Chương trình Thời sự thứ Ba, 24/09/2019

Cẩm Nhung | 24/09/2019 | 758 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Phát hiện kim khâu được nhét trong dâu tây ở hai cửa hàng khác nhau

- Victoria: Đề xuất thử nghiệm sử dụng ma túy tại lễ hội âm nhạc vấp phải nhiều sự phản đối

- Southbank: Cảnh sát điều tra vụ một phụ nữ trẻ bị tấn công tình dục

- Tin Úc: Úc sẽ ban hành lệnh cấm bán bột caffeine nguyên chất

- Victoria: Warrnambool được bình chọn là thành phố đáng sống nhất của Úc

- Tỷ lệ bán đấu giá nhà thành công trên toàn quốc đạt trên 70% trước thềm chung kết giải AFL

- Melbourne: Nước trong con lạch Stony Creek chuyển thành màu đỏ như máu

- Melbourne: Phát hiện vật lạ giống lựu đạn ở bên ngoài Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 23/9, Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc đã khai mạc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York với sự tham dự của đại diện nhiều chính phủ, các thành phần tư nhân, các tổ chức dân sự và các tổ chức quốc tế. Tại hội nghị, hơn 60 lãnh đạo các nước cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đã đưa ra các sáng kiến và cam kết hành động vì khí hậu. Đức tuyên bố tăng gấp đôi đóng góp, từ 2 tỷ Euro lên 4 tỷ Euro cho quỹ hỗ trợ các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Chile đề xuất thành lập Liên minh Tham vọng khí hậu nhằm tập hợp các nước có chung cam kết giảm phát thải carbon về 0% vào năm 2050. Liên minh các nước coi than đá là quá khứ cũng được mở rộng với sự tham gia của 30 quốc gia, 22 tiểu bang và 31 tập đoàn lớn. Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra sau khi hàng triệu người trên khắp thế giới đã tham gia các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu do giới trẻ dẫn đầu.

Ngày 23/9, Trưởng đoàn đàm phán EU về vấn đề Brexit Michel Barnier cho rằng, quan điểm của London không có bất cứ "cơ sở nào để đạt được một thỏa thuận" Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ông Barnier cho biết EU vẫn để ngỏ việc đối thoại, cũng như thúc đẩy và lắng nghe ý tưởng mới của Anh về mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Ông nhấn mạnh giải pháp cho bế tắc hiện nay là phụ thuộc vào London. Hiện Thủ tướng Johnson đang thúc đẩy cam kết Brexit diễn ra đúng thời hạn ngày 31/10 tới bất kể có hay không có thỏa thuận với EU. Điều khoản "chốt chặn" về vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland là nội dung gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận Brexit.

Ngày 23/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã công bố kế hoạch hòa bình mang tên "Nỗ lực vì Hòa bình cho Hormuz". Sáng kiến "Nỗ lực vì Hòa bình cho Hormuz" nhằm đảm bảo an ninh tại Eo biển Hormuz, cũng như thiết lập một nền hòa bình và hợp tác lâu dài trong khu vực. Tất cả các quốc gia tại Vịnh Persia, Eo biển Hormuz và Liên Hợp Quốc đều có thể tham gia sáng kiến. Tehran sẵn sàng đối thoại với các nước trong khu vực về kế hoạch này. Tổng thống Rouhani dự kiến sẽ trình bày sáng kiến "Nỗ lực vì Hòa bình cho Hormuz" tại cuộc họp sắp tới của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hiện Mỹ cũng đang cố gắng tập hợp một liên minh riêng do nước này đứng đầu nhằm bảo vệ Eo biển Hormuz cũng như các vùng biển khác tại vùng Vịnh Persia khỏi điều Washington cho là mối đe dọa từ Iran.

Tối 22/9, một vụ không kích nhầm đám cưới xảy ra tại tỉnh Helmand, Afghanistan, khiến ít nhất 40 dân thường thiệt mạng. Helmand là nơi có nhiều cánh đồng anh túc và là thành trì phiến quân Taliban chiếm đóng ở Afghanistan. Theo người dân và quan chức địa phương tại tỉnh Helmand, các lực lượng Afganistan và nước ngoài đã tiến hành chiến dịch trên bộ, trên không nhằm tiêu diệt lực lượng phiến quân. Tuy nhiên, vụ không kích đã trúng phải một nhà dân - nơi đang diễn ra lễ cưới, khiến nhiều người thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Afghanistan đang điều tra vụ không kích nhầm này.

Ngày 23/9, biệt đội cảnh sát chống khủng bố của Indonesia đã bắt giữ 8 thành viên thuộc nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 8 đối tượng trên bị bắt giữ trong chiến dịch đột kích nhiều địa điểm ở thủ đô Jakarta và thành phố Bekasi, tỉnh Tây Java, của biệt đội cảnh sát chống khủng bố của Indonesia trong ngày 23/9. Cảnh sát Indonesia cũng thu giữ một số vật liệu nổ, đồng thời tiết lộ nhóm đối tượng bị bắt nói trên đang lên kế hoạch thực hiện tấn công khủng bố. Cùng ngày, Chính phủ Singapore cũng thông báo đã bắt giữ 3 nữ giúp việc gia đình người Indonesia bị tình nghi có tư tưởng cực đoan.

Lầu Năm Góc đã điều tàu khu trục USS Nitze có trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đến vùng biển Đông Bắc Mỹ. Động thái trên nhằm bảo vệ Saudi Arabia, giúp nước này củng cố năng lực phòng thủ sau khi hệ thống phòng không của Riyadh được coi là thất bại trong việc ngăn chặn cuộc không kích nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco. Quyết định điều động chiến hạm USS Nitze được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt kế hoạch triển khai thêm quân và các khí tài quân sự khác đến vịnh Ba Tư. Khu trục hạm USS Nitze được trang bị bệ phóng Aegis, có khả năng bắn cả tên lửa SM-3 để phòng thủ và tên lửa Tomahawk để không kích.

Trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu trước sự chứng kiến của hơn 50.000 người Mỹ gốc Ấn tại thành phố Houston, bang Texas. Cùng xuất hiện trên sân khấu với ông Modi có Tổng thống Mỹ Donald Trump, một cử chỉ cho thấy sự nồng ấm trong quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Quan hệ Mỹ - Ấn Độ có phần căng thẳng trong thời gian gần đây, sau khi Tổng thống Trump chấm dứt chế độ ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ và New Dehli đáp trả bằng cách áp thuế lên nhiều mặt hàng Mỹ. Chính vì vậy, việc ông Trump xuất hiện cùng ông Modi trong sự kiện ở Houston được kỳ vọng có thể giúp xoa dịu căng thẳng thương mại 2 nước, đồng thời cũng là một nỗ lực của ông Trump nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri Mỹ gốc Ấn trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.

Chính phủ Mỹ đã từ chối cấp thị thực cho một số thành viên trong phái đoàn hộ tống Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến dự họp Đại Hội đồng LHQ tại thành phố New York, Mỹ. Các hãng tin nước ngoài dẫn thông tin từ ông Parviz Esmaeili, Phó Chánh Văn phòng Thông tin của Phủ Tổng thống Iran cho biết, Mỹ đã từ chối cấp thị thực cho một số thành viên trong phái đoàn hộ tống Tổng thống Iran. Trước đó, chính quyền Iran thông báo, Tổng thống Hassan Rouhani sẽ gặp mặt người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề sự kiện tại New York. Theo ông Esmaeili: "Việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho phái đoàn đi cùng Tổng thống Iran bao gồm một số chánh văn phòng và phóng viên là đi ngược lại các nghĩa vụ ngoại giao do Mỹ tuyên bố dưới tư cách một thành viên của LHQ và nước chủ nhà”.

Ngày 23/9, phát biểu khi bắt đầu cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ hy vọng vào khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo đánh giá của Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Trump đã có những đóng góp cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông cho biết Mỹ và Triều Tiên dự kiến nối lại đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa ở cấp độ chuyên viên, vốn có thể là động thái mở đường cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nước. Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định ông có mối quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thu nhập thấp, tình trạng thất nghiệp cao khiến ngày càng nhiều người Italy chọn không sinh con. Italy đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học chưa từng có trong lịch sử. Theo số liệu của văn phòng thống kê quốc gia Italy, tỷ lệ sinh của nước này trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử. Dân số ngày càng giảm, lực lượng lao động già đã khiến nền kinh tế Italy ngày càng trì trệ. Thu nhập thấp, tình trạng thất nghiệp cao khiến nhiều người Italy chọn không sinh con. Đây là một vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát đối với xã hội Italy. Trung bình, phụ nữ Italy 33 tuổi mới sinh con, già hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Cả đàn ông và phụ nữ tại Italy thường không xem trọng việc sinh con.

Gabon sẽ trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên được trả tiền để bảo vệ các khu rừng của mình trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Việc Gabon được trả tiền để bảo vệ rừng được thực hiện theo hiệp định được ký kết giữa Na Uy và Gabon ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ khai mạc vào đêm 23/9. Theo hiệp định trên, Na Uy sẽ trả tiền cho Gabon, quốc gia có tới 90% diện tích có rừng bao phủ. Số tiền được trả là 10 USD cho mỗi tấn carbon không phát thải ra môi trường để quản lý việc đốn gỗ có trách nhiệm và giảm lượng khí thải liên quan đến việc khai thác gỗ với mức thanh toán tối đa lên đến 150 triệu USD trong 10 năm.

Mới đây, một trong những nhà điều hành tour du lịch lâu đời nhất thế giới, hãng Thomas Cook của Anh, vừa tuyên bố phá sản sau những khó khăn về nợ và bị cạnh tranh. Với tuyên bố trên, mọi hoạt động của hãng Thomas Cook này sẽ phải ngừng lại ngay lập tức, chấm dứt 178 năm tồn tại và phát triển. Các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa. Các máy bay của họ không được cất cánh. 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu, trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh, buộc phải nghỉ việc. Quyết định trên cũng ảnh hưởng tới 600.000 khách hàng. Hiệp hội Nhân viên vận tải, đại diện cho các lao động tại hãng này, đã kêu gọi chính phủ cứu công ty với khoảng 150 triệu Bảng Anh. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ lo ngại rằng sự bảo lãnh này có thể tạo ra tiền lệ cho các trường hợp tương tự trong tương lai.

Tin thể thao:

Real Madrid ấn định thời gian đàm phán mua Sterling: Theo truyền thông Anh, Real Madrid dự kiến sẽ đàm phán để chiêu mộ Raheem Sterling cuối mùa giải này. Real đang gặp khó khăn ở mùa giải mới khi các tân binh ngôi sao vẫn chơi chưa tốt. Đội bóng Hoàng Gia chưa lên được đỉnh bảng ở Liga, vừa thua đậm PSG ở Champions League và áp lực lên Zidane đang rất nặng nề. Sterling thì vẫn tiếp tục tỏa sáng ở City nên càng khiến Real thèm muốn hơn khi họ nhận thấy chiến dịch mua sắm mùa Hè 2019 vẫn là chưa đủ.

Messi giành giải The Best: Trong lễ trao giải diễn ra tại nhà hát La Scala, Milan (Italia), tiền đạo Lionel Messi đã vượt qua Cristiano Ronaldo và Virgil Van Dijk để giành giải thưởng Nam cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA. Đây là lần đầu tiên Messi giành được giải thưởng cao quý này. Anh đã có một mùa giải tương đối thành công khi giành được một chức vô địch La Liga cùng Barca. Nhưng xét trên phương diện cá nhân, Messi rất xứng đáng được vinh danh. Anh là chủ nhân của Chiếc giày vàng châu Âu với 34 bàn thắng, đồng thời cũng là Vua phá lưới Champions League với 12 bàn.

Mourinho cảnh báo Liverpool trong cuộc đua vô địch: Liverpool vừa giành chiến thắng 2-1 trước Chelsea, qua đó xây chắc ngôi đầu bảng đồng thời nâng chuỗi trận thắng liên tiếp của họ lên con số 6. The Kop lúc này đang hơn đội thứ 2 Man City 5 điểm, nhưng Jose Mourinho cho rằng khoảng cách này có thể bị thu hẹp. Mùa giải trước, Liverpool từng có thời điểm hơn Man City 10 điểm trên BXH nhưng đã sảy chân và để mất chức vô địch Premier League vào tay đối thủ. Cuối tuần qua, Man City vừa thể hiện phong độ ấn tượng khi đánh bại Watford 8 bàn không gỡ trên sân nhà.

Xavi sẵn sàng làm HLV Barca: Cựu tiền vệ Barca Xavi cho biết anh cảm thấy không vấn đề gì nếu thay thế Ernesto Valverde dẫn dắt đội bóng cũ vào thời điểm này. Barca của Ernesto Valverde gây thất vọng ở Champions League hai mùa liên tiếp sau khi để đối thủ ngược dòng, loại họ khỏi giải đấu. Mùa này, Barca cũng may mắn lắm mới thoát thua Dortmund ở trận vòng bảng đầu tiên. Tại Liga, họ vừa để thua tân binh Granada 0-2. Những kết quả yếu kém khiến tương lai của ông Valderde bị đặt dấu hỏi và tin đồn Xavi có thể được chọn thay thế rộ lên.

MU đón tin mừng từ Martial và Greenwood. Trong thất bại 0-2 trước West Ham, MU chỉ có duy nhất Marcus Rashford là tiền đạo lành lặn. Mason Greenwood bị ốm ngay trước giờ lên đường còn Martial đã chấn thương trong trận thua 1-2 trước Crystal Palace ở vòng 2. Nhưng tới phút 60, Rashford cũng tập tễnh rời sân do bị căng cơ sau một pha bức tốc. May mắn cho "Quỷ đỏ" là ở đại chiến với Arsenal, HLV Solskjaer xác nhận sẽ có sự trở lại của Martial và Greenwood.

PSG kiện Lyon, lấy lại "công đạo" cho Neymar. Trước khi ghi bàn cho PSG, Neymar đã bị CĐV chủ nhà “khủng bố”. Cụ thể, trong một tình huống thực hiện quả đá phạt góc, cầu thủ đắt giá nhất thế giới đã bị NHM Lyon tấn công bằng hàng loạt vật thể lạ. Không chỉ bị tấn công bằng vật thể lạ, suốt trận, Neymar còn liên tục bị CĐV Lyon la ó, huýt sáo chế giễu mỗi khi ngôi sao 27 tuổi này chạm bóng. Theo L'Equipe, PSG sẽ đưa vấn đề này lên ban tổ chức Ligue 1, hòng bảo vệ Neymar trong những trận đấu kế tiếp.

Chelsea lộ tử huyệt, Lampard lo lắng. HLV Frank Lampard thừa nhận ông đang cảm thấy rất lo lắng cho phong độ trên sân nhà của Chelsea. Sau trận thua Valencia với tỷ số 0-1 ở Champions League, Chelsea tiếp tục ở lại sân nhà Stamford Bridge để tiếp đón Liverpool trong khuôn khổ vòng 6 Premier League. Trước một đối thủ rất mạnh như The Kop, đội đang có thành tích toàn thắng ở 5 vòng đấu trước, thầy trò HLV Frank Lampard đã nhận thất bại với tỷ số 1-2. Toàn bộ 4 trận sân nhà đã đá của Chelsea mùa này, thầy trò Lampard chưa biết mùi chiến thắng với 2 hòa và 2 thua.

Balotelli xem thường đại chiến với Ronaldo. Balotelli trở về đội bóng thiếu thời Brescia, đội bóng mới thăng hạng Serie A sau khi chia tay Marseille. Tuy nhiên, vì án phạt từ trước, chú ngựa chứng này đã không thể góp mặt ở 4 trận đấu đầu tiên của Brescia tại Serie A. Vòng 5 này, Balotelli có cơ hội đối mặt với Juventus của Ronaldo. Tuy nhiên, với bản thân Balotelli thì đây chỉ là một trận đấu thông thường như bao trận đấu khác.

FA điều tra Bernardo Silva. Sau khi Bernardo Silva bị một số không nhỏ trên cộng đồng Twitter chỉ trích vì bức hình anh một cách đùa cợt so sánh đồng đội Benjamin Mendy với nhân vật hoạt hình da đen trên nhãn hàng chocolate Conguitos, LĐBĐ Anh đã cho biết họ sẽ tìm hiểu sự việc này. Trước đó Silva đã bị tổ chức Kick It Out chỉ trích mạnh mẽ vì thái độ phân biệt chủng tộc. Hiện Mendy chưa lên tiếng bình luận về sự việc này.

4 đội tuyển có thể thoát xuống hạng ở Nations League. Theo thông tin mới đây từ báo giới Đức, UEFA sẽ thảo luận về cải cách giải đấu Nations League mà theo đó trong mùa thu 2020 giải A sẽ tăng số đội từ 12 lên 16 đội. Nếu cải cách này được thông qua thì ĐT Đức, Ba Lan, Croatia và Iceland sẽ thoát xuống hạng mặc dù thành tích không tốt ở Nations League 2018/19.

Nước và dầu thô: Hai rủi ro lớn đối với tương lai nhân loại

Các quốc đảo ở Thái Bình Dương sắp biến mất, Trung Đông đứng trước nguy cơ chiến tranh là hai chủ đề của các tạp chí trong tuần nhân chiến dịch Ngày Thế giới vì khí hậu 20/9 và trong bối cảnh khủng hoảng tại vùng Vịnh lâm vào bế tắc.

Tuần báo Courrier International tổng hợp hai vấn đề nghiêm trọng đang đe dọa nhân loại, giới thiệu bức thư của chuyên gia về rủi ro của Liên hợp quốc Robert Templer viết về tương lai quần đảo Maldives và các quần đảo Thái Bình Dương “sắp chìm trong nước biển” hoặc không thể sinh sống được nữa. Bức thư dài, tỉ mỉ kèm theo bản đồ dự báo thảm họa và những hệ quả địa chính trị đầy bất trắc.

Chuyên gia Robert Templer cho biết, Thượng Hải, New York, Bombay, Singapore, Thành phố Hồ Chí Minh là những thành phố sẽ bị nước biển phủ ngập một vài thập niên sau Maldives. Maldives không tránh được số phận này vì nhiệt độ trên Trái Đất tiếp tục gia tăng. Chỉ trong năm 2017, hai tỷ tấn băng đá ở Nam Cực tan thành nước.

Trong khi tại Trung Quốc, trong vòng 10 năm, 28.000 con sông bị khô cạn. Hệ quả đầu tiên là canh tác giảm năng suất, còn các đảo quốc như Maldives trong Ấn Độ Dương, hay Solomon, Fiji, Kiribati, Marshall, Tonga ở Nam Thái Bình Dương sẽ biến mất trong một tương lai gần ngay trong thế kỷ 21 này.

Công ước biển của Liên hợp quốc năm 1982 quy định biên giới trên biển dựa vào lãnh thổ và thềm lục địa. Khi đảo bị ngập thì lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế cũng bị thu hẹp theo.

Nếu nỗ lực ngăn chặn Trái Đất tăng nhiệt độ dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ được bắt đầu trong năm 2019, thì cần giảm 10% lượng khí thải CO2 mỗi năm và cần 3.000 tỷ euro (3.300 tỷ USD) để thực hiện. Số tiền tuy khổng lồ, nhưng vẫn còn thấp hơn so với con số 5.000 tỷ USD hỗ trợ hàng năm cho ngành dầu thô và năng lượng hóa thạch nói chung.

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế tại Mỹ nhận định việc giá dầu tăng do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông "không đáng lo trong ngắn hạn," nhưng sẽ gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế thế giới về dài hạn.

Sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 14/9 vào các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia khiến sản lượng dầu của nước này giảm một nửa, giá dầu Brent đã tăng hơn 15% chỉ trong một ngày và vượt mức 70 USD/thùng. Kể từ đó, giá dầu đã bình ổn hơn và kết thúc tuần giao dịch ngày 20/9 ở quanh mức 65 USD/thùng. Khu vực Trung Đông càng nóng hơn khi Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc Iran đã thực hiện các vụ tấn công này. Cuộc tấn công trên đã khiến thị trường chao đảo và xuất hiện những nghi ngại về triển vọng nguồn cung dầu cho toàn cầu, cũng như tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế thế giới.

Tờ Wall Street Journal dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế cho biết các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia không tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế Mỹ, song có thể khiến giá xăng tăng cao hơn và gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, việc giá dầu tăng kỷ lục xảy ra vào thời điểm kinh tế thế giới đang bên bờ vực suy thoái. Mặc dù mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc tăng giá sẽ kéo dài bao lâu, song diễn biến này sẽ làm chậm nhu cầu trên toàn cầu và làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vốn đã bị sa sút trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Cú sốc giá dầu xảy đến trong bối cảnh có một loạt dấu hiệu cảnh báo đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo hãng tin này, tác động từ việc giá dầu tăng sẽ khác nhau trên toàn thế giới. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ sẽ chứng kiến thu nhập doanh nghiệp và thu nhập quốc gia gia tăng, trong khi các quốc gia tiêu thụ sẽ gánh thêm chi phí. Điều này có thể dẫn đến lạm phát và làm giảm nhu cầu. Do lạm phát không phải là mối quan tâm trước mắt trong nền kinh tế toàn cầu, mối lo ngại lớn hơn là tác động của cú sốc giá đối với nhu cầu toàn cầu vốn đang yếu đi.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích đã chỉ ra giữa bối cảnh kinh tế thế giới “hạ nhiệt” và tình trạng dôi dư nguồn cung, khả năng giá dầu đạt ngưỡng 100 USD/thùng tính đến hiện tại vẫn là khá thấp.

Ông Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại ngân hàng BNP Paribas, giải thích rằng về bản chất, các nền kinh tế thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối phó các cú sốc giá dầu so với những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, một loạt biến động địa chính trị tại Trung Đông đã khiến giá dầu thô tăng vọt chỉ sau vài tháng và khiến nhiều nền kinh tế phát triển “gục ngã.”

Lưu ý mới nhất gửi tới khách hàng của ngân hàng Commerzbank cũng có đồng quan điểm. Các nhà kinh tế của Commerzbank cho rằng hiện tại, một cú sốc giá dầu khó có thể dẫn tới những thiệt hại tương tự, bởi các quốc gia đã quen với các sự kiện như vậy.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các nền kinh tế đã giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Chẳng hạn như mức tiêu thụ dầu ở Mỹ đã tăng từ 17,3 triệu thùng/ngày hồi năm 1973 lên 20,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Con số này chỉ tiến thêm 18% ngay cả khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ đã tăng 230%. Trong khi đó, ở Đức, các hộ gia đình trong năm 2018 chỉ dành 2,6% tổng các khoản chi tiêu cho nhiên liệu.

Nhiều nền kinh tế khác cũng có những bước tiến lớn trong việc giảm phụ thuộc vào dầu thô, nhờ vào các ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng và các nguồn thay thế như khí đốt tự nhiên hoặc năng lượng tái tạo. Ngoài ra, thế giới giờ cũng ít phụ thuộc hơn vào một vài nhà sản xuất lớn tại Trung Đông.

Ông Tchilinguirian đề cập đến hoạt động khai thác dầu mỏ tại Biển Bắc từ những năm 1980, hay hoạt động khai thác dầu ngoài khơi bờ biển Tây Phi và Brazil cũng như khai thác dầu cát của Canada. Mỹ, nước từng phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu nhập khẩu, cũng đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới nhờ hoạt động khai thác dầu đá phiến.

Giới phân tích cho rằng chính những yếu tố nêu trên sẽ giúp mọi việc “suôn sẻ” hơn trong trường hợp xảy ra những sự kiện gây gián đoạn nguồn cung như cuộc tấn công vào các cơ sở dầu của Saudi Arabia. Các nhà phân tích lạc quan rằng ngay cả khi giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào giai đoạn từ năm 2011-2014, thì điều này cũng sẽ không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 24/09/2019 là 1 AUD = 0.677 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 24/09/2019 là 1 AUD = 15,708 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời có mây rải rác, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 33 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–19 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–25 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–20 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–16 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này