Chiến lược mới của Nga-Iran, quyết thắng ván cờ Trung Đông 2017

| 31/03/2017 | 344 Lượt nghe

 

Nga và Iran đang cố gắng điều chỉnh mục tiêu, thu hẹp những khác biệt để đối phó với những thách thức ở Trung Đông trong năm 2017.

Chiến lược mới của Nga-Iran, quyết thắng ván cờ Trung Đông 2017
Nga và Iran có mục đích chung là giúp đỡ Syria chống các thế lực ngoại bang nhưng có quan điểm khác biệt về vấn đề “đi hay ở” của ông Assad

Liên minh vì những lợi ích chung

Một phái đoàn Iran, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hassan Rouhani, đã tới Moscow vào hôm 29/3 để đàm phán với các đối tác Nga. Đây là chuyến đi thu hút sự quan tâm của giới phân tích, bởi tình hình Syria và Trung Đông đang có những diễn biến phức tạp.

Tehran và Moscow là các nước đồng minh trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, và các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa lãnh đạo Nga và Iran có thể được coi là đỉnh cao của các hoạt động ngoại giao của hai bên trong quý I năm 2017.

Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Nga đã tổ chức các cuộc hội đàm với hầu hết các nhà hoạt động bên ngoài và nội bộ ở Trung Đông, để trình bày quan điểm của Moscow và làm rõ quan điểm của các đối tác đối với cuộc xung đột Syria.

Sự phát triển trong tình hình tháng 3 đã chỉ ra rằng, rõ ràng là nhiều bên đã không đạt được sự đồng thuận với nhau về tình hình xung đột ở Syria. Hơn nữa, một số quốc gia và ngay trong nội bộ một quốc gia đang có những ý kiến ngày càng trở nên khác nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã mở rộng sự ủng hộ của họ cho các nhóm khủng bố và phiến quân đối lập. Không những thế, Tel Aviv và Ankara còn tăng cường sự tham gia quân sự của họ trong cuộc xung đột này.

Diễn biến tình hình mới đầy phức tạp buộc Moscow và Tehran phải điều chỉnh kế hoạch cho chiến dịch của mình ngay đầu mùa xuân năm 2017. Bên cạnh đó, hai bên cũng có một chương trình nghị sự đa dạng phải thảo luận với nhau.

Vấn đề cốt lõi đối với liên minh Nga-Iran ở Syria là mối quan ngại chung về các mối đe dọa an ninh từ các nhóm khủng bố và các đối thủ địa-chính trị như Mỹ, Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường sử dụng các nhóm khủng bố và đối lập ôn hòa để thay thế cho họ, nhằm gây áp lực đối với các đối thủ.

Syria và Iraq là những mục tiêu truyền thống của những nước phương Tây nhằm phục vụ cho lợi ích của họ ở Trung Đông. Điểm nóng hiện tại ở khu vực này rất gần biên giới với Iran và nằm cách biên giới của Liên bang Nga 700 km, cách biên giới của Liên Xô cũ 450 km

Một số chuyên gia tin rằng, một số nước phương Tây đang thực hiện những bước đi để đạt được mục đích cuối cùng là kiểm soát hoàn toàn 2 quốc gia Syria và Iraq. Họ thực hiện một số biện pháp gây mất ổn định, nội chiến ở các quốc gia này, tạo nên cục diện "hỗn loạn có kiểm soát".

Các loại cấu trúc khủng bố giống như Nhà nước Hồi giáo IS, xuất hiện vì những thí nghiệm của phương Tây đã nhanh chóng bành trướng thế lực vô cùng lớn trong khu vực, vượt quá sự mong đợi của “ông chủ”, đến độ “không thể kiểm soát được”.

Những khác biệt giữa Nga và Iran

Xuất phát từ mối đe dọa ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố đội lốt Hồi giáo Sunni có tổ chức và có ý thức hệ cao, đã dẫn tới việc Moscow và Tehran buộc phải thành lập liên minh quân sự, Tehran còn sẵn sàng mở cửa tất cả các sân bay quân sự cho máy bay Nga.

Tuy nhiên, Moscow và Tehran có thể có những cách tiếp cận khác nhau ở cấp độ hoạt động. Ví dụ như họ có quan điểm khác nhau đối với việc duy trì quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad.

Thứ nhất là: Iran giữ quan điểm là duy trì hiện trạng hiện tại (cả về lãnh thổ đất nước lẫn chính quyền hiện tại của Syria), trong khi Nga không loại trừ việc thành lập một chính phủ liên hiệp đại diện cho lợi ích của các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau ở Syria.

Thứ hai là: Moscow và Tehran có khả năng thương lượng khác nhau trong trường hợp hợp tác với các đối tác khác trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia và Qatar. Vấn đề này được xác định bởi một số yếu tố sắc tộc, tôn giáo và lịch sử.

Thứ 3 là: Sự khác biệt đáng kể trong mức độ chịu đựng những áp lực của các đối thủ toàn cầu, mà Moscow và Tehran có thể đối mặt, cùng với khả năng gây sức ép ngược lên các nước phương Tây và các đồng minh Ả rập của họ.

Nga có khả năng chịu áp lực cao hơn hẳn so với Iran, vì vai trò của Điện Kremlin trong chính trị thế giới, lãnh thổ địa lý rộng lớn, hệ thống chính trị dân chủ, cấu trúc đa sắc tộc và đa tôn giáo của dân số, và sự tham gia của Nga vào các xung đột quan trọng khác.

Tuy nhiên, những khác biệt này có thể thương lượng và không ảnh hưởng đến bản chất chung của sự hợp tác quân sự và chính trị giữa hai cường quốc, điều này xuất phát từ những lợi ích chung của Iran và Nga trong khu vực.

Giới phân tích dự báo, mô tả các mục tiêu và mục tiêu mà mỗi bên có trong năm 2017 như sau:

Chính sách của Nga năm 2014

Về mặt ngoại giao:

Thứ nhất: Nga có thể sẽ tiếp tục cố gắng điều chỉnh chính sách giải quyết cuộc xung đột Syria với Hoa Kỳ nhằm hy vọng có được sự hợp tác thực chất trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria; đồng thời thu hẹp tối đa những bất đồng trong vấn đề các nhóm đối lập ôn hòa.

Thứ hai: Moscow sẽ sử dụng các cơ hội mở ra thông qua hợp tác chiến lược với người Kurd.

Liên quan đến vấn đề người Kurd, Nga sẽ tích cực đóng góp vào bất kỳ nỗ lực nào giúp tạo ra và củng cố sự tin tưởng giữa chính quyền Damascus và giới lãnh đạo người Kurd. Mục tiêu là để có được một tầm nhìn chung về trật tự chính trị sau chiến tranh ở Syria bao gồm cả lợi ích của người Kurd.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được nếu thiết lập một liên minh thực tế giữa lực lượng chính phủ và quân đội người Kurd.

Thứ ba: Putin sẽ tiếp tục hợp tác với Erdogan để ngừng hoặc chí ít là giảm dòng vũ khí và đạn dược từ Ankara cho các nhóm chiến binh khác nhau ở tỉnh Idlib của Syria. Một vấn đề quan trọng là cần phải tách các nhóm chiến binh ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ từ các tổ chức liên quan đến al-Qaeda.

Thứ tư: Nga cũng sẽ tích cực mở rộng vai trò của mình như là một trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột ở Trung Đông khác, ví dụ như ở Iraq, Palestine và Yemen. Điều này sẽ làm tăng ảnh hưởng lên Israel, ngăn cản nó tiến hành các chiến dịch đơn phương chống lại Damascus, hoặc ít nhất là hạn chế chúng.

Về mặt quân sự, Nga có những mục tiêu sau cho năm 2017:

Thứ nhất là: Đánh bại hoàn toàn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Thứ hai là: Phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của mình tại căn cứ hải quân thường trực ở Tartus và căn cứ không quân Hmeymim.

Thứ ba là: Tăng cườngthực lực cho lực lượng vũ trang Syria.

Thứ tư là: Hạn chế sự mở rộng phạm vi hiện diện của Mỹ tại Syria thông qua việc mở rộng khu vực các hoạt động quân sự của chính phủ Syria tại các tỉnh Raqqa và Deir Ezzor.

Thứ năm là: Hạn chế sự mở rộng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc Syria và tiếp tục phát triển quan hệ với người Kurd.

Chính sách của Iran trong năm 2017

Về ngoại giao:

Thứ nhất là: Tehran sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường các lực lượng ủng hộ Iran ở Syria, bao gồm cả chế độ Assad, như một thành phần chính của một vành đai các nước theo dòng Shia.

