Chương trình Thời sự thứ Ba, 10/12/2019
Tin nước Úc:
- Melbourne: Hàng trăm người diễu hành yêu cầu khôi phục an toàn cho phụ nữ ở nơi công cộng
- NSW: Quan ngại tro từ các đám cháy rừng có thể làm ô nhiễm nguồn nước uống của người dân
- Victoria: Một nghị sĩ sắp rời chính trường kêu gọi tăng số lượng thành viên nữ của đảng Tự do
- Tổ chức Homes for Homes mở rộng sáng kiến hỗ trợ xây nhà giá rẻ cho người nghèo
- Tin Úc: Tiền điện của các hộ gia đình có thể sẽ giảm trung bình $97 trong ba năm tới
- Tin Úc: Một phần tư người Úc bị phân biệt đối xử hàng tuần
- Tin Úc: Người tiêu dùng vẫn đang tỏ ra thận trọng trong chi tiêu
- Victoria: 100 ngôi nhà mới xây cho người nghèo trong Chương trình Phát triển Nhà cho thuê Mới
- Tin vắn
Tin thế giới:
Quân đội Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính quy mô lớn mang tên Yama Sakura. Cuộc tập trận với sự tham gia của khoảng 1.600 binh sỹ Mỹ và 5.000 quân nhân Nhật Bản kéo dài 8 ngày bắt đầu từ ngày 9/12 tại căn cứ lục quân Asaka của Các lực lượng phòng vệ Mỹ ở Tokyo. Với sự trợ giúp của các chương trình mô phỏng này, quân đội Mỹ và Nhật Bản có thể kiểm tra sự phối hợp tác chiến để đáp trả các vụ tấn công giả định của lực lượng lính thủy đánh bộ, tiến hành hoạt động tấn công không gian mạng, hoạt động của sóng điện từ. Cuộc tập trận Yama Sakura giữa Mỹ và Nhật Bản đã được tổ chức thường niên từ năm 1982. Hoạt động này huy động binh sỹ thuộc các lĩnh vực quân sự khác nhau, bao gồm cả trinh sát, quân y và hậu cần.
Doanh số bán vũ khí trên thị trường thế giới đã tăng gần 5%, trong đó Mỹ là quốc gia đóng vai trò chủ đạo. Con số này được Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm công bố hôm 9/12. Báo cáo nêu rõ: doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đã lên đến 420 tỷ USD. Riêng Mỹ chiếm hơn một nửa thị trường. Các doanh nghiệp Mỹ đã và đang được hưởng lợi/ từ quyết định của Tổng thống Donald Trump trong hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nhằm củng cố vị trí của nước này trước Trung Quốc và Nga. Nga hiện là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất vũ khí. Tiếp theo là Anh và Pháp.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 9/12 cho biết: Tokyo đang thảo luận về chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong tháng này. Đây là một nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Theo báo chí Nhật Bản, chuyến thăm của Tổng thống Iran có thể sẽ diễn ra vào ngày 20 - 21/12 tới. Trong cuộc gặp với Tổng thống Iran lần này, Thủ tướng Shinzo Abe dự định: thực hiện mọi nỗ lực để thúc đẩy hoà bình tại Trung Đông. Trước đó, ông Abe đã thăm chính thức Iran vào tháng 7 với vai trò trung gian hoà giải, nhằm đưa Iran và Mỹ trở lại bàn đàm phán hạt nhân.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên đường thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của Nga tới Washington kể từ năm 2017. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến tiếp đón người đồng cấp Nga trong ngày 10/12. Hai Ngoại trưởng Nga, Mỹ dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ song phương như: tình hình Ukraine, Syria hay kiểm soát vũ khí. Hiện chưa rõ, trong chuyến thăm này có diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga với Tổng thống Mỹ hay không.
Giới chức Iran tuyên bố, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ sớm công bố 50 thành tựu hạt nhân trong bối cảnh Tehran đang chịu sức ép ngày càng lớn của Mỹ và phương Tây. Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Asghar Zarean cho biết, trong tổng cộng 50 thành tựu hạt nhân mà Iran sắp công bố, có 15 thành tựu hạt nhân thuộc mảng máy ly tâm, nhà máy điện hạt nhân, nước nặng thế hệ mới. Cuộc trưng bày này sẽ cho thấy một phần nhỏ các thành tựu hạt nhân nổi bật mà những kỹ sư nội địa thực hiện được. Từ tháng 7, Iran bắt đầu cắt giảm cam kết thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1 năm 2015, sau khi Chính phủ của ông Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt lên Iran hồi năm 2018. Động thái này của Iran nhằm tạo áp lực lên các nước châu Âu cùng ký thỏa thuận phải giúp đỡ mình đối phó với những lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sáng 10/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp song phương đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy đang diễn ra tại Paris, Pháp. Trả lời báo giới sau đó, Tổng thống Nga Putin cho biết ông hài lòng với kết quả các cuộc gặp, đồng thời đánh giá cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine diễn ra “tốt đẹp và hiệu quả.” Hiện chưa có thông báo chính thức về nội dung và kết quả cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine. Trước đó, ông Putin và ông Zelensky cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc họp kéo dài 2 tiếng 20 phút trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ Normandy. Hội nghị sau đó được tiếp tục dưới hình thức “ăn tối làm việc” sau cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Nga và Ukraine. Dự kiến, sau khi kết thúc hội nghị, nhóm Bộ tứ Normandy sẽ ra tuyên bố chung.
Ngày 9/12, Bộ Ngoại giao Iraq đã triệu 4 đại diện ngoại giao của các nước phương Tây vì "sự can thiệp không thể chấp nhận được của họ vào công việc nội bộ của Iraq." Các Đại sứ của Đức, Anh, Pháp, Canada đã được Bộ Ngoại giao Iraq triệu tập để phản đối về các phát biểu của họ sau một cuộc tấn công xảy ra tại Baghdad cuối tuần qua, khiến khoảng 20 người biểu tình chống chính phủ và 4 cảnh sát thiệt mạng. Trước đó, hôm 8/12, Tổng thống Iraq Barham Saleh đã gặp Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại nước này, bà Jeanine Hennis-Plasschaert, trong đó ông đã xác nhận trách nhiệm của chính quyền Iraq trong việc bảo vệ những người biểu tình ôn hòa.
AFP đưa tin ngày 9/12, Triều Tiên đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump "lừa gạt" và gọi nhà lãnh đạo này là một ông già thiếu kiên nhẫn," khi Bình Nhưỡng tăng cường sức ép với Washington liên quan đến đàm phán hạt nhân bị đình trệ. Ông Kim Yong-chol, nguyên đặc phái viên đàm phán hạt nhân Triều Tiên và hiện là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình châu Á-Thái Bình Dương của Triều Tiên, đã chỉ trích "cách diễn đạt và ngôn từ lạc lõng" của Tổng thống Trump, nói về ông như một "ông già lơ đãng và hay thay đổi." Hôm 8/12 vừa qua, Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên "sẽ phải ngạc nhiên nếu tiếp tục các hành vi thù địch." Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thông báo thực hiện thành công một vụ thử "rất quan trọng" tại bãi phóng vệ tinh Sohae, làm gia tăng lo ngại Bình Nhưỡng có khả năng tái khởi động hoạt động thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trước đó ít ngày, nhà lãnh đạo Mỹ từng để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống Triều Tiên trong trường hợp cần thiết.
Ngày 9/12, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết nước này sẵn sàng tổ chức thêm các cuộc trao đổi tù nhân với Mỹ, đồng thời nhắc lại lập trường của giới lãnh đạo Iran rằng sẽ không có các cuộc đàm phán khác giữa Tehran và Washington. Đây là lần đầu ông Ali Rabiei đưa ra phát biểu sau cuộc trao đổi tù nhân diễn ra cuối tuần qua, trong đó Iran phóng thích một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa tên là Xiyue Wang - bị Tehran bắt giữ từ năm 2017 và tuyên án 10 năm tù về tội hoạt động gián điệp. Đổi lại, Mỹ đã trả tự do cho Giáo sư người Iran Massoud Soleimani - người bị buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran thông qua việc tìm cách chuyển nguyên liệu sinh học về Iran.
Núi lửa Đảo Trắng (White Island) của New Zealand đã bất ngờ phun trào trong sáng 9/12, tạo ra cột khói bụi lớn và đẩy nhiều tro bụi vào không khí. Vụ phun trào xảy ra tại khu vực cách North Island khoảng 50km về phía Đông. Cơ quan Quản lý cứu trợ quốc gia New Zealand cho biết, vụ phun trào ở mức độ vừa phải nhưng cũng đủ để gây nguy hiểm cho khu vực lân cận. Cảnh sát cho biết đang khẩn trương ứng phó vụ việc, tìm kiếm người mất tích, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trực thăng cứu hộ đã được điều động tới đảo. Theo giới chức địa phương, có một vài người bị thương, trong khi bệnh viện St John cho biết đã tiếp nhận tới 20 người bị thương và con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, có khoảng 100 du khách đang ở trên hoặc quanh núi lửa White Island vào thời điểm núi lửa này "thức giấc".
Các nhà khoa học sẽ mở một trang trại đầu tiên nhằm mục đích nghiên cứu sự phân hủy của thi thể con người trong môi trường tự nhiên. Trang trại này nằm tại ở thành phố Becancour, tỉnh Quebec, Đông Nam Canada. Tất cả các thi thể sẽ được phơi bày trong môi trường tự nhiên như vùi trong phần mộ khá nông hay để trong xe hơi hoặc để ngay trên mặt đất ngoài trời. Các nhà khoa học hàng ngày sẽ tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ để tìm hiểu quá trình phân hủy của thi thể trong các tình trạng khác nhau. Những thông tin mà các nhà khoa học thu hoạch được tại phòng thí nghiệm ngoài trời này sẽ được chuyển cho cảnh sát. Nghiên cứu sẽ giúp cải tiến và tăng cường độ chính xác của các phương pháp tìm kiếm, xác định danh tính cũng như ước đoán được thời điểm qua đời của nạn nhân.
Các nhà chức trách Indonesia đã bắt giữ 5 nghi phạm săn trộm cặp hổ Sumatra đang mang thai và tịch thu 4 bào thai hổ được bảo quản trong lọ kín. Các nghi phạm gồm 4 người đàn ông và 1 phụ nữ đã bị bắt giữ trong các cuộc vây bắt riêng lẻ tại hai ngôi làng thuộc quận Pelalawan, trên đảo Sumatra của Indonesia. Các nghi phạm có thể bị kết án tối đa 5 năm tù giam và nộp phạt 100 triệu Rupiah (tương đương 7.100 USD). Hiện nay, tính mạng loài hổ Sumatra đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, hổ Sumatra được xếp vào loài động vật cực kỳ nguy cấp. Từ 1.000 con hổ Sumatra trong thập niên 1970, ngày nay quần thể này chỉ còn khoảng 400 con do nạn phá rừng và săn trộm.
Tin thể thao:
West Ham - Arsenal, vòng 16 Ngoại hạng Anh: West Ham khởi đầu khá tốt và dù hai bên không có nhiều cơ hội trong những phút đầu, khi cơ hội đến West Ham đã tận dụng thành công. Phút 38, West Ham ghi bàn mở tỉ số nhờ công của Ogbonna. Tuy nhiên, một màn ngược dòng 9 phút với 3 bàn thắng đã diễn ra trong hiệp 2 khi lần lượt Martinelli 60', Pepe 66', Aubameyang 69' đã làm thủng lưới khug thành West Ham. Thắng 3-1, Arsenal tạm đứng thứ 9 với 22 điểm trong khi West Ham đứng thứ 16 hiện chỉ hơn nhóm xuống hạng có 1 điểm.
Tottenham – Mourinho muốn có Erling Haaland. Theo nhà báo Alfredo Pedulla, Tottenham đang rất quan tâm tới chân sút người Na Uy Erling Haaland của Salzburg, người đang bùng nổ mùa giải này ở cả giải VĐQG Áo lẫn Champions League. Nguồn tin cho biết sự quan tâm này chủ yếu đến từ cá nhân Mourinho, người muốn có một tiền đạo có chiều cao vượt trội để đá bên cạnh Harry Kane. Ngoài Haaland, Mourinho cũng đang để ý đến trung phong Edin Dzeko. Dzeko từng là mục tiêu của HLV Mourinho khi ông còn làm việc ở MU.
Barcelona tính chuyện chia tay Valverde. Hiện tại, HLV Ernesto Valverde vẫn còn hợp đồng với Barcelona tới năm 2021. Tuy nhiên, Chủ tịch của Barcelona, ông Josep Maria Bartomeu cho biết nhà cầm quân này có thể ra đi vào cuối mùa giải. Nếu Barca vẫn thất bại trong nhiệm vụ chinh phục Champions League, thì rất khó để HLV Valverde có thể tại vị đến mùa sau.
Chelsea thanh lý cầu thủ. Theo nguồn tin của Daily Mail, CLB Watford đã dạm hỏi và muốn có sự phục vụ của tiền đạo Pedro Rodriguez trong tháng 1 tới. Ngôi sao người Tây Ban Nha hiện không có cơ hội ra sân thường xuyên ở Chelsea dưới triều đại HLV Frank Lampard. Trong khi đó, vào tháng 1 tới thì Chelsea đã có thể mua sắm cầu thủ trở lại.
Pep Guardiola vẫn muốn đua Ngoại hạng Anh. Mặc dù đang thất thế ở cuộc đua vô địch Premier League và có khả năng không thể bảo vệ ngai vàng nhưng HLV Pep Guardiola khẳng định, Man City không vì thế mà ưu tiên hơn cho đấu trường Champions League. Sau vòng 16, Man City đã bị Liverpool gia tăng khoảng cách lên 14 điểm.
Ole Gunnar Solskjaer được đảm bảo tương lai ở MU: Theo truyền thông Anh, ban lãnh đạo MU mới rồi đã trấn an Ole Gunnar Solskjaer rằng tương lai của ông tại Old Trafford được đảm bảo mà không phụ thuộc vào chuyện MU kết thúc mùa này như thế nào. Ngoài ra, Phó Chủ tịch điều hành ED Woodward cũng cam kết sẽ cố gắng đáp ứng các nhu cầu mua sắm của HLV người Na Uy. Ole vừa cùng MU thắng hai trận quan trọng liên tiếp trước Tottenham và Man City. Hiện Quỷ Đỏ đã lên thứ 5 trên BXH, cách vị trí dự Champions League 5 điểm. Ông đang nhắm đến 2 mục tiêu chuyển nhượng là tiền vệ Niguez Saul của Atletico Madrid và tiền đạo Erling Haaland của Salzburg.
Chelsea tiếp cận Timo Werner. Theo Daily Mail, sau khi được giảm án phạt chuyển nhượng để mua cầu thủ luôn trong đầu năm 2020, Chelsea sẽ nhắm tới tiền đạo Timo Werner của Leipzig. Lý do là bởi HLV Frank Lampard không hài lòng với thể hiện của Olivier Giroud và Michy Batshuayi, và ông muốn bổ sung thêm một tiền đạo nữa để cạnh tranh với Tammy Abraham hay thậm chí đá 2 tiền đạo nếu muốn.
Everton mời chào Emery. HLV Unai Emery sau khi bị Arsenal sa thải lại có cơ hội trở lại dẫn dắt một CLB Premier League khi nhận được lời mời từ Everton. Sky Sports cho hay Everton sau khi đuổi việc Marco Silva không có ý định dùng Duncan Ferguson làm HLV chính thức, và một cuộc gặp giữa đại diện của Everton với Emery vừa diễn ra ở London nhưng chưa có kết quả do Emery muốn suy nghĩ kỹ.
Barca và Juventus đàm phán về Rakitic. Theo tờ Tuttosport, Juventus và Barcelona đang thảo luận về một thương vụ trao đổi cầu thủ mà theo đó Juve sẽ đón Ivan Rakitic về CLB trong khi Barca nhận 2 trung vệ Demiral và Rugani. Được biết Barca cũng quan tâm tới cầu thủ chạy cánh Federico Bernardeschi.
Chấn động World Cup 2022: World Cup 2022 đã xác định đội tuyển đầu tiên bị cấm tham dự vì lệnh cấm doping. Thể thao Nga sẽ bị cấm tham dự mọi sự kiện quốc tế trong 4 năm từ 2019 tới 2023, lệnh cấm được ban ra bởi Tổ chức chống Doping thế giới WADA. Điều này có nghĩa các sự kiện thể thao quốc tế trong 4 năm sẽ không được giương cờ Nga và phát quốc ca Nga, bao gồm Olympic 2020 và World Cup 2022. Lệnh cấm này xuất phát từ một quá trình điều tra kéo dài của WADA với nạn doping tại Nga. Không những việc sử dụng doping tại quốc gia này lan tràn mà còn có bằng chứng cho thấy nó được bảo trợ trực tiếp bởi chính phủ Nga. Điều này đã dẫn đến một loạt lệnh cấm với nhiều môn thể thao từ năm 2015, nhưng giờ nó được áp dụng cho tất cả, bao gồm bóng đá. Lệnh cấm được áp dụng cho World Cup 2022 và đã được FIFA xác nhận, nhưng ĐT bóng đá Nga vẫn sẽ không bị cấm dự Euro 2020, do giải đấu này chỉ ở cấp độ châu lục.
Lượng khí thải thế giới 2019 tăng khủng khiếp, phá vỡ mức kỷ lục 2018
Khí thải toàn cầu năm 2019 được dự báo sẽ đạt mức 36,8 tỷ tấn carbon dioxide (CO2), lập nên một kỷ lục cao mới. Kết quả đáng ngại trên cho thấy lượng khí thải đã tăng 62% kể từ khi quốc tế bắt đầu các cuộc đàm phán về khí hậu vào năm 1990 để giải quyết vấn đề này.
Các con số trên được cung cấp trong Dự án Carbon Toàn cầu được công bố mới đây (vào ngày 4/12/2019). Đào sâu vào các con số này thì thấy có một chút điểm sáng. Mặc dù tổng khí carbon thải ra tiếp tục tăng, tốc độ gia tăng đã thấp đi 2/3 so với hai năm trước. Động lực cho sự gia tăng chậm này là sự cắt giảm lượng khí phát thải do đốt than, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, trong khi năng lượng tái tạo được dùng ngày càng nhiều trên thế giới. Tuy nhiên sự suy giảm này lại bắt nguồn từ một điều không hay cho lắm... là nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Một mối quan ngại lớn khác là xu hướng gia tăng khí thải từ dầu mỏ và khí tự nhiên.
Than vẫn ngự trị nhưng vị trí đã suy yếu nhiều
Việc đốt than vẫn là nguyên nhân chính tạo ra khí thải CO2. Than chịu trách nhiệm về 40% tất cả các khí thải từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2018, kế đó là dầu mỏ (34%), và khí tự nhiên (20%). Khí thải từ than đạt đến cấp độ cao nhất vào năm 2012 và vẫn cao gần bằng ngưỡng này kể từ năm đó. Khí thải từ than đã giảm trung bình 0,5% trong 5 năm qua cho tới năm 2018. Năm 2019, dự báo khí CO2 từ than trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 9,9%. Sự suy giảm này có được là nhờ mức giảm thải 10% ở cả Mỹ và Liên minh châu Âu và mức tăng yếu ở Trung Quốc (0,8%) và Ấn Độ (2%).
Mỹ đã công bố đóng cửa hơn 500 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trong thập kỷ qua, trong khi ngành điện nước Anh đã giảm việc sản xuất điện dựa vào than từ mức 40% vào năm 2012 xuống 5% vào năm 2018. Hiện nay khí thải từ than có tăng nữa hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ sử dụng than ở Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên khả năng tăng mạnh trở lại là không cao.
Mối nguy hiểm mới: Sử dụng dầu và khí tự nhiên tăng mạnh
Khí thải CO2 từ dầu mỏ và khí tự nhiên đã tăng đặc biệt mạnh trong nhiều thập kỷ và không có dấu hiệu suy giảm. Giữa 2 sản phẩm này có một chút khác biệt. Khí thải từ dầu đã tăng tương đối ổn định trong thập kỷ qua, ở mức 1,4% một năm, còn khí thải từ khí tự nhiên đã tăng nhanh gần như gấp đôi, với tốc độ 2,4% một năm và được ước tính sẽ tăng lên mức 2,6% vào cuối năm 2019. Khí tự nhiên là nhân tố lớn nhất đóng góp vào sự tăng phát thải khí CO2 toàn cầu năm nay (2019).
Sự gia tăng mức độ tiêu thụ khí tự nhiên là do nhiều nguyên nhân. Các phương pháp mới, “phi thông thường” trong khai thác khí tự nhiên ở Mỹ đã làm gia tăng sản lượng. Sự gia tăng này đã thay thế một phần cho nguồn than dùng để sản xuất điện. Ở Nhật Bản, khí tự nhiên đang lấp vào khoảng trống do điện hạt nhân tạo ra sau thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima. Ở phần lớn các khu vực còn lại của thế giới, năng lực mới về khí tự nhiên đang chủ yếu đáp ứng nhu cầu mới về năng lượng.
Mặt khác, khí thải từ dầu lại xuất phát phần lớn từ khu vực vận tải đang tăng trưởng nhanh chóng. Điều này đang gia tăng cả trên bộ, trên biển và trên không, nhưng chủ yếu là do phương tiện vận tải trên bộ.
Ở Australia, phát thải do các nguồn than đá đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua nhưng phát thải từ dầu và khí tự nhiên đã gia tăng nhanh chóng và lại làm tăng tốc độ tăng khí thải CO2 hóa thạch tổng thể của nước này.
Cháy rừng vẫn nặng nề và gây họa lớn
Ước tính sơ bộ cho năm 2019 cho thấy khí thải toàn cầu bắt nguồn từ nạn phá rừng, hỏa hoạn và các thay đổi khác trong sử dụng đất đai đã đạt tới mức 6 tỷ tấn CO2, cao hơn mức 0,8 tỷ tấn của năm 2018. Mức phát thải tăng thêm phần lớn là do hoạt động phá rừng và hỏa hoạn gia tăng ở vùng Amazon và Đông Nam Á.
Mức độ mất rừng tăng nhanh trong năm 2019 không chỉ dẫn tới việc phát thải cao hơn mà còn giảm năng lực của thảm thực vật trong việc hấp thụ CO2 trong khí quyển. Điều này thực sự đáng lo ngại vì các đại dương và cây cối hấp thụ khoảng một nửa trong tổng số tất cả khí thải CO2 phát ra từ hoạt động của con người. Đây là một trong những tấm áo giáp hiệu quả nhất của loài người trước mức độ tập trung CO2 cao hơn trong khí quyển và cần phải được bảo vệ.
Tấm áo giáp đại dương khó quản lý nhưng tấm áo giáp trên bộ thì có thể bảo vệ một cách tích cực bằng việc ngăn chặn nạn phá rừng và suy giảm rừng cũng như được cải thiện thông qu hoạt động trồng rừng và khôi phục hệ sinh thái.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 10/12/2019 là 1 AUD = 0.682 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 10/12/2019 là 1 AUD = 15,829 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 23 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–27 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, trong ngày có mưa rào ở khu vực phía Tây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–33 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, có sương mù ở khu vực phía Tây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–24 độ.
Tại Melbourne, buổi sáng trời nhiều mây, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–20 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào