Chương trình Thời sự thứ Ba, 17/09/2019
Trong cuốn sách mới Inside Out, Demi Moore nói việc sảy thai đứa con với Ashton Kutcher đã khiến cô tìm đến rượu và chất gây nghiện nhiều hơn. Sự việc đau lòng này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của ngôi sao phim Oan hồn. Theo The New York Times, Demi đã "uống rượu nhiều hơn" sau khi sảy thai. Cô thậm chí đã lạm dụng Vicodin trước khi phát hiện ra Ashton phản bội và lừa dối cô. Demi và Ashton ly thân năm 2011 và 2012, cô phải đi cấp cứu do sốc thuốc. Theo thời báo New York, Demi lên cơn co giật sau khi dùng ma túy tổng hợp. Sau sự việc này, cô đã quyết định đi cai nghiện.
Bộ phim của đạo diễn Taika Waititi mang tên "Jojo Rabbit" đã giành chiến thắng tại hạng mục cao nhất - Giải thưởng "People Choice" của liên hoan phim Toronto năm nay. Hai bộ phim giành được vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là "Marrige Story" của nền tảng Netflix và bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc trong năm nay: "Parasite". Trước đó, "Parasite" cũng giành tượng Cành cọ vàng tại LHP Cannes. Bộ phim đang là ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar năm nay. Bên cạnh đó, nữ diễn viên Scarlett Johansson cũng được đánh giá cao khi có tới 2 phim giành giải cao nhất. Năm nay, LHP quốc tế Toronto đã lần đầu tiên hủy bỏ lễ trao giải mà chỉ công bố kết quả trên các phương tiện truyền thông.
Nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc BTS vừa nối lại hoạt động âm nhạc với chuyến lưu diễn nước ngoài sau kỳ nghỉ kéo dài hơn 1 tháng. Công ty chủ quản của BTS ra thông báo cho biết, sáng 16/9, nhóm nhạc nam đình đám BTS đã xuất ngoại, lưu diễn ở nước ngoài. Công ty này không tiết lộ địa điểm lưu diễn cụ thể nhưng cho biết, BTS đang ghi hình trong một chương trình truyền hình thực tế. Theo kế hoạch, điểm đến tiếp theo trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của BTS sẽ diễn ra tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 11/10 tới. Chặng cuối của chuyến lưu diễn được đánh dấu bằng các đêm nhạc tại Hàn Quốc dự kiến diễn ra từ ngày 26 - 29/10.
Nữ diễn viên Hong Kong Lý Gia Hân trở lại làng giải trí bằng vai trò huấn luyện viên một show truyền hình với cát xê 7 triệu USD. Báo chí Hong Kong đưa tin mục tiêu của Hoa hậu Hong Kong 1988 không phải tiền bạc, mà là tìm kiếm những đột phá mới trong sự nghiệp, sau nhiều năm vắng bóng. Đăng quang hoa hậu năm 1988 khi 18 tuổi, Lý Gia Hân được mệnh danh là Hoa hậu đẹp nhất trong lịch sử Hong Kong. Nhiều năm nay, Lý Gia Hân không còn đóng phim, chỉ thi thoảng đi sự kiện.
Biểu tượng thời trang Victoria Beckham giới thiệu dòng mỹ phẩm mới và bộ sưu tập Xuân Hè 2020 cuối tuần qua. Bộ sưu tập mỹ phẩm đầu tiên gồm chì kẻ eyeliner đen không trôi, nhũ mắt nâu đồng và phấn mắt tông đỏ gạch. Dòng mỹ phẩm của Victoria Beckham hướng đến phong trào làm đẹp "sạch", gồm các sản phẩm trang điểm, chăm sóc da, nước hoa với mẫu mã thời thượng, thân thiện với môi trường. Cô cam kết công khai thành phần, không sử dụng các chất có hại trong công nghiệp làm đẹp như paraben hay sulphate, bao bì được làm từ 100% vật liệu tái chế.
Ca sĩ Ric Ocasek được phát hiện chết tại nhà riêng ở thành phố New York chiều 15/9, hưởng thọ 75 tuổi. Theo People, vợ ca sĩ - người mẫu Paulina Porizkova - phát hiện Ric bất tỉnh tại nhà riêng lúc chiều. Cảnh sát và bác sĩ xác nhận Ric đã chết tại hiện trường, nguyên nhân đang được điều tra. Ric Ocasek, sinh năm 1949, là ca sĩ nổi tiếng người Mỹ trong thập niên 1980. Ông được biết đến với vai trò ca sĩ trong nhóm nhạc rock The Cars - hoạt động từ năm 1976 đến 1988 - với nhiều bản hit như You Might Think, My Best Friend's Girl, Shake It Up... Năm 2018, Ric cùng The Cars được tôn vinh tại Sảnh Danh vọng Rock & Roll vì những cống hiến cho làng nhạc rock. Nam ca sĩ từng kết hôn ba lần, có sáu con (hai con với mỗi vợ).
Đúng như dự đoán, “Hustlers” đã chính thức trở thành bộ phim có doanh thu mở màn cao nhất của nữ ca sĩ Jennifer Lopez sau 3 ngày công chiếu. Sau 3 ngày mở màn, doanh thu của Huslers tại thị trường nội địa Mỹ là 33,2 triệu USD. Con số này vượt qua kì vọng ban đầu của ê-kíp khi trước đó, Hustlers chỉ được dự đoán sẽ mang về 25 - 30 triệu USD mà thôi. Như vậy, cùng với 33,2 triệu USD, Hustlers đã chính thức phá kỉ lục của Monster in Law vào năm 2005 với 23,1 triệu USD, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong sự nghiệp điện ảnh của Jennifer Lopez. Đặc biệt, bộ phim cũng phá kỉ lục tương tự với nữ diễn viên triển vọng Constance Wu với bộ phim trước đó Crazy Rich Asians (26,5 triệu USD).
Theo THX, bộ phận báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 16/9 thông báo, cuộc tập trận chung Mỹ-Ukraine mang tên Rapid Trident 2019 đã khai mạc ở vùng Lviv, miền Tây quốc gia Đông Âu này. Cuộc tập trận sẽ diễn ra cho đến ngày 28/9, với sự tham gia của hơn 3.000 quân nhân Ukraine cùng khoảng 500 quân nhân đến từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, trong đó có Mỹ. Tổng cộng 600 phương tiện cơ giới và 4 máy bay trực thăng Mil M-8 sẽ tham gia cuộc tập trận này. Cuộc tập trận Rapid Trident được tổ chức tại Ukraine kể từ năm 2006. Rapid Trident 2015 là cuộc tập trận lớn nhất, với sự tham gia của 18 nước.
Brexit và những cơ hội lớn cho Liên minh châu Âu
Tin nước Úc:
- Melbourne: Lệnh cấm hút thuốc lá sẽ được ban hành tại Trung tâm mua sắm Bourke Street Mall
- Wandana Heights: Trộm liều lĩnh đột nhập, tấn công chủ nhà vào lúc rạng sáng
- Victoria: Số người chết vì nhiễm trùng máu giảm nhờ đẩy mạnh trợ cấp tại các bệnh viện
- Werribee: Đường Werribee Main Road sẽ bị tạm đóng để thi công cải tạo mặt đường
- Victoria: Cảnh sát truy đuổi một chiếc xe hơi bị lấy cắp
- Werribee: HĐTP Wyndham xem xét đề xuất giảm giới hạn tốc độ trên đường Synnot Street
- Melbourne: Sân bay Melbourne triển khai dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật
- Tin Úc: Giá điện giảm trong khi các công ty điện lực lớn chịu sức ép từ chính phủ
- Tin vắn
Tin thế giới:
Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/9 cho biết, Nga đã bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tại quần đảo Novaya Zemlya. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Moscow nỗ lực gia tăng sự hiện diện quân sự tại Bắc cực. Hạm đội Bắc Băng Dương của Nga cho biết: trung đoàn tên lửa hạm đối không thuộc lực lượng phòng không của mình đặt trên đảo Yuzhny phía Nam quần đảo Novaya Zemlya được trang bị toàn bộ bằng hệ thống tên lửa hiện đại S-400. Trung đoàn này trước đó được trang bị hệ thống tên lửa S-300, phiên bản trước của S-400. Nga khẳng định là một quốc gia Bắc Cực, đồng thời tuyên bố khu vực này là ưu tiên hàng đầu do tầm quan trọng chiến lược và sự giàu có về khoảng sản.
Thống đốc bang New York, Mỹ mới đây công bố lệnh cấm buôn bán và sử dụng tất cả các loại thuốc lá điện tử có hương liệu. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh gần 400 người tại Mỹ đã bị mắc bệnh phổi và có nhiều khả năng là do sử dụng thuốc lá điện tử có hương liệu, trong đó 6 người đã tử vong. New York là bang thứ hai ở Mỹ đưa ra lệnh cấm thuốc lá điện tử có hương liệu. Hồi đầu tháng này, chính quyền bang Michigan cũng đã ban hành lệnh cấm tương tự. Từ tháng 11 tới, chính quyền bang này sẽ nâng mức tuổi được phép mua thuốc lá điện tử lên 21 tuổi.
Tổng thống Hàn Quốc hôm 16/9 cho biết, Triều Tiên và Mỹ sẽ sớm khởi động lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên và Seoul sẽ tiếp tục ủng hộ hoàn toàn tiến trình hòa bình này. Tại cuộc họp với các cố vấn cấp cao, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nêu rõ các lãnh đạo ba bên không thay đổi cam kết đối với hòa bình và đó sẽ là một động lực thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông khẳng định, đối thoại cấp chuyên viên giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ sớm nối lại. Tuy nhiên, tổng thống Hàn Quốc không công bố thông tin chi tiết, bao gồm thời gian và địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán này. Tổng thống Moon Jae-in cho biết, Hàn Quốc sẽ tích cực ủng hộ và hỗ trợ đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Đây sẽ là một phần nội dung cuộc thảo luận trong cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra ngày 23/9 bên lề Khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc đang lao đao vì dịch tả heo châu Phi kéo dài với 1/3 số heo dịch bị tiêu hủy. Nguồn cung thịt heo sụt giảm đã đẩy giá thịt heo ở Trung Quốc tăng gấp 1,5 lần trong một năm qua. Nhằm bình ổn thị trường thịt heo, chính quyền ở nhiều địa phương đã yêu cầu sử dụng thịt heo đông lạnh trong kho dự trữ chiến lược. Hiện một số thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu phải sử dụng thịt heo đông lạnh trong kho này để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo nhiều nhà phân tích thị trường, nếu nguồn cung thịt heo trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu, Trung Quốc sẽ phải tính đến việc nhập khẩu thịt heo từ các trang trại ở châu Âu.
Theo THX, bộ phận báo chí của Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 16/9 thông báo, cuộc tập trận chung Mỹ-Ukraine mang tên Rapid Trident 2019 đã khai mạc ở vùng Lviv, miền Tây quốc gia Đông Âu này. Cuộc tập trận sẽ diễn ra cho đến ngày 28/9, với sự tham gia của hơn 3.000 quân nhân Ukraine cùng khoảng 500 quân nhân đến từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, trong đó có Mỹ. Tổng cộng 600 phương tiện cơ giới và 4 máy bay trực thăng Mil M-8 sẽ tham gia cuộc tập trận này. Cuộc tập trận Rapid Trident được tổ chức tại Ukraine kể từ năm 2006. Rapid Trident 2015 là cuộc tập trận lớn nhất, với sự tham gia của 18 nước.
Truyền thông Trung Đông ngày 16/9 dẫn phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, tình hình vùng giảm leo thang tại tỉnh Idlib và việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria là những chủ đề chính mà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh các nước bảo trợ lệnh ngừng bắn ở Syria diễn ra cùng ngày tại thủ đô Ankara. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ba nước đã nhất trí về cách tiếp cận linh hoạt trên phương diện thúc đẩy nỗ lực hòa bình ở Syria thông qua các giải pháp chính trị. Tất cả các vấn đề đang cản trở việc thành lập một ủy ban hiến pháp cho Syria đã được loại bỏ. Cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất cách tiếp cận theo hướng cùng phối hợp với Liên hợp quốc để hoàn thiện thành phần của ủy ban hiến pháp này.
Người phát ngôn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 16/9 cho biết, các nhà đàm phán thương mại cấp phó của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Washington, bắt đầu từ ngày 19/9. Các cuộc đàm phán này sẽ mở đường cho cuộc gặp cấp cao giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin với nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc - Phó Thủ tướng Lưu Hạc - dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, ông Lighthizer không tiết lộ khả năng các cuộc đàm phán sẽ mang lại một thỏa thuận tạm thời với phạm vi giới hạn, như các thông tin mà truyền thông đưa ra trước đó. Dự kiến, hai nước sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 13 vào tháng 10 tới tại thủ đô Washington của Mỹ.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/9 từ chối trả lời liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có mời ông tới Bình Nhưỡng trong bức thư mới đây hay không, song ông Trump cho biết ông chưa sẵn sàng thăm Triều Tiên. Tổng thống Trump đưa ra phát biểu trên với phóng viên tại Nhà Trắng sau khi một tờ báo Hàn Quốc dẫn các nguồn tin ngoại giao cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mời ông Trump tới thăm Bình Nhưỡng trong một bức thư được gửi hồi tháng 8, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ. Trong khi đó, theo Yonhap, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/9 khẳng định, Washington sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng nhắc lại các yêu cầu về việc thay đổi chính sách. Tuy nhiên, người phát ngôn này cho biết, hiện chưa có bất cứ cuộc gặp nào để tuyên bố.
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/9 tuyên bố Moskva sẵn sàng trợ giúp Saudi Arabia sau vụ tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu của quốc gia Trung Đông này nếu cần thiết, đồng thời đề xuất bán vũ khí cho Riyadh. Theo Tổng thống Putin, những vũ khí này của Nga có thể bảo vệ mọi cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia. Trong diễn biến khác liên quan, theo Reuters, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Yemen Martin Griffiths ngày 16/9 cho biết, hiện "chưa hoàn toàn rõ" bên nào đứng sau vụ tấn công hôm 14/9 nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, song ông khẳng định vụ việc đã làm gia tăng khả năng xung đột tại khu vực.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 16/9 thông báo sẽ mời các chuyên gia quốc tế, trong đó có các chuyên gia Liên hợp quốc, tham gia điều tra vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ của nước này. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, vụ tấn công đã gây thiệt hại cho nhà máy chế xuất dầu thô lớn nhất thế giới của Saudi Arabia và khiến sản lượng dầu mỏ của nước này giảm hơn một nửa. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy các vũ khí được sử dụng trong cả 2 cuộc tấn công đều đến từ Iran. Lực lượng Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận tiến hành vụ tấn công, song Ngoại trưởng Mỹ Mik Pompeo cho rằng không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen, nơi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu chống Houthi hơn 4 năm qua. Giới chức Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này, song Tehran đã bác bỏ cáo buộc.
Hãng tin bán chính thức ISNA ngày 16/9 cho biết Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt giữ một tàu ở vùng Vịnh do nghi buôn lậu 250.000 lít dầu diesel đến Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo ISNA, tàu trên bị bắt gần đảo Greater Tunb của Iran ở vịnh Persia. Thủy thủ đoàn đã được bàn giao cho giới chức chính quyền tỉnh Hormozgan, miền Nam Iran. Tuy nhiên, tin trên không tiết lộ quốc tịch của các thành viên thủy thủ đoàn. Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quốc tế gia tăng sau vụ máy bay không người lái tấn công cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới ở Saudi Arabia cuối tuần qua khiến sản lượng dầu toàn cầu ngay lập tức sụt hơn 5%.
Ngày 16/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định có "cơ hội tốt" để London và Liên minh châu Âu (EU) tiến tới một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Luxembourg, ông Johnson nhấn mạnh ông có thể nhìn thấy "hình hài" tốt đẹp của một thỏa thuận Brexit trong tương lai, và tất cả có thể nhìn thấy những việc có thể làm để đạt được điều này. Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh việc hai bên tiến tới thỏa thuận còn tùy thuộc vào động thái từ phía EU và chính sách của khối này đối với Anh sau Brexit. Trước đó, cùng ngày, tại cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Johnson và Chủ tịch EC, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cho kế hoạch Brexit dự kiến diễn ra vào ngày 31/10 tới. Tại cuộc gặp, Anh vẫn không đề xuất được bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào đối với điều khoản "chốt chặn," vốn được coi là trở ngại chính để EU và Anh có thể đạt được thỏa thuận Brexit.
Tin thể thao:
Trận đấu muộn nhất ở vòng 5 Ngoại hạng Anh giữa Aston Villa - West Ham đã diễn ra sôi nổi và đầy kịch tính. Những cơ hội liên tiếp được tạo ra từ cả hai phía tuy nhiên chẳng bên nào có được bàn thắng. Phút 66, hậu vệ Masuaku của West Ham phải nhận thẻ vàng thứ hai đồng nghĩa với một thẻ đỏ. Aston Villa được chơi hơn người và liên tiếp vây hãm khung thành của đối phương nhưng sự xuất sắc của thủ thành Fabianski cùng sự vô duyên của đội chủ nhà đã tạo nên trận hòa không bàn thắng.
De Gea chính thức gia hạn với MU: Thủ thành David De Gea đã chính thức ký hợp đồng mới với MU tới năm 2023. Anh sẽ nhận mức lương khủng 350.000 bảng/tuần và “Quỷ đỏ” có thể gia hạn thêm 1 năm nếu muốn. Động thái này của De Gea đã chấm dứt mọi tin đồn liên quan đến tương lai của anh. Để thuyết phục De Gea gia hạn hợp đồng, MU cũng đã phải hủy bỏ điều khoản giảm lương của anh trong trường hợp họ không có vé dự Champions League mùa sau.
Klopp khen Man City mạnh nhất thế giới: Trong buổi họp báo trước thềm trận đấu với Napoli ở Champions League, HLV Jurgen Klopp tỏ ra khiêm tốn khi tự nhận Liverpool không phải đội bóng mạnh nhất ở châu Âu. Thay vào đó, ông đánh giá cao đội hình hiện tại của Man City hơn. Mùa giải trước, Liverpool của Klopp đã thất bại trong cuộc đua giành chức vô địch Premier League với Man City. Nhưng sau đó, The Kop đã đăng quang vô địch Champions League vào cuối mùa giải.
PSG mất nguyên bộ ba nguyên tử ở đại chiến với Real: Tin cực xấu cho PSG là họ nhiều khả năng mất cả 3 tiền đạo Mbappe, Cavani và Neymar trong trận lượt đi vòng bảng Champions League gặp Real Madrid. Neymar thụ án treo giò 3 trận nên đương nhiên vắng mặt. Mbappe dính chấn thương bắp chân ở trận gặp Toulouse nên khó đạt 100% thể lực dù đã tập trở lại và vì thế nên anh cũng có thể vắng mặt. Cavani cũng mới hồi phục chấn thương hông nên cũng khó đạt thể lực tối ưu và khả năng vắng mặt của anh trong cuộc chiến với Real cũng khá cao. Không hiểu nếu cả 3 chân sút này đều không thi đấu thì PSG sẽ thế nào dù họ đã mượn được Mauro Icardi từ Inter Milan.
Real quyết mua bằng được Kylian Mbappe: Dù PSG luôn khẳng định không bán Kylian Mbappe, Real Madrid tự tin họ có đủ tiền chiêu mộ tiền đạo hàng đầu thế giới của tuyển Pháp. Mbappe luôn được Zinedine Zidane đánh giá cao và coi là một trong những mục tiêu mua sắm ưu tiên của ông cho đội bóng Hoàng Gia. Ngay Hè này Real đã được liên hệ với Mbappe dù họ chưa chính thức mở đàm phán. Theo truyền thông Tây Ban Nha, Real dự kiến sẽ chính thức đàm phán mua Mbappe vào Hè 2020 khi họ đã chuẩn bị sẵn tiền để đáp ứng đòi hỏi của PSG. Chính Mbappe cũng được cho là muốn cập bến Bernabeu vì anh vốn thần tượng Zidane.
Real đón tin dữ về Marcelo: CLB Real Madrid thông báo Marcelo đã bị dính chấn thương cổ trong chiến thắng 3-2 trước Levante cuối tuần qua và sẽ vắng mặt trong trận đấu với PSG tại Champions League sắp tới. Cơn bão chấn thương đang khiến HLV Zinedine Zidane đau đầu. Ngoài Marcelo, ông sẽ không có được sự phục vụ của Brahim Diaz, Luka Jovic và Marco Asensio. Ngoài ra, đội trưởng Sergio Ramos cũng đã phải rời sân sớm trong trận đấu với Levante vì bị đau. Hiện chưa rõ trung vệ này có dính phải chấn thương nghiêm trọng nào hay không.
Messi trở lại trong trận gặp Dortmund: Trang Twitter của Barca thông báo tiền đạo Lionel Messi đã bình phục chấn thương và sẽ trở lại trong trận mở màn Champions League giữa tuần này. Trước đó, ngôi sao người Argentina vẫn chưa ra sân một lần nào cho đội chủ sân Camp Nou ở mùa giải này. Messi đã vượt qua buổi kiểm tra y tế và đã được HLV Valverde điền tên vào danh sách 22 cầu thủ sẽ hành quân tới Đức. Ở trận mở màn, Barca sẽ làm khách của Dortmund trên sân Signa Iduna Park. Sự trở lại kịp thời của Messi sẽ là động lực giúp Barca giành chiến thắng trong trận đấu tới.
Thua thảm Barcelona, nội bộ Valencia bất hòa: Theo báo chí Tây Ban Nha, tổng giám đốc của CLB Valencia - Mateu Alemany đang đàm phán rời CLB. Đây được coi là "giọt nước tràn ly" sau trận thua thảm trước Barcelona hồi cuối tuần vừa qua. Vấn đề nằm ở chỗ Mateu mâu thuẫn sâu sắc với chủ tịch Peter Lim khi ông này nhúng tay quá sâu vào chuyên môn và đỉnh điểm là việc sa thải HLV Marcelino - người mà Mateu mời về.
Chuyên gia Italy bị sa thải vì gọi Lukaku là khỉ ăn chuối. Mới đây, kênh truyền hình TopCalcio24 đã chính thức sa thải chuyên gia Luciano Passirani sau lời lẽ phân biệt chủng tộc nhắm vào Lukaku ngay trên sóng truyền hình. Lời so sánh Lukaku với khỉ là một trong những cách phân biệt chủng tộc rất phổ biến ở Italy và ngay lập tức bình luận trên đã vấp phải sự chỉ trích của người hâm mộ và truyền thông. Trước đó, cầu thủ người Bỉ cũng từng bị phân biệt chủng tộc theo cách tương tự trong trận đấu gặp Cagliari. Trong tình huống chuẩn bị sút penalty, các CĐV của đội bóng này đã liên tục giả tiếng khỉ để trêu chọc anh.
Brexit và những cơ hội lớn cho Liên minh châu Âu
Theo phân tích của báo The Business Times ngày 10/9, cách thức Brussels đối phó với vấn đề Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), sẽ góp phần định hình không chỉ mối quan hệ trong tương lai của EU với Anh, mà còn xác định vị trí rộng lớn hơn của khối này trên thế giới.
Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit vào tháng 6/2016, những tranh cãi trong nội bộ nước Anh về việc quốc gia này rời khỏi EU đã thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất nhưng thường bị bỏ qua là việc cuộc trưng cầu này góp phần thúc đẩy sự thay đổi đáng kể trong bản thân câu lạc bộ đặt trụ sở tại Brussels này. Brexit đã làm tê liệt hàng loạt cuộc thảo luận trên toàn EU vốn đã và đang được ấp ủ trong nhiều năm, một phần vì Anh không can dự. Và những cuộc thảo luận này sẽ trở nên nổi bật hơn khi Anh chính thức chia tay EU vào ngày 31/10, giả sử đó thực sự là kết quả cuối cùng.
Những cuộc thảo luận về chính sách đối nội và đối ngoại then chốt của châu Âu, về tương lai EU tương đối sâu rộng, bao gồm việc liên minh này sẽ được tái cân bằng như thế nào trong nội bộ sau khi một trong những thành viên lớn nhất của khối rời đi; vai trò tương lai của khối đối với bên ngoài trong một châu Âu đa cực với các nước châu Âu khác không thuộc EU; và vị trí của châu Âu trong một thế giới đang thay đổi bên ngoài lục địa này, đặc biệt là đối với các cường quốc toàn cầu như Mỹ.
Quy mô của những thay đổi này làm nổi bật một thực tế rằng Brexit không chỉ xác định tương lai của EU mà còn là một trong một số thách thức lớn và cơ hội tiềm tàng mà câu lạc bộ có trụ sở ở Brussels này phải đương đầu.
Cách thức đối phó của EU - từ những sức ép mà Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Khu vực Schengen (khu vực đi lại tự do ở châu Âu) đang phải đối mặt đến quan hệ với các cường quốc khác trên thế giới - sẽ quyết định tương lai và vị trí của khối này trên thế giới, trong đó có việc định hình mối quan hệ với Anh hậu Brexit.
Trên mặt trận bên ngoài, vô số thách thức đang đè nặng lên Brussels trong bối cảnh mà Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng châu Âu Donald Tusk gọi là thực tế địa chính trị mới của EU. Năm 2017, ông đã chỉ ra những sức ép này bao gồm một nước Nga và Trung Quốc ngày càng quyết đoán; tình trạng bất ổn định ở Trung Đông góp phần dẫn đến những vấn đề về di cư đang tác động mạnh đến lục địa này; và sự không chắc chắn về chính sách của Washington với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ Brexit và kêu gọi sự ra đi hơn nữa của các nước thành viên EU.
Bên cạnh đó, Nga và Mỹ, hai nước không thuộc EU chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình cách thức diễn ra Brexit trong bức tranh đang thay đổi của châu Âu và thế giới đa cực rộng lớn hơn. Chắc chắn các cường quốc khác như Trung Quốc cũng sẽ chi phối, nhưng chủ yếu sẽ là những lựa chọn của Washington và Moskva - can dự, lợi dụng hay phớt lờ - sẽ hình thành nên bối cảnh trong đó Brexit diễn ra. Moskva biết rằng Nga có thể được lợi từ một EU ngày càng rạn nứt, đặc biệt là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy Liên minh Âu-Á. Hơn nữa, ông Putin giờ đây chắc chắn hoan nghênh kịch bản theo đó giai đoạn hậu Brexit kéo dài và EU buộc phải tập trung nhiều hơn vào những thách thức về cải cách nội bộ và có khả năng tập trung ít hơn vào các vấn đề bên ngoài như Ukraine, vấn đề mà Moskva và Brussels đang bất đồng.
Trong khi đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra không mấy thiện cảm đối với khối này là khá lớn, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế, do thặng dư thương mại hàng hóa lớn của châu Âu đối với Mỹ. Sự tương phản không thể rõ nét hơn giữa lập trường của Trump và thái độ của Mỹ khi tiến trình hội nhập châu Âu bắt đầu. Trong bài phát biểu về mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương năm 1962, cố Tổng thống Mỹ John Kennedy đã ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập của châu Âu. Tuy nhiên, các chính quyền Mỹ sau đó, đặc biệt là Chính quyền dưới thời cựu Tổng thống George W Bush, đã dần trở nên nước đôi hơn khi sự hội nhập châu Âu trở nên sâu sắc. Và Tổng thống Trump dường như là con người hoàn toàn khác biệt.
Thực tế địa chính trị mới này đã làm tê liệt EU trong vấn đề cải cách, trong đó có Kế hoạch Hành động Phòng thủ châu Âu. Kế hoạch này chủ trương hợp tác quân sự lớn hơn giữa các nước thành viên và đảo ngược xu hướng cắt giảm ngân sách cho quốc phòng kéo dài khoảng một thập kỷ ở lục địa này.
Một tín hiệu nữa báo hiệu sự thay đổi ở đây là những khẳng định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng EU cần có quân đội của riêng mình để có thể đối phó một cách đáng tin cậy hơn trước những mối đe dọa nhằm đem lại hòa bình cho các nước thành viên hoặc các nước ở khu vực lân cận. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, một lực lượng như vậy vẫn chỉ là khát vọng lâu dài.
Ở bên ngoài, Brexit cũng đang làm thay đổi mối quan hệ của Brussels với các nước châu Âu không thuộc EU, trong đó có Na Uy, Thụy Sỹ, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Lichtenstein và các nước không thuộc EU ở Balkans. Mỗi nước phát triển quan hệ với Brussels nhằm mục đích coi đó là phương tiện để cuối cùng có thể trở thành thành viên EU, hay ít nhất có quan hệ chặt chẽ hơn với EU, nhưng Brexit đã khiến cho những mục tiêu này trở nên không chắc chắn.
Trước một loạt thách thức và cơ hội phức tạp mà khối này đang phải đối mặt, sự thay đổi có ý nghĩa giờ đây đang nằm trong những chương trình dành cho EU. Cách thức phản ứng của Brussels một cách tập thể sẽ giúp định hình không chỉ mối quan hệ tương lai của khối này với Anh, mà còn xác định vị trí rộng lớn hơn của khối trên thế giới vào thời điểm có những biến động địa chính trị lớn từ châu Á-Thái Bình Dương cho đến châu Mỹ.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 17/09/2019 là 1 AUD = 0.685 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 17/09/2019 là 1 AUD = 15,960 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 32 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–24 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–27 độ.
Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ, sóng lớn có thể xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng. Nhiệt độ dao động từ 12–19 độ.
Tại Melbourne, buổi sáng có sương mù và sương giá ở nhiều nơi, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 3–19 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào