Chính sách bảo hộ thương mại của Donald Trump dần hé lộ?
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành hai sắc lệnh, theo đó, các quan chức thương mại được chỉ đạo tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ở nước này 500 tỷ USD mỗi năm; kiểm tra đánh giá cụ thể các đối tượng quốc gia, sản phẩm và quan hệ giao thương, nhằm định hình lại chính sách thương mại của Mỹ theo hướng “chống gây hại cho kinh tế Mỹ”.
Từ việc tìm nguyên nhân thâm hụt…
Sắc lệnh đầu tiên (có thể gọi là thương mại không công bằng), được xem là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng chính sách thương mại của người tiền nhiệm Obama mà ông Trump cho là không công bằng, sẽ được công bố trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung và đối thoại kinh tế cấp cao Nhật – Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành hai sắc lệnh nhằm định hình lại chính sách thương mại của Mỹ. (Ảnh minh họa: Internet) |
Sắc lệnh thứ hai (có thể gọi là chống bán phá giá), yêu cầu các quan chức thương mại Mỹ đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài do trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp.
Phát biểu trong cuộc họp báo trước khi ký các sắc lệnh, Tổng thống Donald Trump khẳng định động thái trên sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh của lĩnh vực chế tạo Mỹ, ông nói: “Chúng ta sẽ bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước và tạo ra một sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ...”
Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) có trách nhiệm nghiên cứu về mức thuế quan của các nước đối tác, những rào cản phi thuế quan, trợ cấp chính phủ, vấn đề quyền sử hữu trí tuệ cùng những hình thức giao dịch thương mại đi ngược với lợi ích của nước Mỹ trong vòng 90 ngày.
Trong báo cáo thường niên về “Ước tính tình hình thương mại hàng hoá quốc gia đối với các vấn đề rào cản thương mại quốc tế năm 2017” được công bố ngày 31/1, USTR đã chỉ trích Tokyo về các rào cản lớn trong sản phẩm nông nghiệp và ôtô. Còn Trung Quốc cũng bị chỉ trích về tình trạng công suất dư thừa trong ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm, do các chính sách hỗ trợ của Bắc Kinh gây ra.
Theo Bộ trưởng Ngoại thương Mỹ Wilbur Ross, trong vòng 3 tháng tới đây sẽ thiết lập một danh sách “từng quốc gia, từng món hàng, từng trường hợp gian lận” trong giao dịch với Mỹ.
Các châu lục đều bị đặt trong tầm nhắm của Mỹ. Tuy nhiên, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ, Đài Loan, Indonesia và Canada được Mỹ coi là trọng điểm.
Đến tái tái định hình thương mại…
Con số thâm hụt thương mại khoảng 500 tỷ USD mỗi năm là bằng chứng để ông Trump đưa ra các sắc lệnh này, Tổng thống Mỹ Trump đang nỗ lực tái định hình chính sách thương mại của Mỹ với mục tiêu bảo hộ nhiều hơn cho nền kinh tế Mỹ, điều mà ông đã nhiều lần nói đến trong chiến dịch tranh cử.
Phát biểu sau khi ký hai sắc lệnh, ông Trump nhấn mạnh tình trạng “đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ sẽ chấm dứt”, đồng thời tuyên bố chính quyền của ông sẽ có hành động cần thiết và hợp pháp để chấm dứt các vụ lạm dụng thương mại. Ông Trump cũng cho rằng “hàng nghìn nhà máy đã bị đánh cắp khỏi đất nước” và cam kết tạo “sân chơi công bằng” cho người lao động Mỹ.
Trước đó, ông Trump đã từng gọi Trung Quốc là “nhà vô địch thao túng tiền tệ” khi cố tình giữ giá trị nội tệ thấp hơn USD khiến hàng xuất khẩu rẻ hơn, đánh cắp công ăn việc làm ngành sản xuất của Mỹ. Vì thế, ông Trump dự kiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ “rất khó khăn”.
Và sự phản ứng từ các nước…
Tại châu Âu, Đức là quốc gia phản ứng mạnh nhất. Ngày 6/2 Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thể hiện rõ lập trường của Berlin phản đối mọi hành động đơn phương nhằm đánh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này, trong bối cảnh Mỹ đe dọa áp thuế đối với các loại ô tô của Đức xuất sang thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Đức Brigitte Zypries lưu ý Washington rằng, lý do làm cho cán cân ngoại thương Mỹ - Đức, nghiêng về phía Đức và tăng gấp đôi trong 10 năm, từ khoảng 28,8 tỷ Euro năm 2006 lên 49 tỷ Euro năm 2016 không phải vì nước ngoài mà một phần là do lỗi xí nghiệp Mỹ cạnh tranh yếu.
Trung Quốc cũng đã phản ứng dữ dội với phát ngôn của ông Trump và nói rằng sự mất cân bằng trong thương mại Mỹ - Trung chủ yếu là kết quả của sự khác biệt giữa cấu trúc kinh tế và giai đoạn phát triển của hai nước.
Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni trước những chỉ trích của Mỹ rằng Roma “lạm dụng tự do mậu dịch” cho biết, tại hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 5 tới đây tại Sicile, khi có tổng thống Mỹ tham dự, ông sẽ kêu gọi “tái xác định niềm tin vào kinh tế tự do và xã hội rộng mở” cội nguồn của sự phồn vinh từ nhiều thập niên qua.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tổ chức các cuộc họp ở Brussels để bàn luận về một thỏa thuận thương mại giữa EU và Nhật Bản, trong đó cả bà Merkel và ông Gentiloni đều tỏ ra ủng hộ nhiệt tình việc duy trì chính sách thương mại tự do.
Tại Bắc Mỹ, Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau tuy không muốn đối đầu với Donald Trump nhưng cũng khẳng định chủ trương của Ottawa là “tăng trưởng đồng đều”.
Như vậy, với chủ trương “Chống gây hại cho kinh tế Mỹ”, Tổng thống Donald Trump đã có những động thái đầu tiền nhằm làm rõ nguyên nhân thâm hụt thương mại và định hình lại chính sách mà ông gọi là “thương mại công bằng”. Theo đó, các biện pháp bảo hộ mậu dịch đã dần hé lộ. Khiến nhiều đối tác lớn của Mỹ cũng tỏ ra quan ngại và phản ứng gay gắt./.
Theo vov