Chương trình Thời sự thứ Ba, 01/10/2019

Cẩm Nhung | 01/10/2019 | 758 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Thêm nhiều loại thuốc được bổ sung vào Chương trình Phúc lợi Dược phẩm

- Caulfield: Số lượng đơn xin nhập học tại một trường đào tạo song ngữ Nhật-Anh tăng vọt

- Melbourne: Hãng Cadbury sẽ phát miễn phí 500 thanh chocolate Caramilk tại hai nhà ga lớn

- Brimbank: Hai người tử vong sau dịp cuối tuần dài vừa qua

- Alphington: Hàng chục chai rượu quý bị trộm lấy cắp từ một căn nhà ở Melbourne

- Tin Úc: Cộng đồng cư ngụ ở ven biển nước Úc sẽ phải hứng chịu hậu quả do biến đổi khí hậu

- Laverton: Điểm giao cắt đường sắt thứ 30 ở Victoria đã được phá bỏ

- Khoản trợ cấp hỗ trợ người thuê nhà của chính phủ không bắt kịp với mức tăng tiền thuê nhà

- Tin vắn

Tin thế giới:

Sáng 30/9, truyền thông Triều Tiên, tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng G77 lần thứ 43, các nước thành viên đã thông qua tuyên bố kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên. Đại diện phía Triều Tiên cũng đã có bài phát biểu với cam kết hợp tác hơn nữa với các nước G77. Bên cạnh vấn đề Triều Tiên, G77 cũng nhất trí ủng hộ thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran và các đối tác phương Tây, đồng thời lên án các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Tehran cũng như các nước khác bởi điều này gây thiệt hại về kinh tế và phát triển xã hội, đánh mất cơ hội đối thoại giữa các quốc gia. G77 là tổ chức liên chính phủ các nước đang phát triển với 134 nước thành viên, hoạt động chủ yếu trong khuôn khổ của LHQ, với mục tiêu thúc đẩy các lợi ích kinh tế chung giữa các nước thành viên.

AFP đưa tin, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 30/9 đã bảo vệ quyền của quốc gia này trong việc mua hệ thống tên lửa phòng không từ Nga bất chấp đe dọa trừng phạt từ Mỹ. Trong chuyến công du tới Washington, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết New Delhi đang thảo luận về những quan ngại của phía Mỹ nhưng từ chối dự đoán quyết định cuối cùng về số phận thương vụ S-400 của Nga. Ấn Độ, một đồng minh trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô (cũ), hồi năm 2018 đã nhất trí mua 5 hệ thống S-400 trị giá 5,2 tỷ USD, và đang trong quá trình nhận chuyển giao.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song ngày 30/9 đã kêu gọi Mỹ tiến đến đàm phán hạt nhân bằng những đề xuất mới mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận được. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Đại sứ Kim Song cho biết Triều Tiên sẵn sàng để Mỹ quyết định các cuộc đàm phán giữa hai nước trở thành cơ hội hoặc lý do làm gia tăng căng thẳng. Ông Kim Song kêu gọi Mỹ thực thi đầy đủ tuyên bố chung đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6/2018. Nội dung chính của tuyên bố này là thúc đẩy mối quan hệ mới giữa hai nước, đồng thời hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của ông Kim Song được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ khôi phục các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về tiến trình phi hạt nhân hóa vào những tuần tới.

Ngày 30/9, Iran cho hay nước này đang trong tiến trình xây dựng một kho cảng dầu trên Biển Oman, qua đó cho phép Tehran mở một đường ống dẫn dầu dành cho việc xuất khẩu dầu thô và cho phép các tàu chở dầu đi qua Eo biển Hormuz chiến lược mà không mất thêm thời gian di chuyển. Theo Bộ Dầu mỏ Iran, Công ty dầu mỏ quốc gia Iran cùng ngày đã ký hợp đồng trị giá khoảng 52 triệu USD với ba công ty dầu mỏ nước này nhằm cung cấp 50 máy bơm dầu mỏ cho đường ống dẫn dầu Goreh-Jask. Bộ Dầu mỏ Iran khẳng định việc xây dựng đường ống dẫn dầu Goreh-Jask và trạm chung chuyển dầu mỏ tại cảng Jask là một trong những kế hoạch ưu tiên của nước này. Theo hãng thông tấn chính thức Iran IRNA, hoạt động xuất khẩu dầu đầu tiên tại cảng Jask sẽ được thực hiện trong vòng 18 tháng tới.

