Chương trình Thời sự thứ Ba, 10/03/2020

Cẩm Nhung | 10/03/2020 | 554 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Một ngôi trường tư thục danh giá phải đóng cửa do có giáo viên nhiễm virus SARS-CoV-2

- Tin Úc: Virus SARS-CoV-2 sẽ gây tổn thất một tỷ đô la cho người dân Úc

- Tin Úc: Chặng đường phát triển vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2 vẫn còn ít nhất một năm nữa

- Melbourne: Nhà hàng Việt Nam Tho Tho’s đóng cửa trong mùa dịch bệnh

- Victoria: Các dịch vụ xe bus mới sẽ hỗ trợ đi lại dễ dàng hơn cho người dân

- Melbourne: Cảnh báo về các loại nấm độc mọc lên ở khắp nơi

- Melbourne: Phát hiện chiếc xe đạp cho thuê Jump đầu tiên bị ném xuống ao

- Victoria: Chính quyền bang đưa ra luật mới nhằm thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính

- Tin vắn

Tin thế giới:

Covid-19 xuất hiện tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 114.380 người nhiễm, 4.027 người chết, trong đó số ca nhiễm mới ở Italy tăng vọt trong 24 giờ qua, khi nước này ghi nhận thêm 1.797 trường hợp dương tính nCoV, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 9.172, 463 trường hợp tử vong và trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm đối phó dịch. Hàn Quốc hiện ghi nhận 7.478 ca nhiễm và 54 ca tử vong. Iran ghi nhận số người nhiễm tại nước này lên 7.161, 237 người tử vong. Trung Quốc ghi nhận 19 ca nhiễm mới và 17 trường hợp tử vong, tất cả đều ở tỉnh Hồ Bắc. Pháp và Tây Ban Nha ghi nhận hàng loạt ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm nCoV tại Pháp hiện là 1.412 còn Tây Ban Nha là 1.231, số ca tử vong tại hai nước đều là 30. Đức đã phát hiện 1.224 ca nhiễm nCoV, đồng thời ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên. Anh ghi nhận thêm 43 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 321, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm nCoV tại Mỹ đã tăng lên 708, số ca tử vong hiện là là 27.

Tối 9/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo hiện có mối đe dọa "rất hiện hữu" rằng sự bùng phát trên toàn cầu chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ trở thành một đại dịch, nhưng nhấn mạnh rằng chủng virus chết người này vẫn có thể kiểm soát được. Theo ông Ghebreyesus, những nỗ lực đồng bộ của tất cả các nước trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVD-19 là rất đáng ghi nhận. Theo ông Ghebreyesus, WHO đã chia các quốc gia trên thế giới theo 4 nhóm: những nước không có trường hợp nhiễm bệnh, những nước xuất hiện lẻ tẻ các ca nhiễm bệnh, những nước có các nhóm người mắc bệnh và những nước có sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đối với tất cả các quốc gia, mục tiêu chung là chấm dứt sự lây truyền và ngăn chặn sự lây lan của virus.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên cho biết Đức, Pháp và Thụy Sĩ ngày 9/3 đã đóng cửa các cơ quan đại diện tại Bình Nhưỡng và rút các nhân viên về nước trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này thắt chặt giám sát do lo ngại sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo thông tin đăng tải trên mạng xã hội Facebook của Đại sứ quán Nga tại Triều Tiên, một chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Air Koryo chở 80 người gồm nhân viên ngoại giao, doanh nhân và các nhân viên cứu trợ người nước ngoài đã rời Bình Nhưỡng đến thành phố Vladivostok, Đông Nam nước Nga. Trong số 80 người này có toàn bộ nhân viên các cơ quan đại diện của Đức, Pháp và Thụy Sĩ cùng gia đình của họ. Cho đến nay, Triều Tiên thông báo chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào nhưng nước này đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt, trong đó có đóng cửa biên giới, cách ly hàng nghìn người, đồng thời yêu cầu những người nước ngoài đến từ bất kỳ nước nào ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh phải cách ly 30 ngày.

Ngày 9/3, một tòa án tại Hà Lan đã tiến hành xét xử vắng mặt 4 đối tượng mà nước này cáo buộc giết người trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014 làm gần 300 người thiệt mạng. Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh được thắt chặt và có sự tham dự của thân nhân các nạn nhân, các luật sư và phóng viên. Theo các công tố viên, nếu bị kết án, 4 đối tượng này có thể lĩnh án tù chung thân. Tuy nhiên, 4 nghi phạm trên, gồm 3 người Nga và 1 người Ukraine, vắng mặt tại phiên tòa do Nga không đồng ý dẫn độ công dân của mình và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc điều tra quốc tế cùng sự độc lập của tòa án.

Giá dầu thô đã chạm mức thấp nhất kể từ năm 2017 khi thỏa thuận giữa OPEC và các đối tác, dẫn đầu là Nga, đã thất bại ở Vienna, Áo. Theo thỏa thuận cũ, mức cắt giảm 2,1 triệu thùng/ngày sẽ hết hạn vào tháng 3/2020. Các Bộ trưởng OPEC nhất trí cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý II/2020 nhằm bảo vệ giá dầu trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. UAE, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trong OPEC, hy vọng, các nhà sản xuất trong và ngoài khối, trong đó có Nga, nhất trí với kế hoạch trên, đồng thời muốn kéo dài thỏa thuận cắt giảm 2,1 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối năm 2020. Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác không đạt đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu có thể khiến giá dầu thô tiếp tục giảm sâu.

Quân đội Phần Lan vừa thông báo chính thức không tham gia cuộc tập trận chung của NATO ở Na Uy kéo dài 10 ngày mang tên Phản ứng Lạnh vì dịch COVID-19. Cuộc tập trận diễn ra tại khu vực Troms ở phía Bắc Na Uy từ 9/3 đến ngày 19/3. Dự kiến, cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của 15.000 binh lính từ 10 quốc gia. Na Uy đã kêu gọi các đồng minh NATO đo thân nhiệt, kiểm tra kỹ càng các binh sỹ quân đội tham gia cuộc tập trận để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô lớn.

Sau hơn 1 tuần nhậm chức, chiều 9/3, tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố danh sách Nội các mới. Trong danh sách Nội các mới do Thủ tướng Muhyiddin Yassin công bố không có Phó Thủ tướng mà thay vào đó là 4 vị Bộ trưởng cao cấp trợ giúp ông xử lý công việc. Theo ông Muhyiddin, nếu ông ra nước ngoài, 4 vị Bộ trưởng cao cấp này sẽ trợ giúp ông thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng, bao gồm chủ trì họp Nội các. Trong một tuyên bố sau khi nhậm chức, Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh chính quyền của ông sẽ tập trung tâm sức vào nỗ lực hiện thực hóa "Tầm nhìn Chia sẻ Thịnh vượng 2030". Bên cạnh đó, cam kết Nội các mới của Malaysia sẽ chỉ gồm "những cá nhân trong sạch".

Triều Tiên ngày 10/3 xác nhận, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thị sát cuộc diễn tập tấn công của một đơn vị pháo binh tầm xa hôm 9/3 để kiểm tra “năng lực phản công quân sự bất ngờ.” Cũng theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ “sự hài lòng lớn” với kết quả của hoạt động diễn tập, đồng thời hối thúc đơn vị trên “tiếp tục định hướng tăng cường huấn luyện pháo binh.” Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) thông báo Triều Tiên ngày 9/3 đã bắn 3 vật thể chưa xác định ra Biển Nhật Bản. Đây được xem là một phần của các cuộc diễn tập bắn đạn thật do Triều Tiên tiến hành và cũng là vụ phóng lần thứ 2 liên tiếp trong vòng một tuần của Triều Tiên sau vụ thử ngày 2/3.

Ngày 9/3, người phát ngôn các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, Đại tá Sonny Leggett cho biết nước này đã bắt đầu rút binh sỹ khỏi Afghanistan, một phần của thỏa thuận hòa bình đã đạt được với Taliban hôm 29/2. Mỹ đã cam kết cắt giảm quân số từ mức hơn 12.000 binh sỹ hiện nay xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận. Theo thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Taliban, các vòng đàm phán nội bộ Afghanistan dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 10/3. Tuy nhiên, mâu thuẫn về vấn đề trao đổi tù binh đã phủ bóng đen lên triển vọng đàm phán. Thỏa thuận bao gồm một cam kết rằng Taliban phải trả tự do cho tối đa 1.000 tù nhân và Chính phủ Afghanistan trả tự do cho khoảng 5.000 phiến quân. Trong khi phe Taliban coi đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán thì Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lại từ chối trao đổi tù binh trước khi các vòng đàm phán bắt đầu.

Một nhóm cướp có vũ trang đã lấy đi khoảng 15 triệu USD trong một xe bọc thép tại sân bay Santiago của Chile ngày 9/3. Theo cảnh sát Chile, nhóm cướp gồm 5 tên đã đi trên 2 chiếc xe tới khu vực cảng hàng không. Chúng sử dụng vũ khí đe dọa các nhân viên bảo vệ tại đây và sau đó cướp đi số tiền lớn nói trên. Cảnh sát nước này cho biết khoản tiền bị cướp gồm 14 triệu USD và 1 triệu euro. Năm 2017, một nhóm tội phạm đã cướp một lượng tiền mặt trị giá 19 triệu USD trong xe vận chuyển từ các chi nhánh của một công ty vận tải ngoại ô thủ đô Santiago. Sân bay thủ đô Santiago cũng từng là mục tiêu của của một vụ cướp với số tiền khoảng 10 triệu USD. Đây được xem là một "vụ cướp thế kỷ" tại Chile.

Tin thể thao:

Leicester City - Aston Villa, vòng 29 Ngoại hạng Anh: Trận đấu muộn nhất của vòng 29 Ngoại hạng Anh là cuộc đối đầu giữa Leicester và Aston Villa. Trận đấu đã diễn ra hấp dẫn với 4 bàn thắng được ghi và Vardy lại rực sáng. Phút 40, Barnes dứt điểm bình tĩnh ghi bàn mở tỉ số cho Leicester. Sang đến hiệp hai, Jamie Vardy đã không bỏ lỡ cơ hội nhân đôi cách biệt trên chấm 11 m. Tới phút thứ 79, Barnes hoàn thành cú đúp sau tình huống dứt điểm vào góc gần cực nhanh và hiểm hóc. Cuối trận, Vardy còn có thêm một bàn thắng nữa để hoàn tất chiến thắng 4-0 cho đội chủ nhà.

Giải Serie A bị đình chỉ: Theo tin mới nhất từ báo chí Italia, chủ tịch Ủy ban Olympic Italia - Giovanni Malago đã yêu cầu tất cả các hoạt động thể thao tại đất nước này phải tạm dừng cho tới ngày 3/4. Điều này đồng nghĩa với việc Serie A sẽ bị tạm hoãn. Đây là kết luận mới nhất được đưa ra sau cuộc họp khẩn tại Rome chiều ngày 9/3 để phù hợp với chính sách của chính phủ Italia. Theo tiết lộ từ chính Giovanni Malago thì đề nghị này đã được trình lên thủ tướng Giuseppe Conte và Bộ trưởng Thể thao Vincenzo Spadafora và sớm được thông qua. Như vậy, các trận đấu thuộc hệ thống giải của Ý sẽ phải tạm dừng ngay lập tức thay vì thi đấu không có khán giả như cuối tuần vừa qua.

Lộ diện ngôi sao đầu tiên phải rời MU: Tiền vệ Jesse Lingard đã bị giảm vai trò tại MU sau khi Bruno Fernandes cập bến hồi tháng 1. Ở trên hàng công, anh cũng đang là sự lựa chọn thứ hai sau Odion Ighalo. Điều này đồng nghĩa với việc Lingard sẽ chỉ được sử dụng cho những trận đấu ít quan trọng hơn tại FA Cup và League Cup trong tương lai. Mới đây, cầu thủ người Anh đã tuyển Mino Raiola làm người đại diện mới cho mình. Theo trang Goal, đây là một dấu hiệu cho thấy Lingard sắp bị bán trong mùa Hè này. Trước tình hình trên, MU cũng đã chuẩn bị sẵn một danh sách những mục tiêu tiềm năng để thay thế Lingard và Pogba gồm có Jadon Sancho, Jack Grealish và James Maddison.

Huyền thoại Mayweather muốn mua Newcastle: Huyền thoại quyền Anh Floyd Mayweather gần đây đã xuất hiện tại một sự kiện quảng cáo ở Anh. Trả lời phỏng vấn, anh cho biết mình sẽ cân nhắc mua lại CLB Newcastle. Theo TMZ, Mayweather thực sự nghiêm túc về việc đầu tư vào bóng đá. Tuy nhiên, anh vẫn chưa có cuộc đàm phán nào với Newcastle. Mayweather nổi tiếng với kỷ lục 50 trận bất bại nhưng anh đã không thượng đài kể từ khi đánh bại Conor McGregor vào tháng 8 năm 2017. Trong sự nghiệp của mình, Mayweather đã kiếm được khoảng 1 tỷ đô la. Trong khi đó, cái giá để mua lại Newcastle là khoảng 400 triệu đô la.

PSG gây sốc với Milinkovic-Savic: Theo Gazzetta Dello Sport, PSG sẽ phá két để mua tiền vệ Sergej Milinkovic-Savic của Lazio vào mùa hè này. ĐKVĐ Ligue 1 sẵn sàng bỏ ra 100 triệu euro cho cầu thủ người Serbia. Milinkovic-Savic là một trong những tiền vệ đang được đánh giá cao tại châu Âu và đang được rất nhiều CLB tại Premier League để mắt đến. Trong mùa giải này, Milinkovic-Savic đã ra sân 25 lần cho Lazio ở Serie A. Anh đã đóng góp 4 bàn thắng và 4 pha kiến tạo. Tuy nhiên trong thời gian tới, Milinkovic-Savic sẽ khó cải thiện được thành tích của mình do giải Serie A sẽ bị hoãn vì dịch virus Covid-19.

Barca trao lương khủng cho Messi: Phóng viên Nicolo Schira của tờ Gazzetta dello Sport tiết lộ Barca đang chuẩn bị một hợp đồng mới dành cho Messi. Thỏa thuận này sẽ có thời hạn tới năm 2023, mức lương mới dành cho ngôi sao người Argentina là 50 triệu euro/năm. Trước đó, Messi đã đồng ý ở lại Barca đến hết mùa giải 2020/2021. Chủ tịch Josep Maria Bartomeu từng đề nghị Messi một bản hợp đồng trọn đời nhưng anh đã từ chối. Tiền đạo 32 tuổi chỉ muốn ký hợp đồng theo từng năm, giống người đồng đội cũ Andres Iniesta. Anh muốn đánh giá thực lực của mình trong mỗi mùa Hè trước khi đưa ra quyết định về tương lai.

MU ký hợp đồng mới với sao trẻ Hà Lan: Theo tin từ Daily Mail, tiền vệ trẻ người Hà Lan Tahi Chong vừa gia hạn với đội chủ sân Old Trafford thay vì rời đi như tin đồn. Trước đó, nhiều nguồn tin từ Italia cho rằng Tahi Chong đang đàm phán với Inter Milan và Juventus và sẽ rời đi "miễn phí" trong mùa hè tới. Tuy nhiên, Solskjaer đã thuyết phục được cậu học trò trẻ tuổi trong thời gian gần đây. Bản hợp đồng mới có thời hạn đến năm 2022 tùy chọn gia hạn thêm 1 năm nữa và mức lương mới của Chong ở MU là 30.000 bảng/tuần.

Man City quyết giữ chân Kevin De Bruyne: Theo Express, nhằm giữ chân ngôi sao số 1 Kevin De Bruyne, CLB Manchester City dự định trao cho tiền vệ người Bỉ một bản hợp đồng mới có mức lương lên tới 350.000 bảng/tuần. Tất nhiên, việc đội chủ sân Etihad có kháng án cấm dự Champions League thành công hay không sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thuyết phục siêu sao người Bỉ cam kết tương lai.

Arsenal gia nhập cuộc đua giành Willian: Hợp đồng giữa Willian và Chelsea chỉ còn thời hạn đến hết mùa giải năm nay, HLV Lampard muốn giữ chân cầu thủ người Brazil. Tuy nhiên, một bản hợp đồng mới vẫn chưa được thông qua. Willian rời Chelsea ở Hè 2020 theo dạng chuyển nhượng tự do là khả năng có thể xảy ra, cầu thủ người Brazil vừa từ chối ký hợp đồng mới với The Blues. Arsenal muốn ký hợp đồng với Willian ở Hè 2020 theo dạng chuyển nhượng tự do, HLV Arteta đánh giá cao tài năng của ngôi sao người Brazil và muốn làm việc với anh ở sân Emirates.

Giấc mộng Ottoman dang dở và tình thế khó xử của ông Erdogan ở Syria

Giấc mộng Ottoman của Tổng thống Erdogan ngày càng bộc lộ những hạn chế trong khi những kết quả ở Syria không phải là tất cả điều Ankara mong muốn.

Giấc mộng Ottoman dang dở

Khi ông Recep Tayyip Erdogan nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với quyền lực ngày càng được củng cố năm 2018, Tổng thống Nicolas Maduro đã gọi ông là "nhà lãnh đạo của thế giới đa cực mới".

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tái lập tầm ảnh hưởng với thế giới Hồi giáo như điều Đế chế Ottoman từng làm được trước đây. Ankara trở thành một nhân tố cạnh tranh "đáng gờm" để lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Trung Đông khi mà Mỹ dường như ngày càng không mặn mà với những xung đột tại khu vực này.

Nếu như những người tiền nhiệm của ông Erdogan lựa chọn để Thổ Nhĩ Kỳ hướng về phương Tây rồi từ đó mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thì mục tiêu của ông Erdogan là khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc duy nhất: đầu tiên là ở Trung Đông, sau đó là toàn cầu.

Không thể phủ nhận Tổng thống Erdogan đã có những thành công nhất định trong tham vọng của mình. Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng hoạt động tới hơn 120 quốc gia, nhiều hơn bất kỳ hãng hàng không nào ở bất cứ đâu. Điều này đã mở ra những cơ hội trên toàn cầu cho tầm ảnh hưởng, thương mại và việc đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc gia này cũng trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị có tầm ảnh hưởng đáng kể tại châu Phi và vùng Balkan. Thực tế, Tổng thống Erdogan cũng đã từng khiến Mỹ "bật đèn xanh" cho cuộc tấn công của nước này vào khu vực của người Kurd ở bắc Syria và bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các lệnh trừng phạt của Washington trong thương vụ S-400. Ảnh hưởng của Ankara tại khu vực từ Bắc Phi tới Trung Á là điều có thể dễ nhận thấy.

Dù vậy, bấy nhiêu vẫn chưa đủ để Thổ Nhĩ Kỳ "làm nên chuyện". Chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc ủng hộ thân với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nằm dưới sự bao vây của lực lượng miền đông với sự hậu thuẫn từ Nga, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - điều khiến Tổng thống Erdogan ngày càng mất đi ưu thế trên bàn đàm phán.

Mặc dù nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí một lệnh ngừng bắn mới tại tỉnh Idlib với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/3 nhưng ông Erdogan vẫn không thể "lật ngược tình thế" để trở thành bên chiếm ưu thế. Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ dường như còn ở "dưới cơ" khi máy bay và hệ thống phòng thủ của Nga cho thấy những điểm yếu của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Đó là còn chưa kể tới, nếu tình hình ở Idlib xấu đi, việc này sẽ là một mối đe dọa chính trị với Tổng thống Erdogan trong khi nguy cơ hàng triệu người tị nạn đổ về biên giới nước này vẫn đang hiện hữu.

Sau cuộc giao tranh ở Syria khiến 33 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại Idlib ngày 27/2, ông Erdogan đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp với các nước NATO. Tuy nhiên, không những không nhận được thái độ hợp tác và ủng hộ từ đồng minh mà Thổ Nhĩ Kỳ còn bị NATO chỉ trích là "tống tiền" khi Ankara đe dọa sẽ để những người tị nạn tràn sang châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng quay sang nhờ sự hỗ trợ từ Mỹ với đề nghị triển khai hệ thống phòng thủ Patriot ở biên giới phía nam nước này nhưng thương vụ S-400 của Ankara với Moscow khiến Washington vẫn để ngỏ câu trả lời trước đề xuất trên.

"Những gì chúng ta thấy ở Idlib là điều có thể đoán trước trong tham vọng của ông Erdogan. Tầm nhìn Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một quốc gia hoàn toàn “tự lực cánh sinh” đã cho thấy đây là một sai lầm", Soner Cagaptay - giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Chính sách Cận đông Washington nhận định.

Tình thế khó xử ở Syria

Ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích rõ ràng trong việc ngăn cản lực lượng người Kurd thành lập nhà nước tự trị bởi Ankara vẫn cho rằng lực lượng này có liên hệ với Đảng Nhân dân người Kurd (hay PKK) đòi tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi cử quân tới biên giới với Syria năm 2019, ông Erdogan đã thiết lập được 1 vùng đệm mà ông hy vọng sẽ cho 1 triệu dân tị nạn Syria hồi hương từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng tại Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy có lực lượng đối lập mà Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lại là một câu chuyện khác. Chiến dịch của chính phủ Syria nhằm giành lại tỉnh này và mở lại 2 tuyến đường quốc lộ quan trọng nhất đất nước đã nhận được sự ủng hộ từ cả lực lượng dân quân của Iran và không lực Nga.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình thế khó xử khi phải triển khai quân đội tới Syria và Libya - nơi mà Ankara cho rằng giải pháp ngoại giao đã không giúp họ đạt được mục tiêu. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan ngày càng xa rời với các đồng minh truyền thống ở phương Tây và khiến các nhà lãnh đạo Arab thận trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ. Ở trong nước, ông Erdogan cũng đứng trước nhiều sức ép về kinh tế và chính trị.

Vào thời điểm nhậm chức của ông Erdogan khi ông ở giai đoạn đỉnh cao quyền lực năm 2018, danh sách khách mời đã thể hiện rõ những hạn chế trong khả năng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Buổi lễ này có sự hiện diện của Tổng thống Venezuela Maduro cùng với nhiều nhà lãnh đạo chủ yếu đến từ châu Phi, vùng Balkan và Trung Á mà không có bất kỳ đồng minh NATO quan trọng nào, cũng như không hề có Nga hay Trung Quốc. Chỉ có 1 nhà lãnh đạo trong thế giới Arab tham dự là Qatar.

Cho tới nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy các đồng minh phương Tây truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hoặc có khả năng kéo Ankara khỏi những rắc rối ở Idlib. Điều đó khiến Tổng thống Erdogan ngày càng phải phụ thuộc vào Nga trong bất cứ sự leo thang quân sự nào bởi ưu thế trên không của Moscow, Emile Hokayem - chuyên gia cấp cao về an ninh Trung Đông tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho biết.

Ngoài ra, thỏa thuận ngừng bắn mới đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không hoàn toàn chấm dứt được những cuộc giao tranh ở Idlib.

"Cho tới nay đã không còn cuộc ném bom nào nữa nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng khi tất cả các bên đều thận trọng xem liệu lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài bao lâu", Mohammed al-Ali, một nhà hoạt động tại Idlib nhận định với Al Jazeera.

Lệnh ngừng bắn đã ngăn chặn kịp thời 1 cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp khi tạm dừng các cuộc giao tranh bạo lực và căng thẳng nhưng thỏa thuận này vẫn rất mong manh và không giải quyết được những vấn đề cơ bản mà Idlib phải đối mặt.

Sau 5 tiếng 45 phút đàm phán với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thu về được những kết quả hạn chế. Mặc dù 2 bên nhất trí dừng tất cả các hành động quân sự bắt đầu từ 00h 01 phút ngày 6/3 (giờ địa phương), thiết lập hành lang an ninh sâu 6km vào phía bắc và phía nam của tuyến đường M4 và bắt đầu từ ngày 15/3 tiến hành tuần tra chung dọc theo M4 từ khu Trumba, nhưng điều đáng chú ý là thỏa thuận này không hề đề cập đến tuyến đường M5.

Điều đó đã phản ánh rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải công nhận tình thế hiện tại của nước này. Khi lệnh ngừng bắn này thực sự diễn ra, đây sẽ là một bước quan trọng để Tổng thống Assad kiểm soát phần còn lại của đất nước cũng như đảm bảo tuyến đường tới phía bắc Syria. Vùng cấm bay không nằm trong quá trình đàm phán là một chiến thắng cho Damascus. Vấn đề các chốt quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam M4 cũng là một vấn đề cần xem xét và có thể là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà quân đội 2 bên phải dàn xếp.

Thực tế là bản thân lệnh ngừng bắn ở Syria lần này đã là một giải pháp tạm thời khi tham vọng của các bên đều quá cao và những diễn biến trên chiến trường hoàn toàn có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 10/03/2020 là 1 AUD = 0.656 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 10/03/2020 là 1 AUD = 15,221 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 35 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 23 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–32 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–28 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–24 độ.

Tại Melbourne, sáng sớm có sương mù, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–28 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này