Chương trình Thời sự thứ Ba, 25/02/2020
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Sinh viên Trung Quốc quay trở lại các trường đại học ở Úc thông qua quốc gia thứ ba
- Melbourne: Trường St Kevin’s College cam kết sẽ không để xảy ra rủi ro cho học sinh
- Victoria: Melbourne giành quyền tổ chức Hội nghị Đua ngựa châu Á năm 2022
- Victoria: Tăng cường thêm các dịch vụ xe bus ở vùng Endeavour Hills
- Tin Úc: Ca sĩ Miley Cyrus sẽ đến Melbourne biểu diễn để quyên góp khắc phục hậu quả cháy rừng
- Tin Úc: Cứ tám người trưởng thành thì có một người đang sống trong cảnh nghèo đói ở Úc
- Tin Úc: Đảng Lao động tiếp tục dẫn trước Liên đảng về kết quả thăm dò ý kiến cử tri
- Dandenong: Một nhà máy bị phạt $60,000 vì để nhân viên bị cưa máy cắt đứt lìa ba ngón tay
- Tin vắn
Tin thế giới:
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tên chính thức cho virus Corona mới gây bệnh COVID-19 là SARS-CoV-2. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 25/2 thông báo nước này ghi nhận thêm 71 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, đưa tổng số người tử vong tại Trung Quốc đại lục lên 2.663. NHC cũng báo cáo thêm 508 ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lên 77.659. Nhiều tỉnh Trung Quốc không có thêm ca nhiễm mới trong vài ngày qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch bệnh tại Trung Quốc đã đạt đỉnh từ ngày 23/1 đến ngày 2/2 và số ca bệnh đã giảm dần. Trong khi đó, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc và Italy đã tăng mạnh trong 24 giờ qua. Hàn Quốc hiện ghi nhận 893 ca nhiễm, trong đó 8 người đã tử vong, trong khi Italy là 229 ca nhiễm, khiến hai nước trở thành ổ dịch lớn thứ hai và thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục và du thuyền Diamond Princess. Thế giới hiện ghi nhận 80.088 ca nhiễm, 2.699 ca tử vong và 27.571 người đã được chữa khỏi. Mỹ có 53 trường hợp nhiễm nCoV trên toàn quốc, song Tổng thống Donald Trump khẳng định nước này đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/2 tuyên bố, thế giới cần nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chết người và cần phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch. Phát biểu với phóng viên tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus cho biết, tới nay, WHO vẫn chưa coi sự bùng phát dịch COVID-19, khiến hơn 2.600 người tử vong, là một đại dịch, song các quốc gia cần "nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch" mà không nên "sợ hãi." Theo WHO, dịch bệnh vẫn chưa vượt quá tầm kiểm soát trên toàn cầu hay gây ra số ca tử vong lớn, hiện còn "quá sớm" để nói về một đại dịch. Theo đó, WHO khuyến cáo mỗi quốc gia phải tự đánh giá tình hình theo bối cảnh của từng nước, và WHO cũng sẽ làm như vậy thông qua việc giám sát 24/24.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 24/2 tuyên bố, Hàn Quốc và Mỹ đang xem xét giảm bớt quy mô các cuộc tập trận chung do những lo ngại liên quan tới chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Phát biểu trên được Bộ trưởng Quốc phòng Esper đưa ra tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại Lầu Năm Góc. Ngoài ra, ông Esper cũng kêu gọi Hàn Quốc đóng góp tài chính nhiều hơn để duy trì binh sĩ Mỹ tại bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định việc thay đổi quy mô các cuộc tập trận chung với Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới khả năng phối hợp phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng bất thường tại Italy, một số quốc gia đã khuyến cáo người dân không nên đi du lịch và đình chỉ các hoạt động giáo dục tới Italy. Trong một thông báo, Bộ trưởng Y tế Israel Yaacov Litzman khuyến cáo người dân không nên tới Italy. Ông cho biết Bộ Y tế đang cân nhắc xem có phải tiến hành cách ly các du khách trở về từ Italy và Australia hay không. Tại châu Âu, Croatia, Hy Lạp đã quyết định đình chỉ tất các hoạt động giáo dục tại Italy trong vòng 1 tháng để giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Bộ Ngoại giao Croatia khuyên người dân tránh tới Veneto và Lombardia, khu vực điểm nóng của dịch bệnh tại Italy. Tuy nhiên, Zagreb hiện không có ý định đóng cửa biên giới với Italy, song không loại trừ khả năng này nếu dịch bệnh lan rộng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết thúc đẩy quan hệ thương mại với Ấn Độ, nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ trang thiết bị quốc phòng. Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra 24/2 nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên kéo dài 2 ngày tới Ấn Độ. Phát biểu trước hơn 100.000 người ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ muốn cung cấp "trang thiết bị quân sự tốt nhất cho Ấn Độ". Ông đồng thời cho biết hai bên đang trong giai đoạn đầu của tiến trình đàm phán để đạt được một thỏa thuận thương mại "phi thường". Chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Trump diễn ra trong bối cảnh hai nước đặt mục tiêu thiết lập lại một mối quan hệ nồng ấm hơn sau những bất đồng vì thâm hụt trong thương mại song phương. Số liệu từ Bộ Công thương Ấn Độ cho thấy Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã nhóm họp để thảo luận về khả năng hoãn kỳ họp Quốc hội thường niên dự kiến diễn ra ngày 5/3 tới. Hội nghị cũng biểu quyết thông qua quyết định hoãn kỳ họp Quốc hội thường niên vào tháng 3 tới. Theo đó, sẽ lùi thời gian họp Quốc hội thường niên vào thời điểm thích hợp. Thời gian cụ thể sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua Quốc hội Trung Quốc có khả năng hoãn họp. Hiện nhiều đại biểu Quốc hội là quan chức cấp cao địa phương đang tập trung chống dịch bệnh tại địa phương mình quản lý. Trong khi đó, việc Thủ đô Bắc Kinh đang áp đặt các biện pháp cách ly đối với những người đến từ nhiều địa phương khác cũng đặt ra thách thức đối với gần 3.000 đại biểu từ khắp mọi miền đất nước.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định "mục tiêu hàng đầu" của nước Anh là "khôi phục độc lập" khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm nay. Theo đó, mục tiêu chính là kết thúc thời kỳ chuyển tiếp trước ngày 1/1/2021 cho dù có đạt được thỏa thuận thương mại với EU hay không. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh ngày 27/2 sẽ công bố nội dung mục tiêu đàm phán thỏa thuận thương mại của nước này với EU. Tuyên bố của người phát ngôn Thủ tướng cho thấy khả năng Anh sẵn sàng cho tình huống sẽ bước ra khỏi bàn đàm phán hơn là trình đề xuất theo yêu cầu của EU liên quan đến vai trò giám sát của tòa án EU và liên kết tương lai với các quy định của EU. Phía Anh khẳng định sẽ thúc đẩy một thỏa thuận thương mại theo kiểu Canada đã ký với EU, nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là được tự do đưa ra các quy định của riêng mình hơn là việc đạt được thỏa thuận chung với EU nếu như EU khăng khăng cho rằng thỏa thuận giữa Anh và EU phải có nhiều liên kết ràng buộc hơn so với của Canada.
Một công ty ở TP Quảng Châu, Trung Quốc đã lắp ráp thành công dây chuyền sản xuất 1.000 khẩu trang mỗi phút, góp phần vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19. Việc nâng cấp dây chuyền đã tiêu tốn của công ty hơn 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 1,4 triệu USD). Giám đốc công ty này cho biết, việc nâng cấp máy móc được thực hiện từ đầu tháng. Công ty cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, giúp công ty đảm bảo nguyên liệu thô đầu vào. Dự kiến, công ty sẽ lắp thêm 2 dây chuyền sản xuất khẩu trang tốc độ cao vào cuối tháng này, về cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất khẩu trang của TP Quảng Châu. 10 dây chuyền sản xuất khác dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3.
