Chương trình Thời sự thứ Ba, 25/06/2019

Cẩm Nhung | 25/06/2019 | 795 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Các chính đảng thảo luận về kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập cá nhân

- Victoria: Ra mắt hai phương tiện công nghệ cao dùng để vận chuyển tù nhân thuộc diện nguy hiểm

- Melbourne: 50 người biểu tình kêu gọi chấm dứt bạo lực nhắm vào phụ nữ

- Tin Úc: Hơn 129,000 người cao niên đang chờ chính phủ cho phép chăm sóc tại nhà

- Tin Úc: Triển khai các camera quét biển số xe hơi để bắt những kẻ trộm xăng

- Carrum Downs: Truy nã nam hành khách rút dao đe dọa tài xế taxi để cướp tiền

- Thiếu hụt trợ cấp để xây nhà ở xã hội thúc đẩy tỷ lệ người vô gia cư gia tăng

- Tin Úc: Nhiều người bị phát hiện mắc bệnh sởi dù đã được tiêm vắc-xin ngừa bệnh

- Tin vắn

Tin thế giới:

Lực lượng chức năng Mỹ ngày 24/6 đã phong tỏa Nhà Trắng sau khi phát hiện bưu kiện khả nghi bên ngoài cổng ra vào tòa nhà này. Theo truyền thông địa phương, Cục Mật vụ cho biết bưu kiện được phát hiện trước cửa Nhà Trắng, tại Đại lộ Pennsylvania. Các tuyến phố đi bộ và Quảng trường Lafayette gần Nhà Trắng đã bị phong tỏa. Khoảng 1 giờ sau đó, Cục Mật vụ thông báo khu vực này đã an toàn và dỡ bỏ lệnh phong tỏa Nhà Trắng cũng như mở cửa trở lại các tuyến phố. Đây là bưu kiện khả nghi thứ hai khiến Nhà Trắng bị phong tỏa trong chưa đầy 1 tuần qua. Tuần trước, 1 người đàn ông đã bị bắt giữ với cáo buộc thâm nhập trái phép sau khi để lại một balô gần Nhà Trắng. Truyền thông Mỹ đưa tin giới chức trách đang lên kế hoạch nâng độ cao hàng rào của Nhà Trắng.

Chính phủ Nhật Bản và chính quyền thành phố Osaka đang tăng cường an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Đây là sự kiện quốc tế quan trọng, có sự tham dự của các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 8 quốc gia khách mời, cùng đại diện của nhiều tổ chức quốc tế lớn. Nhật Bản đã huy động tổng cộng 32.000 cảnh sát để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hội nghị. Con số này lớn gấp rưỡi quy mô lực lượng an ninh từng được huy động cho Hội nghị G7 diễn ra vào năm 2016 cũng tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng ra lệnh đóng cửa gần 700 trường học tại Osaka, đồng thời đề nghị người dân hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết. Chính quyền thành phố Osaka sẽ tuần tra nghiêm ngặt quanh các địa điểm tập trung đông người như nhà ga tàu điện, bến xe bus, sân bay, nhằm phát hiện sớm các đối tượng và vật thể khả nghi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/6 đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của các nước Liên minh châu Âu (EU) cho tới cuối năm 2020. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi EU gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Moscow. Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu đi nghiêm trọng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine vào năm 2014. Phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga và Moscow cũng có các biện pháp trả đũa thông qua việc ngừng nhập khẩu nhiều nông sản và thực phẩm của các nước EU.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là người có quan điểm "diều hâu", muốn Mỹ can dự vào nhiều cuộc xung đột trên thế giới. Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC News cuối tuần qua, ông Donald Trump đã tiết lộ thông tin này. Tổng thống Trump nhấn mạnh, ông không chỉ nghe ý kiến của Cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton mà còn của nhiều quan chức khác trong chính quyền. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton vốn được biết đến là người có quan điểm cứng rắn. Tuần trước, ông Bolton đã ra cảnh báo với Iran "không nên nhầm lẫn sự thận trọng của Mỹ là yếu đuối" và nhấn mạnh quân đội Mỹ "đang được tái thiết và sẵn sàng hành động". Dù thừa nhận có quan điểm bất đồng với Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong vấn đề Trung Đông nhưng ông Trump vẫn khẳng định quan chức này làm việc rất tốt.

Ngày 24/6, một vụ nổ súng đã xảy ra tại một thánh đường Hồi giáo ở Ceuta - vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha tại vùng biển phía Bắc châu Phi. Theo giới chức địa phương, sự việc xảy ra vào sáng sớm khi hai đối tượng bịt mặt đi xe máy nổ tổng cộng 3 phát đạn vào thánh đường Muley el Mehdi - một trong những địa điểm tôn giáo quan trọng nhất của vùng lãnh thổ này. Báo chí địa phương cho biết có một nhóm các tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện trong thánh đường vào thời điểm xảy ra vụ nổ súng. Hiện, chưa rõ có trường hợp thương vong nào hay không.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 24/6 đã kêu gọi đối thoại và tiến hành các biện pháp giúp chấm dứt căng thẳng tại vùng Vịnh. Sau hơn hai tiếng rưỡi thảo luận kín theo đề nghị của phía Mỹ, Hội đồng Bảo an đã thống nhất được một tuyên bố, không đề cập cụ thể vấn đề Iran nhưng khẳng định các bên cần thoái lui khỏi một cuộc đối đầu quân sự. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên liên quan và các nước trong khu vực phải kiềm chế tối đa, thực thi các biện pháp và hành động giảm leo thang căng thẳng; hối thúc xử lý khác biệt bằng biện pháp hòa bình và thông qua đối thoại. Các cường quốc đạt được quan điểm đồng thuận chung này sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lệnh trừng phạt mới chống Iran. Cùng thời điểm, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi cho rằng đây không phải là thời điểm chín muồi để Iran đối thoại với Mỹ, bởi Iran không thể đối thoại được với một nước đang đe dọa mình.

Truyền thông Ai Cập ngày 24/6 dẫn lời Ngoại trưởng nước này Sameh Shoukry khẳng định Ai Cập và Nga chia sẻ lập trường về vấn đề Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước. Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập được đưa ra trong khuôn khổ chuyến thăm Nga để tham dự cuộc họp định kỳ theo cơ chế đối thoại 2+2 (Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng) lần thứ 5 giữa hai nước. Theo Ngoại trưởng Shoukry, cả Ai Cập và Nga đều ủng hộ các quyền lợi chính đáng của Palestine, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một giải pháp lâu dài cho sự nghiệp của người dân Palestine, đồng thời thiết lập một nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố ông sẽ từ chức trong vòng 3 năm tới. Ông Mahathir Mohamad cho biết ông sẽ chuyển giao quyền lực cho ông Anwar Ibrahim - chủ tịch Đảng Công lý nhân dân (PKR). Ông Anwar Ibrahim từng là người song hành với ông Mahathir Mohamad trong cuộc Tổng tuyển cử hồi năm ngoái. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad năm nay 93 tuổi và hiện là Thủ tướng cao tuổi nhất thế giới. Đây là lần thứ 2 ông đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Malaysia và tính tổng cộng ông đã có hơn 20 năm giữ cương vị này.

Theo thông báo của công ty vận chuyển FedEx (Mỹ), lỗi vận hành đã khiến một kiện hàng của Huawei không được giao đến Mỹ. Đáng chú ý, cách đây vài tuần FedEx cũng thông báo về một lỗi xảy ra đã dẫn đến các kiện hàng của Huawei bị vận chuyển sai. Theo truyền thông Trung Quốc, với những sự cố này, FedEx có thể sẽ được thêm vào danh sách "các công ty không đáng tin cậy" của Trung Quốc. Huawei đang ở trong tâm điểm của tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Châu Âu được dự báo có thể sẽ phải trải qua những ngày hè nắng nóng khủng khiếp và những đêm hè oi bức vào cuối tháng 6 này. Nguyên nhân là do một luồng khí nóng từ Bắc Phi sắp thổi tới lục địa già. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân châu Âu cần đề phòng tình trạng thời tiết cực đoan khi những cơn bão có thể xuất hiện sau đợt nắng nóng. Chính quyền nhiều nước châu Âu khác đã ban hành hướng dẫn để người dân có thể tự bảo vệ mình trước thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, các bệnh viện được đặt trong tình trạng sẵn sàng điều trị cho những trường hợp mất nước, say nắng và hay mắc nhiều triệu chứng khác liên quan đến thời tiết.

Ngày 24/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nước này đã ghi nhận 33 ca nhiễm sởi mới trong tuần trước, nâng số trường hợp nhiễm sởi từ đầu năm đến nay lên 1.077 người. Đây là đợt bùng phát dịch sởi nghiêm trọng nhất kể từ năm 1992, năm ghi nhận số người nhiễm sởi cao ở mức kỷ lục tại Mỹ với 2.126 trường hợp. Theo CDC, số ca nhiễm sởi tăng 3% trong tuần kết thúc ngày 20/6 vừa qua so với tuần trước đó. Sởi là căn bệnh lây nhiễm cao có khả năng dẫn đến mù lòa, điếc, tổn thương não và tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một lượng lớn khí metan trong bầu khí quyển của hành tinh Đỏ. Tờ New York Times ngày 23/6 dẫn nguồn tin cho biết các sinh vật sống trên Trái đất thường thải ra khí metan. Thông thường, phải mất vài thế kỷ để ánh sáng Mặt trời và các phản ứng hóa học phá vỡ các phân tử khí metan. Nếu tàu Curiosity phát hiện ra khí metan trên sao Hỏa thì điều đó có nghĩa là khí này chỉ vừa được phát thải gần đây. Tuy nhiên, các phản ứng địa nhiệt không liên quan đến sinh vật cũng có thể tạo ra khí metan. Hoặc cũng có thể đó là khí metan từ cổ đại, bị mắc kẹt bên trong lòng sao Hỏa hàng triệu năm và vừa thoát lên bề mặt thông qua các vết nứt mới xuất hiện. NASA cho biết đây là chỉ kết quả nghiên cứu ban đầu và sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu trước khi xác nhận kết quả cuối cùng.

Tin thể thao:

Bước vào trận đấu tranh ngôi đầu bảng C Copa America 2019, Chile và Uruguay đều tỏ ra là "kẻ tám lạng, người nửa cân". Trong quãng thời gian đầu trận, hai đội chơi nhanh và tạo ra những pha ăn miếng trả miếng liên hồi. Phút 82, Edinson Cavani bất ngờ tỏa sáng đánh đầu tung lưới Chile. Khoảng thời gian còn lại là không đủ để Chile tìm bàn gỡ hòa. Thắng 1-0 chung cuộc, Uruguay (7 điểm/3 trận) đã soán ngôi đầu bảng C của Chile (6 điểm). Tại tứ kết, Cavani và đồng đội chỉ phải gặp đối thủ dưới cơ Peru, còn Chile sẽ chạm trán Colombia. Trong khi đó, với tỉ số hòa 1-1, Nhật Bản và Ecuador ở bảng C đều bị loại và phải nhường vé vào tứ kết cho Paraguay - đội xếp thứ ba bảng B.

Vòng bảng Copa America 2019 đã khép lại. Những ứng cử viên cho chức vô địch đã bắt đầu lộ diện, trong khi hai khách mời đến từ châu Á, Nhật Bản và Qatar, đều phải dừng bước.

Những đội vào tứ kết gồm có:

1. Brazil (nhất bảng A)

2. Venezuela (nhì bảng A)

3. Colombia (nhất bảng B)

4. Argentina (nhì bảng B)

5. Uruguay (nhất bảng C)

6. Chile (nhì bảng C)

7. Peru (đội thứ 3 có thành tích tốt nhất)

8. Paraguay (đội thứ 3 có thành tích tốt nhất)

Lịch thi đấu vòng tứ kết Copa America 2019:

Tại vòng tứ kết, nếu hai đội hòa nhau trong 90 phút thì sẽ không thi đấu hiệp phụ. Trận đấu sẽ được quyết định ngay bằng loạt sút luân lưu.

- Ngày 27/6: Brazil (nhất bảng A) vs Paraguay (đội thứ 3 có thành tích tốt nhất)

- Ngày 28/6: Venezuela (nhì bảng A) vs Argentina (nhì bảng B). Colombia (nhất bảng B) vs Chile (nhì bảng C)

- Ngày 29/6: Uruguay (nhất bảng C) vs Peru (đội thứ 3 có thành tích tốt nhất)

Tây Ban Nha – Mỹ, vòng 1/8 World Cup nữ 2019: Mỹ và Tây Ban Nha đã tranh đoạt quyết liệt để giành vé góp mặt ở tứ kết World Cup nữ. Dù Tây Ban Nha có bàn mở tỉ số trận đấu ngay phút thứ 9 nhưng ĐT Mỹ đã quyết định chiến thắng 2-1 bằng hai pha lập công trên chấm 11m. Như vậy Mỹ đã tiến vào tứ kết World Cup nữ 2019.

Canada đại thắng, Mexico nhọc nhằn vượt "tiểu nhược". Sáng 24/6 bảng A của Cúp vàng CONCACAF đã diễn ra lượt trận cuối cùng. Canada đã có chiến thắng hủy diệt với tỉ số 7-0 trước Cuba. Như vậy, Cuba rời giải đấu với 0 điểm, 0 bàn thắng và 17 bàn thua chỉ sau 3 trận đấu. Ở trận đấu còn lại, Mexico vất vả vượt quả Martinique với tỉ số 3-2 để giữ lại ngôi đầu với 9 điểm sau 3 trận toàn thắng. Canada xếp thứ hai với 6 điểm (2 thắng, 1 thua).

ASEAN chính thức ứng cử đăng cai World Cup 2034. Đây là thông báo vừa được đưa ra từ Hội nghị cấp cao ASEAN tại BangKok, Thái Lan. Lợi thế lớn nhất của ASEAN khi ứng cử đăng cai World Cup 2034 là với dân số khoảng 600 triệu người, ASEAN là một trong những nơi có số lượng người hâm mộ túc cầu cuồng nhiệt nhất thế giới. Khi các nước ASEAN cùng đăng cai một kỳ chung kết World Cup, người hâm mộ túc cầu ở các châu lục khác có cơ hội vừa được xem bóng đá vừa du lịch được 10 quốc gia. Đây sẽ là một điểm cộng lớn khi ASEAN cạnh tranh với các ứng cử viên khác.

MU từ chối đổi Pogba lấy Neymar: Truyền thông Anh loan tin Phó Chủ tịch điều hành của MU Ed Woodward đã từ chối đề nghị đổi Pogba lấy Neymar của PSG. Lí do thứ nhất là vì lương 900.000 bảng/tuần của Neymar quá tốn kém với MU và có thể gây ra nhiều vấn đề hơn cho cấu trúc lương của đội bóng này. Thứ 2 là vì ông Woodward muốn giữ chân Pogba ở lại Old Trafford nên không muốn thực hiện cuộc trao đổi này. Pogba đã tuyên bố muốn rời MU Hè này nhưng hiện giờ vẫn chưa biết anh có được toại nguyện hay không vì MU không muốn bán anh còn Real Madrid cũng như Juventus đều có những lí do khiến họ không dễ chiêu mộ Pogba dù muốn có anh thực sự.

Newcastle chia tay Rafa Benitez: Newcastle quyết định không gia hạn hợp đồng với HLV Rafa Benitez. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha hết hạn hợp đồng với đội bóng Anh cuối tháng 6 này và Newcastle quyết định không gia hạn. Benitez trước đó từng dẫn dắt 2 đội bóng khác ở Premier League là Liverpool và Chelsea. Benitez dẫn dắt Newcastle từ tháng 3/2016, tiếp tục cầm quân khi đội bóng này phải xuống chơi ở Championship. Ông đưa Newcastle thăng hạng cuối mùa 2016-17. Để thay thế Benitez, Newcastle đang tính mời ông Avram Grant, người từng có thời gian làm HLV Chelsea và hiện làm cố vấn kỹ thuật cho CLB NorthEast United của Super League tại Ấn Độ.

Juventus chốt nhanh vụ De Ligt: Theo truyền thông Italy, Juventus đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán và hoàn tất các điều khoản cùng thủ tục liên quan tới vụ chiêu mộ trung vệ 19 tuổi De Ligt từ Ajax vì lo ngại PSG lại đưa ra đề nghị mới hấp dẫn hơn, đẩy họ lao vào cuộc “đấu giá” mà chắc chắn họ sẽ là bên thua cuộc. Juve tận dụng quan hệ tốt giữa Pavel Nedved và Mino Raiola để chốt nhanh vụ De Ligt. Họ đã sẵn sàng đáp ứng mức phí chuyển nhượng 70 triệu euro mà Ajax đòi hỏi và sẵn sàng trả De Ligt lương sau thuế là 12 triệu euro/mùa theo hợp đồng 5 năm. Khả năng Juve mua được De Ligt là rất cao vì cho tới lúc này trung vệ 19 tuổi được cho là đã đồng ý các điều khoản cá nhân với họ và phí chuyển nhượng Ajax đòi hỏi Juve cũng sẵn sàng đáp ứng.

Milan & Inter thống nhất chia tay San Siro huyền thoại. AC Milan và Inter Milan vẫn sẽ cùng thi đấu ở một sân vận động nhưng là một ngôi nhà mới kề từ mùa 2022/23. Chủ tịch của cả 2 câu lạc bộ đã cùng xác nhận họ sắp thi đấu ở một sân vận động mới được xây dựng gần sân San Siro. Ước tính chi phí của dự án này có thể lên tới 630 triệu bảng và sân cũ sẽ chính thức bị phá bỏ.

Mallorca trở lại La Liga. CLB Mallorca vừa có màn trở lại La Liga đầy ngoạn mục khiến những CĐV của đội bóng nức lòng. Để thua 0-2 trước Deportivo trong trận lượt đi khiến nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh khó khăn cho đội bóng của đảo Balearic. Tuy nhiên, ba bàn thắng của Budimir, Sevilla và Prats đã giúp Mallorca vượt qua đối thủ với tổng tỉ số 3-2 sau 2 lượt trận.

Federer được xếp hạt giống cao hơn Nadal tại Wimbledon 2019. "Tàu tốc hành" là hạt giống số hai, dù xếp sau Nadal và Djokovic trên bảng điểm ATP. Wimbledon phân loại hạt giống dựa trên thành tích sân cỏ trong hai năm qua kết hợp với thứ bậc ATP, thay vì chỉ tính riêng thứ bậc trên bảng điểm thế giới như ba Grand Slam còn lại. Hạt giống số một là Novak Djokovic, còn hạt giống số ba là Rafael Nadal.

Mối nguy từ thế giằng co cân não Mỹ-Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Iran từ ngày 24/6, thay vì phát động một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào quốc gia Hồi giáo, quyết định được cho là đã tạm thời tháo ngòi nguy cơ chiến tranh Mỹ-Iran trong ngắn hạn.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln Mỹ điều tới Trung Đông hồi tháng 5/2019. Ảnh: Daily Express

Lý giải cho quyết định này, Tổng thống Trump cho rằng quốc gia Hồi giáo “khôn ngoan” khi đã không bắn hạ một máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ, bởi Washington có thể chấp nhận thiệt hại về phương tiện kỹ thuật, khó có thể chấp nhận bị thiệt hại về người. Có thể hiểu rằng Tổng thống Mỹ muốn cảnh báo Iran không được vượt “giới hạn đỏ,” song dường như chính việc Tehran lựa chọn phương án không bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ cũng phần nào “mở cánh cửa” cho ông chủ Nhà Trắng, tránh có những quyết định mang tới hậu quả nguy hiểm không thể kiểm soát.

Căng thẳng Mỹ-Iran bị đẩy lên đỉnh điểm với những tranh cãi sau vụ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắn hạ máy bay do thám chiến lược không người lái Global-Hawk BAMS-D của Mỹ trên vùng trời eo biển Hormuz ngày 20/6, cáo buộc máy bay Mỹ đã vi phạm không phận Iran, gây hấn và việc bắn hạ thể hiện chính sách của Tehran. Trái lại, Mỹ tuyên bố máy bay do thám bị bắn rơi khi đang hoạt động trong không phận quốc tế. Trung tướng Joseph-Guastella, Chỉ huy không quân Mỹ tại Trung Đông, lập luận máy bay của Mỹ đang hoạt động trong các hành lang không phận đã được thiết lập trước đó và chưa từng tiếp cận dưới 34km cách bờ biển Iran.

Vụ việc trên xảy ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi Mỹ công bố kế hoạch gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông và điều tàu khu trục USS Mason tới Vùng Vịnh ngay sau cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài tại vịnh Oman ngày 14/6, cáo buộc mà Tehran khẳng định là vô căn cứ và là một phần của “ngoại giao phá hoại” đang được Mỹ áp dụng đối với quốc gia Hồi giáo.

Liên tiếp gia tăng những động thái gây căng thẳng, cả “đấu khẩu” lẫn triển khai các biện pháp liên quan tới lực lượng quân sự, có thể nói Mỹ và Iran đã cận kề chiến tranh hơn bao giờ hết, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “đã ra lệnh tấn công 3 mục tiêu của Iran,” nhưng cũng chính người đứng đầu Nhà Trắng chỉ thị hủy kế hoạch tấn công chỉ 10 phút trước khi máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu của Iran với lý do tránh gây thương vong cho khoảng 150 người và Washington “không vội tấn công” Tehran.

Về phần Iran, giới chức nước này tuyên bố đã lựa chọn phương án không bắn hạ máy bay trinh sát P-8 có người lái của Mỹ đang hoạt động gần với máy bay không người lái trên, chỉ buộc máy bay quân sự P-8 đổi hướng, có vẻ phần nào tránh để xung đột bị đẩy cao hơn nữa.

Giới chuyên gia cho rằng những động thái leo thang căng thẳng gần đây từ cả Mỹ và Iran tiếp tục là những “đòn cân não” để nắn gân, gây sức ép đối với đối thủ nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng.

Tổng thống Trump phải phản ứng khi máy bay do thám của Mỹ bị IRGC bắn hạ, nhưng cách thức phản ứng cho thấy ông chủ Nhà Trắng không muốn có chiến tranh với Iran vào thời điểm chiến dịch vận động tranh cử nhiệm kỳ hai đã bắt đầu. Một cuộc tấn công quân sự hạn chế nhằm vào Iran có nguy cơ dẫn tới Tehran trả đũa, có khả năng gây ra xung đột quy mô lớn trên phạm vi khu vực.

Cuộc xung đột này khó tránh kéo theo sự tham gia của các đồng minh của Mỹ và là “đối thủ” của Iran như Saudi Arabia hay Israel, cũng như các lực lượng lâu nay Washington vẫn cho rằng “có quan hệ với Iran” như Hezbollah tại Liban, Al-Houthi tại Yemen và một số nhóm dân binh Shiite tại Iraq.

Rủi ro từ cuộc chiến lan rộng ở Trung Đông khiến các lợi ích của Mỹ và đồng minh khu vực chắc chắn bị ảnh hưởng, chưa kể Washington có thể bị “sa lầy” vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới. Trung Đông rơi vào khủng hoảng tất yếu làm gia tăng giá dầu thô toàn cầu, tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế thế giới, qua đó làm giảm tăng trưởng kinh tế Mỹ, vốn là yếu tố quyết định lá phiếu cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Việc Tổng thống Trump công khai rút lại quyết định tấn công Iran và tuyên bố về “sự thịnh vượng cho Iran nếu quốc gia Hồi giáo này chấp nhận hợp tác với Mỹ để phi hạt nhân hóa,” được đánh giá là nhằm thực hiện chiến tranh tâm lý với Tehran, cũng như truyền tải thông điệp muốn đàm phán và tạo dư luận ông đang “trao cơ hội hòa bình” cho Iran, tháo ngòi nổ chiến tranh đã rất cận kề.

Đây có thể coi là bước đi đầy tính toán vì nếu căng thẳng tiếp tục leo thang và chính sách gây sức ép tối đa không đạt hiệu quả, Tổng thống Trump có thể phải sử dụng đến một cuộc tấn công quân sự hạn chế vào Iran để giữ thể diện nước lớn và uy tín cá nhân.

