Chương trình Thời sự thứ Ba, 12/11/2019

Cẩm Nhung | 12/11/2019 | 829 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Cảnh báo tiểu bang sẽ đối mặt với mùa cháy rừng khô, nóng, nguy hiểm

- Footscray: Truy nã các nghi phạm lái xe tông người đi bộ bị thương nặng rồi bỏ trốn

- Melbourne: Phát hiện nhiều con chim ác là chết bí ẩn trước nhà người dân

- Tin Úc: Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Úc chi hơn $77,000 cho chuyến công du châu Âu gần đây

- Donvale: Phát hiện thi thể một người đàn ông bên trong một chiếc xe bán tải bị trúng đạn

- Tin Úc: Ngân hàng Dự trữ Úc hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế vào tháng Sáu 2020

- Victoria: Rà soát về các chứng chỉ đào tạo để cải thiện lựa chọn học vấn của học sinh

- Kích thước nhà ở giảm nhưng diện tích căn hộ tăng trong tháng Tám 2019

- Tin vắn

Tin thế giới:

Tổng thống Bolivia Evo Morales đã phải từ chức sau gần 14 năm cầm quyền trước sức ép của phe đối lập và lời đề nghị của các lực lượng vũ trang nước này. Nhiều nước Mỹ Latin đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Morales. Bộ Ngoại giao Cuba đã chỉ trích mạnh mẽ hành vi ép buộc Tổng thống Bolivia từ chức, cho rằng đây là một cuộc đảo chính. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico cho biết, ông sẽ đề nghị Chính phủ nước này cho phép Tổng thống Bolivia tị nạn nếu ông Morales yêu cầu. Còn Chính phủ Peru hối thúc Bolivia nhanh chóng tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch với sự hỗ trợ của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) và các tổ chức quốc tế. Chính phủ Colombia đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng thường trực Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia.

Số lượng binh sỹ Mỹ ở miền Bắc Syria có thể sẽ được duy trì ổn định ở mức khoảng 500 binh lính. Đây là tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rút quân hoàn toàn khỏi quốc gia Trung Đông này. Ông Milley, người từng chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Afghanistan và Iraq, cho rằng, việc duy trì quân đội nước này ở Syria là rất quan trọng bởi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn hiện diện trong khu vực. Ông cho rằng vẫn còn các phiến quân IS trong khu vực và nếu không duy trì sức ép, việc IS trỗi dậy trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad mới đây cảnh báo, Iran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trả lời phỏng vấn báo chí về thông tin này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, Iran chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Theo ông Mousavi, nước này sẽ luôn để ngỏ cánh cửa ngoại giao, nhưng sẽ không đặt hy vọng vào bất kỳ ai. Ông Mousavi đồng thời cho biết, Iran đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau và sẽ có lựa chọn phù hợp vào từng thời điểm. Tuần trước, Iran đã tiến hành giai đoạn giảm cam kết hạt nhân thứ 4. Theo Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran, nước này đang lên kế hoạch làm giàu urani lên tới 4,5% tại cơ sở hạt nhân Fordow, vượt giới hạn 3,67% được nêu trong thỏa thuận hạt nhân.

Ngày 11/11, quân đội Hàn Quốc đã ban bố lệnh cấm sở hữu và sử dụng thuốc lá điện tử dạng tinh dầu lỏng tại các căn cứ của mình vì lý do sức khỏe. Lệnh cấm trên được đưa ra sau khi Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo người dân nên ngừng sử dụng các sản phẩm này. Tháng 10/2019, Bộ Y tế Hàn Quốc đã ban bố một khuyến cáo kêu gọi mọi người ngừng sử dụng thuốc lá điện tử dạng tinh dầu lỏng. Lý do được viện dẫn là các ca mắc viêm phổi tại Mỹ do hút sản phẩm này, trong đó có cả những trường hợp tử vong. Hàn Quốc cũng đã phát hiện một ca viêm phổi có sử dụng thuốc lá điện tử hồi tháng 10.

Mỏ dầu mới phát hiện ở Tây Nam Iran chỉ có trữ lượng 22,2 tỷ thùng thay vì 53 tỷ thùng như thông báo trước đó. Đây là tuyên bố được Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Namdar Zanganeh đưa ra vào ngày 11/11 sau khi đã tiến hành kiểm chứng cụ thể. Sở dĩ Tehran phải hạ dự báo về trữ lượng tại mỏ dầu mới là vì ngành khai thác dầu mỏ của nước này còn nhiều hạn chế về công nghệ. Iran hiện là nước có trữ lượng dầu thô lớn thứ 4 và trữ lượng khí đốt lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu năng lượng của Iran đang gặp khó khăn do các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ.

Nền kinh tế Anh đã tránh được suy thoái nhờ tăng trưởng 0,3% tổng sản phẩm quốc nội trong quý III vừa qua. Đây là số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh công bố vào ngày 11/11. Trong khi đó, nền kinh tế của xứ sở sương mù đã tăng trưởng âm 0,2% vào quý II. Theo quy định, một nền kinh tế chỉ được xác định là suy thoái khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Trong quý III/2019, hoạt động kinh tế của nước này được thúc đẩy phần lớn nhờ tăng trưởng trong ngành xây dựng và lĩnh vực dịch vụ, trong khi ngành sản xuất không tăng trưởng.

Ngày 11/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hồi hương tù nhân là thành viên tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Catakli cho biết, ngày 14/11 tới, cơ quan chức năng sẽ tiến hành các thủ tục hồi hương 1 tay súng IS là công dân Mỹ và 7 công dân Đức. Trong danh sách hồi hương còn có các tay súng IS đến từ Pháp, Hà Lan, Đức và Đan Mạch. Các tù nhân trên đang được giam giữ trong các nhà tù hoặc trung tâm di trú của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các nước, đặc biệt là các nước châu Âu tiếp nhận các công dân từng tham gia IS của mình. Trong khi đó, các nước này lo ngại, việc các chiến binh IS quay về sẽ gây ra nhiều rủi ro an ninh. Nhiều nước thậm chí đã tước quốc tịch của những người này.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc, ông Kim Song ngày 11/11 đã hối thúc Mỹ thực thi thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore năm ngoái, đồng thời nhấn mạnh hai nước ít đạt tiến bộ trong quan hệ là do "những khiêu khích quân sự và chính trị" từ phía Washington. Ông Kim Song cũng nêu rõ phía Triều Tiên đã chủ động nỗ lực để xây dựng hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Theo ông, việc thực thi thỏa thuận Singapore là điểm "mấu chốt" để củng cố hòa bình và an ninh. Mới đây, hai nước đã tiến hành cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Thụy Sĩ, song không đạt thỏa thuận nào. Triều Tiên cảnh báo sẽ chỉ chờ đến cuối năm nay để phía Mỹ đưa ra một đề xuất có thể chấp nhận được.

Trong một báo cáo của mình, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 11/11 lần đầu tiên tiết lộ về urani có nguồn gốc do con người chế tạo đã được phát hiện tại một địa điểm Iran “chưa từng thông báo” với các thanh sát viên. Tiết lộ quan trọng này được đưa ra trong lúc có các báo cáo khác về việc Tehran cũng đang tiến hành làm giàu urani tại một cơ sở dưới lòng đất. Trong báo cáo mật hàng quý được gửi tới các nước thành viên, IAEA cho biết Iran đã bắt đầu làm giàu urani tại cơ sở ngầm Fordow - động thái bị cấm theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Đây là lần đầu tiên cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc thừa nhận những cáo buộc của Mỹ và Israel về chương trình hạt nhân Iran là chính xác.

Bắc Kinh (Trung Quốc) nổi danh là nơi ô nhiễm khói mù, nhưng nay nhiều thành phố tại Ấn Độ thậm chí còn ô nhiễm vượt mức này. Theo nghiên cứu của IQ AirVisual có trụ sở tại Thụy Sĩ và Greenpeace (Tổ chức Hòa bình xanh), trong 30 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới, có tới 22 thành phố của Ấn Độ. Tám thành phố còn lại thuộc Pakistan, Bangladesh và Trung Quốc, Bắc Kinh đứng ở vị trí 122. Bảng xếp hạng được đưa ra dựa trên chất lượng không khí trung bình năm. Trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra lệnh cấm đốt rơm rạ tại khu vực quanh thủ đô New Delhi. Tuy nhiên, tình trạng tại thành phố này thêm phần tồi tệ bởi không khí mùa đông lạnh khiến chất gây ô nhiễm bị mắc kẹt và ứ đọng.

