Chương trình Thời sự thứ Ba, 06/08/2019

Cẩm Nhung | 06/08/2019 | 765 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Coburg: Bị chó dữ tấn công, bé gái hai tuổi phải nhập viện để điều trị

- Tin Úc: Tỷ lệ cử tri ủng hộ chính phủ Liên đảng gia tăng trong cuộc thăm dò công luận mới nhất

- Melbourne: Xe tải chở cần cẩu bị kẹt cứng dưới gầm cầu vượt

- Tin Úc: Liệu pháp điều trị ung thư máu sẽ được cung cấp miễn phí cho trẻ em

- Victoria: Cứ năm người đi xe đạp thì có một người từng chứng kiến hoặc từng bị tai nạn trên đường Sydney Road

- Melbourne: Tỷ lệ bán đấu giá nhà thành công đạt mức cao trong tuần lễ thứ ba liên tiếp

- Victoria: Cảnh sát sẽ điều tra vụ một khu nghỉ dưỡng chào mời du khách đến săn bắn động vật hoang dã

- Tin Úc: Thủ tướng Úc gửi lời chia buồn đến các nạn nhân trong vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình với nội dung kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực súng đạn và cho rằng mọi người dân Mỹ cần phải "chỉ trích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, lòng tin mù quáng và tư tưởng da trắng thượng đẳng" sau các vụ xả súng đẫm máu tại Texas và Ohio khiến 29 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Chỉ riêng trong tháng 7 và đầu tháng 8, tại Mỹ đã xảy ra liên tiếp các vụ xả súng tại các thành phố lớn. Những vụ xả súng đẫm máu kể trên một lần nữa cho thấy tình trạng bạo lực súng đạn đang thực là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên, cho tới nay, vấn đề này vẫn chưa tìm được lời giải đáp bởi những mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ đối với việc kiểm soát súng đạn.

Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Mexico ngày 5/8 cho biết, nước này sẽ điều tra vụ xả súng ở El Paso, bang Texas của Mỹ, đã thảm sát 22 người, trong đó có 8 công dân Mexico, là một hành động khủng bố và có thể yêu cầu tay súng nghi phạm được dẫn độ về Mexico để xét xử. Sự tham gia của Mexico trong thủ tục hình sự đối với nghi phạm bị cáo buộc Patrick Crusius, diễn ra vào thời điểm căng thẳng lên cao giữa Mexico City và Washington liên quan các vấn đề như người di cư và thương mại.

Bộ Tài chính Mỹ chiều 5/8 (giờ địa phương) đã chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang. Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, theo sự ủy quyền của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã quyết định “Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.” Tuyên bố cũng cho biết ông Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ. Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc trong buổi sáng cùng ngày đã cho phép đồng nhân dân tệ mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi được 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. Quyết định của Trung Quốc đã gây ra làn sóng bán tháo ồ ạt cổ phiếu trên thị trường Phố Wall trong ngày 5/8. Việc phá giá cũng sẽ gây áp lực lên Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed), buộc cơ quan này phải xem xét thực thi các đợt cắt giảm lãi suất mới.

Quân đội Hàn Quốc cho biết, sáng 6/8 Triều Tiên đã bắn các vật thể chưa xác định vào vùng biển phía Đông nước này, tức biển Nhật Bản. Đây là lần thứ tư trong chưa đầy 2 tuần Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng như vậy. Giới chức Mỹ tuyên bố Washington đang theo dõi tình hình và tham vấn chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết chưa xác nhận bất cứ tên lửa đạn đạo nào bay vào hoặc bay qua lãnh thổ Nhật Bản hay vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Cũng trong sáng nay, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho rằng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là “sự vi phạm trắng trợn” sau các cuộc đàm phán, rằng Mỹ-Hàn thiếu “ý chí chính trị” đối với các cuộc đàm phán hòa bình.

Ngày 5/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn mở rộng quan hệ ngoại giao tại châu Á trong bối cảnh khu vực này đang trở thành trung tâm kinh tế của thế giới, đồng thời nhấn mạnh rằng sáng kiến này không đồng nghĩa với việc Ankara đang xa rời các đồng minh phương Tây. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên căng thẳng do Ankara kiên quyết thực hiện hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Theo Reuters, ngày 5/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã nhắc lại quan điểm Berlin sẽ không gia nhập sứ mệnh hải quân do Mỹ dẫn đầu tại eo biển Hormuz, giải thích rằng nước ông ủng hộ một sứ mệnh của châu Âu, song cũng cảnh báo sẽ không dễ dàng đạt được tiến triển trong vấn đề này. Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Đức hôm 30/7 tuyên bố Washington đã yêu cầu Đức tham gia cùng với Pháp và Anh trong một sứ mệnh bảo vệ tàu thuyền đi lại qua eo biển Hormuz và “chống lại sự gây hấn của Iran." Tuy nhiên, Berlin đã từ chối yêu cầu này.

Báo Yomiuri Shimbun ngày 5/8 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản có ý định thành lập một đơn vị quân sự vũ trụ thuộc Các lực lượng Phòng vệ của nước này trong năm 2020. Thông tin này được công bố trong bối cảnh các nước, trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc, tăng cường sử dụng không gian vũ trụ cho các mục đích quốc phòng. Kế hoạch thành lập đơn vị này đã được đề xuất hồi tháng 12/2018. Theo báo trên, đơn vị mới này dự kiến sẽ được bố trí tại một căn cứ không quân ở thành phố Fuchu, phía Tây thủ đô Tokyo. Nhiệm vụ chính của đơn vị sẽ là giám sát các mảnh vỡ ngoài không gian vũ trụ, các mối đe dọa tấn công và sự can thiệp từ vệ tinh của các nước khác.

Ngày 5/8, một vụ cháy nổ nghiêm trọng đã xảy ra tại một kho vũ khí ở vùng ở Siberia của Nga, buộc nhà chức trách địa phương phải sơ tán khẩn cấp 2 ngôi làng ở gần đó. Cơ quan khẩn cấp của Nga cho biết, 8 người đã bị thương trong vụ cháy nổ kho vũ khí quy mô lớn của quân đội Nga. Vụ nổ xảy ra ở gần thành phố Achinsk, nơi cất giữ hơn 40.000 quả đạn cỡ nòng 125mm và 152mm. Hơn 1.000 người dân sống trong vòng bán kính 20km đã được sơ tán khẩn cấp. Lực lượng cứu hộ đã được điều động tới hiện trường.

Ngày 5/8, quân đội Syria tuyên bố sẽ nối lại các chiến dịch quân sự nhằm vào Idlib, khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân. Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Damascus nhất trí về một lệnh ngừng bắn với điều kiện phiến quân tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được vào năm 2018. Tuy nhiên, quân đội Syria khẳng định, các nhóm khủng bố vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã không tuân thủ lệnh ngừng bắn và tấn công dân thường. Do đó, Syria sẽ nối lại chiến dịch quân sự chống khủng bố.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hàn Quốc và Nhật Bản leo thang, ngày 5/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng "nền kinh tế hòa bình". Đó chính là việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Triều Tiên nhằm chống lại sức ép từ bên ngoài. Tại cuộc họp với đội ngũ cố vấn, ông Moon Jae-in tin rằng có thể đạt được sự thịnh vượng chung thông qua hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên. Một nền kinh tế hòa bình theo tầm nhìn của Tổng thống Hàn Quốc là dựa trên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời cứu trợ nước này từ các lệnh trừng phạt.

Ngày 5/8, Ấn Độ bất ngờ tuyên bố hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực tranh chấp Kashmir do nước này kiểm soát. Với sự thay đổi này, bang Jammu và Kashmir sẽ chuyển thành một vùng lãnh thổ liên bang, có nghĩa New Delhi sẽ có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề của bang này. Pakistan ngay lập tức đã lên tiếng phản đối cho rằng, không một bước đi đơn phương nào của Chính phủ Ấn Độ có thể thay đổi hiện trạng tranh chấp tại khu vực Jammu và Kashmir. Căng thẳng đang leo thang trong quan hệ hai quốc gia láng giềng Nam Á sau khi hai bên cáo buộc lẫn nhau tấn công qua ranh giới kiểm soát phân chia khu vực Kashmir.

Ngày 5/8, hơn 500.000 người từ hơn 20 ngành nghề khác nhau đã tham gia vào cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Hong Kong, Trung Quốc. Những người tham gia đình công đã chặn các tuyến đường bộ, đường hầm và làm gián đoạn dịch vụ tàu điện ngầm trong ngày 5/8. Cuộc đình công này nhằm gây áp lực buộc chính quyền đặc khu đáp ứng yêu cầu rút toàn bộ dự luật dẫn độ và điều tra về cách cảnh sát sử dụng vũ lực đối phó với các cuộc biểu tình. 200 chuyến bay đã bị hủy vì lo ngại cuộc đình công quy mô lớn. Đây là động thái nối tiếp hàng loạt vụ biểu tình nổ ra tại Hong Kong suốt 8 tuần vừa qua.

Tin thể thao:

MU gấp rút hoàn tất chiêu mộ Eriksen: Theo tờ Daily Mail, MU đang cố gắng đảm bảo việc ký hợp đồng với tiền vệ Christian Eriksen trước khi kỳ chuyển nhượng mùa Hè tại Anh đóng cửa vào thứ Năm (8/8). Ngôi sao người Đan Mạch hiện chỉ còn 1 năm trên hợp đồng với Tottenham. Anh từng thổ lộ ý định ra đi và đang được cả Real Madrid lẫn Atletico Madrid quan tâm. Ban đầu, chủ tịch Daniel Levy muốn 130 triệu bảng cho Eriksen. Tuy nhiên, ông đã phải giảm giá cầu thủ này vì nguy cơ sẽ mất trắng anh vào mùa Hè tới. Giờ đây, giá của Eriksen được cho sẽ rơi vào khoảng 50 triệu bảng. Ở diễn biễn ngược lại, Tottenham đang tìm cách chốt thỏa thuận với Bruno Fernandes để thay thế cho Eriksen.

PSG nhảy vào cuộc đua giành Dybala: Theo Infportport +, PSG đã gửi đề nghị 60 triệu euro hỏi mua tiền đạo Paulo Dybala của Juventus. Cầu thủ người Argentina đã được liên hệ với MU như một phần trong thỏa thuận để đổi lấy Romelu Lukaku. Tuy nhiên, thương vụ này có vẻ như đã đổ bể. Ngay lập tức, PSG đã nhân cơ hội này để thể hiện sự quan tâm tới Dybala. Đội bóng nước Pháp rất muốn có được sự phục vụ của Dybala trong bối cảnh Neymar đang đòi quay về Barca.

Real bất ngờ quan tâm tới Neymar: Barca đang nuôi ý định đưa Neymar trở về sân Camp Nou trong mùa Hè này, chỉ 2 năm sau khi bán cầu thủ người Brazil cho PSG với giá 222 triệu euro. Tuy nhiên theo tờ Sport, chủ tịch Florentino Perez cũng đang quyết tâm đưa Neymar về Real Madrid. Perez vốn đã là một fan hâm mộ của Neymar từ lâu. Ông sẽ cố gắng hoàn tất hợp đồng với tiền đạo người Brazil dù HLV Zinedine Zidane không định theo đuổi cầu thủ này.

Inter chia tay Nainggolan: Trang chủ Inter Milan xác nhận đã để tiền vệ Radja Nainggolan chuyển tới Cagliari theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm. Nhiều khả năng sau khi hết hợp đồng này, Inter sẽ chia tay Nainggolan luôn vì anh vốn không nằm trong kế hoạch lâu dài của HLV Antonio Conte. Thực tế cho thấy Nainggolan có rất nhiều lựa chọn chất lượng hơn trong mùa Hè này. Tuy nhiên, anh đã quyết định chọn Cagliari bởi đây chính là đội bóng đã giúp anh có được tiếng tăm như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, vợ anh, Claudia Lai, một người con của Cagliari đang điều trị ung thư tại đây.

MU từ bỏ Mandzukic: Mario Mandzukic của Juventus đã đạt các thỏa thuận cá nhân với MU. Theo đó, Mandzukic sẽ ký hợp đồng tới 2022 kèm mức lương 6,2 triệu bảng một năm. Mandzukic được coi là sự thay thế lý tưởng cho Romelu Lukaku, người có thể cập bến Juventus theo chiều ngược lại. MU muốn Dybala để trao đổi Lukaku với Juve nhưng tiền đạo người Argentina lại không chấp nhận tới Old Trafford do vấn đề bản quyền hình ảnh dù anh được thông báo không có tương lai ở Juve. Vì chưa bán được Lukaku nên MU cũng sẽ từ bỏ Mandzukic.

Rooney sắp về Anh dẫn dắt đội cũ của Lampard: Theo nguồn tin độc quyền từ tờ Telegraph, Wayne Rooney đang có cơ hội trở thành cầu thủ kiêm HLV tại Derby County nếu anh rời đội bóng nước Mỹ DC United. Ông chủ của Derby - Mel Morris đã bổ nhiệm Phillip Cocu ngồi "ghế nóng" thay Frank Lampard và đang muốn Rooney hồi hương đảm nhận một vai trò trong ban huấn luyện đội bóng hạng Nhất Anh này.

Arsenal lại “phá két” mua trung vệ. Dù vừa phá kỉ lục CLB để đưa về cầu thủ chạy cánh Nicolas Pepe nhưng Arsenal vẫn chưa muốn dừng lại. Theo nguồn tin độc quyền của Bild (Đức), "Pháo thủ" đã gửi lời đề nghị trị giá 60 triệu euro (55 triệu bảng) cho RB Leipzig để hỏi mua Dayot Upamecano.

Liverpool trình làng thủ môn mới Adrian thay Mignolet: Nhà ĐKVĐ Champions League đã ra mắt thủ thành Adrian sau khi chia tay Simon Mignolet. Thủ môn người Bỉ sẽ hồi hương để gia nhập Club Brugge với giá 7 triệu euro, cộng thêm 2 triệu biến phí. Mignolet đã lên máy bay về nước từ hôm Chủ Nhật tuần trước để kịp tập luyện và ra mắt đội bóng mới tại vòng sơ loại Champions League vào thứ Ba. Phía Liverpool không mất xu nào để có được Adrian từ West Ham theo dạng chuyển nhượng tự do. Thủ thành người Tây Ban Nha sẽ mặc áo số 13 ở CLB mới và là tân binh thứ 3 của Liverpool trong Hè 2019 sau Sepp van Den Berg và Harvey Elliott.

VĐV bóng rổ ăn gian theo cách khó tin. Tay ném DJ Cooper đã không thể vượt qua buổi kiểm tra doping khi nhập tịch vào Bosina để chơi cho đội tuyển nước này. Kết quả khiến các bác sĩ không khỏi bất ngờ khi trong nước tiểu của Cooper có loại hormon xuất hiện ở nước tiểu phụ nữ khi họ mang thai. Mẫu nước tiểu nói trên được xác định là của bạn gái vận động viên này. Hành vi của Cooper khiến anh không thoát khỏi án phạt của Liên đoàn Bóng rổ quốc tế (FIBA). Tổ chức này đã cấm Cooper thi đấu tới tháng 6/2020 vì tội gian dối.

5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất nếu Brexit không thỏa thuận

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra lệnh cho các bộ trưởng và quan chức trong chính phủ sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận, khiến các thị trường tiền tệ và giới doanh nghiệp cảm thấy bất an.

Ông Johnson cam kết sẽ thúc đẩy nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không. Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid dự kiến sẽ công bố kế hoạch tiếp theo để chuẩn bị cho khả năng không thỏa thuận trị giá 1 tỷ bảng trong trong số 4,2 tỷ bảng mà Chính phủ Anh dành cho Brexit tới nay.

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định sẽ không xây dựng thêm bất kỳ kế hoạch nào để đối phó với tác động của Brexit không thỏa thuận trước ngày 31/10. Nếu Vương quốc Anh dứt áo ra đi trong 3 tháng tới, EU cho rằng một sự ra đi hỗn loạn sẽ đưa các nhà đàm phán Anh trở lại Brussels vào ngày 1/11 để cố gắng có được sự liên tục nào đó cho các doanh nghiệp.

Tờ Financial Times số ra mới đây điểm mặt 5 lĩnh vực có thể cảm nhận những tác động nặng nề nhất của Brexit không thỏa thuận:

1. Các luồng dữ liệu

Các doanh nghiệp và cơ quan khu vực công xuyên eo biển Anh hàng ngày chuyển giao một khối lượng dữ liệu kỹ thuật số cá nhân khổng lồ của các công dân EU và Anh. Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, tính hợp pháp của các luồng dữ liệu này sẽ bị đặt câu hỏi, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe hoặc bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến khách hàng EU. Việc gián đoạn các luồng dữ liệu sẽ là một rào cản đáng kể đối với thương mại và trong trường hợp xấu nhất có thể buộc các công ty Anh phải dừng hoạt động ở châu Âu.

2. Các dịch vụ tài chính

Sau khi Brexit không thỏa thuận diễn ra, lĩnh vực dịch vụ tài chính đầy lợi nhuận của Vương quốc Anh có thể sẽ mất các quyền “thông hành,” quyền cho phép các công ty có trụ sở tại Anh được hoạt động ở thị trường chung của EU. Trong khi các công ty phải gánh chịu phần lớn việc chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận, Brussels đã thực hiện các bước dự phòng quan trọng.

Các biện pháp này gồm quyền sử dụng tạm thời các ngân hàng thanh toán bù trừ hoạt động tại Vương quốc Anh cho đến tháng 3/2020, 18 tháng cho các khoản lưu ký chứng khoán chủ chốt để giải quyết các giao dịch và sáu tháng để thực hiện các thay đổi hợp đồng đối với các công cụ phát sinh ngoài quầy.

Các tập đoàn dịch vụ tài chính cũng phải đối mặt với những vấn đề gai góc hơn về hậu cần vào đúng ngày Brexit. Ngày 31/10 rơi vào thứ Năm, điều đó có nghĩa là các công ty của Anh sẽ phải đối mặt với bài toán hậu cần đầy khó khăn của việc chuyển đổi các hệ thống mà họ sử dụng sang báo cáo các giao dịch vào giữa tuần, mặc dù nhiều nước EU được nghỉ lễ vào ngày 1/11.

Về lâu dài, sau Brexit có hoặc không có thỏa thuận ly hôn, trung tâm tài chính London sẽ phải cố gắng giành quyền tiếp cận thị trường theo một chế độ của EU.

3. Hải quan

Anh sẽ ra khỏi liên minh hải quan của EU khi Brexit không thỏa thuận diễn ra, có nghĩa là các công ty Anh sẽ phải điền các tờ khai hải quan, thay đổi nhãn trên các sản phẩm thực phẩm và kiểm tra dịch tễ hàng xuất khẩu có chứa sản phẩm động vật.

Một chiến dịch truyền thông của Anh đã được triển khai để thông báo cho các công ty về những gì họ cần làm để chuẩn bị. Nhưng các doanh nghiệp Anh đã chỉ trích chính phủ về việc thiếu thông tin liên quan cách thức chuẩn bị cho sự ra đi đột ngột, ví dụ như vấn đề xử lý những thay đổi về thuế quan hay việc kiểm tra hải quan hoạt động như thế nào ở biên giới Ireland. Hiện tại đây là một biên giới “vô hình” giữa miền Bắc và miền Nam, nhưng Brexit không thỏa thuận có thể dẫn đến khả năng các cơ sở kiểm soát biên giới quay trở lại hòn đảo Ireland.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Sam Lowe tại Trung tâm Cải cách châu Âu cho biết, các công ty đã không chuẩn bị vì họ không tin rằng một sự ra đi đột ngột có thể xảy ra. Ông nói thêm đến nay, chiến lược đầy đủ đòi hỏi các công ty phải đăng ký nhiều thứ nhưng họ chưa làm đủ điều đó. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đã không đăng ký lấy “số nhà xuất khẩu”, thủ tục cho phép các công ty tiếp tục nhập khẩu và xuất khẩu sau Brexit.

Đầu năm nay, Chính phủ Anh đã gửi thư cho 145.000 công ty có giao dịch làm ăn với EU để họ đăng ký vào một hệ thống cho phép đơn giản hóa việc khai báo hải quan và thanh toán chậm thuế nhập khẩu. Theo Robert Hardy, một chuyên gia hải quan của công ty hậu cần Oakland Invicta, chỉ có khoảng 10.000 công ty đăng ký.

4. Giao thông, vận tải

Mặc dù lĩnh vực vận tải luôn hy vọng có một thỏa thuận, nhưng các công ty hoạt động xuyên biên giới như các hãng hàng không và Getlink - nhà khai thác đường hầm euro - đã chuẩn bị cho một kịch bản không thỏa thuận để giảm thiểu sự gián đoạn.

Các hãng hàng không có thể sẽ tiếp tục hoạt động nhưng không bình thường như trước. EC đã thông qua hai bộ luật cho phép các hãng hàng không bay từ điểm này đến điểm khác giữa các thành phố của Anh và châu Âu. Các quyền bay cơ bản này, cũng sẽ được Vương quốc Anh chấp thuận, kéo dài đến tháng 3/2020. Nhưng các nhà khai thác bay sẽ không thể bay đến các điểm đến khác của EU hoặc đưa hành khách mới đến một địa điểm không thuộc Vương quốc Anh.

Các giải pháp tạm thời trong 6 tháng cung cấp một khoảng thời gian ngắn để EU và Vương quốc Anh đàm phán một thỏa thuận hàng không trong tương lai, nhưng thỏa thuận mới như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Các hãng hàng không như Ryanair, EasyJet và IAG - công ty mẹ của British Airline - cũng cần phải đáp ứng các quy định về sở hữu và kiểm soát hãng hàng không của EU.

Đường hầm euro của Getlink, nơi chứng kiến 20 triệu lượt hành khách, 2,6 triệu xe hơi và 1,6 triệu xe tải qua lại mỗi năm giữa Vương quốc Anh và châu Âu lục địa - cũng sẽ tiếp tục hoạt động. Getlink đã chi 15 triệu euro trước thời hạn Brexit đầu tiên vào ngày 29/3 để lắp đặt các trang thiết bị hạ tầng mới.

5. Ngư nghiệp

Sau Brexit không thỏa thuận, Vương quốc Anh cũng không thuộc chính sách ngư nghiệp chung của EU, nghĩa là các tàu của EU sẽ không còn quyền đi vào ngư trường của Anh. Vì các tàu của các nước thành viên EU khác đánh bắt ở vùng biển của Anh nhiều hơn rất nhiều so với ngư dân Anh đánh bắt ở vùng biển của các nước EU khác, nên nghề cá là một trong số ít lĩnh vực mà EU chịu nhiều thiệt hại hơn nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra. EU ước tính hoạt động đánh bắt của các tàu châu Âu tại vùng biển của Anh trị giá 585 triệu euro. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra gián đoạn tại biên giới, có rất ít khu vực của nền kinh tế Anh bị tổn thương hơn lĩnh vực xuất khẩu thủy sản vì lĩnh vực này phụ thuộc vào việc phải giao hàng nhanh chóng để đảm bảo sản phẩm vẫn tươi khi đến thị trường châu Âu.

Nhiều ngư dân Anh hy vọng sẽ được hưởng lợi từ việc các tàu của EU phải đối mặt với những hạn chế mới tại vùng biển của Anh. Tuy nhiên, đội tàu đánh bắt cá của Anh sẽ không có khả năng tận dụng ngay lập tức và bất kỳ sự thay đổi nào như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến những tranh luận gay gắt trong các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại trong tương lai.

Theo kế hoạch dự phòng tối thiểu, EC đã thông qua luật khẩn cấp cho phép ngư dân EU được bồi thường “trong trường hợp các vùng biển của Anh đóng cửa bất ngờ đối với các tàu cá của EU.” Brussels sẽ cho phép ngư dân Anh tiếp cận vùng biển của EU cho đến cuối năm 2019 nếu phía Anh cũng đáp lại như thế.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 06/08/2019 là 1 AUD = 0.678 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 06/08/2019 là 1 AUD = 15,706 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 9–16 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–25 độ.

Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–22 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 20–30 km/h. Nhiệt độ dao động từ 8–13 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này