Chương trình Thời sự thứ Ba, 23/06/2020
Tin nước Úc:
- Victoria: Kéo dài Tình trạng Khẩn cấp thêm bốn tuần lễ
- Victoria: Lo ngại khi nhiều người vừa xét nghiệm xong liền đi mua sắm ngay
- Victoria: Người dân được cảnh báo không nên đến sáu điểm nóng COVID-19
- NSW: Người lãnh trợ cấp có thể sẽ được giảm 50% tiền phạt vi phạm luật giao thông
- Victoria: Giới thiệu các biện pháp quy hoạch lâu dài để bảo vệ sông Yarra River
- NSW: Giảm phân nửa giá vé giao thông công cộng vào giờ thấp điểm
- Tin Úc: Các khu trượt tuyết mở cửa lại nhưng phải tuân theo các quy tắc giãn cách xã hội
- Tin Úc: Hai trường đại học ở Canberra sẽ chào đón 350 sinh viên quốc tế quay trở lại
- Tin vắn
Tin thế giới:
Đặc phái viên của Nga và Mỹ ngày 22/6 đã bắt đầu các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân ở Vienna (Áo). Trọng tâm chính của các cuộc đàm phán lần này đó là việc thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2 năm sau. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới áp đặt giới hạn còn lại cuối cùng đối với việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ không quá 1.550 đơn vị mỗi nước. Hiệp ước có thể được gia hạn đến 5 năm nếu cả hai bên đồng ý. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga đàm phán về một thỏa thuận thay thế START mới. Trung Quốc, quốc gia được ước tính có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân, nhiều lần bác bỏ đề nghị này của ông Trump.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông đang cân nhắc tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, nếu cử tri tán thành việc sửa đổi hiến pháp theo hướng này. Thông báo của ông chủ Điện Kremlin được đưa ra ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu toàn quốc từ ngày 25/6 đến 1/7 tới về việc sửa đổi hiến pháp. Trong đó, có điều khoản sửa đổi cho phép ông Putin có thể tiếp tục làm Tổng thống thêm hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 6 năm, sau khi ông mãn nhiệm vào năm 2024. Những thay đổi trên đã được Quốc hội và Tòa án Hiến pháp Nga phê chuẩn. Với hiến pháp hiện tại, ông Putin không được phép tái tranh cử. Song nếu việc sửa đổi hiến pháp được thông qua, ông hoàn toàn có thể nắm quyền đến năm 2036.
Anh áp dụng quy tắc giãn cách 1 mét từ đầu tháng 7. Theo tuyên bố của Thủ tướng Anh Borris Johnson, quy tắc mới sẽ yêu cầu người dân cách nhau tổi thiểu 1 mét tại các địa điểm công cộng bao gồm: văn phòng làm việc, trường học, nhà hàng và các quán cà phê, nếu mọi người dân tuân thủ quy định đeo khẩu trang. Trước đó vào 21/6, Bộ trưởng Văn hóa Anh Oliver Dowden khẳng định, quy tắc giãn cách xã hội mới là một phần quan trọng trong kế hoạch nới lỏng dần dần các hạn chế xã hội với mục tiêu dỡ bỏ hoàn toàn vào cuối năm nay. Kể từ đầu tháng 5, Vương quốc Anh đã áp dụng quy tắc bắt buộc giãn cách xã hội ít nhất 2 mét tại những địa điểm công cộng.
Đúng 3 tháng kể từ ngày thành phố New York phải áp dụng lệnh phong tỏa, sáng 22/6, hàng ngàn văn phòng, cơ quan ở đây đã mở cửa, đón người trở lại làm việc. Tuy nhiên, số người được phép trở lại làm việc tại công sở, khoảng 300.000 người, vẫn ít hơn nhiều so với con số người đi làm vào thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, bởi các công ty phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và hạn chế số người có mặt cùng lúc trong không gian trong nhà. Hệ thống tàu điện ngầm hiện vẫn khá vắng khách bởi tâm lý e ngại nhiễm bệnh trên các phương tiện công cộng. Thị trưởng Bill de Blasio nhấn mạnh, mở cửa giai đoạn 2 là bước tiến quan trọng của thành phố bởi đây là giai đoạn mà các thành phần trọng yếu của nền kinh tế New York được phép hoạt động trở lại. Ngoài các công sở, giai đoạn 2 cho phép các quán ăn có không gian ngoài trời mở lại, các cửa hiệu bán hàng, các dịch vụ cắt, làm tóc và dịch vụ bất động sản được bắt đầu hoạt động.
Ngày 22/6, các chỉ huy của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã nhóm họp để thảo luận các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya. Các nguồn tin Chính phủ Ấn Độ cho biết các chỉ huy của hai nước đã gặp nhau ở khu vực Moldo ở phía Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) do Trung Quốc kiểm soát. Cuộc gặp kéo dài vài giờ đồng hồ, trong đó Ấn Độ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc rút quân về lại khu vực họ từng đóng quân hồi tháng Tư vừa qua. Trong các vòng đàm phán giữa hai bên trước đó, phía Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ dừng mọi hoạt động xây dựng mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của Trung Quốc. Phát biểu tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 22/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết hai nước đang tiến hành đối thoại thông qua các kênh ngoại giao và quân sự.
Ngày 22/6, hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại một kho lưu trữ các vật liệu nguy hiểm tại căn cứ không quân quan trọng của Mỹ trên đảo Okinawa, miền Nam Nhật Bản. Theo nguồn tin từ Lực lượng Không quân Mỹ, ngọn lửa bùng phát sáng 22/6 tại tòa nhà trung tâm của căn cứ không quân Kadena và đã bốc cháy dữ dội trong nhiều giờ sau đó. Khu vực đã bị đóng cửa và toàn bộ nhân viên tại đây được đưa đi sơ tán trong khi lính cứu hỏa nỗ lực kiểm soát đám cháy. 45 người đã bị ngạt khói hoặc hít phải khí clo. Công tác điều tra đang được khẩn trương tiến hành nhằm xác định nguyên nhân của vụ việc. Các chuyên gia môi trường sinh thái đã tiến hành đánh giá tình trạng môi sinh sau vụ hỏa hoạn và khẳng định rằng không có nguy cơ ảnh hưởng tới cuộc sống của con người tại khu vực này.
Mỹ đã lần đầu tiên phóng thành công quả bom lượn GBB-53/B StormBreaker, một loại vũ khí nổ phá bay không cần động cơ. Loại bom lượn không cần động cơ này có thể tự chọn trước các mục tiêu theo mức độ ưu tiên về khả năng triệt hạ, cho phép điều chỉnh lộ trình của máy bay mang bom. Theo thông báo của tập đoàn sản xuất vũ khí Raytheon, loại bom trên được tích hợp vào tổ hợp vũ khí bán tự động có độ chính xác cao. Quy trình thử nghiệm bom đã được triển khai trong tháng này. Sau đó, loại bom lượn này sẽ được đưa vào trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II, đủ sức mang theo tới 24 quả bom như vậy.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đang nỗ lực tăng khả năng xét nghiệm sàng lọc 1 triệu người mỗi ngày. Kể từ khi xuất hiện các ổ dịch mới, thủ đô Bắc Kinh đã tăng gấp đôi công suất xét nghiệm COVID-19 lên 230 nghìn mẫu mỗi ngày tại 124 cơ sở xét nghiệm. Sau thời gian dài khống chế được dịch COVID-19, thành phố Bắc Kinh lại ghi nhận ca nhiễm mới đầu tiên hôm 11/6 vừa qua, liên quan chợ đầu mối Tân Phát Địa ở phía Tây Nam thủ đô. Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã ghi nhận 236 ca nhiễm liên quan ổ dịch này.
Thế bấp bênh của "tam giác chiến lược" Nga-Trung Quốc-Ấn Độ
Cơ chế phối hợp ba bên Nga-Trung Quốc-Ấn Độ (RIC) được khởi động bằng các cuộc gặp của các bộ trưởng Ngoại giao ba nước này bên lề các phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) trong giai đoạn 2003-2005.
Với tư cách là 3 cường quốc có ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hợp tác giữa Nga-Trung Quốc-Ấn Độ được đánh giá sẽ tạo ra "tam giác chiến lược" đủ mạnh để có thể nâng tầm vị thế của cả ba nước. Sau đó, cuộc gặp ba bên bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhiều hơn sau khi lần đầu tiên các ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn tổ chức được cuộc gặp "độc lập" không trong khuôn khổ của bất kỳ diễn đàn quốc tế nào.
Cuộc gặp đầu tiên như vậy diễn ra vào tháng 6 năm 2005 tại thành phố Vladivostok thuộc đại khu liên bang Viễn Đông của Nga đã phần nào thể hiện nỗ lực và mong muốn của nước chủ nhà trong việc hình thành một cơ chế hợp tác "tam giác" giữa ba nước lớn trên không gian Á-Âu rộng lớn.
Cho đến nay, các cuộc gặp cấp ngoại trưởng RIC đã trở thành một sự kiện thường niên, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chỉ một năm sau cuộc gặp “độc lập” của các ngoại trưởng Nga-Trung-Ấn, định dạng RIC đã được nâng tầm với việc nguyên thủ ba nước này tổ chức cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu và Nga (G8) tại thành phố Saint Petersburg, thủ đô phương Bắc của Nga. Kết thúc mỗi cuộc họp như thế của nhóm "tam giác," lãnh đạo các nước thành viên của nhóm RIC lại ra một tuyên bố chính trị chung thể hiện quan điểm của ba nước này đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Tại hội nghị ngoại trưởng ba bên lần thứ 16 diễn ra tháng 2 năm ngoái tại thành phố Ô Trấn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) với sự tham gia của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj, ba nước nhất trí thúc đẩy hệ thống đa phương với Liên hợp quốc là hạt nhân, đồng thời nhất trí cùng đấu tranh chống khủng bố dưới mọi dạng thức, tăng cường thông tin liên quan chính sách chống khủng bố và hợp tác thiết thực.
Có thể nói, trên bình diện quốc tế, RIC với tư cách là một cơ chế tiếp xúc thường niên đã tạo được một vị thế khá vững chắc, là trụ cột, nhân tố có tiếng nói quan trọng trong các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm BRICS, hoặc G20.
Đối với các nước thành viên, cơ chế RIC cũng mang lại những lợi ích thiết thực, không chỉ giúp gia tăng vị thế, nâng cao hình ảnh cho “mỗi đỉnh của tam giác,” mà còn giúp họ cân nhắc, thỏa hiệp để duy trì quan điểm tương đối gần gũi trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu.
Đó là lý do tại sao, cơ chế này đã tồn tại hơn 15 năm nay, không chỉ trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, mà còn mở rộng sang kinh tế, an ninh.
Bằng những nỗ lực của ba nước, một số kênh phối hợp hành động khác giữa các bộ ngành của RIC như các cuộc tham vấn cấp Phó Thư ký Hội đồng An ninh, cấp lãnh đạo các cơ quan kinh tế-tài chính, đối thoại giữa các viện nghiên cứu, viện hàn lâm... cũng đã được thiết lập.
Năm 2019, các ngoại trưởng RIC cũng thể hiện mong muốn tiếp tục củng cố và mở rộng hợp tác ba bên thiết thực, và nỗ lực thiết lập một cơ chế đối thoại giữa các bộ trưởng quốc phòng vào một thời điểm thích hợp.
Tuy nhiên, sự liên kết của "tam giác chiến lược" Nga-Trung-Ấn vẫn tỏ ra "gượng gạo" và mối quan hệ luôn bấp bênh.
Cả 3 nước đều đang thực hiện một chính sách đối ngoại rất thực dụng, đều tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, và trong nhiều trường hợp, tính toán chiến lược của nước này lại va chạm về lợi ích quốc gia với nước khác.
Mặt khác, giữa các cặp quan hệ song phương của tam giác chiến lược này cũng đang tồn tại không ít bất đồng.
Kể cả những cặp quan hệ truyền thống như Nga-Ấn Độ hay quan hệ luôn được đánh giá bằng những ngôn từ "đang nồng ấm" như Nga-Trung, cũng không tránh khỏi tình trạng "đồng sàng dị mộng."
Dù vậy, nhìn chung, khi cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều muốn khẳng định vị trí cường quốc khu vực và vươn tầm ra thế giới, việc duy trì mối quan hệ "tam giác" như hiện nay có lẽ vẫn được cả ba theo đuổi, bởi ít nhiều nó có thể tạo nên thế đối trọng địa-chính trị trong khu vực và tăng cường đáng kể tiếng nói của mỗi nước.
Với cơ chế tam giác chiến lược này, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có thể phối hợp linh hoạt khi cần đối phó với các thách thức và mối đe dọa chung, như khủng bố. Chưa kể những lợi ích về kinh tế-thương mại.
Đó là lý do một năm trước, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc gặp thượng đỉnh nhằm thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với mối quan hệ hợp tác ba bên này.
Theo dự kiến, Hội nghị ngoại trưởng RIC năm nay diễn ra tại Nga, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của BRICS và SCO. Tuy nhiên, sự hoành hành của dịch bệnh COVID-19 và căng thẳng quan hệ giữa hai thành viên RIC là Ấn Độ và Trung Quốc đang gây khó khăn cho hội nghị.
Vì dịch bệnh, người đứng đầu ngành ngoại giao ba nước đã không thể gặp mặt trực tiếp như thường lệ, mà phải tổ chức họp trực tuyến.
Ngoài ra, nước chủ nhà Nga cũng đã quyết định tạm hoãn các hội nghị thượng đỉnh SCO và BRICS vốn theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 22-23/7/2020 tại St. Petersburg.
Song có lẽ thách thức lớn nhất đối với Nga trong việc duy trì sự đồng thuận của RIC chính là căng thẳng biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ bùng phát, khiến hàng chục binh sỹ hai nước thương vong.
Về nguyên tắc, Nga luôn khẳng định không can thiệp công việc nội bộ hai nước châu Á này và ủng hộ các nỗ lực đối thoại để Bắc Kinh và New Delhi "tự giải quyết."
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định nội dung cuộc họp trực tuyến ngày 23/6 tới sẽ "không bao gồm thảo luận các vấn đề liên quan tới quan hệ song phương của một quốc gia với một quốc gia khác trong nhóm RIC."
Tuy nhiên, cuộc họp tới vẫn sẽ thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế, bởi rõ ràng Nga có lợi ích to lớn trong việc duy trì sự đồng thuận trong tam giác RIC.
Nếu cơ chế RIC không giúp hai nước giải quyết tốt cuộc xung đột đã kéo dài, không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ có những điều chỉnh trong ưu tiên đối ngoại để tham gia các sáng kiến mới do Mỹ dẫn đầu.
Đây sẽ là kịch bản không dễ chịu đối với Nga nói riêng và với cơ chế RIC/BRICS nói chung.
Do đó, ngoài nội dung chính của hội nghị dự kiến là sự phối hợp trong phòng chống đại dịch COVID-19, không loại trừ Nga sẽ đưa ra nhiều thông điệp đối với các đối tác chiến lược toàn diện của mình để mọi việc trở lại đúng quỹ đạo vốn có.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 23/06/2020 là 1 AUD = 0.690 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 23/06/2020 là 1 AUD = 15,960 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 39 độ.
Tại Adelaide, trời nhiều mây, buổi sáng có mưa rào ở nhiều nơi, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–15 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–21 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–18 độ.
Tại Melbourne, trời nhiều mây, buổi sáng có mưa rào ở nhiều nơi, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–16 độ.
Cẩm Nhung