Chương trình Thời sự thứ Ba, 13/08/2019

Cẩm Nhung | 13/08/2019 | 780 Lượt nghe

- Victoria: Chương trình chăm sóc nha khoa miễn phí cho học sinh sẽ được triển khai trên toàn bang

- Dandenong: Trộm tài sản tại các cơ sở kinh doanh, hai nghi phạm bị buộc tội

- Parkville: Một phụ nữ chạy bộ tử vong do bị cây cổ thụ gãy đổ đè vào người

- Hobsons Bay: Ngư dân hoan nghênh thông tin phí hạ thủy bị bãi bỏ

- Victoria: Lời tâm sự xúc động từ người mẹ phát hiện bị khối u ác tính sau khi sinh con

- Melbourne: Thời gian đưa vào sử dụng những chiếc xe lửa công suất cao sẽ bị hoãn lại thêm một năm

- Victoria: Bước tiến tiếp theo cho các cuộc đàm phán hiệp ước với người Thổ dân

- Tỷ lệ bán đấu giá nhà thành công tiếp tục tăng nhanh trên toàn quốc

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 12/8, Hàn Quốc đã đưa ra dự thảo hướng dẫn quy chế ưu đãi xuất nhập khẩu. Theo đó, Hàn Quốc sẽ xóa tên Nhật Bản trong Danh sách Trắng các nước được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Nếu Tokyo bị loại khỏi Danh sách trắng của Seoul, các doanh nghiệp sẽ phải trình Chính phủ phê duyệt với mỗi đơn hàng xuất khẩu vật tư chiến lược sang Nhật Bản, thay vì được phê chuẩn gộp một lần như trước đây. Thời hạn thẩm định cũng dài hơn, trong khoảng 15 ngày, thay vì chỉ 5 ngày như trước.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Chính phủ nước này đang lên kế hoạch cấp nhanh thị thực nhập cảnh cho giới "tinh hoa" khoa học đến nước này làm việc thời hậu Brexit. Việc này nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học của Anh. Thủ tướng Johnson cho biết, Chính phủ Anh sẽ làm việc chặt chẽ với cộng đồng khoa học nước này để thúc đẩy cơ chế khuyến khích, thu hút nhân tài từ nước ngoài đến Anh. Kế hoạch mới dự kiến sẽ được phát động vào cuối năm 2019. Chính phủ của ông Johnson đang xem xét dỡ bỏ quy định hạn mức số người vào Anh theo diện thị thực Tier 1 cho những người thuộc diện đặc biệt tài năng nhằm thu hút các nhà khoa học và kỹ sư giỏi. Đây được coi như một phần của kế hoạch cấp nhanh thị thực nhập cảnh. Hiện số người được cấp thị thực theo diện này là 2.000 người/năm.

Rạng sáng 13/8, sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) đã được nối lại các hoạt động thường nhật. Một người phát ngôn của cơ quan quản lý sân bay cho biết dự kiến các chuyến bay khởi hành và hạ cánh xuống sân bay sẽ được thực hiện trong ít giờ tới. Các hãng hàng không đang làm thủ tục đăng ký lên máy bay (check-in) cho hành khách. Trước đó, theo Tân Hoa Xã, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc đã bị hủy trong ngày 12/8 do cuộc biểu tình diễn ra tại Sân bay quốc tế Hong Kong.

Đêm 12/8, một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển một căn cứ quân sự ở phía Nam thủ đô Baghdad của Iraq, khiến ít nhất một người thiệt mạng và 29 người bị thương. Một nguồn tin yêu cầu giấu tên từ Bộ Nội vụ Iraq cho biết, một kho đạn đã phát nổ bên trong căn cứ Falcon của lực lượng quân cảnh liên bang ở vùng Owerij, gần quận Doura, phía nam thủ đô Baghdad. Vụ nổ lớn khiến nhiều mảnh đạn bắn vào những ngôi nhà ở gần đó, khiến một số dân thường bị thương và làm hư hại các tòa nhà. Hiện chưa có báo cáo về con số thương vong của các lực lượng an ninh bên trong căn cứ. Thông tin mới nhất cho biết vụ nổ xảy ra trong quá trình tiêu hủy các đầu đạn cũ. Đại sứ quán Mỹ tại “vùng Xanh” cũng đã báo động do có một số đầu đạn phát nổ gần khu vực.

