Chương trình Thời sự thứ Ba, 09/07/2019
Tin nước Úc:
- Melbourne: Bắt giữ nhóm du khách Trung Quốc giả làm người ăn xin ở Melbourne
- Victoria: Cướp xe hơi, súng đạn, hai nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ
- Tin Úc: Úc đang tiến đến trở thành một trong các quốc gia chính gây ra biến đổi khí hậu trên toàn cầu
- Tin Úc: Số ca tử vong do bệnh cúm ở Nam Úc tăng lên tới 82 người
- Victoria: Một địa điểm cổ xưa ở tiểu bang được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới
- Tin Úc: Cắt giảm tỷ lệ lãi suất: Quan trọng là niềm tin của người tiêu dùng
- Melbourne: Hãng Yarra Trams cải tiến công nghệ để hỗ trợ hành khách đi lại thuận tiện
- Tỷ lệ bán đấu giá nhà thành công tăng trong khi nguồn cung nhà bán đấu giá không nhiều
- Tin vắn
Tin thế giới:
Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu về hướng xử lý chiến dịch chống ma túy gây tranh cãi tại Philippines vào cuối tuần này. Quyết định bỏ phiếu được đưa ra sau khi hơn 20 nước trình văn bản kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra chiến dịch chống ma túy tại Philippines. Cuộc chiến chống ma túy mạnh tay tại Philippines hiện đang vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động xã hội vì cho rằng nó quá tàn bạo khi gây ra cái chết cho nhiều người. Cuộc chiến chống ma túy là cam kết mà Tổng thống Philippines Duterte đưa ra khi tranh cử năm 2016. Nay nó đã trở thành biểu tượng của ông. Trên thực tế, Tổng thống Philippines Duterte cho phép hạ sát tất cả những cá nhân bị tình nghi là tội phạm ma túy hoặc người nghiện ma túy mà không cần đưa ra xét xử.
Mỹ có thể tham gia cuộc họp với các bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran có tên gọi "Kế hoạch Hành động chung toàn diện". Điều này được thực hiện với điều kiện Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của Iran. Đây là thông báo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đưa ra vào ngày 7/7. Tại cuộc họp báo, ông Araghchi nêu rõ, Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện và không thể sử dụng bất kỳ cơ chế nào của thỏa thuận này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể tham dự các cuộc họp của P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) nếu nước này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Các lệnh trừng phạt khác cũng sẽ được cân nhắc. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh, thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện trong mọi hoàn cảnh sẽ không được đàm phán lại và nên được thực thi chính xác.
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/7 tuyên bố ông sẽ không liên hệ với Đại sứ Anh tại Washington nữa, sau khi xảy ra vụ rò rỉ những bức điện tín ngoại giao, trong đó vị đại sứ đã mô tả ông Trump là "không có năng lực." Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox ngày 8/7 cho rằng, các bản ghi chép ngoại giao bị rò rỉ của Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch, trong đó ông Darroch gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là người "thiếu chắc chắn" và "kém cỏi," có thể gây tổn hại mối quan hệ giữa hai nước. Ông Fox bày tỏ hy vọng rằng các cá nhân đứng sau vụ rò rỉ này sẽ được xác định và phải chịu trách nhiệm.
Ngày 8/7, một phái đoàn của Chính phủ Venezuela đã tới Barbados để tham gia vào tiến trình đối thoại với phe đối lập do Na Uy bảo trợ nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong một thông cáo chính thức, Chính phủ Venezuela khẳng định cam kết thực hiện mọi nỗ lực để tiến trình đàm phán có thể giúp thiết lập đối thoại thường xuyên vì hòa bình, mở ra con đường hướng tới sự ổn định xã hội mà người dân Venezuela luôn mong muốn. Chính phủ Venezuela cũng lên án những tuyên bố của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido trong thời gian gần đây mang tính kích động bạo lực, vi hiến, không phù hợp với những quan điểm được các nước bảo trợ đưa ra trong quá trình đối thoại và được các bên chấp nhận hồi cuối tháng 5.
