Chương trình Thời sự thứ Ba, 02/06/2020
Tin nước Úc:
- Victoria sẽ kéo dài Tình trạng Khẩn cấp thêm ba tuần lễ
- Victoria: Từ ngày 1/6, người dân có thể rời khỏi nhà vì bất cứ lý do nào
- Tasmania: 3,000 người có visa tạm thời đã nhận được tiền trợ cấp một lần
- Victoria: Người dân sẽ có thể làm việc ở văn phòng từ tháng Bảy nếu dịch bệnh được kiểm soát
- Tin Úc: Các hộ gia đình có thể sẽ được trợ cấp để cải tạo nhà ở
- Tin Úc: Úc nới lỏng các hạn chế, bước sang giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh
- Tin Úc: Người trẻ tuổi bị khuyết tật thường bị bắt nạt nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa
- Victoria: Đầu tư vào công nghệ tạo ra ít khí thải trong tương lai
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 1/6, Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi khôi phục trật tự và luật pháp trên toàn nước Mỹ, đồng thời chỉ trích những phần tử quá khích tiến hành các vụ biểu tình bạo loạn trong đêm thứ 6 liên tiếp ở nhiều địa phương của Mỹ. Trả lời hãng tin Fox News, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Kayleigh McEnany cáo buộc Antifa, một nhóm chống phátxít, đứng đằng sau các vụ bạo lực này. Tổng thống Donald Trump ngày 31/5 đã liệt nhóm này vào danh sách tổ chức khủng bố. Tuyên bố trên được được ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc bùng phát tại nhiều địa phương ở Mỹ xuất phát sau vụ công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota. Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ sau các cuộc bạo động bùng phát sau vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968.
Tình hình dịch COVID-19 ở Nga đang bước sang giai đoạn ổn định, và lúc này cần trở lại với một phần việc quan trọng của đất nước là sửa đổi Hiến pháp. Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố điều này trong cuộc họp với nhóm chuyên trách vào ngày 1/6 và ấn định cuộc bỏ phiếu toàn Nga về sửa đổi Hiến pháp sẽ diễn ra sau chưa đầy một tháng nữa. Theo Tổng thống Nga Putin, xét trên quan điểm pháp lý và tình hình dịch tễ hiện tại, ngày 1/7 là thời điểm hợp lý để tổ chức việc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp. Người dân Nga sẽ có 30 ngày để xem lại tất cả các sửa đổi và xác định thái độ của mình đối với những đề xuất được đưa ra. Trước đó, cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến toàn dân về sửa đổi Hiến pháp của nước Nga từng được lên kế hoạch vào ngày 22/4/2020 đã phải hoãn lại vì đại dịch COVID-19. Theo đề xuất của Ủy ban bầu cử Trung ương Nga, việc bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp có thể diễn ra trong 6 ngày trước thời điểm ấn định chính thức, tức là từ 25/6 đến 1/7. Điều này tránh sự tập trung đông người tại các điểm bầu cử, hạn chế khả năng lây nhiễm dịch bệnh.
Nhật Bản ngày 1/6 bắt đầu tiến hành nới lỏng hạn chế tiếp xúc xã hội quy mô lớn để phục hồi lại hoạt động kinh tế, xã hội sau hơn 1 tháng rưỡi ban bố tình trạng khẩn cấp. 40 trên tổng số 47 tỉnh, thành phố của nước này dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh hạn chế. 7 tỉnh thành còn lại, trong đó có Tokyo, cũng quyết định dỡ bỏ một phần yêu cầu hạn chế đối với các doanh nghiệp. Bên cạnh việc nới lỏng giãn cách, Nhật Bản cũng đang cân nhắc mở cửa biên giới với một số quốc gia có mức lây nhiễm thấp. Truyền thông Nhật Bản cho biết, Australia là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên mà khách du lịch sẽ được nhập cảnh vào Nhật Bản, bên cạnh Thái Lan, Việt Nam và New Zealand. Tuy nhiên, vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc này.
Nhằm hạn chế tình trạng "rác khẩu trang" bị vứt bỏ không đúng nơi quy định, hình thức phạt tới 300 Euro sẽ được áp dụng trong thời gian tới tại Pháp. Các nghị sĩ và Bộ Môi trường của Pháp đã vận động để đưa ra những hình phạt, bên cạnh đó, trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia cũng đang tìm kiếm phương án để có thể tái chế khẩu trang phẫu thuật, vốn được sản xuất bởi sợi Polypropylen, một vật liệu nhiệt dẻo rất dày đặc không thể phân hủy sinh học, không thể tái chế. Nhiều đề nghị được đưa ra như dùng lò hấp nhiệt độ cao hoặc sử dụng tia gamma. Trong khi chưa tìm ra phương án phù hợp thì phạt tiền được coi là giải pháp tạm thời và hữu hiệu. Không chỉ là câu chuyện của dịch bệnh, mà chiếc khẩu trang dù nhỏ nhưng có thể trở thành một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm đất và nước một cách lâu dài.
Nga chính thức phân phối thuốc kháng virus SARS-CoV-2 từ ngày 11/6. Đây không chỉ là thuốc kháng virus SARS-CoV-2 đầu tiên được đăng ký ở Nga mà còn có thể trở thành loại thuốc chống COVID-19 hứa hẹn nhất thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Nga cũng cảnh báo, thuốc này không phải và không thể thay thế cho vaccine COVID-19. Loại thuốc này đã được Bộ Y tế Nga cấp phép lưu hành từ ngày 31/5 với tên thương mại là Avifavir - sau quá trình thử nghiệm trên 330 bệnh nhân. Thuốc do Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và Trung tâm công nghệ cao Chemrar hợp tác sản xuất. Theo các đơn vị này, lượng thuốc được sản xuất đủ để điều trị cho khoảng 60 nghìn bệnh nhân mỗi tháng.
Chính phủ Singapore đang hướng tới việc hỗ trợ các tiểu thương người cao tuổi biết đến và có thể sử dụng giải pháp thanh toán điện tử. Kể từ tháng này, Singapore sẽ huy động 1.000 người chuyên hỗ trợ người cao tuổi và tiểu thương sử dụng mạng Internet. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy áp dụng kỹ thuật số của nước này nhằm phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Những người hỗ trợ sẽ đi khắp các chợ đồ tươi sống và trung tâm ăn uống tại Singapore để khuyến khích các chủ gian hàng sử dụng mã SGQR nhằm thanh toán điện tử và tránh dùng tiền mặt. Để khuyến khích nhiều tiểu thương sử dụng thanh toán điện tử, chính phủ Singapore còn lên kế hoạch cung cấp 300 Dollar Singapore mỗi tháng cho các tiểu thương, trong thời gian 5 tháng. Mục tiêu của hoạt động này là hỗ trợ 18.000 tiểu thương và 100 nghìn người cao tuổi biết đến và có thể sử dụng giải pháp thanh toán điện tử trong vòng 1 năm.
Giới chức Thủ đô Paris của Pháp hôm 30/5 đã dỡ bỏ những hàng rào kim loại cao được dựng bao quanh quảng trường phía trước Nhà thờ Đức Bà. Người dân giờ đây có thể nhìn cận cảnh công trình theo lối kiến trúc Gothic này, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng cách đây hơn một năm. Đến thăm quảng trường cùng linh mục quản nhiệm Nhà thờ Đức Bà, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nhấn mạnh, quyết định này gần như một "hình thức tái sinh" công trình 850 năm tuổi. Hiện mặt tiền của nhà thờ và các lối vào hình vòm vẫn bị chặn, tuy nhiên, khu vực quảng trường bắt đầu được mở cửa với công tác khử trùng được tiến hành thường xuyên cùng với việc nối lại công tác phục dựng. Dự kiến, Nhà thờ Đức Bà sẽ trở lại như trước đây vào năm 2024.
Tin thể thao
Rashford ‘lật kèo’ với Barca: Tờ Mundo Deportivo vừa hé lộ một thông tin gây sốc liên quan tới tiền đạo Marcus Rashford của MU. Theo đó, cầu thủ người Anh từng được đội chủ sân Camp Nou theo đuổi vào cuối năm 2018. Ở thời điểm đó, Barca đã lên kế hoạch tìm phương án thay thế lâu dài cho Luis Suarez và đã liên hệ với người đại diện của Rashford. Ban đầu, Rashford đã hào hứng và đồng ý gia nhập Barca. Nhưng đến phút chót, thương vụ này đã đổ bể vì cầu thủ người Anh suy nghĩ lại. Nguồn tin trên nói rằng Rashford đã lo ngại bản thân không thể thích nghi ở môi trường mới cũng như phòng thay đồ toàn sao của Barca. Cuối cùng, anh đã chọn gia hạn với MU tới năm 2023 và qua đó khép lại những tin đồn về tương lai của mình.
Arsenal dẫn đầu cuộc đua giành Milik: Chân sút 26 tuổi của tuyển Ba Lan và Napoli Milik đang nằm trong tầm ngắm cùng lúc của cả Arsenal, Tottenham, Inter Milan lẫn Juventus. Milik sẽ hết hợp đồng với Napoli vào mùa Hè 2021 và có vẻ như anh không muốn gia hạn với đội bóng miền nam Italy. Milik đã ghi 12 bàn thắng sau 22 trận ra sân ở các giải cho Napoli mùa này, còn tính tổng cộng từ khi rời Ajax đến đây năm 2016, anh đã có 46 bàn thắng sau 109 trận ra sân cho Napoli. Juve và Inter cũng quan tâm tới Milik nhưng Napoli không muốn bán anh cho một đối thủ ở trong nước. Arsenal và Spurs là hai đội bóng khác được liên hệ với Milik và Pháo Thủ được cho là đang dẫn đầu cuộc đua sở hữu chữ ký của anh.
Real không sử dụng sân Bernabeu cho đến cuối mùa giải: Mới đây, chủ tịch Florentino Perez đã xác nhận Real Madrid sẽ không chơi bất kỳ trận sân nhà nào còn lại mùa này trên sân Bernabeu khi bóng đá trở lại. Thay vào đó, “Kền kền trắng” sẽ tổ chức các trận đấu của họ trên sân Alfredo Di Stefano tại Valdebebas. SVĐ 6000 chỗ ngồi này thường là sân nhà của đội trẻ Real Madrid Castilla. Để đáp ứng tiêu chuẩn của La Liga, Real sẽ tân trang thêm đèn, biển quảng cáo và cài đặt công nghệ VAR.
Arsenal đề nghị Aubameyang gia hạn hợp đồng: Arsenal đã đề nghị tiền đạo Pierre-Emerick Aubameyang gia hạn hợp đồng nhằm dập tắt những tin đồn về tương lai của cầu thủ người Gabon. Aubameyang còn 1 năm hợp đồng với đội bóng chủ sân Emirates và đã được liên hệ gia nhập PSG. PSG tin rằng họ có thể thuyết phục Arsenal bán Aubameyang với giá 45 triệu bảng. Mặc dù vậy, đội bóng thành London không muốn để mất chân sút số 1 của họ. Kể từ khi gia nhập Arsenal, Aubameyang đã trở thành chân sút chủ lực của “Pháo thủ”. Mùa trước, anh đã giành danh hiệu Vua phá lưới Premier League. Mùa giải này, Aubameyang đã ghi được 17 bàn trong 26 lần ra sân tại Premier League.
Sao trẻ 81 triệu euro ưu tiên đến MU: Theo Metro, MU đang là đôi dẫn đầu cuộc đua chiêu mộ tài năng trẻ Kai Havertz trong thị trường chuyển nhượng Hè 2020. Với tài năng nổi bật của mình, Havertz nhiều khả năng sẽ không còn gắn bó lâu dài với Bayer Leverkusen. Hiện tại, Havertz đang được định giá chuyển nhượng lên tới 81 triệu euro. Tuy nhiên đề nghị ban đầu mà MU gửi tới Leverkusen chỉ là khoảng 60 triệu euro. Ngoài MU, Chelsea và một số CLB Premier League khác cũng đang nhắm đến Kai Havertz.
Sáng tỏ tương lai của Messi: Là một phần trong hợp đồng 4 năm được ký hồi 2017, Lionel Messi có điều khoản cho phép anh được tự do ra đi vào cuối bất kỳ mùa giải nào, miễn là anh cho CLB biết về ý định của mình trước ngày 1/6 mỗi năm. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều suy đoán khác nhau về tương lai của ngôi sao người Argentina trong bối cảnh anh có mối quan hệ rạn nứt với ban quản trị Barca. Ngoài ra, cựu chủ tịch của Inter, Massimo Moratti, cũng tuyên bố rằng Nerazzurri có thể chiêu mộ cầu thủ 32 tuổi này. Tuy nhiên, Messi đã chọn ở lại Barca khi không có bất kỳ hành động nào trước thời hạn 1/6 kể trên. Thông qua các tài khoản trên mạng xã hội, Messi cũng đã phủ nhận rằng anh sẽ rời khỏi CLB và các nguồn tin thân cận với cầu thủ này cũng đã xác nhận anh sẽ ở lại sân Camp Nou cho đến ít nhất Hè năm 2021. Trong mùa giải này, tiền đạo 32 tuổi vẫn duy trì được phong độ của mình khi đã ghi được 24 bàn sau 31 lần ra sân trên tất cả đấu trường.
Một loạt cầu thủ ở Bundesliga bị “điều tra”. LĐBĐ Đức mới đây đã ra thông báo họ sẽ điều tra hành động của các cầu thủ Jadon Sancho, Achraf Hakimi, Marcus Thuram và Weston McKennie sau vòng đấu cuối tuần qua của Bundesliga. Cả 4 đều đã có những hành động ủng hộ công lý thực thi sau cái chết của George Floyd, một người da đen tại Mỹ được cho là đã bị cố sát bởi cảnh sát. LĐBĐ Đức có quy chế phải điều tra các hành vi có liên quan đến chính trị trên sân bóng đá, nhưng dự kiến họ sẽ chỉ làm việc này lấy lệ và để yên cho các cầu thủ kia.
Liverpool hưởng ứng phong trào đòi quyền lợi cho người da đen: Sau vụ việc một người đàn ông da màu có tên George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết tại Mỹ, làn sóng phản đối nạn phân biệt chủng tộc đã nổi lên trên toàn thế giới. Mới đây, các cầu thủ Liverpool đã hưởng ứng phong trào bằng hành động quỳ gối cùng khẩu hiệu “Black Lives Matter” (người da đen đáng được sống). The Kop là đội bóng lớn đầu tiên công khai ủng hộ phong trào này.
Inter chọn xong người thay thế Lautaro Martinez: Để chuẩn bị cho sự ra đi của Lautaro Martinez, Inter Milan đã lên kế hoạch tìm người thay thế cho cầu thủ này. Theo tờ Mundo Deportivo, CLB Serie A đã nhắm đến tiền đạo Alexandre Lacazette của Arsenal. Truyền thông Anh cho biết Lacazette sẽ được phép ra đi cuối mùa giải này nếu Arsenal không giành được vé dự Champions League. Lợi dụng điều đó, Inter đã nhảy vào cuộc đua giành chữ ký của tiền đạo người Pháp. Ngoài Lacazette, Inter cũng đã đưa Edinson Cavani và Timo Werner vào tầm ngắm. Nhưng trong hai mục tiêu này, có vẻ như Werner đang hứng thú với việc chuyển đến Liverpool hơn.
Biểu tình và Covid-19 - Hai cuộc khủng hoảng chấn động nước Mỹ
Hai cuộc khủng hoảng đang tàn phá nước Mỹ: một là đại dịch Covid-19, một là những vụ cảnh sát làm chết người da đen khiến các cuộc biểu tình bùng nổ ở nhiều nơi trên cả nước.
Cuộc sống của Jimmy Mills bị tác động bởi cả 2 cuộc khủng hoảng này. Tiệm cắt tóc của anh ở khu Midtown, thành phố Minneapolis, bang Minnesota là một trong nhiều cửa tiệm nhỏ của những người da đen đang phải chật vật tìm cách sống sót qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Mills vẫn rất hy vọng, bởi sau 2 tháng đóng cửa, anh dự kiến được mở cửa trở lại từ đầu tháng 6.
Sáng 29/5, khu dân cư lân cận cửa tiệm mà Mill đã làm việc suốt 12 năm qua bắt đầu xáo trộn vì các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd và các vụ cảnh sát làm chết người Mỹ gốc Phi đang nhấn chìm Minneapolis và các thành phố trên khắp nước Mỹ. “Dịch Covid-19, và rồi đến những điều này – giống như một phát súng chí mạng”, Mills, 56 tuổi nói.
Khủng hoảng kép
Mọi sự bất ổn được châm ngòi từ một đoạn video ghi lại hình ảnh người đàn ông da đen George Floyd bị cảnh sát người da trắng Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ trong hơn 8 phút đến khi bất tỉnh. Nạn nhân sau đó được tuyên bố tử vong tại bệnh viện. Cái chết của George Floyd làm dấy lên làn sóng phẫn nộ với cảnh sát và dẫn tới các cuộc biểu tình leo thang trên khắp nước Mỹ, thậm chí lan rộng ra nước ngoài. Người dân ở Minneapolis nói rằng mọi sự bất mãn, biểu tình sau cái chết của George Floyd là hệ quả của một cộng đồng liên tục chịu đựng những thử thách trong những tuần gần đây cả bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như tình trạng bạo lực cảnh sát và bất bình đẳng sắc tộc sâu sắc.
Dịch bệnh Covid-19 vốn đã gây ra sự mất cân xứng về kinh tế và chăm sóc sức khỏe đối với các cộng đồng sắc tộc thiểu số và những người nhập cư ở Minneapolis. Cộng đồng người da đen ở Minneapolis, cũng như những người Mỹ gốc Phi trên khắp nước Mỹ bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, khi họ là những người có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn so với các nhóm khác.
Theo ước tính, người da đen chiếm ít nhất 29% các trường hợp mắc Covid-19 được xác định ở Minnesota dù họ chỉ chiếm 6% dân số của bang. Người Mỹ gốc Phi chiếm 35% số ca mắc Covid-19 ở Minneapolis, dù họ chỉ chiếm chưa đến 20% dân số của thành phố.
Các công nhân da đen, gốc Latin cũng là những người dễ bị mất việc làm hơn cả so với những nhóm khác. Nhiều người trong số họ là lao động làm việc theo giờ và chỉ được trả lương thấp. Họ bất chấp những rủi ro sức khỏe để làm việc ở các cửa hàng rau quả, các viện dưỡng lão, các nhà máy, lò mổ và các công việc không thể làm từ xa.
“Không có từ nào có thể mô tả những điều mà mọi người đang trải qua. Phần lớn trong số họ là những người nghèo và vốn đã chẳng có gì nhiều nhặn, sự tàn phá này thực sự sẽ tác động đến họ”, Mohamud Noor, dân biểu của bang Minnesota đại diện cho một quận có phần đông người Somalia và những người di cư khác, cho biết.
Phillipe Cunningham, là một thành viên hội đồng thành phố, đại diện cho khu vực nghèo ở phía bắc Minneapolis với phần đông là người da đen, Hmong và người Mỹ bản địa. Cunningham nói rằng, ông đã dành 2 tháng đấu tranh để mở cửa một khu vực xét nghiệm, đồng thời tập hợp những lời kêu gọi từ các công nhân đang gặp khó khăn vì nơi làm việc đóng cửa, cũng như các chủ cơ sở kinh doanh người da đen không thể tìm được phương hướng trong mê cung của chương trình cứu trợ liên bang.
“Căn bệnh” chưa có thuốc chữa?
Ở nhiều khu biệt lập của thành phố Minneapolis, nơi có tỷ lệ mắc Covid-19 khá cao, người dân không được tiếp cận với khẩu trang và nước rửa tay dù thị trưởng đã ra quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang bên trong các cơ sở kinh doanh từ đầu tuần trước, Jia Starr Brown, linh mục của Nhà thờ First Covenant ở trung tâm Minneapolis nói. Ngay cả những người khỏe mạnh ở Minneapolis cũng cảm thấy bất an sau một khoảng thời gian dài căng thẳng do bị buộc phải ở nhà; việc mở cửa kinh doanh cũng chỉ được áp dụng hạn chế và đi kèm với 1 danh sách dài các quy tắc về vệ sinh và giãn cách xã hội.
Brown cho biết, bà đã tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài một tòa nhà quận chiều 29/5. Bà cảm thấy được động viên khi thấy nhiều người tham gia biểu tình kêu gọi công bằng cho Floyd, dù làm vậy, bản thân họ có thể gặp những rủi ro về sức khỏe. “Đây là một nỗi đau của tập thể và nỗi đau đó phải lớn tới nhường nào thì mọi người mới đánh liều với cuộc sống của mình như vậy? Đây là điều cấp bách, không phải chỉ là về sinh mạng của một cá nhân người da đen, mà là về tương lai, về con cháu chúng ta”, bà nói.
Tyler Sit, linh mục nhà thờ New City, cho biết, nhiều người trẻ, đặc biệt là cộng đồng thiểu số, đều là các công nhân làm việc tạm thời, những người phải làm cùng lúc tới 2-3 công việc làm thêm nhưng đều thất nghiệp khi dịch bệnh bùng phát. Phải ở nhà trong lúc phong tỏa, không việc làm, không triển vọng tìm được việc trong thời gian trước mắt, họ nắm bắt các thông tin mới tốt hơn và cũng có thời gian để cân nhắc có đổ xuống đường biểu tình hay không. “Tôi đã nghe các thành viên cộng đồng nói rằng họ đang cân nhắc liệu họ có nên ra mặt hay không. Họ không muốn bị lây bệnh Covid-19 hay làm lây lan dịch bệnh nếu chẳng may họ là người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. Nhưng mọi người đều có một cảm nhận sâu sắc rằng chúng tôi phải làm gì đó vì thành phố của chúng tôi bùng cháy”, ông nói.
Từ Atlanta, Denver, New York..., nhiều người đổ xuống đường biểu tình bất chấp dịch bệnh. Họ đeo khẩu trang và những chiếc khăn vải để tránh Covid cũng như hơi cay.
Anais Nunez, một nhà tổ chức cộng đồng 31 tuổi đến từ Bronx (New York), nói cô đã bất chấp những rủi ro về sức khỏe từ một đám đông biểu tình để thể hiện tình đoàn kết với những người khác đang chống lại bạo lực cảnh sát. “Tôi đến từ Bronx, tâm chấn của tâm chấn. Chúng tôi đã chịu đựng sự đau khổ. Phải làm tất cả những điều này, nó khiến cho sự khủng khiếp còn trở nên tồi tệ hơn”, Nunez nói về khu vực có tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và tử vong do Covid-19 cao nhất của thành phố New York.
Rashawn Ray, một nhà xã hội học tại Viện Brookings nói rằng có một sự khác biệt cốt yếu giữa 2 cuộc khủng hoảng hiện nay. Dịch Covid-19, giống như những dịch bệnh trước đây, một ngày nào đó có thể sẽ tiêu tan khi có những liều vaccine hay những đột phá về y học. Trong khi đó, “Chúng tôi sẽ không bao giờ tới được nơi không còn sự phân biệt chủng tộc trong đời sống của mỗi người dân ở nước Mỹ”, Rashawn Ray nói.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 02/06/2020 là 1 AUD = 0.678 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 02/06/2020 là 1 AUD = 15,761 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày âm u, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 36 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, sáng sớm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–16 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–21 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–19 độ.
Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–14 độ.
Cẩm Nhung