Thứ hai là: Iran cũng sẽ tập trung nỗ lực vào việc ổn định Iraq, dẫn đầu bởi chính phủ Shia và được bảo vệ bởi các lực lượng quân đội chủ yếu là Shia.

Thứ ba là: Tehran sẽ thông qua tất cả các biện pháp có thể để chống lại các hành động của các chế độ quân chủ vùng Vịnh và Hoa Kỳ, cùng với Israel, mà trực tiếp là hỗ trợ lực lượng phiến quân Houthis tại Yemen.

Thứ tư là: Trong khuôn khổ cuộc đối đầu giữa các nước Ả-rập và Israel, Iran sẽ tiếp tục bám chắc vào quan điểm họ hoạt động vì lợi ích của người Palestine.

Tehran sẽ đóng góp vào các nỗ lực quân sự và ngoại giao để tăng cường ảnh hưởng của Hezbollah trong khu vực và giúp Hezbollah giành được sự thừa nhận pháp lý quốc tế là một lực lượng chính trị và quân sự hợp pháp ở Trung Đông.

Về kinh tế:

Sự trừng phạt về kinh tế là trở ngại chính cho Tehran. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong thời gian qua đã tăng cường hợp tác với Israel và coi Iran là mối đe dọa then chốt đối với lợi ích của Washington và Tel Aviv trong khu vực Trung Đông.

Thực tế chính trị này không phải là điều tốt cho triển vọng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt kinh tế Iran trong tương lai gần. Trong khi đó, quan hệ Iran-EU đang theo đuổi một chương trình nghị sự khác và Tehran có thể mong đợi một bước đột phá kinh tế ở lục địa già.

Chiến lược mới của Nga-Iran, quyết thắng ván cờ Trung Đông 2017

Tiêu diệt khủng bố và phân rã đối lập là mục tiêu chung của Nga và Iran

Về quân sự:

Các mục tiêu quân sự của Iran trong khu vực năm 2017 bao gồm:

Thứ nhất: Quyết tâm đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Thứ hai: Sự tan rã của các nhóm đối lập Sunni ở Syria là điều rất quan trọng đối với sự tồn tại của chế độ Bashar al-Assad, đặc biệt là ở vùng nông thôn Damascus, ở các tỉnh Homs và Daraa. Ít nhất, Iran sẽ phấn đấu đẩy các nhóm này chuyển đến tỉnh Idlib.

Thứ ba: Tăng cường hỗ trợ nhân lực và vật lực cho các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria với sự quan tâm đặc biệt đến việc tăng cường sự hình thành các nhóm quân sự của Iran và người Shia trong các Lực lượng Vũ trang Syria.

Thứ tư: Phát triển cơ sở hạ tầng của Hezbollah ở Syria.

Thứ năm: Phát triển cơ sở của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ở Syria, tương tự như các căn cứ quân sự của Nga ở đây.

Kết luận:

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, Nga và Iran có các mục tiêu quân sự chung, và ít nhất cũng không có sự khác biệt lớn đến mức độ không thể hòa giải được.

Về chương trình nghị sự chính trị và ngoại giao nói chung, tình hình tương đối giống nhau; tuy nhiên, có thể có một số khác biệt. Những khác biệt này có thể xuất hiện như là kết quả của sự khác biệt ở mức độ khác nhau về nhãn quan tình hình trong khu vực.

Iran là một nhà hoạt động chính trong khu vực với lịch sử của riêng mình, trong khi Nga là một cường quốc địa-chính trị lớn liên khu vực, với những mối liên kết nhằng nhịt.

Các yếu tố kinh tế và năng lượng cũng có thể đóng một vai trò rất quan trọng. Đây là lý do tại sao liên minh phải hoạt động trong mối quan hệ gần gũi với nhau cả về chính trị-ngoại giao-quân sự và kinh tế, để đáp ứng nhanh chóng với những thách thức luôn luôn hiện hữu.

Nếu muốn thành công ở trong ván cờ địa chính trị Trung Đông, cả Nga và Iran đều phải làm rõ các lợi ích quan trọng của mình trong sự tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau, cùng trao đổi quan điểm và phát triển một cách tiếp cận thực dụng và hợp tác trong lĩnh vực an ninh khu vực.

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này