Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ: Khó kỳ vọng đột phá lớn

| 05/04/2017 | 318 Lượt nghe

 

Cuộc gặp thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi mối quan hệ giữa hai nước đang ở vào quỹ đạo không tốt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi cuối tháng 1.

Trong khi đó, còn rất nhiều ràng buộc về lợi ích giữa hai nước buộc hai bên phải cùng nhau bàn thảo, thỏa hiệp lẫn nhau. Đó chính là nội dung chính trong cuộc gặp lần này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ: Khó kỳ vọng đột phá lớn
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Chính sách thương mại “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump nổi bật lên hai vấn đề chính là tập trung mang lại việc làm cho người dân và bảo vệ quyền lợi thương mại của Mỹ, nói cách khác là giảm thâm hụt thương mại với một số đối tác chính.

Đối với Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất, chính quyền Trump đã đưa ra hàng loạt các tuyên bố đe dọa trả đũa như áp thuế biên giới, đưa vào danh sách thao túng tiền tệ để có thể áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt.

Theo Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Mỹ sẽ giải quyết thâm hụt thương mại với từng quốc gia, chú trọng giải quyết nguyên nhân có thể như “các thỏa thuận thương mại gian lận”, các hạn chế của Tổ chức thương mại thế giới hay chính sách tỷ giá không công bằng.

Chính vì thế, đề giải quyết thâm hụt thương mại, Tổng thống Trump có thể đề cập đến một số giải pháp như yêu cầu Bắc Kinh thả nổi tỷ giá đồng nhân dân tệ, mở cửa hơn nữa thị trường nội địa, đối xử bình đẳng với các công ty của Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia kinh tế, giảm thâm hụt thương mại, không có nghĩa là giảm xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ mà là tăng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc hiện nay vẫn ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư vào nhiều lĩnh vực mang tính nhạy cảm nhưng các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ vẫn có cơ hội tăng thị phần.

Được xem là mâu thuẫn chính của chính quyền Trump trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng đây là vấn đề có khả năng sẽ đạt được những kết quả cụ thể trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.

Xử lý vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump. Mặc dù tuyên bố “cách tiếp cận mới” đối với vấn đề này nhưng các biện pháp đang được chính quyền Trump áp dụng vẫn dựa trên nền tảng chính sách từ thời Tổng thống Obama với một số điều chỉnh cụ thể.

Bên cạnh việc siết chặt các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên, chính quyền Trump đang nỗ lực gây sức ép, cả gián tiếp và trực tiếp nhằm vào Trung Quốc, quốc gia được coi là có ảnh hưởng lớn nhất đối với Bình Nhưỡng.

Mục tiêu của chính quyền Trump là buộc Trung Quốc ép Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, hoặc ít nhất, cũng là các tuyên bố có lợi cho Mỹ. Thậm chí, nhiều ý kiến trong giới phân tích Mỹ còn cho rằng, chính quyền Trump đang sử dụng vấn đề Đài Loan, căng thẳng Biển Đông, biển Hoa Đông để "mặc cả" với Trung Quốc về Triều Tiên.

Ngoài ra, không chỉ tăng cường hối thúc Trung Quốc hợp tác, chính quyền Trump còn tuyên bố sẵn sàng đơn phương giải quyết vấn đề Triều Tiên để gây sức ép với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khả năng đạt được các thỏa thuận cụ thể về vấn đề Triều Tiên là không nhiều khi cuộc gặp sắp tới giữa lãnh đạo hai nước chưa phải là thượng đỉnh chính thức và mục đích chỉ là thăm dò quan điểm lẫn nhau.

Trung Quốc đến nay vẫn duy trì chính sách đảm bảo ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tăng cường quan hệ truyền thống với Bình Nhưỡng trong khi thực tế cho thấy nước này cũng ít khi đột ngột thay đổi lập trường của mình.

Chưa có đột phá lớn nhưng chắc chắn cuộc gặp sắp tới sẽ mở ra một giai đoạn mới trong giải quyết khủng hoảng Triều Tiên. Cuộc gặp này sẽ góp phần định hình chính sách đối với Triều Tiên của cả Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới./.

 

Theo vov

Đánh giá bản tin này