Chương trình Thời sự thứ Ba, 11/06/2019
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Úc ban hành bộ sưu tập đồng tiền xu kỷ niệm 50 năm ngày con người đặt chân lên mặt trăng
- Victoria: Tảo biển xanh lam xuất hiện dày đặc đe dọa đến sự an toàn của người dân và các loài động vật
- Tin Úc: Kinh tế Úc tăng trưởng chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Victoria: Trợ cấp $470,000 cho các chương trình phòng chống bạo lực gia đình trong cộng đồng gốc Phi
- Keysborough: Ấm lòng những chiếc bánh cupcake được bán để quyên tiền từ thiện
- Tin Úc: Trẻ biết song ngữ có nhận thức nhạy bén hơn trẻ chỉ biết một ngôn ngữ
- Victoria: Melbourne Central Shopping Centre có thể sẽ có thêm sân thượng thiết kế mở
- Việc chậm thanh toán nợ vay mua nhà gia tăng trong khi nợ hộ gia đình ở mức cao
- Melbourne: Xe bus sẽ thay thế xe tram thuộc tuyến số 86 đến ngày 15/6
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 10/6, cảnh sát Thụy Điển đã phải nổ súng, vô hiệu hóa một đối tượng có hành vi đe dọa tại ga tàu trung tâm Malmo, phía Nam Thụy Điển. Đối tượng là nam giới, bị thương chứ không thiệt mạng. Toàn bộ người dân ở ga Malmo lúc đó đã được sơ tán. Tàu đi và đến Malmo cũng đã được tạm hoãn. Cảnh sát Thụy Điển không giải thích cụ thể hành vi đe dọa của đối tượng trên là gì nhưng đội rà phá bom mìn vẫn được triển khai tới hiện trường. Vụ việc tiếp tục được điều tra về liên hệ với khủng bố.
IS đang mở rộng hoạt động tại các vùng núi hiểm trở ở Đông Bắc Afghanistan và tuyển mộ tân binh, âm mưu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào Mỹ và các nước phương Tây. Đây là lời cảnh báo được các quan chức an ninh Mỹ và Afghanistan đưa ra ngày 10/6. Các quan chức này cũng bày lỏ lo ngại nếu không có một chiến lược chống khủng bố mạnh mẽ, lực lượng IS tại Afghanistan có thể sẽ thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn tại Mỹ hoặc châu Âu vào năm 2020. Theo ước tính của các quan chức Afghanistan, hiện có tới 1.000 tay súng IS đang hoạt động ở 4 tỉnh Đông Bắc nước này.
Ngày 9/6, hơn 8.000 binh sĩ từ 18 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân thường niên có tên BALTOPS tại biển Baltic. Đây là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của khối quân sự này. Cuộc tập trận năm nay do quân đội Mỹ dẫn đầu, với mục tiêu thể hiện năng lực phòng thủ của NATO trước bất kỳ mối đe dọa nào, với sự tham gia của 8.000 binh sĩ, cùng 50 tàu và 40 máy bay đến từ 18 quốc gia thành viên NATO. Các kỹ năng được huấn luyện trong đợt tập trận này bao gồm: tìm, phá hủy ngư lôi, tàu ngầm, phòng không và đổ bộ. Theo người phát ngôn của NATO, cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ ai. Tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố việc NATO gia tăng tiềm lực quân sự sẽ phá hủy hệ thống an ninh hiện có trên thế giới và buộc Moscow phải có biện pháp trả đũa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm Iran trong tuần này. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh bất đồng giữa Iran và Mỹ ngày càng gia tăng. Nhật Bản hy vọng đóng vai trò trung gian, xoa dịu căng thẳng giữa hai nước. Thông báo về chuyến thăm Iran của ông Abe được Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đưa ra. Các quan chức chính quyền Nhật Bản cho biết Thủ tướng Abe sẽ không trình bày danh sách các kiến nghị với phía Tehran, hoặc cũng không chuyển đi thông điệp từ phía Washington, thay vào đó mong muốn duy trì lập trường rằng Nhật Bản là một bên trung gian hòa giải trung lập.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 10/6 bày tỏ quan ngại căng thẳng đang ngày một gia tăng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, sau khi Tehran tuyên bố có thể ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Phát biểu trong cuộc họp hàng quý của ban điều hành, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano tái khẳng định các cam kết liên quan đến hạt nhân mà Iran tuyên bố thực hiện theo JCPOA là một thành tựu quan trọng, đồng thời nhấn mạnh việc Tehran cần thực thi đầy đủ các cam kết liên quan đến hạt nhân được đưa ra trong JCPOA. Theo ông, các cường quốc cần tiếp tục đối thoại với Iran để duy trì JCPOA nhằm ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo sản xuất vũ khí hạt nhân.
