Brexit mới khởi động đã gặp khó vì… tranh chấp lãnh thổ?
Tuyên bố này được Thủ tướng Anh Theresa May đưa ra hôm Chủ nhật 2/4 nhằm phản ứng lại với bản kế hoạch “định hướng đàm phán” được Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk đưa ra cuối tuần trước.
Vị trí của Gibraltar (chấm đỏ) nằm sát Tây Ban Nha và cách xa nước Anh. Ảnh: Google Maps. |
Bản kế hoạch này vạch ra các chủ đề mà Liên minh châu Âu coi là ưu tiên trong các đàm phán với Vương quốc Anh về Brexit trong 2 năm tới. Một trong các chủ đề gây chú ý là việc EU đề xuất Tây Ban Nha được có tiếng nói trong mối quan hệ giữa hòn đảo Gibraltar với các nước thuộc Liên minh sau khi Brexit hoàn tất.
Đề xuất này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Luân-đôn. Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà đã đàm thoại với Thủ hiến Gibraltar, Fabian Picardo và hai bên thống nhất sẽ không có chuyện nước Anh từ bỏ chủ quyền ở Gibraltar cho một nước khác nếu như người dân đảo quốc này không bày tỏ nguyện vọng đó một cách tự do và dân chủ.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson cũng đã tuyên bố mạnh mẽ rằng Gibraltar không phải món hàng trao đổi và không phải để bán.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Alfonso Dastis cho biết Tây Ban Nha hài lòng trước việc Liên minh châu Âu đưa chủ đề Gibraltar vào định hướng đàm phán với Anh nhưng nước này cũng không có ý định đóng cửa biên giới với Gibraltar, nơi đang có khoảng 10.000 người Tây Ban Nha sinh sống và làm việc.
Từ nhiều năm nay, Gibraltar là chủ đề gây căng thẳng giữa Anh và Tây Ban Nha do những tranh cãi về vấn đề chủ quyền.
Gibraltar được Tây Ban Nha nhượng lại cho người Anh từ năm 1713. Chính quyền Ma-đờ-rít luôn có ý định thuyết phục Gibraltar trở lại Tây Ban Nha nhưng trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2012, người dân Gibraltar vẫn quyết định sẽ thuộc về chủ quyền của Vương quốc Anh.
Tuy là hòn đảo nhỏ, chỉ rộng 6,7 km2 với 33.000 dân nhưng Gibraltar nằm ở vị trí chiến lược gần eo biển Gibraltar nối Đại Tây Dương với Địa Trung Hải. Hòn đảo này cũng được biết đến là một thiên đường thuế./.
Theo vov