Ngày 12/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này và Mỹ sẽ tiến hành các chuyến bay quan sát trên lãnh thổ của nhau theo Hiệp ước Bầu trời Mở. Theo tuyên bố của bộ trên, một nhóm thanh sát viên của Nga sẽ tiến hành một chuyến bay quan sát trên lãnh thổ Mỹ bằng máy bay Tu-154M LK-1 vào ngày 19/8 từ sân bay Great Falls ở bang Montana. Máy bay Nga sẽ bay theo hành trình đã thỏa thuận với Mỹ, trong khi các chuyên gia Mỹ trên chuyến bay sẽ giám sát hoạt động sử dụng các thiết bị quan trắc và đảm bảo sự tuân thủ đối với các điều khoản của thỏa thuận này. Hiệp ước Bầu trời Mở có hiệu lực từ năm 2002 và hiện có 34 nước tham gia, trong đó bao gồm Nga, Mỹ và một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thỏa thuận nhằm xây dựng lòng tin và kiểm soát vũ trang này thiết lập một hệ thống các chuyến bay quan sát trên lãnh thổ các nước thành viên để thu thập thông tin về lực lượng vũ trang các nước này.

Ngày 12/8, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố một quy định mới có thể từ chối quyền định cư lâu dài đối với hàng trăm ngàn người nếu họ quá nghèo. Quy định do Cố vấn về chống nhập cư hàng đầu của chính quyền Donald Trump, ông Stephen Miler đưa ra, có hiệu lực kể từ giữa tháng 10/2019, có thể sẽ từ chối đơn xin cấp thị thực tạm thời hoặc lâu dài của bất kỳ ai nếu không đáp ứng được quy định chuẩn về thu nhập hoặc nhận hỗ trợ của nhà nước như trợ cấp, phiếu lĩnh thực phẩm, nhà ở xã hội hay chương trình chăm sóc y tế của chính phủ. Các chuyên gia cho rằng đây có thể biện pháp quyết liệt nhất trong các chính sách chống nhập cư của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngày 12/8, Chính phủ Bồ Đào Nha bắt đầu giới hạn mức nhiên liệu mà người lái xe được mua. Động thái diễn ra sau khi các tài xế chở dầu bắt đầu đình công. Theo quy định mới, mỗi lái xe chỉ được mua từ 15 lít đến 25 lít xăng hoặc dầu diesel trong mỗi lần đổ nhiên liệu tại các trạm nhiên liệu. Mặc dù đã có quy định hạn chế trên nhưng một số trạm xăng đã hết nhiên liệu ngay sáng cùng ngày. Cuộc đình công vào tháng 4 vừa qua là một trong những đợt đình công tồi tệ nhất trong nhiều năm tại Bồ Đào Nha. Các tài xế chở dầu đã quyết định đình công lần thứ 2 trong năm nay, sau khi các cuộc đàm phán với chủ doanh nghiệp về mức lương cao hơn và các quyền lợi của người lao động thất bại. Chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng ngày 9/8 để có thể duy trì đủ nguồn cung cho các cảng, bệnh viện sân bay và các đối tượng ưu tiên khác.

Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã kêu gọi các bên tham gia xung đột tại Libya ngừng bắn ngay lập tức. Lời kêu gọi được đưa ra sau vụ tấn công ở thành phố Benghazi khiến 3 nhân viên của LHQ thiệt mạng. Tuyên bố chung của 5 nước lên án mạnh mẽ vụ tấn công xảy ra ngày 10/8 tại Benghazi, nhấn mạnh cần phải lập tức xác minh hoàn cảnh cũng như xác định danh tính thủ phạm thực hiện vụ tấn công, đồng thời đưa những người này ra xét xử. Tuyên bố cũng tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của 5 nước đối với các sứ mệnh của phái bộ LHQ tại Libya. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn nhân đạo và trở lại bàn đàm phán.

Chính phủ Iran hôm 10/8 đã công bố và đưa vào hoạt động một hệ thống phòng không mới của nước này mang tên "Falag". Việc công bố hệ thống phòng không mới được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang gia tăng. Hệ thống phòng không mới có khả năng nhận dạng và phát hiện tất cả các loại tên lửa hành trình, máy bay tàng hình, hệ thống máy bay không người lái và cả tên lửa đạn đạo trong phạm vi 400 km. Ngoài ra, Falag cũng có khả năng kết nối với mạng lưới phòng không của Iran và bổ sung phạm vi hoạt động của hệ thống tên lửa S-300 mà nước này mua từ Nga.

