Chương trình Thời sự thứ Năm, 01/11/2018

| 31/10/2018 | 517 Lượt nghe


Tin nước Úc:


- Reservoir: Một ngôi nhà bị trộm đột nhập lấy cắp nhiều trang sức
- Tin Úc: Cảnh báo gây sốc của các nha sĩ về nghi lễ trick-or-treat
- Victoria: Đảm bảo an toàn cho trẻ quanh các trường học ở tiểu bang
- Victoria: Người cha bắn chết con trai vì món trứng ốp la cháy bị kết án 19 năm tù giam
- Melbourne: Bị học sinh chơi khăm sau kỳ thi lớp 12, một quán cà phê bị rớt hạng đánh giá trên Google
- Victoria: Đảng Lao động quan tâm nhiều hơn đến các cử tri thích câu cá để giải trí
- St Kilda: Giám đốc phụ trách Bình đẳng bang Victoria bị một người biểu tình tức giận xô đẩy
- Noble Park: Người dân được cảnh báo không nên đi bộ một mình vào ban đêm
- Victoria: Đảng Xanh Victoria cam kết sẽ khôi phục sông Yarra River thành nơi “có thể bơi lội”
- Tin Úc: Người Úc đang nợ tiền thuế nhiều hơn bao giờ hết
- Sự thật gây sốc về khoản vay trả trước lãi: 900,000 người vay tiền mua nhà đang gặp khó khăn
- Victoria: Lệnh cấm lửa hoàn toàn sẽ được ban hành trong khi nhiệt độ tăng cao
- Tin vắn

Tin Thế giới:


Sáng 1/11, Bộ Vận tải Indonesia cho biết lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tìm thấy hộp đen máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air rơi ngoài khơi biển Java cách đây 3 ngày. Tổng cộng 812 người đã được điều động tham gia công tác tìm kiếm, gồm 60 thợ lặn, các nhân viên chính phủ, tình nguyện viên và các thành viên Hội Chữ thập Đỏ. Hoạt động tìm kiếm đã được mở rộng hơn 46km quanh điểm được cho là nơi máy bay rơi và dự kiến sẽ được tiếp tục suốt ngày đêm trong những ngày tới.

Tòa án Tối cao Hàn Quốc ngày 1/11 đã ra phán quyết quy định rằng tín ngưỡng tôn giáo được xem là lý do hợp lệ để từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự, đảo ngược quyết định cách đây 14 năm. Quyết định ngày 1/11 này được đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm 28/6 đã ra phán quyết, theo đó lần đầu tiên công nhận sự cần thiết phải thiết lập chế độ nghĩa vụ thay thế dành cho những người từ chối nhập ngũ vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp thì Điều 5 Luật nghĩa vụ quân sự không quy định chế độ nghĩa vụ thay thế cho những người từ chối nghĩa vũ quân sự là không phù hợp với Hiến pháp. Theo đó, Tòa án Hiến pháp đặt ra thời hạn chót để sửa đổi điều luật này ngày 31/12/2019.

Trong một tuyên bố gửi các thành viên chính phủ vào ngày hôm qua (31/10), Tổng thống Donald Trump khẳng định, hiện Mỹ có đủ nguồn cung dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ từ các quốc gia khác ngoài Iran, qua đó cho phép nước này giảm đáng kể lượng dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ mua từ Iran hoặc thông qua các tổ chức tài chính nước ngoài. Ông Trump cũng khẳng định, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình liên quan đến lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran. Với những biện pháp ngặt nghèo hơn, các biện pháp cấm vận giai đoạn 2 của Mỹ đối với Iran được cho là nhằm mục đích loại bỏ Tehran ra khỏi thị trường năng lượng toàn cầu.

Hôm 31/10, một công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng nhà báo Jamal Khashoggi đã bị làm cho nghẹt thở đến chết rồi bị phân xác trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và đây là một vụ tấn công đã được lên kế hoạch từ trước. Đây là xác nhận chính thức đầu tiên từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về việc nhà báo Khashoggi đã chết như thế nào. Đây cũng là diễn biến mới nhất trong một vụ án mạng kinh hoàng như trong phim và đe dọa phá hoại quan hệ giữa Saudi Arabia và nhiều nước trên thế giới.

Một vùng cấm bay và cấm tập trận gần khu vực biên giới giữa Hàn Quốc
và Triều Tiên bắt đầu có hiệu lực trong ngày hôm nay 1/11, trong bối cảnh hai nước láng giềng này đang nỗ lực thúc đẩy hạ nhiệt hơn nữa các căng thẳng. Các biện pháp trên nằm trong một thỏa thuận quân sự được ký kết trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9 vừa qua ở Bình Nhưỡng, trong đó có việc hai bên thống nhất dừng “toàn bộ hành động thù địch,” và tháo dỡ dần các loại mìn cũng như trạm gác ở Khu Phi quân sự (DMZ). Mỹ lo ngại thỏa thuận này có thể làm suy yếu khả năng sẵn sàng phòng thủ và không đưa tới tiến bộ đáng kể nào về phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Ngày 31/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ không lệ thuộc vào bên nào khi điều tra nguyên nhân cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ông khẳng định giới chức Washington sẽ tiếp tục tự tìm ra sự thật dựa trên những thông tin nước này có được. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng vụ việc dẫn tới cái chết của nhà báo Khashoggi "vi phạm các chuẩn mực luật pháp quốc tế." Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý về tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại và quân sự giữa Mỹ và Saudi Arabia, đồng thời nhấn mạnh mong muốn duy trì mối quan hệ với đối tác Trung Đông vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ qua này.

Ngày 31/10, Ai Cập đã chào đón các phái đoàn của các nước Arab
đến tham dự cuộc tập trận “Lá chắn Arab 1” dự kiến diễn ra từ ngày 3-16/11 tới tại căn cứ quân sự Mohamed Naguib, miền Tây Bắc nước này. Đại tướng Tamer El-Refai nhấn mạnh các cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ các nỗ lực của Ai Cập nhằm tăng cường hợp tác quân sự với các nước Arab khác, từ đó nâng cao năng lực tác chiến của các lực lượng vũ trang. Ngoài ra, cuộc tập trận này là một phần trong kế hoạch huấn luyện chung được Các Lực lượng vũ trang Ai Cập triển khai thực hiện cùng nhiều quốc gia khác nhằm phát triển quan hệ quân sự, cùng đối phó với các thách thức chung và ủng hộ những nỗ lực nhằm duy trì an ninh và ổn định ở khu vực.

Ngày 1/11, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ "sớm" thăm Seoul. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc không nêu thêm chi tiết về chuyến thăm này. Trong một diễn biến khác, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi quốc hội nước này thông qua việc tăng ngân sách cho năm 2019 và hợp tác để mang lại hòa bình dài lâu trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, các cơ quan kinh tế và Chính phủ Hàn Quốc đều giảm dự báo tăng trưởng trong năm tới trong khi giá trên thị trường chứng khoán sụt giảm và tình trạng thất nghiệp ở Hàn Quốc vẫn ở mức cao.

Ngày 31/10, Tòa án Tối cao Brazil đã phê duyệt đề nghị của Văn phòng Công tố về việc tạm thời đình chỉ cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống sắp mãn nhiệm Michel Temer với cáo buộc nhận các nguồn tài trợ bất hợp pháp từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht trong chiến dịch tranh cử năm 2014. Văn phòng Công tố Brazil cho biết, với những thông tin và tài liệu cơ quan này nhận được, “nhóm các chính trị gia” do Tổng thống Temer dẫn đầu đã nhận tiền hối lộ từ Odebrecht để quan tâm tới các lợi ích của doanh nghiệp này. Chánh Văn phòng Nội các Brazil Eliseu Padilha, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Brazil Wellington Moreira Franco, và nhiều chính trị gia khác trong Đảng Phong trào dân chủ (PMDB) cũng bị tình nghi dính líu tới các vụ bê bối nhận hối lộ.

Chính phủ Mỹ đang giám sát mọi hành động can thiệp từ nước ngoài có thể có nhằm vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào ngày 6/11 tới, đồng thời khẳng định sẵn sàng trừng phạt bất kỳ cá nhân hay thực thể nào dính líu tới hoạt động này. Trong khi đó, Bộ Tư pháp cũng lên kế hoạch triển khai một bộ phận gọi là “sở chỉ huy can thiệp bầu cử” trong ngày diễn ra bầu cử để giúp FBI nhanh chóng liên lạc với các cơ quan “trực chiến” khác trên khắp đất nước. Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 với mục đích củng cố sự ủng hộ đối với ông Donald Trump, và gần đây tiếp tục cáo buộc Moskva tìm cách gây ảnh hưởng lên kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tuần tới.

Hai chiếc máy bay dân dụng của Mỹ và Pháp đã va chạm tại sân bay Charles de Gaulle ở thủ đô Paris. Vụ tai nạn xảy ra ngày hôm qua (31/10) khi một chiếc máy bay của hãng hàng không Pháp Air France đang di chuyển từ sân đỗ ra đường băng để chuẩn bị cho chuyến bay đến Saint Martin đã va vào cánh một chiếc máy bay thuộc sở hữu của hãng hàng không Delta Airlines. Không có ai bị thương trong vụ tai nạn, tuy nhiên chuyến bay đến Saint Martin của Air France đã phải dời sang ngày hôm nay (1/11). Hiện Cơ quan điều tra an toàn hàng không của Pháp (BEA) đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Ngày 31/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, Mỹ đang “nỗ lực toàn diện... để thuyết phục Trung Quốc hành xử như một quốc gia thông thường trong lĩnh vực thương mại” cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế, sau khi Washington kết tội 10 công dân Trung Quốc ăn cắp bí mật hàng không. Ông Pompeo đánh giá cách hành xử của Trung Quốc khi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ là “không thỏa đáng,” và “không phù hợp với địa vị là một siêu cường.” Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, trong dài hạn, Trung Quốc có lẽ là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt, và chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực đẩy lùi thách thức này “trên tất cả các mặt trận.”

Tin Thể thao:

Jose Mourinho không bị LĐBĐ Anh (FA) phạt với lí do Ủy ban điều tra độc lập của FA đưa ra là “không đủ bằng chứng” để buộc tội HLV Bồ Đào Nha có lời lẽ không đúng mực sau chiến thắng 3-2 của M.U trước Newcastle. Ngoài ra, M.U có nguy cơ mất không Juan Mata vào tay Juventus. Tiền vệ 30 tuổi người Tây Ban Nha sẽ hết hợp đồng với M.U vào cuối mùa và vẫn chưa gia hạn.

Không có bất ngờ ở vòng 4 cúp Liên đoàn Anh khi các đội bóng tên tuổi đều giành chiến thắng để đặt chỗ ở tứ kết. Arsenal hạ đội bóng hạng dưới Blackpool 2-1. Chelsea hạ một đội hạng dưới khác là Derby County 3-2 trong khi Tottenham vượt qua West Ham 3-1. Ở trận vòng 4 còn lại đã diễn ra, Middlesbrough vượt qua Crystal Palace 1-0.

HLV tạm quyền Santiago Solari đánh dấu cho trận đấu đầu tiên dẫn dắt đội 1 Real Madrid bằng chiến thắng dễ dàng 4-0 trước đội bóng hạng dưới Melilla ở lượt đi vòng 3 cúp Nhà Vua và coi như đã giành quyền vào vòng 4. Trong một diễn biến khác, Barca thắng nhẹ chủ nhà Leonesa 1-0 bằng pha lập công của trung vệ tân binh Clement Lenglet.

Theo huyền thoại Michel Platini - Raphael Varane sẽ giành Quả bóng vàng 2018 do tạp chí France Football bầu chọn. Ông Michel Platini cho rằng chức vô địch Champions League cùng World Cup 2018 là lợi thế rất lớn cho trung vệ người Pháp.

Chiến lược gia người Tây Ban Nha Guardiola xếp số 1 trong bảng xếp hạng 50 HLV xuất sắc nhất thế giới năm 2018 của Fourfourtwo. Zidane là người đứng thứ 2, trong khi HLV Mourinho của Manchester United đứng vị trí 25.

Theo tiết lộ từ truyền thông Tây Ban Nha, Leo Messi đã bình phục thần tốc và sẽ trở lại sớm hơn dự kiến. Được biết, Leo Messi xác nhận sẽ chính thức ra sân thi đấu ở trận gặp Atletico Madrid vào ngày 25/11. Hôm nay, ngôi sao Argentina đã chính thức trở lại luyện tập bình thường.

Arsenal đã nói với Aaron Ramsey lí do vì sao họ rút lại đề nghị gia hạn hợp đồng với anh sau các cuộc thương lượng kéo dài và như thế tiền vệ xứ Wales có thể sẽ ra đi ngay tháng 1/2019 nếu Arsenal chấp nhận giảm giá bán hoặc ra đi dưới dạng chuyển nhượng tự do vào cuối mùa này khi hợp đồng hiện tại của anh hết hạn. M.U, Chelsea, Liverpool và Juventus đều từng được liên hệ với Ramsey và rất có thể một trong số họ sẽ là điểm đến tiếp theo của anh sau khi rời sân Emirates.

Rafael Nadal buộc phải tuyên bố rút lui khỏi giải Paris Masters vì đau cơ bụng và như thế anh mất ngôi số 1 thế giới vào tay Novak Dokovic khi BXH mới được công bố sau mấy ngày. Hiện chưa rõ anh có kịp bình phục để góp mặt ở ATP World Tour Finals hay không.

Federer vừa ký hợp đồng siêu khủng 300 triệu USD với hãng thời trang của Nhật Bản. Giá trị bản hợp đồng kéo dài 10 năm đến khi Federer 47 tuổi. Trong tuyên bố mới đây tại Paris Masters, tay vợt người Thụy Sỹ khẳng định sẽ không để nhà tài trợ phải chịu thiệt thòi. "Tôi đã nói với công ty Nhật Bản sẽ cố gắng hết sức tham dự các giải đấu lớn và thậm chí sẽ giành Grand Slam. Họ tin tưởng tôi và tôi sẽ không phụ lòng họ", Federer cho hay.

Toan tính mới của Nga ở Syria

Gây sức ép buộc EU hỗ trợ cho quá trình tái thiết và tìm cách để Mỹ rút quân khỏi Syria là những toan tính mới của Nga ở quốc gia này.

Sau một vài trì hoãn, Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul cuối cùng đã diễn ra ngày 27/10, đưa các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp và Đức ngồi vào bàn đàm phán thảo luận về vấn đề hòa bình ở Syria. Hội nghị 4 bên từng được dự tính tổ chức vào đầu tháng 9 nhưng những khác biệt giữa các bên đã khiến cuộc gặp này không diễn ra theo tính toán.

Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul có sự tham gia của cả các đại diện trong Tiến trình Astana (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) và Nhóm làm việc Syria (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập) nhưng cuộc gặp này không thể xóa tan những khác biệt giữa các bên.

Ngoài một tuyên bố chung nhấn mạnh đến việc cần thiết của một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột Syria, không có bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra để thực hiện sáng kiến này. Vấn đề gây chia rẽ chính giữa các bên tiếp tục là vận mệnh chính trị của ông Bashar al-Assad, sự hiện diện của quân đội nước ngoài, câu hỏi về vấn đề người tị nạn và quá trình tái thiết Syria cũng như tương lai khu vực của người Kurd ở vùng đông bắc quốc gia này.

"Quân bài" người tị nạn của Nga

Sau khi thực hiện được các mục tiêu quân sự chính là đánh bại phe đối lập và đảm bảo chế độ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đang nỗ lực biến "chiến thắng" này thành những lợi ích chính trị. Nga tìm cách bình thường hóa tình hình ở Syria qua việc tập trung vào quá trình tái thiết và đưa những người tị nạn trở về Syria.

Hiện tại, mục tiêu chính trị chính của Nga là thuyết phục các bên hỗ trợ tiềm năng, chủ yếu là EU và các nước vùng Vịnh "đổ tiền" vào nền kinh tế Syria đang kiệt quệ để giúp tái thiết quốc gia này. Lời kêu gọi những người tị nạn quay trở về Syria của Moscow có những ảnh hưởng nhất định ở EU. Với lời kêu gọi này, Nga đang tìm cách thuyết phục Đức - hiện có hơn 1 triệu người tị nạn Syria sinh sống, dẫn đầu EU tham gia vào một thỏa thuận tái thiết.

Trước đó, Nga cũng từng sử dụng quân bài người tị nạn để “mặc cả” với Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Vấn đề người tị nạn thực sự là một vấn đề quan trọng trong chính trị EU khi nó là nguyên nhân gây ra sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan khắp châu lục này.

Nhiều quốc gia EU, bao gồm cả Đức sẵn sàng tài trợ cho quá trình tái thiết Syria nhưng chỉ sau khi quốc gia này đạt được một giải pháp chính trị. Các nhóm làm việc Syria cũng tin rằng sau chiến thắng về mặt quân sự của chính quyền ông Assad do Nga ủng hộ, việc tài trợ cho quá trình tái thiết là công cụ duy nhất để các quốc gia này gây sức ép lên Tổng thống Syria và các đồng minh của ông chấp nhận một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Trái lại, Nga muốn quá trình tái thiết phải tách riêng với tiến trình chính trị. Sự bất đồng trong vấn đề này đã phủ bóng lên Hội nghị Istanbul, được phản ánh rõ trong cuộc họp báo sau đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến những khác biệt này gia tăng khi khẳng định rằng thỏa thuận Sochi về khu vực phi quân sự ở Idlib là một "giải pháp tạm thời", hàm ý rằng lựa chọn quân sự vẫn có thể được cân nhắc. Nhiều người hiểu rõ tuyên bố này hàm chứa lời đe dọa tới Thổ Nhĩ Kỹ, Đức và Pháp, rằng: Nếu các nước này không đồng ý với các kế hoạch của Nga, họ nên chuẩn bị cho việc 3 triệu dân thường hiện sống ở Idlib sẽ chạy sang biên giới của họ.

Tại sao Nga muốn Mỹ rút khỏi Syria?

Những bình luận của ông Putin về Idlib ám chỉ mục tiêu cuối cùng của ông ở Syria là chấm dứt mọi sự hiện diện quân sự nước ngoài tại đây, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và đặc biệt là Mỹ. Đầu tháng 10/2018, ông Putin khẳng định: "Chúng ta nên theo đuổi một mục tiêu là sẽ không có lực lượng nước ngoài hay sự hiện diện của bên thứ 3 nào ở Syria nữa".

Thực tế là Nga không hài lòng với kế hoạch duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc.

Các mục tiêu của Mỹ trong quyết định ở lại vùng đông bắc Syria đã được khẳng định rõ ràng hồi tháng 9/2018. Theo đó, Washington muốn ngăn chặn sự hồi sinh của IS, kiềm chế Iran và ngăn chặn quốc gia này thành lập một hành lang trên đất liền qua Iraq và Syria tới Lebanon, đồng thời sử dụng sự hiện diện quân sự như một quân bài “mặc cả” nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị trong cuộc xung đột Syria.

Hiện tại, Mỹ kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria qua việc liên minh với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Nga (qua chính quyền Syria) kiểm soát hơn một nửa quốc gia này và phần còn lại Syria được đặt dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ (qua việc ủng hộ các lực lượng đối lập Syria).

Khu vực do lực lượng SDF kiểm soát chứa 90% trữ lượng dầu và khí đốt của Syria, bao gồm cả mỏ dầu lớn nhất Syria al-Omar cũng như hầu hết nguồn nước, các con đập lớn và các nhà máy điện. Khu vực đông bắc này cũng là "giỏ bánh mì" đảm bảo nguồn cung lương thực của Syria. Nếu khu vực này nằm ngoài tầm kiểm soát, không chính phủ nào ở Damascus có thể tồn tại độc lập nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Nga, dù hào hứng với các lợi ích kinh tế từ sự can thiệp quân sự ở Syria nhưng không muốn và cũng không thể cung cấp sự hỗ trợ về mặt tài chính cho quốc gia này. Vì thế, việc Mỹ rút quân khỏi Syria là điều cần thiết để đảm bảo cho sự tồn tại của chính phủ Syria và đánh dấu cho sự thành công trong "cuộc phiêu lưu" của Nga ở Syria.

Nếu không có một thỏa thuận Mỹ - Nga thì cũng không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào đạt được về một giải pháp chính trị ở Syria.

Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul là sự thất bại đã được định sẵn bởi vì không có sự tham gia của Mỹ. Có lẽ vì lý do này mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng ngày 11/11, ông sẽ tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ về vấn đề Syria ở Paris.

Tương lai chính trị của người Kurd

Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở bờ đông sông Euphrates đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại. Mỹ ủng hộ và tài trợ cho lực lượng SDF mà nòng cốt là Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) - một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn có xung đột với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng thập kỷ qua. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc Mỹ tiếp tục hiện diện gần biên giới phía nam với Syria sẽ củng cố sức mạnh cho người Kurd và tăng cường tham vọng đòi độc lập của họ.

Pháp cũng ủng hộ lực lượng người Kurd ở phía đông Syria. Đây là nguyên nhân cho những bất đồng giữa Paris và Ankara trước và trong Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul. Gần đây, Pháp đã mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực nhằm ủng hộ Lực lượng SDF trong cuộc chiến chống lại IS.

Để thể hiện sự không hài lòng, quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã tiết lộ vị trí của Lực lượng đặc biệt Pháp tại các vùng lãnh thổ mà SDF kiểm soát. Trong khi đó, Pháp cho rằng Lực lượng SDF nên có một vị trí trong bất kỳ ủy ban hiến pháp nào nếu nó được thành lập để viết lại hiến pháp Syria trong tương lai. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến này.

Dù vậy, không phải chỉ có Pháp và Mỹ ủng hộ Lực lượng SDF. Nga cũng đang gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng đại diện người Kurd trong các cuộc đàm phán chính trị về tương lai của Syria.

Với những chương trình nghị sự, những lợi ích và mục tiêu khác nhau, thật khó để các cường quốc liên quan đến cuộc xung đột Syria đạt được một thỏa thuận. Thậm chí cả khi các quốc gia thông qua một thỏa thuận thì người dân Syria cũng không có nhiều lợi ích khi mà họ còn không được lên tiếng trong các cuộc đàm phán về tương lai của chính đất nước mình.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 01/11/2018 là 1 AUD = 0.708 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 01/11/2018 là 1 AUD = 16,609 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn
, có mây, trời nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, ít mây, trời nắng, trời se lạnh. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 27 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, sáng sớm có thể có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 27 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 17 đến 28 độ.

Tại Sydney, trời nắng nóng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 37 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào ở khu vực phía Đông Nam, gió di chuyển với vận tốc từ 25-45km/h. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 30 độ.
Hoàng Yến - Kim Phụng

Đánh giá bản tin này