Ngày 30/9, Cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ, tướng Mark Milley đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đảm nhiệm vai trò nhạy cảm là một cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Donald Trump. Phát biểu sau khi tuyên thệ trước sự chứng kiến của ông Trump, Tướng Milley đã khẳng định sẽ luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổng thống Trump giao phó. Về phần mình, Tổng thống Trump cũng bày tỏ tin tưởng vào khả năng của Tướng Milley trong việc đảm trách cương vị mới.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, ngày 30/9 cho biết ông sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở một phiên tòa nếu các Hạ nghị sỹ quyết định luận tội Tổng thống Donald Trump. Nếu Hạ viện thông qua bản cáo trạng, hay còn gọi là "các điều khoản luận tội" nhằm vào một Tổng thống, tiến trình luận tội sẽ được chuyển đến Thượng viện, cơ quan này sẽ mở một phiên tòa để ra phán quyết xem Tổng thống có tội hay không. Ngày 24/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích quyết định tiến hành điều tra luận tội Tổng thống của đảng Dân chủ nhằm "hủy hoại và làm tổn hại" tới sự hiện diện của ông tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra nhằm tiến hành luận tội chính thức Tổng thống Trump do ông lạm dụng quyền lực.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, song bác bỏ các cáo buộc rằng ông là người trực tiếp ra lệnh. Trả lời phỏng vấn trong chương trình "60 phút" phát sóng ngày 29/9, Thái tử Bin Salman nói rằng ông nhận trách nhiệm về vụ việc với tư cách là nhà lãnh đạo Saudi Arabia, đặc biệt là khi vụ sát hại lại do các cá nhân làm việc cho Chính phủ Saudi Arabia thực hiện. Tuy nhiên, ông nêu rõ những cáo buộc rằng chính ông ra lệnh thực hiện vụ sát hại nhà báo Khashoggi là hoàn toàn không đúng. Nhà báo Khashoggi của tờ Washington Post bị sát hại trong Lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul ngày 2/10/2018. Vụ việc đã kích động làn sóng tẩy chay trên diện rộng đối với Saudi Arabia, cũng như làm giảm uy tín quốc tế của Thái tử Bin Salman.

Ngày 30/9, Điện Kremlin tuyên bố Washington sẽ cần tới sự đồng ý của Nga để công khai những bản ghi chép nội dung các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Hôm 29/9, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cho biết, Quốc hội nước này kiên quyết muốn được tiếp cận các cuộc điện đàm của ông Trump với ông Putin và các nhà lãnh đạo khác của thế giới, viện dẫn những quan ngại cho rằng vị Tổng thống Mỹ thuộc phe Cộng hòa này có thể đã gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Trả lời báo giới, khi được hỏi về những phát biểu nói trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Nga sẵn sàng thảo luận vấn đề này với Washington, nếu họ gửi tín hiệu cho Moskva, song lưu ý rằng những tiết lộ như vậy không phải là thông lệ ngoại giao thông thường.

Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10, dù có hay không có thỏa thuận. Đây là tuyên bố vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Sajid Javid đưa ra. Ông Javid nhấn mạnh việc Anh rời EU đúng hạn mà không có thỏa thuận không phải là một kịch bản hoàn hảo nhưng thích hợp. Quốc hội Anh trước đó đã thông qua luật yêu cầu Thủ tướng hoãn Brexit trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với EU. Theo ông Javid, điều này khiến tình hình khó khăn hơn, song chính sách của Chính phủ Anh hoàn toàn không thay đổi. Anh sẽ ra đi vào ngày 31/10.

Ngày 1/10, người dân Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 – 1/10/2019). Trong sự kiện lớn này, đáng chú ý nhất là lễ diễu binh mừng Quốc khánh. Đây là sự kiện không chỉ được người dân Trung Quốc chờ đợi mà cũng được giới quan sát quốc tế quan tâm. Dự kiến có khoảng 15.000 người, hơn 160 máy bay, 580 vũ khí và các trang thiết bị quân sự tham gia lễ diễu binh xuyên qua thủ đô kéo dài 80 phút.

Hải quân Hàn Quốc ngày 30/9 thông báo, nước này và Nhật Bản cùng tham gia một cuộc diễn tập hàng hải chống cướp biển đa quốc gia ngoài khơi bờ biển Somalia trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng liên quan tới những tranh cãi về lịch sử và thương mại. Hải quân các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha và Oman đã tiến hành cuộc diễn tập chung ở vịnh Aden từ ngày 23 - 26/9, trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung thường kỳ của liên minh quốc tế này. Cuộc diễn tập bao gồm nhiều hoạt động dựa theo kịch bản đối phó với cướp biển. Tàu khu trục Kang Gam Chan của Hàn Quốc nằm trong số những khí tài được huy động cho cuộc diễn tập lần này.

Cơ quan Điều hành không lưu của chính phủ New Zealand ngày 30/9 cho biết, tất cả chuyến bay, bao gồm nội địa và quốc tế, trong không phận của New Zealand, đã phải tạm hoãn khởi hành so sự cố từ hệ thống radar. Trong một thông báo được đăng tải trên trang web của mình, Cơ quan Điều hành không lưu cho biết, vào sáng 30/9, hệ thống chuông báo cháy của radar chính của đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không ở thành phố Christchurch, New Zealand, đã bị tắt do có khói xuất hiện. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, cơ quan này đã yêu cầu tạm dừng khởi hành tất cả các chuyến bay trong không phận của New Zealand để kiểm tra. Đến nay, các hoạt động giao thông hàng không thông thường đã hoạt động trở lại trên toàn lãnh thổ New Zealand.

Tin thể thao:

MU rơi xuống vị trí thứ 10 tại Premier League: MU đã để hòa Arsenal với tỷ số 1-1 trên sân nhà Old Trafford ở vòng 7 Premier League. “Quỷ đỏ” là những người mở tỷ số nhờ công của Scott McTominay cuối hiệp 1. Nhưng sang hiệp 2, sai lầm của hàng phòng ngự đã khiến họ phải trả giá bằng bàn gỡ hòa của Aubameyang. Trong nửa giờ còn lại, hai bên chơi ăn miếng trả miếng. Tuy nhiên, sự vô duyên của các tiền đạo đã khiến trận đấu không có thêm bàn thắng nào. Hòa 1-1 có thể xem là thành công với Arsenal, khi họ chen chân vào top 4. Trong khi đó, MU rơi xuống vị trí thứ 10 trên BXH Ngoại hạng Anh.

De Bruyne bất ngờ bỏ tập mà không xin phép Guardiola: Tiền vệ Kevin De Bruyne đã vắng mặt trong buổi tập cùng Man City trước thềm trận đấu với Dinamo Zagreb ở Champions League. Không có lời giải thích nào được đưa ra cho sự vắng mặt của cầu thủ người Bỉ. Mặc dù vậy, nhiều khả năng De Bruyne đã dính chấn thương trong trận đấu với Everton cuối tuần qua. Cầu thủ 28 tuổi đã được thay ra ở phút 80 trong chiến thắng 3-1 tại Goodison Park nhưng không có dấu hiệu khó chịu gì. Chia sẻ về trường hợp của De Bruyne, HLV Pep Guardiola cũng không rõ lý do tại sao anh vắng mặt.

"Đại chiến" giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì sao trẻ Barca. Tài năng trẻ Ansu Fati “đột phá” lên đội 1 của Barcelona, ghi bàn thắng trong ngày ra mắt rồi lập kỷ lục ở cả La Liga lẫn Champions League. Hiện Ansu Fati đã được nhập tịch và có thể chơi bóng cho ĐT Tây Ban Nha. Tuy nhiên, phía Bồ Đào Nha cũng đang sẵn sàng lôi kéo viên ngọc quý của Barcelona.

HLV Solskjaer muốn MU đưa về James Maddison. MU ký hợp đồng với tiền vệ James Maddison của Leicester vào tháng 1 năm 2020, đó là mong muốn của HLV Ole Gunnar Solskjaer. Theo tờ Standard Standard, ông thầy người Na Uy đã có một cuộc họp với BLĐ Man đỏ, ông bày tỏ mong muốn được được làm việc với cầu thủ 22 tuổi.

6 đội bóng lớn tranh mua “Pirlo mới” của Italy: Không chỉ có Juventus, Napoli, Inter Milan và AS Roma theo đuổi mà cái tên Sandro Tonali còn nằm trong tầm ngắm của hai đội bóng Anh hàng đầu là Man City và Chelsea. Tiền vệ công của Brescia đã gây ấn tượng mạnh nhờ lối chơi thông minh, kỹ thuật và đầy tính đầu óc của anh. Sandro Tonali được ví von như “Pirlo mới” của Italy và giờ thì Brescia biết rằng họ đang sở hữu một cầu thủ đầy sức hút. GĐTT Fabio Paratici của Juventus thậm chí đã có những cuộc tiếp xúc và đàm phán đầu tiên với Brescia để chuyển nhượng Tonali, cầu thủ được định giá khoảng 30 triệu euro lúc này, mức giá quá “mềm” đối với những đội bóng lớn ở Châu Âu.

Milan khủng hoảng, muốn bổ nhiệm Shevchenko làm HLV: AC Milan vừa bị đội khách Fiorentina đánh bại 3-1 ở vòng 6 Serie A, hiện xếp thứ 16 trên BXH và chỉ hơn vị trí xuống hạng đúng 1 điểm. Tương lai của HLV Giampaolo bị đặt dấu hỏi lớn sau trận thua thứ 4 từ đầu mùa của Rossoneri và truyền thông Italy loan tin Milan muốn chọn cựu tiền đạo của họ là Andriy Shevchenko làm HLV trưởng mới. Ông Giampaolo dự kiến được cho thêm 1 cơ hội nữa là trận đấu với Genoa ở vòng 7 Serie A và nếu Milan vẫn không thắng, ông có nguy cơ lớn sẽ bị sa thải. Shevchenko hiện làm HLV tuyển Ukraine và còn hợp đồng tới tháng 7/2020.

MU phải chơi trên sân cỏ nhân tạo. Do SVĐ AFAS đang được sửa chữa nên AZ Alkmaar phải sử dụng sân Kyocera của ADO Den Haag để tiếp đón Man Utd ở trận đấu thứ 2 vòng bảng Europa League. Đây là SVĐ sử dụng mặt cỏ nhân tạo nên HLV Solskjaer rất lo ngại nguy cơ chấn thương của các cầu thủ.

Arsenal “chán” Mesut Oezil đến cực điểm: Theo truyền thông Anh, Arsenal đang tìm mọi cách tống khứ Mesut Oezil khỏi Emirates ngay tháng 1/2020. Tiền vệ người Đức mới chỉ 1 lần được sử dụng tại giải Ngoại hạng cho tới thời điểm này của mùa giải 2019/20. HLV Unai Emery đang tính đẩy Oezil đi khỏi Emirates ngay khi TTCN mùa Đông mở cửa vào tháng 1 tới sau khi thất bại trong việc tống khứ anh vào mùa Hè năm nay. Thậm chí, để làm cho mọi trở nên dễ dàng hơn, Arsenal sẵn sàng "hỗ trợ" trả một phần lương cho bất kỳ đội bóng nào muốn chiêu mộ Oezil. Hiện Oezil lĩnh lương 350.000 bảng/tuần ở Emirates. Barcelona được cho là đang nhắm đến cái tên Mesut Ozil theo dạng cho mượn trong tháng 1.

Hai đội bóng Serie A muốn có chữ ký của Matic: Calciomercato nói rằng Inter Milan đã để mắt tới tiền vệ Nemanja Matic của MU. Cầu thủ này đã góp mặt trong 3 trận đấu gần nhất của “Quỷ đỏ” và dẫn dắt CLB giành chiến thắng trước Astana trong trận mở màn tại Europa League. Tuy nhiên, hợp đồng của Matic với MU sẽ đáo hạn vào cuối mùa giải và Inter đang xem xét việc đưa anh về để tái hợp với HLV Antonio Conte. Inter sẽ vấp phải sự cạnh tranh gắt gao từ Juventus trong thương vụ này. HLV Maurizio Sarri cũng được cho rất muốn có chữ ký của ngôi sao người Serbia.

Kiểm soát quyền lực của Tổng thống Mỹ, bao nhiêu mới là đủ?

Liệu có nên trao quyền hạn tương đương cho các đời Tổng thống Mỹ khác nhau đang là bài toán khó đặt ra trong việc kiểm soát quyền lực của họ.

Nới lỏng kiểm soát từ sau vụ 11/9

Theo trang web chuyên giám sát hoạt động của Nhà Trắng White House Watch sự khác biệt về quyền hạn mà mỗi Tổng thống Mỹ được hưởng có thể cảm nhận rõ rệt nhất qua 2 Tổng thống của đảng Cộng hòa là George H.W. Bush (Bush “cha”) và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Theo đó, trong khi quyền lực của ông Bush “cha” bị giới hạn hoàn toàn theo những quy định chặt chẽ đối với một Tổng thống Mỹ thời hậu Nixon thì ông Trump lại là “một nhà lãnh đạo của kỷ nguyên hậu 11/9” với quyền lực được mở rộng gần như tuyệt đối mà ít chịu sự kiểm soát để đảm bảo sự cân bằng quyền lực như dưới thời ông Bush “cha”.

Giáo sư khoa Luật Đại học Mỹ Chris Edelson nhận định: “Tôi cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất chính là, những di sản của những vụ bê bối như Watergate và Irangate đã không còn tác động đến việc cần phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các Tổng thống Mỹ như trước đây nữa”.

Đáng chú ý, người tiên phong “cởi trói” quyền lực cho các Tổng thống Mỹ lại chính là George W. Bush (Bush “con”). Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 là “cái cớ không thể tốt hơn” để ông Bush “con” giành lại quyền chủ động cho một Tổng thống Mỹ sau khi Quốc hội Mỹ dưới sức ép của Chính phủ và người dân nước này vào năm 2002 thông qua “Nghị quyết về Iraq” trong đó nhấn mạnh “Tổng thống Mỹ được phép sử dụng mọi biện pháp” để đối phó với Iraq.

Cùng với việc phát động cuộc chiến chống Iraq, ông Bush “con” đã thông qua Học thuyết Hành pháp Đơn nhất do Phó Tổng thống Dick Cheney khởi xướng, trong đó khẳng định quyền kiểm soát tối cao của Tổng thống Mỹ đối với toàn bộ nhánh hành pháp của nước này bất chấp điều này bị cho là xung đột với Điều II của Hiến pháp Mỹ quy định về quyền hạn của Tổng thống nước này.

Theo Giáo sư Edelson, đây là “hành động tấn công trực tiếp vào nền tảng nhà nước pháp quyền của Mỹ và cho phép Tổng thống có quyền ‘dẹp sang một bên” luật pháp trong một số lĩnh vực cụ thể”. Dù vậy, thay vì tìm cách ngăn chặn, Quốc hội Mỹ lại khuyến khích ông Bush “con” tiếp tục thâu tóm quyền lực.

Đến lượt mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục mở rộng thêm quyền lực thông qua những quyết định cá nhân như cho phép quân đội sử dụng máy bay không người lái tiêu diệt các mục tiêu định trước, cho phép cơ quan an ninh mở rộng diện giám sát số lượng lớn hay cho phép lực lượng chức năng Mỹ có thể giam giữ tù nhân vô thời hạn.

Tổng thống Trump đang có “quá nhiều quyền hạn”?

Liên quan đến Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, Giáo sư Edelson nhận xét: “Quyền lực của ông Trump hiện đã vượt xa những gì mà những người tiền nhiệm như ông Bush và ông Obama được hưởng. Ông ấy có quyền thực hiện gần như bất kỳ điều gì ông ấy muốn. Tuy nhiên, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến việc buộc Tổng thống phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về những gì ông ấy làm”.

Cùng chung quan điểm với Giáo sư Edelson, Giáo sư Sử học Đại học Princeton Julian Zelizer lý giải: “Quyền lực của ông Trump được tăng cường một phần là do sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, nơi ông Trump thường xuyên chia sẻ thông điệp của mình. Điều này khiến Tổng thống dễ dàng tiếp cận công chúng nhưng lại không bị ai đó “gác cổng”.

Việc một Tổng thống có quá nhiều quyền hạn đã khiến các chuyên gia buộc phải đưa ra những cảnh báo về an ninh. Giáo sư Luật Đại học Mỹ Jennifer Daskal nhận định: “Quyền lực quá lớn đã khiến Tổng thống đưa ra những quyết định then chốt về quân sự mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội”. Theo Giáo sư Daskal, Tòa án Tối cao và Quốc hội Mỹ cũng “có một phần trách nhiệm” trong việc này: “Có rất nhiều lĩnh vực mà cả Tòa án và Quốc hội Mỹ rất bị động trong việc kiểm soát quyền lực của Tổng thống, trong đó có cả những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia”.

Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Turley nhận định: “Quyền hạn của Tổng thống Mỹ đã được mở rộng liên tục trong hàng chục năm qua và giờ rất khó để các nhà lập pháp và Tòa án có thể giới hạn quyền lực của Tổng thống để đảm bảo sự cân bằng về quyền lực theo mô thức Tam quyền phân lập”. Giáo sư Turley cảnh báo, trong lịch sử nước Mỹ, chưa có một Tổng thống nào dễ dàng chấp nhận từ bỏ quyền lực được gia tăng từ các đời Tổng thống tiền nhiệm. Chính vì thế, theo Giáo sư Turley, một câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là liệu Quốc hội và Tòa án Tối cao Mỹ có buộc được ông Trump hoặc người kế nhiệm ông ấy phải làm điều này?

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 01/10/2019 là 1 AUD = 0.675 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 01/10/2019 là 1 AUD = 15,705 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Tư tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ.

Tại Adelaide, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 20-50 km/h. Nhiệt độ dao động từ 17–29 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, buổi sáng có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–25 độ.

Tại Sydney, trời nắng, sáng sớm có sương mù ở khu vực phía Tây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–24 độ.

Tại Melbourne, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–25 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này