Tại Mỹ, tình trạng an ninh bất ổn sau hàng loạt vụ xả súng trong thời gian gần đây đã khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo ngại về việc đảm bảo an toàn cho con em mình khi tới trường, nhất là khi thời điểm này đang là mùa tựu trường. Trước ngày khai giảng tại Mỹ, các phụ huynh đổ xô đi mua cho con mình những phụ kiện bảo vệ tốt nhất. Một trong những lựa chọn hàng đầu là ba lô chống đạn. Viện Tư pháp Quốc gia Mỹ cho biết chưa thể khẳng định chất lượng của ba lô chống đạn. Hiện xu hướng mua ba lô chống đạn vẫn tiếp tục tăng tại Mỹ. Nhiều bậc phụ huynh sẵn lòng móc hầu bao để đảm bảo cho con mình có được sự bảo vệ tốt nhất trước nỗi sợ hãi đang ám ảnh nước Mỹ.

Nam Phi nằm trong số 5 nước tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới, bất chấp việc có đến 2/3 số người dân ở độ tuổi trưởng thành tại nước này đang thực hiện chế độ kiêng sử dụng đồ uống có cồn. Số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy 31% số người từ 15 tuổi trở lên tại Nam Phi thường xuyên sử dụng rượu, trong khi 69% còn lại đang thực hiện chế độ kiêng đồ uống chứa cồn ít nhất trong 12 tháng qua. Tuy chỉ chiếm khoảng 1/3 số người trưởng thành, nhưng những người thường xuyên uống rượu tại Nam Phi thuộc diện "tửu lượng cao" khi mỗi cá nhân tiêu thụ trung bình 29 lít rượu/năm, đứng thứ 5 trên thế giới chỉ sau Tunisia (33,4 lít/năm), quần đảo Cook (32,9 lít/năm), Eswatini (32,7 lít/năm) và Namibia (31,3 lít/năm).

Chính phủ Indonesia và Malaysia đã đồng ý phối hợp tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với tê giác Sumatra. Việc này đã đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực kéo dài trong hàng thập kỷ qua để nhân giống các loài sắp tuyệt chủng đang bị nuôi nhốt. Quy trình này sẽ diễn ra ở Indonesia, nơi sinh sống của khoảng 30 - 80 cá thể tê giác Sumatra. Tinh trùng từ một trong những con tê giác đực được nuôi nhốt ở Indonesia sẽ được thụ tinh cho trứng từ con tê giác cái duy nhất ở Malaysia. Cũng liên quan đến hoạt động bảo vệ và bảo tồn động vật thiên nhiên hoang dã, Chính phủ Singapore sẽ chính thức triển khai lệnh cấm hoàn toàn việc buôn bán mọi sản phẩm ngà voi trong nước từ năm 2021. Ngoài các mức phạt tiền, những người vi phạm sẽ đối mặt với án tù tới 1 năm.

Tin thể thao:

Tờ Daily Mail mới đây đã cung cấp BXH Top 10 cầu thủ xuất sắc nhất của Premier League qua từng vòng (Premier League Power Rankings). BXH này dựa trên phong độ của các cầu thủ ở các vòng đấu. Qua từng vòng đấu, sẽ có những thay đổi trên BXH này. Sẽ có những cầu thủ mới lọt vào BXH và cùng với đó những cái tên bị văng ra. Marcus Rashford và Harry Maguire đã lọt vào BXH mùa này cùng với những cái tên khác như Raheem Sterling và Riyad Mahrez (Man City), Mohamed Salah (Liverpool) và Harry Kane (Tottenham).

MU thắng Chelsea, phá kỷ lục sau 54 năm: MU đã khởi đầu Premier League mùa giải 2019-20 bằng chiến thắng rực rỡ 4-0 trước Chelsea. Không chỉ có ý nghĩa về điểm số và cú hích tinh thần ở mùa giải mới, chiến thắng này còn giúp MU phá kỷ lục tồn tại qua nhiều thập kỷ. Cụ thể, phải mất 54 năm, MU mới thắng Chelsea với tỷ số đậm như vậy. Lần gần nhất MU giành chiến thắng tới 4-0 trước Chelsea là vào tháng 3/1965. Quỷ đỏ khi đó được lãnh đạo bởi Sir Matt Busby và sở hữu một George Best ở tuổi 18.

Inter đạt thỏa thuận với hậu vệ MU: Việc tân binh Wan-Bissaka tiếp quản quá tốt vai trò trấn thủ hành lang phải Valencia để lại đồng nghĩa cơ hội cho Matteo Darmian tại MU ngày càng hẹp dần. Trong bối cảnh đó, Darmian càng quyết tâm rời Old Trafford để cứu vãn sự nghiệp. Theo thông tin từ Rai Sport, Darmian đã gật đầu trước những điều khoản cá nhân mà Inter Milan đưa ra. Nếu không có gì biến đổi, hậu vệ 29 tuổi sẽ hồi hương cập bến Inter vào mùa Hè năm 2020 theo dạng chuyển nhượng tự do, khi giao kèo giữa anh và MU hết hạn.

Real từ bỏ Pogba, lấy Neymar: Theo tờ The Sun, Real Madrid sẽ chấm dứt sự quan tâm tới Paul Pogba nếu đội bóng này có thể chiêu mộ được tiền đạo Neymar của PSG. Neymar được cho là không hạnh phúc tại Paris và đã sẵn sàng ra đi. Barca là điểm đến ưa thích của cầu thủ này. Nhưng trong bối cảnh đội bóng xứ Catalunya không thể đạt thỏa thuận với PSG, Neymar có thể chuyển hướng sang Real. Chủ tịch Florentino Perez là một fan hâm mộ của Neymar và đang rất muốn thực hiện một động thái dành cho cầu thủ này. Ông sẵn sàng đưa Isco, Marcelo hoặc Raphael Varane vào thỏa thuận để thuyết phục PSG bán Neymar.

Wesley Sneijder chính thức giải nghệ: Trang web chính thức của CLB Utrecht thông báo tiền vệ Wesley Sneijder đã tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu ở tuổi 35. Ngôi sao người Hà Lan đã có 17 năm thi đấu chuyên nghiệp và từng khoác áo những CLB nổi tiếng như Real Madrid, Inter Milan, Galatasaray và Nice. Sự nghiệp của Sneijder được nhớ tới nhiều nhất khi anh khoác áo Inter Milan. Tại đây, Sneijder đã giành được cú ăn ba danh hiệu ở mùa giải 2009-2010 dưới sự dẫn dắt của HLV Jose Mourinho. Ở cấp ĐTQG, Sneijder đã có 134 lần khoác áo Hà Lan và ghi được 34 bàn thắng. Anh là nhân tố chính giúp đội bóng này giành được ngôi Á quân World Cup 2010.

Tottenham dùng lương khủng giữ chân Eriksen: Theo tờ Daily Mail, Tottenham sẵn sàng đề nghị Christian Eriksen một hợp đồng mới với mức lương khủng để giữ chân anh ở lại. Cụ thể, đội bóng thành London sẽ nâng lương của Eriksen lên 200.000 bảng/tuần. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức lương 80.000 bảng/tuần mà anh đang nhận. Tiền vệ người Đan Mạch hiện chỉ còn một năm trên hợp đồng với Tottenham. Anh đã không giấu diếm mong muốn gia nhập một đội bóng mạnh ở châu Âu trong thời gian tới. Động thái trên được cho là nỗ lực cuối cùng của Tottenham trong việc giữ chân cầu thủ này. Nếu không thành công, Tottenham sẽ chấp nhận mất trắng Eriksen vào Hè năm sau.

Nadal vô địch Rogers Cup: Rafael Nadal đã không gặp mấy khó khăn để đánh bại Daniil Medvedev trong trận chung kết Rogers Cup 2019. Sau 2 set đấu, tay vợt Tây Ban Nha giành chiến thắng 6-3, 6-0. Chiến thắng giúp Nadal lần thứ 5 vô địch giải đấu. Thành tích ấn tượng này còn giúp Nadal thiết lập kỷ lục mới khi trở thành tay vợt đầu tiên giành được 35 danh hiệu ATP Masters 1000, chỉ còn kém huyền thoại Ivan Lendl đúng 1 danh hiệu. Trong khi đó, ở nội dung đơn nữ, Bianca Andreescu của Canada đã trở thành nhà vô địch sau khi vượt qua tay vợt kỳ cựu Serena Williams ở chung kết. Kết quả này giúp Bianca Andreescu trở thành tay vợt đầu tiên của nước chủ nhà giành chức vô địch giải đấu sau 50 năm chờ đợi.