Ngày 11/11, Cơ quan Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) đã hạ đánh giá về mức độ an toàn hàng không của Malaysia xuống mức 2. Cơ quan Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ sẽ hạn chế các hãng hàng không của Malaysia khai thác thêm những chuyến bay tới Mỹ. Bên cạnh đó, các hãng hàng không của quốc gia Đông Nam Á này sẽ phải tiếp nhận nhiều cuộc kiểm tra bổ sung tại các sân bay của Mỹ. Ngoài ra, FAA cũng sẽ không cho phép các thỏa thuận liên kết giữa các hãng hàng không của hai nước. Trong danh sách các nước ở mức 2 về an toàn bay của FAA còn có Thái Lan, Bangladesh, Ghana và Costa Rica.

Hai đoàn tàu chạy cùng đường ray nhưng ngược chiều tông nhau tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Theo giới chức địa phương, tai nạn xảy ra tại nhà ga Kacheguda của thành phố. Hai tàu, gồm 1 tàu thuộc Hệ thống Vận tải đa năng và tàu Hundri nội đô, đã đâm thẳng vào nhau. May mắn là vào thời điểm xảy ra va chạm, hai tàu này để di chuyển với tốc độ chậm nên không gây hậu quả quá nghiêm trọng. 12 người bị thương trong đó có một người là lái tàu, đã nhanh chóng được sơ cứu và đưa tới bệnh viện. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân gây tai nạn là do lỗi hệ thống đèn tín hiệu. Hiện cơ quan chức năng đã chính thức mở cuộc điều tra về tai nạn này.

Tin thể thao:

Thái độ khi bị thay ra, Ronaldo vẫn thoát án phạt: Tiền đạo Cristiano Ronaldo đã tỏ thái độ khó chịu khi bị thay ra ở phút 55 trong trận đấu giữa Juventus và AC Milan. CR7 sau đó được cho đã bỏ về sớm trước cả khi trận đấu kết thúc. Tuy nhiên theo tờ Bianconeri, Juventus sẽ không đưa ra bất kỳ án phạt nào dành cho ngôi sao người Bồ Đào Nha vì hành động trên. HLV Sarri sau trận đấu cũng không trách móc Ronaldo và thậm chí còn cảm ơn anh vì đã nén chịu đau để ra sân thi đấu. Người vào thay Ronaldo, Dybala, sau đó đã ghi bàn thắng duy nhất giúp Juventus giành chiến thắng 1-0 trước AC Milan. Kết quả này giúp “Bà đầm già” đòi lại ngôi đầu bảng từ tay Inter.

Lộ danh sách chuyển nhượng mùa Đông của Real: Theo Tuttomercatoweb, Real Madrid đã chuẩn bị xong danh sách 5 mục tiêu cần mua trong kỳ chuyển nhượng tháng 1 tới. Trong đó, tiền vệ Paul Pogba là mục tiêu hàng đầu của HLV Zinedine Zidane. Những cái tên còn lại trong danh sách gồm có Bruno Fernandes, Christian Eriksen, Fabian Ruiz và Donny van de Beek. Ngoài ra, nguồn tin trên nói thêm chiến lược gia người Pháp không còn muốn thấy Isco và James Rodriguez ở lại sân Bernabeu. Isco mới chỉ đá chính 2 trận tại La Liga mùa này, trong khi James cũng chỉ đá chính 4/13 trận tại giải quốc nội và không để lại nhiều ấn tượng.

Mino Raiola muốn Pogba trở lại Juventus: Gazzetta dello Sport loan tin siêu cò sinh tại Italy Mino Raiola muốn Paul Pogba trở lại Juventus. Raiola là đại diện của Pogba và có quan hệ tốt với lãnh đạo Juve, đặc biệt là Phó Chủ tịch Pavel Nedved, người ông này cũng từng làm đại diện khi Nedved còn thi đấu. Juve muốn Pogba trở lại và Pogba cũng muốn trở lại nơi anh đã chơi 4 mùa giải rất thành công trước khi gia nhập MU. Tiền vệ người Pháp vẫn đang dưỡng thương và từ tháng 10 đến nay anh không đóng góp được gì cho Quỷ Đỏ. Pogba từng công khai mong muốn ra đi Hè này nhưng MU cố giữ chân anh bằng cách đòi giá chuyển nhượng thật cao.

Juventus sắp gia hạn hợp đồng với Higuain: Tương lai của Gonzalo Higuain ở Juventus thay đổi trong một nốt nhạc. Mới mùa Hè anh còn bị liệt vào danh sách phải bán đi nhưng quyết không chịu ra đi còn giờ GĐTT Fabio Paratici nói rằng Juve sắp đạt thỏa thuận gia hạn hợp đồng với chân sút người Argentina. Chỉ trong vòng 1 tuần, Higuain có 3 đường kiến tạo mang tính quyết định trong 3 trận liên tiếp giúp Juve chiến thắng ở Serie A và Champions League.

McTominay chấn thương: MU có chiến thắng 3-1 trước Brighton & Hove nhưng họ đã phải trả giá quá đắt khi một trong những cầu thủ chơi ấn tượng nhất đội McTominay dính chấn thương. Trong trận cầu này, McTominay đã phải rời sân bằng cáng. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng một tuần, McTominay chấn thương. Trước đó, tiền vệ Scotland cũng tập tễnh rời sân ở trận đấu với Partizan Belgrade ở Europa League. Chia sẻ sau trận thắng Brighton, HLV Ole Solskjaer cho biết McTominay đã gặp vấn đề về mắt cá. Mất McTominay giai đoạn này sẽ là tổn thất lớn của MU. Khi Paul Pogba dính chấn thương ngôi sao 23 tuổi giữ vai trò quan trọng nhất ở trung tuyến của Quỷ đỏ.

MU săn thêm thủ môn: MU vừa gia hạn thành công với David De Gea nhưng thông tin từ tờ Daily Mirror (Anh) cho biết Quỷ đỏ tiếp tục bày tỏ sự quan tâm với một thủ thành khác, Andre Onana. Thủ thành người Cameroon rời Barcelona đến Ajax vào 2015 sau 5 năm và đã chứng tỏ khả năng của mình. Onana cùng Ajax giành cú đúp quốc nội và vào đến bán kết Champions League mùa trước và là một trong những thủ thành trẻ xuất sắc hiện nay. Ajax định giá Onana ở tầm 35-43 triệu bảng. Cầu thủ người Cameroon có hợp đồng với đội bóng Hà Lan đến hè 2022. Nếu gia nhập cuộc đua giành Onana, MU sẽ phải cạnh tranh với Tottenham và PSG.

Barcelona gặp khó, hẹn đấu Real Madrid ở chung kết Siêu cúp Tây Ban Nha: Theo thông lệ, Siêu cúp Tây Ban Nha (Super Copa de Espana) luôn là màn so tài giữa nhà vô địch La Liga và đội đoạt Cúp Nhà Vua. Nhưng bắt đầu từ mùa giải 2019/20, số đội tham dự Siêu cúp sẽ được tăng lên gấp đôi, từ 2 thành 4 đội. 4 suất tham dự Siêu cúp Tây Ban Nha phiên bản mới đã dành cho 2 đội dẫn đầu La Liga 2018/19 (Barcelona và Atletico Madrid) và 2 đội vào chung kết Cúp Nhà Vua (Barca, Valencia). Do Barca vừa là nhà vô địch La Liga, vừa lọt vào chung kết Cúp Nhà vua, nên suất còn lại đã thuộc về Real Madrid, đội đứng thứ ba tại La Liga mùa trước. Theo kết quả bốc thăm mới nhất, ở bán kết, Barcelona sẽ gặp Atletico Madrid ngày 9/1/2020, còn ĐKVĐ cúp Nhà Vua Valencia sẽ đối đầu Real Madrid trước đó 1 ngày. Hai đội thua ở bán kết sẽ không gặp nhau để tranh hạng ba. Theo lịch, trận chung kết sẽ được tổ chức vào ngày 12/1/2020. Các trận bán kết và chung kết này sẽ diễn ra tại Saudi Arabia thay vì trong lãnh thổ Tây Ban Nha. Hiện tại, Barcelona đang là đội bóng sở hữu nhiều Siêu Cúp Tây Ban Nha nhất với 13 lần. Xếp ngay sau là Real Madrid với 10 lần.

