Chương trình Thời sự thứ Ba, 17/03/2020

Cẩm Nhung | 17/03/2020 | 896 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Trợ cấp 100 triệu đô la để củng cố hệ thống y tế

- Tin Úc: Nhu cầu đối với công nghệ giáo dục tăng vọt vì học sinh buộc phải học trực tuyến

- Tây Úc: Các trường học sẽ thực hiện các biện pháp mới để phòng ngừa dịch bệnh

- Colac: Triển khai các khóa học nghề TAFE miễn phí trong ngành giáo dục mầm non

- Melbourne: Công bố các nhà ga tốt nhất và tệ nhất trong thành phố

- Collingwood: Một người đàn ông bị khởi tố về tội giết người

- Tin Úc: Trợ cấp bổ sung cho người về hưu và người lãnh trợ cấp phúc lợi

- Tin Úc: Cứ bốn học sinh trung học thì có một em có định kiến với tín đồ đạo Hồi và đạo Hindu

- Tin vắn

Tin thế giới:

Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp khi xuất hiện tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều nước châu Âu ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới. Italy, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai trên thế giới, thêm 3.233 ca nhiễm mới và 349 trường hợp tử vong, nâng số ca nhiễm và người chết trên toàn quốc lên 27.980 và 2.158. Tây Ban Nha, Đức và Pháp xuất hiện thêm hơn 1.000 trường hợp dương tính, đưa số ca nhiễm lên lần lượt là 9.942, 7.272 và 6.633. Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, khi ghi nhận 1.053 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 14.991. Tại Mỹ, số ca nhiễm tăng lên 4.599 sau khi nước này xuất hiện thêm 919 ca nhiễm mới. Mỹ cũng ghi nhận thêm 18 trường hợp tử vong, đưa số ca tử vong lên 86. Thế giới ghi nhận 182,438 ca nhiễm, 7.157 ca tử vong, phần lớn tại các nước châu Âu.

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế và cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng tới đời sống chính trị ở Mỹ. Cuộc tranh luận kéo dài 2 giờ giữa cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders bao trùm hàng loạt chủ đề đối nội, đối ngoại. Nhưng chủ đề về giải pháp ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 tại Mỹ mới là chủ đề nóng nhất. Cựu Phó Tổng thống Biden đề xuất huy động quân đội và tăng thêm gói cứu trợ, tạo dựng vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong cuộc chiến chống dịch. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ưu tiên phát huy vai trò của hệ thống y tế, khuyến nghị thực hiện chương trình bảo hiểm sức khoẻ toàn dân nhằm cung cấp gói điều trị miễn phí cho người dân, đồng thời, ưu tiên hợp tác với các nước để đối phó với dịch bệnh. Sau cuộc tranh luận, hai ứng viên Đảng Dân chủ sẽ bước vào cuộc bầu cử ngày 17/3 trong tiến trình bầu cử. Đây là đợt bầu cử có ý nghĩa quyết định tới việc ai sẽ được chọn đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 năm nay.

Nhiều sân bay tại Mỹ đã trở nên quá tải khi các lệnh hạn chế đi lại của Tổng thống Donald Trump đối với những người trở về từ châu Âu chính thức có hiệu lực hôm 16/3. Hình ảnh ghi lại tại Sân bay Quốc tế O'Hare, Chicago, bang Illinois cho thấy cảnh tượng người xếp hàng ùn ứ, dày đặc, chờ đợi được kiểm tra y tế trong nhiều giờ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết mất khoảng 1 phút để kiểm tra thân nhiệt cho mỗi hành khách. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người không phải công dân Mỹ đi du lịch từ 26 quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen, có hiệu lực từ nửa đêm 13/3 (theo giờ Mỹ) và kéo dài 30 ngày. Lệnh cấm sẽ được mở rộng sang Vương quốc Anh và Bắc Ireland vào ngày 17/3. Riêng công dân Mỹ được phép trở về nước nhưng phải trải qua sàng lọc sức khỏe tại các sân bay.