Khi đó, Tổng thống Trump có thể nói với cử tri rằng Mỹ đã mở cánh cửa đàm phán nhưng Iran từ chối và buộc phải tấn công quân sự hạn chế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần thời gian để gia tăng nỗ lực bảo vệ các lợi ích tại khu vực phòng trường hợp căng thẳng với Iran vượt tầm kiểm soát trở thành xung đột quân sự.

Về phần Iran, nước này đang cho thấy không chấp nhận đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều kiện Mỹ nêu ra, thậm chí, có vẻ với hành động cứng rắn bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, Iran tỏ ra sẵn sàng chấp nhận kịch bản một cuộc tấn công quân sự hạn chế của Mỹ nếu các lợi ích của Tehran bị đe dọa.

Iran đang rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để gây sức ép đối với Liên minh châu Âu (EU) và các nước có lợi ích tại Trung Đông gia tăng nỗ lực tác động Mỹ thay đổi chính sách cứng rắn với Tehran. Đây cũng có thể là “quân cờ mặc cả” của Iran trước khi ngồi vào bàn đàm phán, mà khi đó nhượng bộ của Tehran chính là khôi phục nguyên trạng JCPOA.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy Iran không có lợi nếu rút hoàn toàn khỏi JCPOA vào thời điểm hiện nay, vì điều đó sẽ tổn hại tới lợi ích kinh tế, đánh mất sự ủng hộ của EU, Nga, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, có thể buộc Mỹ phải tiến hành một cuộc tấn công quân sự, cuộc chiến tranh chắc chắn cũng gây hậu quả tàn khốc với Iran.

Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao nhằm xúc tiến một cuộc đối thoại Mỹ-Iran chưa đem lại kết quả. Bởi vậy, động thái của Iran bắn hạ máy bay quân sự không người lái của Mỹ có thể hiểu như “biện pháp răn đe” nhằm gây sức ép ngược với Mỹ.

Có thể nhận thấy chính sách của Mỹ về trừng phạt và răn đe Iran khó đạt được mục đích đề ra. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump đang trong tình thế khó có thể nhượng bộ Iran vì thể diện nước lớn và phục vụ tranh cử nhiệm kỳ hai. Thế giằng co cân não giữa Mỹ và Iran vì thế có thể còn kéo dài.

Tổng thống Trump đang lựa chọn trừng phạt thay vì tấn công Tehran, nhưng nguy cơ xung đột quân sự Mỹ-Iran rõ ràng hơn bao giờ hết. Với việc hai nước đều thực hiện các bước đi cứng rắn, chưa chấp nhận nhượng bộ, vòng tròn luẩn quẩn trả đũa lẫn nhau sẽ gia tăng, khi đó những tính toán sai lầm hoặc tai nạn sẽ đẩy hai nước vào tình trạng đối đầu quân sự trực diện vì chính sách “bên miệng hố chiến tranh” có mức độ rủi ro rất cao.

Hệ quả của chính sách này trước hết sẽ khiến Trung Đông bất ổn, tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố tiếp tục tồn tại và phát triển, khuyến khích chạy đua vũ trang tại khu vực. Trung Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng toàn cầu, nhất là ổn định giá dầu thô thế giới, qua đó giúp duy trì tăng trưởng kinh tế giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa thể sớm kết thúc.

Trung Đông cũng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và ổn định của EU. Vì vậy, EU là bên có liên quan trực tiếp và có khả năng nhất trong tác động chính sách của Mỹ và Iran để giảm căng thẳng.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Anh phụ trách khu vực Trung Đông, ông Andrew Murrison, đến Tehran ngày 23/6 với thông điệp “trung thực và xây dựng” nhằm làm giảm căng thẳng Mỹ-Iran. Khi Trung Đông đang trong tình thế nguy hiểm do những căng thẳng giữa Mỹ và Iran, rất cần nhân tố trung gian đủ mạnh để thúc đẩy hai bên hóa giải bất đồng, tiến tới đạt được một thỏa thuận sơ bộ.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 25/06/2019 là 1 AUD = 0.695 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 25/06/2019 là 1 AUD = 16,217 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 35 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8 đến 18 độ.

Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 19 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12 đến 18 độ.

Tại Melbourne, trời nắng, buổi sáng có thể có sương giá, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 4 đến 16 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này