Chương trình Thời sự thứ Ba, 14/07/2020
- Victoria: Cảnh sát tăng cường xử phạt vi phạm giãn cách xã hội
- Victoria: Thủ hiến bang Victoria chính thức yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng
- Victoria: Giới hữu trách gửi nhầm tin nhắn cho phép một số người đang bị cách ly về nhà
- Tin Úc: Người dân có thu nhập thấp sẽ được nhận khoản trợ cấp $750 lần thứ hai
- Di trú: Úc cắt giảm phân nửa số người được phép nhập cảnh vào nước này
- Dandenong: Chặn bắt một tài xế có nồng độ cồn trong hơi thở vượt sáu lần mức cho phép
- Victoria: Công bố hai bản đánh giá về Chợ Nông sản, Trái cây và Hoa Bán sỉ Melbourne
- Nhiều căn nhà vẫn đang được xây ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 13/7, Bộ Nội vụ Anh dự kiến sẽ đưa ra bản kế hoạch chi tiết về kiểm soát biên giới và hệ thống nhập cư mới của quốc gia này. Bản kế hoạch này sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2021. Cụ thể, hơn 705 triệu Bảng sẽ được đầu tư cho cơ sở hạ tầng mới, thuê nhân viên và phát triển công nghệ, qua đó đảm bảo các hệ thống biên giới của Vương quốc Anh được điều hành hoàn toàn trên đất liền khi Anh rời EU vào cuối năm 2020. Chánh Văn phòng nội các Anh Michael Gove cho biết, khoản đầu tư lớn này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp và ngành dịch vụ công nghiệp biên giới có thể quản lý các thay đổi và nắm bắt những cơ hội, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào tháng 12/2020. Khoản đầu tư trên chỉ liên quan đến các công việc trong khuôn khổ biên giới Vương quốc Anh - EU. Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố hướng dẫn và biện pháp cụ thể cho Bắc Ireland trong vài tuần tới.
Ngày 13/7, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Washington sẽ coi việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn tài nguyên ở Biển Đông đang trong tình trạng tranh chấp là bất hợp pháp trong bối cảnh nước này đang thực thi chiến dịch hăm dọa nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này. Ông Pompeo cho biết hiện Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Lucania ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia. Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.
Ít nhất 14 người thiệt mạng, 63 người bị thương khi các tay súng Taliban tấn công văn phòng cấp tỉnh của Cơ quan Tình báo quốc gia (NDS) ở miền Bắc Afghanistan. Giới chức địa phương cho biết một quả bom gài trên xe đã phát nổ bên ngoài tòa nhà lúc 10h50 ngày 13/7. Ngay sau vụ nổ bom xe, một số tay súng đã xông vào tòa nhà và cuộc đọ súng với lực lượng an ninh đã kéo dài nhiều giờ liền. Trong số những người thiệt mạng có 11 nhân viên NDS. 3 kẻ tấn công đã bị tiêu diệt. Hơn 50 người bị thương là dân thường, trong đó có nhiều phụ nữ và hai trẻ em. Ngoài thương vong về người, vụ nổ lớn đã làm hư hại văn phòng chính quyền thành phố gần đó và nhiều tòa nhà khác. Các tay súng Taliban đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công. Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh các nỗ lực hòa bình đang được xúc tiến.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một vấn đề khẩn cấp chưa từng có tiền lệ về giáo dục với 9,7 triệu trẻ em có thể sẽ không thể quay lại trường học. Đây là con số được Tổ chức từ thiện "Save the Children" đưa ra. Tổ chức này nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chương trình giáo dục của cả một thế hệ trẻ em trên toàn cầu bị gián đoạn. Giám đốc điều hành Tổ chức Cứu trợ trẻ em, bà Inger Ashing kêu gọi chính phủ các nước khẩn trương đầu tư vào việc học cho trẻ em. Nếu không giải quyết khủng hoảng giáo dục này, ảnh hưởng của nó với tương lai của trẻ em sẽ kéo dài, bà Ashing cảnh báo. Theo đó, mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận với giáo dục có chất lượng vào năm 2030 sẽ bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa.
59 trường đại học tại Mỹ ngày 12/7 đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hai trường đại học hàng đầu là Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump về quy định cấm các sinh viên nước ngoài tiếp tục ở lại Mỹ, nếu các trường mà họ đang theo học không tổ chức các buổi học trực tiếp trên lớp vào mùa thu này. Các cơ sở giáo dục này cho biết, họ dựa vào chỉ thị liên bang, vẫn "có hiệu lực trong tình trạng khẩn cấp", cho phép các sinh viên quốc tế tham gia các tiết học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh. Bên cạnh đó, các trường nhấn mạnh thêm rằng, "trong thời gian tình trạng khẩn cấp tiếp tục kéo dài, việc chính sách của chính phủ thay đổi đột ngột sẽ gây xáo trộn, cũng như dẫn tới bất ổn và gây tổn thất đáng kể".
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức phiên họp trực tiếp đầu tiên trong ngày 14/7 sau khi buộc phải triệu tập các phiên họp trực tuyến từ giữa tháng Ba do đại dịch COVID-19. Theo thông báo của Ban Thư ký Liên hợp quốc, phiên họp trên sẽ được tổ chức tại phòng họp của Hội đồng Kinh tế và Xã hội có diện tích lớn hơn, thay vì phòng họp của Hội đồng Bảo an như thường lệ để đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội. Trong phiên họp này, Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ thông qua 2 nghị quyết, cùng với những cuộc thảo luận về Colombia và báo cáo hằng năm của Hội đồng Bảo an trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tối 13/7, một trận động đất mạnh 5,1 độ đã xảy ra gần thủ đô Port-Vila của Vanuatu. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, động đất xảy ra vào hồi 22h14' (giờ GMT ngày 13/7), cách thủ đô Port-Vila 73km về phía Tây Bắc. Tâm chấn động đất nằm ở độ sâu 10km, ban đầu được xác định ở tọa độ 17,2821 độ vĩ Nam và 167,8058 độ kinh Đông. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại do trận động đất gây ra. Hồi cuối tháng Năm, quốc đảo Vanuatu cũng đã rung chuyển bởi một trận động đất mạnh 6,1 độ.
Ngày 13/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng có quá nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch COVID-19, đồng nghĩa với khả năng sẽ không thể sớm quay trở lại trạng thái bình thường. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một số nước nới lỏng lệnh phong tỏa hiện đang phải chứng kiến sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2 vì không tuân thủ các phương pháp đã được kiểm chứng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Ông Tedros nhận định nếu chính phủ các nước không thực thi một chiến lược toàn diện nhằm ngăn chặn virus lây lan và người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản thì chỉ có một khả năng là dịch bệnh sẽ diễn biến ngày càng tồi tệ hơn.
Ngược dòng thế giới thả nổi virus, Thụy Điển phải trả cái giá quá đắt
Khi Covid-19 xuất hiện tại châu Âu và gây ra nhiều thảm họa, Thụy Điển lại thu hút được sự chú ý của quốc tế. Không phải vì họ rơi vào tình cảnh quá nghiêm trọng, mà vì cách chống dịch "ngược đời" của họ: thả nổi, không phong tỏa, tin tưởng vào miễn dịch cộng đồng và ý thức của người dân.
Một cách vô tình, Thụy Điển trở thành một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy đại dịch sẽ diễn ra như thế nào nếu chính phủ để mặc, để cuộc sống diễn ra bình thường.
Và đây là kết cục: Thụy Điển không chỉ có thêm hàng ngàn người thiệt mạng so với các quốc gia láng giềng có áp dụng phong tỏa, mà nền kinh tế của họ cũng chẳng thể khá hơn được. "Nói thẳng thừng, họ chẳng thu được gì cả (từ chính sách này)," - trích lời Jacob F. Kirkegaard, chuyên gia Viện kinh tế quốc tế ở Washington (Hoa Kỳ). "Họ đã tự bắn vào chân, mà chẳng thu được bất kỳ lợi ích kinh tế nào."
Kết quả từ pha "thí nghiệm" của Thụy Điển cũng đang xuất hiện ở một số quốc gia khác ngoài khu vực Bắc Âu. Như Mỹ - nơi virus đang lây lan với tốc độ chóng mặt, nhiều tiểu bang từ chối tái phong tỏa hoặc ngại ngần việc trì hoãn tái mở cửa, nhằm tạo ra một cú hích về kinh tế. Tại Anh, thủ tướng Boris Johnson cũng ra quyết định tái mở cửa quán bar, nhà hàng, nhằm khôi phục lại cuộc sống bình thường sau khi Covid-19 phần nào được kiểm soát.
Nguồn cơn của cách tiếp cận này xuất phát từ việc chính phủ buộc phải cân bằng tính mệnh của người dân và khối việc làm mất đi, phải đánh đổi giữa y tế và thu hồi giãn cách xã hội nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng cái kết của Thụy Điển thì quá u tối: họ mất đi nhiều người hơn, trong khi tổn hại về kinh tế thì tương đương, cho thấy lựa chọn của họ đã sai lầm quá nhiều.
Thụy Điển đã lựa chọn né đi những lệnh cấm diện rộng của chính phủ. Họ cho phép nhà hàng, phòng tập, trường học, sân chơi... tự do mở cửa. Đan Mạch va Na-Uy - hai quốc gia láng giềng thì ngược lại: theo đuổi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, cấm tuyệt đối việc tụ tập, và đóng cửa mọi nhà hàng, quán bar cùng các phương tiện giải trí.
Sau 3 tháng, 5536 người đã chết tại Thụy Điển, theo số liệu của WHO. Con số này tưởng như chẳng đáng kể nếu so với hơn 138.000 người đã nằm xuống tại Mỹ. Tuy nhiên, cần biết rằng dân số của Thụy Điển chỉ có 10 triệu. Nghĩa là xét về tỉ lệ, số người thiệt mạng tại Thụy Điển cao hơn Mỹ tới 40%, nhiều hơn Na-Uy 12 lần, hơn Phần Lan 7 lần, và Đan Mạch là 6 lần.
Việc số ca tử vong tại Thụy Điển sẽ tăng thực chất đã được dự đoán từ nhiều tuần trước đó. Điều đáng nói lúc này là dẫu cho thả nổi dịch bệnh, nền kinh tế của họ vẫn bị hủy hoại. Khả năng kinh doanh bị đình trệ, ở mức độ tương đương với các "hàng xóm".
Ngân hàng trung ương Thụy Điển dự tính nền kinh tế của họ sẽ giảm khoảng 4,5% trong năm nay, dù thời điểm đầu năm chỉ là 1,3%. Riêng trong tháng 5, tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 9%, tăng mạnh so với mức 7,1% của tháng 3. "Tổn hại kinh tế lớn cho thấy khả năng phục hồi bị trì trệ, trong khi tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng," - trang Oxford Economics kết luận.
Đây là mức tổn hại gần như tương đương, thậm chí là hơn so với những gì xảy ra tại Đan Mạch, nơi mức sụt giảm kinh tế khoảng 4,1%, và tỉ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 5,6%. Nói cách khác, Thụy Điển phải đối mặt với nhiều ca thiệt mạng hơn, trong khi thất bại trong việc duy trì nền kinh tế.
Thực tế là Thụy Điển đã quên mất rằng Covid-19 không chỉ dừng lại ở quốc gia họ. Dù cho phép kinh tế trong nước tiếp tục hoạt động, khủng hoảng vẫn xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kinh doanh của họ. Hơn nữa, người Thụy Điển cũng biết sợ! Họ cũng hạn chế ra ngoài, hạn chế mua sắm. Điều này không đủ để giúp kiểm soát số người thiệt mạng, nhưng quá thừa để khiến các doanh nghiệp khốn đốn.
Có một lầm tưởng nhiều người mắc phải khi cho rằng hành động phong tỏa của chính phủ gây tổn hại cho nền kinh tế. Thủ phạm thực chất phải là virus. Từ châu Á, châu Âu rồi châu Mỹ, rủi ro đại dịch đã khiến các doanh nghiệp bị đóng băng, người dân ngần ngại mua sắm, bất chấp chính sách là như thế nào.
Bản thân Thụy Điển là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Theo nhà kinh tế học Kirkegaard thì khi đại dịch xảy ra với thế giới, gần như chắc chắn nó sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ. "Mảng sản xuất của Thụy Điển phải ngừng hoạt động vì ở đâu cũng vậy, do ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Đây là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước," - ông cho biết.
Rốt cục thì có bao nhiêu người sẽ chết? Đây là câu hỏi còn lại dành cho chính phủ Thụy Điển, sau một chuỗi những sai lầm.
"Đã không có hoài nghi nào, cũng không có động lực cho chính phủ Thụy Điển thay đổi, cho đến khi mọi chuyện quá muộn," - Kirkegaard chia sẻ. "Đây là điều kinh dị, bởi rõ ràng mục tiêu kinh tế mà họ đặt ra từ chính sách này là không tồn tại."
Trong một diễn biến khác, Na-Uy không chỉ phong tỏa nhanh chóng và quyết liệt, mà họ cũng sớm tái mở cửa sau khi kìm hãm được virus nhờ xét nghiệm diện rộng. Hiện tại, họ đang đón chờ một cú hích kinh tế lớn, với dự tính khả năng kìm hãm kinh tế từ ngân hàng trung ương là 3,9% - giảm so với mức 5,5% vào giữa thời điểm phong tỏa.
Theo một đánh giá từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quyết định của Thụy Điển ban đầu quả là có thể giảm thiểu được tổn hại kinh tế, nhưng chỉ được trong 3 tháng đầu tiên. Hiệu ứng này nhanh chóng bị gỡ bỏ sau khi đại dịch gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, và bản thân công chúng trong nước ngại ngần mua sắm.
Ví dụ, các chuyên gia từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch) đã tiếp cận được số liệu tín dụng từ ngân hàng Danske - một trong những ngân hàng lớn nhất vùng Bắc Âu. Theo đó, đại dịch đã làm giảm chi tiêu của người dân tới 29%. Cùng thời điểm đó, chi tiêu của người Thụy Điển giảm 25%. Đáng chú ý, nhóm người già trên 70 tuổi giảm chi tiêu tại Thụy Điển còn lớn hơn so với Đan Mạch.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 14/07/2020 là 1 AUD = 0.693 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 14/07/2020 là 1 AUD = 16,046 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 36 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–16 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–22 độ.
Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, sóng lớn có thể xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng. Nhiệt độ dao động từ 11–16 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–15 độ.
Cẩm Nhung