Giới chức y tế Anh cảnh báo khoảng 15% dân số, tương đương 7,9 triệu người, có thể phải nhập viện do Covid-19 lây lan trong 12 tháng tới. Đây là lần đầu tiên giới chức y tế Anh thừa nhận mức độ nghiêm trọng của Covid-19, cũng như nguy cơ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) bị quá tải. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm 15/3 cho biết những người trên 70 tuổi sẽ được bảo vệ khỏi Covid-19 bằng cách tự cách ly tới 4 tháng và chính phủ sẽ ban hành lệnh trong tuần này để buộc mọi người phải cách ly nếu họ được chẩn đoán nhiễm virus và cũng sẵn sàng cấm các cuộc tụ họp đông người. Anh đã thực hiện các biện pháp đối phó Covid-19 khác so với Italy, Tây Ban Nha và Pháp, những nước đã áp lệnh phong tỏa chặt chẽ để ngăn dịch bệnh lây lan. Quốc gia này đang đặt mục tiêu trì hoãn đỉnh điểm lây nhiễm để ngăn tình trạng các bệnh viện bị "vỡ trận". Hancock cho biết phương pháp của Anh đã được củng cố bằng các bằng chứng khoa học và sẽ được công bố trong những ngày tới.

Ngày 16/3, Tòa án Hiến pháp Nga đã thông qua các đề xuất sửa đổi Hiến pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Quyết định này đã được đăng trên trang chủ của Tòa án Hiến pháp và gửi tới Tổng thống Putin. Trước đó, Tổng Putin đã ký ban hành luật sửa đổi Hiến pháp. Các sửa đổi này đã được hai viện Quốc hội Nga-Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cũng như hội đồng lập pháp của 85 chủ thể Liên bang Nga thông qua. Các sửa đổi này cũng cho phép tổng thống đương nhiệm ra tranh cử lại vào năm 2024. Sau khi được Tòa án Hiến pháp thông qua, Tống thống Putin sẽ yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu toàn quốc về văn bản sửa đổi. Tất cả các công dân Nga trên 18 tuổi sẽ có quyền đi bỏ phiếu. Cuộc bỏ phiếu được lên kế hoạch vào ngày 22/4 tới. Nếu Luật sửa đổi Hiến pháp nhận được hơn 50% số phiếu ủng hộ, sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày kết quả bỏ phiếu được công bố.

Các nghị sỹ của Israel ngày 16/3 đã tuyên thệ tại Quốc hội (Knesset) khóa mới của nước này. Buổi lễ diễn ra trong bối cảnh Israel vừa trải qua cuộc bầu cử thứ 3 trong vòng 1 năm nhưng vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Ngoài ra, Israel còn đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tại buổi lễ, Tổng thống Reuven Rivlin cùng Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu, lãnh đạo đảng Xanh-Trắng Benny Gantz, và Chủ tịch quốc hội Yuli Edelstein, đã kêu gọi lãnh đạo các đảng phái cùng nhau thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt. Nhờ lá phiếu từ ông Liberman trong cuộc tham vấn với Tổng thống Rivlin, ông Gantz đã giành đủ 61 trong tổng số 120 phiếu đề cử, so với 58 phiếu của ông Netanyahu. Động thái này được xem là một tác động lớn đối với Thủ tướng Netanyahu, người hiện phải đối mặt với 3 tội danh tham nhũng, gian lận và lạm dụng lòng tin.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/3 đã nhắc lại cam kết nỗ lực vì một thỏa thuận “công bằng và hợp lý” về chia sẻ chi phí quân sự với Hàn Quốc trong bối cảnh hai bên đã ấn định thời điểm tiếp tục thực hiện các cuộc đàm phán trong tuần này. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, “liên minh Mỹ-Hàn hết sức vững chắc và có vai trò sống còn đối với nỗ lực bảo vệ hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.” Theo kế hoạch, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiến hành vòng đàm phán mới về chia sẻ chi phí quân sự tại Los Angeles (Mỹ) trong 2 ngày 17-18/3, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ đội ngũ nhân viên người Hàn Quốc làm việc trong Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) phải nghỉ việc. Vòng đàm phán song phương mới nhất diễn ra tại Washington hồi tháng 1 vừa qua không thể hóa giải những khác biệt trong một số điểm then chốt.

