Chương trình Thời sự thứ Ba, 15/10/2019

Cẩm Nhung | 15/10/2019 | 609 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Đề xuất tăng độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em từ mười lên 14

- Victoria: Sẽ có thêm 30 trẻ em được sử dụng cần sa y tế để điều trị động kinh không kiểm soát

- Melbourne: Cửa hàng lớn nhất nước Úc lấy cảm hứng từ truyện Harry Potter sắp khai trương

- Victoria: Tổng số người sử dụng đường bộ thiệt mạng trong năm 2019 đã tăng lên 218 người

- Dandenong South: Các trạm sạc xe điện được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích về giá thành và môi trường

- Williams Landing: Phát hiện cần sa được trồng lén lút trong một căn nhà bị hỏa hoạn

- Tỷ lệ bán đấu giá nhà thành công ở hầu hết các thành phố lớn tăng đáng kể

- Victoria: Doanh thu từ thuế GST giảm nhưng nguồn thu từ thuế stamp duty đang ổn định hơn

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 14/10, Tại cung điện Westminster, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã đọc lời khai mạc kỳ Quốc hội mới 2019 - 2020. Tại Anh, chính phủ hoạt động với tư cách người thay mặt Nữ hoàng điều hành đất nước. Hoàng gia luôn giữ vai trò trung lập về chính trị nên bài phát biểu lần này của Nữ hoàng xoay quanh những đường hướng kế hoạch chính phủ Anh đề ra. Không có nhiều chi tiết mới về Brexit, bài phát biểu đề cập sâu hơn về các trọng tâm khác của chính phủ Anh như kế hoạch về an ninh, phát triển kinh tế, môi trường, y tế. Tuần này, dự kiến sẽ có kết quả tại Brussels về số phận bản thỏa thuận Brexit mà ông Boris Johnson xây dựng. Nếu mọi thứ khả quan, Quốc hội Anh sẽ họp bất thường vào thứ 7 tuần này để thảo luận việc thông qua hay không.

Trong tuần này, quân đội Nga sẽ triển khai cuộc diễn tập các lực lượng hạt nhân chiến lược trên quy mô lớn. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/10 cho hay, cuộc diễn tập kéo dài trong 3 ngày sẽ bắt đầu từ hôm 15/10 với sự tham gia của 12.000 binh sĩ, 213 bệ phóng tên lửa, 105 máy bay, 15 tàu chiến mặt nước và 5 tàu ngầm. Cuộc tập trận sẽ tập trung vào khoa mục thực hành phóng tên lửa. Những năm gần đây, Nga đã mở rộng quy mô của các cuộc diễn tập quân sự trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với phương Tây.

Sắc lệnh trừng phạt các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, tăng thuế với mặt hàng thép của nước này lên tới 50% và "lập tức" ngừng đàm phán thương mại với Ankara sẽ sớm được đưa ra. Đây là tuyên bố do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vào ngày 14/10. Viết trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Sắc lệnh này sẽ cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ bổ sung đối với những người có thể liên quan tới những vụ lạm dụng nhân quyền, cản trở một lệnh ngừng bắn, ngăn cản người phải rời bỏ nhà cửa trở về nhà, ép người tị nạn phải hồi hương, hay đe dọa tới an ninh, hòa bình và ổn định tại Syria". Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút lại chiến dịch quân sự nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria "cho dù bất cứ ai nói gì". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh chiến dịch quân sự của nước này tại Đông Bắc Syria đang đối mặt với sự phản đối của nhiều nước, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Ngày 14/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo sẵn sàng đàm phán trao đổi tù nhân với Mỹ nếu chính quyền Washington cũng sẵn sàng thực hiện điều tương tự. Kênh Press TV dẫn lời nhà lãnh đạo Iran cho biết, hai nước đã bắt đầu đàm phán về vấn đề trao đổi tù nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra một số điều kiện sơ bộ mà Tehran hiện chưa thể chấp nhận. Những tù nhân người Mỹ mà Iran đang giam giữ do đã xâm phạm an ninh quốc gia, trong khi các tù nhân Iran bị Mỹ bắt giữ vì vi phạm lệnh trừng phạt mà Washington nhằm vào Tehran, vốn bị chính quyền Iran coi là bất hợp pháp. Theo một số nguồn tin, ít nhất 6 công dân Mỹ đang bị giam giữ tại Iran, trong khi số tù nhân Iran tại Mỹ lên tới vài chục người. Kể từ năm 2018, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nhiều lần tìm cách đàm phán trao đổi tù nhân với Mỹ song đều thất bại khi hai bên không thể đáp ứng được các điều kiện của nhau.