Tin thể thao:
Liverpool thắng trận thứ 18 liên tiếp: Liverpool đã có cuộc lội ngược dòng thành công đánh bại West Ham với tỷ số 3-2 ở vòng 27 Premier League. Đáng chú ý, đây là trận thắng thứ 18 liên tiếp của họ tại Premier League, qua đó cân bằng kỷ lục của Man City. Ngoài ra, Liverpool cũng chạm cột mốc có trận thắng thứ 21 liên tiếp trên sân nhà Anfield. Với kết quả vừa qua, Liverpool vẫn chễm chệ trên ngôi đầu bảng và hơn đội thứ nhì Man City 22 điểm. Chỉ cần thắng thêm 4 trận nữa, Liverpool sẽ chính thức lên ngôi vô địch sớm 7 vòng đấu mà không cần quan tâm các đối thủ đá ra sao.
Lộ diện trọng tài bắt trận Kinh điển: Hiện tại ở La Liga, Barca đang đứng đầu với 55 điểm trong khi kình địch Real Madrid xếp ngay sau với 53 điểm. Do vậy, trận Kinh điển cuối tuần này trên sân Bernabeu được dự đoán sẽ rất kịch tính và hấp dẫn. Mới đây, BTC La Liga đã chỉ định ông Antonio Miguel Mateu Lahoz làm trọng tài chính cho trận đấu quan trọng này. Tuy nhiên, quyết định này đã bị các CĐV đặt dấu hỏi vì ông Mateu Lahoz từng nhiều lần bị tố thiên vị Real. Mặc dù từng gây ra nhiều tranh cãi trong quá khứ nhưng không thể phủ nhận ông Mateu Lahoz vẫn là một trong những trọng tài tốt nhất tại Tây Ban Nha hiện tại. Trong mùa giải này, ông đã cầm còi trong 13 trận đấu tại La Liga và cũng được bổ nhiệm làm đại diện cho hệ thống VAR.
Barca và Inter sẵn sàng chi tiền để có Aubameyang: Theo Tuttosport, cả Barcelona và Inter Milan đều đang lên kế hoạch kích hoạt thương vụ chiêu mộ tiền đạo Aubameyang trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè tới. Hợp đồng hiện tại của tiền đạo người Gabon với Arsenal chỉ còn thời hạn đến năm 2021, và nếu không sớm có được ký hết mới, Pháo thủ có thể phải bán rẻ tiền đạo chủ lực của mình.
Messi và đồng đội phải làm test Covid-19: Dịch Virus Corona (Covid-19) đã bắt đầu lan sang Italy. Đã có 7 người chết và hơn 200 người nhiễm bệnh và điều này khiến chính phủ Italy phải hành động. Theo tờ ESPN, các cầu thủ Barca khi đặt chân đến Italy vào đầu tuần này để tham dự trận đấu với Napoli tại Champions League sẽ phải trải qua một bài kiểm tra xem có dấu hiệu nhiễm Covid-19 hay không. Bất kỳ ai có dấu hiệu bất thường sẽ ngay lập tức được cách li và gửi đến bệnh viện để theo dõi thêm. Trước đó, do nguy cơ lây nhiễm của Covid-19, 3 trận đấu tại Serie A cuối tuần qua đã bị hoãn, bao gồm cả trận đấu của Inter Milan. Trận đấu giữa Barca và Napoli chưa bị ảnh hưởng, nhưng hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong ít ngày tới.
Inter chọn được người thay thế Martinez: Tiền đạo Lautaro Martinez đang có phong độ ấn tượng khi đã ghi được 16 bàn sau 30 lần ra sân mùa này. Anh đang thu hút sự quan tâm của Real và Barca. Inter Milan cũng nhận thức được việc rất có thể sẽ mất Martinez vào tay những ông lớn này trong thời gian tới. Và theo FCInterNews, đội bóng Serie A sẽ ngay lập tức hỏi mua đội trưởng của Arsenal, Aubameyang, để thay thế cho Martinez nếu anh ra đi. Bản thân Aubameyang từng bày tỏ mong muốn được ra đi để tìm kiếm danh hiệu, điều mà anh khó có thể đạt được nếu tiếp tục ở lại Arsenal. HLV Mikel Arteta khẳng định Arsenal sẽ làm mọi cách để giữ Aubameyang ở lại. Tuy nhiên, ông cũng biết rằng sẽ rất khó để giữ chân các trụ cột nếu Arsenal không giành được vé dự Champions League các mùa sau.
Chelsea nhắm Icardi tăng cường hàng công. Tờ The Sun tiết lộ, Chelsea sẵn sàng hỏi mua Mauro Icardi nếu tiền đạo này không được PSG mua đứt sau khi hết hợp đồng cho mượn. HLV Frank Lampard muốn bổ sung một tiền đạo chất lượng để củng cố sức mạnh cho đội bóng ở mùa giải tới. Mùa này, hàng công Chelsea quá phụ thuộc vào Tammy Abraham. Hiện Icardi vẫn thuộc biên chế Inter Milan, nhưng PSG có quyền kích hoạt điều khoản mua đứt nếu muốn.
Dembele muốn đến MU thay vì Chelsea: Moussa Dembele chính là mẫu tiền đạo cắm mà HLV Solskjaer rất cần ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giá chuyển nhượng sẽ không hề rẻ. Moussa Dembele ghi được 13 bàn cho Les Gones ở mùa giải này. Hồi đầu năm, Chelsea cũng gạ Lyon bán với giá 50 triệu euro nhưng lập tức bị từ chối. Nguồn tin thân cận Moussa Dembele cho hay, anh muốn được đầu quân MU hơn là Chelsea mùa giải tới. Vấn đề còn nằm ở khâu đàm phán, bởi MU chỉ muốn bỏ ra dưới 60 triệu bảng cho thương vụ này. Ngoài Dembele, họ còn nhắm đến Edouard (Celtic) và Joshua King (Bournemouth).
Sao trẻ MU lập kỷ lục: Greenwood đã ghi bàn ấn định tỉ số 3-0 trong trận đấu giữa MU và Watford. Theo thống kê của Opta, đây chính là bàn thắng thứ 11 của tài năng trẻ người Anh trong mùa giải này. Đó chính là thành tích săn bàn ấn tượng nhất trong một mùa giải của một cầu thủ tuổi teen tại Ngoại hạng Anh. Trong số 11 pha lập công của Greenwood, có 5 bàn ở Premier League, 4 bàn ở Europa League, 1 bàn ở FA Cup và 1 bàn ở Carabao.
AC Milan muốn giữ chân Ibrahimovic. Phát biểu trên SkySport Italia, Giám đốc Paolo Maldini của Milan cho biết Zlatan Ibrahimovic có điều khoản tự động gia hạn hợp đồng với sân San Siro nếu AC Milan đoạt vé dự Champions League mùa tới. Trước mắt, ngôi sao người Thụy Điển sẽ chỉ thi đấu cho "Rossoneri" theo hợp đồng ngắn hạn 6 tháng, và sẽ kết thúc vào cuối mùa. Dù 38 tuổi nhưng Ibrahimovic vẫn đang thi đấu rất nổi bật tại San Siro.
Bóng ma virus corona bao trùm toàn cầu
Từ Đông Á cho đến Trung Đông và châu Âu, những ổ dịch virus corona mới mọc lên trong khi tình hình tại Trung Quốc có vẻ khả quan hơn.
Phần lớn ca bệnh trong dịch Covid-19 vẫn tập trung tại Trung Quốc đại lục, với 77.659 người nhiễm và 2.663 người tử vong. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần trước gọi dịch Covid-19 là "tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng lớn nhất" của đất nước. Ông nhấn mạnh cần học hỏi từ "những thiếu sót rõ ràng được phơi bày" trong cách xử lý dịch. AFP đánh giá đây là sự thừa nhận hiếm có của một lãnh đạo Trung Quốc. "Đây là cuộc khủng hoảng đối với chúng ta và là một thử thách lớn", ông Tập nói.
Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy diễn biến dịch đang khả quan hơn. Hơn 20 tỉnh thành bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hà Nam và An Huy ngày 25/2 báo cáo không có ca nhiễm mới - số lượng nhiều nhất kể từ khi dịch khởi phát tại Vũ Hán tháng 12/2019. Không tính tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đại lục ngày 25/2 ghi nhận 9 trường hợp mới, con số thấp nhất kể từ khi Ủy ban Y tế Quốc gia bắt đầu công bố số liệu ngày 20/1.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đã bày tỏ hoài nghi về số liệu của Trung Quốc khi nước này liên tục thay đổi phương pháp tính chỉ trong vòng một tuần và vài lần đính chính số ca nhiễm mới trong bản cập nhật hàng ngày. Ngày 13/2, Hồ Bắc thông báo đưa cả những ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus (chẩn đoán dựa trên các triệu chứng phù hợp với Covid-19 và chụp CT) vào số liệu ca nhiễm mới. Nhưng ngày 19/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra chỉ đạo, yêu cầu chỉ công nhận các ca nhiễm nCoV nếu xét nghiệm axit nucleic cho kết quả dương tính, đảo ngược quyết định của Hồ Bắc.
Jonathan Read, nhà dịch tễ học tại Đại học Lancaster ở Anh, cho rằng định nghĩa "ca nhiễm" đôi khi cần phải được chỉnh sửa khi giới chức ngày càng hiểu thêm về bệnh. Nhưng số liệu được thống kê với phương pháp không nhất quán khiến các học giả khó hình dung được bức tranh toàn cảnh về xu hướng dịch.
Một số địa phương ở Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng hạn chế. Tỉnh Vân Nam và Quý Châu ngày 24/2 hạ mức phản ứng khẩn cấp từ cấp một xuống cấp ba, trong khi tỉnh Quảng Đông và Sơn Tây hạ xuống cấp hai. Hệ thống phản ứng với các vấn đề y tế khẩn cấp của Trung Quốc có 4 cấp độ, trong đó cấp một là nghiêm trọng nhất. Cam Túc và Liêu Ninh cũng đã hạ thấp mức phản ứng vào cuối tuần trước.
Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa từ 23/1, sáng 24/2 thông báo nới lỏng vòng kiềm tỏa. Người khỏe mạnh được phép rời khỏi thành phố nếu có lý do quan trọng. Tuy nhiên, thông báo này được rút lại vào buổi chiều. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các doanh nghiệp quay trở lại làm việc mặc dù ông nói rằng dịch bệnh vẫn "nghiêm trọng và phức tạp, việc phòng ngừa và kiểm soát đang ở giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất".
Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc đại lục, với 893 người nhiễm, 9 người tử vong. Tĩnh lặng đang bao trùm tâm dịch Daegu, thành phố lớn thứ tư đất nước. Đường phố vắng vẻ, các cửa hiệu và nhà hàng đóng cửa, ga tàu, chợ và siêu thị không còn người qua lại. Chỉ vài người dám ra ngoài nhưng đeo khẩu trang và găng tay. Asiana Airlines dừng các chuyến bay đến thành phố cho đến 9/3, Korean Air áp dụng biện pháp tương tự cho đến 28/3.
Hơn một nửa ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa. Nữ tín đồ 61 tuổi, được gọi là "bệnh nhân 31", được cho là đã lây cho hàng chục người khác khi đi lễ tại nhà thờ của giáo phái. Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, bệnh viện Daenam ở quận Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang, là nơi ghi nhận số ca nhiễm nhiều thứ hai.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/2 nâng cảnh báo nCoV lên mức cao nhất. Ông cũng thúc giục các quan chức chính quyền không do dự trong việc sử dụng "các biện pháp quyết liệt chưa từng có" nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. "Nếu chúng ta không thể ngăn chặn sự lây lan ở khu vực Daegu một cách hiệu quả, có khả năng cao dịch sẽ lan ra toàn quốc", Thứ trưởng Y tế Kim Kang-lip nói.