Coutinho trên đường tới Bayern: Barca đang gấp rút đẩy tiền vệ Philippe Coutinho đi trong mùa Hè này bất chấp mong muốn ở lại của anh. Theo tờ Diario Sport, đội chủ sân Camp Nou đang đàm phán với Bayern và hai đội bóng này đã đạt thỏa thuận cho mượn đối với cầu thủ người Brazil. Theo đó, Bayern có hai lựa chọn trong thương vụ này. Đầu tiên, họ có thể mượn Coutinho miễn phí, miễn là đáp ứng được mức lương 11 triệu euro/mùa của anh. Hợp đồng này sẽ có thời hạn 2 năm kèm điều khoản có thể mua đứt. Thứ hai, Bayern sẽ mượn Coutinho miễn phí trong vòng 1 năm, và buộc phải mua đứt khi hết hạn hợp đồng nhưng với mức giá ưu đãi. Hiện “Hùm xám” vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng cho thương vụ này. Nguồn tin từ Tây Ban Nha nói thêm kiểu gì Coutinho cũng sẽ phải ra đi trong tương lai. Nếu đàm phán với Bayern đổ vỡ, Barca sẽ đưa Coutinho vào thỏa thuận để đổi lấy tiền đạo Neymar của PSG.

Messi có thể nghỉ trận mở màn La Liga. Tiền đạo người Argentina khó bình phục chấn thương để gặp Athletic Bilbao cuối tuần này. "Cậu ấy đang trong quá trình hồi phục và tôi không chắc Messi sẽ sẵn sàng cho trận mở màn La Liga. Điều đó có vẻ khó", Ernesto Valverde nói sau trận Barca thắng Napoli 4-0. Messi không thể cùng đồng đội bay đến Mỹ để tham dự hai trận giao hữu cuối cùng trước mùa giải của Barca, gặp Napoli. Cầu thủ 32 tuổi bị căng cơ đùi và phải ở lại Tây Ban Nha để chữa trị.

Điều gì đã xảy ra với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung?

Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã từng đến đến rất gần, giờ lại dường như ngày càng xa.

Mới chỉ hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc dường như đã đến rất gần việc giải quyết những bất đồng thương mại. Nhưng sau đó, nó sụp đổ hoàn toàn. Thỏa thuận “đình chiến” đạt được giữa Tổng thổng Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6 cũng đã bị phá vỡ.

Hiện tại, thị trường tài chính toàn cầu đang biến động, các ngân hàng trung ương khắp thế giới đang cố tránh cho nền kinh tế của mình khỏi kịch bản tồi tệ nhất bằng cách điều chỉnh chặt chẽ lãi suất, với dự đoán cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục và có thể kéo dài qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

“Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đều đang gặp vấn đề trầm trọng”, Wendy Cutler, từng là nhà đàm phán thương mại của Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á cho biết. “Có ngày càng ít niềm tin ở cả 2 phía, cộng với việc cả 2 bên đều cảm nhận rằng, họ có thể tốt hơn nếu không có một thỏa thuận, ít nhất là ở thời điểm này”.

Không ai chịu nhượng bộ

Những động thái trong hơn 1 tuần qua cho thấy căng thẳng đang gia tăng trở lại. Ngày 1/8, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9 tới - điều mà ông đã đe dọa từ trước.

Ngày 5/8, Trung Quốc cũng “phản đòn”: dừng mua nông sản Mỹ - một đòn tương đối mạnh nhằm vào căn cứ chính trị quan trọng của ông Trump ở Trung Tây, và để cho đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua. Đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp hơn, sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc so với các đối thủ nước ngoài.

Động thái của Bắc Kinh đã khiến Bộ tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1994. Bước đi này có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, tới nay, đó vẫn chỉ là động thái mang tính biểu tượng của việc gia tăng hiềm khích giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Cả hai bên thực ra đều đang kiềm chế”, theo Timothy Keeler, cựu Giám đốc Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ và hiện là một đối tác tại công ty luật Mayer Brown đánh giá.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được dự báo sẽ còn tiếp tục dấy lên mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã đang suy yếu. Nó làm biến động các thị trường tài chính, khiến các hoạt động thương mại trở nên ảm đạm và làm các doanh nghiệp trở nên bối rối khi phải quyết định đặt các nhà máy sản xuất của mình ở đâu, tìm nguồn cung từ đâu và bán sản phẩm ở nước nào.

Khi các công ty đứng “giữa làn đạn” của thương chiến Mỹ-Trung và phải đưa ra những quyết định như vậy, họ sẽ khiến thương mại và tăng trưởng bị chùn nhịp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thương mại thế giới sẽ giảm tốc trong năm 2019, năm thứ 2 liên tiếp.

Các ngân hàng trung ương cũng đang cố hạn chế thiệt hại kinh tế, mặc dù giảm lãi suất cho vay chỉ đem lại một lợi ích hạn chế khi lãi suất vốn đã thấp sẵn. Hôm 7/8, các ngân hàng trung ương của Indonesia, New Zealand và Thái Lan đã tuyên bố cắt giảm lãi suất.

“Chúng ta sẽ còn nói về Trung Quốc và cuộc chiến thương mại trong thập kỷ tới”, Nate Thooft, người đứng đầu bộ phận phân phối tài sản toàn cầu tại Công ty quản lý đầu tư Manulife dự đoán. “Nó sẽ không kết thúc một cách vĩnh viễn”.

Chính quyền Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với nhau về nhiều vấn đề gai góc. Phía Mỹ nói rằng, Trung Quốc đang “bịp bợp” để tìm cách thống trị các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và máy tính. Đặc biệt, chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp các bí mật thương mại, buộc các công ty nước ngoài phải tiết lộ công nghệ và trợ cấp một cách không công bằng các công ty công nghệ Trung Quốc trong khi gây khó dễ cho các đối thủ nước ngoài.

Sẽ khó có thỏa thuận trong tương lai gần?

Đạt được một thỏa thuận cụ thể sẽ rất khó khăn, ít nhất là vì nó đòi hỏi Trung Quốc phải kiềm chế tham vọng của mình – yếu tố đã trở thành đặc trưng của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 5, Mỹ và Trung Quốc dường đang hướng tới một dạng thỏa thuận có ý nghĩa. Nhưng bất ngờ, ngày 5/5, ông Trump cáo buộc Trung Quốc không giữ đúng cam kết đã đưa ra trước đó và ông tuyên bố sẽ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, điều mà ông đã thực hiện chỉ 5 ngày sau đó. Chính quyền Mỹ cũng sẵn sàng tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa nữa – một động thái leo thang sẽ nhắm vào gần như tất cả mọi sản phẩm mà Trung Quốc bán ở Mỹ.

“Mọi người đã quá lạc quan hồi đầu tháng 5”, Philip Levy, nhà kinh tế trưởng tại công ty vận tải Fexport ở San Fransisco, người từng làm cố vấn trong chính quyền Tổng thống George W. Bush, cho biết.

Ông Trump và ông Tập đã đề xuất một giai đoạn “đình chiến” hồi tháng 6/2019. Ông Trump đồng ý trì hoãn các biện pháp thuế quan mới khi các vòng đàm phán thương mại được nối lại.

Tuy nhiên, sau vòng đàm phán thứ 12 ở Thượng Hải hồi tháng 7/2019 dường như không đạt được tiến triển nào, ông Trump đã hủy bỏ giai đoạn đình chiến và tuyên bố chuẩn bị đánh thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Ông cáo buộc Trung Quốc đã cố tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán đến năm 2020 để hy vọng ông sẽ thua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sau đó Trung Quốc có thể đàm phán lại với một Tổng thống của đảng Dân chủ.

Dù ông Trump nói đúng hay không, thì cũng không mấy người nghi ngờ gì phong cách thất thường của ông đã khiến ông khó có thể tin tưởng vào các cuộc đàm phán.

Trung Quốc có thể phải học bài học từ thỏa thuận của ông Trump với Mexico: sau khi gây áp lực với Mexico để buộc nước này phải đồng ý về một thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ được chỉnh sửa lại hồi năm ngoái, ông Trump từ chối hàng tháng liền về việc dỡ bỏ thuế quan đối với nhôm và thép Mexico. Và phải đến giữa tháng 5, ông Trump mới tuyên bố đang dỡ bỏ các biện pháp thuế quan đối với Mexico, sau khi bất đồng về vấn đề di cư được giải quyết.

Các yếu tố khác cũng đang khiến Mỹ và Trung Quốc khó có được sự thỏa hiệp. Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang tới gần, ông Trump không có động lực đạt được một thỏa thuận thương mại bởi điều đó có thể vấp phải sự giận dữ từ các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, ông Tập, cũng có những lý do riêng để tránh những nhượng bộ có thể khiến ông có vẻ như yếu thế hơn. Đó là các cuộc biểu tình ở Hong Kong và sự kiện kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 13/08/2019 là 1 AUD = 0.675 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 13/08/2019 là 1 AUD = 15,659 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng gay gắt, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 30 đến 37 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, buổi sáng có sương mù ở nhiều nơi, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–15 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, buổi sáng có sương giá ở khu vực phía Tây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–20 độ.

Tại Sydney, buổi sáng có thể có mưa rào, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–23 độ.

Tại Melbourne, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-30 km/h. Nhiệt độ dao động từ 7–17 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này