Vòng áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được triển khai nếu vào thời điểm đó Mỹ không đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Đây là thông tin do Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Steven Mnuchin cho biết vào ngày 14/10, nhưng ông Mnuchin nhấn mạnh kỳ vọng của mình về sự thành công của thỏa thuận. Bộ trưởng Mnuchin cho biết thêm, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành những cuộc điện đàm trong tuần này và tuần tới để nỗ lực hoàn thiện "giai đoạn 1" của thỏa thuận thương mại được công bố hồi tuần trước. Theo Bộ trưởng Mnuchin, các quan chức cấp phó sẽ tổ chức những cuộc thảo luận qua điện thoại vào tuần này, trong khi ông và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ tiến hành một cuộc điện đàm với Đặc phái viên thương mại Trung Quốc Lưu Hạc vào tuần tới.

Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã kết án 9 cựu quan chức vùng Catalonia vì liên quan tới phong trào đòi ly khai hồi năm 2017. Các cựu quan chức này chịu mức án từ 9 đến 13 năm tù giam. Riêng Cựu Phó Thủ hiến vùng Catalonia chịu mức án cao nhất 13 năm tù giam vì tội nổi loạn và lạm dụng công quỹ. Ngoài 9 cựu quan chức trên, 3 nhân vật khác cũng bị buộc tội và phải nộp phạt tuy nhiên không phải ngồi tù. Hồi tháng 10/2017, các cựu quan chức trên đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trái phép nhằm đòi độc lập cho vùng Catalonia, bất chấp lệnh cấm từ tòa án. Cuộc trưng cầu này bị chính quyền Trung ương Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp và vi hiến.

Ngày 14/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức cho phép Mỹ áp thuế đối với lượng hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD. Tại cuộc họp đặc biệt diễn ra cùng ngày tại Geneva, Thụy Sĩ, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB), gồm đại diện của 164 quốc gia thành viên, đã ra quyết định cuối cùng, theo đó chấp thuận cho Washington thực hiện các biện pháp đáp trả EU và các quốc gia sản xuất máy bay Airbus gồm Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Với sự nhất trí của các thành viên của DBS, các biện pháp thuế của Mỹ nhằm vào loạt hàng hóa tiêu dùng của châu Âu, trong đó có rượu vang Pháp, có thể sẽ có hiệu lực vào ngày 18/10 tới. Giới chức EU cho biết họ đang cố gắng đối thoại với Mỹ nhằm tránh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai bên, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn cầu.

Việc Mỹ từ chối gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới. Đây là lời cảnh báo được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 13/10, trong cuộc trả lời phỏng vấn với các hãng thông tấn báo chí. Ông Putin khẳng định START mà hai nước ký vào năm 2010 là hiệp ước duy nhất giúp Mỹ và Nga tránh rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện. Hiệp ước này đóng vai trò cắt giảm và hạn chế toàn bộ vũ khí tấn công chiến lược, bao gồm các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa trên đất liền, trên biển và trên không. Ông Putin cũng lưu ý rằng văn kiện này sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và để đảm bảo hiệp ước này được gia hạn, hai bên cần thảo luận từ ngay bây giờ. Hiện phía Nga đã gửi chính quyền Mỹ các đề xuất của mình, nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Đã gần 1,5 tháng trôi qua kể từ khi những vết dầu đen xuất hiện một cách bí ẩn, làm ô nhiễm hơn 130 bãi biển của Brazil và giết chết nhiều sinh vật biển. Tamar, một tổ chức bảo vệ rùa biển cho biết, sự cố tràn dầu này là thảm họa môi trường tồi tệ nhất mà họ chứng kiến kể từ khi thành lập vào năm 1980. Váng dầu đã được phát hiện ở khắp 9 bang, kéo dài hơn 1.500km bờ biển phía Đông Bắc Brazil, khu vực nổi tiếng với các bãi biển đẹp và ngành du lịch phát triển. Mọi chuyện vẫn đang hết sức khó khăn. Điều đáng nói là trong suốt gần 1,5 tháng qua, nhà chức trách Brazil vẫn chưa thể xác định được nguồn gốc số dầu, chỉ biết chúng không tới từ nước này. Nhiều ý kiến tin rằng, số dầu trên có lẽ tràn ra trong quá trình vận chuyển ở ngoài khơi Brazil. Hiện nhà chức trách Brazil vẫn đang nỗ lực điều tra và thực hiện công tác dọn dẹp dầu tràn ở các khu vực bị ảnh hưởng dù còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, nước này sẽ thành lập một đội chống truyền bá tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội với sự tham gia của 17 chuyên gia. Ngoài ra, Chính phủ New Zealand sẽ tăng các khoản chi cho việc nâng cao năng lực tìm kiếm, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung kích động khủng bố và bạo lực cực đoan trực tuyến. Ngân sách cho chiến dịch này trong 4 năm tới lên đến 17 triệu NZD (khoảng 10,7 triệu USD). Chính phủ New Zealand đang tập trung khắc phục những lổ hổng an ninh nội địa, đặc biệt từ sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà thờ Christchurch vào ngày 15/3/2019. Các nỗ lực ngăn chặn sự truyền bá tư tưởng cực đoan trên không gian mạng của Chính phủ nước này đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu, người dân New Zealand và các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Ngày 14/10, Giải Nobel Kinh tế năm 2019 được trao cho ba nhà kinh tế Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer để vinh danh nghiên cứu nhằm giảm đói nghèo. Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết ba nhà kinh tế được vinh danh với công trình nghiên cứu - khai phá các phương thức và cách tiếp cận cho các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới nhằm giảm thiểu đói nghèo. Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel 2019. Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Nobel Vật lý, Nobel Y học, Nobel Văn học và Nobel Hòa bình 2019 đã được công bố.

