết một vấn đề nữa: thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp rơi vào khoảng từ 9 - 11% từ năm 2009, khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu tấn công châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã giảm xuống còn 9,1% so với mức 10,1% khi ông Macron nhậm chức. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao gấp đôi so với con số ở Đức.

Ông Macron từng cam kết sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% cho tới cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo diễn ra vào năm 2022 nhưng sau đó ông đã phải thừa nhận sự thất bại khi thực hiện lời cam kết này. Điều này có thể là “mồi lửa” châm ngòi cho chủ nghĩa dân túy trên toàn nước Pháp.

Để đạt được con số 7% như ông Macron hứa hẹn, nền kinh tế Pháp sẽ phải tăng trưởng ít nhất 1,7% trong 4 năm tiếp theo nhưng khả năng này cũng không có gì là chắc chắn, nhóm nghiên cứu Quan sát Kinh tế Pháp cho biết.

Tổng thống Macron cũng có những nỗ lực để vực dậy nền kinh tế Pháp qua những kế hoạch cải cách. Những nỗ lực này đã thu hút các công ty như Facebook và Google tới Pháp nhưng kết quả mang lại cho những người lao động tích cực đến đâu vẫn cần thời gian giải đáp. Ngoài ra, một số nội dung trong kế hoạch cải cách này khiến nhiều người lao động giận dữ khi họ cảm thấy quyền lao động của mình bị coi nhẹ.

3,2 tỷ euro: Số tiền cắt giảm thuế cho người giàu

Nằm trong một phần kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế, Tổng thống Macron đã quyết định cắt giảm thuế cho những người nộp thuế giàu có nhất của Pháp trong năm đầu tiên đương nhiệm, gồm cả việc tạo ra cái gọi là thuế đồng đều (flat tax) cho các khoản thu nhập từ vốn.
Điều này khiến số tiền thuế chính phủ Pháp thu được trong năm nay giảm 3,2 tỷ euro hoặc có thể lên tới 3,6 tỷ euro.

Những cải cách của ông Macron cho thấy hầu như rất ít kết quả tăng trưởng thực sự. Thay vào đó, Tổng thống Pháp còn bị cáo buộc chỉ làm lợi cho những người giàu. Đây là một trong những nguồn cơn tạo nên sự giận dữ của đám đông những người biểu tình Áo vàng.

Trong khi những người thu nhập cao hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế trong kế hoạch tài chính của ông Macron thì những người thu nhập thấp vẫn phải vật lộn để kiếm sống và dành dụm tiền để mua được nhiên liệu. Thậm chí trước khi phong trào Áo vàng bùng phát, ông Macron đã dần nhận ra sự ủng hộ dành cho ông đang suy giảm và chính phủ Pháp đã có những động thái chuyển hướng về phía những người Pháp bị bỏ lại phía sau do vòng cắt giảm thuế trước đó.

715 tỷ euro: Chi phí cho mạng lưới an sinh xã hội

Các cuộc khảo sát đều cho thấy phong trào Áo vàng đang nhận được sự ủng hộ của 3/4 dân số, đặt ra câu hỏi về việc những người biểu tình này đã phải chịu đựng những bất công bị đè nèn lâu và nhiều như thế nào nên mới bùng phát thành một cuộc biểu tình dữ dội như vậy.
Pháp có một trong những hệ thống an sinh xã hội "hào phóng" nhất thế giới với hơn 1/3 GDP dành cho các chi phí phúc lợi xã hội, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.

Năm 2016, Pháp đã chi 715 tỷ euro cho các dịch vụ chăm sóc y tế, trợ cấp gia đình, thất nghiệp và nhiều dịch vụ khác. Tuy nhiên, mọi thứ đều có cái giá của nó và để có được sự hỗ trợ này, người lao động Pháp cũng phải chi trả mức thuế thuộc hàng cao nhất ở châu Âu.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 06/12/2018 là 1 AUD = 0.728 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 06/12/2018 là 1 AUD = 16,862 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, nhiều mây, trời có lúc có mưa. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 28 độ.

Tại Hà Nội, nhiều mây, có mưa, trời se lạnh. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 24 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác và rất nóng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 37 độ.

Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào và mưa phùn, gió di chuyển với vận tốc từ 25-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 24 độ.

Tại Sydney, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 17 đến 26 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác và nóng, gió di chuyển với vận tốc từ 25-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 38 độ.
Hoàng Yến - Kim Phụng

Đánh giá bản tin này