Chương trình Thời sự thứ Năm, 04/04/2019

Cẩm Nhung | 04/04/2019 | 804 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Ai là người thắng và người thua trong bản dự thảo ngân sách 2019?

- Tin Úc: Đảng Lao động sẽ phát động chiến dịch tranh cử hướng đến công bằng và trợ cấp Medicare

- Hallam: Cảnh sát tiếp tục điều tra một vụ cướp và tấn công

- Tin Úc: Chính phủ sẽ phân bổ 100 triệu đô la tiền trợ cấp để bảo vệ sông hồ, mạng lưới đường thủy

- Tin Úc: Chính phủ lập ra kế hoạch trả hết nợ vào năm 2030

- Tin Úc: Các trường học liệu có thể mong đợi gì từ dự thảo ngân sách 2019?

- Giá địa ốc giảm ở hầu hết các thành phố lớn, phạm vi suy thoái lan rộng

- Tin Úc: Chính phủ cam kết hỗ trợ bậc học mẫu giáo thêm một năm nữa

- Victoria: Chương trình miễn phí giúp ngành nhà hàng, khách sạn cắt giảm thức ăn thừa

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 3/4, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cho phép công bố báo cáo đầy đủ không qua biên tập cũng như những chứng cớ cơ bản trong cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 với 27 phiếu thuận (của các nghị sỹ đảng Cộng hòa) và 17 phiếu chống (của các nghị sỹ đảng Dân chủ). Cuộc bỏ phiếu này đã làm gia tăng sức ép của Quốc hội đối với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr, người dự định công bố bản sao chép đã qua biên tập của báo cáo điều tra dài gần 400 trang, muộn nhất là vào giữa tháng Tư này.

Ngày 3/4, Mỹ thông báo đã thông qua thương vụ bán 24 trực thăng MH-60R săn ngầm cho Ấn Độ. Cuối năm ngoái, Ấn Độ đã đề nghị mua 24 chiếc trực thăng MH-60R do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã thông báo lên Quốc hội về việc bật đèn xanh cho Ấn Độ mua số trực thăng này với tổng trị giá là 2,6 tỷ USD. Trực thăng MH-60R, còn được biết đến với tên gọi Romeo, có khả năng săn tìm tàu ngầm, bắn hạ tàu và tiến hành chiến dịch tìm kiếm cứu nạn trên biển. Theo kế hoạch, MH-60R sẽ được Ấn Độ dùng để thay thế cho phi đội trực thăng Sea King do Anh sản xuất đã lỗi thời.

Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/4 đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico nếu Quốc hội Mỹ không lập tức có hành động giải quyết những lỗ hổng nhập cư và an ninh mà theo ông đang tạo ra tình trạng khẩn cấp quốc gia tại khu vực. Trước đó, ngày 2/4, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard khẳng định Mexico sẽ không điều chỉnh chính sách nhập cư trước sức ép của Mỹ và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra tại biên giới chung với nước láng giềng phía Bắc.

Reuters đưa tin, ngày 3/4, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật buộc Thủ tướng nước này Theresa May tìm cách hoãn thời điểm Brexit để ngăn chặn nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận vào ngày 12/4. Các nghị sỹ Anh đã khẩn trương đưa dự luật này vượt qua tất cả các khâu bỏ phiếu ở Hạ viện trong ngày 3/4, với kết quả bỏ phiếu trong khâu cuối cùng là 313 phiếu thuận và 312 phiếu chống. Dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện xem xét thông qua. Trước đó, chiều 3/4 theo giờ Anh, Thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc gặp nhằm tìm cách tháo gỡ bế tắc Brexit với lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn. Cuộc gặp được đánh giá diễn ra tích cực và trên tinh thần xây dựng.

Ngày 3/4, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua dự luật cho phép công dân Anh được miễn thị thực ngắn hạn, dù có xảy ra trường hợp Brexit "không thỏa thuận," bất chấp tranh chấp căng thẳng về vấn đề chủ quyền đối với Gibraltar. Ủy ban tư pháp của Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn văn bản luật vốn đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên và từ nay sẽ được chính thức xác nhận. Nước Anh sẽ rời EU, có thể sớm nhất là vào tuần tới, nhưng luật mới cho phép du khách người Anh vào khu vực tự do đi lại Schengen được miễn thị thực trong vòng 90 ngày.

Ngày 3/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chỉ trích sự gia tăng hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Biển Đen gây nguy hại đến an ninh khu vực. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại NATO Bailey Hutchison cho biết Mỹ đang xúc tiến thực hiện một gói biện pháp, gồm triển khai thiết bị giám sát trên không và điều thêm nhiều tàu chiến của NATO tới Biển Đen. Theo quan chức này, đề xuất cử tàu của NATO tới khu vực Biển Đen là để bảo vệ an toàn đi lại đối với các tàu của Ukraine sau sự cố trên biển giữa Moskva và Kiev năm ngoái. Theo ông Grushko, Nga sẵn sàng đối phó với bất kỳ thay đổi nào của an ninh quân sự ở Biển Đen, và sẽ áp dụng các biện pháp phòng thủ bổ sung nếu cần. Phát biểu với báo giới cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đánh giá đề xuất trên là "tiêu cực."

Đài truyền hình nhà nước Algeria ngày 3/4 đưa tin Hội đồng Hiến pháp nước này đã chính thức chấp thuận đơn từ chức của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, một ngày sau khi chính trị gia 82 tuổi tuyên bố từ chức. Nguồn tin trên cho biết Hội đồng Hiến pháp Algeria cũng đã thông báo với Quốc hội tuyên bố "trống vị trí tổng thống" nước Cộng hòa Algeria dân chủ và nhân dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (tức Thượng viện), Abdelkader Bensalah (77 tuổi), được Hiến pháp ủy nhiệm tạm thời giữ chức tổng thống trong tối đa 3 tháng và sẽ có tối đa 90 ngày để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống và trao quyền cho người đứng đầu nhà nước đắc cử. Tổng thống lâm thời không được tranh cử trong cuộc bầu cử này.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ngày 3/4 đã tới Libya trước thềm một hội nghị để mở đường cho các cuộc bầu cử nhằm chấm dứt cuộc xung đột và tình trạng hỗn loạn kéo dài nhiều năm qua ở nước này. Chuyến thăm Libya lần này của ông Guterres được cho là một nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình chính trị để hướng tới bầu cử. Trong một diễn biến liên quan, Liên hợp quốc vừa mới chính thức thông báo về một hội nghị với sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở Libya, dự kiến sẽ diễn ra ngày 14-16/4 ở miền Tây Libya, nhằm vạch ra lộ trình hướng tới các cuộc bầu cử để giúp quốc gia Bắc Phi này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua. Hội nghị quốc gia Libya cũng nhằm ấn định thời gian tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở Libya.

AFP đưa tin, ngày 3/4, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo những hậu quả thảm khốc nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria. Tuyên bố sau hội đàm của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn: "Ngoại trưởng Pompeo đã bày tỏ ủng hộ các cuộc đàm phán đang diễn ra đối với khu vực Đông Bắc Syria, đồng thời cảnh báo những hậu quả thảm khốc tiềm tàng của hoạt động quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực này." Ngoại trưởng Pompeo cũng gây sức ép với ông Cavusoglu về kế hoạch Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ông Cavusoglu hiện đang thăm Washington để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ngày 3/4, báo al-Qud của Palestine cho biết các nhóm vũ trang ở Dải Gaza đã ra lệnh cho các tay súng của họ dừng tất cả các vụ phóng rocket vào các khu dân cư thuộc lãnh thổ Israel tiếp giáp với Dải Gaza. Tất cả các chiến binh thuộc phong trào Hồi giáo Hamas và Jihad đều được lệnh chấm dứt các vụ gây rối hàng đêm dọc theo hàng rào biên giới Gaza, cũng như việc sử dụng chất nổ trong các cuộc bạo loạn ở dọc biên giới. Các chỉ thị trên được đưa ra nhằm tuân thủ các thỏa thuận ngừng bắn sau khi Ai Cập đã trung gian đàm phán với Israel.

Ngày 3/4, kênh truyền hình Al-Ekhbariya dẫn phát biểu của Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Saudi Arabia Majid bin Abdullah Al-Qassabi cho biết Quốc vương nước này Salman sẽ tài trợ cho Iraq 1 tỷ USD để xây dựng một thành phố thể thao. Thông báo trên được đưa ra giữa lúc các quan chức cấp cao Saudi Arabia cùng ngày tới Baghdad để thảo luận với giới chức nước chủ nhà về lĩnh vực thương mại và đầu tư. Theo giới quan sát, trong thời gian gần đây, Riyadh và Baghdad đang thắt chặt quan hệ song phương trong một nỗ lực nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Yonhap đưa tin ngày 3/4, trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết các đồng minh đang theo dõi sát sao hoạt động của Triều Tiên tại bãi thử tên lửa quan trọng ở bờ biển phía Tây của nước này, giữa lúc dấy lên thông tin Bình Nhưỡng có khả năng đang chuẩn bị phóng thử tên lửa. Hiện, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên dường như lại bế tắc, do hai bên không thể thu hẹp bất đồng liên quan tới mức độ phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc Washington nới lỏng trừng phạt nhằm vào quốc gia Đông Bắc Á này.

Tin thể thao:

Man City trở lại ngôi đầu, Chelsea soán ngôi MU: Việc MU sẩy chân trước Wolves sẽ tạo điều kiện cho Chelsea bứt phá trên BXH nếu họ đánh bại được Brighton ở trận cầu trên sân nhà. Và Chelsea đã không phung phí cơ hội ngàn vàng để chiếm vị trí thứ 5 của MU trên BXH. Hudson-Odoi trong trận đầu tiên được đá chính đã tỏa sáng với đường chuyền dọn cỗ cho Giroud mở tỷ số. Phút 60, Eden Hazard nhân đôi cách biệt cho Chelsea. Chỉ 3 phút sau, Hazard sắm vai kiến tạo để Ruben Loftus-Cheek ấn định chiến thắng cho Chelsea. Giành trọn 3 điểm, Chelsea vươn lên đứng thứ 5, đẩy MU xuống vị trí thứ 6. Chelsea hiện bằng điểm với đội thứ 4 Arsenal nhưng thi đấu nhiều hơn 1 trận.

Ở trận đấu khác, Man City đã không cho Liverpool cơ hội ngự trị trên đỉnh BXH lâu hơn. Trước đối thủ yếu Cardiff, Man Xanh dễ dàng có chiến thắng 2-0 với những pha lập công của De Bruyne và Sane để trở lại ngôi đầu Premier League. Trong khi đó, Tottenham chào sân mới Tottenham Hotspur với sức chứa 6 vạn chỗ ngồi bằng chiến thắng 2-0 trước Crystal Palace. Lập công cho Spurs ở trận này là Son Heung-min và Eriksen.

Real Madrid thua trận đầu tiên từ khi Zidane trở lại: Thi đấu muộn một ngày so với 2 kình địch Barcelona và Atletico Madrid, Real Madrid đặt mục tiêu giành chiến thắng để rút ngắn khoảng cách trên BXH. Tuy nhiên, trong trận cầu chơi rệu rã về tinh thần, Real Madrid thua trận 1-2 trước Valencia. Đây là thất bại đầu tiên của HLV Zidane trong nhiệm kỳ thứ 2 dẫn dắt Real Madrid. Sau 30 vòng đấu, Real Madrid hiện có 57 điểm, kém Atletico Madrid 5 điểm và thua Barca tới 13 điểm.

Icardi trở lại và ghi bàn, Inter thắng “4 sao”: Hai tháng không thi đấu vì án kỷ luật liên quan tới việc gia hạn hợp đồng mới, sáng 4/4, Mauro Icardi đã trở lại với đội hình Inter Milan trong chuyến làm khách tới sân Genoa. Có Icardi, hàng công Inter Milan thi đấu khởi sắc. Roberto Gagliardini mở tỷ số trước khi Icardi tự mình kiếm về một quả phạt đền sau khi hậu vệ Cristian Romero của Genoa bị truất quyền thi đấu vì phạm lỗi trong vòng cấm. Trên chấm đá phạt, Icardi tự tin đánh bại thủ thành Genoa. Đầu hiệp 2, Perisic nâng tỷ số lên 3-0 cho Inter. Phút 80, Gagliardini hoàn thành cú đúp ấn định chiến thắng 4-0 cho đội bóng thành Milan.

Zidane nhắm sao tuyển Đức thay Benzema. Tiền đạo Timo Werner gây ấn tượng mạnh trong màu áo RB Leipzig cũng như ĐT Đức. Vì thế, BLĐ Real Madrid đang nhắm đến Werner như một trong những ngôi sao trẻ tiềm năng để thay thế Karim Benzema, bên cạnh những cái tên đình đám như Lewandowski hay Neymar. Dù vậy, các đội bóng Anh như Chelsea hay Liverpool cũng đang theo dõi Timo Werner rất sát sao.

Ozil hài lòng với quyết định ở lại Arsenal. Tiền vệ Mesut Ozil khẳng định anh cảm thấy hạnh phúc ở Arsenal, và may mắn vì mình đã không rời đội chủ sân Emirates. Trong phiên chợ hè 2017, suýt chút nữa ngôi sao tuyển Đức ra đi, nhưng vì Alexis Sanchez đã rời đi nên “Pháo thủ” cố gắng giữ Ozil ở lại. Cựu cầu thủ Real Madrid khẳng định Arsenal đang chơi tốt cùng HLV Unai Emery, và anh muốn tiếp tục là một phần của đội bóng.

HLV Sarri nguy cơ mất ghế vào tay Allegri. Nếu không thể giành vé dự Champions League mùa sau, HLV Maurizio Sarri có nguy cơ bị sa thải. Theo Daily Mail, nếu thất bại trong nhiệm vụ giành vé dự Champions League năm thứ 2 liên tiếp, Chelsea sẽ đàm phán với HLV Massimiliano Allegri - nhà cầm quân người Italia hiện đang rất thành công cùng Juventus.

Eriksen nhắm đến Barcelona. Tiền vệ tấn công người Đan Mạch, Christian Eriksen đang lên kế hoạch rời Tottenham. Trong 6 mùa khoác áo đội bóng Bắc London, Eriksen chơi cực kỳ nổi bật, trở thành một trong những chân chuyền sáng tạo nhất giải Ngoại hạng Anh. Hiện Eriksen đang được Barcelona theo đuổi trong nỗ lực thay thế lão tướng Iniesta.

Ole Gunnar Solskjaer muốn bán Alexis Sanchez, mua Jadon Sancho: Theo báo Anh, Ole Gunnar Solskjaer rất muốn chiêu mộ tài năng tấn công của Dortmund Jadon Sancho. Nhưng để có sự phục vụ của cầu thủ trẻ này, MU cần bỏ ra không dưới 100 triệu bảng. Solskjaer muốn bán Alexis Sanchez để có thêm tiền chiêu mộ Sancho. Vấn đề là tiền đạo Chile đang hưởng lương tới 300 nghìn bảng/tuần ở Old Trafford nên đội nào cũng ngại mua đứt anh mà chỉ muốn mượn. Alexis đang dưỡng thương và coi như không thể đóng góp gì cho MU tới cuối mùa.

Neymar ấn định ngày tái xuất. Theo tờ L'Equipe, tiền đạo Neymar của PSG sẽ trở lại vào ngày 27/4/2019, thời điểm diễn ra trận chung kết Cúp Quốc gia Pháp, nếu PSG vượt qua được Nantes ở bán kết vào đêm nay. Như vậy Neymar cần 3 tháng để phục hồi sau chấn thương diễn ra vào 23/1/2019.

Giằng co Mỹ - Trung trên “bàn cờ thế” Triều Tiên

Thương mại và vũ khí hạt nhân dường như là hai vấn đề không liên quan tới nhau, hoàn toàn tách biệt giữa kinh doanh và địa chính trị. Nhưng với một tỷ phú bất động sản trở thành chính trị gia như Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn tự hào về "nghệ thuật đàm phán" của mình, hai vấn đề này luôn có mối liên hệ mật thiết.

Cary Huang, bình luận viên kỳ cựu về vấn đề Trung Quốc từng là trưởng đại diện văn phòng Bắc Kinh của SCMP, cho rằng đây là lý do hai sự kiện thu hút sự chú ý lớn nhất của dư luận thế giới trong năm qua, cuộc đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim, lại có những ràng buộc, đan xen rất chặt chẽ. Cả hai hồ sơ đối ngoại lớn này đều nằm trong một "ván cờ thế" giữa hai tay chơi là Mỹ và Trung Quốc.

Nổi tiếng với quan điểm chỉ xem trọng kết quả từ khi điều hành tập đoàn bất động sản của mình, Tổng thống Trump sau khi nhậm chức vẫn luôn coi mọi thứ, kể cả những vấn đề thuộc lĩnh vực đối ngoại, đều là món hàng có mức giá nhất định, nên chúng đều có thể thương lượng. Ông từng đe dọa rút Mỹ khỏi NATO hoặc đưa binh sĩ đồn trú ở Nhật Bản, Hàn Quốc về nước nếu các đồng minh truyền thống này không chia sẻ thêm chi phí quân sự với Washington.

Kể từ khi phát động chiến tranh thương mại nhắm vào Trung Quốc cũng như khởi động nỗ lực đàm phán cấp cao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ có sự "đánh đổi" trong quá trình thương lượng về hai vấn đề này. Ông vài lần thay đổi quan điểm từ tán dương Trung Quốc vì đã giúp đỡ cho tới đổ lỗi vì cản trở vấn đề Triều Tiên.

Trung Quốc cũng không kém cạnh khi tận dụng mọi cơ hội khả dĩ để nhắc nhở Mỹ rằng họ có thể làm phức tạp hóa giấc mơ loại bỏ vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Trump nếu Bắc Kinh và Washington không thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Tháng 3/2018, khi Mỹ và Triều Tiên nối lại tiếp xúc trực tiếp nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc ban đầu bày tỏ lo lắng rằng Bắc Kinh có thể đánh mất ảnh hưởng với đồng minh truyền thống Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc 4 lần vào tháng 3, tháng 5, tháng 6 năm 2018 và tháng 1 năm nay, trong đó có hai chuyến thăm diễn ra chỉ một thời gian ngắn trước hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim.

Bình luận viên Cary chỉ ra điều trùng hợp là mỗi lần Trump thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, ông Kim lại được mời tới thăm Trung Quốc. Ông cho rằng bằng nước cờ này, Bắc Kinh dường như muốn gửi thông điệp tới Washington rằng "các ông không thể đàm phán với Kim Jong-un nếu không có sự giúp đỡ của chúng tôi".

Trump từng tuyên bố rằng việc Triều Tiên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân là kết quả từ chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Washington nhắm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới quan sát từng chỉ ra rằng thành công của chiến lược gây sức ép tối đa này phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của Trung Quốc, khi hơn 90% hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên đi qua biên giới nước này.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc ở Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận, Bình Nhưỡng đã tức giận đe dọa sẽ rút hoàn toàn khỏi các cuộc đàm phán với Washington và tái xem xét lệnh cấm thử hạt nhân, tên lửa. Tình thế này đặt ra thách thức rất lớn cho chính quyền Trump, khiến công sức của ông trong năm qua có thể "đổ sông đổ bể", buộc Trump phải quay sang phía Trung Quốc để phá vỡ thế bế tắc.

Điều này giải thích cho sự xuất hiện của Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ở Bắc Kinh đầu tuần trước. Đây là chuyến đi tới Trung Quốc thứ ba của Biegun kể từ khi đặc phái viên này được bổ nhiệm từ tháng 8 năm ngoái, và nó diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh được cho là đang đạt tiến bộ.

Không chỉ có Biegun, một loạt quan chức cấp cao khác của Mỹ như Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng vừa có mặt ở Bắc Kinh để thảo luận về tranh chấp thương mại giữa hai nước. Phó thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, sẽ tới Washington để có thêm các cuộc trao đổi từ ngày 3/4. Những cuộc thương lượng này đều hướng tới mục tiêu hoàn tất cái mà Trump từng gọi là "một trong những thỏa thuận lớn nhất lịch sử".

Trong các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tình trạng trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và từ bỏ chương trình "Made in China 2025" đầy tham vọng nhằm giải quyết thâm hụt thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, các lãnh đạo Bắc Kinh lại cho rằng Washington đang đòi hỏi quá nhiều nhượng bộ từ phía họ.

Trong bối cảnh đó, vấn đề Triều Tiên có thể được Trung Quốc sử dụng như một đòn bẩy để gây sức ép với Mỹ khi đàm phán thương mại. Nhưng sau nhiều tháng giằng co, đến nay "ván cờ thế" giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ, khi không ai biết được cuộc đàm phán đã đi đến đâu giữa Mỹ với Trung Quốc hay giữa Washington với Bình Nhưỡng.

"Sẽ không có thỏa thuận nào với bất cứ vấn đề gì cho đến khi có thỏa thuận cho mọi thứ", Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer tuyên bố gần đây. Sau hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội, Trump cũng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng có thể có kết thúc tương tự thảo luận Mỹ - Triều.

Theo bình luận viên Cary, logic của cả Mỹ và Trung Quốc trên ván cờ này rất rõ ràng: Nếu hai bên đạt được một thỏa thuận lịch sử về thương mại, kết quả tương tự có thể sẽ đến trong hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa Trump và Kim Jong-un. Còn nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không thể kết thúc trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ khó có thể thúc đẩy một thỏa thuận lớn giữa Washington với đồng minh Bình Nhưỡng của họ liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. "Trong trường hợp này, có vẻ như thương mại và vũ khí hạt nhân là hai mặt của một đồng xu", Cary viết.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 04/04/2019 là 1 AUD = 0.712 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 04/04/2019 là 1 AUD = 16,521 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 27 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, buổi chiều có thể có mưa rào ở khu vực phía Nam, gió di chuyển với vận tốc từ 20-45km/h. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 33 độ.

Tại Brisbane, buổi sáng có thể có mưa rào, buổi chiều trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 28 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 24 độ.

Tại Melbourne, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 27 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này