Tin thể thao:

Vừa qua, ĐT Anh đã có màn hủy diệt Bulgaria với tỷ số 6-0 ngay trên sân khách ở vòng loại EURO 2020. Dù bị các CĐV đội chủ nhà phân biệt chủng tộc nhưng “Tam sư” vẫn giữ được tâm lý mạnh mẽ và chơi trên cơ hoàn toàn so với đối thủ. Tiền đạo Marcus Rashford là người mở tỷ số trận đấu ở ngay phút thứ 8. Sau đó, lần lượt Ross Barkley và Raheem Sterling lập cú đúp rồi đến Harry Kane ấn định chiến thắng vang dội cho ĐT Anh. Kết quả trên giúp Anh duy trì ngôi đầu bảng với 15 điểm sau 6 trận đấu, hơn đội thứ hai CH Czech3 điểm và hơn Kosovo, đội cũng có chiến thắng 2-0 trước Montenegro ở trận đấu cùng giờ 4 điểm. Với kết quả này, ĐT Anh chỉ cần giành thêm 1 chiến thắng ở 2 vòng còn lại là sẽ giành vé dự EURO 2020.

Argentina xác định ngày Messi tái xuất: HLV Lionel Scaloni mới đây xác nhận, thủ quân Lionel Messi sẽ trở lại phục vụ ĐT Argentina vào tháng 11 tới sau khi kết thúc án treo giò. Messi bị LĐBĐ Nam Mỹ (CONMEBOL) treo giò 3 tháng vì phát ngôn chỉ trích cơ quan này sau trận thua của Argentina trước Brazil ở Copa America 2019. Với án treo giò này, Messi đã không thể tham dự 4 trận giao hữu của Argentina kể từ sau khi Copa America 2019 khép lại. Trong 4 trận đấu đó, Argentina của HLV Scaloni gây ấn tượng với dàn cầu thủ trẻ, lối chơi đồng đội. Họ thắng Nicaragua 5-1, thắng Mexico 4-0 và gần nhất là trận thắng Ecuador 6-1 với 6 bàn thắng được ghi bởi 6 cầu thủ khác nhau.

Leeds có cơ hội "hóa rồng" như PSG, Man City. Leeds United từng là một tượng đài của bóng đá Anh. Tuy nhiên, chính sách tài chính sai lầm khiến CLB này suýt phá sản và phải xuống hạng vào năm 2004. Kể từ đó đến nay, Leeds vẫn chưa thể trở lại Premier League vì bất ổn tài chính. Tuy vậy, Leeds đang có hy vọng mới khi giới chủ Paris SG, tập đoàn QSI sẵn sàng đầu tư vào CLB. Hồi đầu năm nay, QSI từng hỏi mua lại Leeds nhưng không đạt được thỏa thuận với ông chủ của CLB này, Andrea Radrizzani.