Malaysia vừa quyết định cấm xuất khẩu cát biển. Lý giải chính thức về lệnh cấm này, Bộ trưởng Bộ Nước, Đất và Tài nguyên thiên nhiên Malaysia Xavier Jayakumar cho biết, lệnh cấm được đưa ra nhằm triệt phá các hành động buôn lậu cát bất hợp pháp đồng thời, nhằm giải quyết một số lo ngại về môi trường và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, có một nguyên nhân không chính thức mà nhiều báo chí đề cập là Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu cát biển trong một động thái để kiềm chế kế hoạch mở rộng lãnh thổ của Singapore. Cát là nguyên liệu chính phục vụ cho công cuộc khai phá lấn biển mở rộng lãnh thổ của Singapore. Ước tính, kể từ khi giành độc lập đến nay, Singapore đã mở rộng tới 1/4 diện tích lãnh thổ. Dù là lý do nào thì lệnh cấm xuất khẩu cát biển của Malaysia sẽ buộc Singapore phải đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu cát cũng như tìm ra các nguyên liệu thay thế cát để đáp ứng cho chương trình khai phá lấn biển của mình.
Bắt đầu từ ngày 9/7, lệnh cấm đối với các chuyến bay thẳng giữa Nga và Gruzia chính thức có hiệu lực. Lệnh cấm trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua hôm 21/6 vì lý do an ninh. Động thái này diễn ra sau khi tại Gruzia bùng phát các cuộc biểu tình gây bạo loạn bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Tbilisi. Lệnh cấm bay diễn ra đúng vào tháng cao điểm du lịch nên bị cho là sẽ gây tổn hại cho ngành du lịch của cả hai nước. Đặc biệt là với Gruzia khi trong năm 2018, nước này đã đón 1,3 triệu lượt du khách Nga.
Ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Iran tiếp tục đề nghị Anh lập tức thả tàu chở dầu nước này tạm giữ từ hôm 4/7. Trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã miêu tả vụ Anh bắt giữ tàu chở dầu của Tehran đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và phải chấm dứt ngay. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Iran cho rằng động thái của Anh là một hành động đe dọa không thể dung thứ. Cuối tuần trước, lực lượng Hoàng gia Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Iran ở vùng lãnh thổ Gibraltar do nghi tàu này đang chở dầu cho Syria, vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU. Iran phủ nhận tàu này hướng đến Syria - nơi Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là đồng minh của Tehran.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong cuộc chạy đua giả định giữa hai nhân vật này. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận của hai hãng Washington Post và ABC News. Ông Joe Biden là ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ sắp tới của đảng Dân chủ. Ông Biden nhận được 53% phiếu ủng hộ, trong khi Tổng thống Trump nhận được 43%. Kết quả thăm dò cũng cho thấy, chủ đề mà người Mỹ quan tâm nhất hiện nay là các vấn đề kinh tế, chăm sóc sức khỏe và nhập cư.
Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ đề xuất sử dụng 1,5 tấn thuốc diệt chuột để xóa sổ hoàn toàn loài này trên quần đảo Farallon, ngoài khơi bờ biển San Francisco. Đề xuất diệt chuột được đưa ra trong bối cảnh gần 60.000 con chuột đang tàn phá hệ sinh thái bản địa trên đảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến phản đối do lo ngại việc dùng thuốc diệt chuột sẽ làm thiệt hại tài sản và tổn thương các loài động vật khác. Nếu kế hoạch xóa sổ chuột bằng thuốc độc được phê duyệt, các chuyên gia sẽ sử dụng trực thăng để thả những viên thuốc diệt chuột ngay trong năm 2020.
