Chương trình Thời sự thứ Ba, 09/06/2020
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Thủ tướng Scott Morrison tiếp tục giành được sự ủng hộ cao của cử tri
- Victoria: Chờ thêm một tuần để biết được biểu tình ảnh hưởng ra sao đến sự lây lan dịch COVID-19
- Số lượng đơn xin vay thế chấp mua nhà tăng 18% so với năm ngoái
- Di trú: Tiếp tục cử hành các buổi lễ nhận quốc tịch Úc theo hình thức mặt đối mặt
- Melbourne: Bốn chiếc máy khoan được sử dụng cùng lúc trong dự án Metro Tunnel
- Tây Úc nới lỏng quy tắc phòng chống dịch bệnh tại các trường học
- Victoria: Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các nhân viên y tế tuyến đầu
- Tin Úc: Chính phủ Úc sẽ trợ cấp 29 triệu đô la để nghiên cứu về bệnh tim và đột quỵ
- Tin vắn
Tin thế giới:
Tổng thống Donald Trump ngày 8/6 tuyên bố sẽ không có bất cứ quyết định nào về việc giải thể lực lượng cảnh sát sau những lời kêu gọi ngừng cấp kinh phí cho lực lượng thực thi luật pháp sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Phát biểu tại cuộc thảo luận với các quan chức thực thi pháp luật ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump khẳng định rằng 99% cảnh sát là những người vĩ đại. Trong khi đó, các nghị sỹ đảng Dân chủ, do một nhóm các nghị sỹ da màu dẫn đầu, đã công bố một dự luật nhằm chống lại tình trạng sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát, cũng như chống nạn phân biệt chủng tộc. Dự luật này sẽ tạo thuận lợi cho việc truy tố những cảnh sát hành xử sai trái và vi phạm quyền công dân trong Hiến pháp. Văn kiện này cũng cho phép các nạn nhân cùng gia đình yêu cầu cảnh sát vi phạm bồi thường thiệt hại về mặt tài chính. Các nghị sỹ đảng Dân chủ hy vọng sẽ đưa dự luật này ra bỏ phiếu tại Hạ viện trước cuối tháng này.
Ngày 8/6, thành phố New York đã chính thức mở cửa lại một phần hoạt động sau đúng 100 ngày kể từ khi ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện tại đây. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi của thành phố New York gần 22.000 sinh mạng, hơn 205.000 người nhiễm bệnh và hàng triệu người phải sống cách ly tại nhà, hạn chế ra đường. Ngày 8/6, khoảng 400.000 người lao động được trở lại làm việc tại 32.000 công trường xây dựng, chưa kể các công ty sản xuất và các cửa hàng bán lẻ. Thành phố New York đã có không khí nhộn nhịp bình thường như thời điểm trước khi dịch xảy ra - một điều mà chỉ cách đây mấy tuần thật khó tưởng tượng được khi New York đang ở đỉnh dịch với 800 người chết mỗi ngày. Chỉ có điều New York giờ đây sẽ phải thích nghi với những điều hoàn toàn mới: các cửa hàng, các cơ quan làm việc đều dự trữ rất nhiều khẩu trang và găng tay.
Theo báo Les Echos, kế hoạch giải cứu khẩn cấp ngành hàng không của Pháp, dự kiến sẽ được công bố trong tuần này, có thể lên tới 10 tỷ euro, bao gồm một quỹ đầu tư giá 1 tỷ euro. Kế hoạch trên, nhằm giúp ngành hàng không phục hồi từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, sẽ bao gồm nhiều biện pháp khác nhau như bảo lãnh cho vay cũng như hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trước đó, ngày 7/6, Bộ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebbari cho biết kế hoạch nói trên cũng nhằm bảo vệ các công ty hàng không Pháp trước sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài. Hiện các công ty Trung Quốc đang quan tâm và đưa ra đề nghị vào thời điểm mà các công ty Pháp đang gặp khó khăn.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Triều Tiên sẽ cắt các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc vào ngày 9/6. Động thái của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh quan hệ với Hàn Quốc căng thẳng liên quan tới các nhà hoạt động thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều. KCNA cho biết, các đường dây bị cắt bao gồm các đường dây liên lạc trên biển giữa quân đội hai nước, đường dây liên lạc thử nghiệm liên Triều và đường dây nóng giữa Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên với Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc. Thời gian qua, quan hệ liên Triều đã gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Wasington rơi vào bế tắc, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Mỹ đang phát triển một loại "bom mẹ" mới có tên là Cleaver cùng máy bay ném bom, có thể mang đến những thay đổi đáng kể cho không quân nước này. Hồi cuối tháng 5, Không quân Mỹ cho biết đã thử thành công Cleaver. Về ngoại hình, Cleaver giống như tên lửa có cánh, được tích hợp thiết bị điều khiển như bom thông minh Jdam Er với tầm bay 45 dặm và có thêm động cơ. Với loại bom mới, Mỹ đã quay trở lại ý tưởng sử dụng máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-17 để chở được nhiều quả bom Cleaver cùng với một loại máy bắn để phóng bom vào không trung. Mẫu máy bay vận tải quân sự cải tiến như vậy có thể là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với máy bay ném bom chiến lược tương lai B-21 Raider tàng hình, vốn có chi phí chế tạo ít nhất lên tới 550 triệu USD (tính theo thời giá năm 2010). Trong khi đó, giá thành Cleaver rẻ hơn nhiều so với 1,4 triệu USD cho mỗi quả tên lửa hành trình Tomahawk.
Wall Street Journal cho hay, Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng Mỹ rút 9.500 binh sĩ nước này khỏi Đức vào tháng 9 tới. Mặc dù Mỹ chưa đưa ra xác nhận về kế hoạch này, nhưng giới chức Đức đã lên tiếng cảnh báo về những tổn hại nếu Mỹ giảm 9.500 lính đồn trú. Điều phối viên của Chính phủ Đức về quan hệ xuyên Đại Tây Dương Peter Beyer cảnh báo mối quan hệ Đức - Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định rút quân. Lãnh đạo nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ Xã hội Đức cho rằng, kế hoạch trên của Mỹ có thể dẫn tới việc sắp xếp lại chính sách an ninh ở châu Âu. Tính đến cuối ngày 5/6, Đức chưa nhận được thông báo chính thức từ Mỹ về quyết định rút quân này. Hiện cũng chưa rõ các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã được tiếp cận thông tin về kế hoạch này hay chưa.
1/2 ca nhiễm COVID-19 mới ở Singapore không có triệu chứng. Đây là thông báo của người đứng đầu lực lượng đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Singapore, Lawrence Wong. Theo ông Lawrence Wong, các ca nhiễm không có triệu chứng ít có nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 bởi người bệnh không ho hay hắt hơi. Tuy nhiên, Singapore đã ghi nhận những ca lây nhiễm từ người nhiễm không có triệu chứng, đặc biệt giữa các bệnh nhân sống trong không gian khép kín. Singapore là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất ở châu Á, với hơn 38 nghìn ca nhiễm.
Ngày 8/6, Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin thông báo thành phố này sẽ bãi bỏ các biện pháp tự cách ly từ ngày 9/6, bao gồm chế độ đi lại theo giấy thông hành điện tử và quy định đi dạo theo lịch. Theo ông Sobyanin, từ ngày 16/6, chính quyền thành phố cho phép mở lại các quán ăn, tiệm cà phê ngoài trời, phòng khám nha khoa, bảo tàng, thư viện, phòng triển lãm và vườn bách thú... Thị trưởng Sobyanin cũng cho biết, chính quyền thành phố có kế hoạch dỡ bỏ hạn chế khi sử dụng các cơ sở hạ tầng công cộng từ ngày 23/6, đồng thời mở cửa các trường mẫu giáo và trung tâm thể thao, nối lại hoạt động vận chuyển và đi lại dọc sông Moskva. Trước đó, Thủ tướng Mikhail Mishustin đánh giá số ca nhiễm COVID-19 mới ở thủ đô Moskva đang ở mức trung bình và chỉ tăng 1% mỗi ngày.
Cơn giận dữ của người da màu chưa có dấu hiệu lắng dịu
Làn sóng biểu tình sau cái chết của George Floyd đã lan rộng tới châu Âu. Đồng loạt người dân tại nhiều nước đã kêu gọi sự đối xử công bằng giữa các sắc tộc.
Tại thủ đô Rome của Italy, hàng nghìn người tập trung tại Quảng trường trung tâm thành phố. Những người biểu tình, chủ yếu là giới trẻ, giương cao các biểu ngữ, áp phích với những khẩu hiệu như "Tôi không thể thở" hay "Mạng sống của người da màu là quan trọng". Đoàn người cũng dành 8 phút để tưởng nhớ nạn nhân xấu số.
Các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" cũng nổ ra tại Thủ đô Budapest của Hungary, Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha với hàng nghìn người tham gia.
Cô Gloria - Người dân Tây Ban Nha nói: "Tôi ở đây bởi vì tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta cần kết thúc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mang tính quốc tế. Đó không phải là điều chỉ xảy ra ở Mỹ hoặc châu Âu, mà còn trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi ở đây để phản đối, để nói rằng chúng ta cần chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc ngay hôm nay".
Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình đã đi quá giới hạn. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô các nước Bỉ và Anh. Tại Brussels, cảnh sát tiến hành 150 vụ bắt giữ sau cuộc biểu tình có khoảng 10.000 người tham gia ở khu vực trung tâm thủ đô. Thị trưởng Brussels Philippe Close cho biết, nhiều đối tượng gây rối đã cố tình khiêu khích cảnh sát và đập phá các cửa hàng trên đường phố.
Còn tại London, đụng độ cũng nổ ra tại trung tâm thủ đô của Anh sau khi hàng chục nghìn người đổ ra đường tham gia cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong ngày thứ hai liên tiếp. Một nhóm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài khuôn viên Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khuyến cáo: "Mọi người có quyền biểu tình một cách hòa bình trong khi vẫn thực hiện giãn cách xã hội, nhưng họ không có quyền tấn công cảnh sát. Những cuộc biểu tình này đã bị làm biến chất bởi những kẻ côn đồ, đi ngược lại với mục đích họ đã đề ra. Những người này sẽ phải chịu trách nhiệm". Bộ trưởng Nội vụ Anh cảnh báo người biểu tình đang có nguy cơ làm đại dịch COVID-19 lan rộng và khiến cơ quan y tế công của Anh gặp nhiều rủi ro.
Ở Pháp, có một chút khác với Mỹ là phong trào biểu tình lần này được dấy lên với lý do là đòi công lý cho Adama Traore, một thanh niên gốc Phi đã chết bởi sốc tim sau quá trình rượt đuổi với hiến binh. Vụ việc này thực ra đã kéo dài từ năm 2016, cảnh sát bị buộc tội đã không cấp cứu kịp thời cho Adama dẫn đến tử vong. Từ lý do này, cùng với phong trào ở Mỹ, người Pháp xuống đường.
Ngày hôm nay với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, câu chuyện của mỗi quốc gia dễ trở thành một làn sóng có tính toàn cầu hơn. Khi những vấn đề này còn tồn tại thì luôn âm ỉ, chỉ chờ một ngòi nổ là bùng phát, bất chấp thực tế. Thực tế ở đây là người gốc Phi sinh sống hợp pháp tại Pháp được nhận khá nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ, bởi nước Pháp luôn coi rằng họ có món nợ trong lịch sử với châu Phi từ chế độ thuộc địa.
Không chỉ riêng Pháp, các quốc gia trong châu Âu đều ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc. Tại nhiều nước thì người nhập cư hợp pháp đến từ châu Phi đều có những chính sách hỗ trợ. Ví dụ như ở Paris, có rất nhiều tòa nhà cho thuê giá rẻ mà người châu Phi hay Pháp thì việc tiếp cận chính sách này đều như nhau cả. Đừng quên rằng Pháp có nhiều quan chức chính phủ là người gốc Phi. Tuy thế, trong thời gian này, để tránh COVID lây lan, Bộ Nội vụ Pháp đã ra lệnh cấm biểu tình và tất nhiên lợi dụng biểu tình để đập phá thì sẽ chịu án tù. 8 tháng tù giam là bản án mới cho việc cố tình vi phạm.
Cho đến lúc này, đã có nhiều thành phần cố tình mang vũ khí vào biểu tình đã bị bắt và đưa ra xét xử trong thời gian tới. Điều này cho thấy, chống phân biệt chủng tộc được ủng hộ nhưng không thể lại để dấy lên bạo lực, nhất là châu Âu trong thời gian này rất cần được ổn định để phục hồi lại kinh tế.
Sau cái chết của George Floyd, các cuộc tranh luận đang nổ ra về phân biệt chủng tộc. Có những người ủng hộ việc đòi quyền lợi cho người da màu, nhưng cũng lên án biểu tình bạo lực. Không chỉ là các hashtag #Blacklivesmatter, giờ nhiều người còn để hashtag #Alllivesmatter: có nghĩa là "Mạng sống của tất cả mọi người đều quý giá". Bởi vì có những trường hợp người châu Á, hay người Ấn, người Mexico cũng đã từng rơi vào cảnh kỳ thị. Vụ việc người châu Á bị tấn công do đeo khẩu trang lúc dịch COVID-19 mới bùng phát là một ví dụ.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 09/06/2020 là 1 AUD = 0.700 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 09/06/2020 là 1 AUD = 16,258 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 35 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–15 độ.
Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–23 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–20 độ.
Tại Melbourne, buổi sáng có sương mù, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–16 độ.
Cẩm Nhung