"Thần đồng" Ansu Fati có giá 100 triệu euro. Với tầm ảnh hưởng mà Fati đã và đang tạo ra, BLĐ Barcelona được cho là đang lên kế hoạch trói chân thần đồng này. Theo thông tin được tờ Mundo Deportivo đăng tải, đội chủ sân Camp Nou đã chuẩn bị một bản hợp đồng dài hạn và thuyết phục “kỷ lục gia” của CLB đặt bút ký. Đáng chú ý, đội bóng xứ Catalan sẽ cài điều khoản phá vỡ hợp đồng của Fati lên đến 100 triệu euro. Đây là con số rất lớn đối với một cầu thủ mới chỉ bước sang độ tuổi 16.

Lương thấp, Balotelli có thể lại ra đi. Theo tin đồn ban đầu, Mario Balotelli nhận mức lương cơ bản khoảng 1,3 triệu bảng/năm ở Brescia. Tuy nhiên, tờ Corriere della Sera tiết lộ rằng mức lương cơ bản chân sút 29 tuổi nhận ở đội bóng quê nhà (Balotelli theo gia đình chuyển đến sinh sống ở Brescia năm cầu thủ này 2 tuổi) thấp hơn thế. Cụ thể, Mario Balotelli chỉ bỏ túi 870.000 bảng/năm tại Brescia.

Thibaut Courtois cán mốc 200 trận sạch lưới: Vừa qua, ĐT Bỉ đã dễ dàng giành chiến thắng 2-0 trước Kazakhstan trong trận đấu thuộc vòng loại EURO 2020. Thủ thành Thibaut Courtois được xếp đá chính và cán mốc 200 trận giữ sạch lưới trong sự nghiệp. Thủ thành Courtois giữ sạch lưới nhiều nhất trong giai đoạn khoác áo Atletico Madrid (76 trận giữ sạch lưới sau 154 trận). Cầu thủ này sau đó đã ăn mừng trên trang Twitter cá nhân với dòng cảm nghĩ "Cán mốc 200 trận sạch lưới. Thật là một ngày tuyệt vời".

MU gánh quỹ lương kỉ lục. Theo thống kê của SunSport, ở mùa giải này, MU phải chi trả tổng số tiền lương là 332 triệu bảng. Trung bình mỗi cầu thủ hưởng mức lương 6,5 triệu bảng/tuần. Đây là quỹ lương lớn nhất lịch sử Premier League, cao hơn rất nhiều so với Liverpool (264 triệu bảng/năm), Man City (260 triệu bảng/năm) và Chelsea (244 triệu bảng/năm).

Real méo mặt vì Virus FIFA. HLV Zidane tiếp tục phải đau đầu khi không chỉ 1 mà có tới 2 ngôi sao gặp vấn đề trong đợt triệu tập ĐTQG, đó là Luka Modric và Gareth Bale. Danh sách "thương binh" của Real vốn đã có Marco Asensio, Nacho Fernandez, Ferland Mendy, Marcelo cùng Toni Kroos, trong đó 2 cái tên đầu phải nghỉ thi đấu dài hạn và chắc chắn bỏ lỡ trận El Clasico. Marcelo có khả năng quay lại sớm còn Kroos và Mendy sẽ phải chạy đua với thời gian để kịp góp mặt ở Siêu kinh điển.

Chọn phe Tổng thống Assad, người Kurd quyết “đường ai nấy đi” với Mỹ?

Lực lượng người Kurd ở Syria khẳng định rằng chính phủ Tổng thống Assad đã nhất trí hôm 14/10 sẽ giúp lực lượng này đối phó với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được coi như một sự thay đổi quan trọng sau khi Tổng thống Trump yêu cầu tất cả quân Mỹ rút khỏi khu vực biên giới phía bắc Syria trong bối cảnh căng thẳng leo thang nhanh chóng. Tổng thống Trump cho rằng quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria là nhằm tránh để Mỹ vướng vào "những cuộc chiến bất tận" ở Trung Đông hay bất kỳ nơi nào khác.

Sự thay đổi này có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra xung đột cũng như làm dấy lên nhiều lo ngại về sự trỗi dậy của IS. Tình hình hỗn loạn ngày 13/10 đã khiến hàng trăm thành viên gia đình của các tay súng IS trốn thoát khỏi một khu trại giam giữ ở Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd giao tranh với nhau.