Ngày 10/6, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tuyên bố, vùng lãnh thổ này sẽ không từ bỏ kế hoạch dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục. Tuyên bố này có thể sẽ càng thổi bùng thêm cơn giận dữ của những người biểu tình vốn lo ngại họ sẽ bị kẹt giữa hai hệ thống tư pháp hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, việc cho phép dẫn độ tội phạm là một cấu phần quan trọng của luật pháp Hong Kong, giúp duy trì công lý cũng như đảm bảo việc Hong Kong sẽ thực thi nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực chống tội phạm xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Người đứng đầu đặc khu Hong Kong đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh hơn 1 triệu người đã đổ xuống các tuyến phố trong ngày 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đại lục. Theo dự kiến, Hội đồng lập pháp Hong Kong sẽ tổ chức tranh luận từ ngày 12/6 tới về việc thông qua dự luật trên.
Ngày 10/6, cựu Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Virginia Ken Cuccinelli bắt đầu tiếp nhận vị trí quyền Giám đốc của Cơ quan Di trú và nhập tịch Mỹ (USCIS). Nguồn tin của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho biết khi tiếp nhận vị trí mới, ông Cuccinelli khẳng định sẽ cùng các nhân viên USCIS đảm bảo hệ thống nhập cư hợp pháp của Mỹ hoạt động hiệu quả, ngăn chặn các hành vi gian lận và bảo vệ người dân Mỹ. Tổng thống Trump đã bổ nhiệm ông Cuccinelli vào vị trí trên thay thế cho người tiền nhiệm Francis Cissna sau khi ông này bị buộc thôi việc tại USCIS hồi tháng trước. Tuy nhiên, việc phê chuẩn ông Cuccinelli vào cương vị mới sẽ không dễ dàng khi Tổng thống Trump dường như không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell.
Hàng ngàn người Venezuela đã tràn vào Colombia sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro quyết định cho mở lại các cửa khẩu biên giới với Colombia. Với việc mở cửa biên giới sau khoảng 4 tháng ngừng hoạt động, người dân Venezuela có thể sang Colombia mua thực phẩm, thuốc men. Tuy nhiên, chỉ người đi bộ mới được băng qua biên giới. Giới chức Venezuela cho biết, quyết định trên được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng rà soát kỹ lưỡng tình hình an ninh trật tự ở khu vực. Hồi tháng 2 vừa qua, Venezuela đã ra lệnh đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới với Colombia, với lý do tránh để các nước can thiệp vào tình hình nước này.
Hàng không là một trong những ngành âm thầm góp phần lớn gây ô nhiễm môi trường. Hiện ngành này đang chịu sức ép giảm phát thải từ các tổ chức môi trường và các khách hàng. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho rằng công nghệ hiện tại đang hạn chế nỗ lực giảm khí thải của ngành hàng không, tuy nhiên, toàn ngành cam kết giảm 50% lượng CO2 phát thải vào năm 2050, so với năm 2005. Hiện ở châu Âu đã xuất hiện nhiều phong trào kêu gọi sử dụng tàu điện, tàu hỏa thay vì máy bay để bảo vệ môi trường. Theo số liệu thống kê, chỉ riêng ngành hàng không đã đóng góp tới 2% lượng khí CO2 toàn cầu, ngang với cả 1 quốc gia công nghiệp phát triển.
Ngày 10/6, sau khi núi lửa Sinabung ở Sumatra phun cột khói cao ngút, giới chức Indonesia đã ra cảnh báo về những đợt núi lửa hoạt động trong tương lai. May mắn chưa có ai bị ảnh hưởng nhưng cư dân ở khu vực vẫn hoang mang trước dự báo của chính quyền. Tất cả được khuyến cáo nên ở trong nhà và mang khẩu trang hoạt tính khi ra đường. Từ năm 2010 tới nay, núi Sinabung ghi nhận những đợt hoạt động dày đặc. Trong vụ phun trào ngày 10/6, cột khói cao tới 7km, một vài dư chấn, rung lắc được ghi nhận.
Bộ Địa chính và Giao thông Hàn Quốc cho biết sáng 10/6, đường hầm Boryeong, đường hầm dưới đáy biển dài nhất tại Hàn Quốc, đã chính thức được thông xe hai chiều sau 7 năm khởi công xây dựng. Đường hầm Boryeong có tổng chiều dài 6,9km, được tách làm hai đường hầm riêng biệt phía trên và phía dưới, mỗi chiều hai làn xe. Đường hầm Boryeong dài hơn 1,5km so với đường hầm dưới biển Bukhang ở thành phố Incheon dài nhất trước đó và là đường hầm dưới biển dài thứ 5 trên thế giới.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/6 xác nhận Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cấm các đại sứ quán Mỹ treo cờ cầu vồng lục sắc của phong trào tự hào đồng tính trên cột cờ. "Quan điểm của Ngoại trưởng là vì đó là cột cờ nên chỉ quốc kỳ Mỹ mới được treo ở đó", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói. Tuy nhiên, Ortagus cũng nói rằng các nhà ngoại giao Mỹ ở nước ngoài được tự do treo cờ cầu vồng ở những nơi khác trong đại sứ quán trong tháng 6, tháng tự hào đồng tính. Năm nay đánh dấu lần thứ 50 cuộc nổi dậy Stonewall ở New York, khởi nguồn cho phong trào quyền của người đồng tính hiện đại. Pompeo, một người Kitô giáo, cho biết ông định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp giữa nam và nữ, nhưng cũng nói rằng ông tôn trọng các nhân viên bất kể xu hướng tình dục của họ.
Tin thể thao:
Kết quả vòng loại EURO 2020: Tây Ban Nha đại thắng
Tại bảng A, CH Czech đã đánh bại Montenegro với tỷ số 3-0 để leo lên vị trí thứ 2 trên BXH. Trong khi đó, Kosovo cũng leo lên vị trí thứ 3 sau khi thắng kịch tính Bulgaria với tỷ số 3-2. Dẫn đầu bảng vẫn là ĐT Anh với 2 chiến thắng sau 2 trận ra quân.
Ở bảng B, Ukraine vẫn duy trì được ngôi nhất bảng sau chiến thắng tối thiểu trước Luxembourg. Người hùng của họ trong trận đấu này là Roman Yaremchuk. Trong khi đó, Serbia vừa có chiến thắng 4-1 trước Lithuania. Tân binh của Real, Luka Jovic, ghi được 1 bàn trong trận đấu này. Với kết quả này, Serbia tạm vươn lên vị trí thứ 3, bằng điểm đội nhì bảng Luxembourg nhưng thua về hiệu số.
Tại bảng D, không có diễn biến gì bất ngờ khi hai đội được đánh giá cao hơn, Đan Mạch và Ireland đều có những chiến thắng dễ dàng trước Georgia và Gibraltar. Ireland và Đan Mạch cũng là hai đội đang dẫn đầu tại bảng đấu này.
Tâm điểm vừa qua diễn ra tại bảng F, gã khổng lồ Tây Ban Nha vẫn thể hiện sức mạnh tuyệt đối với chiến thắng vang dội 3-0 trước Thụy Điển. Sergio Ramos, Alvaro Morata và Mikel Oyarzabal là những người lập công cho La Roja. Với kết quả này, Tây Ban Nha đã có 12 điểm sau 4 trận đấu và duy trì được ngôi nhất bảng. Trong khi đó, Thụy Điển xếp ngay sau với 7 điểm có được.
Cuối cùng là diễn biến ở bảng G, Áo, Slovenia và Ba Lan đều có những chiến thắng đậm trước Macedonia, Latvia và Israel. Ba Lan đang là đội đầu bảng với 4 chiến thắng tuyệt đối sau 4 trận đấu. Israel dù thua nhưng vẫn đang xếp thứ 2 với 7 điểm.
Sao Man City đoạt giải xuất sắc nhất Nations League: Không phải Cristiano Ronaldo hay cầu thủ ghi bàn duy nhất trận đấu là Goncalo Guedes, Bernardo Silva mới là cầu thủ giành giải thưởng cá nhân cao quý nhất Nations League 2018/19. Cụ thể, tiền vệ Man City được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Real chờ ngày công bố Mendy: Theo tờ Marca, Real Madrid đã hoàn tất việc chiêu mộ hậu vệ Ferland Mendy từ Lyon. Giá của cầu thủ 24 tuổi này sẽ là 50 triệu euro. Tuy nhiên, họ chưa thể công bố hợp đồng với Mendy do anh còn đang bận đá vòng loại EURO 2020 cùng ĐT Pháp. Mới đây, HLV Didier Deschamps của Pháp cũng đã xác nhận chuyện Mendy sắp chuyển tới thi đấu cho gã khổng lồ Tây Ban Nha.
Chelsea có 6 ứng cử viên để thay Sarri: HLV Maurizio Sarri dự kiến sẽ sớm tới Juventus để ngồi vào chiếc ghế nóng tại sân Allianz thay cho Max Allegri. Trong bối cảnh đó, Chelsea buộc phải tìm một người thay cho chiến lược gia người Italy và họ đã có trong tay danh sách 6 ứng cử viên tiềm năng. Theo tờ Express, Frank Lampard, Erik ten Hag và Max Allegri là những lựa chọn hàng đầu trong danh sách này. Ngoài ba người đó, HLV của Wolves, Nuno Espirito Santo, HLV Watford, Javi Garcia, và trợ lý ĐT Anh Steve Holland cũng đang được nhắm tới. Chelsea đang bị cấm chuyển nhượng bởi FIFA và họ đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án trọng tài thể thao (CAS) với hy vọng trì hoãn lệnh cấm này.
MU lên phương án thay thế Pogba: MU đã tính phương án thay thế Paul Pogba trong trường hợp tiền vệ người Pháp rời Old Trafford Hè này. Pogba đang là mục tiêu theo đuổi của Real Madrid và Juventus. MU đòi giá là 150 triệu bảng. Real muốn đưa Bale vào hợp đồng để giảm chi phí tiền mặt. Juve sẵn sàng đưa Dybala, Alex Sandro, Douglas Costa vào hợp đồng cũng với mục đích tương tự. MU đang tính nhắm mua Christian Eriksen của Tottenham hoặc Youri Tielemans của Monaco để thay Pogba nếu họ không thể giữ chân tuyển thủ Pháp.
Nhà cái chọn Brazil là ứng viên vô địch Copa America số 1: Chỉ còn ít ngày nữa là Copa America 2019 diễn ra và theo đánh giá của các nhà cái uy tín, tuyển Brazil là ứng viên vô địch nặng kí nhất ở giải này. Thực tế thì Brazil mới 8 lần vô địch Copa America, kém xa hai đội giàu truyền thống nhất là Uruguay (15 lần) và Argentina (14 lần). Lần gần nhất Brazil vô địch Copa America cũng đã cách đây tới 12 năm (2007). Nhưng điều đó không ngăn cản các nhà cái coi Selecao là ứng viên vô địch số 1 ở giải năm nay. Tỷ lệ cược vô địch dành cho đội chủ nhà là 5/4 (đặt 4 ăn 5). Trong khi đó tỷ lệ tương ứng dành cho Argentina là 15/4, cho Uruguay là 7/1. Colombia là ứng viên nặng kí thứ 4 với tỷ lệ cược vô địch là 8/1 còn ĐKVĐ Chile đứng thứ 5 trong danh sách ứng viên với tỷ lệ cược vô địch là 11/1.
MU nhận tin vui từ Joao Felix: Theo tờ Metro, chủ tịch Benfica Luis Filipe Vieira đã thừa nhận rằng Joao Felix có thể rời CLB trong mùa Hè này trước sự quan tâm mạnh mẽ từ MU. Cầu thủ 19 tuổi vừa trải qua một mùa giải thành công. Anh đã ghi được 15 bàn và có 7 kiến tạo cho Benfica ở giải VĐQG Bồ Đào Nha. Hiện tại, Felix đang được MU, Man City và Real Madrid quan tâm và đang không muốn gia hạn thêm với Benfica. Nếu muốn chiêu mộ anh, các CLB này sẽ phải đáp ứng mức phí giải phóng hợp đồng 106 triệu bảng.
Man City chi 130 triệu bảng mua bộ đôi của Leicester: Trong bối cảnh Vincent Kompany đã ra đi để chuyển tới Anderlecht, Man City buộc phải tìm kiếm một trung vệ mới trong mùa Hè này. Theo tờ Express, HLV Pep Guardiola muốn đưa về bộ đôi của Leicester là Harry Maguire và Ben Chilwell. Man City đã gửi đề nghị 80 triệu bảng dành cho Maguire và 50 triệu bảng cho Chilwell. Nhưng đến lúc này, Leicester vẫn chưa trả lời đề nghị của Man City. HLV Brendan Rodgers đang quyết tâm xây dựng đội bóng của mình xung quanh 2 cầu thủ trên. Tuy nhiên, cái giá mà Man City đưa ra rất hấp dẫn và nó có thể khiến ông thay đổi suy nghĩ trong tương lai.
Một năm sau cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều: Tiến trình đàm phán vẫn bế tắc
Cách đây một năm, ngày 12/6/2018, sau rất nhiều nỗ lực, thiện chí, và cả sóng gió, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore, đã kết thúc tốt đẹp.
Cuộc gặp này là minh chứng cho thấy hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia từng có gần 7 thập kỷ đối địch đã vượt qua “phép thử” của lòng tin và cùng nhau tạo một “cú hích” cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như đảm bảo an ninh cho toàn khu vực Đông Bắc Á. Một năm sau cuộc gặp lần thứ nhất, dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã tiếp tục có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, song với những nghi kỵ còn tồn tại giữa hai bên, tiến trình đàm phán về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên hiện vẫn đang lâm vào thế bế tắc.
Hãy cùng nhìn lại các diễn biến liên quan một năm sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Singapore ngày 12/6/2018: Khoảnh khắc bước ngoặt Mỹ-Triều
Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump, cái bắt tay của nhà lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên chính là khoảnh khắc mà cả thế giới đã trông đợi từ rất lâu, được nhiều tờ báo lớn của khu vực và thế giới đánh giá là “khoảnh khắc bước ngoặt của chính trị Đông Á.”
Sau cuộc hội đàm tại Singapore vào ngày 12/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung. Bản tuyên bố chung lịch sử được Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un ký kết khi kết thúc cuộc gặp chỉ dài hơn một trang giấy nhưng đã phản ánh đúng những điều như ông Trump khẳng định rằng đây là văn kiện “tốt đẹp và toàn diện.”
Văn kiện này bao gồm 4 điểm chính:
Một là Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.
Hai là Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng tham gia các nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Ba là tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom được đưa ra ngày 27-4-2018, Triều Tiên cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Bốn là Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm hài cốt tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA) và sẽ lập tức đưa những những bộ hài cốt đã được nhận dạng về nước.
Vào thời điểm cách đây một năm, cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Singapore đã được xem là một “cú hích” vô cùng quan trọng và quý giá cho các bước đi tiếp theo trên con đường bảo đảm an ninh khu vực, thiết lập hòa bình lâu dài cũng như thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên. Các nhà phân tích khẳng định tinh thần nổi bật nhất toát lên trong toàn bộ cuộc gặp lịch sử ngày 12/6/2018 là việc hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia đối địch đã trao gửi lòng tin cho nhau.
Hà Nội ngày 27 và 28/2/2019: Tạo đà giải quyết mâu thuẫn
Những gì hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại cuộc gặp đầu tiên ở Singapore đã trở thành tiền đề quan trọng để 8 tháng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp nhau lần thứ 2 (vào ngày 27 và 28/2/2019 tại Hà Nội). Trong vòng 8 tháng đó, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã thực hiện một số bước đi, tạo đà cho nỗ lực giải quyết những mâu thuẫn dai dẳng nhiều thập niên.
Về phía Triều Tiên, nước này đã phá hủy một số đường hầm và cơ sở ở địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế; tháo gỡ một số cơ sở ở trung tâm phóng vệ tinh Sohae. Đặc biệt, phía Mỹ cũng ghi nhận Triều Tiên đã không tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa nào nữa, đồng thời cam kết tháo dỡ các cơ sở làm giàu plutoni và urani.
Về phía Mỹ, sau cuộc gặp lần đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp lại bằng tuyên bố hủy, hoãn hoặc giảm quy mô nhiều cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn từ trước đến nay luôn bị Bình Nhưỡng chỉ trích là nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Triều Tiên...
Tuy nhiên, những bước đi trên được đánh giá chủ yếu mang tính xây dựng lòng tin, chưa đủ mạnh để phá vỡ bế tắc liên quan đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn và Mỹ phải giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với nước này, thì Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, với việc làm đầu tiên là Triều Tiên phải bàn giao bản danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận.
Trong bối cảnh đó, cả hai nước đều đã hy vọng sẽ có những “đột phá mới” tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội. Và cho dù được kỳ vọng rất nhiều, nhưng điều đáng tiếc là hội nghị này đã không ra được Tuyên bố chung và hai bên cũng không ký kết bất kỳ văn bản nào.
Kết quả duy nhất của hội nghị lần hai chỉ là việc Tổng thống Mỹ Trump cam kết rằng Washington sẽ không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un thì khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Kết quả duy nhất này được dư luận đánh giá là mới chỉ giúp hai bên hiểu nhau hơn và giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách khác biệt về cách thức giải quyết các vấn đề then chốt trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Cũng kể từ sau hội nghị lần 2 tại Hà Nội, tiến trình đàm phán giữa hai nước đã bị rơi vào bế tắc do Mỹ và Triều Tiên liên tục thể hiện quan điểm bất đồng về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mỹ vẫn hối thúc từ bỏ vũ khí sát thương hàng loạt, còn Triều Tiên thì giữ vững lập trường giải quyết vấn đề theo từng bước một.
Có thể thấy rõ, kể từ sau cuộc gặp lần hai, thông điệp mà Mỹ đưa ra là cánh cửa đàm phán luôn để ngỏ nếu Triều Tiên có thiện chí, nhưng “thiện chí” mà Mỹ muốn, là Triều Tiên phải tuân thủ những cam kết trong việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, thông điệp từ phía Triều Tiên cũng được cho là rất rõ ràng: duy trì đối thoại tích cực, tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới để “mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” là ưu tiên, nhưng phải luôn kèm điều kiện “có đi có lại.”
Con đường phi hạt nhân hóa: Đòi hỏi nỗ lực từ hai phía
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đang bị đình trệ, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, Triều Tiên đã nhiều lần thể hiện sự “bất mãn” của mình với Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt ra một thời hạn chót là đến cuối năm nay Mỹ phải thay đổi yêu sách trong đàm phán phi hạt nhân hóa với nước này. Song song với đó, Triều Tiên đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông, như vụ thử vũ khí mới ngày 18/4/2019, hay vụ phóng các vật thể bay về phía biển Nhật Bản từ ngày 4 đến 9/5/2019...
Giới phân tích nhận định đây là những động thái cứng rắn, nhưng được xem như là bước đi chiến thuật của Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay.
Một mặt, đây là cách Triều Tiên gây sức ép đối với Mỹ nhằm hối thúc Mỹ phải có hành động cụ thể trong vấn đề đàm phán hạt nhân. Với mục tiêu này, các hành động quân sự của Triều Tiên chỉ là một phần, bên cạnh đó Triều Tiên còn gây sức ép ngoại giao khi nước này còn củng cố mối quan hệ và phối hợp hành động với các nước như Nga hay Trung Quốc.
Mặt khác, đằng sau những vụ thử vũ khí mới đã được lên kế hoạch của Triều Tiên này còn cho thấy một thông điệp rằng Triều Tiên có đủ tiềm lực quân sự mạnh mẽ, đủ khả năng để đương đầu với các mối đe dọa từ bên ngoài ngay cả khi tiếp tục đàm phán với Washington về vũ khí hạt nhân.
Thời gian gần đây, Triều Tiên tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ “không bao giờ được nối lại” nếu Mỹ không chấm dứt “những hành động thù địch” và yêu sách đòi Triều Tiên phải “đơn phương” từ bỏ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên hối thúc Mỹ đưa ra cách thức mới để phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân.
Ngay trước thềm kỷ niệm 1 năm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, ngày 4/6/2019, Triều Tiên tiếp tục hối thúc Mỹ từ bỏ “sự tính toán hiện nay” và đưa ra đề xuất mới để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ Mỹ nên nghĩ tới “lựa chọn chiến lược đúng đắn” để duy trì các thỏa thuận mà hai bên đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên vào tháng 6/2018, trước khi quá muộn. Theo người phát ngôn, Mỹ nên thay đổi phương thức tính toán và đáp ứng đề nghị của Triều Tiên sớm nhất có thể, bởi sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng là có giới hạn.
Đáp lại những lời cảnh báo của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lập trường kiên định về Tuyên bố chung đã ký giữa lãnh đạo hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo này. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này luôn sẵn sàng cho một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Triều Tiên để thúc đẩy tiến trình này.
Cho đến nay, những tiến bộ ít ỏi trong đàm phán Mỹ-Triều còn đang gây trở ngại cho cả mối quan hệ liên Triều, làm đình trệ các dự án hợp tác xuyên biên giới quan trọng trong nhiều tháng. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đang thể hiện vai trò tích cực nhằm phá vỡ bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa phản hồi về đề xuất đối thoại này.
Ngày 9/6/2019, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố đã đến lúc phải hành động nhằm tạo bầu không khí tích cực cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo. Theo Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yoen-chul, đối với chính quyền Hàn Quốc, giờ là lúc phải nỗ lực hết sức để nối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào thời điểm sớm nhất. Điều quan trọng là Mỹ và Triều Tiên phải có một cuộc gặp thượng đỉnh khác sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.
Chưa rõ liệu Mỹ và Triều Tiên có vượt qua được những rào cản để đi đến được một thỏa thuận cuối cùng hay không. Dù còn nhiều bất đồng thì nhìn chung, các nhà phân tích đều nhận định rằng nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ tìm kiếm một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 trong năm nay. Nhưng để tiến tới một hội nghị thượng đỉnh thứ 3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên như dư luận mong đợi, chắc chắn còn rất nhiều rào cản và thách thức.
Rõ ràng, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là một vấn đề nan giải mà bất đồng cơ bản nhất của Mỹ và Triều Tiên là cách tiếp cận đối với việc phi hạt nhân hóa của mỗi bên. Tuy nhiên, chừng nào hai bên vẫn duy trì thiện chí đối thoại và hai nhà lãnh đạo tiếp tục “giữ cái đầu lạnh” để giải quyết bất đồng, thì tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Cơ hội cho các cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo nhằm tiến tới một thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên và giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vẫn còn ở phía trước.
Và vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử đầu tiên (vào tháng 6/2018) và cuộc gặp thứ hai ở Hà Nội (vào tháng 2/2019) vẫn được xem là minh chứng cho sự đúng đắn của cách tiếp cận mang tính xây dựng, đó là “đối thoại” thay cho “đối đầu”.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 11/06/2019 là 1 AUD = 0.696 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 11/06/2019 là 1 AUD = 16,257 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, mây thay đổi, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 30 đến 39 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 16 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 24 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 23 độ.
Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa, gió di chuyển với vận tốc từ 15-45km/h. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 17 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào