Chương trình Thời sự thứ Năm, 04/06/2020

Cẩm Nhung | 04/06/2020 | 532 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Cảnh sát cảnh báo sẽ xử lý nghiêm những người biểu tình có hành động bạo lực

- Victoria: Định hình tương lai của cảng Port of Melbourne

- Tin Úc: Úc đang bước vào cuộc suy thoái đầu tiên sau 29 năm tăng trưởng liên tiếp

- Victoria: Điều động các nhân viên dịch vụ bảo vệ gìn giữ an toàn cho cộng đồng

- Người ở trọ lo sợ dịch bệnh khi chủ nhà yêu cầu mở cửa để người mua vào xem nhà

- Tin Úc: Hoạt động xây dựng tiếp tục bị suy yếu trong tháng Năm

- Victoria: Tăng cường dịch vụ xe bus ở vùng Endeavour Hills

- Tin Úc: Các trường đại học đối mặt với việc sụt giảm doanh thu đáng kể

- Tin vắn

Tin thế giới:

Cơ quan công tố bang Minnesota ngày 3/6 đã buộc tội thêm 3 cựu sỹ quan cảnh sát liên quan tới cái chết của công dân da màu George Floyd, đồng thời tăng cấp độ tội danh và định thêm một tội danh mới đối với cựu sỹ quan cảnh sát Derek Chauvin, người đã ghì đầu gối lên cổ Floyd trong hơn 8 phút khiến nạn nhân tử vong sau đó. Theo hồ sơ tại tòa án, 3 cựu sỹ quan cảnh sát gồm Thomas Lane, J. Alexander Kueng và Tou Thao. Cả 3 bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay giết người. Trong khi đó, Chauvin bị buộc tội giết người cấp độ hai, tăng một bậc so với cáo buộc trước đó. Ngoài ra, viên cảnh sát 44 tuổi này còn bị buộc tội ngộ sát cấp độ 2. Cả 4 sỹ quan trên đều tham gia vào vụ bắt giữ Floyd ngày 25/5 và bị sa thải ngay sau một đoạn video về cái chết của nạn nhân được công bố.

Quốc hội Tây Ban Nha hôm 3/6 đã bỏ phiếu thông qua đề nghị của chính phủ về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 21/06. Với 177 phiếu ủng hộ trên tổng số 350 phiếu tại Quốc hội Tây Ban Nha, đề xuất của chính phủ Tây Ban Nha về việc gia hạn tình trạng khẩn cấp tại nước này đến ngày 21/06 đã được thông qua. Đây là lần gia hạn thứ 6 và theo tuyên bố của Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, đây cũng sẽ là lần gia hạn cuối cùng trong bối cảnh Tây Ban Nha đã bước qua giai đoạn khốc liệt nhất của đại dịch Covid-19. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3/2020, Tây Ban Nha đã nhanh chóng trở thành một trong những vùng dịch nghiêm trọng nhất, với số người tử vong cao hàng đầu thế giới. Tính đến ngày 4/6, Tây Ban Nha đã có 27.128 bệnh nhân tử vong vì Covid-19.

Ngày 3/6, Hội đồng Y tá Quốc tế cho biết, đã có hơn 600 y tá trên toàn thế giới tử vong do dịch COVID-19. Tổng cộng khoảng 450.000 nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo số liệu thống kê căn cứ vào dữ liệu của hơn 30 quốc gia, số ca tử vong của các y tá tăng gấp đôi trong 1 tháng qua, từ 260 ca tính đến ngày 6/5. Hội đồng Y tá Quốc tế nhấn mạnh rằng hiện chưa thể biết cái giá thực sự phải trả do dịch bệnh gây ra trong đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời nhắc lại yêu cầu bảo vệ tốt hơn cho đội ngũ này. Tính đến 5h sáng 4/6, theo số liệu của Mỹ, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã là hơn 6,5 triệu người, hơn 385 nghìn ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 với gần 1,9 triệu ca nhiễm và gần 109 nghìn ca tử vong.

Viện Nghiên cứu khoa học Trung ương Nga đã hoàn tất thành công các thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2 trên khỉ và chuột. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy và chứng minh tính an toàn và hiệu quả của chế phẩm này. Viện này cho biết, hiện 50 tình nguyện viện đã được chọn để thử nghiệm vaccine ở người. Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo, các chuyên gia của viện sẽ kiểm tra xem vaccine có an toàn với người hay không cũng như khả năng hấp thụ tới mức độ nào. Ngoài ra, thử nghiệm sẽ xác định vaccine giúp phát triển các kháng thể bảo vệ như thế nào. Trước đó, Đại học Tổng hợp hữu nghị giữa các dân tộc Nga cho biết, vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của Nga có thể được sử dụng trước cuối năm 2020.

Brazil đã truy tố hơn 2.200 đối tượng vì các tội danh liên quan đến nạn phá rừng ở khu vực Amazon. Bộ Công cộng Liên bang Brazil đã thúc đẩy hơn 1.000 vụ kiện dân sự chống lại các đối tượng với cáo buộc phá rừng bất hợp pháp với tổng số tiền phạt lên tới 689 triệu USD. Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) đưa ra số liệu thống kê cho thấy, diện tích rừng Amazon bị tàn phá tại nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 đã lên tới hơn 1.202km2, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức kỷ lục ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 4 kể từ năm 2016. Chỉ riêng năm 2019, các vụ hỏa hoạn đã làm mất đi 10.123km2 rừng ở khu vực Amazon của Brazil, lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ vượt mốc 10.000km2 được ghi nhận vào năm 2008. Tình trạng tàn phá rừng Amazon chủ yếu do những đối tượng khai thác gỗ bất hợp pháp và đầu cơ đất lợi dụng bối cảnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thực hiện.

Bộ Giao thông Mỹ công bố quyết định này ngày 03/06 nhằm trừng phạt Trung Quốc đã không tuân thủ một thỏa thuận về các chuyến bay giữa hai nước. Quyết định này cũng nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc cho phép các hãng hàng không của Mỹ nối lại các dịch vụ bay giữa hai nước. Theo quyết định của Mỹ, 6 hãng hàng không của Trung Quốc sẽ bị cấm bay tới Mỹ bao gồm Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines, Hainan Airlines, Sichuan Airlines và Xiamen Airlines. Hiện nay các hãng hàng không Trung Quốc vẫn đang thực hiện 4 chuyến bay khứ hồi tới Mỹ mỗi tuần. Hai hãng hàng không của Mỹ Delta Airlines và United Airlines đã yêu cầu được nối lại các chuyến bay tới Trung Quốc trong tháng 6 này. Cả hai hãng hàng không này đều đã hoan nghênh quyết định của bộ Giao thông Mỹ. Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington vẫn chưa có phản hồi về thông tin này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 3/6 cho biết các biện pháp cách ly đối với hầu hết khách quốc tế nhập cảnh từ ngày 8/6 tới đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này không tăng trở lại. Thủ tướng cho biết thêm rằng chính phủ đang xem xét mọi cách để hỗ trợ lĩnh vực hàng không, vốn bị tác động đặc biệt của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thủ tướng Anh cũng cam kết từ nay đến cuối tháng, kết quả của các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 phải được cung cấp trong 24 giờ. Hiện 90% kết quả xét nghiệm được trả trong vòng 48 giờ. Theo các nhà khoa học Anh, hệ thống truy vết và xét nghiệm của chính phủ sẽ hiệu quả nhất nếu mọi người có thể nhận kết quả trong vòng 24 giờ sau khi xét nghiệm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2/6 thông báo, nước này vừa gửi một công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối những yêu sách "không phù hợp với luật pháp quốc tế" của Trung Quốc. Ông Pompeo cũng cho chia sẻ một đường dẫn đến trang web của phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc, có đăng tải toàn văn nội dung công hàm đề ngày 1/6/2020, do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Trong đó, bà Craft nhấn mạnh, phía Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách quá mức, "không phù hợp với luật quốc tế như đã nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982". Bà Craft cũng yêu cầu Liên Hợp Quốc gửi công hàm phản đối Trung Quốc của Mỹ đến tất cả các nước thành viên, đồng thời cho đăng tải công khai văn bản trên trang web trực thuộc Văn phòng pháp chế của tổ chức này. Hiện Bắc Kinh vẫn chưa có phản hồi chính thức về động thái mới của Washington. Tuy nhiên, theo Reuters, vấn đề chủ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông từ lâu đã là một trong những yếu tố gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Giới chức Nga hôm 3/6 đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi hơn 20 nghìn tấn dầu diesel tràn vào một con sông ở Siberia. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các vệt dầu lớn màu đỏ loang trên sông Ambarnaya. Ước tính ít nhất 20 nghìn tấn dầu đổ ra sông đã lan rộng ra diện tích 350 m2. Sự cố tràn dầu xảy ra khi 1 thùng chứa nhiên liệu bị rò rỉ tại 1 nhà máy nhiệt điện nằm ở phía Tây thành phố Norilsk. Cơ quan giám sát môi trường địa phương kêu gọi theo dõi chất lượng nước ở hạ lưu nhằm ngăn chặn các chất độc hại lan sang các khu bảo tồn thiên nhiên. Theo một quan chức Norilsk Nickel, một đội gồm 90 công nhân đã xử lý 500 m3 chất gây ô nhiễm trên.

Bầu cử Mỹ 2020: Tài đánh lạc hướng của Trump và thế khó của Biden

Các cuộc khủng hoảng ở Mỹ dường như không khiến ông Trump “lép vế” so với các đối thủ và đặt ra những thách thức quyết định với ông Biden.

Tài đánh lạc hướng của Trump

Những cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ sau khi một người đàn ông da màu tên là George Floyd bị cảnh sát ghì chết. Tình hình bất ổn đã tạo ra những thách thức lớn cho Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, trái với nhận định của một số nhà quan sát, dịch Covid-19 và cuộc biểu tình vụ George Floyd có lẽ không khiến ông Trump mất đi ưu thế so với các ứng viên tranh cử khác, mặc dù các cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy Tổng thống Mỹ đang bị ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước.

Kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt trong Thế chiến II, gần như chưa có Tổng thống nào đối mặt với một nhiệm kỳ có nhiều người Mỹ tử vong vì 1 nguyên nhân như ông Trump.

Điều tồi tệ hơn là các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis cho thấy một kết cấu xã hội không ổn định có thể trở nên gay gắt như thế nào do lệnh phong tỏa Covid-19. Người Mỹ đã không cùng nhau chống lại đại dịch. Thay vào đó, họ đã để thảm họa y tế công cộng này chia rẽ sâu sắc những khác biệt về sắc tộc, kinh tế, giai tầng và tư tưởng.

Dĩ nhiên, với cương vị là một Tổng thống và cũng là một ứng viên tranh cử, ông Trump luôn tìm cách biến khủng hoảng thành lợi thế của mình hoặc ít nhất là nỗ lực để tránh bị đổ lỗi vì những cuộc khủng hoảng đó. Trong đại dịch Covid-19, nhà lãnh đạo Mỹ hướng sự chú ý của dư luận về phía Trung Quốc khi gọi virus SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc", đồng thời cáo buộc Bắc Kinh không thể đối phó với đại dịch khiến dịch bệnh lây lan ra toàn cầu. Trong các cuộc biểu tình vụ George Floyd, ông Trump đã đổ lỗi cho các thống đốc và thị trưởng vì đã hành động "yếu đuối".

Trước vụ việc ở thành phố Minneapolis, nước Mỹ cũng đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình leo thang thành căng thẳng sắc tộc, vốn vẫn luôn là một vết rạn trong xã hội như vụ việc ở Detroit (1967), Los Angeles (1992) và Ferguson, Missouri (2014). Tổng thống Trump có lẽ không thể hàn gắn được những căng thẳng sắc tộc ở Mỹ trong nhiệm kỳ của mình nhưng ông luôn hiểu rõ và khai thác tối đa một thực tế rằng, ông không phải là người gây ra những cuộc khủng hoảng này, từ Covid-19 cho tới biểu tình vụ George Floyd.

Chĩa mũi dùi vào đảng Dân chủ

Một điều dường như có lợi cho Tổng thống Trump là Minneapolis là một thành phố đa phần là thành viên của đảng Dân chủ. Ông Trump sẽ tìm cách tận dụng điểm này bằng cách xoáy vào những thất bại trong việc đáp ứng các yêu cầu của cử tri da màu của các lãnh đạo bang là thành viên đảng Dân chủ.

Ông Trump cũng có thể tuyên bố rằng trong nhiều thập kỷ, chính sách của đảng Dân chủ tại bang Minnesota, trong đó có 8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama đã khiến Minneapolis trở thành một trong những thành phố bất bình đẳng nhất về sắc tộc ở Mỹ.

Năm 2016, ông Trump đã đặt ra một câu hỏi nối tiếng với người Mỹ gốc Phi rằng liệu các lãnh đạo đảng Dân chủ đã làm được bất kỳ điều gì để cải thiện cuộc sống của họ hay chưa. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ lặp lại thông điệp này trong những tháng tranh cử sắp tới.

Dù tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump lên xuống thất thường trong đại dịch Covid-19 và nhà lãnh đạo Mỹ bị ông Biden dẫn trước trong nhiều cuộc khảo sát nhưng sự ủng hộ của những cử tri đảng Cộng hòa dành cho ông gần như không thay đổi, cho dù ông thể hiện như thế nào trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng.

Nhà lãnh đạo Mỹ vẫn duy trì được 80% sự ủng hộ của các cử tri đảng Cộng hòa trong suốt đại dịch Covid-19. Điều đó giúp tỷ lệ tất cả thành phần cử tri ủng hộ ông Trump luôn ở mức ổn định, dao động từ 40 - 50%.

Đó rõ ràng không phải những con số quá tệ. Dù sự lãnh đạo của Tổng thống Trump có liên quan phần nào đến những cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ phải đối mặt nhưng nếu các cuộc khảo sát trên phản ánh chân thực tình hình cử tri Mỹ thì đến nay, ông Trump dường như đã tránh được một thảm họa có thể hủy hoại nỗ lực tái tranh cử của ông.

Theo Straits Times, các cuộc khảo sát cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn được tín nhiệm hơn ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden về khả năng chèo lái nền kinh tế Mỹ, thậm chí cả khi 40 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế Mỹ đình trệ do đại dịch Covid-19.

Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos tuần trước cũng cho thấy ông Trump nhận được 42% sự ủng hộ của cử tri trong khi ông Biden nhận được tỷ lệ ủng hộ là 34% về khả năng khôi phục nền kinh tế.

Thế khó của ông Biden

Trong tình hình hiện nay, cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lẽ ra sẽ nổi lên như một hình mẫu lãnh đạo nhưng điều này đã không được phản ánh qua các cuộc khảo sát bởi hầu hết các cử tri đều bày tỏ rằng ứng viên này chỉ có những lợi thế mờ nhạt trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trong cuộc khảo sát từ ngày 25 - 28/5 của Washington Post và ABC News, mặc dù ông Biden dẫn trước ông Trump ở mức 2 con số (10 điểm) nhưng ông Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ của những cử tri trung thành. Trong số những người tham gia nghiêng về bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, 87% trong số này nói rằng họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông vào tháng 11 tới. Trong số những cử tri nghiêng về phía ông Biden, chỉ 68% những người được hỏi nói rằng họ chắc chắn sẽ bầu cho ông.

Ngoài ra, một vấn đề khác nổi lên là nội bộ đảng Dân chủ vẫn tồn tại nhiều bất hòa trong khi ông Biden chưa thể hiện được ông là người có khả năng hàn gắn những chia rẽ đó.

Sau những năm 1960, đảng Dân chủ hướng tới sự ủng hộ của những cử tri người Mỹ gốc Phi trong khi đảng Cộng hòa tìm kiếm sự ủng hộ ở những cử tri da trắng ở miền Nam. Đảng Dân chủ nhìn chung đã thành công ở mặt trận này khi giành được từ 85 - 90% sự ủng hộ của những người Mỹ da màu trong các cuộc bầu cử Tổng thống.

Thách thức hiện nay cho ông Biden là làm sao để duy trì sự trung thành của người Mỹ gốc Phi với đảng Dân chủ, trong khi dung hòa được bài toán trách nhiệm trước những thất bại về kinh tế - xã hội trong chính sách của đảng Dân chủ tại những thành phố như Minneapolis.

Giữa bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra, bầu không khí ảm đạm vẫn bao trùm nước Mỹ khi quốc gia này đối mặt với những cuộc khủng hoảng từ y tế, kinh tế cho tới xã hội. Tuy nhiên, theo giáo sư Timothy J. Lynch nghiên cứu về chính trị Mỹ tại Đại học Melbourne (Australia), Mỹ từng đối mặt với nhiều khó khăn thậm chí còn cam go hơn và những thách thức trên sẽ là động lực để quốc gia này trở lại mạnh mẽ hơn.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 04/06/2020 là 1 AUD = 0.691 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 04/06/2020 là 1 AUD = 16,051 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ.

Tại Adelaide, sáng sớm trời lạnh, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–15 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–23 độ.

Tại Sydney, buổi sáng có sương giá ở khu vực phía Tây, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–19 độ.

Tại Melbourne, buổi sáng có sương mù, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–14 độ.

Cẩm Nhung

Đánh giá bản tin này