Diễn biến ở phía bắc Syria ngày càng rối ren kể từ tuần trước khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ không can thiệp vào chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria - một động thái được coi là "bật đèn xanh" cho Ankara tấn công người Kurd - lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là khủng bố. Từ năm 2014, người Kurd đã chiến đấu cùng Mỹ và đánh bại IS ở Syria, do đó, quyết định của ông Trump ở Syria đã bị chỉ trích dữ dội ở cả Mỹ và quốc tế như một sự phản bội đồng minh.

Bị Mỹ “bỏ rơi”, người Kurd chọn về phe Tổng thống Assad

Trong suốt 5 ngày qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh của nước này đã tiến vào các thị trấn và các ngôi làng ở phía bắc Syria, giao tranh trực tiếp với các tay súng người Kurd được triển khai khắp khu vực kéo dài 200 km. Cuộc giao tranh này đã khiến ít nhất 130.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Cũng trong ngày 13/10, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết tất cả quân Mỹ sẽ rút khỏi phía bắc Syria bởi nguy hiểm gia tăng khi cuộc giao tranh giữa 2 bên ngày càng dữ dội.

Ngay sau đó, các quan chức người Kurd đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác với chính phủ Syria để chống chọi trước cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Truyền hình Syria cho biết quân chính phủ của Tổng thống Assad đang tới phía bắc để đối phó với "cuộc xâm lược" của Thổ Nhĩ Kỳ song không cung cấp thông tin gì thêm.

"Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận với chính phủ Syria - những người chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới và chủ quyền của đất nước, nhằm để cho quân đội Syria tiến vào và triển khai binh lính dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như nhằm giúp Lực lượng Dân chủ Syria SDF chặn đứng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ", lực lượng SDF khẳng định trong một tuyên bố.

Hiện vẫn chưa rõ quân đội Syria sẽ dàn quân ở đâu và khi nào, hoặc liệu Mỹ đã rút khỏi các khu vực mà họ đang đồn trú hay chưa. Các quan chức Mỹ từ chối xác nhận thông tin từ các bài báo địa phương về việc rút khỏi các thị trấn Manbij và Kobane - những nơi mà các quan chức địa phương khẳng định rằng họ đã nhất trí để quân đội Syria vào đây.

Thỏa thuận giữa lực lượng SDF và chính phủ Syria được đưa ra sau các cuộc đàm phán kéo dài trong 3 ngày giữa 2 bên với Nga đóng vai trò trung gian. Theo một quan chức tình báo người Kurd, thỏa thuận này đã kết luận rằng SDF sẽ không còn phụ thuộc vào Mỹ nữa - một đồng minh quan trọng của lực lượng này trong cuộc chiến chống IS 5 năm qua.

Canh bạc” của người Kurd

Mọi quyết định của người Kurd hiện nay đều chẳng khác nào một canh bạc khi mà không có bất kỳ điều gì đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tự trị như 7 năm qua. Badran Jia Kurd, một quan chức cấp cao người Kurd cho biết lực lượng này cảm thấy rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài quay sang Damascus bởi "sự phản bội" của Mỹ.

"Điều đó buộc chúng tôi phải tìm kiếm các giải pháp thay thế", quan chức này khẳng định.

Theo nguồn tin độc quyền trên CNN, chỉ huy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - Tướng Mazloum Kobani Abdi đã tuyên bố với 1 nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ rằng: "Các ông đã bỏ rơi chúng tôi. Các ông đã để chúng tôi bị giết hại. Các ông không sẵn sàng bảo vệ chúng tôi nhưng lại không muốn một lực lượng khác đến và bảo vệ chúng tôi. Các ông đã bán đứng chúng tôi. Điều này thật phi đạo đức". Ông Mazloum cũng khẳng định, hoặc Mỹ phải giúp lực lượng này chấm dứt cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc phải để họ tiến hành một thỏa thuận với chính phủ Tổng thống Assad.

"Tôi cần biết liệu Mỹ có khả năng bảo vệ người dân của chúng tôi hay không, đủ sức ngăn những vụ ném bom vào chúng tôi hay không. Còn nếu Mỹ không thể làm gì, chúng tôi sẽ thực hiện một thỏa thuận với Nga và chính phủ Syria cũng như để họ đưa chiến đấu cơ vào để bảo vệ khu vực này", ông Mazloum cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định ngày 11/10 rằng Washington không bỏ rơi các đồng minh người Kurd mặc dù quan chức này cho biết quân đội Mỹ sẽ không can thiệp vào các cuộc giao tranh.

"Chúng tôi không bỏ rơi lực lượng người Kurd và quân đội Mỹ vẫn sát cánh với họ ở những khu vực khác của Syria. Chúng tôi vẫn duy trì sự hợp tác chặt chẽ với SDF - lực lượng đã hỗ trợ chúng tôi tiêu diệt IS nhưng tôi sẽ không đưa binh lính Mỹ vào giữa cuộc xung đột kéo dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, đó không phải là lý do để chúng tôi ở Syria", ông Esper nhấn mạnh

Trong 5 năm qua, chính sách của Mỹ ở Syria dựa trên việc hợp tác với lực lượng người Kurd để vừa chống lại IS, vừa hạn chế ảnh hưởng của Nga và Iran - các lực lượng ủng hộ chính phủ Tổng thống Assad. Tuy nhiên, các tay súng người Kurd hầu như có rất ít lựa chọn sau khi bị Mỹ "bỏ rơi" và việc họ quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Assad là viễn cảnh có thể nhìn thấy trước.

Một cuộc trao đổi khi các lực lượng của Tổng thống Assad tới phía bắc Syria - nơi người Kurd đang kiểm soát nhằm đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một bước ngoặt quan trọng cho cuộc nội chiến trường kỳ ở Syria, cũng như củng cố quyền kiểm soát toàn bộ đất nước của ông Assad. Điều đó cũng tức là quân đội Mỹ sẽ không còn hiện diện tại khu vực mà hiện nay Nga và các lực lượng dân quân do Iran ủng hộ mới là các bên có ảnh hưởng chính.

Cho tới nay vẫn chưa rõ vai trò của Nga trong việc thúc đẩy thỏa thuận giữa Tổng thống Assad và người Kurd song các quan chức ở Moscow đang điều phối các cuộc trao đổi giữa hai bên. Syria là một đồng minh của Nga, song Thổ Nhĩ Kỳ, dù là một thành viên NATO cũng đang xích lại gần Moscow trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Tayyip Erdogan.

Hệ lụy từ cuộc chiến ở đông bắc Syria

Việc Mỹ rút quân cũng mở ra câu hỏi về những điều xảy ra với các nhà tù và các trung tâm giam giữ hàng nghìn tù nhân IS mà người Kurd đang kiểm soát, trong đó có 2.000 tay súng nước ngoài.

Ngày 13/10, giao tranh dữ dội đã xảy ra ở một khu vực người Kurd kiểm soát tại Ein Eissa, cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 35 km về phía nam. Đây là nơi sinh sống của 12.000 người đã rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, trong đó có 1.000 người là vợ con các tay súng IS.

Lực lượng người Kurd cho biết trong một tuyên bố rằng đã có 785 kẻ ủng hộ IS trốn thoát sau khi tấn công những người canh gác.

"Tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Đó là tất cả những gì đang diễn ra", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper nhận định, trong khi các quan chức Mỹ đều hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng cuộc tấn công Syria lại.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã loại bỏ bất kỳ biện pháp hòa giải nào trong căng thẳng hiện nay với người Kurd, đồng thời tuyên bố Ankara không đàm phán với "khủng bố".

Hãng thông tấn chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ là Anadolu khẳng định các lực lượng đối lập Syria do nước này ủng hộ đã tiến vào trung tâm thị trấn biên giới Syria Tal Abyad vào ngày thứ 5 trong chiến dịch tấn công của Ankara. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tweet rằng các lực lượng của nước này đã kiểm soát tuyến đường cao tốc quan trọng, chạy qua Hassakeh - một thị trấn lớn và là trung tâm hậu cần quan trọng, cùng với Ein Eissa - trung tâm quản lý điều hành của người Kurd.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, có ít nhất 14 người, trong đó có 5 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn biên giới Ras al-Ain của Syria.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 440 tay súng người Kurd đã bị quân đội nước này tiêu diệt kể từ khi chiến dịch nổ ra hôm 9/10 trong khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thông tin rằng 56 tay súng của lực lượng này đã thiệt mạng.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 15/10/2019 là 1 AUD = 0.676 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 15/10/2019 là 1 AUD = 15,717 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 30 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 12–18 độ.

Tại Brisbane, trời quang đãng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–29 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–25 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–18 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này