Xhaka sắp rời Arsenal: Theo tờ báo thể thao của Thụy Sĩ, RSI Sport thì Granit Xhaka đã hạ quyết tâm rời Arsenal ngay ở kì chuyển nhượng mùa đông với điểm đến là AC Milan. Thậm chí, tiền vệ 27 tuổi đã bắt đầu tìm nhà tại Italia. Anh đã bị tước băng thủ quân "Pháo thủ" và bị loại khỏi danh sách đăng ký thi đấu kể từ sự cố với CĐV đội nhà trên sân Emirates ở trận hòa Crystal Palace 2-2 hồi cuối tháng 10.

Sterling bị loại khỏi ĐT Anh. Sterling đã xô xát với hậu vệ Joe Gomez trên sân tập của ĐT Anh vì cho rằng cầu thủ của Liverpool chế nhạo mình sau trận đấu tại vòng 12 Premier League 2019/2020. Do đó, HLV Gareth Southgate quyết định loại tiền đạo của Man City khỏi đội hình tuyển Anh trong trận đấu với Montenegro diễn ra vào ngày 15/11 tới.

Iran gia tăng hoạt động đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ

Cách đây một năm Mỹ đã áp thêm các lệnh trừng phạt đối với ngành xuất khẩu dầu của Iran sau khi Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Kể từ đó đến nay, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây thêm sức ép với Iran. Để đáp trả, Iran đã thực thi chiến lược gây hấn nhằm buộc Mỹ phải trả giá đắt cho chiến dịch trừng phạt nhắm vào Iran bằng cách tấn công các cơ sở sản xuất và xuất khẩu dầu khí của các nước đồng minh Trung Đông thân cận với Mỹ.

Stratfor - trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng nhiều khả năng Iran sẽ tiếp tục tiến hành nhiều thêm các hoạt động trong thời gian sáu tuần tới bởi cơ hội để làm điều đó đang rộng mở.

Chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ

Mặc dù Iran chưa bao giờ công khai thừa nhận đã đứng đằng sau hoặc có liên quan đến bất kỳ vụ tấn công lớn nào nhằm vào các mục tiêu lớn ở khu vực Vịnh Ba tư (kể cả các cơ sở sản xuất dầu khí hay các cơ sở hạ tầng khác) kể từ khi xảy ra vụ việc hai nhà máy sản xuất dầu Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào ngày 14/9, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến leo thang vẫn hiện hữu. Lý do là Mỹ vẫn duy trì chiến dịch “gây sức ép tối đa” chống Iran và chế độ đang nắm quyền tại quốc gia này.

Trong sáu tuần sắp tới, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn mà khởi đầu là sự kiện Iran dự kiến sẽ tuyên bố về những bước tiếp theo của họ nhằm giảm bớt cam kết và rút dần khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 vào tháng 11 này.

Sau khi xảy ra các vụ tấn công vào ngày 14/9, Mỹ đã gia tăng đáng kể sức ép đối với Iran thông qua nhiều lệnh trừng phạt thêm khiến Iran gần như không thể nhập khẩu được gì kể cả nhu yếu phẩm, thuốc men và các hàng hóa cứu trợ.

Đầu tiên, vào ngày 20/9, Mỹ trực tiếp đáp trả các vụ tấn công Saudi Arabia bằng việc áp lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương của Iran và Quỹ Phát triển Quốc gia của Iran theo sắc lệnh 13224 với lý do Iran đã cung cấp tài chính cho hai tổ chức mà Mỹ đã định danh là hai tổ chức khủng bố, đó là lưc lượng Hezbollah và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Thứ nhất, tuyên bố của Mỹ hôm đó cũng không phải là tuyên bố lần đầu tiên Mỹ đưa ra để trừng phạt Ngân hàng trung ương Iran. Trước đó, một số lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với Ngân hàng Trung ương Iran, nhưng Mỹ vẫn cho phép có ngoại lệ đối với các giao dịch cứu trợ nhân đạo thông qua ngân hàng.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới theo sắc lệnh 13224 không bao gồm các điều khoản ngoại lệ và hướng dẫn của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cũng không phân định rõ quy trình để có thể tiến hành các giao dịch kiểu như vậy. Chính vì thế, các tổ chức tài chính nước ngoài đã cho ngừng các giao dịch liên quan đến hoạt động nhân đạo thông qua Ngân hàng Trung ương của Iran, vốn là một phần rất quan trọng trong hệ thống ngân hàng của Iran bởi tại quốc gia này, nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Thứ hai, Mạng lưới Thi hành Luật pháp về Tội phạm Tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã ra tuyên bố vào ngày 25/10 định danh Iran là “mối quan ngại hàng đầu về rửa tiền” theo Section 311, Đạo luật Yêu nước của Mỹ. Quan trọng hơn nữa là FinCEN cũng ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này, vốn đã được đề xuất từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhưng vẫn treo đó trong quá trình các bên liên quan đàm phán thỏa thuận hạt nhân 2015, JCPOA.

Phán quyết cuối cùng này sẽ buộc các ngân hàng Mỹ phải tăng cường kiểm soát khi giao dịch với các tổ chức tài chính nước ngoài có tài khoản của Iran. Và bởi để có thể kiểm soát như vậy lại phát sinh thêm chi phí nên hệ thống tài chính Mỹ nói chung và các ngân hàng nước ngoài đều chấm dứt hợp tác hay giao dịch với các tài khoản nghi ngờ nằm trọng diện bị đề cập ở Section 311.

Các tổ chức tài chính châu Âu cũng như nhiều cơ quan khác đều đóng hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các tài khoản của Iran nhằm tuân thủ quyết định của Mỹ, và cắt đứt hoàn toàn khả năng Iran có thể tiến hành các giao dịch tài chính, kể cả giao dịch hàng hóa cứu trợ thông qua các ngân hàng thương mại ngoài ngân hàng trung ương, hoặc thậm chí kể cả đối với công ty xuất khẩu của Iran có tài khoản ở nước ngoài.

Báo cáo của tổ chức Giám sát Nhân quyền ngày 29/10 đã miêu tả chi tiết những khó khăn do tình trạng thiếu thực phẩm và thuốc men ở Iran, mặc dù phía Mỹ vẫn khẳng định các lệnh trừng phạt của họ không nhằm vào các giao dịch liên quan tới cứu trợ nhân đạo. Và giờ các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Iran đang phải vật lộn bằng nhiều cách để có thể chuyển tiền và hàng hóa cứu trợ vào nước này.

Cũng giống như việc định danh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran là tổ chức khủng bố hồi tháng Tư, Section 311 của Mỹ lại khiến khả năng đàm phán giữa Mỹ và Iran trong tương lai thêm phần phức tạp. Giờ đây khi Bộ Tài chính Mỹ đã ra phán quyết cuối cùng, Iran sẽ phải tiến hành cải tổ rất nhiều, kể cả thông qua các dự luật từ lâu vẫn treo để tương thích với những quy tắc của tổ chức chống rửa tiền mang tên Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố nếu muốn FinCEN có thể đảo ngược các phán quyết của họ.

Điều đáng nói hơn nữa là kể cả khi phán quyết có được đảo ngược thì cũng vẫn không đủ sức thuyết phục để các tổ chức tài chính nước ngoài nhanh chóng cho phép mở ngay lại các tài khoản liên quan Iran và như vậy những lợi ích kinh tế mà Iran có thể được hưởng nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ cũng sẽ rất hạn chế.

Cơ hội cho Iran đang tới

Những động thái mới của Chính quyền Mỹ sẽ càng gây thêm khó khăn cho châu Âu trong việc xây dựng các cơ chế tài chính dành riêng cho các giao dịch cứu trợ nhân đạo kiểu như Cơ chế Hỗ trợ Trao đổi Thương mại (Instrument in Support of Trade Exchanges - INSTEX). Mà ngay cả cơ chế INSTEX cũng đã bị chính các quan chức Iran giáng cho một đòn khi họ tuyên bố sẽ không thông qua thêm bất kỳ luật nào nữa để phù hợp với các quy chế của INSTEX, mà đây lại là yêu cầu của phía các nước châu Âu đối với các nước muốn tham gia giao dịch qua cơ chế INSTEX. Dù thế nào thì hiện tại châu Âu cũng đã bắt đầu tiến hành giao dịch thông qua cơ chế INSTEX.

Iran vẫn còn thời gian từ nay đến giữa tháng 2/2020 để đáp ứng các tiêu chuẩn về chống rửa tiền và chống khủng bố của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (Financial Action Task Force - FATF). Nếu Iran không làm được như vậy thì FATF chắc chắn sẽ sẽ tiến hành các biện pháp đối phó đối với Iran, vốn được tạm ngưng kể từ năm 2016.

Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran sẽ vẫn tiếp tục chiến lược đáp trả, gây hấn của mình và rất có thể một số sự kiện lớn sắp diễn ra trong sáu tuần tới sẽ là cơ hội cho Iran tiến hành kế hoạch của mình. Đầu tiên là thời hạn 60 ngày lần thứ tư Iran đưa ra cho các nước châu Âu để họ có hành động bảo vệ lợi ích của Tehran trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA sẽ hết vào ngày 7/11 và khi đó Iran dự kiến sẽ tuyên bố giảm thêm một số cam kết của họ trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Hiện cũng có những đồn đoán của phe bảo thủ cho rằng Tehran có thể sẽ hạn chế Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, động thái cực đoan như vậy, nếu xảy ra, có thể khiến cả Mỹ và IAEA sẽ có những hành động đáp trả nặng tay, nhất là khi IAEA sắp có giám đốc mới “diều hâu” hơn nhiều kể từ tháng 12 tới.

Thay bằng hành động cực đoan, Iran có thể lựa chọn kiểu đối phó bớt hung hăng hơn bằng cách vẫn tiếp tục tiến hành lắp đặt thêm các máy quay ly tâm làm giàu urani nhưng cẩn trọng không để bị vượt quá ngưỡng làm giàu urani cho phép khiến các bên liên quan phải áp dụng quy trình giải quyết tranh chấp được quy định trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Quy trình giải quyết tranh chấp này, nếu khởi động, có thể khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp thêm lệnh trừng phạt đối với Iran mà Nga hay Trung Quốc cũng không thể phủ quyết được.

Có lẽ điều mà Mỹ, châu Âu và Saudi Arabia quan ngại hơn cả là Iran có thể sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia, hoặc các mục tiêu khác trong khu vực. Các cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ diễn ra trong tháng 12 hay sự kiện Công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco của Saudi Arabia bắt đầu niêm yết trên trên thị trường chứng khoán trong nước cũng vào tháng 12 có thể trở thành những cơ hội để Iran tấn công các cơ sở hạ tầng dầu khí trong khu vực.

Tất nhiên, Saudi Arabia và Mỹ đều đã tăng cường bảo vệ an ninh xung quanh các cơ sở này và một cuộc tấn công quy mô lớn như hồi tháng Chín khó có thể thực hiện trót lọt. Và các vụ tấn công Saudi Arabia của Iran cũng có thể khiến một số nước châu Âu lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn khi đàm phán về chương trình tên lửa của Iran. Tehran có thể cũng đã nhìn ra rằng những vụ tấn công lớn như đợt 14/9 vừa qua khiêu khích quá và nếu tiếp tục làm như vậy sẽ đẩy châu Âu lại gần hơn với Mỹ.

Tuy vậy, với việc Saudi Arabia đang trông chờ sự kiện niêm yết lần đầu chứng khoán trong nước của công ty Saudi Aramco và Mỹ vẫn tiếp tục áp các lệnh trừng phạt đối với Iran, nguy cơ một cuộc chiến leo thang vẫn hiện hữu. Và chính nguy cơ đó khiến cho không chỉ Saudi Arabia mà cả các láng giềng khác ở Trung Đông phải phấp phỏm lo ngại.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 12/11/2019 là 1 AUD = 0.685 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 12/11/2019 là 1 AUD = 15,889 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 31 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa, mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 27 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–19 độ.

Tại Brisbane, trời nắng nóng, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–33 độ.

Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–23 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, sáng sớm có mưa đá, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–18 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này