Wall Street vừa có thêm 'ngày thứ hai đen tối' khi giảm hơn 12%, bất chấp hàng loạt biện pháp của giới chức nhằm kiềm chế tác động của Covid-19. Chốt phiên 16/3, chỉ số DJIA mất gần 3.000 điểm, tương đương 12,93%. S&P 500 mất gần 12% và Nasdaq Composite giảm 12,32%. Vốn hóa các công ty trong S&P 500 bốc hơi 2.690 tỷ USD chỉ trong một ngày. Chỉ số này đã giảm gần 30% so với đỉnh hôm 19/2. Cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất trong 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, với 16,5%. Đây cũng là mức giảm lớn nhất của nhóm này kể từ năm 2009. S&P 500 hiện về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Đây cũng là ngày giảm mạnh thứ ba trong lịch sử của chỉ số này, chỉ sau Ngày thứ hai đen tối năm 1987 và vụ sụp đổ thị trường tháng 10/1929. Nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về sự lây lan của đại dịch và nguy cơ nó làm tê liệt kinh tế toàn cầu, bóp nghẹt doanh thu các công ty. Họ ngờ vực khả năng giới chức có chính sách hiệu quả để xoa dịu thiệt hại kinh tế, bất chấp việc Fed hôm 15/3 hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 trong tháng.

Ngày 16/3, giá dầu Brent đã giảm hơn 9% xuống mức thấp nhất trong 9 năm, do những lo ngại về nguy cơ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động mạnh đến nhu cầu trên thị trường. Cụ thể, giá dầu thô Brent Biển Bắc dự kiến giao tháng Năm đã giảm mạnh xuống còn 30,56 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Nguyên nhân một phần là do thị trường chịu tác động trước sự cạnh tranh giữa Saudi Arabia và Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai và thứ ba thế giới. Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI của New York, Mỹ cũng giảm 5,64% xuống còn 29,59 USD/thùng. Diễn biến giá dầu đã khiến thị trường chứng khoán của các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ chìm trong sắc đỏ. Chứng khoán của các nước vùng Vịnh đã giảm mạnh bất chấp những nỗ lực kích thích nền kinh tế của các chính phủ. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cũng vừa cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm từ khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trước đây, xuống còn 97.500 thùng/ngày hiện nay. Sản lượng dầu thô của Libya sụt giảm mạnh đúng vào thời điểm giá dầu đang lao đốc và nhu cầu ngày càng giảm trên thị trường thế giới, do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện đang lan nhanh trên toàn cầu.

Vụ phóng 60 vệ tinh phủ sóng Internet mới nhất của SpaceX đã không thể diễn ra như kế hoạch do sự cố động cơ tên lửa đẩy Falcon 9. Theo lịch trình, tên lửa sẽ cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida, Mỹ vào lúc 9h22 sáng 15/3 theo giờ địa phương, đưa lô vệ tinh Starlink thứ 6 vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Tuy nhiên, ngay trước giờ khai hỏa, trong lúc đếm ngược, hệ thống máy tính trên Falcon 9 đã phát hiện sự cố ở một trong chín động cơ Merlin 1D và tự động hủy vụ phóng. "Nút hủy tự động đã được kích hoạt do phát hiện sự cố trong quá trình kiểm tra công suất động cơ. Ngày phóng tiếp theo sẽ được thông báo khi có xác nhận", SpaceX viết trên Twitter. SpaceX đang xây dựng "chòm sao Starlink" - một mạng lưới vệ tinh phủ sóng Internet băng thông rộng trên phạm vi toàn cầu. Công ty đã phóng thành công 5 lô vệ tinh trước đó, đưa tổng cộng 302 thiết bị lên quỹ đạo nhưng chỉ có 297 chiếc đi vào hoạt động.

Tin thể thao:

HLV 21 tuổi qua đời vì Covid-19: Truyền thông quốc tế đưa tin HLV người Tây Ban Nha, Francisco Garcia đã qua đời ở tuổi 21 sau khi nhiễm virus Covid-19. Anh hiện đang là HLV đội trẻ của CLB Atletico Portada Alta tại thành phố Malaga. Garcia nhập viện vào tuần trước và được xét nghiệm dương tính với Covid-19. Khi đến bệnh viện, người ta phát hiện Garcia mắc một dạng bệnh bạch cầu khiến anh dễ bị nhiễm dạng virus đang càn quét thế giới hiện nay. Thống kê cho thấy Garcia là bệnh nhân trẻ nhất qua đời do Covid-19. Trong tuần qua, tờ AS đã gọi giải La Liga ở Tây Ban Nha là “ổ dịch” khi có tới 1/3 thành viên trong đội Valencia dương tính với virus này.

Barca sẵn sàng chia tay Dembele: Mùa giải này đã kết thúc sớm với Ousmane Dembele. Cầu thủ người Pháp dính chấn thương gân khoeo và phải nghỉ thi đấu trong 6 tháng. Điều đó giúp cho Barca được phép bổ sung một cầu thủ quốc nội thay thế và họ đã đưa về Martin Braithwaite. Kể từ khi tới sân Camp Nou từ Dortmund vào năm 2017, Dembele chỉ ra sân 1/3 tổng số trận của Barca và đây là điều mà ban quản trị CLB hết kiên nhẫn với Dembele và sẵn sàng bán anh trong mùa Hè tới.

Khán giả Anh vẫn đi xem đá bóng: Theo tờ Standard Evening, các trận đấu thuộc hệ thống giải nghiệp dư của Anh đã tăng lượng khán giả gần gấp đôi so với bình thường. Nguyên nhân là bởi hệ thống giải chuyên nghiệp bị hoãn tới ngày 3/4 do ảnh hưởng virus Corona nên khán giả đổ xô đi xem các giải nghiệp dư. Điều này cho thấy người dân Anh vẫn rất "máu" xem bóng đá giữa mùa đại dịch.

Bruno Fernandes hay nhất Ngoại hạng Anh tháng 2: Sau những màn trình diễn chói sáng trong màu áo MU, Bruno Fernandes đã được Premier League bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất tháng 2. Tiền vệ Bruno Fernandes chỉ mới gia nhập MU với giá 68 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông nhưng đã ngay lập tức tạo được ảnh hưởng. Ngôi sao người BĐN đã thể hiện phong độ xuất sắc, đóng góp 1 bàn thắng, 2 kiến tạo giúp "Quỷ đỏ" giành 2 chiến thắng và 1 trận hòa.

La Liga bỏ phiếu bãi bỏ “luật Braithwaite”. Tờ Marca tiết lộ, LĐBĐ Tây Ban Nha và các CLB sẽ họp để bỏ phiếu có hay không việc tiếp tục thực hiện luật “cho phép đội bóng ký hợp đồng với cầu thủ mới khi có trường hợp chấn thương dài hạn dù thị trường chuyển nhượng đã đóng cửa”. Điều này xuất phát từ những tai tiếng trong vụ Barcelona ký hợp đồng với Martin Braithwaite từ Leganes hồi tháng 2 vừa qua. Điều đáng nói, đội bóng chủ quản sau khi mất Braithwaite lại không được phép ký bổ sung. Ngoài ra, LĐBĐ Tây Ban Nha dự kiến cũng bỏ phiếu về việc bãi bỏ hạn chế tuổi trọng tài.

Thủ môn số 1 ra “yêu sách” với Barca. Sport tiết lộ, Barcelona đang gặp khó khăn trong việc gia hạn hợp đồng với Marc-Andre ter Stegen khi thủ môn người Đức muốn hưởng mức lương cao thứ nhì tại sân Nou Camp, chỉ sau siêu sao đội trưởng Lionel Messi. Cũng theo nguồn tin này, Chelsea đang nhắm tới người gác đền 27 tuổi. Dù vậy, phía Blaugrana cũng tự tin sẽ giữ chân thành công tuyển thủ Đức bằng giao kèo mới có thời hạn đến năm 2024 (hợp đồng hiện tại còn thời hạn đến hè 2022).

Chủ tịch La Liga tin nên hủy bỏ mùa giải này: Do sự bùng phát của virus Covid-19, giải La Liga hiện đang bị hoãn ít nhất cho tới ngày 3/4. Và mới đây, chủ tịch La Liga, ông Javier Tebas, cho rằng giải VĐQG Tây Ban Nha nên kết thúc sớm để bảo đảm sự an toàn cho người hâm mộ. Ông Tebas cũng nhấn mạnh vấn đề tài chính sẽ không ảnh hưởng gì tới quyết định này và phán quyết cuối cùng có thể được đưa ra trong vài ngày tới. La Liga mùa này mới chỉ diễn ra đến vòng 27, tức là còn hẳn 11 vòng đấu nữa. Barca đang là đội dẫn đầu với khoảng cách 2 điểm so với Real Madrid.

Chelsea vượt mặt Arsenal: Cả hai đội bóng thành London vô tình có được một mục tiêu chuyển nhượng chung là Leon Bailey của Leverkusen, nhưng Arsenal là đội bóng quan tâm đầu tiên. Tuy vậy, sau khi chứng kiến màn trình diễn tuyệt vời của Leon Bailey trước Rangers, Chelsea đã sẵn sàng để thực hiện một động thái cho cầu thủ chạy cánh 22 tuổi người Jamaica. Theo Express, khi Arsenal còn chưa có hành động cụ thể thì Chelsea đã gửi một tuyển trạch viên để theo dõi anh trong trận đấu với Rangers tại Europa League tuần trước và họ còn ấn tượng hơn nữa trước những gì được chứng kiến.

MU tranh sao Ajax với Real: Nhiều nguồn tin ở Tây Ban Nha tiết lộ, Van De Beek đã đạt được thỏa thuận cá nhân với Real Madrid trước khi thương vụ chuyển nhượng hoàn tất hè 2020. Anh là một trong những ngôi sao còn sót lại của Ajax khi thi đấu thăng hoa, cùng đội bóng Hà Lan lọt đến bán kết Champions League mùa trước. Nguồn tin từ Marca cho hay, GĐĐH MU - Ed Woodward đã dạm ngõ Ajax về trường hợp chuyển nhượng Van De Beek. Biết được điều này đội bóng Hoàng gia vô cùng lo lắng. Tiền bạc không phải vấn đề lớn với MU, nên họ sẵn sàng dốc két chi 50 triệu bảng để nhận được cái gật đầu từ phía CLB Hà Lan.

Nguy cơ bùng phát diện rộng và viễn cảnh kết thúc dịch Covid-19

Covid-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu "càn quét" qua mọi châu lục, trừ châu Nam Cực khi khiến hơn 180.000 người nhiễm bệnh và ít nhất hơn 7.100 người tử vong (cho tới ngày 17/3).

Việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 là một đại dịch có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu nhưng động thái này cũng có ý nghĩa quan trọng qua việc huy động được mọi nguồn lực để kiềm chế sự lây lan nhanh của dịch bệnh. WHO khẳng định đây là đại dịch đầu tiên do virus corona chủng mới gây nên nhưng cũng nhấn mạnh đại dịch này "có thể kiểm soát được".

Có thể việc tăng nhanh các ca nhiễm như chúng ta thấy ở nhiều quốc gia hiện nay là do dịch bệnh đã đạt đỉnh tại các nước đó. Hoặc cũng có thể số ca nhiễm tăng cao là kết quả từ việc nhiều quốc gia đã có những tiến triển trong việc xét nghiệm và nhanh chóng phát hiện thêm được các trường hợp nhiễm mới. Trong cả hai trường hợp, việc chủ động về nguồn lực luôn là yếu tố quan trọng.

Các trường hợp mắc Covid-19 cũng có thể đã bị bỏ qua trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát do các triệu chứng tương tự như cúm và thời kỳ đầu dịch Covid-19 trùng với thời điểm cúm mùa ở bán cầu bắc.

3 nguy cơ khiến dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô lớn

Nguy cơ thứ nhất có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô lớn nằm ở những người mắc bệnh được gọi là "bệnh nhân siêu lây lan". Trung bình nếu một ai đó bị nhiễm Covid-19, người này sẽ lây nhiễm cho 2 - 3 người khác. Sau đó, sẽ có những người mang mầm bệnh không lây nhiễm virus này cho bất cứ ai và cũng có những người, được gọi là các trường hợp "siêu lây lan", có thể khiến virus này lây nhiễm nhanh chóng tới nhiều người, cao hơn tỷ lệ trung bình trên.

Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm chuyên gia Mount Elizabeth Novena nhận định một bệnh nhân nếu truyền nhiễm cho ít nhất 5 - 10 người khác sẽ được coi là một trường hợp "siêu lây lan". Ngoài ra, còn có những "sự kiện siêu lây lan", chẳng hạn như trường hợp của du thuyền Diamond Princess khi bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản 14 ngày với 696 người nhiễm bệnh trong tổng số 3.711 người trên tàu.

Thứ hai, việc tập trung đông người cùng nhau, cũng có nguy cơ gây ra những đợt bùng phát dịch bệnh lớn nếu có một ai đó trong những người này mắc bệnh. Sự bùng phát dịch Covid-19 nhanh chóng và rộng khắp ở Hàn Quốc giữa các thành viên trong giáo phái Tân Thiên Địa là một ví dụ khi những người này chiếm hơn một nửa trong số hơn 7.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này.

Trường hợp thứ ba có thể dẫn đến dịch bệnh bùng phát trên diện rộng là ở những cộng đồng có số lượng lớn những người nghi nhiễm virus. Minh chứng trường hợp này là khi dịch Covid-19 bùng phát tại viện dưỡng lão Life Care Center ở Seattle, Washington - 1 trong những tâm chấn dịch Covid-19 tại Mỹ sau khi chứng kiến ít nhất 5 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington tuần trước đã kết luận rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan nhiều tuần ở Mỹ, sau khi so sánh các mẫu gen của 1 trường hợp gần đây từ viện dưỡng lão trên.

Dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào?

Dù dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan trên toàn cầu nhưng đến một thời điểm nào đó, dịch bệnh này sẽ kết thúc mặc dù các nhà virus học và các nhà dịch tễ học không biết chính xác việc này sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên theo các chuyên gia, dưới đây là một số cách dịch Covid-19 sẽ kết thúc:

Ngăn chặn thành công

Các biện pháp ngăn chặn hợp lý có thể chấm dứt dịch Covid-19, Tiến sĩ William Schaffner - giám đốc y khoa thuộc Quỹ Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cho biết. Chuyên gia này đã dẫn việc dịch SARS đầu những năm 2000 là một ví dụ. "Dịch SARS đã được kiểm soát qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà chức trách y tế công cộng và những chuyên gia lâm sàng - những người có thể chẩn đoán các trường hợp, cách ly các bệnh nhân nhiễm bệnh, theo dõi liên lạc của họ và thực hiện các chính sách kiểm soát sự lây nhiễm một cách mạnh mẽ", ông Schaffner cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News.

Những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh ở Trung Quốc dường như đang hiệu quả, ít nhất là theo các số liệu chính thức mà nước này công bố. Số ca nhiễm ở Trung Quốc giảm mạnh khi ngày 12/3, lần đầu tiên nước này ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong trong ngày chỉ có 1 chữ số, thấp hơn nhiều so với con số khoảng vài nghìn ca nhiễm/ngày cách đó một vài tuần.

Tỉnh Hồ Bắc với thủ phủ là thành phố Vũ Hán - tâm chấn dịch Covid-19, bị phong tỏa đã ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 60 triệu người dân. Những nơi khác trên khắp quốc gia này cũng thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ các biện pháp cách ly và hạn chế đi lại. WHO đã khen ngợi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Trung Quốc trong khi nhiều nước châu Âu hiện nay cũng đang nỗ lực tiến hành các biện pháp cách ly, phong tỏa một số khu vực, đóng cửa trường học, hạn chế tụ tập nơi đông người... với hy vọng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Thời tiết ấm lên

Một khả năng nữa được đưa ra là virus corona chủng mới sẽ yếu dần khi thời tiết ấm lên nhưng hiện nay vẫn chưa rõ liệu thời điểm mùa xuân và mùa hè có khiến dịch Covid-19 chấm dứt hay không. Hiện nay, các quốc gia có tỷ lệ truyền nhiễm cao đều là những nước có nhiệt độ từ 10 - 15 độ C hoặc thấp hơn như Hàn Quốc, Italy, và các nước châu Âu khác, cũng như khu vực đông bắc và tây bắc nước Mỹ. Trong khi nhiều nước nhiệt đới vẫn có một số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất định thì cho tới nay, các nước này không có sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng, có lẽ do thời tiết nóng ẩm giúp ngăn cản sự lây lan nhanh chóng của chủng virus này.

"Nếu virus SARS-CoV-2 giống như các virus hô hấp khác, chẳng hạn như cúm, thì nó sẽ yếu đi khi thời tiết ấm lên", chuyên gia Schaffner nhận định. Nhưng hiện vẫn còn quá sớm để chắc chắn về khả năng này. Các nhà khoa học vẫn đang làm nghiên cứu để hiểu hơn về virus SARS-CoV-2.

Nếu virus SARS-CoV-2 không nhạy cảm với nhiệt độ, sự lây lan của dịch bệnh sẽ tiếp diễn trên toàn thế giới trong nhiều tháng, ít nhất là cho đến khi có sự miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng (còn được gọi là miễn dịch bầy đàn, miễn dịch dân số, hay miễn dịch xã hội) là một hình thức bảo vệ gián tiếp nhằm chống lại một căn bệnh truyền nhiễm nào đó khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với virus gây bệnh, và từ đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch.

Các nhà khoa học đang tính toán tỷ lệ dân số nhiễm bệnh sẽ là bao nhiêu trong trường hợp của dịch Covid-19. Với đại dịch H1N1 năm 2009, chúng ta biết rằng tỷ lệ này là khoảng 1/4 dân số sau đợt nhiễm bệnh đầu tiên. Chúng ta cũng biết rằng dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn cúm thông thường, vì thế, hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt của những quốc gia thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình sẽ bị tác động đáng kể nếu một lượng lớn dân số như vậy nhiễm bệnh.

"Chúng tôi hy vọng thời điểm mùa xuân sẽ khiến virus này yếu đi nhưng những suy đoán này vẫn chưa rõ ràng. Virus corona chủng mới là một virus hô hấp và chúng tôi biết rằng các loại virus hô hấp thường xuất hiện theo mùa nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Chẳng hạn virus cúm thường xuất hiện theo mùa ở Mỹ nhưng tại một số khu vực trên thế giới, nó xuất hiện quanh năm. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu biết rõ nguyên nhân tại sao mặc dù chúng tôi đã nghiên cứu về cúm trong nhiều năm. Virus corona chủng mới chỉ vừa được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái. Còn quá sớm để biết chắc tác động của thời tiết ấm hơn đến dịch bệnh này sẽ là gì".

Vaccine

Một điều quan trọng cần lưu ý là dù các biện pháp điều trị chống virus hoặc vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch này nhưng việc tìm ra một loại vaccine sẽ cần ít nhất tới 18 tháng, WHO cho biết hồi tháng trước. Việc phát triển vaccine sẽ cần nhiều nghiên cứu, cũng như thời gian và trong quá trình đó, chúng ta không thể không phòng bị gì trước sự tấn công của chủng virus này.

Dù vậy, mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Queensland (Australia) vừa tìm ra loại vaccine có khả năng đối phó với Covid-19 và dự kiến, vaccine này sẽ được đưa vào thử nghiệm trên người vào giữa năm nay, trong khi việc sản xuất với số lượng lớn có thể diễn ra vào cuối năm 2020.

SARS-CoV-2 trở thành virus theo mùa

Mặc dù dịch Covid-19 sẽ kết thúc nhưng virus SARS-CoV-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, nó có thể thành một dịch bệnh giống như cảm lạnh thông thường.

"Nó có lẽ sẽ trở thành một phần trong các loại bệnh cúm mùa và cảm lạnh hàng năm", chuyên gia Schaffner nhận định. Dù vậy, với viễn cảnh này, có thể virus SARS-CoV-2 sẽ có ít tác động hơn so với hiện tại bởi sẽ có nhiều người miễn dịch trước chủng virus này hơn, trang Live Science cho biết.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 17/03/2020 là 1 AUD = 0.612 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 17/03/2020 là 1 AUD = 14,253 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời quang đãng, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 23 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22–33 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–27 độ.

Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–26 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–29 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này