Chương trình Thời sự thứ Ba, 26/02/2019

Hoàng Yến | 26/02/2019 | 1073 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Bốn người chết vì tai nạn giao thông trong vòng chưa đầy 24 giờ
- St Kilda: Bốn người bị khởi tố sau vụ tấn công bạo lực khiến hai nhân viên cảnh sát bị thương
- Victoria: Khởi công dự án xây dựng trường tiểu học Clyde North East Primary School mới
- Victoria: Gói cứu trợ hạn hán mới nhất của chính quyền bang khiến nông dân cảm thấy 'bị xúc phạm' và bỏ rơi
- Victoria: Thử nghiệm hệ thống đèn giao thông mới sẽ bắt đầu vào tháng Ba tới
- Victoria: Melbourne được chọn là thành phố đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế Rotary 2023
- Tin Úc: Đảng Lao động sẽ thu thuế 640 triệu đô la đối với các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn
- Tin Úc: Kết quả khảo sát cử tri không đổi: Đảng Lao động vẫn đang dẫn trước Liên đảng
- Tin Úc: Ngân hàng Dự trữ Úc công bố thiết kế mới của tờ tiền $20
- Victoria: Chính phủ Úc sẽ phân bổ tiền trợ cấp để đưa nguồn điện từ Tasmania vào Victoria
- Victoria: Bổ nhiệm bốn chuyên gia y tế vào Ủy ban Hoàng gia phụ trách Sức khỏe Tâm thần
- Melbourne: Tin tặc đánh cắp 15,000 hồ sơ bệnh án của bệnh viện Cabrini Hospital
- Melbourne: Công viên nước Gumbuya World sẽ mở rộng gấp đôi diện tích khu vực giải trí
- Số nhà đang được chào bán ở Úc nhiều hơn bao giờ hết kể từ năm 2012
- Victoria: Biển báo trên đường Tullamarine Freeway lại bị rơi, không có thiệt hại nào được ghi nhận
- Victoria: Melbourne sẽ chứng kiến khởi đầu mùa thu nóng nhất trong nhiều thập kỷ qua
- Tin vắn

Tin Thế giới:

Bộ Ngoại giao Belarus bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Liên minh châu Âu gia hạn lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế 4 công dân nước này, cho rằng các biện pháp trừng phạt là tàn tích của quá khứ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Belarus bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác tin cậy và thực dụng giữa Belarus và EU về một loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm sớm muộn cũng vượt qua logic trừng phạt vốn đã tỏ ra không hiệu quả. Belarus sẵn sàng có các quan hệ đối tác, toàn diện và láng giềng thân thiện với EU. Trước đó, Hội đồng Liên minh châu Âu cho biết EU đã gia hạn thêm 1 năm lệnh cấm vận vũ khí đối với Belarus cũng như các hạn chế đối với 4 công dân Belarus mà EU cho là tham gia việc bắt cóc các chính trị gia đối lập thời gian 1999-2000.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong un có thể sẽ làm việc trực tiếp với nhau ít nhất 5 lần trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội. Nhà Trắng cho biết hai ông có thể sẽ bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh dài 2 tuần bằng một buổi trao đổi trực tiếp ngắn gọn, theo sau bằng một "bữa tối xã giao." So với cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều thời gian hơn để cùng giải quyết các vấn đề quan trọng. Hiện chưa có thông tin về lịch hoạt động trong ngày làm việc thứ 2 của hai ông, nhưng khả năng lần này sẽ lặp lại các hoạt động giống cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu.

Ngày 25/2, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã ban bố 2 sắc lệnh khẩn cấp trao quyền hạn lớn hơn cho các lực lượng thực thi pháp luật và tăng cường chống tham nhũng, trong bối cảnh các cuộc biểu tình gia tăng tại quốc gia châu Phi này. Ngoài ra, Tổng thống Sudan ban bố 3 lệnh cấm khẩn cấp, bao gồm cấm tụ tập nơi công cộng mà không được chính quyền cấp phép; cấm giao dịch ngoại tệ; cấm phân phối, tích trữ, bán và vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ và các mặt hàng được trợ cấp. Theo lệnh cấm, những người mang hơn 3.000 USD hoặc 150 gram vàng ra nước ngoài sẽ bị phạt tù. Trước đó, Tổng thống al-Bashir đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 1 năm và giải tán chính quyền ở tất cả các cấp trung ương và cấp bang, tiếp đó bổ nhiệm một chính quyền lâm thời.

Trong một thông điệp được đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 25/2, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã kêu gọi đoàn kết ủng hộ một sự chuyển tiếp hòa bình cho nền dân chủ tại Venenzuela. Trong khi đó, một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ được tổ chức vào ngày 26/2 về cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Cùng ngày 25/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình và đối thoại giữa các bên, trong bối cảnh các vụ đụng độ bạo lực gia tăng tại vùng biên giới giữa Colombia và Venezuela. Ông Guterres còn kêu gọi các bên hạn chế sử dụng vũ lực để tránh gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản.

Ngày 25/2, Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - nhóm vũ trang do người Kurd đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, đã tiến hành sơ tán hàng nghìn dân thường được cho là đang mắc kẹt tại làng Baghouz, nơi cố thủ cuối cùng của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại miền Đông Syria. Ngày 25/2, người phát ngôn của SDF Mustefa Bali cho biết gần 5.000 người khác vẫn đang mắc kẹt tại đây. Kế hoạch sơ tán dân nói trên được xem là bước đi cần thiết trước khi tấn công hoặc làm cho các tay súng thánh chiến cuối cùng đang trú ẩn bên trong phải ra hàng. Chiến dịch tấn công cuối cùng nhằm đánh bật các phiến quân IS ra khỏi Baghouz đã bị gián đoạn để người dân sơ tán khỏi khu vực này.

Ngày 25/2, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, tiết lộ Kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn được biết đến là "thỏa thuận thế kỷ" mà nước này soạn thảo nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine, sẽ tập trung vào "xác định lại biên giới và giải quyết các vấn đề tình trạng cuối cùng." Theo ông, kế hoạch hòa bình sẽ "có tác động kinh tế trên diện rộng, không chỉ đối với Israel và Palestine mà còn đối với toàn khu vực." Bên cạnh đó, ông Kushner cũng kêu gọi một sự quản lý thống nhất tại vùng lãnh thổ Bờ Tây và Dải Gaza - hai vùng lãnh thổ hiện vẫn bị chia cắt, trong đó Chính quyền Palestine, được cộng đồng quốc tế công nhận quản lý Bờ Tây, còn phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas, bị Mỹ liệt vào danh sách nhóm khủng bố, kiểm soát Dải Gaza.

Ngày 25/2, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tới thủ đô Tehran trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới nước Cộng hòa Hồi giáo Iran kể từ khi xung đột bùng phát tại Syria cách đây gần 8 năm. Ttrong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống al-Assad đã hội kiến lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei và có cuộc gặp với người đồng cấp Hassan Rouhani. Tại các cuộc gặp, hai bên bày tỏ hài lòng về mức độ hợp tác giữa hai nước. Tổng thống Assad bày tỏ cám ơn sự giúp đỡ của Iran đối với Syria trong cuộc xung đột kéo dài gần 8 năm qua. Về phần mình, Đại giáo chủ Khamenei khẳng định Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, Ông Rouhani cam kết Tehran sẽ ủng hộ Syria trong nỗ lực ổn định đất nước, hồi hương người tị nạn cũng như tiến trình chính trị trong nước.

Ngày 25/2, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu-Liên đoàn Arab (EU-AL) với chủ đề “Đầu tư vào sự ổn định” đã khép lại sau 2 ngày làm việc tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập. Theo Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, hội nghị đã diễn ra thành công với những phiên thảo luận có kết quả và mang tính xây dựng, đồng thời tin tưởng sự phối hợp cấp cao giữa EU và AL sẽ góp phần xác định rõ tầm nhìn và định hình một chiến lược chung nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Tổng thống Sisi đánh giá kết quả của hội nghị đã “vượt quá mong đợi” cho dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau hay những khác biệt trong cách thức xử lý một số vấn đề. Ông Sisi cũng thông báo Hội nghị thượng đỉnh EU-AL lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào năm 2022.

Ngày 25/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, chính sách của nước này đối với Tehran sẽ không thay đổi kể cả khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif từ chức. Theo đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chấp nhận đơn từ chức của ông Zarif mặc dù Chánh Văn phòng Nội các của Tổng thống Rouhani bác bỏ thông tin này. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, dù thế nào Lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei "mới là người đưa ra các quyết định cuối cùng." Trong khi đó, một người phát ngôn thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này đang theo sát chặt chẽ tình hình liên quan thông tin ông Zarif từ chức.

Chỉ huy hải quân Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ali Reza Tangsiri tuyên bố eo biển Hormuz sẽ được mở nếu Iran không gặp trở ngại nào trong hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Tuyên bố của chỉ huy IRGC được cho là ám chỉ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Trước đó Iran đã cảnh báo sẽ chặn hoạt động vận chuyển dầu qua tuyến hàng hải này nếu xuất khẩu dầu của Iran bị sụt giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ. Ước tính khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ của thế giới được lưu thông qua eo biển Hormuz hàng năm, theo đó tuyến hàng hải này trở thành cửa ngõ rất quan trọng đối với hoạt động vận chuyển dầu.

Tin Thể thao:

Đúng lúc các fan Quỷ Đỏ đang lo lắng Jesse Lingard phải nghỉ đấu dài hạn do chấn thương cơ mà anh mắc phải ở trân gặp PSG có lẽ đã tái phát khiến anh phải rời sân sớm ở trận gặp Liverpool thì Lingard đăng tải dòng trạng thái trên trang cá nhân nói rằng anh sẽ sớm trở lại. Ngoài Lingard thì Marcus Rashford cũng chấn thương mắt cá và chưa chắc kịp bình phục cho trận đấu với Crystal Palace ở vòng 28 Premier League.

Arsenal đã tiến rất gần tới thỏa thuận với ông Monchi để bổ nhiệm ông này làm Giám đốc bóng đá mới của CLB. Monchi được coi là một trong những Giám đốc bóng đá hàng đầu Châu Âu hiện nay. Ông nổi tiếng với những thành công ở Sevilla và có liên hệ chặt chẽ với HLV Unai Emery từ thời hai người còn làm việc chung ở đó. Monchi được biết đến là người phát hiện ra tài năng của những Ivan Rakitic, Dani Alves hay Sergio Ramos. Arsenal được cho là sẽ trả Roma 2 triệu bảng để giải phóng hợp đồng của Monchi.

Bất chấp việc Kepa được cho là bất tuân lệnh rời khỏi sân để Willy Caballero vào thay trong trận chung kết cúp Liên đoàn Anh với Man City, ông Maurizio Sarri dự kiến vẫn để Kepa bắt chính trong trận đấu với Tottenham ở vòng 28 Premier League. Đây là trận đấu được cho là mang tính quyết định với tương lai của ông Sarri và thêm một thất bại nữa gần như chắc chắn khiến ông bị sa thải. Chelsea của Sarri đã để thua 6/12 trận gần nhất và truyền thông Anh thường xuyên loan tải tin đồn Sarri mất việc kèm danh tính của các ứng viên thay thế ông.

Thầy cũ của Max Allegri là Giovanni Galeone nói rằng bất luận Juventus có vô địch Champions League mùa này hay không, Max Allegri sẽ ra đi. Juve của Max Allegri đang đối mặt với nguy cơ bị loại ngay từ vòng 1/8 Champions League mùa này sau khi để thua Atletico Madrid 0-2 ở trận lượt đi.

Tiền đạo Edinson Cavani sẽ trở lại tập luyện cho PSG trong tuần này, theo lời xác nhận của HLV Tuchel. Cavani đã vắng mặt ở trận lượt đi vòng 1/8 Champions League trước MU tại Old Trafford và anh nhiều khả năng sẽ góp mặt ở trận lượt về trên đất Pháp. Đây sẽ là một sự bổ sung cần thiết cho PSG.

Sau khi nhận danh hiệu Cầu thủ hay nhất trận ở trận gặp Liverpool mới đây, hậu vệ Luke Shaw của MU cho hay anh còn có thể phát triển lên cao hơn nữa. Ở mùa giải năm nay Shaw là vị trí không thể thay thế của MU bên hành lang cánh trái. Anh đã tìm lại phong độ đỉnh cao sau giai đoạn ngồi ngoài vì chấn thương.

Hậu vệ trẻ 19 tuổi Diogo Dalot cho biết anh muốn gắn bó với MU “thêm nhiều năm nữa”, và xác định năm nay mới chỉ là “năm để học hỏi”. Trước đó, Dalot từng được HLV Jose Mourinho miêu tả có thể trở thành một Gary Neville thứ 2 tại Old Trafford.

Kevin De Bruyne tin nếu giành “cú ăn 4”, Man City sẽ được xếp vào hàng ngũ một trong những CLB vĩ đại nhất. Tuy nhiên, tiền vệ người Bỉ vẫn cho rằng khả năng này là bất khả thi và anh cùng các đồng đội sẽ chỉ tập trung vào mọi trận đấu với mục tiêu giành chiến thắng.

Tay golf người Mỹ Dustin Johnson đã trở thành nhà vô địch của giải Mexico Championship 2019 sau khi đánh liên tiếp 66 gậy trong 2 ngày thi đấu để kết thúc với tổng điểm -21, hơn Á quân Rory Mcllroy 5 gậy. Đây là chức vô địch PGA Tour thứ 20 trong sự nghiệp của Johnson.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ông Kim đến Hà Nội với khát vọng hoà bình, thịnh vượng

Chủ tịch Kim Jong Un rất cần Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt nhưng đổi lại, ông cũng cần đưa ra những nhượng bộ trong Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6/2018 ở Singapore được coi là một sự kiện lịch sử quan trọng bởi ý nghĩa lớn lao của nó với kỳ vọng sẽ làm "tan băng" mối quan hệ giữa Mỹ với Triều Tiên. Tuy nhiên, Hội nghị này đã không thể tạo ra bất kỳ kế hoạch hành động hay cam kết rõ ràng nào từ cả hai bên.

Từ sau đó, chính quyền Tổng thống Trump chỉ nhất trí giảm các hoạt động tập trận quân sự với Hàn Quốc và ủng hộ một cách chừng mực về việc tăng cường kết nối hạ tầng giữa 2 miền Triều Tiên.

Ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ không hối thúc thời hạn và "không vội" trong tiến trình hoàn tất một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên nhưng Tổng thống Mỹ cũng đang trong thế "bế tắc" để đảm bảo tối đa hóa sự ủng hộ của công chúng trước khi ông khởi động chiến dịch tái tranh cử.

Khi thời gian trôi qua, yêu cầu về những sự nhượng bộ cụ thể ngày một tăng lên, đặc biệt từ phía nhà lãnh đạo Triều Tiên, khi mà các lệnh trừng phạt lên nước này vẫn chưa được dỡ bỏ. Ông Kim Jong Un sẽ phải đạt được những kết quả cụ thể từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này nếu ông muốn hiện thực hóa một kế hoạch lớn nhằm phát triển Triều Tiên. Vì thế, Chủ tịch Triều Tiên cũng sẽ phải đưa ra những trao đổi tương ứng để được đáp ứng các đòi hỏi.

Ước mơ lớn của ông Kim Jong Un

Không ai có thể hiểu được sự kỳ vọng của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un mong muốn nhanh chóng hiện đại hóa nền kinh tế như thế nào, khi mà chỉ trước khi các lệnh trừng phạt gần đây nhất được thực hiện, Ryomyong New Town đã được xây dựng trở thành một tổ hợp nhà ở và khu kinh doanh sang trọng chỉ trong một vài tháng tại quốc gia này năm 2016.

Khi ông Kim Jong Un lên lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Triều Tiên đã bắt tay vào thực hiện một chương trình hiện đại hóa kinh tế đầy tham vọng với việc xây dựng khu Khoa học - Công nghệ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sân trượt băng ngoài trời và một số tuyến đường mới cũng như các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, hầu hết những dự án đại diện cho tham vọng xây dựng đất nước của nhà lãnh đạo trẻ đều bị cản trở bởi một trong những lệnh cấm vận kinh tế khó khăn nhất trong lịch sử. Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Kim lần đầu tiên đã khiến Triều Tiên nới lỏng thế cô lập ngoại giao quốc tế, củng cố mối quan hệ song phương với Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác nhưng lại không thể thuyết phục Washington giảm bớt sự bao vây kinh tế.

Nền kinh tế Triều Tiên vẫn đang trải qua nhiều khó khăn và hiện phụ thuộc lớn vào Trung Quốc trong việc trao đổi hàng hóa với bên ngoài.

Trong bài phát biểu mừng Năm mới, ông Kim đã khẳng định một cách rõ ràng về yêu cầu "hồi sinh", "tăng cường" và "đem lại năng lượng" cho nền kinh tế quốc gia, cũng như sự cấp bách của việc "thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia 5 năm".
Chủ tịch Triều Tiên cũng cho thấy thiện chí đàm phán với Washington khi khẳng định rằng "nếu Mỹ hồi đáp trước những nỗ lực chủ động của chúng tôi bằng các biện pháp đáng tin và những hành động thực tế tương ứng, mối quan hệ song phương giữa hai nước sẽ phát triển với tốc độ nhanh đến khó tin qua một tiến trình cụ thể hơn và các biện pháp quan trọng".

Thế khó của ông Kim Jong Un

Đưa ra những đòi hỏi quan trọng, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng sẽ phải thực hiện những nhượng bộ nhất định. Washington luôn yêu cầu các bước đi đáng kể từ phía Triều Tiên đối với các chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như trong việc dừng các vụ thử tên lửa và chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự trong các vùng biển lân cận hoặc Khu vực Phi quân sự (DMZ).

Tính đến nay, ông Kim đã đề nghị dỡ bỏ các bãi phóng tên lửa và hạt nhân nhằm đổi lấy sự nới lỏng các lệnh trừng phạt và một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đòi hỏi một quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược từ phía Triều Tiên trước khi bắt đầu bất cứ bước đi nào nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ khi nhận được những đảm bảo an ninh, sự công nhận ngoại giao và nới lỏng các lệnh trừng phạt từ Washington.
Cách tiếp cận khả thi nhất là sự nhượng bộ từng bước và tương ứng giữa hai bên khi Mỹ từ từ nới lỏng lệnh trừng phạt, còn Triều Tiên thì giảm dần các chương trình hạt nhân. Kết quả lớn nhất có thể đạt được tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này là hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Ở cả hai mặt này, đặc biệt trong bối cảnh Bình Nhưỡng vẫn đang trải qua các lệnh trừng phạt nặng nề, sự kiên nhẫn là rất mong manh. Nếu hai nhà lãnh đạo chấm dứt cuộc gặp sắp tới với một kết quả hoàn toàn mang tính biểu tượng hay một thông báo chỉ mang tính tuyên bố hơn là những kết quả thực tế thì khả năng cao là ván bài cược của cả hai đều sẽ "đổ bể". Vì thế, điều quan trọng cho cả Mỹ và Triều Tiên là phải đàm phán được các kế hoạch chi tiết cho một tuyên bố hòa bình cuối cùng nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên dài hàng thập kỷ.

Triều Tiên muốn gì trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội?

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp tới ở Hà Nội, ông Kim Jong Un có thể sẽ yêu cầu Washington bắt đầu nới lỏng các lệnh trừng phạt, mở các kênh ngoại giao trực tiếp và ký tuyên bố hòa bình nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Cuối cùng, Bình Nhưỡng muốn Washington sẽ rút quân đội và vũ khí khỏi Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu quan trọng mà Mỹ mong muốn đạt được tại cuộc gặp lần này.

Tuy nhiên, nội dung của phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên theo cách hiểu của Bình Nhưỡng có thể còn bao gồm cả việc dỡ bỏ "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ với Hàn Quốc và các lực lượng có khả năng hạt nhân khác.

Một số quan chức Hàn Quốc cũng như Quốc hội Mỹ và nhiều nơi khác bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên đang kêu gọi thay đổi mức độ đóng quân của Mỹ ở Hàn Quốc nhưng Tổng thống Trump đã khẳng định ngày 22/2 rằng việc Mỹ giảm dần số lượng quân ở Hàn Quốc sẽ không nằm trong các vấn đề thảo luận.

Washington có thể do dự trong việc ký một hiệp định hòa bình toàn diện trước khi Bình Nhưỡng hoàn toàn phi hạt nhân hóa nhưng các quan chức Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận "hẹp" hơn nhằm đảm bảo sẽ giảm căng thẳng giữa hai nước, mở các văn phòng liên lạc và tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong Un đã khẳng định hồi tháng 1/2019 rằng Triều Tiên "sẵn sàng mở lại công viên công nghiệp Kaesong và các tour du lịch tới núi Kumgang mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".

Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được kỳ vọng sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi để hai bên đạt được những thỏa thuận thực chất và vững chắc, đem lại nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời mở ra những tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các nước.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 26/02/2019 là 1 AUD = 0.716 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 26/02/2019 là 1 AUD = 16,609 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, ít mây, trời nắng nóng. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, nhiều mây, có lúc có mưa phùn, trời nắng nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 26 độ.

Tại Adelaide, trời nắng và rất nóng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 37 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, buổi sáng có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 29 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 27 độ.

Tại Melbourne, buổi sáng trời nhiều mây, buổi chiều trời nắng, sáng sớm có thể có sương mù ở khu vực phía Đông Bắc, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 30 độ.
Hoàng Yến - Kim Phụng

Đánh giá bản tin này