Tại Nhật, hầu hết hành khách đã rời du thuyền Diamond Princess, ổ dịch lớn thứ ba thế giới, sau khi hết hạn cách ly 14 ngày vào 19/2. Giới chức ghi nhận 691 ca nhiễm trên tàu, ba hành khách tử vong. Ngoài du thuyền, Nhật ghi nhận 146 ca, một người tử vong.
Một số chuyên gia đã chỉ trích cách Nhật xử lý ổ dịch. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cuối tuần trước xin lỗi vì để 23 hành khách của Diamond Princess rời tàu dù họ chưa làm xét nghiệm do nhầm lẫn. Giới chức sau đó phát hiện một hành khách được "thả" nhầm dương tính với nCoV.
nCoV cũng đang gieo rắc nỗi sợ ở miền bắc Italy khi khu vực này ghi nhận số lượng ca nhiễm tăng đột biến trong tuần qua. 157 người nhiễm, ba người tử vong, chủ yếu ở các thị trấn nhỏ thuộc vùng Lombardy và Veneto. Italy phong tỏa các thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cấm tụ họp ở phần lớn miền bắc, bao gồm cả dừng lễ hội ở Venice và hủy các sự kiện ở Milan.
Tình hình ở bắc Italy đã khiến những nơi khác ở châu Âu lo ngại. Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer cho biết một tổ công tác chống dịch Covid-19 sẽ họp để thảo luận có nên áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới với Italy hay không.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo ông sẽ sớm nói chuyện với các đồng nghiệp châu Âu để thảo luận cách đối phó trong kịch bản dịch lan rộng ở châu Âu.
nCoV đã bắt đầu lây lan mạnh ở Trung Đông sau khi Iran phát hiện hai ca nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 19/2. Trong chưa đầy một tuần, số ca nhiễm ở Iran đã tăng lên 47 và 12 người tử vong, hầu hết ở thành phố thiêng Qom. Đáng ngại hơn, một nghị sĩ nước này cáo buộc Bộ Y tế Iran "nói dối" và khẳng định có tới 50 người Iran chết vì nCoV.
Kuwait và Bahrain ngày 24/2 phát hiện ca nhiễm đầu tiên, đều là người trở về từ Iran. Afghanistan cũng phát hiện ca đầu tiên tại Herat, nơi giáp biên giới với Iran, nâng số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm nCoV lên 34. Arab Saudi, Kuwait, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan áp đặt giới hạn nhập cảnh đối với người đi từ Iran.
Những diễn biến trên toàn thế giới này, với hơn 2.600 ca tử vong và gần 80.000 ca nhiễm, đang khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Covid-19 đã nghiêm trọng đến mức được gọi là "đại dịch" hay chưa. Năm 2009, WHO từng tuyên bố dịch cúm lợn H1N1 là "đại dịch", tức có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng toàn cầu. Tuy nhiên, dịch này sau đó được coi là không quá nghiêm trọng, khiến WHO hứng chỉ trích là phóng đại vấn đề.
Phát ngôn viên WHO ngày 24/2 nói rằng họ đã "không còn sử dụng hệ thống phân loại mức độ nghiêm trọng cũ mà một số người có thể quen thuộc từ năm 2009" và cho biết họ hiện không có hạng mục "đại dịch". Phát ngôn viên nhấn mạnh WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1.
"Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng chúng tôi theo dõi virus này 24/7", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói cuối tuần trước. "Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn có thể ngăn chặn được dịch nhưng cánh cửa cơ hội đang thu hẹp".
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 25/02/2020 là 1 AUD = 0.661 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 25/02/2020 là 1 AUD = 15,333 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng nhiều, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 36 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 27 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–22 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–30 độ.
Tại Sydney, buổi sáng trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–33 độ.
Tại Melbourne, trời nhiều mây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–18 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào