Chương trình Thời sự thứ Ba, 07/01/2020

Cẩm Nhung | 07/01/2020 | 806 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Thủ tướng Úc cam kết chi thêm hai tỷ đô la để hỗ trợ cho các vùng bị hỏa hoạn tàn phá

- Victoria: Thành lập Tổ chức Phục hồi Sau cháy rừng ở Victoria

- Tin Úc: Sau hạn hán, nông dân lại bị mất thêm nhiều gia súc do thảm họa cháy rừng

- Victoria: Toàn bộ những người bị mất tích trong các vụ cháy rừng đã được tìm thấy an toàn

- Tin Úc: Tập đoàn Bảo hiểm Úc đối mặt với chi phí bồi thường khổng lồ do cháy rừng

- Melbourne: Truy bắt hai kẻ trộm đá quý và trang sức trị giá $250,000

- Khép lại năm 2019: Giá nhà tăng cao, dẫn đầu ở Sydney và Melbourne

- Richmond: Nam tài xế lùi xe hơi tông hai người đi bộ trên đường

- Tin vắn

Tin thế giới:

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố sẽ đề xuất và bỏ phiếu một nghị quyết nhằm giới hạn những hành động quân sự của Tổng thống Donald Trump đối với Iran. Tuyên bố trên được đưa ra sau hành vi không kích tại Iraq làm Tướng Soleimani của Iran thiệt mạng. Bà Pelosi khẳng định, Hạ viện Mỹ sẽ thực thi trách nhiệm giám sát lâu dài bằng cách quy định, nếu không có sự cho phép của Hạ viện, mọi hành động thù địch quân sự của Chính phủ trong vấn đề Iran sẽ phải chấm dứt trong vòng 30 ngày. Bà Pelosi là người chỉ trích vụ tấn công của Mỹ tại Iraq. Bà cho rằng trách nhiệm trước tiên của Chính phủ Mỹ là phải đảm bảo an toàn cho người dân nước này, tránh để xảy ra xung đột, đồng thời tỏ thái độ quan ngại khi Chính phủ hành động mà không có sự tham vấn của Hạ viện, không tôn trọng những quyền liên quan đến chiến tranh được hiến pháp trao cho Hạ viện.

Hôm 6/1, Đại sứ các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp khẩn ở Brussels, Bỉ để thảo luận về tình hình Trung Đông. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại khu vực sau vụ Mỹ không kích khiến tướng Iran Qasem Soleimani thiệt mạng. Tổng Thư ký NATO tuyên bố sau cuộc họp bất thường rằng NATO kêu gọi Iran kiềm chế tránh để xung đột leo thang và một cuộc chiến mới không có lợi cho bất cứ ai. NATO đã không bình luận gì về vụ không kích của Mỹ tuần trước, mặc dù rõ ràng hành động đơn phương của Mỹ đã hủy hoại nỗ lực của các nước châu Âu thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã tham dự cuộc họp thông qua video trực tuyến. Hai bộ trưởng giải thích cho đại sứ các nước thành viên NATO quan điểm của Mỹ và lý do Mỹ tấn công Iran. Tuy nhiên cuộc họp báo không đi vào chi tiết.

Căng thẳng Mỹ-Iran sau vụ không kích làm tướng Iran thiệt mạng trở thành một lá bài của các ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Cả 14 ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ nhìn chung đều lấy quan điểm phản đối việc căng thẳng với Iran làm lá bài tranh cử. Trước hết là trong chính nội bộ đảng, xem ai sẽ được chọn làm người đại diện cho Đảng Dân chủ chạy đua với ứng cử viên bên phía Cộng hòa. Phải tới mùa hè đảng Dân chủ mới chốt được gương mặt đại diện trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Còn phía nội bộ đảng Cộng hòa, Tổng thống Donad Trump vẫn đang được đánh giá là chưa có đối thủ cạnh tranh. Tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump trên cương vị tổng thống thậm chí còn được củng cố và tăng lên hơn 45% sau vụ không kích. Con số sẽ còn thay đổi, phụ thuộc nhiều vào việc căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ được Tổng thống Donald Trump giải quyết như thế nào.

Ngày 6/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố nước này chưa có kế hoạch rút quân khỏi Iraq. Ông Esper đưa ra tuyên bố trên sau khi một số hãng truyền thông đưa tin về một bức thư của quân đội Mỹ đề cập việc rút quân khỏi Iraq. Phát biểu với báo giới tại trụ sở Lầu Năm Góc, khi được hỏi về bức thư trên, ông Esper nêu rõ: "Chưa có bất cứ quyết định gì về việc rời khỏi Iraq," đồng thời cho biết thêm chưa có kế hoạch nào được đưa ra để chuẩn bị rời Iraq. Ông Esper nhấn mạnh Mỹ vẫn giữ cam kết sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tư xưng ở Iraq.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối ngoại trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp hiện nay. Trong cuộc họp báo đầu năm, Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, trong bối cảnh an ninh tại khu vực Đông Á đang trở nên căng thẳng, việc tăng cường mối quan hệ Nhật - Mỹ và Nhật - Mỹ - Hàn, cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với Nga và Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Ông Abe cũng khẳng định, liên minh Nhật - Mỹ là cơ sở của chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản suốt hơn 60 năm qua. Cũng tại họp báo, Thủ tướng Abe khẳng định vẫn sẽ tiến hành kế hoạch đưa lực lượng phòng vệ Nhật Bản tới Trung Đông, dù tình hình khu vực này hiện đang rất căng thẳng.

Các lực lượng hải quân Pakistan và Trung Quốc ngày 6/1 đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung lần thứ 6 ở Biển Arab, gần thành phố cảng Karachi, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Theo PTI, cuộc tập trận mang tên "Người bảo vệ biển 2020'' nhằm chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong đối phó với các mối đe dọa hiện đại và phi truyền thống trên biển, nâng cao hợp tác an ninh và thúc đẩy môi trường hàng hải an toàn và bền vững trong khu vực. Trong một tuyên bố, Hải quân Pakistan nhấn mạnh, cuộc tập trận phản ánh mối quan hệ hợp tác quân sự bền chặt giữa các lực lượng hải quân Pakistan và Trung Quốc và sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương giữa hai bên. Tham gia tập trận, phía Trung Quốc triển khai 5 tàu lớn, trong đó có tàu khu trục tên lửa dẫn đường Ngân Xuyên, khinh hạm tên lửa dẫn đường Vận Thành, các tàu tiếp tế và tàu cứu hộ tàu ngầm.

Ngày 6/1, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar đã tiến vào thành phố ven biển Sirte và chiếm sân bay của thành phố này từ lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận. LNA cho biết đã “tiến dần về trung tâm của Sirte” sau khi giành quyền kiểm soát sân bay Ghardabiya ở ngoại ô thành phố. Sirte là một trong những thành phố quan trọng của Libya, nằm bên bờ Địa Trung Hải (Vịnh Sirte). Thành phố này cũng là quê hương của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Cùng ngày, Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj đã đến Algeria để thảo luận về những căng thẳng gia tăng giữa tại Libya thời gian gần đây. Chuyến công du của người đứng đầu GNA diễn ra ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến Algeria.

Không chỉ hứng chịu khói bụi nghiêm trọng từ những đám cháy rừng tại Australia, lực lượng cứu hỏa New Zealand cũng đang nỗ lực dập tắt cháy rừng ở phía Bắc Napier trên Đảo Bắc của nước này. Đám cháy đã lan rộng ra khoảng 140 hécta rừng. Giới chức địa phương cho biết một đám cháy lớn đã bùng phát ngày 6/1 do công tác làm rừng và lan nhanh do gió thổi mạnh. Hiện, đám cháy vẫn đang tiếp tục lan rộng. Cơ quan chức năng đã cử 65 lính cứu hỏa, 11 xe tải, 1 máy bay và 6 trực thăng đến hiện trường triển khai công tác dập lửa. Tuy nhiên, thời tiết khô hanh, gió thổi mạnh đã cản trở lực lượng cứu hỏa. Chịu ảnh hưởng cháy rừng tại Australia, New Zealand đang trải qua tình trạng ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng. Những ngày gần đây, khói do cháy rừng từ Australia đã bao phủ Đảo Nam của New Zealand và đã làm đổi màu sông băng từ trắng thành nâu. Hiện, các đám khói di chuyển theo hướng Bắc và bao trùm một nửa Đảo Bắc của nước này.

Số trường hợp nhiễm viêm phổi lạ tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh, lên tới 59 người. Nhà chức trách y tế nước này khẳng định sự bùng phát dịch viêm phổi lạ tại đây không phải là Hội chứng hô hấp cấp (SARS), Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hay cúm gia cầm. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực xác định nguyên nhân và nguồn bệnh. Trong khi đó, một số nước châu Á đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh bí hiểm này. Hiện đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore đã ghi nhận các trường hợp nghi mắc bệnh viêm phổi lạ. Tất cả các trường hợp này đều từng đến Vũ Hán. Họ có triệu chứng sốt, nhiễm trùng đường hô hấp hay triệu chứng viêm phổi. Trước tình hình này, một số nước châu Á như Singapore, Thái Lan đã theo dõi chặt chẽ dịch bệnh gây viêm phổi lạ và kiểm tra nghiêm ngặt khách đến từ Vũ Hán.

Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Mohammad Mahfud MD ngày 6/1 cho biết Chính phủ nước này sẽ điều khoảng 120 tàu cá từ đảo Java tới hoạt động ở các vùng biển xung quanh Quần đảo Natuna thuộc tỉnh Quần đảo Riau. Bộ trưởng Mahfud cho biết các tàu cá này cũng sẽ giúp bảo vệ vùng biển Natuna khỏi sự xâm lấn của các tàu nước ngoài, đồng thời trấn an và cam kết bảo vệ các ngư dân hoạt động tại vùng biển này. Cũng trong ngày 6/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng chủ quyền của quốc gia này tại vùng biển Natuna là điều “không thể mặc cả.” Trước đó, Chính phủ Indonesia cáo buộc Trung Quốc vi phạm EEZ của mình và tuyên bố sẽ “không bao giờ” công nhận đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông.

Các quan chức Mexico cho biết hơn 60.000 người đã mất tích kể từ những năm 1960, chủ yếu trong trận chiến ma túy của nước này nhằm ngăn chặn các nhóm tội phạm có tổ chức. Trước đây, các nhà chức trách nước này ước tính số nạn nhân là 40.000, hầu hết mất tích kể từ năm 2006. Con số này cho thấy Mexico đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người mất tích nghiêm trọng nhất trong lịch sử các nước Mỹ Latin. Kết quả thống kê cũng cho thấy số người thiệt mạng trong hơn một thập kỷ bạo lực và không có dấu hiệu giảm bớt. Năm 2019, con số này chạm ngưỡng kỷ lục là 31.000 người. Ở một số khu vực, các nhóm tội phạm có tổ chức công khai đối đầu với cảnh sát và binh lính. Kết quả thống kê của chính phủ được công bố vào thời điểm nhạy cảm đối với Tổng thống López Obrador. Ông bị chỉ trích vì không có chiến lược hiệu quả để ngăn chặn tình trạng bạo lực đang gia tăng.

Tin thể thao:

Vòng 18 Serie A:

Đoàn quân Inter Milan của HLV Antonio Conte đã phá dớp 23 năm không biết đến mùi chiến thắng trên sân San Paolo của Napoli. Chiến thắng giúp Inter Milan cân bằng điểm số với Juventus nhưng đang đứng trên vì hơn hiệu số. Tiền đạo Lukaku là người mở điểm trong trận đấu vừa qua ở phút 14. Đến phút 33, xuất phát từ một pha phản công, Lukaku tiếp tục xuyên thủng mảnh lưới của Napoli với một cú dứt điểm hiểm hóc khác. Trước khi hiệp 1 khép lại, Milik đã rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 cho Napoli. Nhưng sang hiệp 2, Lautaro Martinez đã chấm dứt cơ hội giành điểm của Napoli với pha lập công ở phút 62. 3-1 cũng là tỷ số cuối cùng của trận đấu này.

Ở Turin, Juventus cũng đã mở một bữa tiệc bàn thắng trên sân nhà bằng chiến thắng 4-0 trước Cagliari. Đáng chú ý là cả 4 bàn thắng của Juventus đều được ghi trong hiệp 2. Phút 49, Cristiano Ronaldo phá vỡ thế bế tắc sau pha tận dụng sai lầm của hậu vệ đối phương. Đến phút 67, cầu thủ người Bồ Đào Nha đã nâng tỷ số lên 2-0 trên chấm 11m. 14 phút sau, Ronaldo kiến tạo cho Higuain ghi bàn thắng thứ 3 rồi đích thân mình hoàn tất cú hat-trick ở phút 82, qua đó khép lại chiến thắng vang dội cho Juventus. 3 bàn thắng vừa qua giúp Ronaldo thiết lập kỷ lục là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử lập hat-trick ở 3 giải đấu Premier League, La Liga và Serie A. Chưa hết, đây là cú hat-trick thứ 56 trong sự nghiệp của CR7, thành tích chưa cầu thủ nào có thể chạm đến. Đáng chú ý, Ronaldo còn đi vào lịch sử trên tư cách là cầu thủ đầu tiên ghi bàn trong 18 mùa giải liên tiếp, tính riêng trong top 5 giải đấu hàng đầu châu Âu (2003 đến 2020).

Trong khi Lukaku và Ronaldo tỏa sáng thì Zlatan Ibrahimovic lại im hơi lặng tiếng trong ngày ra mắt AC Milan. Liên tiếp là những tình huống hãm thành được đội chủ nhà AC Milan tạo ra. Thế nhưng hàng thủ Sampdoria chơi phòng ngự kín kẽ và không cho đối phương có cơ hội ghi bàn. AC Milan thi đấu mờ nhạt và thiếu lửa, qua đó để hòa 0-0 Sampdoria trong năm mới. Kết quả này khiến Milan vẫn đang trôi dạt ở vị trí thứ 12 trên BXH Serie A.

De Rossi tuyên bố giải nghệ ở tuổi 36: Theo nhiều tờ báo uy tín của Italia, Daniele De Rossi đã quyết định rời khỏi Boca Juniors và nghỉ hưu hoàn toàn khỏi bóng đá. De Rossi có hợp đồng với Boca cho đến tháng 6 năm 2020, nhưng anh sẽ chấm dứt hợp đồng và giã từ bóng đá với hiệu lực ngay lập tức. Daniele De Rossi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mà bóng đá Ý từng sản sinh ra, tiền vệ 36 tuổi góp mặt trong thế hệ vàng của Azzurri lên ngôi tại World Cup 2006. Bên cạnh đó, với gần 20 năm chơi cho Roma, De Rossi cũng xứng đáng đứng cạnh Totti trong hàng ngũ những huyền thoại bất tử của sân Olympico. Như vậy, tập thể Italia hùng mạnh năm 2006 giờ đây chỉ còn một mình Gianluigi Buffon là còn thi đấu.

MU muốn có Harry Winks: Theo truyền thông Anh, HLV Ole Gunnar Solskjaer muốn chiêu mộ tiền vệ trung tâm Harry Winks của Tottenham trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông. MU đang gặp vấn đề nghiêm trọng ở trung tuyến. Ngoài việc thiếu tiền vệ làm bóng tốt, Ole còn mất cả Pogba lẫn Scott McTominay vì chấn thương. Harry Winks mới 23 tuổi, là người Anh, đá tiền vệ trung tâm và không được đảm bảo 1 suất đá chính chắc chắn trong đội hình Spurs nên được cho là rất phù hợp với Quỷ Đỏ, ít nhất là trong ngắn hạn. Đề nghị chính thức vẫn chưa được gửi tới Spurs nhưng MU được chờ đợi sẽ hành động nhanh trong ít ngày tới đây.

Inter Milan muốn có Arturo Vidal: Theo Tuttosport, HLV Antonio Conte của Inter Milan muốn tái ngộ tiền vệ người Chile Arturo Vidal. Conte rất muốn tăng cường tuyến giữa cho Inter ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông để tranh Scudetto với Juventus. Vidal là mục tiêu được nhắm đến bởi anh không có giá chuyển nhượng cao, thậm chí Inter hi vọng mượn được tiền vệ kỳ cựu này. Quan trọng không kém, Vidal có kinh nghiệm và từng chơi rất thành công ở Serie A cho Juventus khi Conte còn cầm quân ở đó. Tuttosport cho biết Inter thậm chí coi Vidal là mục tiêu chuyển nhượng số 1 trong mùa Đông trong khi cả Barca lẫn phía tiền vệ người Chile chưa đưa ra tuyên bố nào.

Barca không chấp nhận để Vidal ra đi: Theo tờ Sport, Barca sẽ không chấp nhận để Vidal ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông bất chấp sự quan tâm từ Inter Milan. Hợp đồng của Vidal với đội chủ sân Camp Nou cũng còn thời hạn tới năm 2021. Thời gian vừa qua, Vidal thường xuyên phải ngồi dự bị và được cho là muốn ra đi. Tuy nhiên, HLV Valverde và ban huấn luyện Barca vẫn đánh giá anh là một trong những nhân tố quan trọng của đội. Vidal chơi rất thân với hai trụ cột trong đội là Messi và Suarez. Mặc dù vậy, anh cũng có mối quan hệ thân thiết với HLV Antonio Conte của Inter.

Cutrone đồng ý gia nhập Fiorentina: Theo truyền thông Italy, Patrick Cutrone đã đồng ý gia nhập Fiorentina. Tiền đạo 22 tuổi mới rời AC Milan gia nhập Wolves được 6 tháng nhưng anh không có nhiều cơ hội ra sân ở đội bóng Anh và được cho là đã sẵn sàng tái hồi Serie A. Cutrone chỉ đá chính 3 trận ở giải Ngoại hạng Anh từ đầu mùa và ghi được đúng 2 bàn sau 12 trận ra sân cho Wolves ở giải Ngoại hạng. Có tin nói Wolves đòi 22 triệu euro cho vụ này nhưng Fiorentina đang cố thương lượng để mượn Cutrone cho tới hết mùa và chỉ muốn trả 20 triệu euro để mua đứt anh.

Choáng vì thời gian tịt ngòi của Bale. Tính cả trận thắng Getafe 3-0 ở vòng 19 La Liga, Gareth Bale đã trải qua 9 trận liên tiếp không ghi bàn cho Real Madrid, kéo dài 688 phút. Đây là lần thứ 2 ngôi sao 30 tuổi tịt ngòi lâu đến thế từ khi gia nhập đội chủ sân Bernabeu. Trước đó, Bale từng trải qua 829 phút liên tiếp không ghi bàn ở mùa 2014/15.

Liverpool hoàn tất chiêu mộ tân binh thứ 2: Trang chủ đội bóng đang chơi tại hạng nhất Anh, Brentford vừa có thông báo chính thức về việc tiền đạo Joe Hardy của đội bóng này đã chuyển đến thi đấu cho Liverpool. Mức phí chuyển nhượng giữa 2 CLB hiện vẫn chưa được tiết lộ. Joe Hardy gia nhập Brentford B từ Manchester City trong mùa giải 2016/17, anh ngay lập tức trở thành cầu thủ ghi bàn hàng đầu cho câu lạc bộ này. Tiền đạo 21 tuổi đã ghi được 40 bàn thắng trong 80 trận đấu của Brentford B.

Cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông: Chơi dao liệu có đứt tay?

Trung Đông đang thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng mới sau vụ máy bay không người lái của Mỹ tấn công sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3/1 khiến chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani, thiệt mạng.

Có thể thấy một “ngã rẽ” nguy hiểm đã xuất hiện sau cái chết của Tướng Soleimani. Cuộc đối đầu giữa Washington và Tehran đã ở vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” mà bất kỳ bước đi vượt "giới hạn đỏ cuối cùng" của bên nào cũng dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường.

Tại Iran, lễ tang Tướng Qasem Soleimani diễn ra ngày 6/1 đã biến thành một cuộc "biểu dương lực lượng" với sự tham gia của hàng trăm nghìn người. Các nhân vật cấp cao nhất của Iran cũng liên tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn về hành động "trả thù" mạnh mẽ nhất nhằm vào Mỹ, với cảnh báo rằng vụ sát hại Tướng Qasem Soleimani sẽ khiến Washington phải đối mặt với "ngày đen tối." Tất cả như phát đi một thông điệp đặc biệt cứng rắn đối với Mỹ.

Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau nhà lãnh đạo tối cao-Đại giáo chủ Ali Khamenei. Là một người cộng sự tin cậy và trung thành với ông Khamenei, Tướng Soleimani có ảnh hưởng lớn trong việc định hình chính sách đối ngoại của Tehran. Hay nói đúng hơn, ông chính là “đạo diễn” kiêm “tác giả” của nhiều chính sách cũng như chiến lược của Tehran đối với Syria, Iraq, Liban, Dải Gaza…

Trong hầu hết mọi cuộc xung đột ở Trung Đông, Tướng Soleimani được giới phân tích khu vực đánh giá là có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy cán cân quyền lực trong khu vực theo chiều hướng có lợi cho Tehran. Do vậy, cái chết của nhân vật nhiều ảnh hưởng này chắc chắn sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng và bộ máy quân sự của Iran.

Với mất mát và tổn thất lớn đến như vậy, Iran chắc chắn sẽ có hành động trả đũa. Ở Iran cũng có khá nhiều những nhân vật theo đường lối cứng rắn, kiên quyết sử dụng những biện pháp bạo lực để đáp trả Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù đang rất “sôi sục” muốn trả đũa, nhưng Iran, trong tình hình hiện nay, xét về cả thế và lực, cũng không đủ khả năng để có thể phát động một cuộc chiến tranh tổng lực, quy mô lớn chống Mỹ vì nó sẽ kích hoạt những biện pháp đáp trả tương xứng từ phía Washington, và khi ấy Tehran khó có thể chống đỡ được.

Kịch bản khả thi nhất được dự báo trong lúc này nghiêng về khả năng Iran sẽ tránh ra tay trực tiếp mà thông qua các lực lượng ủy nhiệm, thực hiện những vụ tấn công ở quy mô nhỏ nhằm vào các cơ sở và lợi ích của Mỹ ở khu vực. Một khả năng nữa cũng đã được đề cập là việc Iran sẽ rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) hồi năm 2015, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Điều này có vẻ như đang đi đúng theo lộ trình khi Tehran ngày 5/1 tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân. "Lá bài hạt nhân" được cho là sự lựa chọn phù hợp đối với Iran trong lúc này, đây chính là thứ Iran có thể đem ra mặc cả trên bàn đàm phán khi bị “dồn vào chân tường.”

Quả thực JCPOA đang ở trong tình thế mong manh hơn bất cứ lúc nào và chỉ cần thêm một bước đi nữa là Iran rời khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này. Tuy nhiên, việc sử dụng "lá bài hạt nhân" trong mọi trường hợp đều có nguy cơ khiến Iran bị "mắc kẹt" trong chính cái bẫy mà mình giăng. Đối với Mỹ, việc Tổng thống Trump ra lệnh không kích nhằm vào đoàn xe chở tướng cấp cao Iran được cho là mang "động cơ kép."

Bên cạnh mục tiêu "dằn mặt" Iran, vụ việc còn có tác động chính trị khi có thể "đánh lạc hướng" dư luận Mỹ trước phiên xét xử luận tội ông Trump tại thượng viện. Ngoài ra, có vẻ Tổng thống Trump muốn "ghi điểm" với các cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử quyết định năm 2020, khi thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên quyết bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, nói cách khác là một nhà lãnh đạo luôn quyết đoán theo đuổi lập trường "Nước Mỹ trước tiên."

Tuy nhiên, phản ứng trên chính trường Mỹ dường như đang cho thấy tính toán của Tổng thống Trump có thể "lợi bất cập hại." Nhiều động thái đang được các nghị sỹ xúc tiến tại Quốc hội Mỹ nhằm ngăn chặn hành động được cho là "tự tung tự tác" của Tổng thống Trump, phần nào thể hiện mối bất an của chính giới Mỹ rằng ông Trump đang đặt nước Mỹ vào "tình thế nguy hiểm." Ít nhất thì các công dân và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông đang bị đe dọa trực tiếp trước những tuyên bố "trả đũa" của Iran hoặc các nhóm ủng hộ Tehran trong khu vực.

Trong trường hợp này, việc kích động các căng thẳng quốc tế không chỉ làm vai trò và vị thế của Mỹ ở Trung Đông càng thêm sa sút, mà còn khiến Tổng thống Trump đánh mất sự ủng hộ ở trong nước. Mặt khác, chính sách "gây áp lực tối đa" của Mỹ đối với Iran trong suốt hơn 1 năm qua hầu như không đem lại hiệu quả, ngoài việc căng thẳng Washington/Tehran liên tục leo thang và đẩy khu vực Trung Đông nhiều lúc "bên bờ vực chiến tranh." Chưa kể, vụ không kích nhằm vào khu vực sân bay Baghdad của Iraq cũng khiến quan hệ giữa Mỹ với Iraq bị sứt mẻ nghiêm trọng mà đỉnh điểm là Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sỹ nước ngoài tại quốc gia Trung Đông này.

Ở một khía cạnh khác, chính sách "gây hấn" với Iran có thể dẫn tới một kịch bản không mong muốn là Washington phải tăng cường lực lượng để bảo vệ công dân và các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Điều đó vô hình trung sẽ trái với cam kết của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi các cuộc xung đột trong khu vực. Cử tri Mỹ thì chưa quên bài học khi quân đội nước này "sa lầy" trong cuộc chiến ở Iraq.

Về khía cạnh kinh tế, những căng thẳng giữa Mỹ và Iran kéo theo những bất ổn ở Trung Đông sẽ gây ra tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ thế giới và cụ thể là giá dầu. Thực tế, chỉ vài giờ sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào Tướng Soleimani, giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng vọt, lên mức cao nhất trong 7 tháng qua. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu có thể tăng lên tới 80 USD/thùng và thậm chí có thể vượt mức này nếu căng thẳng địa chính trị leo thang làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Trung Đông.

Ở đây cần nhắc lại vấn đề eo biển Hormuz-nơi có thể trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu quyết liệt Mỹ-Iran. Có thể thấy rằng với chiều dài khoảng 170 km, điểm hẹp nhất rộng 33 km, nhưng eo biển Hormuz lại là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của ngành năng lượng thế giới khi các tàu chở dầu của các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều phải đi qua đây. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 21 triệu thùng dầu, trị giá gần 1,2 tỷ USD được vận chuyển qua eo biển này, tương đương gần 1/3 lượng dầu thế giới. Ngoài ra, lượng xăng vận chuyển qua eo biển này cũng chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Do đó, bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Mỹ và Iran tại khu vực này cũng khiến hoạt động vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz bị gián đoạn, tác động tiêu cực tới ngành năng lượng và kinh tế toàn cầu.

Những vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu ở Vùng Vịnh hồi năm ngoái đã phần nào cho thấy hoạt động vận chuyển dầu ở khu vực sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào nếu an ninh và an toàn hàng hải không được đảm bảo. Công bằng mà nói thì cả Mỹ và Iran đều có khả năng sẽ phải hứng chịu rủi ro vì những hành động do bên này gây ra cho đối phương, hay nói cách khác là cả hai đều đối mặt với kịch bản "chơi dao có ngày đứt tay." Những tác động tiêu cực có thể rất lớn, và phần nào phụ thuộc vào việc Iran sẽ dùng biện pháp gì để đáp trả Mỹ và Washington đã chuẩn bị đối phó ra sao trước những phản ứng của Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Trung Đông.

Cho tới nay thì cả hai đều bày tỏ quan điểm cứng rắn, cho thấy căng thẳng Mỹ-Iran như "đạn đã lên nòng," song đâu đó vẫn hé mở những khả năng tháo ngòi. Vấn đề mấu chốt là chưa bên nào chìa tay ra trước, và những động thái căng thẳng hiện nay từ cả Mỹ và Iran luôn có nguy cơ "già néo đứt dây."

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 07/01/2020 là 1 AUD = 0.693 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 07/01/2020 là 1 AUD = 16,091 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào hoặc mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 28 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–35 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22–31 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, nhiều nơi có sương mù, chiều tối có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22–26 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, sáng sớm có mưa rào, nhiều nơi có sương mù. Nhiệt độ dao động từ 16–24 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này