Chương trình Thời sự thứ Năm, 03/10/2019

Cẩm Nhung | 03/10/2019 | 752 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Melbourne: Người dân Melbourne cảm nhận tiết trời oi ả vào ngày nóng nhất trong sáu tháng qua

- Melbourne: Hãng thời trang David Jones sẽ chào bán một cửa hàng ở Melbourne

- Victoria: Đẩy mạnh mặt phải của an toàn điện năng

- Tin Úc: Khởi động chiến dịch an toàn hồ bơi để tránh xảy ra các vụ trẻ bị chết đuối

- Melbourne: Cổng từ thông minh giúp đơn giản hóa quy trình soi chiếu ở Sân bay Melbourne

- Số lượng đơn xin xây nhà được phê duyệt ở Úc giảm 1.1% trong tháng Tám

- Di trú: Triển khai chương trình thí điểm giúp phá vỡ rào cản ngôn ngữ đối với di dân ở Victoria

- Victoria: Sở Cảnh sát Victoria xem xét tính năng phát trực tiếp từ camera gắn trên người cảnh sát

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 1/10, Bộ Ngoại giao Iraq thông báo đã tạm dừng hoạt động của lãnh sự quán của nước này tại TP Mashhad, Đông Bắc Iran sau vụ tấn công hai nhân viên ngoại giao Iraq. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq, ông Ahmed Al-Sahaf, cho biết: "Ngoại trưởng Iraq đã ra lệnh tạm dừng hoạt động của lãnh sự quán tại thành phố Mashhad, Đông Bắc Iran sau vụ tấn công nhằm vào hai nhân viên ngoại giao”. Trước đó, ngày 29/9, truyền thông Iraq đưa tin, lực lượng an ninh Iran đã đánh đập và bắt giam hai nhà ngoại giao Iraq tới Mashhad để hành hương. Các luật sư Iraq đã yêu cầu nhà chức trách Iran chính thức xin lỗi về vụ việc này.

Ngày 1/10, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên không tái tạo Ecuador thông báo quyết định của chính phủ nước này về việc rút lui khỏi OPEC kể từ ngày 1/1/2020 tới. Chính phủ Ecuador cho biết, quyết định trên được đưa ra trên cơ sở các vấn đề và thách thức nội bộ mà đất nước đang phải đối mặt liên quan tới sự ổn định ngân sách. Biện pháp này được đánh giá là phù hợp với kế hoạch của chính phủ trong việc giảm thiểu chi tiêu công và tạo thêm được nhiều nguồn thu. Theo số liệu chính thức, sản lượng dầu trung bình của quốc gia Nam Mỹ này vào khoảng 550.000 thùng/ngày và là thành viên nhỏ nhất của OPEC. Việc tổ chức này cắt giảm sản lượng hồi năm ngoái đã ảnh thưởng tới nguồn thu của Ecuador và giới phân tích nhận định đó có thể là một trong những lý do mà chính phủ nước này quyết định rời khỏi OPEC.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/10 cho biết "thật nực cười" khi cho rằng Moskva sẽ tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, đồng thời khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy sự can thiệp của Moskva vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Các cơ quan tình báo của Mỹ cho rằng Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho ông Donald Trump, trong khi đó Moskva luôn bác bỏ cáo buộc này. Ông Putin nhấn mạnh Nga sẽ sẵn sàng làm việc với bất cứ Tổng thống đắc cử nào của Mỹ, và có nhiều việc tốt hơn để làm thay vì can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ. Ông cũng bày tỏ hy vọng quan hệ với Washington sẽ được cải thiện.

Sáng 3/10, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Viện Khoa học Quốc phòng của nước này đã thành công trong vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) mới. Tên lửa mang tên Pukguksong-3, được phóng đi theo phương thẳng đứng vào ngày 2/10 tại vùng biển ngoài khơi Vịnh Wonsan. Theo KCNA, vụ phóng đã xác nhận về mặt khoa học và kỹ thuật các chỉ tiêu kỹ thuật, chiến lược chủ chốt của loại tên lửa đạn đạo mới, không hề gây ra ảnh hưởng tai hại nào đối với an ninh của các quốc gia láng giềng. Trước đó, quân đội Hàn Quốc cũng đã xác nhận Triều Tiên đã phóng một vật thể có vẻ là một tên lửa tàu ngầm vào khu vực biến Nhật Bản, và tên lửa này bay xa khoảng 450 km với độ cao tối đa là 910 km. Trong khi Nhật Bản xác nhận một phần của tên lửa đã rơi xuống vùng hải phận nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động khiêu khích và giữ cam kết đối với các cuộc đối thoại, trong khi Liên hợp quốc, Đức, Pháp đều bày tỏ quan ngại đối với vụ phóng này.

Ngày 2/10, Mỹ đã mở lại Đại sứ quán ở Somalia sau 28 năm. Việc mở lại Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Mogadishu là bước tiến quan trọng trong bình thường hoá quan hệ Mỹ-Somalia, là biểu tượng của tăng cường quan hệ song phương, cũng như thúc đẩy ổn định, phát triển và hoà bình cho Somalia và khu vực. Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Mogadishu đã bị đóng cửa năm 1991 vì những lo ngại về an ninh. Somalia đã chìm trong bạo lực kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra giữa các nhóm sắc tộc năm 1990. Tình hình đã trở nên phức tạp khi có sự hiện diện của nhóm phiến quân al-Shabab khi các phần tử cực đoan này liên tục thực hiện các vụ tấn công khủng bố trên khắp đất nước.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 2/10 đã chấp thuận cho Mỹ đánh thuế đối với lượng hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD liên quan đến chính sách trợ cấp trái phép mà EU dành cho Airbus. Tòa án trọng tài của WTO ra phán quyết Mỹ đã chịu thiệt hại tương đương gần 7,5 tỷ USD/năm từ các khoản cho vay ưu đãi của Chính phủ các nước châu Âu dành cho các máy bay A350 và A380 của Airbus. Trước đó, Washington đã yêu cầu được phép đánh thuế lên đến 100% đối với lượng hàng hóa của châu Âu có giá trị 11,2 tỷ USD. Trước khi các mức thuế được áp dụng, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO phải chính thức thông qua báo cáo của các trọng tài. Thủ tục này được dự đoán sẽ mất từ 10 ngày đến 4 tuần.

Lực lượng chức năng Trung Quốc vừa phát hiện khối tài sản gồm 13,5 tấn vàng cùng hàng triệu Nhân dân tệ tiền mặt ở trong nhà riêng của một quan chức ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam. Bí thư Thành ủy thành phố Hải Khẩu thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, ông Trương Kỳ, đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) điều tra về hành vi "vi phạm kỷ luật" - cụm từ thường được dùng cho tội danh tham nhũng ở Trung Quốc. Mới đây, trên các mạng xã hội đã xuất hiện đoạn video quay cảnh cơ quan điều tra khám xét nhà riêng của ông Trương Kỳ. Trong đó, lực lượng chức năng Trung Quốc đã phát hiện khối tài sản khổng lồ gồm khoảng 13,5 tấn vàng, hàng triệu Nhân dân tệ tiền mặt cùng nhiều đồ cổ và giấy tờ bất động sản đắt tiền. Ước tính, giá trị số vàng này có thể lên đến gần 500 triệu USD. Các quan chức phạm các tội danh liên quan đến kinh tế ở Trung Quốc có thể phải nhận án tử hình.

Hoàng tử Harry và vợ mình là Meghan Markle cho biết sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý kiện báo Mail on Sunday. Nguyên nhân do tờ báo này đã đã đăng tải một bức thư riêng của Meghan Markle bất hợp pháp. Hoàng tử Harry cho biết, họ buộc phải dùng luật pháp để phản ứng với hành vi này. Chi tiết về ngày xuất bản không được nhắc đến. Tuy nhiên, Hoàng tử Harry cho rằng tờ báo đã cố ý làm độc giả hiểu lầm khi lược bỏ một số đoạn, câu và từ ngữ cụ thể trong bức thư. Schillings - hãng luật đại diện cho vợ chồng Hoàng tử Harry mô tả hành động đăng tải lá thư riêng của Meghan Markle là một chiến dịch cố ý đăng tải những thông tin sai lạc, xúc phạm đến Công nương cũng như Hoàng tử Harry.

Triều cường là vấn nạn tại Ấn Độ. Trong những ngày qua, nhiều bãi biển ở thành phố Mumbai, Ấn Độ bị biến mất vì triều cường. Hiện tượng này đang làm dấy lên lo ngại siêu đô thị này sẽ bị nước biển nhấn chìm. Không chỉ bây giờ, mà từ vài năm trở lại đây, nhận thức rõ vấn đề này, người dân Mumbai tại khu vực ven biển đã tích cực trồng cây để ngăn triều cường, nước biển dâng. Theo dự báo, mực nước biển sẽ dâng cao 1m trong năm 2100 và khi đó, Mumbai sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Chính vì thế, chính quyền Mumbai đang lên kế hoạch, di dời các khu ổ chuột, đồng thời trồng thêm nhiều rừng ngập mặn để đối phó với nguy cơ bị nhấn chìm. Trong một diễn biến khác, Chính phủ Ấn Độ công bố ngày 1/10, đã có hơn 1.600 người bị thiệt mạng trong mùa mưa lũ năm nay tại nước này. Đây là mưa lũ được xem là khốc liệt nhất tại quốc gia Nam Á này trong vòng 25 năm qua.

Ngày 2/10, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã công bố kế hoạch cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần. Kế hoạch hướng tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa dùng một lần tại Ấn Độ vào năm 2022 nhận được sự ủng hộ từ nhiều địa phương, doanh nghiệp tại Ấn Độ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất nhựa lo ngại kế hoạch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh. Khoảng 20.000 người sẽ bị mất việc làm. Hiện Ấn Độ là một trong các quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 14 triệu tấn mỗi năm.

Hàng nghìn người nông dân Hà Lan trên khắp cả nước đã lũ lượt lái máy kéo đổ về thành phố La Haye tham gia cuộc biểu tình phản đối các chính sách khí hậu của chính phủ, khiến quốc gia châu Âu này trải qua một ngày ách tắc giao thông nghiêm trọng chưa từng có. Theo cơ quan điều phối giao thông Hà Lan ANWB, đoàn máy kéo biểu tình nối đuôi nhau trên đoạn đường dài tổng cộng 1.136km, gây tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Cuộc biểu tình của giới nông dân nhằm phản đối chính sách của Chính phủ Hà Lan gần đây về việc yêu cầu người nông dân giảm các hoạt động chăn nuôi gia súc, cụ thể là bò sữa nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Những người biểu tình cho rằng chính sách khí hậu của Hà Lan không công bằng đối với người nông dân khi mà các hoạt động trong ngành công nghiệp và du lịch cũng góp phần gây biến đổi khí hậu.

Tin thể thao:

Cúp C1 châu Âu:

Inter Milan đã nhận thất bại 1-2 trước Barcelona trong trận đấu ở lượt trận thứ 2 tại bảng F Champions League mùa này. Lautaro Martinez đã mở tỉ số cho Inter ngay phút thứ 3, tuy nhiên Luis Suarez đã lập cú đúp để giúp Barca giành trọn 3 điểm. Ở một diễn biến khác, Dortmund giành chiến thắng 2-0 trên sân của Slavia Praha nhờ cú đúp của Achraf Hakimi. Barca có 4 điểm như đội đầu bảng Dortmund nhưng phải tạm xếp thứ 2 do kém về hiệu số bàn thắng – thua. Còn Inter, họ mới có 1 điểm sau 2 trận và đang đứng thứ 3 tại bảng F Champions League năm nay.

Trong khi đó, tại bảng E, Liverpool có chiến thắng nhọc nhằn trước Red Bull Salzburg. Sau 36 phút thi đấu, nhà ĐKVĐ Champions League dẫn trước 3-0 nhờ công của Sadio Mane, Andrew Robertson và Mohamed Salah. Tuy nhiên sau đó, Red Bull Salzburg đã đưa trận đấu quay về vạch xuất phát nhờ các bàn thắng của Hwang Hee-Chan, Takumi Minamino và Erling Braut Haaland. Mohamed Salah đã ghi bàn ở phút 69 để giúp Liverpool giành chiến thắng 4-3.

Trong khi đó, tại bảng H, Ajax đại thắng 3 bàn không gỡ trên sân của Valencia vươn lên giành trọn 6 điểm sau 2 lượt trận để độc chiếm ngôi đầu bảng H. Trong khi đó, Chelsea sau thắng lợi 2-1 nhọc nhằn trước Lille đã cân bằng điểm số với Valencia nhưng "The Blues" vẫn phải xếp thứ 3 do kém hơn đối thủ về thành tích đối đầu trực tiếp (yếu tố đầu tiên xếp thứ hạng các đội bằng điểm nhau ở cùng 1 bảng).

Liverpool sợ toát mồ hôi vì sân nhà "sát chủ": Chiến thắng 4-3 khi tiếp đón Red Bull Salzburg ở lượt trận thứ 2 bảng E Champions League thật sự là trận đấu quá khó nhọc với ĐKVĐ châu Âu. Liverpool đã lần đầu tiên sau 5 năm thủng lưới đến 3 bàn thua trong 1 trận đấu trên sân nhà Anfield ở Champions League kể từ khi bị Real Madrid vùi dập 3-0 tại đây tháng 10 năm 2014. Red Bull Salzburg cũng là đội bóng thứ tư trong lịch sử ghi được 3 bàn thắng khi làm khách tại Anfield (sau Barcelona, Chelsea và Real Madrid). Dù vậy, CLB nước Áo là đội duy nhất thua đội chủ nhà Liverpool khi làm được điều này.

Conte chỉ trích trọng tài sau thất bại trước Barca: Phát biểu trên Sky Sport Italia, HLV Antonio Conte đã chỉ trích trọng tài sau trận thua 1-2 của Inter trước Barcelona. Trong suốt trận đấu, HLV Conte có những trao đổi với trọng tài chính Skomina khi mà ông không hài lòng với những quyết định của vị vua áo đen này. HLV người Italy cho rằng Inter đã nhận thất bại không xứng đáng. Ông tỏ ra hối tiếc vì Inter đã không tận dụng được những cơ hội của mình trong trận đấu vừa qua.

MU quyết chiêu mộ James Maddison: Theo Daily Mail (Anh), MU đang theo dõi sát sao tình hình của James Maddison, mục tiêu chuyển nhượng của CLB này. Cầu thủ 22 tuổi người Anh đã ghi 2 bàn và thực hiện 1 pha kiến tạo trong 6 lần ra sân ở Ngoại hạng Anh mùa này. Theo thống kê, anh là cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội nhất ở Premier League kể từ mùa giải 2018-19 (111). Tiền vệ tấn công 22 tuổi này có thể mang lại sự sáng tạo cho các đợt tấn công của MU. Tuy nhiên “Quỷ đỏ” có thể phải bỏ ra 80 triệu bảng để chiêu mộ anh vào mùa Hè sang năm.

Bayern Munich muốn mua đứt Coutinho: Tờ SPORT (Tây Ban Nha) đưa tin Bayern Munich muốn mua đứt Phillippe Coutinho sau khi ngôi sao người Brazil tỏa sáng trong thời gian gần đây. Bayern Munich đã mượn Coutinho từ Barca trong mùa Hè này với thời hạn là 1 mùa giải. Nhà ĐKVĐ Bundesliga có điều khoản mua đứt Coutinho trị giá 120 triệu euro. Nếu như Coutinho tiếp tục thi đấu với phong độ cao, Bayern Munich sẵn sàng phá két để mua đứt anh. Được biết, Bayern Munich đã trả 8,5 triệu euro cho Barca để mượn Coutinho và cũng đang trả tiền lương cho cầu thủ này. Coutinho tỏ ra rất hạnh phúc ở Bayern Munich khi mà anh đã lấy lại sự tự tin trong thời gian khoác áo CLB của Đức.

MU chiêu mộ Alderweireld, Eriksen và Mandzukic ngay mùa Đông: Theo truyền thông Anh, Ole Gunnar Solskjaer muốn chiêu mộ ngay trung vệ Toby Alderweireld, tiền vệ Eriksen của Tottenham và tiền đạo Mario Mandzukic của Juventus trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông vào tháng 1/2020. Quỷ Đỏ đang gặp vấn đề nhân sự ở cả 3 tuyến bất chấp đã chiêu mộ 3 tân binh Maguire, Wan-Bissaka và Daniel James trong kì chuyển nhượng mùa Hè. Alderweireld và Eriksen đều sẽ hết hợp đồng với Tottenham cuối mùa này nên có thể gia nhập MU dưới dạng CNTD trong khi Mandzukic có giá chuyển nhượng chỉ khoảng 15 triệu euro và không còn nằm trong kế hoạch của HLV Sarri ở Juventus.

Sarri muốn Juventus chiêu mộ N’Golo Kante: Theo truyền thông Italy, ông Maurizio Sarri nói với lãnh đạo Juve là ông muốn họ thử tìm cách chiêu mộ tiền vệ người Pháp N’Golo Kante và tin rằng nếu có Kante, Juve sẽ sở hữu hàng tiền vệ mạnh nhất Châu Âu. Sarri từng huấn luyện Kante trong mùa duy nhất ông dẫn dắt Chelsea và tuyển thủ Pháp luôn được coi là một trong những tiền vệ đánh chặn hàng đầu thế giới mấy mùa giải qua. Juve hi vọng có thể thuyết phục Chelsea bán Kante với giá khoảng 70 triệu bảng và họ tin đủ sức thuyết phục Kante rời bỏ Chelsea. Juve vốn có duyên với các cầu thủ người Pháp. Trong đội hình hiện tại của họ cũng có 2 tiền vệ người Pháp là Adrien Rabiot và Blaise Matuidi.

Max Allegri có thể trở lại cầm quân sớm hơn dự kiến: Có tin cho biết ông Max Allegri có thể trở lại với công việc HLV sớm hơn dự kiến. Lúc đầu ông dự định nghỉ 1 năm sau khi rời Juventus trước khi quyết định trở lại với công việc. Nhưng không loại trừ khả năng ông sẽ tái xuất sớm hơn. AC Milan, Tottenham, MU và PSG là 4 đội bóng được liên hệ với Max Allegri. Đây đều là các đội có khả năng thay HLV trong tương lai gần. Ông Allegri là một trong số ít HLV tên tuổi đang tự do nên càng được săn đón trong đó mối liên hệ với MU và AC Milan là nhiều nhất vào thời điểm này.

Andriy Shevchenko lên tiếng về tin đồn làm HLV Milan: Cựu tiền đạo AC Milan Andriy Shevchenko khẳng định anh không hề được đội bóng cũ liên hệ và hiện tại không nghĩ đến chuyện dẫn dắt Rossoneri. “Milan không hề liên hệ với tôi và ở góc độ nghề nghiệp, tôi chỉ nghĩ đến tuyển Ukraine. Tôi đang là HLV tuyển Ukraine và chỉ muốn tập trung vào công việc của mình. Tôi muốn cùng các cầu thủ có mặt ở VCK EURO 2020”. Phát biểu của Sheva có thể coi là dập tắt tin đồn Milan chọn anh thay ông Giampaolo làm HLV mới bất chấp thực tế họ đang khủng hoảng với 4 trận thua sau 6 vòng đấu đầu tiên ở Serie A.

Anh công bố thỏa thuận Brexit cuối cùng: Được ăn cả - ngã về không!

Ngày 2/10, đúng như dự kiến, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bài phát biểu quan trọng bế mạc Đại hội thường niên đảng Bảo thủ, trong đó nêu chi tiết những đề xuất mà Anh sẽ gửi đến Liên minh châu Âu liên quan đến Brexit. Giới quan sát đánh giá, bản đề xuất này được cho là thỏa thuận cuối cùng, như một “tối hậu thư” mà ông Johnson muốn gửi đến EU. Bởi nếu EU không chấp thuận, Anh sẽ rời khỏi khối này đúng hạn - 31/10 mà không cần bất cứ thỏa thuận nào.

Điểm nổi bật trong đề xuất mới nhất của Thủ tướng Johnson

Đề xuất của ông Johnson gồm 5 điểm, đầu tiên và quan trọng nhất, đó là về việc tỉnh Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu và tuân thủ các quy định của EU về hàng hoá, bao gồm cả sản phẩm nông nghiệp, trong một thời gian quá độ, trước mắt là từ cuối năm 2020 cho đến hết năm 2025. Đây là điểm khác biệt lớn so với thoả thuận Brexit cũ vốn muốn giữ toàn bộ Vương quốc Anh chứ không chỉ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu.

Tiếp đến, nhằm tránh việc kiểm soát ở biên giới, tức là việc tái lập biên giới cứng, giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland thuộc EU, chính phủ Anh chủ trương thiết lập một khu vực có quy định chung trên đảo Ireland. Tuy nhiên, hàng hoá từ phần còn lại của Vương quốc Anh sang Bắc Ireland sẽ bị kiểm tra.

Để phương án này được thực thi, chính phủ Anh sẽ trao cho chính quyền và Nghị viện Bắc Ireland quyền quyết định có ủng hộ kế hoạch này hay không. Cũng chính Nghị viện Bắc Ireland sẽ phê chuẩn mỗi 4 năm một lần việc kéo dài thời gian quá độ. Một khi thời hạn quá độ kết thúc, Bắc Ireland sẽ trở lại hoàn toàn với các quy định của Vương quốc Anh.

Đến lúc đó, Thủ tướng Anh cam kết sẽ không thiết lập kiểm soát hải quan tại biên giới hay gần biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland mà sẽ tiến hành bằng cách đơn giản hoá thủ tục hải quan trên mạng hoặc kiểm tra ngay tại các kho hàng của các công ty.

Về tổng thể thì có 2 điểm cần lưu ý trong đề xuất này: một, là ông Boris Johnson kiên quyết đưa Vương quốc Anh khỏi ràng buộc của liên minh thuế quan châu Âu qua đó có thể nhanh chóng tiến hành đàm phán các Hiệp định Tự do thương mại mới với các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Hai, đó là đã có một sự nhượng bộ đáng chú ý trong vấn đề Bắc Ireland, ở đây là việc tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh về mặt quy định hàng hoá trong một khoảng thời gian, điều mà trước đây đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) luôn phản đối và các chính phủ Anh cũng tương đối lo ngại.

Phản ứng của Liên minh châu Âu

Trong thông cáo đưa ra ngay sau khi nhận được đề xuất từ phía Anh, EU cho biết họ ghi nhận các điểm tích cực, đặc biệt là việc để Bắc Ireland tuân thủ các quy định của EU cũng như việc kiểm soát hàng hoá từ phần còn lại của Vương quốc Anh sang Bắc Ireland. Tuy nhiên, vướng mắc mà EU lo ngại là ở việc vận hành và quản lý tất cả các quy trình này ra sao. Các phát biểu của các quan chức hàng đầu EU như Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker hay Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier cũng cho thấy là đề xuất của ông Boris Johnson được đón nhận tương đối tích cực, dù phía châu Âu vẫn cho rằng còn một số vấn đề cần phải bàn kỹ thêm.

Mấu chốt ở đây là thái độ của Cộng hòa Ireland, nước có quyền lợi và ảnh hưởng trực tiếp với vấn đề backstop. Phía Cộng hòa Ireland cho biết chưa thoả mãn với đề xuất từ phía Anh và sẽ phải bàn bạc kỹ với các nước EU khác. Tác động của Brexit, đặc biệt là điều khoản backstop đến Cộng hòa Ireland không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, liên quan đến môi trường hoà bình của nước này nên nếu Cộng hòa Ireland còn thấy vướng mắc thì đề xuất này sẽ thất bại, do EU hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận.

Tất nhiên, khi vẫn còn các bất đồng như hiện nay thì Brexit không thoả thuận vẫn là kịch bản có nguy cơ cao xảy ra, ít nhất là từ phía Anh bởi chính phủ hiện nay của ông Boris Johnson chắc chắn không đi tìm một sự gia hạn nào khác với Brexit.

Tương lai chính trị của ông Johnson

Cho đến lúc này thì bất chấp các phản đối mạnh mẽ từ Nghị viện Anh, từ các đảng đối lập và cả từ một bộ phận dân chúng, ông Boris Johnson vẫn đang tiếp tục thực thi chiến lược Brexit của mình mà chưa bị ngăn lại. Điều này cho thấy là dù gây ra rất nhiều tranh cãi gay gắt nhưng ông Boris Johnson không phải là một chính trị gia dễ bị đánh bại. Sự quyết liệt của ông Johnson được không ít cử tri Anh ủng hộ.

Điều quan trọng hơn là phe đối lập tại Anh hiện không có đủ sức mạnh cần thiết, cũng như không có các gương mặt lãnh đạo nổi trội để có thể thách thức ông Boris Johnson. So với thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn vốn nổi tiếng vì sự thiếu kiên định thì hình ảnh ông Boris Johnson bảo vệ đến cùng chiến lược Brexit của mình tạo ra nhiều thiện cảm hơn với dân chúng Anh. Nói cách khác, dù bị phản đối nhiều nhưng ông Boris Johnson vẫn được cho là người lãnh đạo phù hợp hơn để tiến hành Brexit.

Trước mắt, tương lai chính trị của ông Johnson phụ thuộc nhiều vào việc EU có chấp nhận các đề xuất mới hay không. Khả năng vào phút chót hai bên đạt được thoả thuận có lẽ đang cao hơn là kịch bản Brexit không thoả thuận. Khi đó thì cũng rất khó cho Nghị viện Anh tiếp tục bác bỏ chiến lược của ông Johnson bởi suy cho cùng, ông Boris Johnson nắm trong tay lí lẽ quan trọng nhất: đó là phải thực thi ý nguyện của người dân Anh năm 2016 về việc rời EU.

Hơn 3 năm qua, Nghị viện Anh cũng như các đảng đối lập trên thực tế cũng đã bất lực trong việc tìm giải pháp khác và sự bất lực này khiến quyền lực của các nhóm này suy yếu. Trong trường hợp cuối cùng là phải tiến đến tuyển cử sớm thì đảng Bảo thủ và ông Boris Johnson vẫn có nhiều cơ hội chiến thắng nhất hiện nay. Vì thế, điều duy nhất ngăn được ông Johnson là việc nước Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit và quyết định ở lại trong EU. Nhưng khả năng này là cực kỳ thấp.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 03/10/2019 là 1 AUD = 0.671 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 03/10/2019 là 1 AUD = 15,518 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 32 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–30 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–28 độ.

Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–30 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–16 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này