Các chuyên gia địa chất lo ngại sẽ tiếp tục xảy ra những trận động đất mới với 10% khả năng có cường độ lớn hơn 7 độ richter ở bang California, Mỹ. Bang California vừa trải qua đợt động đất mạnh nhất trong 20 năm qua với 2 trận động đất liên tiếp mạnh 6,4 và 7,1 độ richter cùng hơn 5.000 dư chấn. Mặc dù Tổng thống Mỹ tuyên bố tình hình đã trong tầm kiểm soát, người dân vẫn chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ xảy ra siêu động đất dọc theo đường đứt gãy San Andreas chạy qua bang này vì lúc này đã quá chu kỳ tạm nghỉ 150 năm của nó đến 12 năm. Bên cạnh đó, trước mỗi siêu động đất đều xảy ra những trận động đất có cường độ lớn hơn 7 độ richter.
Hội Chữ thập Đỏ Tây Ban Nha cho biết, nhiều người đã bị thương và phải điều trị y tế trong ngày đầu tiên của lễ hội nổi tiếng toàn thế giới "Chạy đua cùng bò tót". Lễ hội "Chạy đua cùng bò tót" (lễ hội San Fermin) diễn ra tại thị trấn phía Bắc Pamplona của Tây Ban Nha. Người dân địa phương và du khách sẽ được tham gia cuộc rượt đuổi của bò vào 8h hàng ngày từ nay cho đến Chủ nhật tới. Ngay ngày mở màn, đã có ít nhất 3 người bị bò đâm, trong đó có một người phải phẫu thuật do bị đâm vào cổ. Từ năm 1910 - 2014 đã có 15 người thiệt mạng. Mặc dù khá nguy hiểm nhưng vẫn có rất nhiều người tham gia lễ hội, trong đó có nhiều du khách nước ngoài.
Bộ Môi trường Đức đã thông báo về đề xuất áp thuế CO2 đối với ngành vận tải và nhiệt điện. Việc đánh thuế trên có thể được tiến hành theo các phương pháp không tạo ra gánh nặng cho người thu nhập trung bình và thấp. Bộ Môi trường Đức nhấn mạnh, thuế CO2 không phải là một biện pháp toàn cầu để có thể đạt được tất cả mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, cùng với các biện pháp khác, đây được xem là nền tảng quan trọng để Đức loại bỏ dần việc sử dụng than đá, dầu và khí đốt. Theo đó, việc áp thuế CO2 đối với lĩnh vực vận tải và nhiệt điện nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch. Số tiền thuế này nên được trả lại cho người dân và hỗ trợ các công ty đầu tư phù hợp cho vấn đề khí hậu. Dự kiến, vào giữa tháng 9, Chính phủ Đức sẽ thông báo các quyết định lớn nhằm tăng cường những biện pháp bảo vệ khí hậu, đáp ứng được mục tiêu của quốc gia và châu Âu.
Tin thể thao:
Wimbledon 2019 ngày 7:
Nishikori thắng nhọc, hẹn Federer ở tứ kết: Mikhail Kukushkin tiếp tục cho thấy phong độ ấn tượng khi chạm trán Kei Nishikori. Sau khi thất bại 3-6 ở set 1, Kukushkin bất ngờ thắng ngược hạt giống số 8 ở set đấu tiếp theo cũng với tỉ số tương tự. Đến lúc này, Nishikori mới thực sự bừng tỉnh và "hủy diệt" đối thủ 6-3, 6-4 ở hai set còn lại. Tiến vào tứ kết, tay vợt người Nhật Bản sẽ chạm trán Roger Federer. Federer đã có chiến thắng 6-1, 6-2, 6-2 trước Berrettini ở vòng 4.
Querrey, Goffin chạm trán Nadal, Djokovic: Trước Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic cũng xác định được đối thủ ở tứ kết, đó là Sam Querrey (Mỹ) và David Goffin (Bỉ). Cả hai tay vợt tiến vào vòng trong theo cách không thể kịch tính hơn. Goffin mất 4 set (7-6, 2-6, 6-3, 6-4), bao gồm chiến thắng 11-9 ở loạt tie-break set 1 để vượt qua Fernando Verdasco, Querrey cũng hạ gục đồng hương Tennys Sandgren sau 4 set (6-4, 6-7, 7-6, 7-6), thậm chí còn trải qua 3 loạt tie-break cân não (7-9. 7-3. 7-5) để phân thắng bại. Novak Djokovic đả bại Ugo Humbert với tỷ số 3-0 sau 1 giờ 44 phút thi đấu. Còn Nadal đánh bại Sousa với cả 3 set đấu đều kết thúc với tỷ số 6-2.
"Hiện tượng" Trung Quốc đấu Halep: Zhang Shuai thể hiện phong độ ấn tượng bằng chiến thắng trước Dayana Yastremska (6-4, 1-6, 6-2). Đối thủ của đại diện Trung Quốc chính là Simona Halep (hạt giống số 7). Một bất ngờ nữa xảy ra khi Petra Kvitová (6) thua Johanna Konta (19) với tỉ số 1-2 (4-6, 6-2, 6-4).
Serena thắng dễ Navarro: Những tưởng sẽ gặp khó khăn nhưng thực tế Serena không vấp phải sức kháng cự đáng kể nào tới từ Suarez Navarro. Tay vợt Tây Ban Nha hoàn toàn bị khuất phục bởi những cú đánh vũ bão từ Serena và nhanh chóng đầu hàng sau 64 phút. Tỷ số trận đấu là 6-2, 6-2 cho Serena. Vào tứ kết Serena sẽ gặp Alison Riske.
Mỹ nhân Svitolina dễ dàng vào tứ kết: Chỉ cần tới 1 giờ 46 phút, Svitolina đã khiến Petra Martic phải gác vợt với tỷ số 6-4, 6-2 trong một thế trận áp đảo toàn diện. Lọt vào tứ kết Svitolina sẽ chờ người thắng trong cặp Muchova – Pliskova.
Argentina được mời tham dự UEFA Nations League: Argentina vừa trải qua một kỳ Copa America không được như ý và chỉ giành được hạng ba chung cuộc. Đội trưởng của họ, Lionel Messi, thì đang đối diện với lệnh cấm tham dự giải đấu này 2 năm do những phát ngôn ám chỉ Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) dàn xếp để Brazil lên ngôi vô địch. Trong bối cảnh đó, tờ Fox Sports đưa tin Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đang lên tiếng mời Argentina tham dự giải Nations League mùa thứ hai của họ. LĐBĐ Argentina AFA đang nghiêm túc cân nhắc về lời mời này và sẽ có một buổi ngồi lại để đánh giá trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
MU nhận tin dữ từ Sanchez: Tiền đạo Alexis Sanchez đã gặp chấn thương gân khoeo trong trận tranh hạng ba giữa Chile và Argentina ở Copa America 2019. Kết quả chụp chiếu cho thấy đây là chấn thương khá nghiêm trọng và Sanchez sẽ phải nghỉ ngơi khoảng 1 tháng để phục hồi. Điều này đồng nghĩa với việc anh không thể tham dự tour du đấu trước mùa giải cùng MU. Ngoài Sanchez, một số ngôi sao khác cũng đang vắng mặt chưa về hội quân cùng “Quỷ đỏ” gồm có Eric Bailly (Bờ Biển Ngà), Sergio Romero (Argentina), Marcos Rojo (Argentina), Fred (Brazil) và Dean Henderson (Anh).
MU nhắm mua 3 ngôi sao tầm cỡ: Không chỉ tập trung vào các cầu thủ trẻ tiềm năng, MU còn nhắm đến cả những cầu thủ tầm cỡ thực sự trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Ít nhất có 3 cái tên thuộc diện “có máu mặt” được liên hệ với Quỷ Đỏ lúc này là trung vệ Harry Maguire của Leicester cùng hai tiền vệ sáng tạo Bruno Fernandes của Sporting Lisbon và Sergej Milinkovic Savic của Lazio.
Hazard sắp nhận số áo kế thừa Ronaldo: Hazard luôn mặc áo số 10 trong phần lớn sự nghiệp của mình. Đến Real, anh hỏi thẳng Modric có thể trao lại số áo này hay không thì nhận cái lắc đầu. Vì thế theo báo chí Tây Ban Nha, nhiều khả năng ngôi sao người Bỉ sẽ mặc áo số 7 huyền thoại tại sân Bernabeu. Đây là số áo gắn liền với tên tuổi của những công thần như Emilio Butragueño, Raymond Kopa, Raul Gonzalez hay Cristiano Ronaldo.
Gerrard từ chối trở lại Ngoại hạng Anh: Cơ hội trở lại nước Anh bất ngờ đến với HLV Steven Gerrard nhưng ông đã một mực từ chối thiện chí từ Newcastle. Lý do là “Chích chòe” chỉ có ngân sách 50 triệu bảng để mua sắm mùa hè này, số tiền khiêm tốn như vậy đương nhiên không đủ để cải tạo đội hình vốn rất trì trệ của họ.
Bayern, Atletico ra mắt "bom tấn" siêu kỷ lục: Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Bayern Munich đã bỏ ra 80 triệu euro, phá sâu kỉ lục chuyển nhượng CLB để giải phóng hợp đồng của Lucas Hernandez với Atletico Madrid. Và hôm qua, "Hùm xám" mới tổ chức lễ ra mắt hậu vệ trái người Pháp. Lucas đã chọn cho mình áo số 21, số áo gắn liền với huyền thoại CLB, cựu thủ quân Philipp Lahm. Trong khi ở Tây Ban Nha, Atletico cũng ra mắt "bom tấn" Joao Felix giá 126 triệu euro. Ngôi sao này trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Atletico Madrid (mua) và là cầu thủ trẻ đắt giá thứ 2 lịch sử sau Mbappe (180 triệu euro). Anh cũng được trao số 7, số áo trước đó thuộc về Griezmann - người rục rịch gia nhập Barca.
Hồ sơ hạt nhân Iran: Chiến lược cháy chậm hay sức ép tối đa sẽ thắng?
Iran ngày 7/7 tuyên bố nước này bắt đầu làm giàu urani ở cấp độ cao hơn 3,67% như đã nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Vài tháng trước, Iran từng nói cấp độ làm giàu urani có thể là 3,7%, và ngày 6/7, Tehran thậm chí đã đề cập tới con số 5%. Tuy nhiên trong tuyên bố ngày 7/7, Iran không nhắc đến con số cụ thể.
Đây là động thái mới nhất sau tuyên bố hồi tuần trước rằng, Iran đã dự trữ lượng urani cấp độ thấp vượt mức 300kg như đã đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân.
Chiến lược hạt nhân “cháy chậm” của Iran
Trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran từng làm giàu urani cấp độ 20%, một yếu tố cần thiết tới 90% cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân.
Theo phân tích của CNN, động thái tuyên bố làm giàu urani ở cấp độ cao hơn so với quy định trong thỏa thuận của Iran thực chất chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Việc dự trữ hàng trăm kg, thậm chí hàng tấn urani làm giàu ở cấp độ như 3,67% hay thậm chí là 5% hoàn toàn không có tác dụng đối với việc chế tạo một quả bom hạt nhân.
Việc gia tăng cấp độ làm giàu urani này thực chất là để gây sức ép với các nước châu Âu. Iran muốn buộc các nước châu Âu phải tạo một cơ chế mà trong đó họ có thể nới lỏng tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, dù ít có khả năng châu Âu có thể làm điều này. Nhiều công ty châu Âu không muốn mạo hiểm đánh mất công việc làm ăn ở Mỹ bằng cách thực hiện thỏa thuận với Iran.
Tuy nhiên, “Các động thái mới về việc làm giàu và dự trữ urani cũng đã tạo ra đòn bẩy cho chính quyền Iran và nhằm ngăn cản chính sách gây sức ép của Mỹ bằng cách nâng triển vọng về các động thái xa hơn nếu các biện pháp trừng phạt không được dỡ bỏ”, ông Behnam Ben Taleblu, một chuyên gia về Iran từng làm cố vấn cho chính quyền Trump cho biết.
Iran tuyên bố sẽ tiếp tục rút bớt cam kết của mình với thỏa thuận hạt nhân mỗi 60 ngày nếu các bên còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga không thể giúp giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt. Điều này có nghĩa là sự leo thang sẽ gia tăng một cách chậm rãi và dường như Iran đang thực sự hy vọng kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump và nối lại thỏa thuận với người kế nhiệm của ông.
Mỹ tiếp tục chiến lược sức ép tối đa
Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục chiến lược “sức ép tối đa” đối với Iran sau khi nước này tuyên bố bắt đầu làm giàu urani cấp độ cao hơn mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015.
“Các lãnh đạo Iran đang sử dụng việc làm giàu urani để ‘tống tiền’ thế giới. Như Tổng thống Trump đã nói, Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Sức ép tối đa sẽ tiếp tục cho đến khi chính quyền Iran loại bỏ tham vọng hạt nhân và các hành xử ngoài vòng pháp luật của mình”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018, Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng ông muốn đàm phán một thỏa thuận mới với Iran, nhưng ông vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt với Iran, thậm chí đưa thêm quân tới khu vực để chuẩn bị cho khả năng sẽ có lựa chọn quân sự.
Ông Trump cũng nhiều lần thể hiện rằng ông sẵn sàng thực hiện chính sách ngoại giao riêng của mình nếu ông không nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, các quan chức và giới phân tích cho rằng, trong trường hợp Iran, thì ông Trump cần sự ủng hộ từ các đồng minh châu Âu.
Michael O’Hanlon, một nhà nghiên cứu cấp cao về chiến lược quốc phòng Mỹ tại Viện Brooking nói rằng, chiến lược của chính quyền Trump nằm ở các biện pháp trừng phạt mà các nước đang áp đặt để có thể tạo “những điều kiện có lợi cho đàm phán và một thỏa thuận mới”.
Ông Trump đã từng “đánh” cả Iran và Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của họ. Triều Tiên đã đồng ý đối thoại với giới chức Mỹ, còn Iran thì không. Tuy nhiên, bất chấp 3 cuộc gặp giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên vẫn làm được rất ít ngoài những bước đi nhỏ cần thiết để phi hạt nhân hóa. Triều Tiên đã khôi phục các vụ thử tên lửa tầm ngắn, dù nước này đã ngừng thử hạt nhân.
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tháng 5/2018, thỏa thuận vẫn được duy trì nhưng Iran đã có nhiều động thái cứng rắn hơn. Nhiều người đổ lỗi cho quyết định đơn phương của ông Trump.
“Phần còn lại của thế giới sẽ nhìn vào điều đó và nói rằng ‘chính anh [nước Mỹ] đã vi phạm trước’”, theo ông Kenneth Pollack, từng làm nhà phân tích cho CIA và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.
Theo Pollack, ông Trump muốn đàm phán nhưng Iran dường như lại không muốn làm vậy lúc này. Chỉ 2 tuần trước, sau vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ, Iran đã tuyên bố điều đó “đóng cửa vĩnh viễn đối với con đường ngoại giao”.
“Cách tiếp cận tổng thể của Tổng thống Trump là tự đánh bại mình”, Pollack nói. “Việc rút khỏi thỏa thuận theo cách ông làm đã tạo thêm sức mạnh cho những quan điểm cứng rắn của Iran – những người vốn luôn hoài nghi về thỏa thuận này. Ông ấy muốn một thỏa thuận tốt hơn những gì chính quyền Obama đã đạt được. Đó là tất cả những gì ông ấy quan tâm. Nhưng ông lại đang ở một vị thế rất khó khăn”.
Các đồng minh của Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân và thậm chí còn nghi ngờ việc ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn trong thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, và kể cả là sau năm 2020 nếu ông Trump tái đắc cử.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 09/07/2019 là 1 AUD = 0.696 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 09/07/2019 là 1 AUD = 16,198 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 32 độ.
Tại Adelaide, buổi sáng trời nắng, chiều tối có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 16 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 23 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ, sóng lớn sẽ xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá và bơi lội. Nhiệt độ dao động từ 7 đến 18 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, chiều tối có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 16 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào